• 976

Quyển 4 - Chương 6: Dây đàn đứt chẳng người nghe


Số từ: 3705
Nguồn: truyenfull
Tôi một lòng điều dưỡng, ăn ngủ đúng giờ. Quả đúng như sự kỳ vọng của Cận Tịch và Hoán Bích, thân thể tôi đã dần khỏe lại, ăn uống cũng thấy ngon miệng hơn, có thể thoải mái đi lại. Tôi bắt đầu ngày ngày tụng kinh niệm Phật, làm việc chăm chỉ. Hễ có thời gian rảnh rỗi, tôi lại cẩn thận vùi đầu chép kinh Phật bất kể ngày đêm. Chỉ mong những lời chân ngôn chân ý trong kinh Phật có thể xua bớt tâm trạng u uất thường dâng trào trong lòng tôi. Trong quãng thời gian này, tôi chép xong Kim Cương kinh rồi lại chép Lăng Nghiêm kinh, sau khi chép đủ ba lần mỗi cuốn kinh thư, tôi ngẩng đầu chăm chú nhìn mình trong gương, thấy ánh mắt quả nhiên đã vơi đi rất nhiều tạp niệm, nhưng đồng thời cũng trở nên trống rỗng.
Tôi chép kinh Phật một cách nghiêm túc, nét mực đen nhánh và nồng đậm, tựa như sự không cam tâm và nỗi oan khuất của tôi, tất cả đều được viết vào trong những lời chân ngôn vô biên của Phật pháp, qua đó xoa dịu sự căm phẫn trong tôi.
Thái hậu vì tôi mà khổ tâm an bài như thế thực đã có thể coi là hết mức rồi.
Bà ta yêu cầu tôi phải tự tay chép kinh Phật, mỗi tháng sai Phương Nhược đến lấy, chính là để đảm bảo tôi vẫn còn sống, sống một cách bình an với hai tay hai chân lành lặn, thân thể khỏe mạnh và không có bệnh tật gì.
Việc Phương Nhược đến đây hằng tháng không hề khiến công việc vất vả của tôi giảm đi bao nhiêu, chỉ là trong hôm bà ta tới, tôi được Tịnh Bạch cho phép nghỉ ngơi một ngày.
Hoán Bích hỏi tôi:
Tiểu thư phải làm việc vất vả như vậy, tại sao lại không nói với Phương Nhược cô cô để nhờ chủ trì công đạo, hoặc nói trực tiếp với trụ trì cũng được mà?

Tôi cúi đầu, cẩn thận hồ quần áo, hờ hững nói:
Nếu ta nói với trụ trì, trụ trì nhất định sẽ tới gặp Tịnh Bạch cầu xin giúp ta. Nhưng dù gì ta cũng nằm dưới quyền quản lý của Tịnh Bạch, nếu bà ta ngoài miệng đồng ý nhưng sau lưng ngầm ám toán thì đến chút bình yên khó khăn lắm mới có được này, ta cũng chẳng còn. Mà nếu nói với Phương Nhược, Phương Nhược nhất định sẽ quay về bẩm với Thái hậu. Thái hậu tuy là cô ruột của Hoàng hậu nhưng chiếu cố ta với Lung Nguyệt như vậy đã coi như tận tâm rồi, hà tất phải khiến lão nhân gia người nhọc lòng thêm. Hơn nữa, trong cung tai vách mạch rừng, nếu việc này truyền đến tai Hoàng hậu và An Lăng Dung, không biết kết quả sẽ ra sao nữa.

Lý do có thể nói ra tôi đều đã nói cả rồi, nhưng vẫn còn một nguyên nhân khác tôi không thể nói. Tôi vừa mới rời cung, những người muốn dồn tôi vào chỗ chết kia đương nhiên không chịu dễ dàng bỏ cuộc, chỉ e bên cạnh tôi có vô số cặp mắt tới từ trong cung đang rình mò. Thái hậu bảo tôi chép kinh Phật để Phương Nhược mang về mỗi tháng cũng là vì nguyên nhân này, người lo có người hãm hại tôi. Tịnh Bạch khó chịu trước xuất thân và dung mạo của tôi, do đó cố tình gây khó dễ khiến tôi vất vả. Nếu những kẻ kia nhìn thấy tình cảnh của tôi bây giờ, nhất định sẽ cảm thấy yên tâm hơn nhiều, ý định đối phó với Lung Nguyệt của tôi cũng sẽ giảm đi không ít. Mọi việc trên đời này đều có liên quan đến nhau, tôi là người làm mẹ, cũng chỉ có thể làm cho Lung Nguyệt một chút việc như vậy mà thôi.
Mỗi lần Phương Nhược tới, tôi chỉ hỏi hai câu:
My Trang có khỏe không? Lung Nguyệt có khỏe không?

Phương Nhược không tiện nói nhiều, chỉ thỉnh thoảng trả lời đôi câu đơn giản, chưa từng nói tỉ mỉ. Tôi biết bà ta có chỗ khó xử nên cũng không làm khó, chỉ là mỗi lần gặp mặt vẫn chỉ hỏi hai câu này.
Hỏi nhiều quá rồi, Phương Nhược không kìm được bật cười, nói:
Nương tử vĩnh viễn chỉ quan tâm tới hai người bọn họ thôi sao?

Tôi không chút nghĩ ngợi, đáp:
Phải!

Phương Nhược thoáng tỏ vẻ trầm ngâm, trong mắt lóe hiện nét cười.
Thái hậu dặn dò nô tỳ mỗi tháng đều phải tới thăm nương tử, thực sự là rất quan tâm, lẽ nào nương tử không muốn hỏi xem Thái hậu gần đây thế nào sao?

Tôi hờ hững nói:
My tỷ tỷ ở trong cung phải nhờ sự chiếu cố của Thái hậu mới được bình yên, nếu My tỷ tỷ yên lành, Thái hậu ắt cũng không có vấn đề gì, do đó không cần phải hỏi. Hơn nữa, cô cô mỗi lần tới đều chẳng hề tỏ vẻ âu lo, từ đó có thể biết rõ Thái hậu vẫn an khang, mạnh khỏe.

Phương Nhược gật đầu, nói:
Sự thông minh của nương tử chẳng kém ngày xưa chút nào!
Bà ta khẽ mỉm cười.
Vậy Lung Nguyệt Công chúa phải nhờ Kính Phi nương nương nuôi dưỡng, lẽ nào nương tử cũng không hỏi tới Kính Phi nương nương chút nào sao?

Ngoài cửa sổ tuyết bay lất phất, tựa vô số miếng bông nhỏ. Tôi hờ hững nhìn cảnh tuyết rơi, nói:
Không cần. Nàng ta bây giờ đã có chỗ nương tựa cả đời, ắt sẽ yêu thương Công chúa như tính mạng. Hơn nữa, ta mà hỏi đến, nàng ta nhất định sẽ bị người khác để ý thêm, như thế há chẳng phải đẩy nàng ta vào cảnh nguy hiểm.
Tôi chậm rãi cười, nói:
Kính Phi vốn thông minh, nhất định sẽ có cách bảo vệ bản thân và Công chúa. Cô cô thường nói Công chúa rất thông minh, đáng yêu, vậy chắc hẳn cuộc sống của Kính Phi cũng phải thư thái, thoải mái, nếu không sao có thể nuôi dưỡng Công chúa tốt như thế được.

Phương Nhược thoáng trầm ngâm.
Vậy Hoàng thượng thì sao? Lẽ nào nương tử cũng hoàn toàn không để tâm đến?

Tôi đột nhiên cau mày nhưng rất nhanh sau đó đã cảm thấy cau mày vì Huyền Lăng thực không đáng, khuôn mặt dần dãn ra nhưng lại vô cùng lạnh lùng, mà sự lạnh lùng ấy còn ngấm vào lời nói, băng giá tới tột cùng:
Nếu có quốc tang, cả thiên hạ đều biết, không cần cô cô tới nói với ta.

Tôi rõ ràng là đang rủa y chết! Những lời lạnh lùng, tàn độc như thế bật thốt ra từ miệng tôi, đến bản thân tôi cũng bất ngờ, sự oán hận của tôi với y đã sâu sắc đến mức này rồi sao?
Quả nhiên Cận Tịch cả kinh, vội bịt miệng tôi lại.
Nương tử hồ đồ rồi sao?

Phương Nhược chăm chú nhìn tôi một lát, chậm rãi lắc đầu, nói:
Nương tử, xin thứ cho nô tỳ nhiều lời khuyên một câu, người cứ ôm mãi sự oán hận trong lòng như vậy, kỳ thực chỉ khổ mình mà thôi.

Tôi xoay người đi, làm bộ như không nghe thấy, chăm chú nhìn ra ngoài cửa sổ, ánh mắt hết sức lạnh lùng, cơ hồ muốn nhìn cho rõ xem ngọn gió bên ngoài cửa sổ rốt cuộc đang xao động thế nào.
Giọng nói điềm tĩnh của Phương Nhược vẫn lọt vào tai tôi:
Trong đợt tuyển tú tháng Mười vừa qua, số người Hoàng thượng vừa mắt khá nhiều, tổng cộng chọn được mười tám cung tần, đây là năm có nhiều người được chọn nhất kể từ khi Hoàng thượng lên ngôi tới giờ.
Bà ta thoáng trầm ngâm, đưa mắt nhìn Cận Tịch, rốt cuộc vẫn nói ra:
Lần này các vị tiểu chủ được chọn đều xuất thân từ gia đình quan lại bậc trung, không có ai quá hiển hách, cũng không có ai quá thấp kém. Hơn nữa, bọn họ tuổi tác đều hãy còn nhỏ, không có ai quá mười lăm.

Mười lăm tuổi, năm tôi vào cung cũng vừa đúng mười lăm tuổi, cái tuổi tựa bông hoa non nớt, mềm mại. Giờ đây, tôi đã hai mươi rồi, so với các cung tần trẻ tuổi kia, dung nhan và tuổi tác của tôi chắc đều có thể tính là ảm đạm, sao có thể so sánh với sự khỏe khoắn, tươi trẻ, xinh đẹp rạng rỡ của bọn họ được.
Tôi khẽ nở nụ cười lạnh, nếu tôi nhớ không nhầm, sau dịp năm mới, Huyền Lăng cũng đã ba mươi rồi.
Y là kẻ quân vương, do đó, y luôn có diễm phúc như vậy, lúc nào cũng được hưởng thụ sự tươi trẻ vô tận của người khác.
Mà Hoàng hậu lớn hơn Huyền Lăng hai tuổi, đối mặt với các nữ tử non nớt, trẻ trung kia, dù trang điểm đậm đà đến mấy, hẳn cũng đã có chút lực bất tòng tâm.
Giọng nói bình thản của Phương Nhược vang lên, tựa như đang nói tới một việc chẳng hề quan trọng:
Đây là ý của Hoàng hậu, Hoàng hậu khuyên Hoàng thượng nên chọn những nữ tử trẻ tuổi vào cung.
Tôi thoáng ngẩn ra, lại nghe Phương Nhược chậm rãi nói tiếp:
Hoàng hậu nói các phi tần trong cung tuổi tác đã dần cao, chi bằng chọn những người mới trẻ trung, khỏe mạnh, như vậy mới có lợi cho việc sinh người nối dõi cho hoàng gia.

Tôi thoáng sững sờ nhưng rất nhanh sau đó đã hiểu ra dụng ý của Hoàng hậu. Lòng bàn tay tôi lạnh băng, sau nháy mắt cơn lạnh đã truyền vào gan ruột, khiến tôi có cảm giác như bị đẩy vào hầm băng.
Càng là những nữ tử trẻ tuổi từ nhỏ đã sống trong nơi khuê các thì lại càng không có tâm cơ, dù có được kẻ quân vương yêu thương, sủng ái đến mấy thì cũng không thể chống lại một ả đàn bà đầy mưu mô, hiểm ác từng sống ở nơi thâm cung nhiều năm như nàng ta, mà chỉ có thể nằm trong sự khống chế của nàng ta. Hơn nữa, những nữ tử kia đều xuất thân từ gia đình quan lại hạng trung, không có khí chất và kiến thức của những tiểu thư ngàn vàng, do đó lại càng ít có cơ hội được lên ngôi cao. Còn về người nối dõi cho hoàng tộc, bọn họ có sinh được hay không còn là điều chưa ai biết rõ.
Mà loại người có xuất thân thấp kém như An Lăng Dung vừa cẩn thận lại vừa tâm kế thâm trầm, Hoàng hậu nhất định sẽ không cho phép xuất hiện thêm kẻ thứ hai.
Do đó, những nữ tử trẻ tuổi xuất thân bình thường vào cung mới là hợp với tâm ý của nàng ta nhất.
Còn Huyền Lăng, chỉ cần là những nữ tử dịu dàng, xinh đẹp, yêu kiều, y đều sẽ tiếp nhận hết.
Những lời tiếp theo của Phương Nhược vừa hay chứng thực phán đoán của tôi:
Hoàng thượng rất thích các tiểu chủ vào cung lần này, có điều địa vị của bọn họ còn chưa cao, đa phần mới chỉ là thường tại, mỹ nhân, chẳng rõ sau này sẽ có ai lên được ngôi cao nữa. Chỉ là các tiểu chủ lần này có vẻ ngang sức ngang tài đấy!

Ngang sức ngang tài, vậy tức là ai ai y cũng thích, không ai hơn ai.
Cũng phải, y trái ôm phải ấp đi lại giữa chốn phấn hương, hưởng thụ sự dịu dàng và quyến rũ của những nữ tử mới mẻ, tất nhiên hết sức thỏa mãn rồi. Còn tôi, ngày ngày mặc áo ni cô nghe tiếng trống sớm chuông chiều, sống giữa nơi núi non hoang dã, chịu đựng sự cô đơn, hiu quạnh mà tôi đáng phải chịu. Giờ đây hai chúng tôi mỗi người một nơi, chẳng còn liên quan tới nhau nữa.
Ngoài trời tuyết rơi lả tả, khung cảnh tựa một ngày xuân muộn thuở xưa, khi tôi đứng tựa người vào lan can trên hành lang, nhìn những bông liễu trắng toát xoay mình lặng lẽ, giữa làn gió đông thổi nhẹ, từng đốm trắng phấp phới bay bay. Nhưng dịp đó trời đã rất ấm áp, tôi chỉ mặc một chiếc áo mỏng mùa xuân, thỉnh thoảng ngước mắt nhìn lên, đập vào mắt là một khung cảnh tuyệt vời, khiến người cũng đắm say.
Còn giờ đây, những bông tuyết cũng rất giống những bông liễu bay đầy trời kia nhưng lại lạnh lẽo đến vô chừng, tựa mái đầu đã bạc, khiến lòng người xiết nỗi thê lương. Tôi nhẹ nhàng cất tiếng:
Ta chỉ mong những người mà ta quan tâm đều được bình an, còn về những người hay chuyện khác, có liên quan gì tới ta đâu chứ!
Tôi giao chỗ kinh Phật mình chép trong một tháng vừa qua cho Phương Nhược, hạ lệnh trục khách:
Tuyết lớn khó đi, e sẽ làm chậm trễ thời gian về cung, cô cô xin hãy quay về thôi.

Phương Nhược không hề tỏ ý khó chịu, chỉ mỉm cười hiền hòa, nói:
Nô tỳ về sớm một chút cũng tốt, lần trước Thanh Hà Vương vì chuyện của nhà họ Chân mà cầu xin Hoàng thượng, bị Hoàng thượng trách mắng, phạt đến cố đô Thượng Kinh suy nghĩ lỗi lầm, không có chiếu chỉ không được về kinh, bây giờ ngoài các phi tần ở ngôi quý tần trở lên và các hoàng tử, công chúa, cũng chỉ còn Bình Dương Vương là thường xuyên tới thỉnh an Thái hậu. Thái hậu độ này rất hay buồn rầu, phiền muộn, nô tỳ quả thực không thể không sớm tối hầu hạ kề bên.

Tôi bất giác cả kinh, vội hỏi:
Thanh Hà Vương rời kinh rồi sao?

Phương Nhược thoáng ngạc nhiên về phản ứng của tôi, ôn tồn nói:
Nương tử vẫn chưa biết sao? Đây là vì Thanh Hà Vương đã dâng tấu cầu xin giúp cho nhà họ Chân đấy. Thanh Hà Vương vốn không để ý gì tới việc triều chính, trong lần bình định Nhữ Nam Vương tuy đã lập công không nhỏ nhưng rất nhanh sau đó đã đặt mình ra ngoài sự việc, không mấy khi bày tỏ ý kiến. Vừa rồi dâng tấu cầu xin cho nhà họ Chân chắc hẳn là vì trong lúc bình định Nhữ Nam Vương đã kết giao với huynh trưởng Chân Hành của nương tử. Nhà nương tử lần này đúng là oan khuất, mắc tội vì một lý do chẳng rõ ràng.

Giống như bị một lưỡi đao rất nhỏ, rất mỏng cứa qua làn da, ban đầu tôi không hề cảm thấy đau đớn, nhưng rồi sau khi vết thương nứt toác, làm lộ cả phần thịt nửa trắng nửa đỏ, máu tươi cuồn cuộn chảy ra, một cơn đau dữ dội bất thình lình ập đến.
Huyền Thanh, không ngờ y lại vì chuyện nhà của tôi mà can dự vào việc triều chính rồi còn bị đuổi đến Thượng Kinh. Việc này vốn chẳng dính dáng gì đến y kia mà.
Nước mắt của tôi vẫn chưa rơi nhưng sự oán hận với Huyền Lăng thì đã sâu thêm một tầng. Ngay đến Phương Nhược cũng hiểu đó là một lý do chẳng rõ ràng, ngay đến Huyền Thanh cũng cất lời giúp đỡ, tại sao y vẫn nhất quyết làm theo ý mình như vậy?
Phương Nhược dường như hiểu được mối tâm sự của tôi, khẽ nói:
Chuyện Nhữ Nam Vương đã trở thành điều đại kỵ trong lòng Hoàng thượng, vừa mới bình định chưa lâu thì xuất hiện chuyện của nhà họ Chân, Hoàng thượng sao không tức giận cho được. Hơn nữa, Hoàng thượng là đấng cửu ngũ chí tôn, dù có sai thì kết cục cũng đã định, ai có thể khuyên nổi. Mà người bên cạnh Hoàng thượng bây giờ chỉ biết ném đá xuống giếng, lại càng chứng thực tội danh của nhà họ Chân, các đại nhân trong quan trường cũng đều như vậy cả.
Phương Nhược thở dài than:
Dù nhà họ Chân có thể rửa oan nhưng phần đời còn lại có lẽ nương tử sẽ phải gửi mình trong chùa Cam Lộ rồi, chẳng còn cơ duyên về cung nữa.

Sự chán ghét của tôi cuộn trào ra ngoài qua lời nói:
Dù có cho kiệu tám người khiêng đến mời ta về, ta cũng nguyện lòng ở lại đây tới hết kiếp.

Lời của tôi chắc nịch như chém đinh chặt sắt. Phương Nhược không nói gì, sau khi im lặng một lát liền cáo từ rời đi.
Nhìn bóng dáng Phương Nhược dần biến mất giữa trời tuyết rơi lất phất, tôi khẽ lẩm bẩm:
Trường tương tư.

Hoán Bích nhất thời chưa nghe rõ, bèn hỏi:
Tiểu thư nói gì vậy?

Tôi khẽ nói:
Trường tương tư đâu?

Đã lâu lắm rồi tôi không gảy đàn, dù đã ôm theo cây đàn Trường tương tư đó ra khỏi nơi cung cấm, tôi vẫn chẳng có chút tâm trạng nào để gảy đàn. Lúc này nghe tôi đột nhiên hỏi tới, Hoán Bích lập tức lộ rõ nét mừng, vội vàng chạy đi mang đàn tới, nói:
Dạ ở đây, chỉ là bên trên đã dính không ít bụi, cần lau qua một chút mới được.

Tôi cầm lấy miếng vải mềm, lau đàn một cách cẩn thận. Cây đàn Trường tương tư này thực thân thuộc biết bao, nó đã từng bầu bạn bên tôi vô số đêm không ngủ nơi cung cấm, dù là khi vui vẻ hay lúc buồn đau, giúp tôi hóa giải muôn vàn nỗi tâm tư khó nói bằng lời.
Những ngày vừa qua, không phải tôi thật sự không muốn gảy đàn nữa, cũng không phải vì thường ngày bận rộn mà quên mất Trường tương tư. Tôi chỉ không dám, không dám chạm vào những sợi dây đàn mỏng manh của Trường tương tư để rồi nhớ đến những tháng ngày xưa cũ lúc còn ở trong cung. Tôi ngày ngày tụng niệm chân ngôn trong kinh Phật, như vậy mới có thể dựng lên một bức tường tạm thời giúp tôi bình tĩnh, nhưng bức tường ấy sao chịu nổi sự phá hoại của những chuyện cũ cuồn cuộn như sóng dữ kia, chúng sẽ rất dễ dàng vượt qua bức tường và nhấn chìm tôi xuống đáy nước. Những chuyện cũ đó, tôi thực không muốn động tới thêm chút nào.
Thế nhưng vừa rồi nghe Phương Nhược nói tới Huyền Thanh, tôi mới biết y đã vì gia tộc của tôi mà dốc hết sức mình. Trong quãng thời gian ở chùa Cam Lộ này, ngoài nỗi nhớ phụ thân, ca ca cùng lòng oán hận Huyền Lăng ra, tôi gần như chưa từng nhớ tới bất kỳ nam tử nào khác.
Lời của Phương Nhược khiến tôi nhớ lại, tại chỗ rẽ trên dãy hành lang đằng đẵng ngợp bóng hoa lê trắng muốt trong hoàng cung, dưới ánh trăng khuyết mờ mờ ảo ảo, có một người từng mang lại cho tôi những lời an ủi ấm áp đến vô chừng.
Những ngón tay tôi nhẹ lướt trên dây đàn, giữa bầu không khí tĩnh lặng, tiếng nhạc du dương chầm chậm vang lên, nhưng làn điệu lại vô cùng trống rỗng, tựa như tiếng thở than rất dài, vang vọng mãi không thôi. Nỗi buồn vui trong lòng tôi sau nháy mắt đã trở nên mơ hồ, biến thành một mảng mờ mịt, hoang vu. Ngoài cửa sổ, những cây tùng già đang vươn mình ngạo nghễ, dù bị băng tuyết bao phủ nhưng màu xanh biếc vẫn hiển hiện hết sức rõ ràng.
Thượng Kinh nằm ở nơi đất Bắc xa xôi, cách kinh thành tới sáu, bảy trăm dặm, là cố đô của Đại Chu. Đất Bắc, nhất định lạnh hơn so với chốn ngoại ô kinh thành, nơi tôi đang tu hành này nhiều. Trong một thoáng ngẩn ngơ, gốc tùng già phía xa dường như biến thành bóng dáng cô độc của y. Trong tay y cầm cây sáo Trường tương thủ, hơi ngẩng đầu ngắm trăng, ung dung trò chuyện với tôi vài câu.
Thế nhưng, tiếng đàn của tôi đã không còn như xưa, người cũng chẳng thể quay đầu. Cuộc đời này của tôi, dù phía trước không còn đường đi thì cũng chỉ có thể một mực đi tiếp về phía trước.
Y sẽ tiếp tục làm một vị thân vương thanh cao tôn quý, cưới về một người vợ đẹp như hoa, sống giữa nơi phồn hoa náo nhiệt; còn tôi thì sống nơi cửa Phật, ngày ngày tụng niệm kinh văn, cô độc đến già.
Tâm sự như sóng triều trào dâng cuồn cuộn, động tác của tôi bỗng mạnh hẳn lên, chỉ nghe dây đàn
tưng
một tiếng đứt lìa, tiếng đàn cũng theo đó mà đột nhiên dừng lại. Tôi ngó quanh bốn phía, chỉ thấy một mảng tuyết trắng mênh mang, khóe miệng chợt nở một nụ cười buồn bã.
Rốt cuộc, ngoài bản thân tôi ra, đến khi đàn đứt dây cũng chẳng có người nào nghe cả.
Trường tương tư đã đứt dây rồi, tất nhiên không thể tương tư được nữa. Tôi chậm rãi phủ phục người xuống cây đàn, uể oải nhắm mắt lại.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Hậu Cung Chân Hoàn Truyện.