Chương 01
-
Đuổi Quân Mông Thát
- Hoàng Quốc Hải
- 3557 chữ
- 2020-05-09 09:21:54
Số từ: 3554
Nén giận, Thái tông dẫn công chúa Thụy Bà vào nội điện. Sai nội thị dâng trà rồi nhà vua hỏi:
- Việc chị vừa nói là nghe người ta đồn vậy hay đích thị là như vậy?
- Giời ơi bệ hạ, còn nghe gì nữa. Gia nô nhà tôi hầu hạ thằng Quốc Tuấn, nói đã mấy bữa nay nó bỏ cơm. Chiều tối hôm qua hỏi dò mấy đứa gia nô về lễ cưới hỏi của Thiên Thành. Thế rồi nó uống hết cả một hũ rượu, dắt đoản đao lên giường vờ ngủ. Thấy nghi nghi, lũ gia nô bảo nhau theo sát. Đến nửa đêm Quốc Tuấn lẻn đi, chúng nó theo sang tới cung nhà Nhân Đạo vương thì Quốc Tuấn vượt tường nhảy vào. Chó cắn như vãi thóc rồi quân canh hô hoán. Lũ gia nô thấy nguy cho tính mạng của Quốc Tuấn, nên chạy tháo thân về báo cho chị liền. Thôi thôi bệ hạ, không bàn bạc gì nữa, bệ hạ cho người đi giải cứu ngay đi, không tính mệnh thằng bé nguy mất.
Nói xong, Thụy Bà sùi sụt khóc, khiến Thái tông rối cả ruột. Nhà vua bèn cho triệu Chi hậu cục chánh chưởng Trần Bất Cập vào cung.
Trần Bất Cập là người hai mươi sáu năm về trước cùng được tiến vào triều Lý Chiêu Hoàng, làm Cận thị thự lục cục chi hậu với nhà vua (lúc ấy là Trần Cảnh). Cập là người tính tình ôn thuận lại có lòng trung thành thờ chúa, nên việc hầu hạ Chiêu Hoàng hết lòng, sau này chuyển sang hầu cận Thái tông không mảy may sơ sót. Đối với nhà vua, Trần Bất Cập vừa là người trong nội tộc, lại vừa là nghĩa vua tôi quyến luyến. Nhiều lúc nhà vua cũng băn khoăn muốn cất nhắc vào chức này chức khác, ngặt vì Bất Cập vừa khiếm học lại khiếm tài, không thể cắt đặt vào làm người thân tín để sai bảo, nhưng bổng lộc thì ưu hậu, cho hưởng ngang với các hàng quan tam, tứ phẩm.
Trần Bất Cập năm nay đã gần năm mươi tuổi, người gầy đét, khô xác như một con mèo già chết cóng, duy đôi mắt là có hồn. Khác với các vị trung quan thường mưu mô ác độc hoặc xu nịnh, bè cánh, Trần Bất Cập là một người sống có tình, thương người nghèo, giúp người khó, nâng đỡ người rủi ro bất hạnh. Ông vừa ló vào cửa nội điện đã cất giọng the thé:
- Bệ hạ có việc gì mà triệu thần vào cung sớm thế?
Chợt nhìn thấy nét mặt nhà vua nghiêm trang, còn Thụy Bà thì nước mắt chảy dài trên hai gò má, Trần Bất Cập hốt hoảng quỳ tâu:
- Thần hồ đồ quá! Xin bệ hạ tha tội chết.
Nhà vua bèn kể lại sự việc Quốc Tuấn bên nhà Nhân Đạo vương rồi ban ý:
- Khanh sang bên đó xem sự thể ra sao, an ủy Nhân Đạo vương rồi đưa Quốc Tuấn với Thiên Thành về đây. Nói xong nhà vua liền mở hộp ngà lấy tín bài trao cho quan Chi hậu cục chánh chưởng. Lại dặn tiếp - Khanh thay ta thu xếp cho an ổn. Việc này lỗi ở Quốc Tuấn chứ nhà Nhân Đạo vương không can dự gì. Việc ta gả Thiên Thành cho Trung Thành vương cả triều đình đều biết.
Lại nói Quốc Tuấn đang đêm vượt tường vào trong cung nhà Nhân Đạo vương bị đàn chó ngao sủa inh ỏi, đám tì nữ theo hầu công chúa Thiên Thành vội soi đèn xem kẻ nào dám cả gan lẻn vào trộm đạo, thấy Quốc Tuấn đang đứng nép vào một góc tường, tay thủ đoản đao nhằm đối phó với lũ chó, đám tì nữ vừa xua chó vừa bưng miệng cười. Lại biết chủ mình vốn là bạn thân với Quốc Tuấn, và là người trong nội tộc của hoàng gia nên lũ a hoàn dẫn luôn Quốc Tuấn vào ra mắt Thiên Thành.
Vừa trông thấy Quốc Tuấn, Thiên Thành đã ôm chầm lấy cổ chàng và sóng lệ trào tuôn. Nàng nói qua tiếng nấc, giọng nũng nịu, trách móc - Thế mà chàng bảo sẽ cưới thiếp trước khi nhà Trung Thành vương có lời dạm hỏi với quan gia. Chàng lại còn nói, nếu không cưới được thiếp thì cùng nhau bỏ đi trốn. Vậy chớ chàng vào đây để dự lễ cưới của ta chăng?
Công chúa chợt buông tay ẩy khuôn mặt Quốc Tuấn ra. Hai người nhìn nhau như chưa bao giờ họ nhìn nhau đắm đuối thế.
Dưới ánh đèn lồng, nom gương mặt công chúa như được rửa bằng một thứ nước trong veo như rực rỡ hẳn lên. Đôi tròng mắt lấp lánh ánh nước tựa như hai viên ngọc minh châu, khiến ta có cảm giác ánh sáng trong căn phòng này được tỏa ra từ đôi mắt thiên thần kia, chứ không phải từ nơi những chiếc đèn lồng. Và Quốc Tuấn vẫn đăm đắm ngắm nàng, gương mặt chàng bình thản như lúc hai người đang say ngắm mặt hồ Dâm Đàm sau những ngày chàng học hành căng thẳng nơi Giảng Võ đường. Quốc Tuấn chợt mỉm cười và đặt lên má Thiên Thành một nụ hôn. Hai người lại ôm cuộn lấy nhau như hai thân rắn cuốn vào nhau mùa giao phối.
Đám tì nữ bấm nhau lui ra ngoài.
Quốc Tuấn dìu công chúa vào giường, lá màn the buông xuống. Mấy ả thị tì tinh ý khẽ vào trong nhà nhón chân thổi tắt mấy ngọn bạch lạp. Và chúng ở cả ngoài hiên canh gác cho cô chủ, lỡ khi Trung Thành vương có đột ngột ghé thăm.
Quốc Tuấn ôm gọn Thiên Thành vào lòng, ghé môi hôn và nói lời dịu ngọt:
- Sao ta có thể bỏ nàng được. Người quân tử không nói hai lời. Nhưng ta hỏi, Trung Thành vương đã chung thân với nàng chưa? Vừa hỏi, Quốc Tuấn vừa rời nàng ra khỏi vòng tay.
- Thì thiếp đã chẳng hứa với chàng, thà chết thiếp cũng không chung thân với Trung Thành vương sao.
- Thế nàng bị đón vào đây mà hắn để yên à?
- Đôi ba lần Trung Thành vương có ghé qua đây thăm thiếp, có buông lời bả lả. Nhưng em thiếp nếu chàng tỏ ra sàm sỡ trước khi làm lễ kết tóc, thì lập tức thiếp sẽ xin với quan gia để từ hôn. Vì vậy Trung Thành vương không dám làm gì thiếp nữa.
Nghe xong Quốc Tuấn bèn ôm chặt lấy Thiên Thành, xiêm y trút bỏ và họ thật sự hưởng trọn đêm tân hôn, mặc dù nhà Nhân Đạo vương đang tấp nập lo chu tất lễ cưới cho con trai mình với công chúa. Trớ trêu thay, trong khi đó, tại cung Minh Long, Trung Thành vương đang khắc khoải chờ hai ngày nữa trôi qua, lễ kết tóc xong là chàng sẽ cùng công chúa động phòng hoa chúc.
Trần Bất Cập đi rồi, chỉ còn hai chị em nhà vua. Nhìn gương mặt Thái tông cau có, biết nhà vua lâm vào tình trạng khó xử, công chúa Thụy Bà động tâm liền nói:
- Để xảy ra chuyện này lỗi tại chị. Chẳng là Quốc Tuấn ở với chị, Thiên Thành hay mượn cớ đến thăm chị, thăm cháu. Chị vẫn nghĩ máu mủ thường tình, cô cháu nó quyến luyến nhau, ai ngờ sự thể lại đến nông nỗi này. Hay là bệ hạ cứ khiển trách chị để làm yên lòng các quan, cũng là để giữ gìn gia đạo, cả để nghiêm phép nước nữa. Tội gì chị cũng xin chịu, đánh trượng, đày đi viễn châu, tịch thu gia sản, chị chịu hết.
- Giời ơi chị nói cái gì thế, tôi đang rối ruột đây. Bây giờ có cách nào gỡ ra được không?
Lỡ to tiếng với chị, Thái tông có vẻ ân hận, nhà vua nhìn chị gái một cách thành kính tựa như một sự tạ lỗi - Chị không có lỗi gì trong việc này. Đầu têu là ở ông chú, ông Thái sư của họ nhà mình ấy. Lấy chị họ làm vợ, bức cháu phải cướp vợ anh, lại bắt người trong họ phải lấy lẫn nhau. Trách ai bây giờ, Thiên Thành, Quốc Tuấn là đám trẻ mới lớn, không cho lấy người ngoài thì nó lấy người trong họ, cô cháu lấy nhau kể gì thứ bậc. Loạn luân hết cả rồi. Chúng nó đang theo gương các bậc bề trên đấy. Chỉ tội cho anh cả Liễu, tay trắng về quê. Nay lại phải chấp thuận một việc trái đạo nữa, phải nhận em gái ruột làm vợ của con mình. Ôi cương thường! Ôi gia đạo! Nhà vua buông tiếng thở dài, gương mặt buồn hiu. Chợt một nỗi buồn tê tái dâng lên như chẹn cứng cổ họng nhà vua. Tự dưng cái việc năm Đinh Dậu (1237) lại hiện lên rõ mồn một trong óc não nhà vua. Thái tông tự nghĩ - Tiếc thay cái ngày bỏ lên Yên Tử ấy sao ta lại còn quay về nữa. Ngày ấy ta mười chín tuổi, đúng bằng tuổi Quốc Tuấn bây giờ. Ta và cha nó đều bị Thái sư bức bách. Còn nó, có phải vì nó kết nhau thật sự hay nó định lỡm Thái sư đây. Trời ơi, sự quả báo sao lại nhỡn tiền làm vậy.
Trong khi nhà vua cứ tự giày vò thì ngoài điện Thiên An các quan đã đến chầu đông đủ. Chưa thấy vua ra thị triều, các quan bàn tán hết chuyện này sang chuyện khác. Bàn cả sang lễ kết tóc nay mai giữa công chúa Thiên Thành với Trung Thành vương. Việc Quốc Tuấn vào nhà Nhân Đạo vương đêm trước, vẫn chưa ai hay biết.
Cũng lúc này, quan Chánh chưởng phụng ngự Trần Bất Cập vừa xuống kiệu vào nhà Nhân Đạo vương.
Chủ nhà ra tận cổng cung nghinh. Trần Bất Cập vừa bước chân vào thềm nhà đã giở tín bài ra trước Nhân Đạo vương, khiến ông run cầm cập quỳ lạy. Phân ngôi chủ khách, Nhân Đạo vương còn chưa hết bàng hoàng, vẫn chắp tay cung kính chờ quan Chánh chưởng phụng ngự truyền chỉ.
Mãi một lúc sau Trần Bất Cập mới cất cái giọng the thé hỏi:
- Vậy chớ vương nhốt Quốc Tuấn ở đâu? Ta vâng mệnh hoàng thượng đến thương thảo với ông về chuyện đó.
Nhân Đạo vương hết sức ngỡ ngàng, lúc này ông mới tạm hoàn hồn bèn lựa lời đáp:
- Quả thực lão gia không biết các chuyện đó.
Trần Bất Cập bèn kể lại đầu đuôi câu chuyện như công chúa Thụy Bà đã tâu với nhà vua.
Nghe xong, Nhân Đạo vương giận tím mặt nhưng vẫn phải dẫn Trần Bất Cập cùng tới cung Ngọc Dao, nơi Thiên Thành công chúa đang ở tạm.
Vừa bước vào thềm đã thấy Thiên Thành, Quốc Tuấn và cả lũ a hoàn đang ríu rít chuyện trò trong khi chờ gia nhân soạn bữa điểm tâm. Trần Bất Cập chìa ngay tín bài trước Thiên Thành và Quốc Tuấn rồi nói:
- Hoàng thượng có chỉ tuyên triệu công chúa và tiểu vương gia về ngay cung Quan Triều.
Hai người không kịp ăn uống, sai gia nhân dóng kiệu hồi cung ngay lập tức.
Nhân Đạo vương lại dẫn Trần Bất Cập quay về nhà tân khách. Im lặng hồi lâu, Cập lên tiếng:
- Chuyện đã đến nước này chắc là phải từ hôn thôi chứ biết làm sao được. Hoàng thượng sai tôi đến để bàn bạc với vương gia.
Lặng thinh một lát, Nhân Đạo vương bèn đáp:
- Cha con tôi còn mặt mũi nào mà trông thấy thiên hạ nữa. Vương thở dài, mà cũng phúc cho nhà Yên Sinh vương, nếu như đêm qua Trung Thành vương nhà tôi mà nó biết Quốc Tuấn lẻn vào cung Ngọc Dao, chắc là nó phải chặt chân tiểu vương gia chứ chẳng tha cho về nguyên vẹn đâu.
- Vương gia biết đấy, Trần Bất Cập nhẹ nhàng nói - Chính hoàng thượng đứng ra tác hợp cho hai người chứ còn ai. Hoàng thượng lại cho mở hội từ mấy ngày nay trước khi quốc muội về làm dâu bên quý phủ. Sự việc xảy ra chính nhà vua cũng đau lòng. Mong vương gia nén tâm để ta cùng bàn bạc thu xếp cho đẹp ý cả vương thượng và vương gia.
Nhân Đạo vương chưa kịp đáp lời thì gia nô vào bẩm bữa điểm tâm đã xong, thỉnh hai vương qua cung Phúc Hòa dùng bữa.
Nhân Đạo vương lòng tức giận còn chưa nguôi, không muốn ăn uống gì, nhưng vì có trung sứ của nhà vua phái đến, nên ông buộc phải nén giận mời Trần Bất Cập. Ông dẫn khách đi qua dãy xuyên đường chạy vắt ngang chiếc sân rộng chẳng kém mấy sân chầu ngoài điện Thiên An, rồi vòng theo bờ hồ bán nguyệt có trồng giống liễu Hàng Châu, xen kẽ những khóm mẫu đơn đỏ, vàng, trắng lấp ló dưới những cành liễu rủ mảnh mai soi bóng xuống mặt hồ, nom như đáy hồ cũng có một bờ hoa, một dãy xuyên đường mái ngói đỏ au. Cuối dãy xuyên đường lại nối với các bậc tam cấp bước lên thềm dẫn vào cung Phúc Hòa. Đây là một ngôi nhà bát giác nằm trên một nền cao với tám mặt cửa, mặt nào cũng thông thoáng. Có tới bốn mặt nhìn ra hồ, còn bốn mặt kia nhìn ra một vườn hoa cong như một chiếc vành lược ôm lấy lâu đài, trồng đủ các thứ hoa ngào ngạt hương thơm với đủ các sắc màu.
Gọi là điểm tâm, nhưng các món ăn bày kín cả một mặt bàn rộng kể tới vài ba chục món. Bốn ả hầu gái tuổi chừng mười lăm mười sáu, da trắng, má hồng tươi như trái đào lên mã, môi đỏ thắm, tóc đen nhức buông xõa hai bờ vai, nom chúng đẹp xinh mà hồn nhiên như những con thỏ non, cứ hai đứa một, đứng hầu hai vương.
Chủ khách nhấm nháp qua loa. Trong khi Nhân Đạo vương còn chưa biết ý tứ của vị trung sứ ra sao thì Trần Bất Cập lại luôn nghĩ đến sự xa hoa giàu có của phủ Nhân Đạo mà quan Chánh chưởng phụng sự mới nghe người ta đồn đại thôi chứ chưa được mục kích. - Thảo nào, Trần Bất Cập tự nghĩ - Thảo nào mà đồ dẫn cưới lại chẳng sang quý và đắt giá đến dường ấy. Bất Cập vừa tư lự vừa đưa mắt nhìn quanh lâu đài và khuôn viên rộng mênh mông cùng lầu, các xen kẽ đó đây thật chẳng khác gì nơi động tiên.
Sốt suột vì không thấy trung sứ khơi mào, Nhân Đạo vương bèn mời khéo:
- Xin mời đại nhân quá bộ về nhà tân khách xơi nước rồi ta bàn bạc thêm. Nói xong ông bèn đứng dậy và dẫn khách đi qua nẻo vườn hoa, vượt một cây cầu bắc ngang lạch nước trong vắt như nước suối đang lờ đờ chảy về phía hồ. Con lạch rộng chừng một trượng. Bên kia cầu là một bãi phẳng lố nhố những tấm bia bằng cót quét vôi trắng lốp, với những vòng tròn đồng tâm màu đen sẫm. Một toán quân chừng ba đô: tốp thì vác dáo, tốp vác đao, tốp đeo cung tên chạy túa ra bãi tập.
Nom thấy cảnh này, quan trung sứ hơi rùng mình nghĩ lại lời Nhân Đạo vương khi nãy:
… Phúc cho nhà Yên Sinh vương…
. Quả vậy, nếu như Quốc Tuấn chạm trán Trung Thành vương, e sẽ mất mạng. Bởi chưng trong cái phủ mênh mông mà kín mít như một tòa thành này, người ta có giết tới cả trăm người cũng khó mà tìm ra tung tích.
Qua bãi tập, vòng về nhà tân khách, Nhân Đạo vương lên tiếng trước:
- Đại quan với tôi và với vương thượng đều là chỗ thân tình trong nội tộc cả. Nay ngài lại lãnh nhiệm do vương thượng ủy thác, xin cho được nghe cao ý.
Quan trung sứ tay nhón khẩu trầu cho vào miệng nhai bỏm bẻm, chợt giật nảy người lên lấy chiếc ống nhổ đồng sáng chóe, nhổ phì phì - Mặn vôi quá! Mặn vôi quá! - Giọng ngài vẫn the thé như giọng của một con mèo hen. Lại quơ chén nước súc miệng và nhổ toẹt vào ống nhổ.
Nhân Đạo vương quay mặt đi nhưng lòng thì dấy lên sự khinh ghét đối với viên hoạn quan này. Mặc dù vậy, ông cũng không dám tỏ lộ điều gì khiến y phải phật lòng. Vì Nhân Đạo vương thừa biết sự lợi hại của đám trung quan nơi nội điện như thế nào rồi, vương liền đứng dậy vờ lúng túng, và quay ra cửa quát gia nô:
- Bay đâu! Têm khay trầu mới, nhạt vôi! Mau lên! Đoạn vương quay lại nói với viên trung sứ nửa như cáo lỗi, nửa như phân bua:
- Xin đại nhân xá cho, đám gia nhân nhà tôi vụng về quê kệch quá. Răn dạy mãi đầu óc chúng vẫn cứ tối như hũ nút. Chẳng mấy khi được đại nhân ghé thăm lại… Nhân Đạo vương còn đang ngập ngừng, chưa biết nói tiếp thế nào để khách khỏi phật lòng, Trần Bất Cập đã vội gạt đi:
- Chà, vẽ. Vương gia không cần phải nhiều lời về cái chuyện vặt. Tôi xin nói thẳng vào công việc mà hoàng thượng ủy cho. Chắc rằng cả vương gia và hoàng thượng đều không mong sự việc lại xảy ra như thế này. Có đúng không? Cập gạn hỏi và nhìn gương mặt Nhân Đạo vương, thấy vương gật gật có vẻ đồng tình, Cập lại nói tiếp - Để đại quan đỡ mang tiếng, nhà vua chấp nhận để bên phủ Nhân Đạo được từ hôn.
- Không! Không thể như thế được! - Nhân Đạo vương giãy nảy lên như giẫm vào ổ kiến lửa.
- Sao lại không được, vương thử nói ta nghe.
- Nếu bây giờ tôi đứng ra xin từ hôn, tức là phạm tội đại nghịch vì dám trái mệnh vua. Nếu hoàng thượng thương tình bỏ qua thì tôi mất hết các đồ dẫn cưới. Đại nhân có biết tất cả đồ dẫn cưới của tôi đáng giá bao nhiêu không?
- Một vạn quan là cùng chứ bao nhiêu, - Trần Bất Cập đáp.
Nhân Đạo vương khoát tay một cái, định nói gì như là một sự khinh bỉ, nhưng ông đã vội kìm nén được. Ông vội chắp hai bàn tay cung kính trước viên trung sứ:
- Đại nhân hiểu cho. Lễ vật của nhà chúng tôi tiến lên hoàng thượng là vô giá. Nhưng nếu buộc phải tính ra tiền thì xin thưa với đại nhân, bỏ rẻ cũng phải hơn ba chục vạn quan. Không! Không thể tự tôi đứng ra từ hôn được, như thế vừa mắc tội vừa mất của, thiệt đơn thiệt kép, xin đại nhân nghĩ cho một kế khác.
Trần Bất Cập vội thụt cổ lại, dường như không bao giờ ông hình dung ra một món tiền lớn đến như vậy. Nhân Đạo vương nói như thế không phải không có lý. Trần Bất Cập vội dàn hòa:
- Thế này vậy, hoàng thượng sẽ ra một Chế mệnh cho hủy hôn ước, xem như cuộc hôn nhân bất thành mà không bắt buộc bên nào phải có biểu tạ tội và xin thoái hôn nữa. Còn của cải trong các món đồ dẫn cưới đó, chẳng lẽ vương đã tiến vào cung rồi lại tự ý đem về nhà mình nữa sao. Nếu có kẻ đàn hặc ngài phạm tội bất kính quốc vương không phải là không có lý. Để bù vào chỗ thiệt hại đó, nhà vua sẽ cắt hai ngàn khoảnh ruộng người cho công chúa Thiên Thành tại phủ Ứng Thiên để làm của hồi môn, nhập vào điền sản phủ Nhân Đạo. Như thế đã được chưa? Ra vẻ đắc ý, viên trung sứ gạn hỏi và cười hách hách. Y có điệu cười lúc hứng chí người cứ nhảy dựng lên như kẻ sắp lên đồng. Nhìn thẳng vào gương mặt lúc này đã tươi tỉnh của Nhân Đạo vương, y tiếp: - Thế là vương gia lời quá rồi còn gì. Nếu vương chấp nhận thì gọi lại viên vào đây thảo tờ bảo chứng.
Công việc thương thảo coi như đã xong.