• 976

Quyển 4 - Chương 10: Váy xanh mặt ngọc như từng gặp


Số từ: 4027
Nguồn: truyenfull
Thế là trong khoảng thời gian rất lâu sau đó, Ôn Thực Sơ không tới căn phòng của tôi trong chùa Cam Lộ thêm lần nào nữa. Tôi cũng dần cảm thấy yên tâm. Hắn không tới, chắc hẳn cũng đang cố gắng xoa dịu tâm trạng của chính mình. Tôi chỉ mong hắn tạm thời đừng tới gặp tôi nữa, như vậy hai bên cũng không phải rơi vào cảnh lúng túng, khó xử.
Mong rằng ngày sau, khi gặp lại, hai bên có thể mỉm cười nhìn nhau, ung dung, bình thản.
Thời gian như bánh xe chậm rãi lăn đi, nghiền nát mùa xuân, đi qua mùa hạ, chạy đến mùa thu, mùa của những phiến lá vàng xơ xác, tiêu điều.
Mấy ngày sau tết Trùng Dương, trong lòng tôi bỗng nảy sinh mấy tia bất an khó tả. Có một làn sóng ngầm nào đó đang chảy trong lòng, khiến tôi cảm thấy vừa lo lắng vừa chờ mong.
Cận Tịch thắp một nén hương, từng làn hương thơm chậm rãi tỏa ra bốn phía, tôi ngồi trong phòng, tay lần tràng hạt lẩm nhẩm niệm kinh.
Cận Tịch khẽ nói:
Nô tỳ biết lí do tại sao nương tử lại phiền lòng như vậy, mùng Sáu tháng sau chính là ngày thôi nôi của Lung Nguyệt Công chúa.

Lòng tôi thầm lo lắng nhưng cũng chỉ có thể cười gượng, vừa lần tràng hạt vừa nói:
Thế thì sao chứ? Ngay đến việc gặp Lung Nguyệt một lần trong mơ cũng là điều xa xỉ đối với ta, người làm mẹ ta đây chỉ có thể tụng kinh cầu phúc cho nó nhiều hơn một chút mà thôi!

Cận Tịch mỉm cười, nói:
Như vậy cũng tốt mà, đó dù sao cũng là tâm ý của nương tử. Tuy mẹ con nương tử không thể ở cùng nhau, nhưng hai người có quan hệ máu mủ, chắc hẳn Công chúa có thể cảm nhận được.

Thế rồi tôi ngày ngày đều thức khuya dậy sớm quỳ trước án hương tụng kinh cầu phúc, chỉ mong Lung Nguyệt của tôi thân thể khỏe mạnh, mọi việc đều được như ý. Cứ như thế, thời gian ngủ mỗi ngày của tôi rất ít, có một chiều tôi đến bên bờ suối giặt quần áo, bần thần ngủ gật, một chiếc áo trong tay liền trôi theo dòng nước. Nước chảy nhanh quá, tôi chạy theo mà không sao đuổi kịp. Tôi thầm sợ hãi, chiếc áo đó vốn là của Tịnh Bạch, lỡ như làm mất, tôi nhất định sẽ bị quở trách một phen, chưa biết chừng còn có một cơn phong ba nổi lên nữa.
Quả nhiên khi quay về, Tịnh Bạch thấy bị mất áo liền mắng tôi một trận, nhưng vì lúc này phải đi tụng niệm dịp chiều tối, không có thời gian trừng phạt tôi ngay nên chỉ buông lại một câu:
Ngày mai đi lau sạch mặt sàn của Cẩn Thân điện cho ta.

Tôi không kìm được hít vào một hơi khí lạnh, Cẩn Thân điện là tòa điện lớn nhất trong chùa Cam Lộ, rộng và trang nghiêm vô cùng, muốn lau sạch hết mặt sàn ở đó cũng mất đến nửa ngày. Hơn nữa, mỗi ngày tôi đều phải giặt quần áo, cắt cỏ theo lệ thường, ngay đến thời gian để nghỉ lấy hơi cũng không có.
Thế nhưng tôi cũng không muốn tranh cãi. Ngày hôm sau, khi trời còn chưa sáng, tôi đã chạy đến Cẩn Thân điện, đợi các ni cô tụng niệm xong đi vào lau sàn.
Toàn bộ mặt sàn trong Cẩn Thân điện được lát bằng gạch vàng, tôi phải quỳ trên mặt đất, cúi sát người xuống mới có thể lau được. Từng viên gạch đều bóng loáng như gương, cơ hồ có thể nhìn thấy rõ ràng. Tôi cẩn thận lau từng viên gạch, hai đầu gối phải tì xuống mặt sàn cứng rắn mà lê từng chút, thỉnh thoảng gặp phải chỗ nào hơi gồ lên là đầu gối lập tức đau đến thấu xương. Lưng tôi cơ hồ cong đến gập xuống, lâu dần, cảm giác tê dại từ từ lan tỏa, tựa một chiếc lưới nhện trùm khắp toàn thân, khiến tôi mỏi nhừ.
Thỉnh thoảng có vài ni cô đi qua, hoặc là tươi cười hỉ hả hoặc là lộ vẻ xót thương, thấp giọng lẩm bẩm:
Công việc lau sàn này đúng là giày vò người ta nhất, không thể thẳng lưng, không thể ngẩng đầu, Cẩn Thân điện lại lớn như thế, sau mấy canh giờ, xương cốt chắc cũng rời ra hết. Rốt cuộc vẫn là Tịnh Bạch giỏi hành hạ người ta nhất!

Nhìn xuống mặt sàn bóng loáng quá lâu, tôi bắt đầu thấy hoa mắt, trước mặt như xuất hiện vô số chiếc bóng trắng, ngay đến chiếc bóng của tôi bên dưới mặt sàn cũng trở nên mơ hồ và hòa vào trong đó. Tôi vừa ưỡn thẳng lưng, định xoa bóp một chút, chợt thấy sau hai canh giờ mà mình còn chưa lau xong một phần ba mặt sàn, đã thế còn một sọt lớn quần áo chưa giặt, do đó không khỏi thầm nôn nóng, chẳng còn tâm tư đâu mà nghỉ ngơi.
Cẩn Thân điện lúc này hết sức tĩnh lặng, tất cả ni cô đều đã đi làm việc của mình. Tôi không ngừng lặp lại động tác kỳ cọ, hai cánh tay tê rần, đầu thì không ngẩng lên một lần nào cả.
Phía sau chợt có người cất tiếng:
Sao chỉ có một mình cô thế này, Cận Tịch và Hoán Bích không tới giúp cô sao?

Tôi nghe thấy liền ngoảnh đầu lại, trước mắt bỗng tối sầm, phải nhìn chăm chú một lúc mới nhận ra người đó là Mạc Ngôn. Tôi khẽ lắc đầu, nói:
Bọn họ còn chưa làm xong công việc của mình, sao ta có thể làm liên lụy đến bọn họ được, là ta không cho bọn họ tới.

Mạc Ngôn lắc đầu lia lịa, nói:
Cô đúng là đồ ngốc, chẳng lẽ cứ để yên cho bọn Tịnh Bạch ức hiếp, giày vò mình như thế sao?

Tôi cụp mi mắt, cười gượng, nói:
Mạc Ngôn, bà còn có đứa con gái đã trưởng thành, có thể nương tựa được. Còn ta, chùa Cam Lộ đã là chốn dung thân cuối cùng rồi, nếu ta phản kháng, chỉ e sẽ chẳng còn nơi nào để đi nữa.

Mạc Ngôn khẽ buông tiếng thở dài, nhanh nhẹn xắn tay áo lên, vắt khô miếng giẻ lau, nói:
Vậy để ta giúp cô.

Tôi vội vàng xua tay, thấp giọng nói:
Nếu Tịnh Bạch biết được, nhất định sẽ lại nổi cơn tam bành.

Mạc Ngôn đưa mắt liếc qua, ung dung nói:
Ngựa hiền bị cưỡi, người hiền bị bắt nạt. Để ta xem Tịnh Bạch có bản lĩnh đánh với ta một trận không. Một khi trở mặt rồi, ta nhất định sẽ cho mụ ta biết thế nào là lễ độ.

Mạc Ngôn tuy nói năng ngang ngược, thô lỗ nhưng lại toát ra vẻ hào sảng, nghĩa khí. Tôi nghe mà thầm cảm thấy ấm áp, mỉm cười, nói:
Vậy ta xin đa tạ bà trước!
Rồi Mạc Ngôn không nói hai lời, bắt đầu nhanh nhẹn lau chùi.
Có Mạc Ngôn giúp đỡ, tốc độ tất nhiên nhanh hơn rất nhiều. Trong điện có dựng tượng Phật mình vàng uy nghiêm, khi lau đến dưới chân tượng, tôi ngước mắt nhìn thấy sự đồ sộ, nguy nga kia, bất giác thầm chua xót, nước mắt thiếu chút nữa đã tuôn rơi.
Lung Nguyệt ơi, mẹ của con thật vô dụng quá chừng, ngoài cầu phúc ra thì chẳng thể làm gì cho con cả. Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ kĩ khuôn mặt nhỏ nhắn đỏ hỏn khi mới ra đời kia, nhưng ba ngày sau đó, Huyền Lăng đã đưa nó tới cung của Kính Phi, không để tôi nhìn nó thêm lần nào. Lung Nguyệt của tôi, nó cao đến đâu rồi? Chắc bây giờ đã biết nói chuyện rồi chứ? Hôm nay nó ăn những gì? Mặc quần áo như thế nào đây?
Tôi không biết, tôi hoàn toàn không biết gì hết. Sự mù mịt về tình hình của con gái ruột khiến tôi cảm thấy hoang mang và hụt hẫng. Phật pháp tinh thâm, liệu có thể giúp tôi được gặp con gái mình một lần không? Nơi đáy lòng tôi tràn ngập nỗi trống trải và bất lực, rồi đột nhiên thân thể tôi trở nên mềm nhũn, phủ phục xuống đất, lặng lẽ rơi nước mắt.
Không biết bao lâu sau, có một đôi tay mạnh mẽ đỡ tôi dậy. Tôi miễn cưỡng bình tĩnh trở lại, nghẹn ngào nói:
Mạc Ngôn, ta không sao.

Nhưng giọng nói vang lên sau đó lại ôn tồn, ấm áp như ánh mặt trời, xoa dịu trái tim đang nhỏ máu của tôi:
Không việc gì nữa rồi! Không việc gì nữa rồi!

Đó là giọng của một nam tử, quen thuộc quá chừng. Tôi bất giác cả kinh, lập tức ngoảnh lại nhìn. Trong tòa đại điện ngược sáng, thân thể y như được bao phủ bởi làn ánh dương rực rỡ, cao lớn và vững chãi vô cùng. Lòng bàn tay y cực kỳ ấm áp, sự ấm áp ấy từng chút, từng chút truyền qua làn da, ngấm vào trong cơ thể tôi, khiến tâm ồn tôi nhẹ nhõm đi nhiều.
Tôi cơ hồ không suy nghĩ chút nào, để mặc bản thân buột miệng thốt lên theo tiềm thức:
Lục Vương gia.

Y khẽ thở dài đáp lại:
Là ta.

Y đỡ tôi đứng dậy, lúc này tôi đã có thể nhìn thấy rõ khuôn mặt y. Ánh mắt y hết sức trong sáng, còn toát lên vẻ dịu dàng rất mực, nhưng trên khuôn mặt vốn trắng trẻo, thư sinh kia đã có thêm mấy nét kiên nghị phong trần. Trên người y là một chiếc áo dài màu xanh đơn giản, vô cùng vừa vặn với thân thể cao lớn của y, còn phảng phất mấy làn hương thơm thanh khiết, không hề dính chút bụi trần. Trong khoảnh khắc ấy, tôi bỗng trở nên đờ đẫn, như thể được uống một chén nước tuyết mát lạnh giữa trời hè nóng nực, sự thoải mái ngấm vào tận tim gan.
Y ôn tồn nói:
Ta đến muộn rồi.

Tôi đưa tay che mặt, chỉ biết lắc đầu:
Vương gia về khi nào vậy?


Ba ngày trước.
Y chậm rãi đáp rồi nói ngắn gọn:
Hoàng huynh triệu ta về kinh.
Y nhìn quanh bốn phía, thấy chỉ có một mình Mạc Ngôn đang cúi đầu làm việc, bèn khẽ nói:
Nơi này nói chuyện không tiện, có thể qua chỗ khác không?

Tôi thoáng suy nghĩ, khẽ gật đầu, đi thẳng tới chỗ Mạc Ngôn, khẽ dặn dò mấy câu. Giữa ánh mắt nghi hoặc của Mạc Ngôn, tôi theo y ra ngoài.
Vừa bước chân ra khỏi Cẩn Thân điện, ánh dương rực rỡ lập tức bao trùm lấy khuôn mặt tôi không chút kiêng dè. Mắt tôi bỗng hoa đi, bước chân cũng trở nên loạng choạng. Y kịp thời đưa tay ra, nhẹ nhàng đỡ lấy cánh tay tôi. Tôi thầm xấu hổ, vội rụt tay về, thấp giọng nói:
Đa tạ!

Tôi đương nhiên không tiện cùng y quay về chỗ ở của mình, đành thong thả cất bước ra ngoài chùa. Kỳ thực, tôi chưa từng cẩn thận ngắm nghía quang cảnh bên ngoài chùa Cam Lộ, thứ nhất là không có tâm tư, thứ hai là mỗi ngày đều bận rộn công việc, cũng chẳng có thời gian mà ngắm. Lúc này cùng Huyền Thanh đi dạo, tôi không dám nhìn y, ánh mắt tất nhiên chỉ dừng lại trên cảnh non xanh nước biếc xung quanh.
Bất giác chúng tôi đã đi được khá xa, nhìn lại thì đã tới bên dòng sông uốn lượn dưới chân núi. Khung cảnh nơi đây non nước đan xen, đẹp đẽ vô cùng. Có một con ngựa trắng đang cúi đầu gặm cỏ bên bờ sông, thỉnh thoảng lại quay sang bên cạnh uống nước, dáng vẻ hết sức ung dung, tự tại.
Tôi vừa thấy thế liền khẽ bật cười.
Con ngựa này nhất định là của Vương gia rồi!

Y cười rạng rỡ, để lộ hai hàm răng trắng đều, cất giọng nghịch ngợm như trẻ con:
Sao nương tử biết được?

Tôi mỉm cười, đưa tay vuốt ve lưng ngựa, nó ngoan ngoãn liếm nhẹ bàn tay tôi, thân mật vô cùng. Tôi cười, nói:
Vì bộ dạng ung dung, nhàn tản này của nó trông giống hệt Vương gia ngài
, sau đó lại hỏi:
Nó tên là gì vậy?


Ngự phong.


Cái tên này có nguồn gốc từ sách Trang Tử sao?


Phải!
Huyền Thanh cười rộ.
Con ngựa trắng này theo ta được sáu năm, đã học hết những điểm xấu của ta rồi!

Tôi khom người, ngắt lấy một nhúm cỏ, đưa tới bên miệng con ngựa cho nó ăn, khẽ vuốt ve tai nó, đồng thời cất tiếng hỏi Huyền Thanh:
Là những điểm xấu nào vậy?

Y mỉm cười, đáp:
Nàng đối xử tốt với nó, nó sẽ nghe lời nàng.

Tôi suy nghĩ một chút, chợt nhớ tới lần đầu gặp mặt giữa tôi và Huyền Thanh, lúc đó thấy y say rượu nên tôi tỏ ra rất lạnh nhạt, thế là tôi không kìm được ngoảnh đầu qua, cười nói:
Lần đầu gặp Vương gia, hình như ta đối xử với ngài không tốt chút nào.


Ít nhất nàng cũng bảo thái giám đỡ ta đi nghỉ, chứ không vung chân đá ta xuống hồ.

Tôi lại hái một cọng cỏ mềm mại, phần gốc của nó xanh biếc, mịn màng, tỏa ra mùi thơm thanh tân, tươi mới. Tôi bật cười khúc khích.
Kỳ thực hôm đó ta cũng rất muốn làm như vậy, chỉ ngại lễ nghi với thân phận nên mới không dám mà thôi.
Tôi thoáng suy nghĩ rồi lại nói tiếp:
Thế này chưa tính là điểm xấu được, nó còn điểm xấu nào khác không?

Huyền Thanh nở một nụ cười xấu xa, hai mắt ánh lên những tia sáng rực.
Thanh và Ngự Phong đều ái mộ mỹ nhân.

Lời của y khiến sắc mặt tôi ảm đạm hẳn đi, tôi biết rõ, trong những ngày tháng ở chùa Cam Lộ, sự tiều tụy của tôi ngày một tăng thêm, dung nhan cũng sa sút đi nhiều, tựa bông hoa vàng vọt sau khi làn gió tây thổi tới, chẳng còn phong thái như xưa. Thế nhưng ánh mắt của Huyền Thanh khi nhìn tôi vẫn giống hệt trước đây, không hề để ý tới điều này. Y phát hiện ra sự buồn bã của tôi, liền chăm chú nhìn vào mắt tôi, thản nhiên nói:
Trong suy nghĩ của Thanh, mỹ nhân kỳ thực không phải lấy mỹ sắc làm trọng. Nếu chỉ nhìn bề ngoài để bình xét mỹ nhân thì quả là nông cạn quá chừng, bởi quan trọng nhất vẫn là vẻ đẹp trong trái tim.

Tôi lạnh lùng nói:
Kỳ thực ta không phải là một người tốt thuần túy.

Trên khuôn mặt y tràn đầy vẻ khẳng định, tựa vầng trăng ngày Mười lăm, Mười sáu, có thể soi thấu tận nơi sâu thẳm nhất trong trái tim con người.
Nhưng nàng chưa từng chủ động hãm hại bất cứ người nào.

Huyền Thanh luôn giữ trên môi nụ cười mỉm, tựa như ánh trăng hôm rằm, chầm chậm tan chảy trong trái tim tôi. Y đứng giữa làn gió nhẹ, tuy chỉ mặc độc chiếc áo dài màu xanh hết sức đơn giản, thế nhưng phong thái lại vô cùng bất phàm, hơn hẳn những tay công tử quần là áo lụa, chỉ được cái mẽ ngoài.
Tôi khẽ thở dài, than:
Ta vì chưa từng chủ động hại người nên mới rơi vào cảnh như bây giờ, còn ngài thì vì dâng sớ giúp nhà họ Chân ta mà bị đuổi đến Thượng Kinh. Lần này, quả là ta đã làm liên lụy đến ngài rồi.

Y lắc đầu, khẽ nở nụ cười bình thản, như thể một năm ở Thượng Kinh vừa qua chẳng đáng kể gì.
Giờ ta đã quay về, hoàng huynh vẫn đối xử với ta như trước, ta vẫn là Thanh Hà Vương, không có gì khác biệt.
Y bình thản nói:
Nàng không cần để tâm làm gì. Ta ở Thượng Kinh cũng giống như năm xưa ở Thục Trung vậy, ngày ngày đều đi du sơn ngoạn thủy, cái gọi là suy nghĩ về lỗi lầm chỉ là vẻ ngoài để gạt người mà thôi.

Tôi áy náy nói:
Dù gì cũng là vì nhà họ Chân ta…

Y đưa tay lên ngăn tôi nói tiếp, ôn tồn nói:
Nếu nàng còn nói nữa, ta thực không dám nói ra mục đích mình tới đây hôm nay.

Tôi thoáng ngạc nhiên.
Xin Vương gia cứ nói.

Y lấy từ trong chiếc túi trên lưng ngựa ra một cuộn tranh, nói:
Hai ngày trước ta vào cung tạ ơn hoàng huynh, lại đến bái kiến Thái hậu, do đó gặp được một người. Ta nghĩ nàng nhất định rất muốn được thấy người này, do đó mới vẽ lại một bức tranh, mang đến đây cho nàng chỉ giáo về bút pháp.

Tôi thoáng ngạc nhiên, thành thực nói:
Ta không giỏi vẽ tranh, sao có thể chỉ giáo cho Vương gia được?

Y cởi sợi dây màu đỏ trên cuộn tranh ra, sau đó lật mở từng chút một. Chỉ sau khoảnh khắc, tâm tư tôi đã bị hình ảnh trên bức tranh hút lấy, không thể rời đi. Trong tranh vẽ một bụi cúc mùa thu đang nở rộ với đủ sắc màu, bên cạnh đó là hai thiếu phụ xiêm y hoa lệ đang mỉm cười vui vẻ. Thiếu phụ đứng bên trái trông thướt tha, xinh đẹp, khoác chiếc áo choàng mỏng màu tím nhạt, bên trong là chiếc váy thêu hoa màu đỏ, thân hình yểu điệu, tóc bới thành búi, cài xéo một bông cúc Đại Lệ màu đỏ tía bên trên, cây trâm cài đầu có tua đung đưa nhè nhẹ, khuôn mặt được trang điểm rất nhạt, đôi mày hình lá liễu, bờ môi đỏ thấp thoáng nụ cười, chính là bộ dạng của Kính Phi. Thiếu phụ bên phải dáng người mảnh dẻ, vận một chiếc áo lụa màu đỏ, bên trên có thêu những bông hoa nhỏ màu trắng, phía dưới là chiếc váy dài chấm đất màu trắng sữa, búi tóc trên đầu chỉ cài một bông hoa đỏ và một cây trâm bạch ngọc, toàn thân chỉ có hai màu trắng đỏ, trông hết sức tao nhã, thanh lệ, không phải My Trang thì còn là ai? My Trang đang bế một đứa bé gái trong lòng, chỉ tay vào con hạc trắng bên cạnh mà chọc nó cười vui. Kính Phi cầm trong tay bông cúc đỏ lớn, ánh mắt nhìn bé gái chăm chú, chuẩn bị đón nó vào lòng mình. Hai người đều có vẻ hết sức chăm chú, ánh mắt tập trung vào bé gái kia, ngợp nét thương yêu. Còn bé gái đó mặc chiếc áo gấm thêu hoa màu đỏ, trên cổ đeo chiếc khóa vàng trường mệnh nhỏ xinh, chân đi giày màu xanh lục, đang tựa người vào vai My Trang, dáng vẻ đáng yêu vô cùng, mà ánh mắt nhìn về phía Kính Phi cũng đầy sự quyến luyến.
Những nhân vật trong tranh đều xiêm y đơn giản, màu sắc hoa lệ, tinh tế vô cùng, người vẽ hẳn đã phải bỏ ra rất nhiều công sức.
Những giọt nước mắt nóng bỏng từ khóe mắt tuôn rơi, tôi vì kích động mà giọng nói trở nên khản đặc, ngón tay chỉ vào bé gái trong bức tranh.
Đây là…

Huyền Thanh ôn tồn nói:
Lần đầu gặp Lung Nguyệt Công chúa, ta liền vẽ cho Công chúa bức tranh này, coi như thể hiện chút tâm ý của một vị hoàng thúc.

Tôi tham lam ngắm Lung Nguyệt trên tranh, trong lòng trào dâng tình cảm của một người mẹ, bất giác nước mắt tuôn rơi, làm ướt đẫm vạt áo. Lát sau, tôi chợt nhớ tới một việc, bèn hỏi:
Vương gia vẽ bức tranh này, người trong cung có biết không?

Y đáp:
Để đề phòng việc không hay, sau khi về vương phủ, Thanh mới vẽ lại cảnh tượng mình nhìn thấy trong cung của Thái hậu, ngay đến Thẩm Tiệp dư và Kính Phi cũng không hay biết việc này.

My Trang và Kính Phi trong bức tranh đều hết sức sống động, tựa như đang đứng ngay trước mặt tôi, cả thần thái và dung mạo đều được thể hiện một cách rõ nét, như vậy Lung Nguyệt của tôi nhất định cũng giống hệt trong tranh rồi.
Ngón tay tôi nhẹ nhàng vuốt ve Lung Nguyệt trong tranh, rơm rớm nước mắt, nói:
Mới có một năm thôi mà Lung Nguyệt đã lớn thế này rồi, ta cơ hồ không nhận ra được.

Huyền Thanh khẽ mỉm cười, nói:
Phải, trẻ con thường lớn nhanh mà. Nghe nói mấy hôm nữa là tới ngày thôi nôi của Lung Nguyệt Công chúa, Thanh nghĩ nương tử là người làm mẹ, nhất định rất muốn biết tin tức gần đây của con gái mình, như vậy mới có thể yên tâm được.

Y chỉ mới về kinh được ba ngày, chắc hẳn rất bận rộn, vậy mà lại dành thời gian vẽ tranh Lung Nguyệt mang đến cho tôi, giúp tôi xoa dịu trái tim đang chất đầy nỗi nhớ mong con gái của người làm mẹ. Tôi vô cùng cảm kích, chỉ biết khom người bái tạ y.
Dù thường ngày thỉnh thoảng được nghe Phương Nhược nói về Lung Nguyệt, nhưng chỉ dựa vào mấy lời ngắn ngủi thực khó biết được điều gì. Bức tranh này của Vương gia thực hơn hẳn muôn ngàn lời miêu tả của người khác về Lung Nguyệt, ta xin cảm tạ ý tốt của Vương gia tại đây.

Đáp lại sự cảm kích của tôi, y chỉ cất lời ngắn gọn:
Thanh hết sức yêu quý Lung Nguyệt, lại biết vẽ một chút, chi bằng sau này cứ hai tháng, Thanh sẽ vẽ một bức tranh mang đến cho nương tử đánh giá, không biết nương tử có bằng lòng không?

Tôi đương nhiên muôn lần vui sướng, vạn lần bằng lòng, hàng lông mày không kìm được dãn hẳn ra, đầy nét mừng rỡ. Hành động này của Huyền Thanh chẳng khác gì giúp tôi được nhìn Lung Nguyệt dần trưởng thành, bảo tôi sao mà không vui cho được? Tôi thầm cảm kích sự chu đáo, tận tâm của Huyền Thanh, tất cả những việc y làm vì tôi đều không nói là vì tôi, mà chỉ nói là vì bản thân mình, qua đó phần nào giúp tôi tránh khỏi tâm trạng áy náy và bất an.
Bên cạnh chân y, dòng nước nhẹ nhàng chảy về đông, mặt sông rộng lớn mà bình lặng. Giữa mùa thu, hoa lau hai bên bờ giống như những nữ tử để mặt mộc, không ngừng đung đưa theo làn gió. Thỉnh thoảng lại có một bông lau rơi xuống nước, lẳng lặng trôi đi, trông rất có dáng vẻ gặp đâu yên đấy, không hề toát ra nỗi thê lương khi phải trôi dạt lênh đênh.
Tôi cùng y đứng lặng lẽ bên bờ sông, nghe tiếng sóng gợn rì rào, trong lòng trào dâng cảm giác ấm áp đến khó tả.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Hậu Cung Chân Hoàn Truyện.