• 62

Chương 2: Bức Thư Của Đường


Số từ: 2164
Tác giả: Thế Lữ
Nxb Đà Nẵng
Nhà Lê Phong ở phố Huế, gần chợ Hôm, Phong thuê lại gian gác của một ông chủ hiền lành ở ngay nhà dưới.
Bình đẩy cái cổng không bao giờ khóa, theo một lối nhỏ đến cái cửa vào sân sau. Anh giật chuông, thấy không ai trả lời, bèn lần tay mở cái
cửa sổ
mà chỉ có anh với Lê Phong biết. Bình thò tay vào trong rút then rất dễ, lẳng lặng bước vào, đi lên cái cầu thang cuốn, thành thuộc như người trong nhà.
Bình gõ cửa thì có tiếng hỏi ra:
- Bình phải không?
Hơi ngạc nhiên, Bình đáp:
- Phải. Lê Phong vẫn chưa ngủ à?
- Chưa. Cửa mở đấy, đẩy ra mà vào, rồi khép lại cẩn thận.
Trong buồng của Phong chỉ có một ngọn đèn điện nhỏ dưới cái chụp xanh trên giường ngủ. Phong thì ngã người trên chiếc ghế bành lớn, quay lưng về phía ánh sáng. Bình vừa ngồi trên chiếc ghế đệm con thì Phong đã hỏi:
- Chuyện lạ lắm hả?
Bình kinh ngạc, vì đã nói ra câu nào đâu. Phong hỏi luôn:
- Ai đi báo sở cẩm?
Bình càng lấy làm lạ, nhưng cũng cứ đáp:
- Thạc.
Phong gật đầu, im một lát, rồi hỏi nữa:
- Còn Huy?
- Huy ở nhà đợi. Ở nhà dưới. Xác Đường ở trên gác một mình...
Phong mím miệng kéo dài một hơi thuốc lá, ngồi thẳng lên, bấm đèn sáng rồi bảo:
- Bây giờ thì anh kể rành rọt cho tôi nghe.
- Ô hay! Kể gì?
- Câu chuyện án mạng chứ gì?
- Kìa, tôi tưởng anh đã biết.
- Tôi biết thế nào được? Từ lúc đi xem xi-nê với ba anh về, tôi vẫn ngồi ở đây...
- Thế ra... Ồ! Thế sao anh biết là có vụ án mạng?
Phong đủng đỉnh không đáp vội, chỉ hỏi:
- Vụ án mạng nhà Huy, hử? Đường bị giết? Bây giờ đã đến một giờ chưa?
Bình xem đồng hồ tay:
- Kém hai phút. Nhưng sao anh biết là có vụ án mạng?
- Đó là tài nghệ của tôi. Bây giờ đã một giờ, đáng lẽ về ngủ thì anh đến gọi tôi. Trừ khi có việc khác thường không thì khi nào anh lại làm thế? Việc khác thường ở đâu? Tôi hỏi xem ai đi báo sở cẩm, để biết tên cái người ở nơi ấy. Anh bảo cho tôi biết là Thạc. Anh Thạc ở trọ nhà anh Huy, tôi hỏi anh Huy lúc này làm gì thì tự nhiên anh nói đến cái xác của anh Đường ở trên gác một mình. Trong ba câu hỏi vắn tắt, tôi biết cái tin mà anh định đem đến cho tôi dài dòng như một cuốn tiểu thuyết.
- Nhưng tại sao anh biết là dài dòng?
- Vì cử chỉ anh, vì nét mặt thong thả của anh. Đáng lẽ anh gọi tôi bảo:
Lê Phong, Đường bị giết rồi!
thì anh lại dọn giọng như kể một chuyện cổ tích. Vậy mà là thứ cổ tích cần phải kể vội, một việc kì dị đã bắt anh phải tìm tôi lúc một giờ đêm... Nhưng thôi, tôi cũng đâm ra dài dòng. Anh chịu khó kể rõ cho tôi biết đi...
Văn Bình cụt hứng nên chỉ kể một cách giản dị, gọn ghẽ, nhưng cũng không bỏ sót một điều quan hệ nào. Lê Phong tỏ ra chăm chú nghe. Lúc kể đến cái danh thiếp với những gạch bằng bút chì, thì Lê Phong ngắt lời:
- Nhà ấy, ngoài ông cụ, Thạc, Huy... còn ai nữa không?
- Còn thằng nhỏ.
- Biết rồi, nhưng đàn bà?
- Còn bà cụ, con sen, nhưng hình như đi vắng cả.
- Đi đâu?
- Đâu như về quê...
- Được rồi. Ông cụ lúc lên có đóng cửa dưới cẩn thận?
- Khóa lại nữa. Nhưng hỏi để làm gì?
- Để biết. Ông cụ cận thị?
- Ừ.
- Thôi thế là đủ. À quên, đèn tên gác bao nhiêu
bougies
?
- Không biết. Nhưng cần gì phải biết...
- Thì đoán phỏng. Liệu sáng bằng đèn nhà tôi không?
- Không. Chỉ độ 40
bougies
thôi.
Phong đi lại bàn giấy và lắc đầu:
- Tối quá.
- Sao lại tối?
- Tối quá. Anh về nhà báo ngay, bảo người coi
Studio
đưa cái
Contax 1,5
với chiếc
phare
nếu bóng
magnésium
hết.
- Để chụp ảnh?
- Chứ gì! Tôi ngồi viết ngay hai bài tường thuật vắn tắt để cho số báo hôm sau. Ta sẽ đề là:
Một vụ án mạng tuyệt xảo
. Vì quả là một vụ giết người hết sức khôn khéo. Tôi chắc thế. Chốc nữa tôi sẽ phải ngạc nhiên hơn.
Bao giờ Lê Phong cũng nghĩ đến tờ báo của mình trước. Một việc quan trọng chỉ là một dịp cho người phóng viên lợi dụng, cái bản năng trinh thám cũng được mãn nguyện nhưng Phong coi thường thôi.
Bình hỏi:
- Tôi tưởng anh đến ngay bây giờ.
- Để làm gì? Bây giờ Đường chết rồi, mà hung thủ cũng không chờ sẵn đó cho ta bắt. Vả lại, tôi đã có cách làm việc.
- Anh đã ngờ cho ai chưa?
- Ngờ bây giờ thì sớm một chút. Nhưng tôi cũng ngờ rồi.
- Ai?
- Cái người mà ai cũng sẵn lòng ngờ ngay nghĩa là người Thổ đến hỏi Đường lúc chín giờ rưỡi.
- Người Thổ nào?
- Cái người nói mấy câu lo lớ như tiếng Khách ấy mà! Tôi ngờ rằng hắn là một hung thủ quá giảo quyệt hay quá ngớ ngẩn.
- Tôi không hiểu.
- Anh thì hiểu gì được. Đây, anh xem đây. Bức thư của Đường gửi cho tôi hôm qua, nhưng mãi lúc nãy đi xem chiếu bóng về tôi mới có thì giờ đọc đến.
Trong lúc Phong đi mặc quần áo thì Bình giở bức thư ra xem:

Anh Lê Phong,
Mấy hôm nay tôi bị cảm nên không đến nói cho anh biết một câu chuyện vẫn làm tôi băn khoăn ít lâu nay. Vậy phải viết thư để cầu cứu anh vậy.
Phải. Cầu cứu. Vì tôi không thể vững tâm được, sự lo ngại khiếp sợ mỗi ngày một rõ rệt hơn lên. Việc này chỉ có mình tôi và bây giờ chỉ có tôi với anh biết.
Một tuần lễ nay, tôn được tin Nông Văn Tăng về Hà Nội. Tăng với tôi không có điều gì xích mích, song tôi vẫn gườm hắn, vì hắn là con ông Nông An Bằng, người lý trưởng buôn khí giới lậu bị thầy tôi bắt được ngày trước hồi thầy tôi làm Bố chánh Lạng Sơn. Bằng chết trong lúc chịu khổ hình và sau đó một năm, thầy tôi mất Người nhà tôi ai cũng nghĩ là bị phép chài của nhà Bằng làm hại. Tôi không tin chắc, nhưng tôi biết cái tính tình dễ mang oán của người Thổ, nên một đôi khi cũng băn khoăn.
Sau này tôi học ở Trung học Bảo Hộ, mấy lần trông thấy Tăng, cùng học một trường nhưng dưới hai lớp. Tôi biết Tăng là con của một người bị thầy tôi bắt; lại nhớ đến chuyện thầy tôi chết và thấy Tăng hay nhìn tôi bằng con mắt thù hằn... Tăng đỗ bằng Thành Chung thì lên làm việc trên Thượng Du ngay và từ đó tôi không nghĩ tới hắn nữa. Nhưng mới rồi, tôi lại thấy hắn về Hà Nội hỏi thăm chỗ ở của tôi và mấy lần muốn giáp mặt tôi. Tôi không biết xử trí ra sao, mỗi ngày một lo ngại hơn lên, vì tôi không thấy vẻ gì là tử tế trên nét mặt của người Thổ ấy. Hắn có học thức, tôi biết, nhưng hắn chịu ảnh hưởng của phong tục sơn dã: cái chết của cha hắn làm cho gia đình hắn đương thịnh vượng hóa nguy khốn... người Thổ đã mang thù, tôi chắc cũng không dễ quên...
Dẫu sao, tôi cũng xin anh để tâm xem xét hộ tôi. Nếu có tiện, phiền anh đến chơi tối hôm nay hay ngày mai, tôi còn nhiều điều muốn nói cho anh hiểu hơn nữa.
Kính thư
Trần Văn Đường
T.B. - Tôi đã biết chỗ ở của Tăng, xin nói cho anh biết: hắn ở trọ nhà ông Lang, số 143 bis, đường Duvillier.

- Lê Phong!
- Hử?
- 143 bis Duvillier!
- Ừ, thế sao?
- Hay là ta đến ngay đấy xem?
- Để tìm hung thủ phải không? Anh ngây thơ thực! Chỉ giỏi nghĩ những việc vô ích, nếu quả thực Tăng là hung thủ thì hắn trốn mất rồi còn gì!
Bình hỏi:
- Bức thư này Đường gửi từ bao giờ?
- Thư viết từ hôm qua, bỏ thùng sáng hôm nay. Dấu điểm thư của nhà dây thép đóng lúc 7 giờ. Đến tòa soạn Thời Thế hồi ba giờ chiều.
- Nhưng anh không đọc ngay?
- Tôi có lệ đến 8 giờ tối mới coi đến thư tín nhận được trong một ngày, lúc đó tôi mới giở ra đọc cả một lượt. Tối hôm nay chưa kịp đọc đến thư Đường thì Huy và Thạc đến rủ tôi đi xem chiếu bóng.
Phong thở dài một tiếng nhẹ, đến ngồi sau bàn giấy, tay run run cầm lấy bức thư đọc lại. Đôi mày nhíu xuống, vẻ lo âu hiện rõ trên trán cùng với một nếp nhăn sâu. Một lát, anh se sẽ lắc đầu lẩm bẩm:
- Không! Không hề gì, không hề gì...
- Sao? Không hề gì là thế nào?
- Thư đọc muộn hay sớm Đường cũng vẫn bị giết. Hung thủ có nhiều mưu giỏi lắm... Anh thử nghĩ lại mà coi... Đường chết không có một tiếng kêu, trước khi chết không có một dấu vết chống cự, cửa ngõ đóng cẩn thận, trong nhà một ông cụ tỉnh ngủ, vậy cho đến lúc mắt tôi trông thấy chỗ xảy ra án mạng, tôi vẫn chưa thấy một đầu mối... Bức thư của Đường là một tang chứng tối cần nhưng chưa đủ. Kẻ giết người rất có thể là người Thổ Nông An Tăng được, lại cũng có thể là Huy, là anh, hay có lẽ là tôi...
Bình ngạc nhiên:
- Cái gì? Là anh? Là tôi?
- Chứ sao! Có lẽ là tất cả mọi người, mà có lẽ cũng không là ai cả!
- Tôi không hiểu.
- Phải, cũng hơi khó hiểu. Nhưng không hề gì. Tôi cần phải nghĩ nhiều... Cần phải xếp đặt cẩn thận cách làm việc của tôi theo như sự mách bảo của trực giác... Văn Bình ạ, trong vụ bí mật này, tuy tôi chưa
thấy
một tia sáng nhỏ nào hết, nhưng tôi đã có cái lòng tin rất vững là có trăm điều tỉ mỉ hết sức quan trọng, có những sợ tơ tóc người ta coi là mảnh dẻ quá, hoặc người ta không trông thấy được, nhưng chính nhờ những cái nhỏ nhặt ấy mà ta thành công... Phải rồi, mà ta thế nào cũng thành công.
Đôi mắt Phong chợt sáng lên. Anh trân trọng nhìn bức thư, nhìn những hàng chữ vội vàng, nhưng tâm trí anh để chỗ khác. Vẻ mặt anh lúc đó như phát hiện tinh hoa của năng lực phán đoán. Văn Bình hiểu rằng Phong đã bắt đầu nhận ra một vài sự lạ, một vài điều quan hệ có thể làm căn cứ cho bao nhiêu cách hành động của anh sau này.
Lê Phong đứng lên, nói một lời mà Bình vẫn có ý chờ, nhưng câu nói của Phong làm cho Bình hết sức ngạc nhiên:
- Văn Bình ạ, tôi vừa chợt nghĩ đến một điều quái gở, một điều không thể tin được, nó vô lý như truyện hoang đường. Hung thủ là ai, tôi sẽ biết. Biết rất chóng nếu chưa có thể nói chắc chắn là biết ngay bây giờ, vì những chứng cớ chưa được rõ ràng lắm. Bây giờ chỉ cần thu nhập tài liệu, cần phải
thử lại bài tính
, mà muốn thế phải biết những câu tiếng Thổ ông cụ nghe thấy là những câu gì. Thế rồi lại phải biết hung thủ làm thế nào vào được trong nhà lên được chỗ làm việc của Đường, và giết Đường một cách khác thường như thế. Từ bước đó trở đi, công việc ta sẽ dễ dàng hơn, và ta cứ giơ tay ra là nắm được cổ hung thủ. Nhưng trước khi đi đến được bước ấy, ta phải hết sức đề phòng.
- Đề phòng gì?
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Gói Thuốc Lá.