Quyển 5 - Chương 10: Lan y
-
Hậu Cung Chân Hoàn Truyện
- Lưu Liễm Tử
- 4077 chữ
- 2020-05-09 12:17:55
Số từ: 4072
Nguồn: truyenfull
Tôi chẳng muốn ngồi kiệu nữa, liền bảo mấy gã thái giám khiêng kiệu về trước, rồi bám vào tay Hoán Bích và Cận Tịch mà chậm rãi bước đi, Hoa Nghi và Tiểu Doãn Tử thì đi theo phía sau hầu hạ.
Thượng Lâm uyển phong cảnh vẫn tươi đẹp như xưa, chỉ là kỳ hoa dị thảo còn nhiều hơn ngày trước, dãy liễu bên hồ Thái Dịch lại càng xanh biếc, mềm mại. Ngoảnh đầu nhìn đi, muôn ngàn bông sen trắng giữa hồ Thái Dịch vừa bắt đầu hé nở, sắc hoa long lanh như ngọc, mịn màng, non nớt vô cùng.
Nhìn thấy cảnh này, lòng tôi bất giác nhói đau, không còn tâm trạng mà ngắm nghía gì thêm nữa.
Trên đường đi, các cung tần vừa vào cung nhất loạt khấu đầu hành lễ với tôi, tôi mỉm cười bảo bọn họ đứng dậy, cũng không dừng lại nhiều, chỉ khẽ nói với Cận Tịch:
Hoa ở Thượng Lâm uyển càng ngày càng nhiều, mà các nữ tử như hoa trong cung cũng ngày một nhiều hơn.
Cận Tịch thấp giọng nói:
Vừa rồi khi ở trong cung của Hoàng hậu, nô tỳ có thầm tính toán, lần tuyển tú đầu tiên sau khi nương nương rời cung chọn được mười tám người, lần thứ hai chọn được năm người, tính cả Diễm Thường tại và Hồ Chiêu nghi không qua tuyển chọn mà vào cung, bốn năm qua tổng cộng có thêm hai mươi lăm người mới, nhưng hôm nay số người ngồi đó lại chỉ có mười bốn, cộng thêm Diễm Thường tại không tới cũng chỉ là mười lăm.
Lòng tôi thầm máy động,
Không có ai cáo bệnh, vậy những người đó…
Cận Tịch lúc này đang cùng tôi đứng bên ao Thiên Lý cho cá chép ăn, nàng ta ghé tai tôi, khẽ nói:
Nô tỳ đã hỏi kĩ Tiểu Doãn Tử rồi, mười vị tiểu chủ đó tính cả Phó Tiệp dư trước đây người thì mất mạng, người thì bị phế truất, không có ai may mắn thoát được. Những người này hoặc là đắc sủng quá mức, hoặc là đã thể hiện tâm kế lợi hại trong khi tranh sủng, cuối cùng đều không tránh khỏi kiếp nạn.
Tôi lúc này đang bám tay vào lan can làm bằng đá cẩm thạch, bất giác thấy lạnh toát từng cơn. Lũ cá chép dưới ao Thiên Lý không ngừng quẫy đuôi tranh mồi, số lượng phải lên tới ngàn con, tạo thành một mảng đỏ rực, trong mắt người rắc thức ăn xuống tất nhiên là một cảnh tượng rất đẹp mắt.
Tôi khẽ thở dài, than:
Năm Càn Nguyên thứ mười hai có mười lăm phi tần vào cung, đến nay đã chẳng còn lại được bao nhiêu rồi.
Tôi phất nhẹ chiếc khăn tay, cười lạnh nói:
Chẳng trách cứ ba năm lại phải tuyển tú một lần, nếu không như vậy, chốn hậu cung này há lại chẳng trở nên trống trải, hiu quạnh hay sao?
Một làn gió lạnh thổi tới, mang theo hơi nước ẩm ướt và hương sen thoang thoảng, khiến lòng người bất giác thư thái hơn nhiều. Hoa hạnh trên cây hạnh gần Tri Xuân đình sớm đã rụng hết, chỉ còn lại những quả hạnh xanh xanh lủng lẳng treo đầy, quả nào cũng nhỏ nhắn đáng yêu, từ trên ngọn cây thỉnh thoảng còn vọng xuống những tiếng chim hót véo von hết sức êm tai.
Tôi bám vào tay Hoán Bích, bước tới ngồi nghỉ ngơi trong đình, tiện miệng nói:
Ta có cảm giác chim trong Thượng Lâm uyển đã nhiều lên, trước đây đâu có náo nhiệt thế này.
Tiểu Doãn Tử thoáng do dự, rốt cuộc vẫn nói:
Vì An Quý tần thích nghe tiếng chim hót, thế là Hoàng thượng liền cho nuôi rất nhiều chim trong Thượng Lâm uyển.
Tôi không hề tức giận, chỉ hờ hững nói:
Ả ta đúng là được ân sủng quá chừng.
Ánh mắt chỉ thoáng dừng lại trên cây hạnh một chút, tôi đưa tay khẽ vuốt ve cái bụng đã được bó lại của mình, thầm nghĩ cảnh hoa nở như mây trước đây thật rực rỡ biết bao, thế mà bây giờ đã trở thành
gió cuồng thổi rụng hoa nồng thắm, lá biếc xum xuê trái trĩu cành[1]
.
[1] Trích Thán hoa, Đỗ Mục. Dịch thơ Lê Nguyễn Lưu. Toàn bài: Thuở ấy tìm hương muộn đã đành, xin đừng đau xót giận mùa xanh. Gió cuồng thổi rụng hoa nồng thắm, lá biếc xum xuê trái trĩu cành. Phiên âm Hán Việt: Tự thị tầm xuân khứ hiệu trì, bất tu trù trướng oán phương thì. Cuồng phong lạc tận thâm hồng sắc, lục diệp thành ấm tử mãn chi. Về bài thơ này, sách Thái Bình quảng ký có ghi một câu chuyện như sau: Có một l箠Đỗ Mục đi chơi ở Hồ Châu, gặp một cô bé rất xinh đẹp nhưng mới hơn mười tuổi. Đỗ bèn hẹn với mẹ cô bé rằng:
Đợi tôi mười năm, nếu tôi không về được thì hẵng gả cô bé.
Mười bốn năm sau, Đỗ Mục mới về làm Thứ sử Hồ Châu, cô bé đính ước ngày trước đã lấy chồng được ba năm, sinh hai con. Đỗ Mục than tiếc và làm bài thơ này. Câu chuyện trên vị tất đã có thật, nhưng bài thơ quả là mượn hoa để ví với người, là một giai tác thở than cho tình yêu không được toại nguyện – ND.
Hoán Bích đứng sau lưng tôi, khẽ cất tiếng lạnh lùng:
Hôm nay Hoàng hậu thật khách sáo với tiểu thư quá chừng.
Tôi nhắm mắt lại, nói:
Hôm qua nàng ta không khách sáo với ta sao? Từ trước đến giờ nàng ta lúc nào cũng điềm đạm, ung dung như thế, sao có thể vì ta mà thất thố chứ!
Hoán Bích khẽ
ưm
một tiếng, giúp tôi chỉnh lại mái tóc đã hơi bị rối một chút, thấp giọng nói:
Thực ra tiểu thư việc gì phải hạ mình với Hoàng hậu như thế, cứ làm đúng theo lễ nghi là được rồi.
Tôi hơi hé mắt, chăm chú nhìn vào mắt muội ấy.
Trong thời điểm này, muội nghĩ ta có đủ tư cách để trở mặt với Hoàng hậu sao?
Tiểu thư bây giờ là Hoàn Phi, được Hoàng thượng long trọng đón về cung, lại đã có thai nữa…
Tôi cắt ngang lời muội ấy:
Ta biết muội nôn nóng nhưng cũng chớ nên vì thế mà quên đi hiện thực. Trong việc hại ta trước đây, Hoàng hậu chưa từng ra mặt, nhìn bề ngoài thì chẳng có chút dính dáng nào, dù ta có nói với Hoàng thượng thì cũng chỉ khiến bản thân vướng vào cái tội vu cáo Hoàng hậu mà thôi.
Tôi nắm lấy bàn tay Hoán Bích, tha thiết nói:
Nỗi hận trong lòng ta còn sâu hơn muội, nhưng sau khi vào cung mọi việc đều phải cẩn trọng, không thể nôn nóng được. Lần này ta trở về, Hoàng hậu kỳ thực tức muốn chết, nhưng khi gặp ta lại vẫn ra vẻ ung dung nhàn nhã, thương yêu hết lòng, qua đó đủ thấy tâm cơ của nàng ta sâu đến mức nào. Mà nàng ta càng như vậy ta lại càng phải tỏ ra ngoan ngoãn, làm bộ như không biết gì về việc trước đây, vậy mới có thể từ từ thực hiện kế hoạch được.
Cận Tịch đứng bên cạnh lẳng lặng lắng nghe rồi mới nói:
Nương nương nói không sai. Lần này nương nương về cung, Hoàng thượng tỏ ra nhiệt tình như thế kỳ thực vừa có lợi vừa có hại. Lợi là ở chỗ nương nương có Hoàng thượng chống lưng, không ai dám tùy tiện làm bừa; còn hại là ở chỗ cây to đón gió, nương nương tất nhiên sẽ trở thành kẻ địch của rất nhiều người. Hiện giờ Hoàng hậu đã nắm quyền trong cung nhiều năm, bên cạnh lại có những người đang đắc sủng như An Quý tần, Kỳ Quý tần, mà ngay tới Hồ Chiêu nghi cũng là biểu muội của nàng ta. Còn nương nương thì vừa rời cung bốn năm, mọi thứ đều trở nên xa lạ, tạm thời nhất định phải cố gắng kìm nén và tỏ ra ngoan ngoãn nghe lời mới được.
Tôi khẽ
hừ
một tiếng:
Dù ta có ngoan ngoãn nghe lời, Hoàng hậu cũng chẳng thể nào hết địch ý với ta; nhưng nếu ta mà tỏ ra bất mãn, nhất định sẽ lộ ra sơ hở để quân tử báo thù mười năm chưa muộn. Còn có một câu nữa, đó là đi đường phải đi từng bước thì mới vững. Ta thực sự không có bản lĩnh một lần lật đổ được nhiều người như thế, mà Hoàng thượng cũng sẽ không cho phép hậu cung vì ta mà trở nên hỗn loạn.
Đi đường phải đi từng bước…
Hoán Bích lẩm bẩm lặp lại câu nói ấy, đột nhiên khẽ mỉm cười.
Nô tỳ hiểu rồi, sau này sẽ không nôn nóng nữa đâu.
Tôi đứng dậy, vươn vai một cái, sắc mặt trầm lặng không chút xao động, nói:
Không riêng gì muội, tất cả những người dưới trong cung của ta cũng cần ôn hòa, lễ độ với các phi tần và cung nhân của cung khác. Hơn nữa, muội cũng cần nhớ kĩ, dù có gặp An Lăng Dung cũng phải giữ bình tĩnh mới được.
Tôi nắm chặt lấy bàn tay Hoán Bích, trầm giọng nói:
Nếu muội không thể kìm nén, kết quả sẽ chỉ là tự phá hỏng kế hoạch của chúng ta mà thôi!
Hoán Bích đỡ tôi ngồi lại xuống ghế, cùng Hoa Nghi đứng bên trò chuyện với tôi. Hoa Nghi vốn là một nữ tử trưởng thành nơi sơn dã, tuy gặp cơn biến cố lớn khiến tính tình trở nên trầm lặng hơn nhiều, nhưng sau khi vào cung, chủ yếu làm bạn với các nữ tử, hạng như Tiểu Doãn Tử thì nàng ta cũng không sợ, thêm vào đó tuổi lại còn nhỏ nên được mọi người trong Vị Ương cung hết mực yêu thương, bảo bọc, mà tôi cũng không coi nàng ta như một thị nữ bình thường, thế là sự hoạt bát trong thiên tính của cô bé mới thường bộc lộ ra khi ở bên những người thân cận.
Tôi thích nhìn bộ dạng của nàng ta lúc cười như vậy, lại có lòng muốn nàng ta được vui, bèn để mặc cho nàng ta làm gì thì làm, miệng thì cười, nói:
Vốn chính là hoa ngọc trâm mà, tất nhiên phải giống trâm ngọc rồi.
Hoa Nghi nói:
Trâm ngọc vừa lạnh giá lại vừa cứng đơ, ta thấy hoa vẫn tốt hơn, vừa thơm lại vừa đẹp.
Cận Tịch vội vàng cười trách:
Dù nương nương có thương cô, nhưng ở trong cung sao có thể cứ xưng ta như thế được, phải tự xưng là nô tỳ, đừng có quên đấy!
Hoa Nghi lập tức gật đầu lia lịa.
Nô tỳ nhớ rồi!
Hoán Bích liếc nhìn chiếc vòng hổ phách bảo thạch trên tay tôi, hậm hực nói:
Tiểu thư muốn hiếu kính Hoàng hậu thì chỉ cần tặng tràng hạt gia nam hương nạm chữ phúc vàng kia là được rồi. Hoàng hậu nương nương hãm hại tiểu thư như vậy, tiểu thư việc gì còn phải tặng những thứ thuốc dưỡng nhan quý báu như thế cho nàng ta? Lẽ nào…
Muội ấy thoáng do dự một chút rồi mới nói tiếp:
Tiểu thư còn có tính toán gì khác sao?
Hoa Nghi không kìm được thốt lên:
Chẳng lẽ… trong thuốc đó có độc?
Tôi không để ý đến, chỉ hờ hững nói:
Thứ ta tặng quả thực là quý báu phi phàm, cực kỳ hiếm có. Hơn nữa tặng những thứ đó cho Hoàng hậu ta cũng chẳng có tính toán gì đặc biệt.
Dừng một chút, tôi lại tiếp:
Lại càng không ngốc tới mức đi hạ độc.
Tôi đưa mắt nhìn về phía chân trời xa xăm, vầng dương trên cao hắt xuống những tia nắng vàng, khiến người ta không kìm được phải nheo mắt lại. Tôi hơi nhếch khóe môi, nở một nụ cười mỉm, tặng những thứ trân phẩm dưỡng nhan ấy cho Hoàng hậu chỉ là bởi vì tôi phát hiện, nàng ta thực sự đã già rồi.
Trong cung không ngừng xuất hiện các mỹ nữ tươi trẻ, nàng ta phải lần lượt ứng phó tất thảy mà không để lộ chút dấu vết nào, thực sự là vô cùng vất vả.
Hoàng hậu bắt đầu già rồi. Nếu tôi nhớ không nhầm, năm nay nàng ta đã ba mươi sáu tuổi. Một nữ nhân ba mươi sáu tuổi cần những thứ thuốc đó để níu giữ lại một chút nhan sắc của mình, ấy thế mà nàng ta lại không có những thứ mà nàng ta vốn nên có ấy, đã thế chúng còn xuất hiện trong tay tôi, một người trẻ trung hơn nàng ta, rồi được tôi cung kính dâng lên cho, nàng ta rốt cuộc sẽ cảm thấy không cam tâm tới mức nào đây?
Mẫu nghi thiên hạ? Tôi cười lạnh thành tiếng, vị mẫu nghi thiên hạ kiêu sa, quý phái ấy liệu có dám dùng những thứ thuốc dưỡng nhan thượng phẩm mà tôi dâng lên ấy không? Tôi dám đánh cược là nàng ta sẽ không dám. Nói không chừng tôi vừa mới rời đi, nàng ta đã vứt sạch những thứ đó rồi.
Tôi mỉm cười.
Không phải là bợ đỡ, cũng chẳng phải là giễu cợt, ta thực lòng muốn tặng những thứ đó cho nàng ta.
Cận Tịch hơi nheo mắt lại, cười tủm tỉm, nói:
Hoàng hậu tính tình cẩn thận như thế, làm sao dám dùng những thứ mà nương nương đưa tặng chứ!
Nếu nàng ta thực sự dám dùng, tôi hẳn sẽ vô cùng kính phục nàng ta. Nhưng theo như tính cách mà nàng ta thể hiện ra thường ngày, làm sao lại chịu nhận quà từ kẻ địch chứ?
Tôi tựa người vào hàng lan can nhìn về phía xa, hờ hững nói:
Ta ngồi mãi thấy hơi mỏi rồi, chi bằng chúng ta hãy về thôi!
Bên hồ Thái Dịch, cảnh đẹp như tranh vẽ, ánh dương dần trở nên nóng nực, chúng tôi đi dưới hàng cây râm mát, thỉnh thoảng lại trò chuyện đôi câu. Bỗng có một cơn gió mát thổi tới, những cánh hoa hợp hoan màu hồng trên cành lả tả rơi rụng, mang theo mùi hương thoang thoảng. Tôi không kìm được đưa tay ra đón lấy mấy cánh hoa đặt giữa lòng bàn tay, bất giác cảm thấy có một làn hương thanh nhã lẩn quất xung quanh thân thể mình.
Tiểu Doãn Tử không biết duyên cớ bên trong, thấy tôi cao hứng thì bèn ghé tới góp vui:
Nói tới hoa hợp hoan thì vẫn là hoa hợp hoan ở Lũ Nguyệt Khai Vân quán của Thanh Hà Vương là đẹp nhất.
Lòng tôi bỗng nhói đau, ngoảnh đầu lại thì thấy Hoán Bích cũng đang nhìn hoa mà ngơ ngẩn, bất giác thương cảm vô cùng. Cận Tịch đứng bên cạnh khẽ nói:
Nếu nương nương thích, chi bằng hãy dùng cánh hoa hợp hoan để làm một chiếc túi thơm.
Tôi nở một nụ cười lặng lẽ, đưa tay vứt mấy cánh hoa xuống hồ Thái Dịch sóng gợn dập dờn, nói:
Giữ được nhất thời chứ chẳng thể giữ được mãi mãi, cho dù có làm thành túi thơm thì rồi cũng có lúc phải úa tàn, chi bằng cứ thuận theo tự nhiên thôi.
Lời vừa mới dứt, tôi chợt nhìn thấy có một nữ tử đang đứng dưới gốc cây hợp hoan. Nữ tử này bận một chiếc áo dài màu xanh lá cây, làn da có màu lúa mạch khỏe mạnh, khác hẳn với những nữ tử trắng nõn nà trong cung. Đôi hàng lông mày của nàng ta dài tới tận chỗ tóc mai, cặp mắt long lanh như bảo thạch ánh lên những tia lạnh lùng, khóe mắt lại hơi xếch lên đầy vẻ quyến rũ, còn mang theo một nét dã tính khó thuần phục. Tôi bất giác ngây người, trước đây từng nghe người ta khen cặp mắt của nữ tử nào đó giống như sao lạnh, nhưng không ngờ trên đời lại thực sự có một đôi mắt thế này, những tia lạnh lùng tỏa ra tứ phía. Đôi môi nàng ta mím chặt, để lộ một nụ cười lạnh lùng xa cách, trên khuôn mặt thấp thoáng thần thái hụt hẫng và bướng bỉnh, thoạt nhìn qua thực có cảm giác như giữa nền đất tuyết trồi lên một cành mai đỏ, lưu lại trong lòng người ta ấn tượng sâu sắc vô cùng.
Nàng ta lúc này đang cùng thị nữ nhặt cánh hoa hợp hoan bỏ vào trong một chiếc túi lụa, mãi tới lúc đi tới trước mặt tôi mới ngẩng lên đưa mắt nhìn thoáng qua, đoạn chậm rãi quỳ xuống.
Hoàn Phi nương nương kim an.
Tôi thấy nàng ta ăn vận kỳ lạ, không thích dùng các loại đồ trang sức bằng vàng ngọc như các cung tần bình thường trong cung, trên đầu cài một đôi trâm bạc đính đá mắt hổ, tai đeo một cặp hoa tai làm bằng đá mắt mèo, chỗ bắt mắt nhất phải kể đến chiếc vòng đá thiên thanh trước ngực nàng ta, nơi chính giữa đó có một viên hổ phách trong suốt to bằng ngón tay cái màu đỏ sậm, bên trong có một con ong mật nằm ngang.
Tôi mỉm cười nhận lễ, cố kìm nén sự kinh ngạc, khẽ hỏi:
Vị muội muội này hình như ta chưa từng gặp bao giờ thì phải?
Nàng ta khẽ vuốt ve viên hổ phách trước ngực, hờ hững nói:
Tần thiếp là Diễm Thường tại ở Lục Nghê cư, vì hai ngày nay mang bệnh nên chưa thể diện kiến Hoàn Phi nương nương.
Tôi tươi cười nhìn nàng ta.
Vậy sao muội muội lại biết bản cung là Hoàn Phi?
Nàng ta nhếch môi cười khẽ, bên trong mang theo mấy tia khinh miệt.
Nương nương về cung với thanh thế lớn như vậy, có ai mà không biết chứ?
Tôi chẳng hề để tâm tới sự bất kính của nàng ta, nói với giọng đầy hứng thú:
Hôm nay khi ta tới chỗ Hoàng hậu nương nương thỉnh an cũng không gặp được Diễm Thường tại, nghe Phúc Tần nói Thường tại bị ốm.
Tôi thấy trên trán nàng ta lấm tấm mồ hôi, trong chiếc túi lụa thì đã có không ít cánh hoa hợp hoan, đoán chừng nàng ta đã tới đây từ sớm, bèn ôn tồn nói:
Đã bị ốm thì nên nghỉ ngơi trong cung mới phải, đợi lát nữa trời nắng hơn sẽ lại càng khó chịu đấy!
Nàng ta nói giọng dửng dưng:
Cảm ơn nương nương đã quan tâm.
Tôi nhìn chiếc túi trong tay nàng ta, mỉm cười hỏi:
Thường tại nhặt lấy nhiều cánh hoa như vậy làm gì thế?
Cơ thịt trên mặt Diễm Thường tại thoáng co giật một chút, ngay sau đó đã hờ hững nói:
Thái y nói bệnh của tần thiếp cần dùng cánh hoa hợp hoan làm thuốc, do đó tần thiếp mới đi nhặt một chút về, bằng không cứ để cho cánh hoa hóa thành bùn đất thì cũng lãng phí.
Tôi cười nói:
Thường tại quả là có lòng thương hoa tiếc ngọc, bản cung tự thẹn không bằng. Không biết Thường tại có thể nói cho ta phương danh không, sau này tỷ muội chúng ta gặp nhau còn xưng hô cho tiện.
Diệp Lan Y.
Nàng ta nói ngắn gọn, sau đó bèn hơi khom người.
Thần thiếp không được khỏe, không thể nói chuyện với nương nương thêm, xin cáo từ!
Nói xong, cũng không đợi tôi đồng ý, nàng ta lẳng lặng cất bước rời đi.
Hoán Bích cả kinh bật thốt:
Sao cô ta có thể vô lễ như thế chứ? Chẳng qua là ỷ được Hoàng thượng sủng ái mà thôi, chẳng trách Phương Nhược lại nói cô ta có tính tình cổ quái.
Tôi xua tay ra hiệu cho muội ấy im lặng, chợt nhìn thấy trên mặt đất có vật gì đó lấp lánh, thì ra là một miếng san hô được điêu khắc thành hình diều hâu. Tôi khom người nhặt lên, nhìn về phía Diệp Lan Y mới đi được chưa xa, quay sang nói với Hoán Bích:
Muội đi mời cô ấy về đây, hỏi xem thứ này có phải của cô ấy không.
Hoán Bích vâng lời rời đi, rất nhanh sau đó đã dẫn theo Diệp Lan Y trở lại. Tôi đưa miếng san hô lên hỏi:
Thứ này là của muội phải không?
Diệp Lan Y đưa mắt liếc qua, đáp:
Là của tần thiếp.
Tôi trả lại cho nàng ta.
Thứ này là vật tùy thân, sau này muội chớ nên tùy tiện đánh rơi nữa.
Diệp Lan Y thoáng liếc qua miếng san hô trong tay, sau đó lẳng lặng nhìn tôi.
Nương nương gọi tần thiếp lại chỉ là vì thứ này sao?
Thấy tôi gật đầu, nàng ta hờ hững nói:
Thứ như thế này tần thiếp có rất nhiều, mất cũng chẳng sao.
Dứt lời bèn vung tay lên, miếng san hô
tõm
một tiếng rơi xuống hồ Thái Dịch sau lưng.
Nếu nương nương không còn việc gì khác, tần thiếp xin cáo từ.
Nói xong bèn xoay người đi thẳng.
Hoán Bích giận đến nỗi mặt mày tái nhợt.
Trên đời này sao lại có loại người như vậy chứ? Người ta có lòng tốt trả đồ cho cô ta, vậy mà cô ta còn không biết điều như thế, quả nhiên là xuất thân hèn kém, không hiểu lễ nghi!
, rồi lại lầm bầm:
Thật chẳng rõ Hoàng thượng thích cô ta ở điểm nào, cũng đâu phải là đẹp nhất, tính khí lại chẳng ra gì nữa.
Ta cười bình thản, nói:
Muội giận cái gì chứ? Đó là đồ của cô ta, cô ta muốn làm thế nào cũng là việc của cô ta, chúng ta đâu cần tức giận làm gì.
Hoán Bích còn chưa hết giận, hậm hực nói:
Tiểu thư nhìn lối ăn mặc của cô ta xem, viên hổ phách trên chuỗi vòng cổ kia thực đáng sợ quá chừng, không ngờ lại có một con ong bên trong. Còn cả viên đá mắt hổ trên cây trâm kia nữa, cứ như là mắt hổ thật vậy, quả nhiên xuất thân là người huấn luyện thú có khác.
Tôi lặng im một lát rồi mới nói:
Dù cô ta thất lễ thì cũng không cần phải chua ngoa như vậy. Có điều chỉ nhìn viên hổ phách trên chuỗi vòng cổ kia cũng đủ biết cô ta đắc sủng đến mức nào rồi, một viên hổ phách có chứa con ong như thế không phải thứ mà một cung tần bình thường có thể có được đâu.
Hoán Bích trầm ngâm một lát, hồi lâu sau mới cất giọng khinh miệt:
Dù có đắc sủng đến mấy thì dựa theo tổ chế cũng không thể sinh nở được.
Tôi không tiếp lời Hoán Bích, chỉ dõi mắt nhìn theo bóng dáng Diệp Lan Y, nơi đáy lòng cũng thầm kinh ngạc. Theo như sự quan sát của tôi hồi nãy, nàng ta dường như không hề cố ý vô lễ với tôi, mà thực sự chẳng thèm để mắt đến những món đồ châu ngọc, coi chúng như cát bụi tầm thường. Từ nơi sống lưng thẳng tắp của nàng ta toát ra một thứ khí thế lẫm liệt, khác hẳn với những nữ tử yếu đuối thường thấy trong cung, tôi bất giác thầm lưu ý.