• 62

Chương 8: Ngón Tay Của Cô Mai Hương


Số từ: 4532
Tác giả: Thế Lữ
Nxb Đà Nẵng
Trong khi đó thì Lê Phong không quan tâm đến ai hết. Tâm trí anh bình tĩnh như không bận về một điều suy nghĩ rắc rối nào?
Anh đứng ở cửa sổ trên gác tòa soạn Thời Thế nhìn ra đường. Lúc ấy đã năm giờ sáng. Anh hít hơi thở vào đầy ngực, cánh mũi mấp máy, đôi mắt sáng, và miệng hơi mỉm cười. Một cảm giác khoan khoái như thông hoạt chạy trong mạch máu người thanh niên. Anh nghe những tiếng náo động đầu tiên của thành phố về buổi sớm mai và thấy sự sống đáng yêu hơn mọi ngày khác.
Phong vươn vai, ngáp một tiếng uể oải, vào thu gọn những giấy má anh vừa viết và lấy một quyển sách đè lên, gật đầu ra ý bằng lòng, rồi nhanh nhẹn bước vào phòng tắm.
Phong ngắm mình trong cái gương lớn, thè lưỡi chế cái anh chàng đứng trong đó, rồi vừa nghêu ngao hát vừa bỏ quần áo liệng lên cái mắc bên cạnh giường. Nước lạnh mưa trên người làm anh tỉnh táo thêm và quên rằng suốt đêm qua anh chưa ngủ.
Tắm xong, anh gọi người loong toong có mặt luôn ở nhà báo lên dặn:
- Anh sang phòng ảnh nói với các ông làm việc thật gấp, nghe chưa? Bài của tôi ở trên bàn kia, đem ngay xuống nhà in và phải xong trước bảy giờ rưỡi.
Dặn xong, anh sang căn phòng bên cạnh, đóng các cửa sổ lại, chân tay ruỗi thẳng, ngực thở từng nhịp dài và đều đặn. Đó là một phép định thần giản tiện anh vẫn dùng để cho tâm trí được nghỉ ngơi một cách hoàn toàn. Phong nhất định gạt ra ngoài trí nghĩ những điều suy xét toan tính. Trong những phút thanh thản ấy; năng lực anh, não cân anh cũng như thân thể anh, chẳng khác gì một cái máy không chạy, để dành sức hoạt động cho sau này. Đó cũng là một trong những phương pháp làm việc kì dị của Phong. Chẳng biết thực có ích gì không, song anh tin là có những hiệu quả tốt.
Phong nằm lặng như thế chưa được vài phút, bỗng nghe thấy tiếng Văn Bình vừa lên vừa hỏi người chạy giấy:
- Lê Phong đến rồi à? Đâu? Ở đâu?
- Ông Phong ngủ.
Bình chạy vào, bật đèn lên, trách:
- Ngủ là cái kiểu gì? Trong lúc xảy ra bao nhiêu việc ghê gớm, trong lúc Kỳ Phương với Mai Trung tìm hết cách để gỡ những manh mối bí mật, thì ông Phong của tôi nghiễm nhiên về dưỡng sức ở nhà.
Phong nhắm mắt không nói gì. Bình sấn lại chực dựng Lê Phong dậy:
- Phong! Này anh Phong dậy đi!
Thì Phong đưa một ngón tay lên miệng mỉm cười, nhưng hai mắt vẫn nhắm. Và vẫn giữ nguyên cái dáng lặng lẽ ấy, Phong ôn tồn:
- Làm cái gì hăng hái thế? Tôi vẫn biết Kỳ Phương và Mai Trung hoạt động ngay từ phút thứ nhất, còn tôi thì nằm ngủ ở đây... Ừ, thế đã sao?
- Sao? Anh không biết rằng họ quyết tìm được hung thủ trước anh ư?
- Biết. Nhưng không hề gì...
- Sao lại không hề gì?
- Vì họ thua tôi. Số trời định như thế. Mà tôi cũng định như thế. Vả lại có gì mà đáng sợ? Cách làm việc của họ tôi biết cả rồi. Phép dò hỏi, đường suy xét, lối lập thuyết của họ tôi cũng biết rất tường tận; đó là những phương pháp cổ điển, chắc chắn lắm, nhưng chắc chắn về sự thành công cũng như về sự thất bại.
- Thế là thế nào?
- Là thế. Anh Bình không nên lo sợ, cũng đừng nóng nảy, anh nên tin ở tôi. Vì tôi biết cả rồi.
- Anh biết hết?
- Biết nhiều hơn mọi người. Hơn Mai Trung, hơn anh, hơn cả hung thủ nữa.
- Hừ! Cái gì? Biết hơn cả hung thủ?
- Phải. Mà tôi biết đích danh thủ phạm là ai rồi. Chỉ có việc giơ tay ra bắt được hắn.
Bình mỗi lúc một thêm lấy làm lạ. Phong có sự sáng suốt khác thường thực. Bình vẫn nhận là thế, nhưng đến việc này, một việc quái gở xảy ra trong mấy giờ đồng hồ, Phong chưa kịp xem xét gì mà đã dám nói quả quyết như thế? Bình lắc đầu: Một là Phong nói khoác, hai là Phong lầm lạc, chứ tìm thấy ngay được hung thủ, hừ! Lại đích danh hung thủ nữa! Thì...
- Anh không tin tôi sao?
Câu hỏi bất chợt của Phong làm cho Bình hơi bối rối:
- Không phải thế... nhưng mà... tôi xem ra việc này...
- Việc này bí mật quá chứ gì? Tôi không cãi, nhưng bí mật đến đâu mà tôi không tìm được ra!
- Phải, nhưng mà... tôi xem Kỳ Phương làm việc chăm chỉ hơn... Anh thì lúc nào cũng đùa cợt.
Phong cười lên mấy tiếng khẽ:
- Tính tôi thế, biết sao? Vả lại họ làm cho tôi thành vui tính.
Phong lúc ấy mới mở mắt. Anh vui vẻ nhìn bộ mặt quan trọng của Bình, trong lúc Bình ngồi ghé xuống cạnh đó.
- Văn Bình ạ, những sự bí mật nhất đối với người tìm thấy manh mối liền thành giản dị ngay... Không! Anh cứ để tôi nói... Khi biết là việc giản dị mà thấy người khác còn lập những giả thuyết này trên những giả thuyết nọ, thì ai chả buồn cười. Kỳ Phương là một trí khôn hiếm có, nhưng Kỳ Phương giỏi ở những chỗ khác kia. Ở việc này, ông ta chỉ hơn Mai Trung có dăm sáu bực... Tôi lại hơi khó chịu cho cái lối tra vấn tại trận của họ nữa. Này nhé: hai, ba giờ đồng hồ bắt mọi người ở quanh một cái xác chết mà họ để y nguyên đấy như một cái bù nhìn... Đó là thói quen của bọn chuyên trách, nhưng một người như Kỳ Phương cũng theo thói đó thì tôi không vui lòng. Kỳ Phương thận trọng quá thành ra chậm chạp, và lại có ý câu nệ theo một định kiến rất nguy hiểm vì nó quá thô sơ... Đây cắt nghĩa rõ cho anh hiểu. Ngay từ phút đầu Kỳ Phương tóm được mấy chứng cớ buộc tội cho tên Thổ. Thí dụ: những tiếng nói trong đêm tối, bức thư tôi nói cho họ biết và tấm danh thiếp biến đi... Không, để tôi nói nốt đã... Tôi lấy làm lạ rằng ông ta tin ngay những chứng cớ buồn cười ấy. Anh thử nghĩ coi: một kẻ giết người đã tìm cách lên gác đâm chết Đường mà không ai biết gì, sao lại còn dại dột đến nỗi nói lên để người ta có thể nhận được tiếng mình?
- Ấy chính vì thế mà tên Thổ đáng cho ta phục. Cái vẻ dại dột bề ngoài ấy chính là để cho mình phải lấy làm lạ và tưởng đến cơ mưa của một kẻ khác khôn ngoan hơn.
- Tôi cũng đã nghĩ đến cái ý này. Nhưng hình như cái ý ấy không phải của anh, Kỳ Phương bảo anh thế, phải không?
- Phải.
- Tôi tiếc rằng cái ý rất hay đó không có ích gì trong trường hợp này. Tên Thổ là một người không liên can. Không! Là một người ta chưa biết có nên ghép vào với vụ án mạng hay không, nhưng theo tôi thì hắn không phải là hung thủ.
Lúc ấy Bình mới có dịp nói được cái câu mà Phong chưa để cho ai chen vào:
- Nhưng còn một người nữa bị giết?
- Bao giờ?
- Sáng hôm nay, hồi hơn bốn giờ rưỡi.
- Nhưng ai?
- Thạc.
Phong đang nằm, vùng ngồi thẳng dậy, nắm lấy hai vai Bình:
- Cái gì? Cái gì? Cái gì? Ai bị giết?
- Thạc.
- Thạc! Thạc bị giết! Trời ơi! Trời ơi! Ồ! Trời, thế này thì...
Bình thuật lại cái việc xảy ra ở phố Richaud rồi thở dài:
- Bây giờ thì anh tin rồi chứ?
- Tin cái gì?
- Tin rằng tên Thổ là hung thủ.
Phong không đáp, đứng lên, đi đi lại lại trong phòng, đầu cúi, mày chau, tay nắm lại. Một lát, anh sừng sợ lại cự Văn Bình:
- Sao bây giờ anh mới bảo tôi?
- Thì anh có để tôi nói đâu.
- Thạc bị giết bằng gì?
- Bằng một con dao một lưỡi, thứ dao gấp bỏ túi như vẫn bán ở các cửa hàng.
- Đâm ở ngực?
- Không, ở vai Thạc... Bên cạnh Thạc tôi tìm thấy tấm danh thiếp của tên Thổ và những chữ bút chì.
- Tấm danh thiếp biến mất lúc trước phải không?
Bình gật. Phong lại đo gian phòng bằng những bước đều và thong thả. Ba phút yên lặng trong đó Bình thấy Lê Phong là một người đáng thương. Mặt Phong lộ ra vẻ cay đắng, băn khoăn vì trăm mối buồn bực. Miệng mím lại, môi dưới run lên, như muốn cãi một sự thực hiển nhiên quái ác. Chốc chốc đầu anh lại lắc mấy cái thất vọng như để cố ruồng đuổi một ý nghĩ lạ lùng.
Bỗng dưng Phong cười rất to, tiếng cười nghe đến mà rùng mình. Đôi mắt điên cuồng nhìn người bạn kinh ngạc trước mặt anh. Phong sôi nổi nói:
- Văn Bình ơi! Hung thủ trong hai vụ án mạng này quả là một giống vật khôn hơn ma quái! Nhưng chính vì thế mà cuộc thành công của tôi sẽ rực rỡ, và sẽ khiến ông Mai Trung buồn bực thêm. Lê Phong lại có dịp thắng trận...
Vẻ mặt khó khăn đã thành vẻ mặt tươi sáng. Anh mở cái tủ riêng của anh, lấy áo và mũ, rồi vừa đi giày vừa nói:
- Phải, thế nào tôi cũng bắt được hung thủ! Thế nào cũng bắt được, nhưng anh phải giúp tôi một tay...
- Được.
- Mà công việc quan trọng nhất anh có thể giúp được tôi là... ở luôn nhà báo và mặc kệ tôi, đừng dính đến việc tôi dò xét...
Bình chực nói, nhưng Phong cản lại:
- Không! Thế mới được. Anh đừng bao giờ đến Richaud nữa, vì anh đến thì nguy cho việc của tôi. Vì... vì anh hay hớ hênh lắm.
- Nhưng mà...
- Nhưng không hề gì... Chỉ đến Thứ Hai tôi sẽ không phải giấu anh nữa.
- Nhưng...
- Không! Phải thế mới xong, Văn Bình ạ. Có lẽ tôi phải chiến đấu dữ dội lắm mới thắng được, chiến đấu với tên hung thủ kì ảo này... Tôi thú thực ít khi thấy một trí khôn ác hại nào có những thủ đoạn tài tình hơn... Thế mà tôi cũng sẽ thành công, mà thành công nghĩa là thắng cả hung thủ lẫn Kỳ Phương, lẫn Mai Trung và cả sở liêm phóng.
Phong ngừng lại, vừng tráng sáng sủa của anh thoáng qua một bóng băn khoăn:
- Duy có một điều này tôi hơi phiền là: vụ án mạng thứ hai làm cho lời hứa của tôi khó giữ được đúng... Chưa chắc chiều Thứ Hai đã bắt được hung thủ...
Phong vừa nói đến đó thì nghe có tiếng ở phòng bên nói sang:
- Chiều Thứ Hai thế nào anh cũng bắt được!
Rồi một tràng cười trong trẻo cùng sang với một người thiếu nữ tươi đẹp như một bông hoa dưới nắng bình minh.
Phong vui mừng, song không tỏ vẻ nhiệt tình lắm:
- Ô kìa Mai Hương! Cô Mai Hương đến nhà báo sớm nhỉ?
Mai Hương tinh nghịch cúi đầu chào một cách lễ phép khôi hài:
- Vâng Mai Hương đến nhà báo sớm, nhưng không đủ sớm để nghe câu chuyện từ đầu...
- Cô nghe biết chuyện rồi?
- Vâng ạ.
Mai Hương xịu mặt ngay xuống, rồi nửa cười nửa dằn dỗi, cô trách Phong:
- Anh tệ thực, việc như thế mà anh không cho em biết tin ngay... Anh định chiếm lấy công một mình ư?... Không! Anh cho em giúp anh nhé? Anh sẽ không sai lời hứa với ông Kỳ Phương nữa. Anh phải để em điều tra việc này với, việc hay quá, thích quá; em sẽ giúp anh một tay, một tay nhỏ thôi.
Phong lẳng lặng nhìn Mai Hương. Lần này không biết là lần thứ bao nhiêu, anh thấy một sự ngạc nhiên êm đềm - và một cảm tưởng lạ lùng rất khó nói. Đôi mắt ngây thơ của người thiếu nữ, nụ cười chân thực đằm thắm và cái dáng điệu óng ả kia là những nét quý báu của một trang nhan sắc không thường, kết bằng mộng và thơ. Mai Hương đẹp như một vẻ hoa, như hạt ngọc châu, thanh cao và tươi sáng. Vậy mà trong cái thể chất kiều lệ ấy lại có một tâm trí phức tạp, kì dị, sâu sắc và tinh ranh. Khi trò chuyện bình thường cô là một người bạn hiền hậu và dịu dàng, nhưng khi có một vẻ lo tính khó khăn, cô là một người cộng tác rất đắc lực. Sau vụ án mạng bác sĩ Đoàn ở trường Cao đẳng là dịp cô tỏ cho Lê Phong biết một chí hướng và một tài năng hiếm có. Mai Hương được làm nữ trọ bút cho báo Thời Thế, và đem hết lòng hết sức mà phụng sự cái nghề cô yêu thiết tha. Cô là một nữ phóng viên thứ nhất làm việc cho một tờ báo An Nam và cũng là một nữ phóng viên trinh thám có ở nước Nam trước nhất. Nhưng nước Nam là cái nước bình yên quá nên việc trinh thám cô vẫn phải thấy là một việc quá an nhàn. Trong những lúc viết những bài báo phẳng lặng, về những chuyện thường ngày, cô thường bảo Lê Phong:
- Anh Phong này, giá có chiến tranh thì em sẽ làm nữ thám tử ngay, mà nữ thám tử như Mai Hương thì đến Lê Phong làm đối phương cũng khó mà bắt được.
Bao giờ Phong cũng trịnh trọng đáp lại:
- Biết đâu đấy?
Rồi hai người âu yếm nhìn nhau cùng cười.
Rỗi việc, nghĩa là rồi những việc điều tra, Mai Hương và Lê Phong thường tạo những mộng tưởng kỳ quặc như thế cho đỡ buồn. Một thứ tình thân mật gây nên giữa hai người làm đậm đà thêm cái tình bằng hữu ngay thẳng. Nhưng hai bên cùng kín đáo, cùng hết sức giữ gìn, cùng có một thứ e ngượng khó hiểu mỗi khi thơ thẩn tưởng đến hình ảnh nhau. Khi giáp mặt thì không bao giờ có một câu nói, một vẻ nhìn hay một tiếng thở dài nào khác ý... Hương lại hay nói đến ái tình để mà chế rễu, tỏ ra thái độ lãnh đạm của một người ưa chủ nghĩa độc thân. Phong biểu đồng tình ngay; anh cũng thường đùa cợt, cũng cho chuyện yêu đương là việc mất thì giờ. Nhưng chỉ cách đó không bao lâu, khi bước về chỗ ở riêng mỗi người lại nhận ra trong tiếng thở dài rằng mình đã nói dối.
Tại sao đôi bạn ấy không giản dị hơn? Tại sao lại cứ lùi xa cái lúc cầm tay nhau noi thực nỗi lòng, và kết liễu những điều mong muốn âm thầm bằng một việc tự nhiên và êm đẹp? Đó là những nỗi éo le mà nhà tâm lý tiểu thuyết sẽ tìm được nhiều câu văn hay để giải thích. Người thuật chuyện này xin bỏ qua những tâm sự rắc rối đó và trở lại với
đầu đề
.
Vậy Lê Phong lẳng lặng nhìn Mai Hương.
Anh nhìn cô như chưa bao giờ một người con trai nhìn một người con gái: âu yếm, mến phục, và ngạc nhiên. Phong mỉm cười:
- Tôi cứ trông cô Mai Hương cũng đủ thấy công việc của tôi dễ dàng đi quá nửa.
Mai Hương nhí nhảnh:
- Có phải không? Em có nhiều phép tài tình giúp anh cơ: em lại dám đoán rằng việc bí mật anh biết gần hết rồi và chỉ tìm chứng cớ nữa là thành công.
- Đoán đúng lắm. Nhưng sao cô đoán được?
- Sao? Tại em là đàn bà chứ sao? Đàn bà họ có những linh giác mà đàn ông các ông ít người có. Nhưng giảng nghĩa ra hơi dài một chút, bây giờ xin anh cho biết đầu đuôi cả hai vụ án mạng đi...
Cô kéo ghế ngồi, bàn chân nọ bắt chéo trên bàn chân kia, đầu hơi nghiêng, đôi mắt rất tinh anh, một bàn tay dẻo dang nhẹ đỡ lấy một bên má.
Lê Phong bảo Văn Bình thuật lại hộ.
Anh cũng đến ngồi trên một chiếc ghế, đôi mắt lim dim hé mở, ôn lại các việc kể ra theo lời kể rành mạch và tường tận của Văn Bình.
Anh thỉnh thoảng lại gật đầu, còn Mai Hương thì đem hết tinh thần ra ghi lấy từng điều mảy may trong câu chuyện.
Cái giọng đều đều của Văn Bình khi thuật đến những lời thẩm vấn ở nhà người chết có một vẻ trang trọng khiến Lê Phong mỉm cười. Bình không bỏ sót một điều quan trọng nào, và cố chú ý cho Mai Hương nhận thấy cách điều tra khôn khéo của Kỳ Phương. Phong vẫn mỉm cười, lấy một điếu trong gói thuốc lá trên
đi-văng
châm hút, đợi cho Văn Bình kể nốt. Mai Hương chợt hỏi Văn Bình:
- Anh có thấy gì lạ ở cái chìa khóa cửa ở nhà dưới không?
- Chìa khóa nào?
- Lúc nãy anh bảo rằng ông cụ lẩm cẩm.
- Phải.
- Ông cụ đánh rơi chìa khóa?
- Phải, đánh rơi sau khi khóa cửa cẩn thận.
- Mà khóa cửa sau khi nghe thấy những tiếng... những câu tiếng Thổ nói bên ngoài?
- Phải.
Mai Hương nhíu mày lại nói thêm:
- Nhưng ông cụ chắc chắn rằng chính ông cụ đánh rơi chứ?
- Ông cụ nói thế, tôi cũng không hỏi cẩn thận.
- Được, xin anh kể tiếp đi.
Khi Bình kể đến vụ án mạng thứ hai thì đến lượt Lê Phong Hỏi:
- Sau khi đem xác Đường vào nhà thương, mọi người ngồi cả dưới nhà?
- Phải... mọi người nghĩa là ông cụ, Thạc, Huy và tôi.
- Không ai ngờ. Vì thế lúc nghe tiếng động thì...
Phong gật đầu:
- Thì ai cũng phải sửng sốt, tôi hiểu. Nhưng giá tôi ở đấy thì tôi không lấy làm lạ, và có lẽ cũng không sinh ra chuyện lôi thôi...
Bình ngạc nhiên:
- Thế là thế nào? Anh không lấy làm lạ? Thế ra thằng nhỏ ở trên gác anh đã biết?
- Phải. Vì chính tôi dặn nó lên...
- Anh dặn nó lên, dặn bao giờ?
- Dặn riêng nó lúc tôi còn ở đấy.
- Ồ! Nhưng anh bảo nó lên làm gì?
- Để tìm cho tôi một vật mà tôi chưa có thì giờ tìm... Nhưng không hề gì. Ai nghe thấy tiếng động trên gác trước?
- Nhưng mà...
- Không, anh hãy trả lời tôi đã. Ai nghe thấy trước nhất trên gác có tiếng động?
- Huy à? Sao không Thạc hay ông cụ?
- Sao anh lại hỏi tôi thế?
- Không sao cả. Vậy thằng nhỏ lên tìm cho tôi một vật trên gác, chưa tìm thấy đã vô ý để dưới nhà biết... Người ta ngờ cho nó có liên can phải không?
- Thoạt tiên thì không ai ngờ, nhưng lúc Thạc thấy người rình dưới đường thì bảo chúng tôi giữ lấy nó...
Phong mỉm cười:
- Thì ra trong vụ này có: người Thổ, người lạ mặt mà ông Mai Trung bảo có đi với người Thổ và thằng nhỏ tội nghiệp của tôi. Họ có bắt giam nó không?
- Không, nhưng bảo phải coi chừng kẻo nó trốn.
- Nó không trốn đâu mà sợ... Nhưng tôi để nó đấy. Lúc Thạc xuống đuổi tên Thổ, như anh tưởng, thì anh với Huy còn bận giữ thằng nhỏ phải không?
- Phải. Lúc chạy ra đến cửa sổ nhìn xuống thì chỉ thấy Thạc đuổi rẽ vào ngõ Hội Vũ. Ngõ Hội Vũ có nhiều ngả, mà lúc ấy vắng người. Tôi liền chạy xuống để đón đầu ở lối ra cửa Nam; tôi đi được lại ngõ này, đến chỗ ngã ba thì thấy Thạc nằm ở đó... Thạc bị đâm nặng lắm nên chưa kịp cứu chữa đã chết rồi.
- Lúc anh đi cầu cứu thì cả viên y sĩ nhà thương cũng cùng ra với Mai Trung và Kỳ Phương?
- Phải. Việc nguy kịch quá, tôi tưởng đợi khiêng Thạc vào thì quá muộn, nên cố nài ông y sĩ ra theo... Nhưng cũng không kịp.
- Được, anh chắc Thạc chết hẳn hoi rồi chứ?
- Làm thế nào được? Anh có điều gì nghi ngờ?
Phong lắc đầu:
- Không ngờ gì... Nhưng... Hừ... Hai án mạng có đủ các vẻ bí mật như nhau... Có đủ các trường hợp dị kì và cùng có một dấu hiệu...
Rồi Phong bỗng hỏi:
- Cái danh thiếp bên cạnh Thạc anh nhận rõ ràng là cái danh thiếp lúc trước ở trước mặt anh Đường chứ?
- Phải. Tôi cầm lên xem cẩn thận...
- Có sáu chữ tắt: X. A. E. X. I. G. phải không?
- Phải. Đúng như thế...
- Mà mặt sau là Nông An Tăng?...
- Phải. Tên thằng Thổ. Đó là một hành vi táo tợn, anh đừng nên coi thường.
Phong kéo một hơi thuốc lá, thở lên trần nhà, nói lửng lơ:
- Tôi không coi thường, nhưng tôi không sợ.
Tôi đang nghĩ xem cái mưu tôi định để tìm gặp tên Thổ còn chỗ nào khuyết điểm không? Nghĩ kĩ rồi: không khuyết điểm... Thế nào tôi cũng bắt được tên Thổ để đối chứng trong vụ này.
Phong đưa mắt hỏi Mai Hương:
- Cô còn phải hỏi thêm anh Bình điều gì nữa không?
Mai Hương lắc đầu và chăm chú gạch bút chì dưới từng chữ cô vừa chép.
- Cô có thể đi ngay với tôi được chứ?
Mai Hương gật đầu. Phong liền đứng dậy mặc áo, lấy mũ, rồi trước khi cùng Mai Hương bước ra, anh dằng từng tiếng bảo Văn Bình:
- Anh ở nhà báo suốt ngày hôm nay, viết thêm những đoạn cần vào bài tường thuật của tôi, và không được đến Richaud một lúc nào cũng không được đi đâu một lúc nào, ăn cơm ở nhà báo, anh nghe chưa?
Giọng nói của Phong có vẻ rất nghiêm trang. Không để Bình cãi, Phong tiếp:
- Anh sẽ ngạc nhiên hết sức, nhưng không được tìm hiểu gì... Không được hỏi han tôi trước khi tôi tự phân giải cho anh hiểu và đây là một điều tối quan hệ anh phải làm ngay tức khắc.
Rồi nhìn thẳng vào mặt Văn Bình, Phong nói như người truyền lệnh:
- Sau bài tường thuật, sau đoạn thuật vụ án mạng thứ hai, anh nghe chưa, anh thêm một
tin sau cùng
ở trang khác...
- Tin gì?
- Một tin hết sức quan trọng, vậy phải in chữ to...
- Được, nhưng tin gì?
Phong thản nhiên đọc:
-
Tin sau cùng: Vết thương ông Đinh Võ Thạc tuy nặng đến nỗi ngất đi rất lâu! - Kìa, anh biên đi... - Đến nỗi ngất đi rất lâu, nhưng nhờ công cứu chữa kịch liệt, chúng tôi mong rằng ông có thể sống được.

Bình đặt bút xuống, trợn mắt nhìn Phong:
- Có thể sống được? Thạc chết rồi kia mà!
Phong nhún vai lườm:
- Ừ chết rồi, thế đã sao? Anh lôi thôi lắm!
- Tôi bảo thế thì anh cứ biết thế...
- Nhưng mà...
- Chậc! Nhưng cái gì? Thạc chết rồi, tôi biết. Có lẽ họ đã cho vào nhà xác và đợi giờ mổ tử thi nữa cũng chưa biết chừng... Nhưng anh cứ đăng báo là Thạc chưa chết, anh nghe không?
Thấy cả Mai Hương cũng không hiểu ý, Phong cười:
- Tôi muốn dùng người chết để bắt người sống. Cô cũng giúp tôi nhé, nghĩa là cũng đừng ngạc nhiên chi hết. Tôi bảo thế nào, cứ nhắm mắt mà nghe... Cô có chịu thế không?
Mai Hương gật.
- Thế thì được lắm. Cô giúp tôi một tay nhỏ, nhưng một tay rất mạnh... Hay nói cho đúng, cô giúp tôi một ngón tay cũng đủ rồi... Ngón tay của đàn bà! Bao nhiêu sức mạnh!
Phong không chú ý đến sự kinh ngạc của Bình lắm, tránh chỗ cho Mai Hương ra trước, quay lại nheo mũi, nháy mắt đấm Bình một cái nhẹ, ngả mũ chào rồi ra.
Mười lăm phút sau, chuông điện thoại kêu, Bình nhấc ống nghe và nhận được tiếng Phong gọi:
- Văn Bình hả? Lê Phong đây. Vừa đến nhà thương. Anh nghe tôi dặn nhé: Bỏ
tin sau cùng
đi, nhưng ngay trong bài tường thuật phải nói rằng Thạc chưa chết, và thầy thuốc hi vọng rằng đến sáng thứ hai Thạc có thể nói được. Sáng thứ hai nói được, anh nghe ra chưa?
- Rồi.
- Vậy sáng thứ hai, ông Đinh Võ Thạc mới có thể khai nhiều điều quan trọng. Anh nhớ chưa?
Bình vừa ghi những lời Phong lên giấy vừa càu nhàu:
- Rồi, còn gì nữa không?
- Hết. Cô Mai Hương muốn dặn anh mấy điều.
Tiếng Mai Hương vui vẻ ở đầu dây:
- Anh Bình làm ơn cho người đến nói với ba em rằng em không về nhà hôm nay... Cả hôm nay, ngày mai, và ngày kia. Tối thứ hai việc của em mới xong... Thôi chào anh nhé.
Bình cười, mắt mơ màng, se sẽ lắc đầu...
Bỗng chuông tê-lê-phôn lại gọi.
- Văn Bình! Văn Bình! Thêm mấy hàng chữ lớn ăn thông hai cột:
Bản báo phóng viên Mai Hương và Lê Phong hứa sẽ tìm ra manh mối vụ này trước sở liêm phóng, mặc dầu sở liêm phóng có thêm một lực lượng có giá trị nữa là nhà trinh thám đại tài Kỳ Phương.
Thôi! Làm việc đi, đừng vẩn vơ nữa.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Gói Thuốc Lá.