Chương 13
-
Giết Con Chim Nhại
- Harper Lee
- 3947 chữ
- 2020-05-09 02:23:29
Số từ: 4009
Giết Con Chim Nhại
Tác giả: Harper Lee
"Để túi của tôi vào phòng ngủ đằng trước, Calpurnia," là câu đầu tiên bác Alexandra nói. "Jean Louise, thôi gãi đầu đi," là câu thứ hai bác nói.
Calpurnia xách chiếc va li nặng trịch của bác lên và mở cửa. "Để con xách cho," Jem nói, và đón lấy nó. Tôi nghe tiếng va li rớt xuống nền phòng ngủ cái rầm. Âm thanh kéo dài trầm đục.
"Bác đến chơi hả," tôi hỏi. Những cuộc viếng thăm từ Landing của bác Alexandra thường hiếm, và bác du lịch trong tư thế người giàu có và cao sang. Bác có một chiếc Buick tinh tươm màu xanh lá cây và một tài xế da đen, cả xe lẫn người luôn phải ở trong tình trạng ngăn nắp đến bệnh hoạn, nhưng hôm nay chẳng thấy cả hai đâu.
"Bố các cháu không nói với các cháu hả?" Bác hỏi.
Jem và tôi lắc đầu.
"Có lẽ ông ấy quên. Bố các cháu chưa về hả?"
"Chưa. Bố cháu thường về muộn," Jem nói.
"À, bố cháu và ta quyết định đã đến lúc ta đến ở với các cháu một thời gian."
"Một thời gian," ở Maycomb có nghĩa là từ ba ngày đến ba mươi năm. Jem và tôi liếc nhìn nhau.
"Jem giờ đã lớn, và cháu cũng vậy," bác nói với tôi. "Bố cháu với ta quyết định rằng có một số ảnh hưởng nữ giới là tốt nhất cho cháu. Jean Louise, không lâu nữa cháu sẽ quan tâm đến quần áo và bọn con trai...."
Tôi có thể đưa ra nhiều câu trả lời cho điều này: Cal là con gái, phải nhiều năm nữa tôi mới để ý đến bọn con trai, tôi sẽ không bao giờ quan tâm đến quần áo..... nhưng tôi giữ im lặng.
"Còn bác Jimmy?" Jem hỏi. "Bác ấy cũng đến chứ?"
"Ồ, không, ông ấy ở Landing. Ông coi sóc công việc ở đó."
Ngay lúc mở miệng hỏi, "Bác không nhớ bác ấy sao?" thì tôi nhận ra ngay đây là một câu hỏi không tế nhị. Bác Jimmy hiện diện hay bác Jimmy vắng mặt có khác nhau đâu, bác không hề nói bất cứ câu gì. Bác Alexandra phớt lờ câu hỏi của tôi.
Tôi chẳng nghĩ được điều gì khác để nói với bác. Thực tế tôi chưa hề nghĩ đến điều gì để nói với bác, và tôi ngồi nghĩ về những cuộc nói chuyện chán ngắt giữa chúng tôi trước đây: cháu thế nào Jean Louise? Cháu khỏe, cám ơn bác, còn bác thì sao? Rất khỏe, cám ơn, lâu nay cháu sinh hoạt thế nào? Không có gì cả. Cháu không làm gì cả à? Không thưa bác. Chắc cháu có bạn? Dạ có. Bọn cháu làm gì? Không làm gì hết.
Rõ ràng là bác nghĩ tôi cực kỳ ngu ngốc, bởi vì có lần tôi nghe bác nói với bố Atticus rằng trông tôi lờ đờ.
Có một chuyện gì đó đằng sau tất cả vụ này nhưng tôi không có ý muốn gặng hỏi bác. Hôm nay là Chủ nhật, và bác Alexandra chắc chắn dễ cáu vào ngày của Chúa. Tôi đoán đó là do cái áo nịt ngực mặc ngày Chủ nhật của bác. Bác không mập, nhưng to con, và bác chọn thứ quần áo bảo vệ nâng ngực của bác tới độ cao chóng mặt, siết chặt eo bác, xòe ra phần mông, và tạo ấn tượng rằng bác Alexandra từng có vóc dáng của một cái đồng hồ cát. Từ bất cứ góc độ nào nó cũng gây ấn tượng khả kính.
Buổi chiều còn lại trôi qua trong không khí ảm đạm nhè nhẹ vốn thường xảy ra khi có bà con xuất hiện, nhưng tan biến ngay khi chúng tôi nghe tiếng xe hơi quẹo vào lối vào nhà. Đó là bố Atticus, từ Montgormery trở về. Jem, quên mất vị thế của mình, chạy ào ra cùng tôi đón ông. Jem cầm lấy cặp và túi của ông, tôi bổ nhào vào cánh tay ông, cảm thấy cái hôn khô khan mơ hồ của ông và nói, "Bố có đem sách về cho con không? Bố có biết bác ở đây không?"
Bố Atticus trả lời hai câu hỏi bằng thể khẳng định. "Tụi con chắc thích lắm khi bác đến sống với mình?"
Tôi nói tôi rất thích, đó là lời nói dối, nhưng người ta phải nói dối trong những tình huống nào đó và vào mọi lúc mà người ta chẳng thể thay đổi gì được nó.
"Bác với bố cảm thấy đây là thời điểm bọn trẻ các con cần ... giống như lúc này, Scout." Bố Atticus nói. "Bác giúp ích cho bố cũng như cho các con. Bố không thể ở nhà suốt ngày với tụi con, và mùa hè này sẽ nóng đấy."
"Vâng, thưa bố," tôi nói, không hiểu một lời nào ông nói. Tuy nhiên tôi có ý nghĩ rằng sự có mặt của bác Alexandra không phải là do ý của bố Atticus mà đúng hơn là ý của chính bác. Bác có một kiểu tuyên bố Điều Gì Là Tốt Nhất Cho Gia Đình, và tôi cho rằng việc bác đến sống với chúng tôi nằm trong kiểu đó.
Maycomb chào đón bác. Cô Maudie Atlkinson nướng chiếc bánh nướng Lane pha quá nhiều rượu làm tôi say; cô Stephanie Crawford đến chơi lâu với bác Alexandra, phần lớn thời gian cô Stephanie chỉ lắc đầu và kêu, "Ừ, ừ, ừ." Cô Rachel cạnh nhà mời bác tôi sang uống cà phê vào các buổi chiều, và ông Nathan Radley còn bước ra sân trước và nói ông ta rất vui được gặp bác.
Khi bác đến ở với chúng tôi và cuộc sống trở lại nhịp điệu hàng ngày của nó, thì bác Alexandra làm như là đã luôn luôn sống với chúng tôi từ xưa đến nay vậy. Những món ăn nhẹ đãi Hội truyền giáo của bác làm tăng thêm danh tiếng bà chủ nhà của bác (bác không cho phép Calpurnia làm những món ăn đặc biệt cần có để Hội đủ sức trải qua những báo cáo dài về người Thiên chúa giáo thuộc thế giới thứ ba); bác gia nhập và trở thành thư ký của Câu lạc bộ Thư ký Maycomb. Đối với tất cả các nhóm hiện có và tham gia vào đời sống của hạt, bác Alexandra là người cuối cùng thuộc lớp người cả bác: bác có cung cách của thời người ta học trường nội trú, đi phà trên sông; cứ để cho mọi bài học đạo đức xuất hiện và bác sẽ tuân theo nó; bác được sinh ra trong một trường hợp khách quan; bác là một người lắm chuyện vô phương cứu chữa. Hồi bác Alexandra còn đi học, sự tư vấn không hề có trong bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, vì vậy bác không có nghĩa của nó. Bác không bao giờ buồn chán, và khi có được cơ hội nhất bác sẽ sử dụng đặc quyền làm bà chúa của mình: bác sẽ bố trí, khuyên bảo, dặn dò, và cảnh báo.
Bác không bao giờ bỏ lỡ cơ hội chỉ ra những thiếu sót của các nhóm thuộc dòng họ khác nhằm cho thấy sự vinh quang lớn hơn của dòng họ chúng tôi, một thói quen giúp vui cho Jem hơn là làm anh ấy bực mình, "Bác Alexandra nên cẩn thận với cách bác nói chuyện - bới lông tìm vết hầu hết người dân ở Maycomb trong khi họ cũng là họ hàng của chúng ta."
Bác Alexandra, khi nhấn mạnh bài học về vụ tự tử của Sam Merriweather trẻ, đã nói đó là dấu vết bệnh tật trong dòng họ. Nếu có một cô gái mười sáu tuổi cười rúc rích trong đội đồng ca thì bác sẽ nói, "Chuyện xảy ra chỉ để cháu thấy tất cả phụ nữ nhà Penfield đều nông nổi." Có vẻ như mọi người ở Maycomb đều có một Dấu vết: Dấu vết Say xỉn, Dấu vết Cờ bạc, Dấu vết Ích kỷ, và Dấu vết Lập dị.
Một lần, khi bác cam đoan với chúng tôi rằng xu hướng quan tâm đến công việc của người khác ở cô Stephanie Crawford là di truyền, bố Atticus nói, "Bà chị, khi bác bình tâm để nghĩ về chuyện đó, bác sẽ thấy thế hệ của chúng ta thực sự là thế hệ đầu tiên trong dòng họ Finch không cưới anh em họ của nhau. Chắc chị sẽ nói họ nhà Finch có Dấu vết Loạn luân?"
Bác nói không, chính dấu vết di truyền khiến chúng tôi có bàn tay và bàn chân nhỏ nhắn.
Tôi không hiểu nổi nỗi ám ảnh về di truyền của bác. Ở nơi nào đó, tôi đã có được ấn tượng rằng Những Người Tốt là những người đã làm hết khả năng của họ với ý thức mà họ có, nhưng bác Alexandra có quan điểm được biểu lộ một cách gián tiếp rằng một dòng họ chiếm dụng một khu đất càng lâu dòng họ đó càng tốt hơn.
"Nếu vậy thì dòng họ Ewell sẽ là những người tốt," Jem nói. Dòng tộc bao gồm Burris Ewell và anh em ông ta đã sống trên cùng mảnh đất phía sau bãi rác Maycomb, và đã sống ngon lành nhờ tiền phúc lợi của hạt suốt ba thế hệ.
Thế nhưng lý thuyết của bác Alexandra có điều gì đó đằng sau nó. Maycomb là một thị trấn cổ xưa. Nó cách Finchs Landing hai mươi dặm về phía Đông, nằm sâu trong nội địa một cách khó chịu đối với một thị trấn cổ như thế. Nhưng Maycomb sẽ gần sông hơn nếu không vì sự nhanh trí của một ông Sinkfieid nọ, người trong buổi bình minh của lịch sử đã kinh doanh một quán trọ nơi hai đường mòn gặp nhau, quán rượu duy nhất trong vùng. Sinkfield, không phải là một người yêu nước, ông ta phục vụ và cung cấp đạn dược cho người Da đỏ cũng như dân khai hoang định cư, không biết mà cũng không cần biết mình có thuộc về Lãnh thổ Alabama hay Xứ Creek 1 hay không miễn là công việc làm ăn còn tốt đẹp. Việc làm ăn rất thuận lợi khi thống đốc William Wyatt Bibb, với ý định đấy mạnh trị an trong hạt mới thành lập, phải một đội giám định đến xác định trung tâm chính xác của nó và thiết lập cơ quan chính phủ ở đó. Nhóm giám định, khách của Sinkfield, nói với ông chủ quán rằng ông ta ở trong địa giới của hạt Maycomb, và chỉ cho ông ta khu đất nơi chắc chắn trung tâm của hạt sẽ được xây dựng. Nếu Sinkfield không có hành động táo bạo để bảo toàn tài sản của ông ta, thì chắc hạt Maycomb đã được đặt ở giữa vùng Đầm Winston, một nơi hoàn toàn không có nguồn lợi nào. Thay vào đó, Maycomb phát triển và trải rộng ra từ trung tâm của nó, quán rượu của Sinkfield, bởi vì một tối nọ Sinkfield đã phục vụ rượu cho các vị khách say khướt đến mức không biết trời trăng gì nữa, thuyết phục họ bày ra các bản đồ và biểu đồ của họ, cắt bỏ một chút ở đây, thêm một chút ở kia, và chỉnh sửa trung tâm của hạt để đáp ứng những yêu cầu của ông ta. Ngày hôm sau ông ta bảo họ cút xéo với các biểu đồ và năm thùng rượu Whisky trên túi yên ngựa của họ - hai cho mỗi người và một cho thống đốc.
Bởi vì lý do chủ yếu cho sự tồn tại của nó là chính phủ, nên Maycomb tránh được cái vẻ bẩn thỉu đặc trưng ở hầu hết các thị trấn Alabama cùng kích cỡ với nó. Trong buổi đầu, những tòa nhà ở đó chắc chắn, tòa án của nó uy nghi, đường phố của nó vô cùng rộng rãi. Tỉ lệ người có nghề chuyên môn ở Maycomb tăng cao: người ta đến đó để nhổ răng, sửa xe, khám bệnh, gửi tiền, cứu rỗi linh hồn, chữa bệnh cho mấy con lừa. Nhưng người ta vẫn chưa hoàn toàn hiểu ra được cái khôn ngoan tột đỉnh trong thủ đoạn của Sinkfield. Ông ta đã đặt thị trấn non trẻ này quá xa loại phương tiện chuyên chở công cộng duy nhất thời đó - thuyền trên sông - và nó khiến một người từ cực Bắc của hạt phải mất hai ngày mới tới được Maycomb để mua hàng hóa tại các cửa hiệu. Do đó thị trấn vẫn giữ nguyên kích thước ban đầu cả trăm năm nay, một hòn đảo giữa một biển những cánh đồng bông vải và rừng khai thác gỗ.
Dù Maycomb đã bị bỏ quên suốt cuộc Nội chiến, nhưng sự suy thoái kinh tế và luật lệ Thời kỳ tái thiết 2 đã buộc Maycomb phát triển. Nó phát triển từ trong ra. Hiếm có người mới định cư ở đó, vẫn những dòng họ đó kết hôn với những dòng họ đó cho đến khi các thành viên của cộng đồng trông có vẻ hơi hơi giống nhau. Thỉnh thoảng có người từ Montgomery hoặc Mobile trở về cùng một người ngoài, nhưng kết quả này chỉ gây ra làn sóng gợn trong dòng chảy lặng lẽ của sự giống nhau trong gia đình. Mọi chuyện ít nhiều vẫn y như vậy trong suốt thời thơ ấu của tôi.
Thực tế ở Maycomb có một sự phân biệt đẳng cấp, nhưng trong suy nghĩ của tôi nó đi theo cách này: những công dân lớn tuổi, thế hệ hiện thời gồm những người sống bên nhau từ bao năm nay, hoàn toàn có thể hiểu nhau: họ biết quá rõ những thái độ, những khác biệt về tính cách, thậm chí cả cử chỉ, vì vẫn lặp đi lặp lại trong mỗi thế hệ và được hoàn thiện qua thời gian. Vì vậy những tổng kết kiểu như Không một người họ Crawford nào quan tâm đến công việc của hắn. Cứ ba người nhà Merriweather thì có một người bệnh hoạn. Sự thật thà không có ở họ Delafield.All người nhà Buford đều đi theo kiểu đó, đơn giản là những hướng dẫn cho sinh hoạt hàng ngày: không bao giờ nhận ngân phiếu từ một người họ Delafield mà không kín đáo gọi điện đến ngân hàng; vai cô Maudie Atkinson nghiêng vì cô là người họ Buford; nếu bà Grace Merriweather nhấm nháp rượu gin từ những chai Lydia E. Pinkham 3 thì không có gì là bất thường - mẹ bà ta cũng làm y như thế.
Bác Alexandra hòa hợp với thế giới của Maycomb giống như một bàn tay khít với găng tay, nhưng không bao giờ hòa hợp với thế giới của Jem và tôi. Tôi cũng thường tự hỏi làm sao bác có thể là chị của bố Atticus và của chú Jack đến độ những câu chuyện chỉ còn nhớ mang máng về việc đánh tráo con và những củ nhân sâm mà Jem đã thêu dệt từ lâu sống lại trong tâm trí tôi.
Những câu chuyện này là các suy đoán trừu tượng trong tháng đầu tiên bác lưu lại, vì bác ít khi nói chuyện với Jem và tôi, và chúng tôi chỉ gặp bác vào giờ ăn và vào ban đêm trước khi chúng tôi đi ngủ. Bây giờ là mùa hè và chúng tôi ở ngoài đường suốt. Dĩ nhiên có một số buổi chiều khi chạy vào nhà để uống nước, tôi thường thấy phòng khách đầy những quý bà Maycomb, nhấm nháp thức uống, xì xào quạt, và tôi sẽ bị gọi, "Jean Louise, đến nói chuyện với các quý cô đây."
Khi tôi xuất hiện ngay ngưỡng cửa, có vẻ như bác hối tiếc về yêu cầu của mình; người tôi thường lấm bùn đất hoặc đầy cát.
"Nói chuyện với chị họ Lily của cháu đi," một chiều nọ bác đã nói vậy khi bắt được tôi trong hành lang.
"Ai ạ?" Tôi hỏi.
"Chị họ Lily Brooke của cháu," bác Alexandra nói.
"Cô ấy là chị họ của tụi cháu hả? Cháu không biết chuyện đó."
Bác Alexandra cố nở một nụ cười theo kiểu chuyển được một lời phân trần nhẹ nhàng tới chị họ Lily và bày tỏ sự thất vọng dữ dội với tôi. Khi chị họ Lily Brooke ra về tôi biết mình sẽ gặp phiền toái.
Quả là điều đáng tiếc khi bố tôi quên nói cho tôi biết về Dòng họ Finch, hoặc cài đặt bất cứ lòng tự hào nào vào những đứa con của ông. Bác cho gọi Jem đến, anh thận trọng ngồi trên chiếc trường kỷ cạnh tôi. Bác rời phòng và quay lại với một cuốn sách bìa màu tía trên đó có dòng chữ Meditations of Joshua S. St. Clair 4 mạ vàng.
"Người bà con của cháu đã viết cuốn này," bác Alexandra nói. "Cậu ta là một nhân vật tuyệt vời."
Jem xem xét cuốn sách nhỏ đó. "Đây là người họ hàng Joshua đã bị bỏ tù từ rất lâu đó hả?"
Bác Alexandra nói. "Sao cháu biết chuyện đó?"
"Bố Atticus nói ông ta đã đi vòng qua khúc cua tại trường đại học. Bố Atticus nói ông ta muốn bắn ông hiệu trưởng. Bố Atticus kể Joshua nới rằng ông ta chẳng là gì ngoài một tên thanh tra cống rãnh và cố bắn ông ta bằng một khẩu súng kíp, nó chỉ trúng bàn tay ông ta. Bố Atticus nói gia đình phải tốn năm trăm đô la để cứu ông ta ra khỏi vụ đó...."
Bác Alexandra đứng ngây ra như một cái chĩa. "Đủ rồi," bác nói. "Chúng ta sẽ xem xét chuyện này."
Trước giờ ngủ tôi ở trong phòng Jem định mượn một cuốn sách thì bố Atticus gõ cửa bước vào. Ông ngồi xuống mép giường Jem, nhìn chúng tôi một cách nghiêm nghị, rồi cười toét.
"E hèm," ông nói. Bố bắt đầu giới thiệu mấy điều ông định nói bằng một cái hắng giọng, và tôi nghĩ rốt cuộc bố hẳn đang già đi, nhưng trông bố vẫn thế. "Bố không biết phải nói chuyện này như thế nào đây," ông bắt đầu.
"Bố cứ nói đi," Jem hỏi. "Tụi con đã làm chuyện gì bậy bạ sao?"
Bố bồn chồn. "Không, bố chỉ muốn giải thích với tụi con rằng... bác Alexandra yêu cầu bố ..... con trai, con biết con là một người nhà Finch, đúng không?"
"Con đã được nghe nói điều này." Jem nhìn bằng đuôi mắt. Anh cao giọng một cách mất kiểm soát, "Bố Atticus, có chuyện gì vậy?"
Bố Atticus bắt chéo chân và khoanh tay lại. "Bố định nói với con mấy điều về chuyện con người ra đời như thế nào."
Vẻ chán nản của Jem càng sâu thêm. "Con biết hết chuyện đó rồi," anh nói.
Bất chợt bố Atticus trở nên nghiêm túc. Bằng giọng điệu luật sư, không chút lên xuống giọng, ông nói, "Bác tụi con yêu cầu bố cố gây ấn tượng với con và Jean Louise rằng các con không xuất thên từ giới tầm thường, rằng các con là sản phẩm của vài thế hệ có giáo dục tử tế...." Bố Atticus ngừng, quan sát tôi đang tìm con rệp đỏ lẩn khuất đâu đó trên chân.
"Có giáo dục tử tế," bố nói tiếp, khi tôi đã tìm ra và gãi nó, "và rằng con phải sống cho xứng đáng với tên của mình...." Bố Atticus cứ nói mà không quan tâm đến chúng tôi, "Bác yêu cầu bố nói với các con rằng các con phải cố cư xử giống như một quý co và quý ông nhỏ tuổi, đúng như vị trí của các con hiện giờ. Bác muốn nói chuyện với các con về dòng họ và nó có ý nghĩa gì với hạt Maycomb bao năm qua, để các con ý thức được mình là ai, để các con có thể có cách cư xử cho phù hợp," ông kết thúc thật nhanh.
Choáng váng, Jem và tôi nhìn nhau, rồi nhìn bố Atticus, có vẻ cái cổ áo đang làm ông bực bội. Chúng tôi không nói gì với ông cả.
Lúc đó tôi cầm cái lược trên bàn của Jem và cứa nó vào thành bàn.
"Dừng trò làm ồn đó lại," bố Atticus nói.
Sự cộc lốc của ông xúc phạm tôi. Chiếc lược đang cứa nửa chừng và tôi quăng nó xuống. Không vì lý do gì tôi nhận thấy mình bắt đầu khóc, nhưng tôi không thể dừng lại. Đây không phải là bố tôi. Bố tôi không bao giờ có những ý nghĩ này. Bố tôi không bao giờ nói như thế. Bằng cách nào đó, bác Alexandra đã khiến ông như thế này. Qua màn nước mắt tôi thấy Jem cũng trong một cõi tách biệt tương tự, đầu anh ngoẹo sang một bên.
Không biết phải đi đâu, nhưng tôi vẫn quay người đi ra và đụng phải ngực áo vest của bố Atticus. Tôi vùi đầu vào đó lắng nghe những tiếng động nhỏ bên trong vang ta từ phía sau lớp vải xanh nhạt: đồng hồ của ông đang kêu tích tắc, tiếng lắc rắc mơ hồ của chiếc áo sơ mi hồ bột của ông, âm thanh nhẹ nhàng của hơi thở ông.
"Dạ dày của bố đang sôi," tôi nói.
"Bố biết," ông đáp.
"Tốt hơn bố nên uống ít thuốc tiêu."
"Chốc bố uống," ông nói.
"Bố Atticus, mấy chuyện cư xử và các thứ này có quan trọng gì không? Ý con là bố...."
Tôi cảm thấy bàn tay ông vuốt gáy tôi. "Các con đừng lo nghĩ bất cứ điều gì nữa," ông nói. "Chưa đến lúc phải lo đâu."
Khi tôi nghe câu này, tôi biết ông đã trở lại với chúng tôi. Máu ở chân tôi bắt đầu chảy lại, và tôi ngẩng đầu lên. "Bố thực sự muốn tụi con làm mọi chuyện đó hả? Con không nhớ hết nổi mọi việc mà những người nhà Finch có bổn phận phải làm...."
"Bố không muốn các con nhớ rõ. Quên nó đi."
Ông đi đến cửa và ra khỏi phòng, đóng cửa lại phía sau. Ông suýt đập mạnh nó vào, nhưng đến phút cuối ông nhận ra và đóng nó lại nhẹ nhàng. Khi Jem và tôi nhìn theo, cửa mở ra lần nữa và bố Atticus nhìn vào. Lông mày ông nhướn lên, kính bố trễ xuống. "Càng ngày bố càng giống Joshua, đúng không? Con có nghĩ cuối cùng bố sẽ làm gia đình mất năm trăm đô la không?"
Bây giờ tôi biết ông đang cố làm gì, nhưng bố Atticus chỉ là một người đàn ông. Cần có một người phụ nữ để làm công việc đó.
--------------------------------
Một liên minh Da đỏ gồm nhiều bộ tộc ở vùng Alabama, Georgia và Mississippi. Sau trận chiến 1813-14 họ bị người da trắng xua sang bờ Tây sông Mississippi.
Reconstruction: thời kỳ trong khoảng 1867-1877, khi các bang miền Nam được tổ chức và xây dựng lại sau Nội chiến.
Lydia E. Pinkham: nhà sản xuất những loại thuốc thông thường vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Hầu hết thuốc bào chế của Pinkham nhắm vào nữ giới, và phần lớn đều chứa một lượng cồn khá cao.
Nghĩa là những suy ngẫm của Joshua S. St. Clair.