Quyển 5 - Chương 18: Chốn lầu son cánh én cô đơn
-
Hậu Cung Chân Hoàn Truyện
- Lưu Liễm Tử
- 5880 chữ
- 2020-05-09 12:18:11
Số từ: 5875
Nguồn: truyenfull
Hôm ấy, tôi từ chỗ Thái hậu thỉnh an trở về, đang ngồi trên kiệu đi về hướng Thượng Lâm uyển. Lúc này thời tiết nóng nực, Hoán Bích đi kế bên mồ hôi đã tuôn ra lấm tấm trên trán, tôi bèn ra lệnh cho mấy gã thái giám khiêng kiệu:
Đi qua phía hồ Thái Dịch đi, bên đó mát mẻ hơn một chút.
Bên hồ Thái Dịch liễu rủ xanh um, những cành liễu mềm mại nhìn như mái tóc dài buông xõa của các nữ tử đang đứng soi mình xuống nước chải đầu. Xung quanh hồ có rất nhiều ngọn giả sơn, hầu như tất cả đều được đắp lên một cách khéo léo bằng đá Thái Hồ, trông vừa hùng vĩ lại vừa không mất đi vẻ thanh tao. Bên trên các ngọn giả sơn còn có rất nhiều loài dây leo như sắn dây, tử đằng, đỗ nhược, bạch chỉ tô điểm khiến khung cảnh cứ như một bức họa vô cùng đẹp đẽ.
Lúc này đã là giữa hạ, từ trên những cành liễu không ngừng vọng ra tiếng kêu khó chịu của lũ ve sầu, tiếng sau dài hơn tiếng trước. Có lẽ vì mỏi mệt, tôi mới ngồi trên kiệu được một lúc đã có chút mơ màng, chợt nghe thấy tiếng khóc sụt sùi vẳng lại, dường như có nữ tử nào đó đang nấp sau ngọn giả sơn mà khóc.
Tôi khẽ xua tay ra hiệu cho kiệu dừng lại, quay sang nói với Tiểu Doãn Tử:
Hình như có ai đó đang khóc, ngươi tới phía sau ngọn giả sơn ngó qua thử xem.
Tiểu Doãn Tử cười trừ, nói:
Chắc có cung nữ nào vừa phải chịu ấm ức hoặc là bị chủ nhân đánh đấy thôi. Trời nóng nực thế này, nương nương lại đang mang thai, cứ nên về cung cho sớm thì hơn.
Tôi trừng mắt nhìn gã một cái, không nói năng gì. Tiểu Doãn Tử sợ hãi cúi gằm mặt xuống, vội vã co cẳng chạy đi. Chợt nghe
úi chao
một tiếng, Tiểu Doãn Tử thò đầu ra nói:
Khởi bẩm nương nương, là Tinh Thanh.
Vừa nói gã vừa dắt Tinh Thanh tới trước mặt tôi.
Tinh Thanh vì bị Kỳ Tần đánh mà nhân họa đắc phúc, giờ đây đã trở thành cung nữ quản sự bên cạnh Chu Dung hoa. Thấy nàng ta khóc lóc thương tâm như vậy, tôi ngỡ là nàng ta bị Chu Dung hoa đánh mắng, bèn ân cần hỏi:
Có chuyện gì thế? Ngươi bị Chu Dung hoa trách phạt hay sao?
Tinh Thanh nghẹn ngào đáp:
Bẩm nương nương, không phải là Dung hoa tiểu chủ trách phạt nô tỳ.
Thị đưa tay áo lên lau nước mắt, nói tiếp:
Nô tỳ không dám giấu gì nương nương, nô tỳ đang buồn thay cho Từ Tiệp dư ở Ngọc Chiếu cung.
Từ Tiệp dư?
Tôi hỏi.
Chính là vị tiểu chủ mà ngươi từng hầu hạ ngày trước đúng không? Không phải nàng ta đã bị cấm túc rồi sao?
Tinh Thanh sụt sùi nói:
Chính vì chuyện này nên nô tỳ mới thấy buồn. Người ta nói tiểu chủ xung khắc với Thái hậu và Hoàng hậu, do đó dù đang mang thai nhưng vẫn bị cấm túc.
Tôi dịu giọng an ủi:
Ngươi trung thành với chủ cũ là việc tốt, có điều Từ Tiệp dư tuy bị cấm túc nhưng không phạm phải lỗi lầm gì lớn, chắc vẫn có người chăm sóc mà.
Tinh Thanh lắc đầu, nói:
Nương nương không biết đấy thôi, tuy việc ăn mặc không thiếu thốn gì nhưng thân thể tiểu chủ trước giờ vốn không được khỏe, nô tỳ chỉ lo tiểu chủ sẽ suy nghĩ vu vơ mà làm hại đến thân thể thôi. Hơn nữa, phi tần trong cung vốn khó sinh nở, nô tỳ sợ là… sợ là…
Nàng ta không dám nói tiếp nữa nhưng tôi đã hiểu được là nàng ta muốn nói gì. Tinh Thanh lê gối tới ôm lấy chân tôi, khẩn khoản van nài:
Trước đây tiểu chủ đã không đắc sủng lắm, sau khi bị cấm túc lại càng chẳng có vị phi tần nào dám đến thăm, Hoàng hậu còn cho cắt bớt số người hầu hạ bên cạnh tiểu chủ nữa. Nô tỳ thực sự không yên tâm, xin nương nương…
Tôi khẽ hỏi:
Ngươi muốn nhờ ta tới thăm nom xem nàng ta có được bình an không ư?
Tinh Thanh nghẹn ngào nói:
Kính Phi nương nương hiểu cái đạo giữ mình, Đoan Phi nương nương thì không để tâm tới việc gì khác, duy có nương nương là đang được ân sủng nhất, do đó nô tỳ chỉ dám cầu xin nương nương thôi.
Tôi lấy khăn tay của mình ra, đưa cho nàng ta lau nước mắt, nói:
Ngươi và bản cung từng là chủ tớ, ngươi đã mở miệng như vậy, có thể thấy Từ Tiệp dư đối xử với ngươi không tệ, bản cung không lý nào lại không đi. Ngươi về trước đi, đừng để người ta thấy ngươi khóc rồi nói ra nói vào, khi nào rảnh bản cung sẽ đi.
Tinh Thanh vội vàng đổi khóc làm cười.
Cảm ơn nương nương. Từ sau khi nương nương về cung, nô tỳ vẫn luôn thấy áy náy vì không thể quay lại hầu hạ nương nương, bây giờ lại phải nhờ cậy nương nương nữa…
Tôi mỉm cười, nói:
Hầu hạ vị chủ nhân nào mà chẳng như nhau, ngươi cứ làm tốt công việc của mình là được.
Trở về Nhu Nghi điện, tôi nghỉ ngơi một lát rồi gọi Hoa Nghi lại dặn dò:
Tới Thái y viện mời Ôn đại nhân tới đây.
Cận Tịch lúc này đang ngồi bên giường bóp chân cho tôi, nghe thấy vậy thì bèn hỏi:
Thân thể nương nương không được khỏe hay sao? Tự dưng lại mời Ôn đại nhân tới làm gì?
Tôi trầm ngâm đáp:
Ta muốn hỏi xem cái thai của Từ Tiệp dư bây giờ thế nào rồi.
Cận Tịch ngẩng đầu, ngạc nhiên hỏi:
Nương nương thực sự muốn đi thăm Từ Tiệp dư sao?
Tôi khẽ gật đầu.
Tinh Thanh là người hầu cũ của ta, nàng ta đã cầu xin như vậy, ta thực không đành lòng từ chối, ngoài ra cũng muốn xem thử xem vị Từ Tiệp dư này là nhân vật thế nào. Vả chăng Phương Nhược từng kể với ta là Từ Tiệp dư rất thương yêu Lung Nguyệt, ta đi thăm như vậy coi như là để trả lại món nợ ân tình này cho nàng ta.
Tôi mỉm cười một tiếng, nói tiếp:
Dù sao, nếu không có cái thai của nàng ta thu hút ánh mắt của Hoàng hậu, ta muốn về cung cũng chẳng được dễ dàng như thế.
Kỳ thực còn có một nguyên nhân khác mà tôi không nói, ấy là theo lời kể của Huyền Thanh thì Từ Yến Nghi khá có tài năng, nếu nàng ta sinh nở thuận lợi, đối với tương lai của tôi thực chưa rõ lợi hại thế nào.
Ôn Thực Sơ rất nhanh đã tới. Tôi hỏi thẳng vào việc chính:
Cái thai của Từ Tiệp dư giờ thế nào rồi?
Ôn Thực Sơ không chút vòng vo:
Đã được năm tháng rồi, dựa theo mạch tượng mà xét thì có bảy, tám phần mười là con trai.
Tôi ngẩn ra.
Hoàng thượng và Hoàng hậu đã biết chưa?
Ôn Thực Sơ trầm ngâm một chút rồi mới đáp:
Chuyện này vốn luôn là điều kiêng kỵ của Thái y viện, bởi nếu nói thai nhi là nam thì e sẽ khiến quá nhiều người chú ý, còn nói là nữ thì lại sợ làm Hoàng thượng không vui, do đó cứ không nói là tốt nhất.
Tôi bất giác bật cười.
Không ngờ người của Thái y viện cũng ranh mãnh đến vậy.
Ôn Thực Sơ thoáng do dự rồi mới nói tiếp:
Người xem mạch cho Từ Tiệp dư vừa hay là môn sinh của vi thần, tên gọi Vệ Lâm. Y từng nói cái thai của Từ Tiệp dư không ổn định, chưa chắc đã có thể mẹ tròn con vuông. Hơn nữa Từ Tiệp dư tâm tư tinh tế, là người đa sầu đa cảm, vì việc bị cấm túc mà ăn ngủ không yên, làm ảnh hưởng tới thai khí rất nhiều.
Thảo nào Hoàng hậu sau khi cấm túc Từ Tiệp dư thì không có thêm hành động gì, hóa ra là đoán chắc rằng Từ Tiệp dư sẽ khó mà bình yên được. Tôi bất giác thầm cảm thấy lo lắng.
Vậy cái thai liệu có giữ được không?
Ôn Thực Sơ cúi đầu suy nghĩ một chút rồi mới đáp:
Nếu Từ Tiệp dư có thể ổn định tâm trạng thì hẳn là không có vấn đề gì nhưng nếu suy nghĩ quá nhiều, chỉ e…
Tôi về cơ bản đã hiểu rõ tình hình, sau khi tiễn Ôn Thực Sơ rời đi liền dặn dò Hoán Bích:
Muội đi chuẩn bị một ít đồ dùng cho thai phụ cho ta, đợi lát nữa chúng ta cùng tới Ngọc Chiếu cung.
Ngọc Chiếu cung là tòa cung điện nằm ở phía bắc của Tử Áo Thành, không lớn không nhỏ, quy mô vào tầm trung bình. Trong Ngọc Chiếu cung còn chưa có chủ vị, người có địa vị cao nhất chính là Từ Tiệp dư. Vì Từ Tiệp dư bị cấm túc, người ra ngoài nghênh đón tôi là Đức nghi Lưu Lệnh Nhàn.
Trong khoảnh khắc khom người hành lễ, đôi vành mắt Lưu Đức nghi bất giác đỏ hoe.
Tần thiếp tham kiến Hoàn Phi nương nương, nương nương kim an.
Tôi để ý quan sát, không kìm được thổn thức nói:
Mấy năm không gặp, Thận Tần giờ đã trở thành đức nghi rồi.
Lưu Đức nghi nở nụ cười buồn.
Nương nương có trí nhớ tốt quá, không ngờ còn chưa quên tần thiếp.
Lưu Lệnh Nhàn và tôi vào cung cùng năm, là một nữ tử rất ngoan ngoãn, năm xưa cũng khá đắc sủng. Còn nhớ ngôi vị Thận Tần đó được phong vào đúng năm tôi mang thai lần đầu, tới bây giờ sáu, bảy năm đã qua mà mới chỉ được thăng một cấp, xem ra nàng ta đã thất sủng từ lâu. Tôi thấy nàng ta thần sắc buồn đau, xiêm y giản dị, lại càng hiểu rõ tình hình hiện giờ, bèn nắm lấy bàn tay nàng ta, nói:
Mấy năm nay Đức nghi đúng là đã phải chịu khổ rồi.
Lưu Đức nghi nghẹn ngào nói:
Tạ ơn nương nương xót thương, bây giờ tần thiếp ở cùng với Từ Tiệp dư, cuộc sống cũng không quá tệ.
Tôi ghé tai nàng ta, khẽ nói:
Hiện giờ nhiều người, tạm thời đừng khóc vội, kẻo người khác nhìn thấy lại nói ra nói vào.
Lưu Đức nghi gật mạnh đầu một ái, vội ngoảnh đầu qua một bên, lẳng lặng lau nước mắt. Tôi quay sang dặn dò Tiểu Liên Tử:
Từ Tiệp dư hiện đang bị cấm túc, cuộc sống ắt có phần thiếu thốn, ngươi đi chọn lấy một ít vải vóc và đồ trang sức đến đây cho ta, nhớ mang đủ hai phần, một để tặng cho Lưu Đức nghi nữa.
Lưu Đức nghi hoang mang nói:
Nương nương như vậy, tần thiếp làm sao dám nhận.
Tôi ôn tồn nói:
Chúng ta là tỷ muội vào cung cùng năm với nhau, giúp đỡ lẫn nhau cũng là việc nên làm.
Sau một hồi nén nhịn, thần sắc Lưu Đức nghi bất giác ảm đạm đi nhiều, nhẹ nhàng cất tiếng:
Nương nương tốt bụng, vẫn còn nhớ tình xưa. Nhưng có một số người sau khi leo cành cao, trở thành quý tần, được Hoàng thượng và Hoàng hậu xem trọng, liền chẳng để ý gì tới tình nghĩa năm xưa nữa.
Nàng ta cắn chặt môi, ánh mắt đượm nét bi thương.
Năm đó mười lăm tỷ muội chúng ta cùng nhau vào cung, tới bây giờ người thì chết, người thì thất sủng, trong số những người còn sót lại ngoài nương nương có phúc nhất ra thì mấy năm nay duy có nàng ta là được thăng tiến liên tiếp, đã thế còn một mực giẫm lên đầu các tỷ muội. Huệ Quý tần nếu không vì được Thái hậu xem trọng, chỉ e cũng đã bị nàng ta ức hiếp rồi.
Tôi nghe nàng ta nói rất thương tâm, lòng cũng hiểu được phần nào, nhưng chỉ khẽ nói:
Hiện giờ không phải là lúc nói những lời này.
Lưu Đức nghi khẽ gật đầu một cái, lập tức tỉnh ngộ.
Nương nương tới đây chắc để thăm Từ Tiệp dư, tần thiếp thực hồ đồ quá, tự nhiên lại kéo nương nương lại mà nói những lời quàng xiên.
Nàng ta thoáng lộ vẻ khó xử.
Có điều Từ Tiệp dư đã bị Hoàng thượng hạ chỉ cấm túc, e là không dễ thăm nom.
Tôi chỉnh trang lại xiêm y một chút, nghiêm túc nói:
Bản cung là một trong Tam phi, theo lý mà nói cần phải quan tâm tới tỷ muội các cung, huống chi Từ Tiệp dư đang mang thai rồng, việc cấm túc chỉ là để tránh xung khắc với Thái hậu và Hoàng hậu, không phải do phạm tội lớn tày đình, có gì mà không thể thăm nom đây?
Tôi nói năng ôn tồn, thế nhưng ý tứ thì lại cứng rắn, không cho phép người ta không nghe theo. Lưu Đức nghi vội cười, nói:
Nương nương nói đúng lắm, tần thiếp dẫn nương nương qua đó ngay đây.
Không Thúy đường hệt như tên gọi, cây cỏ biếc xanh nhưng không có nhiều hoa lắm, từ trong vườn tới dưới hành lang trồng toàn những loài cây đúng mùa như Đường xương bồ, Xà mục cúc, Long đảm thảo và Phi yến thảo, khắp nơi đều ngợp một màu xanh. Bên ngoài ánh dương nóng nực nhưng vừa bước vào Không Thúy đường, người ta liền lập tức có cảm giác mát mẻ thoải mái, nỗi phiền muộn trong lòng cũng mau chóng tan đi.
Giữa một mảng biếc xanh, một nữ tử thân hình gầy guộc đang đứng quay lưng về phía chúng tôi. Lưu Đức nghi đang định gọi nàng ta tới hành lễ, tôi đã đưa tay ra ngăn lại, chợt nghe nữ tử đó cất tiếng ngâm u buồn:
Tứ trương cơ. Uyên ương chức tựu dục song phi. Khả liên vị lão đầu tiên bạch. Xuân ba bích thảo, hiểu hàn thâm xử, tương đối dục hồng y.
Ngâm xong liền buồn bã thở dài một tiếng.
Nghe nàng ta ngâm thơ, tôi cảm nhận được một nỗi buồn mênh mang vô tận bên trong đó, bất giác lòng thầm xao động.
Tôi quay sang nháy mắt ra hiệu cho Lưu Đức nghi ra ngoài, sau khi hắng giọng liền khẽ ho lên một tiếng. Người ngoảnh đầu lại là một nữ tử vận bộ cung trang màu xanh lam, dung nhan không quá diễm lệ, cũng không có chỗ nào thực sự đáng chú ý, chỉ có thể coi là hạng khá mà thôi. Nếu phải nói tới một chỗ nào đặc biệt nhất, vậy thì đó chính là cặp mắt trong veo, sáng lấp lánh của nàng ta, nhìn cứ như những vì sao giữa bầu trời đêm sâu thẳm. Vì đang bị cấm túc, lúc này trên mặt nàng ta không hề có chút phấn son nào nhưng đôi hàng lông mày lá liễu vẫn dài và cong vút, dưới đuôi mắt bên trái có một nốt ruồi màu đỏ sậm, nhìn cứ như một viên chu sa căng đầy. Vẻ mặt nàng ta hết sức hờ hững, toàn thân như toát ra một thứ ý vị khó mà dùng lời miêu tả, trông như một cành hoa ngọc lan giữa trời mưa mịt mù.
Nhìn thấy tôi, nàng ta bất giác hơi sững người, khẽ kêu lên:
Phó Tiệp dư…
Hoa Nghi vội nói:
Đây là Hoàn Phi nương nương ở Nhu Nghi điện.
Nàng ta thoáng ngẩn người rồi lập tức tỉnh ngộ, cung kính khom người hành lễ.
Tiệp dư Từ thị ở Ngọc Chiếu cung bái kiến Hoàn Phi nương nương.
Tôi đích thân bước tới đỡ nàng ta, mỉm cười nói:
Muội muội khách sáo quá rồi!
Tới lúc này tôi mới có dịp tỉ mỉ quan sát nàng ta, chỉ thấy nàng ta vận một bộ cung trang màu xanh lam may bằng vải lụa, bên trên thêu một cành ngọc lan tím kéo dài từ trước ngực tới tận vạt dưới, ngoài ra không còn hoa văn gì khác, trông vừa mới mẻ vừa thanh tao thoát tục. Mái tóc của nàng ta cũng chỉ được búi lên cao một cách đơn giản, bên trên cài mấy cây trâm bạc nhỏ thuần màu, nhìn rất thuần khiết, mộc mạc. Tựu trung lại, tuy chỉ vừa gặp thôi nhưng tôi đã rất có cảm tình với nữ tử này.
Cùng lúc ấy Từ Tiệp dư cũng chăm chú nhìn tôi bằng cặp mắt trong veo.
Nương nương… trông giống Lung Nguyệt Công chúa quá!
Tôi mỉm cười nói:
Hai mẹ con tất nhiên là phải giống nhau rồi. Có điều Lung Nguyệt hãy còn nhỏ tuổi, bản cung kỳ thực vẫn chưa nhìn ra được.
Tôi thản nhiên nhìn lại nàng ta, nói tiếp:
Vừa rồi hình như Tiệp dư nhận nhầm ta là người khác thì phải?
Nàng ta thoáng lộ vẻ lúng túng.
Dạ phải.
Ngay sau đó đã nở nụ cười tươi.
Thì ra là thế, hôm nay được gặp nương nương, tần thiếp mới biết tại sao khi xưa Phó Tiệp dư lại được sủng ái đến vậy.
Dứt lời, sắc mặt nàng ta liền ảm đạm hẳn đi, lắc đầu thở dài.
Tiếc rằng cô ấy đã…
Lúc này nàng ta đang cầm một bông hoa xương bồ trong tay, màu đỏ tươi của cánh hoa lại càng làm tôn lên khuôn mặt trắng nõn mịn màng. Tôi ngó quanh bốn phía một chút, cười nói:
Nơi này của Tiệp dư đúng là độc đáo thật, không xanh xanh đỏ đỏ như cung của các phi tần khác, khiến người ta cảm thấy tâm hồn thư thái.
Từ Tiệp dư khẽ cười điềm đạm, nụ cười cứ như mấy ánh dương nho nhỏ lọt xuống qua lùm cây rậm rạp, mang theo một chút mát mẻ xanh tươi.
Hoa đẹp không thường nở, cảnh đẹp chẳng bền lâu. Tần thiếp không thích những giống hoa quanh năm tàn lụi kia, đâm ra mới trồng nhiều loài cây cỏ.
Ả cung nữ đứng cạnh nàng ta cười nói:
Tiểu chủ sao cứ đứng đây nói chuyện với nương nương mãi thế này, chi bằng hãy mời nương nương vào trong ngồi xuống nói chuyện thì hơn.
Từ Tiệp dư bất giác bật cười.
Tần thiếp bị cấm túc trong Không Thúy đường đã lâu, suốt một thời gian dài không có ai tới thăm, thành ra quên mất cả lễ nghi đãi khách, mong nương nương lượng thứ.
Rồi lại ngoảnh đầu sang nói với cung nữ bên cạnh:
Kết Ngạnh, may mà có ngươi nhắc nhở ta đấy.
Tôi thấy nàng ta thân hình mảnh dẻ, gầy guộc, đoán chừng là vì đang mang thai mà lại bị cấm túc nên tâm trạng không tốt, ăn uống không điều độ nhưng như thế lại càng khiến cái thai năm tháng của nàng ta lộ rõ.
Thế rồi tôi theo Từ Tiệp dư cất bước vào trong, thấy Không Thúy đường được bài trí sơ sài, tất cả đều dựa theo quy chế, không có vẻ gì là xa hoa. Từ Tiệp dư sai một cung nữ tên gọi Hoàng Cầm dâng trà lên, ánh mắt nhìn về phía cái bụng vẫn hơi nhô lên sau khi đã được bó của tôi.
Nương nương đã có thai được ba tháng rồi đúng không?
Tôi khẽ mỉm cười.
Tiệp dư tinh mắt quá!
Tôi thấy trong căn phòng không lớn lắm của nàng ta bày đầy những sách, không kìm được cười nói:
Thì ra Tiệp dư cũng thích xem sách, vậy là bản cung có thể tìm được người để nói chuyện rồi.
Những sợi tóc trên trán Từ Tiệp dư bị mồ hôi rỉ ra làm bết lại, nàng ta vừa phe phẩy chiếc quạt tròn trong tay vừa điềm đạm nói:
Tần thiếp có một lần tình cờ nghe Kính Phi nương nương kể về vẻ đẹp của nương nương, thầm nghĩ việc này từ trên người Lung Nguyệt Công chúa đã có thể thấy được phần nào, nhưng hôm nay gặp mặt vẫn thấy hết sức bất ngờ, chẳng trách Hoàng thượng lại nhớ mãi không quên nương nương như thế.
Tôi chỉnh lại chiếc vòng đeo tay một chút, mỉm cười nói:
Có đúng là nhớ mãi không quên hay không thì bản cung không rõ, có điều Hoàng thượng xưa nay vẫn luôn mưa móc ban đều, cứ nhìn Tiệp dư thì biết. Hơn nữa, hôm nay bản cung tới thăm Tiệp dư thứ nhất là theo ý nguyện của bản thân, thứ hai là vì thường xuyên nghe Hoàng thượng nhắc đến, vẻ rất nhớ nhung mới đi thay Hoàng thượng một chuyến.
Hai mắt Từ Tiệp dư bất giác sáng bừng, tựa những ngọn nến đột ngột được thắp sáng giữa màn đêm.
Nương nương không dối gạt tần thiếp đấy chứ?
Tôi cười nói:
Nếu không có sự đồng ý của Hoàng thượng, sao bản cung dám tùy tiện tới đây chứ!
Hai má Từ Tiệp dư ửng hồng vẻ yêu kiều e thẹn.
Thì ra Hoàng thượng không phải là không quan tâm tới tần thiếp…
Tất nhiên là thế rồi.
Tôi chỉ tay vào các món lễ vật được mấy gã thái giám phía sau bưng tới.
Những thứ này là do bản cung đích thân chọn cho Tiệp dư, nếu Tiệp dư không chê thì xin hãy nhận lấy. Tất cả đều đã được Hoàng thượng ghé mắt qua rồi.
Từ Tiệp dư mặt bừng sắc xuân, thân thể vốn vô cùng yếu ớt bỗng như có thêm mấy phần sinh khí, chậm rãi bước tới lướt nhẹ đôi tay qua những món lễ vật kia. Thoáng trầm ngâm một chút, tôi khẽ nói:
Tiệp dư đang có thai mà bị cấm túc, Hoàng thượng kỳ thực cũng rất không đành lòng, Tiệp dư phải thông cảm cho ngài mới được.
Từ Tiệp dư cúi gằm mặt, điềm đạm nói:
Thái hậu và Hoàng hậu đều là mẫu nghi thiên hạ, thân phận tôn quý tột cùng, tần thiếp không may xung khắc song nguyệt, bị cấm túc cũng là hợp lẽ, nào dám oán trách gì Hoàng thượng.
Tôi quan sát thần sắc nàng ta, thấy đó hoàn toàn không phải những lời khách sáo, ngược lại còn rất chân thành, thế là chỉ nói thêm:
Bài Tứ trương cơ mà Tiệp dư vừa ngâm rất hay, có thể thấy Tiệp dư tài học bất phàm, rất xứng với những cuốn sách đầy phòng này.
Từ Tiệp dư mỉm cười hòa nhã.
Nương nương học rộng biết nhiều, Yến Nghi sớm đã nghe nói, bấy lâu nay vẫn mang lòng ngưỡng mộ. Hôm nay gặp mặt, không biết có thể xin nương nương chỉ giáo cho ít nhiều không?
Tôi khẽ cười, nói:
Cái gì mà chỉ giáo với không chỉ giáo chứ, chẳng qua là tỷ muội chúng ta trau dồi học vấn với nhau một chút mà thôi.
Tôi khẽ nhấp một ngụm trà, nói tiếp:
Bài Tứ trương cơ đó của Tiệp dư quả thực hết sức tài tình, tiếc là làn điệu có hơi buồn thương quá. Tiệp dư giờ đang mang thai, tuy tạm thời bị cấm túc nhưng chỉ cần sau này sinh nở thuận lợi, cảnh phong quang ắt sẽ lại trở về.
Từ Tiệp dư có chút ngẩn ngơ, cặp mắt nhìn đăm đăm vào tấm bình phong thêu hình cây liền cành, thẫn thờ nói:
Tần thiếp chẳng ham gì phong quang hay phú quý đâu.
Dứt lời liền ngoảnh đầu qua cười khẽ.
Nương nương cũng tinh thông thơ từ ca phú, chi bằng hãy họa lại một bài được chăng?
Sau phút chốc trầm ngâm, tôi nhớ lại năm xưa trong quãng thời gian xa cách, tôi và Huyền Thanh đã cùng nhau xướng họa một chùm thơ Cửu trương cơ, bèn không kìm được buột miệng cất tiếng ngâm:
Tứ trương cơ. Y nha thanh lý ám tần mi. Hồi toa chức đóa thùy liên tử. Bàn hoa dịch oản, sầu tâm nan chỉnh, mạch mạch loạn như ti.
Trong mắt Từ Tiệp dư lộ rõ vẻ tán thưởng, đôi hàng lông mày bất giác dãn ra.
Hoàng thượng sủng ái nương nương như vậy quả nhiên không phải là không có lý.
Tôi cầm chén trà lên, khẽ nhấp một ngụm cho xuôi họng, ôn tồn nói:
Bản cung làm bài Tứ trương cơ này là để nói tới Tiệp dư, Tiệp dư thấy có xác đáng lắm không?
Từ Tiệp dư bất giác sững người.
Nương nương cớ sao lại nói vậy?
Tôi nở một nụ cười tươi.
Vừa rồi Tiệp dư nói chẳng ham gì phong quang hay phú quý, ta tin đó là lời thực. Nhưng bất kể có ham muốn gì hay không, Tiệp dư cũng nhớ giữ gìn cho đứa bé trong bụng mình. Ta thấy vừa rồi khi ngắm hoa ngâm thơ, thần sắc Tiệp dư đượm nét bi thương, hy vọng sau này khi nhìn người hay nhìn việc, Tiệp dư có thể dùng ánh mắt tích cực hơn một chút.
Tôi bộc bạch lòng mình:
Tiệp dư cũng là người làm mẹ như ta, hẳn biết rằng bản thân vui vẻ thì đứa bé trong bụng mới có thể khỏe mạnh được.
Từ Tiệp dư chăm chú nhìn tôi, chân thành nói:
Nương nương nói rất phải.
Tôi khẽ cười điềm đạm.
Tiệp dư không cần phải khách sáo như vậy, chúng ta đều là người hầu hạ Hoàng thượng, nếu Tiệp dư không ngại thì cứ gọi bản cung một tiếng tỷ tỷ, như thế sẽ thân mật hơn.
Hai má Từ Tiệp dư bất giác ửng hồng, khom người nói:
Nếu tỷ tỷ không chê tần thiếp ngu độn, vậy tần thiếp xin được với cao.
Tôi cười nói:
Muội muội nói gì vậy, có một người muội muội thông minh, xinh đẹp thế này, bản cung mong còn chẳng được ấy chứ.
Tôi ngoảnh đầu sang đưa mắt ra hiệu, Cận Tịch hiểu ý, liền đỡ tôi đứng dậy. Tôi đi tới chỗ bức bình phong thêu hình cây liền cành kia, dừng chân ngắm nghía. Gốc cây liền cành đó thẳng tắp cứng cỏi, trên cành cây có một cặp chim liền cánh cọ đầu vào nhau, dáng vẻ hết sức thân mật. Tôi khẽ cất tiếng hỏi:
Bức bình phong này là muội tự thêu sao? Trông thật tinh xảo quá!
Từ Tiệp dư mỉm cười, bước tới đáp:
Tần thiếp tay chân vụng về, chẳng qua chỉ thêu thùa một chút để giết thời gian thôi. Nếu nói tới bản lĩnh thêu thùa, trong cung có ai mà so được với An Quý tần chứ, ngay đến những món đồ tùy thân của Hoàng thượng như áo lót, giày tất cũng đều do nàng ta tự tay làm.
Tôi bất giác có chút ngạc nhiên.
Muội muội thêu thùa giỏi như thế này mà Hoàng thượng lại không biết ư? Hay là muội muội trước giờ chưa từng làm những thứ như túi thơm, giày tất dâng lên cho Hoàng thượng?
Từ Tiệp dư lộ vẻ u buồn, khẽ vuốt ve cặp chim liền cánh được thêu trên bức bình phong, gượng cười nói:
Tần thiếp tay chân vụng về, Hoàng thượng làm sao mà vừa mắt được.
Tôi khẽ
ồ
một tiếng, cố kìm nén sự nghi hoặc nơi đáy lòng, nở nụ cười tươi.
Trên trời nguyện làm chim liền cánh, dưới đất nguyện làm cây liền cành, đó chính là niềm mong ước viển vông của tất cả các cô gái nơi khuê các như chúng ta.
Từ Tiệp dư hơi mím môi, trên bờ môi như thấp thoáng một nét sầu nhàn nhạt.
Tỷ tỷ nói rất đúng, đó chỉ là một mong ước viển vông mà thôi!
Tôi bật cười.
Ai nói là mong ước viển vông thì không thể thành sự thật nào.
Dừng một chút, tôi lại tiếp:
Ta là tỷ tỷ mà lại đi tặng muội mấy thứ vàng bạc, lụa là thì quả thực tầm thường quá, chi bằng tặng cho muội một bài Cửu trương cơ mà ta làm từ ngày trước.
Tần thiếp xin được lắng nghe.
Mang theo mối tâm sự người hữu tình khó có thể thành đôi, lòng tôi dâng trào nỗi sầu thoang thoảng, khẽ cất tiếng ngâm:
Cửu trương cơ. Phương tâm mật dữ xảo tâm kỳ. Hợp hoan thụ thượng chi liên lý. Song đầu hoa hạ, lưỡng đồng tâm xứ, nhất đối hóa sinh nhi.
Từ ngoài cửa sổ, một làn gió nhẹ thổi vào, khiến Không Thúy đường càng thêm mát mẻ, tôi mỉm cười nói:
Bản cung xin dùng bài thơ này để chúc muội muội đạt được tâm nguyện của mình.
Tôi bám tay Cận Tịch rời đi, ngoảnh đầu lại thấy Lưu Đức nghi vẫn khom người đi theo sau, liền ôn tồn nói:
Đức nghi xin hãy về đi, không cần tiễn nữa. Ta chỉ có một lời dặn thế này, Từ Tiệp dư và Đức nghi cùng ở trong Ngọc Chiếu cung, nơi này ngoài nàng ta ra thì Đức nghi có địa vị cao nhất, lại là người cũ trong cung, hãy chăm sóc cho nàng ta cẩn thận. Sau này, nếu Từ Tiệp dư thuận lợi sinh được hoàng tử, khi luận công ban thưởng, Đức nghi cũng sẽ có phần.
Lưu Đức nghi vội vàng nói:
Nương nương đã có lời dặn dò như vậy, tần thiếp nhất định sẽ ghi nhớ kĩ.
Trở về Nhu Nghi điện, Hoán Bích hầu hạ tôi thay quần áo, lại mang vào một ít hoa quả tươi, cùng tôi ngồi trong noãn các hóng mát. Muội ấy lúc này đang cầm một chiếc thìa bạc nhỏ xúc ruột dưa hấu ra, chiếc thìa đó miệng tròn đáy sâu, mỗi miếng dưa hấu xúc ra đều tròn xoe đỏ mọng, được đặt vào một chiếc đĩa sứ trắng tinh, trông đáng yêu vô cùng.
Tôi dùng xiên bạc xiên một miếng dưa hấu lên ăn, cảm thấy vừa ngọt vừa mát, hết sức ngon miệng. Hoán Bích ngó thấy xung quanh không có ai, liền vừa quạt cho tôi vừa hỏi:
Từ Tiệp dư giờ đang có thai, Ôn đại nhân lại nói cái thai đó có bảy, tám phần mười là một vị hoàng tử, sao tiểu thư vẫn đối tốt với nàng ta như vậy?
Tôi nhắm mắt suy nghĩ một lát, đoạn chậm rãi nói:
Vừa rồi muội có nhìn thấy bộ dạng của nàng ta khi ngâm bài Tứ trương cơ không?
Nô tỳ thấy rồi, thực sự là rất đáng thương, khiến người ta không kìm được sinh lòng buồn bã.
Tôi đưa tay vuốt khẽ chiếc đệm mềm mà mình đang ngồi, nhẹ nhàng hỏi:
Muội chỉ cảm thấy buồn thôi sao?
Hoán Bích cúi xuống, bên khóe miệng thấp thoáng vẻ xót thương và thông cảm.
Nô tỳ cảm thấy khi ngâm bài thơ đó Từ Tiệp dư có vẻ rất thương tâm. Nàng ta vốn không đắc sủng, lại bị cấm túc khi đang mang thai, quả thực đáng thương vô cùng.
Nhu Nghi điện vừa yên tĩnh vừa mát mẻ, tấm rèm trúc Tương Phi buông xuống đã ngăn cái nóng lại bên ngoài, một vài tia nắng lọt vào khiến khung cảnh trong phòng giống như mộng ảo. Tôi đặt cây tăm bạc trong tay xuống, khẽ vuốt ve một chiếc nút như ý trên tấm rèm, chậm rãi nói:
Theo ta thấy… Từ Tiệp dư có vẻ thực sự ôm mối tình si với Hoàng thượng, bằng không khi ngâm bài Tứ trương cơ kia đã không có được cái ý vị như thế.
Thoáng dừng lại một chút, tôi nói tiếp:
Nếu nàng ta thật lòng thích Hoàng thượng, ý nghĩa của đứa bé trong bụng đối với nàng ta sẽ khác, nó không phải là công cụ để tranh sủng hay thăng tiến, mà là cốt nhục của nàng ta với nam nhân mà nàng ta thích.
Hoán Bích chăm chú nhìn tôi, khẽ nói:
Tiểu thư hẳn là đang từ người mà nghĩ tới mình rồi.
Tôi mỉm cười bình thản.
Cho dù ta biết nàng ta đang mang thai một đứa bé trai thì sao? Nếu ta cũng sinh được con trai, ta sẽ không để nó đi tranh đạt ngôi báu, mà chỉ lặng lẽ nuôi nó nên người; còn nếu đứa bé trong bụng ta là con gái, vậy thì càng chẳng có gì phải lo nghĩ nữa, do đó ta chẳng việc gì phải tranh đấu sống chết với nàng ta cả. Hơn nữa, bản thân ta cũng từng bị người ta hãm hại mà mất đi cốt nhục, sao ta đành lòng đi hại người khác chứ.
Hoán Bích khẽ nở nụ cười, khuôn mặt thanh tú bị mấy tia nắng lọt qua tấm rèm chiếu vào làm cho chỗ sáng chỗ tối.
Tiểu thư thực sự không có chút lòng riêng nào sao?
Tôi vuốt ve chiếc móng tay giả làm bằng vàng ròng, bật cười khúc khích.
Sống trong hậu cung ai mà không có lòng riêng đây? Muội biết vậy là được rồi.
Hoán Bích cúi xuống tiếp tục xúc dưa hấu, miệng cất tiếng cười lạnh lùng.
Nói thực lòng, nô tỳ chỉ mong nàng ta sinh được một vị tiểu hoàng tử rồi sau đó đấu đá với Hoàng hậu một phen. Hoàng hậu bây giờ thực là đắc ý quá chừng, nuôi con của người khác mà cứ xem như là con của mình vậy.
Tôi đặt tay lên bụng mình, chậm rãi nói:
Nàng ta có sinh được đứa bé này ra hay không là điều chưa thể biết trước, nếu thực sự sinh được, muội còn lo không có cuộc đấu đá nào sao?
Tôi hơi nhếch khóe môi lên.
Có điều, bất kể là vì mình hay là vì người khác, ta đều hy vọng nàng ta có thể thuận lợi sinh đưa bé này ra.