Quyển 4 - Chương 36: Đỗ quyên khóc
-
Hậu Cung Chân Hoàn Truyện
- Lưu Liễm Tử
- 3810 chữ
- 2020-05-09 12:17:48
Số từ: 3805
Nguồn: truyenfull
Y gật đầu, nơi khóe mắt long lanh một giọt lệ nóng bỏng, nhẹ nhàng hôn lên trán tôi. Hồi lâu sau, y cất giọng tiếc thương:
Chỉ đáng thương cho Phó Tiệp dư, cô ta cũng có thể coi là một nữ tử tốt.
Tôi ngẩn ngơ.
Càng đáng thương hơn là cô ta từng một thời được ân sủng, vậy mà sau khi chết Hoàng thượng chẳng buồn than thở lấy một câu. Dù sao, trong mắt Hoàng đế, Phó Tiệp dư cũng giống như muội, chỉ là cái bóng mà thôi.
Tôi không kìm nén được dòng tư lự của mình, cúi đầu gượng cười, nói:
Ngày đó đang yên lành huynh lại viết ra bài Thất trương cơ đó, làm muội rất khó chịu. Hôm nay muội cũng làm một bài Thất trương cơ, xem như là để phạt huynh.
Tôi trầm ngâm một chút, kế đó liền chậm rãi ngâm:
Thất trương cơ. Xuân tàm thổ tẫn nhất sinh ti. Mạc giáo dung dịch tài la khỉ. Vô đoan tiễn phá, tiên loan thải phượng, phân tác lưỡng bàn y[1].
[1] Đây là một bản khác của bài Thất trương cơ. Dịch nghĩa: Bảy lần đưa khung cửi. Con tằm mùa xuân nhả hết số tơ trong cả cuộc đời. Chớ tùy tiện dùng cắt áo. Không may cắt rách, tiên loan thải phượng thêu trên áo sẽ phải phân đôi ngả chia ly – ND.
Huyền Thanh vội bịt miệng tôi lại, cười mắng:
Nàng thật nhẫn tâm quá đấy, ta chẳng qua chỉ nói ‘chích khủng bị nhân khinh tài tiễn’, vậy mà nàng đã ‘vô đoan tiễn phá, tiên loan thải phượng, phân tác lưỡng bàn y’. Thật đáng đánh đòn, nàng muốn nguyền rủa ta hay sao vậy?
Tôi thấy y biến hẳn sắc mặt, rất khác với ngày xưa, vội cười nói:
Chẳng qua là xướng họa thơ từ cho vui thôi, không thể coi là thật được.
Tôi suy nghĩ một chút rồi lại nói thêm:
Muội không coi là thật, huynh cũng không được coi là thật đâu đấy!
Huyền Thanh gật đầu thật mạnh, nhẹ nhàng vuốt ve mái tóc của tôi.
Ta tất nhiên muôn vạn lần không coi là thật, ta làm sao dám chứ!
Kế đó lại khẽ mỉm cười.
Kỳ thực hôm đó vừa vào cung, ta sợ nàng vương vấn, rất muốn viết thứ gì đó cho nàng. Thế nhưng tuy có muôn vàn lời muốn nói, nhất thời lại chẳng biết viết gì, vừa khéo lúc đấy gặp Từ Uyển nghi…
Y thấy tôi có vẻ khó hiểu, liền giải thích:
Là nữ tử vào cung trong cuộc tuyển tú bốn năm trước, tuy không có nhan sắc khuynh thành nhưng lại rất tài năng, chỉ tiếc là không được hoàng huynh yêu thích lắm. Hôm đó, ta tình cờ gặp cô ấy nơi hồ Thái Dịch, nghe cô ấy ngâm một bài Tứ trương cơ, khiến ta lòng đầy cảm xúc.
Tứ trương cơ?
Đúng vậy!
Y chắp tay sau lưng cất tiếng ngâm:
Tứ trương cơ. Uyên ương chức tựu dục song phi. Khả liên vị lão đầu tiên bạch. Xuân ba bích thảo, hiểu hàn thâm xử, tương đối dục hồng y[2].
[2] Đây là một bài khác của Tứ trương cơ. Dịch nghĩa: Bốn lần đưa khung cửi. Uyên ương dệt cánh muốn cùng bay. Đáng thương tóc trắng xua già tới. Sóng xuân cỏ biếc, phòng sâu sáng rét, áo đỏ tắm cùng ai – ND.
Uyên ương chức tựu dục song phi. Khả liên vị lão đầu tiên bạch.
Tôi khẽ cất tiếng ngâm nga, đồng thời dụng tâm cảm nhận. Gần như ngay vào lúc Huyền Thanh cất tiếng ngâm, tôi đã bị sự thương cảm trong bài từ này đánh động, nguyên vẹn trái tim đều như ngâm trong dòng nước mùa thu, băng giá vô cùng.
Tôi thật lòng tán tụng:
Viết hay quá, khiến người nghe thương cảm đến nỗi khó mà miêu tả bằng lời. Tài năng như vậy thật khiến người ta tán thán
, rồi lại hỏi:
Cô ấy không đắc sủng lắm sao?
Huyền Thanh suy nghĩ một chút rồi mới đáp:
Cũng không đến mức như thế, chỉ là không được ân sủng lắm mà thôi. Hơn nữa, năm vừa rồi, Phó Tiệp dư một mình độc sủng, ngay đến Xương Quý tần và An Quý Tần cũng bị ghẻ lạnh, huống chi là Từ Uyển nghi.
Có lẽ cô ấy thật lòng yêu Huyền Lăng, bởi vì yêu nên mới thương cảm và tự thương mình như vậy, khiến người ta không khỏi xót xa. Thế nhưng, cô ấy làm sao mà hiểu được, cũng giống như sự không thấu hiểu của tôi năm xưa, rằng đấng quân vương chí tôn đâu phải là người mà các phi tần như chúng tôi có thể yêu. Dành tình yêu cho con người đó, rốt cuộc chỉ có thể nhận về sự thương tâm mà thôi.
Tôi nhất thời tò mò, bèn hỏi:
Từ Uyển nghi tên thật là gì vậy?
Y thoáng ngẩn ra rồi cười rộ.
Ta làm sao mà biết được chứ!
Sau khi suy nghĩ một chút rồi lại nói thêm:
Có điều, ta từng nghe hoàng huynh nhắc tới tên cô ấy một lần thì phải, hình như là… Yến Nghi? Ta không nhớ rõ lắm, chỉ nghe nói lần này hoành huynh bị bệnh, cô ấy ngày đêm quỳ ở Thông Minh điện, cầu phúc cho hoành huynh, cuối cùng còn bị hư thoát.
Từ Yến Nghi? Cái tên này hình như tôi đã từng nghe nói tới.
Đang lúc tôi nghiền ngẫm suy tư, Huyền Thanh chợt vỗ nhẹ vai tôi, ân cần hỏi:
Nàng nghĩ tới việc gì thế?
Tôi ngoảnh lại, nở nụ cười tươi.
Muội đang nghĩ, vừa rồi khi huynh tới, muội đang định đáp lại bài Cửu trương cơ đó của huynh nhưng lại bị huynh cắt ngang.
Huyền Thanh cười, nói:
Vậy bây giờ nàng hãy làm một bài đi, việc này hẳn không thể làm khó nàng được.
Phía bên cạnh có hai gốc cây cổ thụ cong queo, vì trải bao năm tháng nên đã quấn vào nhau, tựa một cặp cây song sinh liền gốc, lòng tôi thầm máy động, liền tủm tỉm cười, cất tiếng ngâm:
Cửu trương cơ. Phương tâm mật dữ xảo tâm kỳ. Hợp hoan thụ thượng chi liên lý…
Tôi cúi đầu suy nghĩ tiếp, hai mắt Huyền Thanh ánh lên những nét dịu dàng, y nhẹ nhàng tiếp lời tôi:
Song đầu hoa hạ, lưỡng đồng tâm xứ, nhất đối hóa sinh nhi[3].
[3] Đây kỳ thực là một bài Ngũ trương cơ khác. Dịch nghĩa: Chín lần đưa khung cửi. Trái tim của thiếp thắm đượm nỗi nhớ nhung chàng, Trên cây hợp hoan cành liền cành. Dưới cặp hoa chung gốc, nơi hai con tim cùng nhịp, chúng ta mãi mãi bên nhau – ND.
Tôi ngẩng đầu nhìn Huyền Thanh, không kìm được đưa tay tới nắm lấy bàn tay y, bàn tay y vững vàng mà ấm áp, dường như có thể giúp tôi ngăn cản mọi gió mưa. Lòng tôi bình yên mà vui vẻ, cảm thấy cuộc đời này chỉ cần có tình ý tha thiết của y là đủ rồi, không còn mong cầu gì hơn.
Đỉnh núi lúc này vô cùng tĩnh lặng, tĩnh lặng đến mức có thể nghe thấy tiếng thở dài của thiên nhiên. Một làn gió bỗng đâu thổi lại, rất nhiều bông hoa trên cành rơi xuống, phát ra những tiếng
lộp bộp
mềm mại mà nhẹ nhàng.
Tôi ngẩng lên, có một chú chim đang ung dung vỗ cánh, tự do bay lượn. Tôi chợt bật cười.
Nghe nói trong núi có sài lang hổ báo nhưng muội ở đây đã mấy năm rồi, ngoài mèo rừng ra thì chẳng nhìn thấy con vật hung dữ nào khác cả.
Huyền Thanh véo mũi tôi một cái, cười vang.
Nha đầu ngốc nghếch, đỉnh Lăng Vân, đỉnh Cam Lộ và đỉnh Phiêu Miểu đều là danh sơn, đến cả người trong hoàng gia còn tới các ngôi chùa ở đây thắp hương bái Phật, sao mà có sài lang hổ báo được chứ!
Tôi có chút ngượng ngùng, đưa tay xoa mũi.
Muội chẳng qua chỉ muốn nhìn thấy bọn chúng một chút thôi, cứ ở mãi trong phòng thực sự rất bí bức.
Huyền Thanh nói:
Nàng muốn xem hổ báo diễn trò cũng dễ thôi. Ta có quen một nữ sư phụ chuyên huấn luyện thú trong cung, lần sau ta sẽ mời cô ta tới Thanh Lương Đài biểu diễn.
Tôi cố ý hỏi:
Vị nữ sư phụ đó có phải đã rất già rồi không?
Y lộ vẻ khó hiểu, nhưng vẫn đáp:
Không, cô ta mới chỉ mười sáu, mười bảy tuổi thôi.
Tôi bật cười khúc khích, kéo dài giọng, nói:
Ồ, thảo nào. Muội đang nghĩ, nếu không phải là một thiếu nữ đang tuổi thanh xuân thì sao huynh quen được chứ!
Huyền Thanh đưa tay nhéo mạnh mũi tôi một cái, cười nói:
Nàng bắt đầu biết ghen rồi đấy nhỉ, nhưng cứ ghen vô cớ thế này, bảo ta phải nói nàng thế nào mới tốt đây?
Tôi cười ngả vào lòng y, dịu dàng nói:
Muội biết huynh sẽ không như vậy, do đó mới trêu huynh thôi. Nếu huynh thật sự phong lưu, muội sẽ chẳng thèm để ý tới huynh đâu.
Y nghe thế thì cười, ôm chặt lấy tôi.
Không biết qua bao lâu sau, tôi tình cờ ngoảnh lại, thấy Hoán Bích đang đứng phía sau chúng tôi mấy thước, ngẩng đầu nhìn những đám mây trôi nơi chân trời, không nói gì.
Tôi không biết muội ấy tới đây từ bao giờ, chỉ thầm nghĩ nếu muội ấy đã nhìn thấy cảnh chúng tôi thân mật vừa rồi, vậy thì thực là một chuyện vô cùng xấu hổ.
Thế nhưng Hoán Bích lại chỉ tỏ ra rất hờ hững.
Cơm tối đã làm xong rồi, tiểu thư và Vương gia cùng về dùng bữa đi.
Lúc này sắc chiều đã phủ xuống thế gian một mảng màu rực rỡ, mấy khóm đỗ quyên hoặc đỏ tươi hoặc trắng ngần nơi vách núi trông thật giống những áng mây trôi nơi chân trời. Trên mái tóc được búi sơ sài của Hoán Bích có cài xéo một bông đỗ quyên màu đỏ tươi, làm tôn lên làn da mịn màng của muội ấy, kiều diễm vô cùng. Huyền Thanh vô ý liếc mắt qua, liền khen:
Hoán Bích tuy thích màu xanh nhưng cài lên đầu một bông đỗ quyên màu đỏ trông lại càng xinh đẹp.
Hoán Bích bất giác đỏ bừng hai má, đưa tay vuốt ve bông hoa trên mái tóc, lí nhí nói:
Cám ơn Vương gia đã khen.
Tôi hơi mấp máy khóe môi, nhưng cuối cùng lại không nói gì. Cánh hoa đỗ quyên quá mỏng manh, yếu đuối, kỳ thực không thích hợp để cài lên đầu, hơn nữa, đó còn là một loài hoa bạc mệnh.
Thế nhưng nhìn bộ dạng của Hoán Bích thì dường như muội ấy rất thích, được Huyền Thanh tiện miệng khen một câu lại cng vui vẻ hơn.
Huyền Thanh nắm lấy tay tôi mỉm cười, nói:
Sắc trời không còn sớm nữa, chúng ta cùng quay về thôi!
Bên tai không ngớt vang lên tiếng kêu của đỗ quyên, giữa những tháng ngày thanh bình và đẹp đẽ này, tôi gần như quên mất, đỗ quyên là loài chim của sự chia ly.
Hai ngày sau, Hoán Bích không biết ôm từ đâu tới một đống sách lớn, toàn là các loại điển tịch cổ đã nhuốm màu thời gian, nhưng được đóng cẩn thận vô cùng, không chỗ nào bị mối mọt, nhất định là loại sách chỉ có ở các gia tộc thư hương.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
Sao muội lại ôm nhiều sách thế này? Từ đâu ra vậy?
Thoáng trầm ngâm, Hoán Bích đáp:
Nô tỳ bạo gan lén đi xin Vương gia, thế là hôm nay ngài mới sai A Tấn đưa tới.
Tôi cười, nói:
Ta thường ngày xem mấy cuốn sách kia giải sầu cũng đủ lắm rồi, Thanh nhãn lực cao minh, những cuốn sách mang tới đều lời ít ý nhiều, dư vị sâu xa, dùng để đọc những khi rảnh rỗi là tốt nhất. Sao muội còn đi xin y nhiều sách thế này về làm gì?
Hoán Bích mím chặt môi, khẽ nói:
Tiểu thư dạy nô tỳ đọc sách được không?
Tôi lật xem những cuốn sách mà muội ấy mang tới, thấy phần lớn đều là các loại sách như Kinh Thi, Sở từ, Đường thi, Tống từ, còn có một số loại sách ít tiếng tăm hơn như Tứ lục biên lệ, Nam Bắc diễm phú, không khỏi cảm thấy có chút kinh ngạc. Hoán Bích từ nhỏ đã được cha cho phép cùng tôi học tập trong thư phòng, do đó trong số các thị nữ trong phủ, muội ấy là người biết nhiều chữ nhất. Có điều, mẹ tôi nói dù sao Hoán Bích cũng là một a hoàn, học nhiều quá cũng chẳng để làm gì thêm, thêm vào đó, Hoán Bích trầm tính, thích những việc thêu thùa may vá hơn, cho nên việc đọc sách dần bị gác qua một bên, cuối cùng chỉ có thể đọc viết, còn việc ngâm thơ, viết từ thì không thể làm được.
Tôi không kìm được, ngạc nhiên hỏi:
Không phải trước giờ muội đều không thích học thơ từ ca phú sao? Đang yên đang lành cớ gì mà bây giờ lại muốn học vậy?
Hoán Bích thoáng lộ vẻ lúng túng, rất nhanh sau đó đã bình tĩnh trở lại, mỉm cười, nói:
Nô tỳ biết nhiều một chút về thơ từ ca phú không tốt sao? Tiểu thư xưa nay vẫn luôn thích mấy thứ này, nếu nô tỳ biết nhiều một chút thì sẽ có thể trò chuyện với tiểu thư nhiều hơn.
Kế đó lại nở nụ cười tinh nghịch.
Bây giờ tiểu thư đã có Vương gia bầu bạn, đương nhiên là giống như một cặp vợ chồng thần tiên, chẳng lẽ vì thế mà không còn cần nô tỳ nữa sao?
Tôi nhất thời cứng họng, còn có chút dở khóc dở cười, chợt lại nhớ đến chuyện mấy ngày trước, lập tức hiểu rõ nguồn cơn, bèn cười nói:
Muội đừng bịa ra những lời lăng nhăng ấy làm gì cho nhọc sức. Hãy nói thật đi, hôm trước khi ta và Thanh họa thơ, có phải muội đứng phía sau đã nghe thấy rồi không?
Hai má Hoán Bích bất giác ửng hồng, tựa như bông đỗ quyên mà muội ấy đang cài trên búi tóc.
Tiểu thư đã đoán ra rồi, vậy nô tỳ cũng không giấu nữa. Tiểu thư và Vương gia biết nhiều như vậy, cả ngày đối đáp với nhau, nô tỳ thì chẳng biết gì, lại nghe tiểu thư và Vương gia họa thơ hay như vậy, cảm thấy mình cứ giống như khúc gỗ đứng ở đó, thật xấu hổ chết đi được.
Tôi đã hết hẳn lòng nghi hoặc, liền cười nói:
Muội đã có lòng cầu tiến như vậy, tất nhiên là điều tốt nhất rồi. Chỉ cần muội muốn học, ta tất nhiên sẵn lòng dạy muội. Có điều…
Tôi có chút âu sầu nói tiếp:
Con gái mà xem nhiều thơ từ quá, hiểu nhiều việc quá, chỉ e nỗi sầu sẽ theo đó mà tăng lên.
Hoán Bích nhìn ra ngoài cửa sổ, sắc mặt bình tĩnh lạ thường, tựa như mặt nước hồ thu, bên khóe miệng thoáng hiện nụ cười mỉm.
Như thế dù sao cũng tốt hơn là chẳng biết gì.
Nỗi buồn của muội ấy hoàn toàn thể hiện ra ngoài không chút giấu giếm, tôi chợt để ý tới bông đỗ quyên diễm lệ muội ấy cài trên tóc, lòng thầm kinh hãi. Sau khi được Huyền Thanh tiện miệng khen một câu, thường ngày muội ấy chỉ dùng mấy cây kẹp tóc bình thường để kẹp tóc, các thứ đồ trang sức khác đều bỏ không dùng nữa, chỉ cài một bông đỗ quyên lên đầu, lúc thì hồng lúc thì đỏ, các loại màu sắc đều thử hết một lượt.
Chút tâm tư của muội ấy tôi không phải là không phát hiện ra, chỉ là, Huyền Thanh tất nhiên sẽ không để ý gì tới muội ấy, cũng sẽ không dính dáng gì tới muội ấy. Đã như vậy, ngay đến một chút tâm tư nhỏ bé như thế của muội ấy tôi cũng không cho phép tồn tại ư? Đi theo tôi, quãng đời còn lại của muội ấy đã cô độc và thê thảm lắm rồi.
Hơn nữa, tôi phải mở miệng nói với muội ấy như thế nào đây? Chút tâm tư của muội ấy căn bản không ảnh hưởng gì tới việc tôi và Huyền Thanh ở bên nhau. Thương mình thương người, tôi rốt cuộc đã lặng im không nói một lời.
Vì sự im lặng này, ngay đến tôi cũng không phát giác, trên đôi hàng lông mày của tôi đã thấp thoáng một nét sầu lo nhàn nhạt. Cho dù tôi biết rõ Huyền Thanh đối xử tốt với Hoán Bích hoàn toàn là bởi vì tôi nhưng tâm tư của Hoán Bích, dù tôi có giả vờ không biết như thế nào đi chăng nữa, rốt cuộc cũng biết rồi.
Tôi cũng không có ý định nói việc này với Huyền Thanh, bởi nếu y biết được nhất định cũng sẽ khó xử như tôi, mà một khi chúng tôi đều khó xử, ngay cả Hoán Bích cũng chẳng dễ chịu gì. Bây giờ muội ấy đã phó thác tình cảm của mình cho Huyền Thanh, tôi cũng chỉ có thể coi như không biết mà thôi.
Trong sự bức bối ấy, thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, bây giờ đã là thu muộn, lá phong chuyển màu đỏ rực tạo nên bức tranh hoa lệ nhất. Tôi chợt thấy A Tấn đánh xe ngựa tới từ xa rồi gã dừng xe ngựa, cười nói:
Vương gia nói cứ ở mãi trong phòng thì buồn chán lắm, liền sai nô tài tới đây đón nương tử đi ngắm cảnh thu, nương tử lên xe đi.
Lần trước tôi chẳng qua vô tâm nói một câu, vậy mà y lại ghi nhớ trong lòng. Bên ngoài, trời đất đang đẹp như gấm vóc, đến không khí cũng trở nên ngọt ngào, tôi không kìm được thầm xao động, liền vào phòng thay áo rồi lên xe. Hoán Bích tất nhiên cũng đi theo tôi, tay xách một bọc quần áo nhỏ, quay lại nói với Cận Tịch:
Muội đi theo hầu hạ tiểu thư, tỷ ở lại trông nhà nhé!
Cận Tịch không có dị nghị gì, chỉ đưa mắt chăm chú nhìn tôi. Tôi hiểu ý nhưng vẫn im lặng không tỏ vẻ gì.
Tôi và Hoán Bích che mặt bằng khăn trắng cùng ngồi xe rời đi. Sự phồn hoa náo nhiệt của chốn kinh thành lại lần nữa hiện ra trước mắt, tôi có cảm giác như vừa được sang kiếp khác. Huyền Thanh bận áo xanh đội mũ vải, ăn mặc như một thư sinh.
Chúng tôi đi tới Lãng uyển, một nơi có khá ít người qua lại ở ngoại ô kinh thành, nghe đồn ở đó có trúc Tương Phi[4] rất đẹp.
[4] Tương truyền vua Thuấn đi tuần ở Thương Ngô rồi băng hà, hai người vợ của vua Thuấn là Nga Hoàng và bà Nữ Anh thương chồng than khóc nơi sông Tương, nước mắt vẩy lên cây trúc, từ đó thân trúc có đốm tuyệt đẹp, loài trúc này vì thế mà được dân chúng gần đó đặt cho cái tên là trúc Tương Phi – ND.
Đến nơi rồi, chỉ thấy bóng trúc biếc xanh, thân trúc lốm đốm những dấu tròn hoặc màu tím, hoặc màu trắng, hoặc màu đỏ tươi, nhìn như những giọt nước mắt.
Một cành trúc nhỏ nhoi mà có cả ngàn giọt lệ.
Tôi cất lời cảm khái:
Nhìn thấy rồi mới khiến người ta thương cảm không thôi.
Hoán Bích đưa tay tới khẽ vuốt ve.
Quả đúng là hệt như những giọt nước mắt vậy.
Huyền Thanh khẽ mỉm cười.
Nga Hoàng, Nữ Anh vì cái chết của Thuấn mà than khóc tới nhường này, tình cảm thực là sâu đậm.
Bộ đồ màu xanh ngọc bích của Hoán Bích và những cây trúc Tương Phi như tô điểm cho nhau, đôi hoa tai phỉ thúy lại càng tôn lên làn da trắng ngần, Hoán Bích thấp giọng nói:
Thuấn thật là có phúc, được một cặp tỷ muội như Nga Hoàng và Nữ Anh bầu bạn kề bên. Cũng may mà bọn họ là tỷ muội, do đó mới có thể chung sống hòa thuận bên nhau, trở thành giai thoại.
Trái tim tôi nẩy thình thịch một chặp, bất giác cảm thấy nhói đau.
Huyền Thanh khẽ nở nụ cười mỉm.
Tình cảm sâu đậm của Nga Hoàng và Nữ Anh thực khiến người ta phải cảm thán, chỉ là cái phúc ấy của Thuấn không phải ai cũng có thể có được. Đối với hạng người phàm như ta mà nói, có thể chung sống đến già với một người mà bản thân vừa ý đã là điều đáng mừng lắm rồi!
Trong khi nói, đôi mắt y chứa chan tình cảm, chăm chú nhìn tôi.
Hoán Bích thoáng lộ vẻ buồn bã, ngay sau đó lại cười tươi.
Có câu nói này của công tử, nô tỳ cũng có thể yên tâm thay trưởng tỷ rồi. Chỉ mong công tử có thể làm như lời mình nói, yêu thương trưởng tỷ cả đời.
Những lời này của Hoán Bích, tôi hoàn toàn không ngờ tới, thế nhưng đây là kết quả tốt nhất rồi. Bất kể muội ấy thật lòng hay giả ý, tôi cũng sẽ mãi mãi cảm kích muội ấy vì câu nói này. Muội ấy đã có tâm ý như vậy, tôi hà tất còn phải tính toán việc muội ấy cài một bông đỗ quyên trên búi tóc nữa.
Thế là toàn thân tôi đều nhẹ nhõm, vui vẻ đi thăm thú hết một lượt Lãng uyển, sau đó thừa dịp trời còn chưa tối mà thỏa chí quay về.