• 986

Quyển 4 - Chương 4: Cố nhân tới (thượng)


Số từ: 4347
Nguồn: truyenfull
Đầu tháng Mười một, thời tiết dần trở nên giá lạnh, sương mù bao phủ quanh núi, tiết trời âm u, chẳng mấy khi có nắng. Nhà trệt vốn thấp bé, mỗi lần đến mùa này đều giá lạnh và ẩm ướt, cả người tôi giống như một cây cọc rêu nơi góc tường, thậm chí còn có thể vắt ra nước. Đương nhiên là có than sưởi ấm nhưng thứ được đưa đến chỗ chúng tôi toàn là loại than đen rất xấu, vừa đốt là khói đã bốc mù mịt, làm người ta cay sè mắt, không kìm được ho sặc sụa.
Cận Tịch đi hỏi, Tịnh Bạch vốn chủ quản việc này chỉ cười tủm tỉm, thản nhiên đáp:
Dám hỏi một câu, Mạc Sầu là phụng chỉ đến đây tu hành hay đến đây để hưởng phúc?
Chỉ câu hỏi ấy thôi đã khiến Cận Tịch nghẹn lời.
Tiểu ni cô bên cạnh còn cười, nói:
Bọn ta chẳng phân biệt được than đen hay than trắng mới là than tốt đâu, nương tử nhà các ngươi trải đời nhiều, chi bằng hãy tự đi mà làm lấy, như thế tốt hơn là đi xin từ chỗ khác về nhiều.

Cận Tịch dù có tốt tính đến mấy cũng không sao kìm nén được nữa, sắc mặt trở nên tím tái.
Nhưng loại than đen đó thực sự không thể dùng được, nương tử còn đang ở cữ, Tịnh Bạch sư phụ xin hãy xem giúp liệu có thể chiếu cố một chút được không, tốt xấu gì thì nương tử cũng là người phụng chỉ tu hành.

Tịnh Bạch bề ngoài thì thành thực nhưng giọng nói cất lên lại the thé không hợp với dáng người chút nào:
Phụng chỉ tu hành? Đó chỉ là những lời dễ nghe để nói với bên ngoài thôi, còn với mọi người trong chùa, không cần nói những lời như vậy đâu. Tục ngữ có câu ‘giấu trên không giấu dưới’, cô nghĩ bọn ta đều là kẻ ngốc hết sao, ai mà không biết Mạc Sầu là người bị đuổi ra khỏi cung!
Nói xong, cả đám người cùng cất tiếng cười rộ.
Giọng của Tịnh Bạch vốn lớn, lúc này lại cố tình nói to, nghe như tiếng chuông, tiếng trống. Cận Tịch cố gắng kìm nén, biết rằng có nói với bọn họ nữa cũng chẳng ăn thua, đang định rời đi, chợt bị một tiểu ni cô kéo lại, cười hì hì, nói:
Ta có cách này hay lắm, trên ngọn núi sau chùa có rất nhiều cây to, bọn cô chịu khó trèo lên đó chặt một ít củi về sưởi ấm là được mà.
Nói xong liền che miệng cười khúc khích.
Với thời tiết bây giờ, đường núi gập ghềnh khó đi, sao có thể đi chặt củi được, lời này rõ ràng là có ý châm chọc.
Cận Tịchmuốn nói nhiều với bọn họ, xoay người rời đi luôn.
Thế nhưng còn chưa hết, câu nói cuối cùng của Tịnh Bạch còn khó nghe hơn, vẫn lọt vào tai nàng ta:
Xin thứ cho bần ni lắm lời, nơi này không phải là chốn cung đình để nương tử muốn gì cũng được, mà nương tử cũng không còn là nương nương như trước đây nữa, phải biết rõ thân phận của mình.

Lời này hết sức khó nghe, Cận Tịch hơi biến sắc nhưng rốt cuộc vẫn rảo bước rời đi.
Khi nàng ta trở về, tôi đang nằm ngủ trên giường, đầu óc nửa mê nửa tỉnh, hết sức mỏi mệt. Lúc này, Hoán Bích đang giặt quần áo ngoài sân, nhìn thấy Cận Tịch tay không trở về liền nôn nóng hỏi:
Lại bị bọn họ trách cứ sao?

Cận Tịch không nói gì, chỉ ngồi xuống bên cạnh cùng giặt quần áo với Hoán Bích, một lát sau liền ngoảnh đầu nhìn vào trong, hỏi:
Nương tử đâu?

Hoán Bích nhỏ giọng nói:
Tiểu thư còn đang ngủ, vẫn chưa thức giấc.

Cận Tịch khẽ thở dài một hơi, than thở:
Nếu chỉ là trách cứ thì còn đỡ, cô không biết đám người đó nói năng khó nghe thế nào đâu.

Hoán Bích đưa tay xắn lại hai ống tay áo sắp rơi xuống, lắc đầu, nói:
Dù có khó nghe đến mấy thì cũng vậy thôi, trước đây khi tiểu thư mới vào cung, còn chưa đắc sủng, đám người Hoàng Quy Toàn ở phủ Nội Vụ đã nói bao nhiêu lời khó nghe chứ, không phải chúng ta cũng đã chịu đựng được hết đó sao?

Cận Tịch xua tay, nói:
Lúc đó dù sao cũng là ở trong cung, những việc đáng khinh như thế xảy ra thực quá đỗi bình thường. Nhưng nơi này là cửa Phật thanh tịnh, là chốn tu hành, cô không biết đám ni cô đó nói năng khó nghe, khiến người ta tổn thương đến thế nào đâu.
Bọn họ đều ngỡ là tôi đã ngủ say, thế là Cận Tịch bèn rủ rỉ kể lại toàn bộ sự việc với Hoán Bích.
Hoán Bích nghe xong, không kìm được vừa kinh ngạc vừa tức giận, nói:
Đây là lời mà những ni cô có thể nói ra được sao? Thực chẳng khác gì đám đàn bà đanh đá nơi phố chợ. Tiểu thư đã rơi vào cảnh này rồi, hà tất phải ném đá xuống giếng nữa? Làm như vậy bọn họ được lợi lộc gì chứ?

Cận Tịch thở dài một hơi, buồn khổ nói:
Lúc mới tới đã như vậy rồi, những ngày tháng sau này nương tử phải sống thế nào đây?

Tôi chỉ yên lặng lắng nghe rồi từng chút rúc mình vào trong chăn, dùng chăn quấn chặt lấy thân thể mình. Tháng Mười một trời đã vào đông, mỗi khi nói chuyện là lại có một làn hơi trắng phả ra từ trong miệng, nhưng dù trời có lạnh đến mấy cũng làm sao so được với sự giá lạnh trong lòng người?
Chẳng lẽ dù đến đâu cũng không thể thoát khỏi những chuyện thị phi hay sao?
Chùa Cam Lộ đã là bước đường lui cuối cùng rồi, tôi còn có thể trốn đến đâu được nữa? Ngay cả một nơi bình yên để gửi mình, tôi cũng chẳng thể có được sao?
Tôi cắn chặt chăn. Chăn trong chùa tất nhiên không thể mềm và nhẹ như chăn gấm trong cung, vừa nặng nề vừa cứng nhắc, đã thế còn chẳng ấm áp chút nào. Tôi cắn đến nỗi hai hàm răng tê nhức, nước mắt rốt cuộc vẫn không kìm được tuôn rơi.
Nhưng nước mắt vừa rơi được một giọt, tôi đã cố kìm nén để mình không khóc vì việc này. Ngay từ sớm tôi đã biết dù tới chùa Cam Lộ cũng chẳng thể hưởng phúc, vậy việc gì phải khó chịu vì những nỗi khổ kia chứ?
Tôi đưa tay lau nước mắt, nhẹ nhàng đứng dậy, bước ra ngoài. Hoán Bích và Cận Tịch nghe thấy tiếng bước chân thì đều sợ đến giật nẩy mình, vội tươi cười để che giấu những nét u sầu trên khuôn mặt. Cận Tịch cất tiếng:
Nương tử tỉnh rồi sao, sao không ngủ thêm lát nữa rồi hẵng dậy?

Tôi tươi cười kéo tay bọn họ lại, nói:
Yên tâm, ta ngủ đủ rồi!
Không khí bên ngoài còn lạnh hơn trong phòng, quần áo của tôi có hơi mỏng manh. Tôi chậm rãi nói:
Mọi việc nhờ người khác chẳng bằng nhờ mình, chẳng qua chỉ là một ít than mà thôi, nếu quả thực không thể dùng thì chúng ta tự lên núi chặt củi là được. Chúng ta có chân có tay, nhất định không thể chết đói, cũng không thể chết rét được.

Cận Tịch biết là tôi đã nghe thấy tất cả, liền mỉm cười, nói:
Có câu nói này của nương tử, chúng ta còn phải sợ gì nữa? Đạo lý chính là như vậy, nhờ người chẳng bằng nhờ mình.

Hoán Bích lo lắng nói:
Tiểu thư còn đang ở cữ, sao có thể đi làm việc nặng được? Hơn nữa, tiểu thư xưa nay sống sung sướng quen rồi.

Tôi khẽ cười.
Có sung sướng đến mấy thì cũng là chuyện xa xưa, bây giờ chúng ta có gì khác nhau chứ?

Hoán Bích không kìm được, vành mắt bất giác đỏ hoe.
Tiểu thư nói như vậy thực khiến bọn nô tỳ thương tâm lắm!

Tôi kéo bọn họ cùng ngồi xuống, xắn tay áo, nói:
Ta tuy đang ở cữ, không thể chạm vào nước nhưng phơi quần áo thì hẳn là không có vấn đề gì. Dù sao ta cũng không thể nhìn hai người vất vả, mình thì ngồi yên an hưởng thanh nhàn được.

Cận Tịch đứng bên cạnh cười, nói:
Nương tử đã nói như vậy, bọn nô tỳ cũng không thể có lời gì thêm. Nhưng dù sao nương tử vẫn đang ở cữ, lỡ để lại mầm bệnh gì thì không hay, vì thế nếu nương tử đi lại được, chỉ cần cắt cỏ là được rồi, việc nặng như chặt củi thì cứ giao cho nô tỳ và Hoán Bích cô nương.

Tôi biết Cận Tịch và Hoán Bích một lòng muốn bảo vệ tôi, do đó lại càng cảm kích.
Ngày hôm sau, ngay từ sáng sớm, tôi đã lên núi cắt cỏ. Trên đường vừa khéo gặp Tịnh Bạch dẫn theo hai ni cô ra ngoài, thấy tôi đi nhặt củi, bà ta liền ngênh ngang nói:
Giúp ta đi cắt một gánh về nhé!

Bà ta nói như thể đó là lẽ đương nhiên, mà tôi cũng không muốn nảy sinh xung đột và tranh chấp, liền ngoan ngoãn vâng lời.
Tôi mới đi lần đầu, lại đi từ sớm, trên núi còn chưa có bóng người nào, tôi liền hưng phấn cắt một gánh cỏ lớn mang về, đưa tới chỗ Tịnh Bạch trước. Bà ta chỉ liếc mắt nhìn qua, đột nhiên đưa tay véo cánh tay tôi, cười nói:
Ta thấy ngươi đúng là lười nhác, cắt bừa một lúc để về ứng phó qua loa sao? Ngươi nhìn chỗ cỏ mà ngươi cắt xem, sao có thể dùng được.
Bà ta bóp vào cọng cỏ như vừa bóp cánh tay tôi, một dòng dịch thể xanh biếc lập tức chảy ra, bà ta liếc mắt cười giễu cợt.
Nhìn bộ dạng ngốc nghếch của ngươi kìa, nhất định là ngươi đã chọn loại cỏ cao lớn ở dốc núi phía sau, nhiều nước như thế làm sao mà đốt được. Nhìn mặt ngươi cứ ngỡ là người thông minh, sáng dạ, không ngờ lại ngu ngốc như thế, đến cắt cỏ cũng không biết. Đúng là nương nương từ trong cung ra, chỉ biết hưởng phúc thôi!

Bà ta nói năng cay nghiệt, cánh tay tôi bị đau nhưng không dám tránh, cũng không dám cãi lại, chỉ đành cố gắng kìm nén.
Ni cô đứng bên cạnh có pháp hiệu Mạc Giác, là đồ đệ của Tịnh Bạch, thấy cảnh này liền cười xiểm nịnh, nói:
Sư phụ nói đúng lắm, người nhìn cái bộ dạng lẳng lơ của cô ta kìa, sao biết cắt cỏ chứ, chỉ biết giả vờ giả vịt ra vẻ đáng thương mà thôi. Cô ta nghĩ cô ta còn ở trong cung hay sao, mà chắc hồi ở trong cung, cô ta cũng chỉ là loại hồ ly tinh lẳng lơ chuyên đi quyến rũ Thánh thượng thôi!

Tôi chỉ đờ đẫn đứng nghe, cảm giác chua xót bất giác trào dâng trong lòng, không kìm được thầm nghĩ người xuất gia không phải nên lấy từ bi làm đầu sao? Cớ gì bọn họ cứ thích nói vào chỗ đau của người khác, không chút nể nang như vậy? Tôi có chỗ nào đắc tội với bọn họ cơ chứ?
Có điều, tôi đã thấy quá nhiều cảnh tình người bạc bẽo, do đó cũng lười chẳng muốn tranh luận với bọn họ.
Tịnh Bạch thấy tôi ngây ra, không biện bạch gì, lại càng chán ghét, nói:
Mau đi đi. Cứ nhìn ngươi ta lại thấy khó chịu! Đi cắt hai gánh cỏ khác về đây, không làm xong thì không được ăn cơm.

Tôi đờ đẫn lên núi, do đã được thuyết giáo một bài nên lần này, tôi chỉ tới sườn dốc phía trước để cắt cỏ. Tôi mới cắt được một lúc, chợt nhìn thấy Mạc Ngôn lẳng lặng bước tới.
Bà ta đưa mắt quan sát tôi một hồi rồi dừng ánh mắt trên đám cỏ, hỏi:
Đây chính là cỏ mà cô cắt sao?

Tôi không hề nhìn ra có chỗ nào không ổn, đáp:
Phải!

Bà ta không nói gì thêm, bới tung sọt cỏ mà tôi vừa cắt lên một lượt, sau đó đổ toàn bộ xuống đất. Bà ta trừng mắt nhìn tôi nói:
Cô đừng kinh ngạc! Cô mà mang chỗ cỏ này về, nhất định sẽ bị Tịnh Bạch mắng cho một trận nữa thôi!

Tôi hơi hổ thẹn, cúi đầu, nói:
Ta không biết phải cắt thế nào mới đúng, cũng không có ai chịu nói với ta.

Mạc ngôn chẳng buồn ngẩng đầu lên.
Đám người trong chùa Cam Lộ đều không ưa cô, sao chịu nói cho cô biết nên cắt loại cỏ nào.
Bà ta cứ cúi đầu đi về phía trước, lúc bước lúc dừng, vừa cắt cỏ vừa nói:
Cắt cỏ thoạt nghe cứ tưởng là một công việc dễ dàng, kỳ thực không dễ chút nào.
Bà ta ngắt vài cọng cỏ, đưa tới cho tôi xem.
Loại cỏ đuôi chó này là tốt nhất, vừa thẳng lại vừa đốt được lâu.

Những loại cỏ mà bà ta nói tới có quá nửa tôi chưa từng nhìn thấy lần nào, chỉ thầm ghi nhớ để sau này còn tiện phân biệt.
Mạc Ngôn lại nói tiếp:
Vừa rồi Tịnh Bạch nói một câu không sai, cắt cỏ phải xem vị trí. Cỏ có loại ở dốc trước và dốc sau, loại ở dốc sau thường cao lớn nhưng lại nhiều nước, không dễ đốt, loại ở dốc trước thì vì được nhiều nắng nên khô, khi đốt cũng dễ dàng hơn nhiều.

Chân tay bà ta rất linh hoạt, chẳng bao lâu sau đã cắt được một đống lớn, xếp tất cả vào trong chiếc sọt của tôi. Tôi đi theo phía sau, bối rối học theo nhưng chẳng cắt được bao nhiêu, không kìm được cười nhăn nhó, nói:
Ta đúng là vô dụng, đến việc cắt cỏ cũng phải nhờ bà chỉ dạy, đã thế lại còn cắt chậm nữa.

Bà ta đưa mắt liếc nhìn tôi, lạnh lùng nói:
Cô vốn chưa từng làm những việc này, cứ từ từ mà học. Ta thấy mấy việc như thêu thùa của bọn cô mới là khó học, nếu bắt ta làm, ta cùng lắm chỉ thêu được một quả trứng vịt thôi!

Tôi thấy bà ta tuy lạnh lùng, không hợp với mọi người nhưng lại nhiệt tình, tốt bụng, quả là một người ngoài lạnh trong nóng. Bà ta chịu ra tay trợ giúp, tôi cảm kích vô cùng.
Sau khi bận rộn suốt một buổi sáng, chúng tôi cắt được hai đống cỏ rất cao, tuy đang là mùa đông nhưng trên lưng tôi, mồ hôi đã tuôn đầm đìa. Mạc Ngôn lại giúp tôi bỏ cỏ vào sọt rồi giẫm cho thật chặt, nói:
Chỗ này đủ cho cô dùng vài ngày rồi, cũng tiện đi ăn nói với Tịnh Bạch.

Tôi đưa tay lau mồ hôi trên trán, ngẩng đầu nhìn bốn phía chỉ thấy mênh mang cỏ vàng, phần lớn đều đã héo khô, bèn cười, nói:
Chi bằng bà về trước đi, ta cắt thêm một ít nữa.

Mạc Ngôn làm sao chịu, hơi cau mày, nói:
Thân thể cô vừa mới khỏe lại chưa lâu, cố làm quá sức như vậy để cho ai xem chứ? Cô còn đang trong thời gian ở cữ, cẩn thận kẻo lưu lại mầm bệnh rồi sau này tha hồ mà chịu khổ.
Bà ta vốn có đôi mày ngài hệt như đàn ông, lúc giận dữ chúng liền xoăn tít lại, trông càng đáng sợ hơn.
Tôi vội cười, nói:
Được, được. Ta nghe lời bà.
Tôi cảm kích không thôi, nói tiếp:
Lúc ta mới đến, bị bệnh, may nhờ có bà mang đường đỏ tới giúp đỡ. Bây giờ ta lại càng phải cảm tạ bà.

Bà ta vỗ vào tay tôi một cái, cất tiếng cười rộ, nói:
Sao phải khách sáo như thế chứ!
Mạc Ngôn vốn rất khỏe, vỗ đúng vào chỗ vừa bị Tịnh Bạch véo, tôi bất giác kêu lên
úi chao
một tiếng. Mạc Ngôn nghe ra có sự khác thường, liền xắn tay áo tôi lên, phát hiện chỗ vừa bị Tịnh Bạch véo lúc này đã trở nên tím bầm.
Mạc Ngôn bừng bừng nổi giận, vỗ đùi đánh đét một cái.
Để ta đi nói với trụ trì.

Tôi hoang mang kéo bà ta lại.
Không sao đâu, quay về bôi chút rượu thuốc là được rồi!

Mạc Ngôn nói:
Không phải chỉ là cắt nhầm cỏ thôi sao, có phải chuyện gì ghê gớm lắm đâu, sao có thể véo cô như vậy được?
, rồi lại trừng mắt nhìn tôi.
Cô ngốc thật hay ngốc giả thế, cô ta làm nhục cô như vậy, cô không biết đánh trả sao? Không biết đi nói với trụ trì hay sao?

Tôi nhìn lại bà ta.
Vậy, nếu ta đánh trả hoặc đi nói với trụ trì thì sẽ thế nào?

Bà ta buột miệng nói:
Trụ trì tất nhiên sẽ trừng trị cô ta một phen!

Tôi cúi đầu lặng lẽ bước mấy bước rồi nói:
Đúng thế! Nếu ta đi nói với trụ trì, trụ trì tất nhiên sẽ xử lý việc này một cách công bằng. Thế nhưng một khi ta làm vậy, bọn họ nhất định sẽ càng ghét ta hơn. Trụ trì chỉ có một mình, bảo vệ được ta một lúc chứ không bảo vệ được ta cả đời. Nếu bọn họ ôm hận trong lòng, ngầm giở trò gì đó, ta thực sự không cách nào đề phòng được, do đó đành tạm thời nhẫn nhịn, hy vọng tình hình ngày sau sẽ tốt hơn một chút.

Mạc Ngôn căm phẫn nói:
Cô đúng là tốt tính quá đấy. Nếu là ta, ta nhất định sẽ lập tức tát cho cô ta hai cái thật mạnh, để cô ta biết được sự lợi hại của bà cô đây.

Bà ta nói năng đanh đá, thật chẳng giống một người xuất gia chút nào. Tôi chỉ khẽ cười khúc khích.
Phải rồi! Nếu ta mà có sức khỏe như bà, tất nhiên sẽ không ép dạ cầu toàn làm gì.

Bà ta đắc ý nói:
Tất nhiên là thế rồi, cô nhìn xem trong chùa Cam Lộ này có ai dám ức hiếp Mạc Ngôn ta?

Tôi mỉm cười, gật đầu.
Tất nhiên là không ai dám ức hiếp cô, trừ phi kẻ đó đã ăn gan hùm gan báo.
Tôi suy nghĩ một lát rồi bất giác có chút buồn bã.
Không biết ta đã đắc tội với bọn họ ở chỗ nào, sao bọn họ cứ luôn gây khó dễ cho ta như thế chứ?

Mạc Ngôn bĩu môi, cất giọng khinh thường:
Còn có nguyên nhân gì khác được? Chẳng qua là do cô trẻ tuổi xinh đẹp, lại vừa từ trong cung ra, trước đây nhất định là được Hoàng đế sủng ái, do đó bọn họ mới không vừa mắt.
Bà ta thấp giọng cười giễu.
Bọn họ là một đám gái già, cả đời này ngay đến nam nhân cũng chưa được nhìn thấy mấy lần ấy chứ!

Lời này quá mức lộ liễu, tôi bất giác đỏ bừng hai má, làm bộ như không nghe thấy gì, cất bước đi theo bên cạnh Mạc Ngôn. Thế nhưng bà ta thực sự rất khỏe, gánh hai sọt cỏ lớn mà vẫn bước đi như bay, nếu không phải vì nghĩ đến tôi mà đi chậm lại một chút, chỉ e sớm đã về đến chùa Cam Lộ rồi.
Quả nhiên, Tịnh Bạch nhìn thấy chỗ cỏ mà tôi mang về thì không bắt bẻ được gì, chỉ cau mày, bỏ lại một câu:
Sau này mỗi ngày đi cắt hai gánh cỏ về đây!
Thấy tôi xoay người lẳng lặng cáo từ, bà ta lại lớn tiếng nói:
Đi tắm rửa cho cẩn thận, trong cung có người tới thăm ngươi, đừng ra vẻ như thể bọn ta bạc đãi ngươi lắm!

Tôi bất giác sững người, trong cung có ai tới thăm tôi được? Tôi là người mang tấm thân không lành bị trục xuất khỏi cung cơ mà! Trái tim tôi chợt trở nên ấm áp, liệu có phải là My Trang không? Phải rồi, cũng chỉ có My Trang mới lo lắng cho tôi thôi.
Chẳng rõ mấy chục ngày vừa qua, tỷ ấy sống thế nào, liệu có gầy hơn trước không?
Nhưng phi tần không dễ gì rời cung, My Trang làm thế nào để có thể tới đây thăm tôi?
Suy nghĩ như vậy, bước chân tôi bất giác nhanh hơn, trái tim không ngừng đập thình thịch, đi thẳng về chỗ ở của mình.
Đưa tay đẩy cánh cửa gỗ ra, tôi nhìn thấy bên cạnh trụ trì là một người phụ nữ vận cung trang tuổi chừng bốn chục, trên người vận một bộ áo váy thêu hoa màu xanh nõn chuối, lại khoác thêm một chiếc áo lụa màu xanh sẫm bên ngoài, mặt mũi rất mực hiền hòa, không phải Phương Nhược thì còn là ai được nữa?
Tôi bất giác ngây người, không ngờ người tới lại là bà ta, bất giác buột miệng gọi:
Phương Nhược cô cô!

Phương Nhược nói liền hai câu
tốt lắm
, lại cầm lấy bàn tay tôi, giọng nói bất giác đã có chút nghẹn ngào:
Nương tử tiều tụy đi nhiều quá!
Bà ta vuốt ve cổ tay tôi, xót xa nói:
Sao nương tử lại gầy đến thế này chứ?
Còn chưa nói xong, bên khóe mắt đã xuất hiện vẻ không vui, liếc qua phía trụ trì.
Tôi biết rõ trụ trì vô tội, bà ta chỉ một lòng hướng Phật, rất ít khi để tâm tới những việc khác, vì vậy bèn nói:
Là tự ta sức khỏe quá kém đó thôi, mọi người trong chùa Cam Lộ đều đối xử với ta rất tốt.

Phương Nhược nghe vậy mới chịu bỏ qua, lại mời trụ trì ra ngoài, kéo tay tôi cùng ngồi xuống, thân mật nói:
Ta có mấy thứ đồ tốt muốn mời nương tử xem đây.

Tôi có chút nghi hoặc, chỉ thấy bà ta mở bọc đồ mang theo ra.
Những thứ này đều là do Thái hậu ban cho, để nương tử bồi bổ thân thể. Nương tử còn đang trong thời gian ở cữ, vốn nên ăn những thứ như gà ác, tổ yến để tẩm bổ, nhưng Phật môn dù sao cũng là nơi tu hành, thứ nhất là không thể ăn đồ mặn, thứ hai là những loại thức ăn quá quý giá cũng không tiện đưa tới.
Rồi bà ta liệt kê từng thứ:
Đây là phương thuốc điều dưỡng cho người vừa sinh nở, Thẩm Tiệp dư đã đặc biệt nhờ Ôn đại nhân kê giúp rồi nhờ nô tỳ đưa tới đây. Ôn đại nhân xưa nay từng xem mạch cho nương tử rất nhiều lần, do đó đơn thuốc này có thể nói là phù hợp với thể chất của nương tử nhất. Thuốc cũng đã được chuẩn bị sẵn rồi, nương tử cứ sắc theo đơn mà uống là được. Ở đây còn có cỏ ích mẫu, củ từ, long nhãn, vải khô, đều là do Thái hậu ban cho nương tử đấy. Còn mấy chiếc áo bông và áo gấm này nữa, để nương tử chống rét. Đây là than sưởi, tuy không bằng được thứ trong cung nhưng dùng tạm cũng ổn.
Phương Nhược ngó quanh bốn phía một lát rồi nói:
Chỗ này của nương tử có hơi sơ sài, chỉ sợ không thể chịu nổi mùa đông giá lạnh, đặc biệt là ở trong vùng núi thế này, đợi mấy ngày nữa, nô tỳ sẽ sai người đưa tới thêm một ít đồ chống rét.

Tôi khom người, nói:
Ta là người mang tội, Thái hậu còn rất mực xót thương như thế, ta thực không dám nhận.

Phương Nhược khẽ thở dài một hơi.
Sự oan khuất của nương tử, Thái hậu sao có thể không biết được chứ! Thái hậu kỳ thực rất thương nương tử, chỉ là không tiện nói ra mà thôi! Dù sao Hoàng thượng cũng là con ruột của Thái hậu, Hoàng hậu thì là cháu gái ruột của Thái hậu, có lỗi lầm gì, Thái hậu không thể không che chở.
Phương Nhược đưa mắt liếc nhìn tôi, nhỏ giọng nói:
Tuy lòng bàn tay với mu bàn tay đều là thịt, nhưng nương tử là người thông minh, tất nhiên biết rõ thịt ở lòng bàn tay với mu bàn tay cũng có phân chia chỗ dày chỗ mỏng. Xin đừng trách Thái hậu!
Bà ta nắm chặt bàn tay tôi, dường như có ý an ủi, lại càng giống như đang dặn dò.
Dường như có một cơn gió lạnh đột ngột thổi qua, trong mắt tôi bỗng trào dâng cảm giác chua xót, phải khó khăn lắm mới kìm nén để nước mắt không rơi.
Ta không dám trách Thái hậu.

Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Hậu Cung Chân Hoàn Truyện.