Quyển 4 - Chương 23: Búp đinh hương
-
Hậu Cung Chân Hoàn Truyện
- Lưu Liễm Tử
- 5863 chữ
- 2020-05-09 12:17:42
Số từ: 5858
Nguồn: truyenfull
Việc tôi vội vã rời đi, Huyền Thanh nhất định đã biết, thế nhưng y lại không tới tìm tôi. Tôi cảm kích sự thấu hiểu của y, vì sự thấu hiểu ấy, dù tôi có lựa chọn giữ khoảng cách với y cũng vẫn tìm được một chút bình tĩnh, qua đó khiến trái tim đang hỗn loạn dần trở nên tê dại. Lúc tôi quay về, thiền phòng trên đỉnh Lăng Vân đã được Cận Tịch thu dọn chỉnh tề, gọn ghẽ, phía trước sân còn trồng cây trồng hoa, vui tươi đón tôi lành bệnh trở về.
Ngày tháng cứ trôi qua một cách bình lặng, nhưng trong sự bình lặng ấy, tôi ngày càng dành nhiều thời gian ngồi tựa bên bệ cửa sổ mà đờ đẫn, thường là cả một buổi sáng hoặc cả một buổi chiều. Khi tinh thần tốt hơn một chút, tôi đem những hạt giống hoa tịch nhan thu được ở Thanh Lương Đài ra gieo xuống đất một cách cẩn thận, lại nhìn những mầm non nhú dần lên.
Cận Tịch sớm chiều bầu bạn bên tôi, rốt cuộc có một hôm không kìm được mà thở dài, khẽ nói:
Sau khi từ Thanh Lương Đài dưỡng bệnh trở về, hình như nương tử đã biến thành một con người khác.
Tôi nhìn mấy búp lộc non mới nhú trên cành, cất giọng điềm nhiên nói:
Vừa ốm một trận, có lẽ ta đã gầy đi nhiều.
Cận Tịch lẳng lặng nhìn tôi chăm chú.
Lúc ở Thanh Lương Đài có phải đã xảy ra chuyện gì rồi không?
Tôi nở một nụ cười mỏi mệt.
Cận Tịch, không có chuyện gì đâu.
Cận Tịch nói:
Nếu thực sự không có, tại sao bây giờ Ôn đại nhân lại thường xuyên tới đây, còn Vương gia thì chẳng tới lần nào nữa?
Đúng như lời nàng ta nói, quả thực bây giờ Ôn Thực Sơ rất hay tới thăm tôi. Hắn đưa tay bắt mạch cho tôi, miệng ôn tồn nói:
Thân thể muội đỡ hơn nhiều rồi, chỉ là tinh thần còn kém lắm, nên ra ngoài đi dạo nhiều hơn cho khuây khỏa nỗi lòng.
Tôi rụt tay về, buông tay áo xuống. Hắn lẳng lặng nhìn tôi.
Hoàn muội muội, ta cứ luôn cảm thấy sau khi từ Thanh Lương Đài quay về, muội chẳng có lúc nào vui.
Tôi ngước mắt nhìn hắn.
Việc ta không vui không phải mới bắt đầu từ ngày hôm nay, hà tất phải nhắc tới Thanh Lương Đài làm gì.
Hắn im lặng, khóe mắt ẩn chứa một tia quan tâm, cũng có một nét vui mừng.
Có lẽ là ta cả nghĩ. Nhưng muội rời khỏi Thanh Lương Đài, với muội mà nói kỳ thực cũng là một chuyện tốt.
Chuyện tốt?
Đúng vậy!
Trong mắt Ôn Thực Sơ ánh lên một tia phức tạp đến khó hiểu.
Ta cứ luôn cảm thấy Thanh Hà Vương rất nguy hiểm, khiến người ta dễ dàng bị mê hoặc. Muội tốt nhất đừng nên gần gũi với y.
Mê hoặc?
Tôi khẽ cười hờ hững.
Huynh lo ta bị y mê hoặc sao?
Không, không, không.
Hắn xua tay lia lịa, nói:
Ta chỉ suy nghĩ cho muội thôi, không hề có ý đó.
Tôi uể oải gục người xuống bàn, ngón tay khẽ vuốt ve cành hoa đào đang cắm trong bình, dửng dưng cất tiếng:
Bất kể huynh có ý gì, ta đều sẽ không để ý.
Hoa đào đang nở rộ nhưng tôi lại chợt có cảm giác chán ghét, những bông hoa đỏ tươi, diễm lệ kia sao có thể so được với mai xanh tao nhã động lòng người. Suy nghĩ như vậy, tôi liền để mặc cho hoa đào nở rồi lại rụng, mùa xuân năm nay cứ thế trôi qua trong lặng lẽ.
Một ngày dịp cuối xuân, hoa đào đã rụng lả tả gần hết, hương thơm dìu dịu ngợp khắp nơi. Hôm ấy tâm trạng tôi khá tốt, lại nhớ ra cây đàn Trường tương tư bị hỏng dây đã để ở chỗ Thư Quý thái phi được gần một năm, tính ra chắc đã sửa xong, thế là tôi bèn quyết định tới An Tê quán thăm Thư Quý thái phi một chuyến. Chẳng ngờ khi đẩy cửa đi vào, tôi lại nhìn thấy ngay Huyền Thanh, lúc này y đang chắp tay sau lưng đứng bên cạnh Thư Quý thái phi, không biết đang nói gì mà mặt mày có vẻ rất hào hứng.
Bóng dáng y cứ thế đột ngột xuất hiện trước mắt tôi, có một khoảnh khắc tôi cơ hồ đã ngừng thở, tôi và y đã ba tháng không gặp rồi. Thanh Lương Đài cách nơi ở của tôi không xa lắm, tôi thầm nghĩ, nếu muốn gặp thì ngày nào cũng có thể gặp, còn một khi né tránh, khoảng cách ngắn ngủi như thế cũng là góc bể chân trời.
Nghĩ tới đây, lòng tôi bất giác trào dâng cảm giác sợ hãi, bước chân theo đó mà chậm lại. Tôi đang định lặng lẽ rời đi, Tích Vân đã nhìn thấy tôi, cười tủm tỉm, bước tới nói:
Lâu lắm không gặp nương tử rồi.
Huyền Thanh nghe thấy thế liền ngoảnh lại nhìn tôi, nở một nụ cười phóng khoáng, gật đầu tỏ ý chào tôi. Tôi không kìm được nghĩ thầm, ba tháng không gặp, không ngờ y lại gầy đi nhiều như vậy. Lúc này tôi không tiện rời đi nữa, đành bước lên phía trước, khom người hành lễ với Thư Quý thái phi, sau đó mới quay sang mỉm cười với y. Thái phi vẫy tay, cười nói với tôi:
Hôm nay thời tiết tốt, rốt cuộc nương tử đã chịu tới đây rồi!
Trò chuyện được một lúc, ba người chúng tôi cùng đứng nơi sân sau, lặng lẽ ngắm những cánh hoa rơi lả tả xuống thảm cỏ xanh biếc. Tôi ngoảnh đầu, thấy Huyền Thanh chắp tay đứng đó, sắc mặt vẫn điềm đạm như xưa, bất giác cảm thấy thư thái, dễ chịu hơn nhiều. Hồi lâu sau, Thư Quý thái phi cười, nói:
Đã lâu lắm không được lặng lẽ ngắm cảnh hoa rơi như thế này.
Tôi khẽ nở nụ cười.
Hoa rơi chẳng phải vô tình, hóa mùn dành để thắm cành hoa sau[1]. Cảnh hoa rơi thế này còn đẹp hơn hoa xuân nhiều lắm.
Huyền Thanh chăm chú nhìn tôi một lát, rất nhanh đã dời ánh mắt đi như thể chưa từng có việc gì xảy ra.
[1] Trích Kỷ Hợi tạp thi, Cung Tự Trân. Nguyên văn Hán Việt: Lạc hồng bất thị vô tình vật, hóa tác xuân nê canh hộ hoa – ND.
Thư Quý thái phi mỉm cười, nhặt một bông hoa vừa rụng lên, ôn tồn nói:
Bây giờ đang là mùa hoa rụng, có điều hoa rụng lại chẳng phát ra chút âm thanh nào, ta bỗng muốn nghe tiếng đàn quá.
Dứt lời, bà liền sai Tích Vân đi vào nội đường, rồi quay sang nói với tôi:
Dây đàn bị hỏng lần trước đã được sửa xong, lần này nương tử có thể thử xem đàn có vừa tay không rồi.
Từ sau khi dây đàn đứt, tôi đã hơn một năm nay không gảy đàn. Nét cười dần xuất hiện trong đôi mắt Huyền Thanh, ánh mắt tôi như bị kéo đi, dừng lại trên eo y, trái tim vừa ấm áp lại vừa giá lạnh.
Quả nhiên, trên chiếc dây lưng màu vàng của y có cài cây sáo Trường tương thủ. Lỡ như… Ý nghĩ
lỡ như
của tôi còn chưa hoàn toàn xuất hiện, y đã thong dong cất tiếng:
Vừa hay lúc này hài nhi có mang theo cây Trường tương thủ trên người, có thể cùng nương tử hợp tấu một khúc nhạc.
Y ung dung quay sang nói với tôi:
Việc cùng nương tử hợp tấu khúc Trường tương tư độ trước đến bây giờ Thanh vẫn còn nhớ rõ, tài gảy đàn của nương tử quả là rất tuyệt.
Tôi cố ý không nhìn y, quay sang khiêm tốn nói với Thư Quý thái phi:
Chủ nhân cũ của Trường tương tư ở đây, vãn bối sao dám khoe tài gảy đàn của mình, như thế thì thực là múa rìu qua mắt thợ. Còn hợp tấu với vương gia đã là việc của nhiều năm trước rồi, Vương gia không nhắc tới chắc vãn bối đã quên mất.
Ánh mắt Huyền Thanh bất giác trở nên ảm đạm, tựa như ngọn nến sáng rực bị luồng gió mạnh thổi vào, có điều chỉ sau nháy mắt đã bình thường trở lại. Ánh mắt Thư Quý thái phi hơi máy động, bà dịu dàng cười, nói:
Từ sau khi tiên đế băng hà, ta đã không còn động tới Trường tương tư nữa, tiếng nhạc hợp tấu cũng chưa được nghe lại bao giờ.
Tôi kiếm cớ thoái thác:
Ở nơi cửa Phật thế này, thổi sáo, gảy đàn e không thích hợp lắm.
Tích Vân đứng bên cất lời khuyên nhủ:
Thái phi và nương tử chẳng qua chỉ để tóc tu hành, Vương gia cũng là người phú quý nhàn tản, các vị lại chẳng định diễn tấu thứ nhạc đồi trụy gì, kỳ thực không có vấn đề gì lớn đâu.
Huyền Thanh đưa mắt nhìn tôi, vẻ như đang dò hỏi. Tôi tuy không đành lòng cự tuyệt, thế nhưng lý trí vẫn còn, quyết không cho phép mình đồng ý. Tôi đang định cất lời, thần sắc Thư Quý thái phi đã trở nên ưu sầu tựa băng sương buổi sớm.
Vậy, Chân nương tử, xin hãy thành toàn cho tâm nguyện của kẻ góa bụa. Trong quãng đời còn lại, ta rất muốn được nghe tiếng hợp tấu tuyệt vời của Trường tương tư và Trường tương thủ.
Trong đôi mắt màu hổ phách của bà đã thấp thoáng ánh lệ, tôi không cách nào từ chối được nữa, chỉ đành nói:
Được!
Huyền Thanh chăm chú nhìn tôi, cất lời dò hỏi:
Tấu khúc nhạc nào đây?
Tôi thoáng trầm ngâm, trong đầu bất giác xuất hiện cảnh tượng ngày đó, khi tôi gảy đàn trong Đường Lê cung mong xua bớt tâm sự, nửa phần sau của Trường tương tư không sao gảy tiếp được nữa, y liền ở mãi phía xa tiếp nối giúp tôi. Thế là tôi bèn buột miệng nói:
Trường tương tư
Chẳng ngờ lời vừa ra khỏi miệng, y cũng đã bật thốt lên:
Trường tương tư thì sao?
Thư Quý thái phi khẽ nở nụ cười mỉm.
Hai đứa đúng là tâm ý tương thông đấy!
Hai má tôi bất giác ửng hồng, cảm thấy có chút mất tự nhiên, vội cười, nói:
Chỉ vì đàn tên Trường tương tư, do đó vãn bối và Vương gia mới có chung suy nghĩ đó thôi.
Y cũng nói:
Mẫu phi lại nói đùa rồi, hài nhi với nương tử kỳ thực chẳng phải tâm ý tương thông gì cả, chẳng qua là tức cảnh sinh tình mà thôi.
Thư Quý thái phi cười, nói:
Tốt lắm, ta tuy chẳng mấy tinh thông thơ từ ca phú nhưng bài Trường tương tư của Lý Thanh Liên[2] thì cũng có biết, chi bằng cứ chọn bài này đi.
[2] Tức Lý Bạch – ND.
Tôi khẽ
vâng
một tiếng, cẩn thận điều chỉnh dây đàn và thử âm, sau đó mới bắt đầu gảy. Cùng lúc ấy, tiếng sáo du dương chậm rãi vang lên, tựa một dòng suối trong mát rượi, chậm rãi chảy vào lòng người. Tiếng sáo thật quen thuộc biết bao, trong khoảnh khắc ấy, đôi chút gò bó ban đầu của tôi đã được xoa dịu hoàn toàn. Thư Quý thái phi nghiêng đầu lắng nghe, dáng vẻ say mê vô cùng.
Tôi gảy xong một bài, thấy tiếng sáo của y vẫn không hề dừng lại, liền hơi ngoảnh đầu nhìn qua, thấy y đang ngước mắt nhìn mình mà nở nụ cười. Tôi thoáng suy nghĩ, lập tức hiểu ra, tiếng đàn liền theo tiếng sáo của y mà vang lên tiếp, làn điệu bắt đầu lại từ đầu. Chợt nghe một giọng nữ mềm mại vang lên theo tiếng nhạc hợp tấu của tôi và y:
Hoa ngậm khói sắc trời sắp tận, trăng giăng tơ lòng ngẫm sầu mang. Đàn iệu ngừng khúc Phượng Hoàng, muốn ôm đàn Thục uyên ương góp lời. Đàn ý hay không ai lưu giữ, gửi gió xuân đến xứ Yên Nhiên. Non Yên đâu chẳng tới miền, nhớ chàng thăm thẳm đường lên tới trời. Ánh mắt xưa lả lơi làn sóng, mà nay thành suối nóng lệ tuôn. Chẳng tin lòng thiếp đậm buồn! Chàng về mà ngắm đáy gương, hỡi chàng!
Nhớ nhau đau đáu! Ngụ tại Trường An! Dế thu miệng giếng gáy ran, sương rơi bao lớp âm hàn chiếu tre. Đèn mờ, ruột thắt gan se, vén màn trăng ló e dè thầm than. Mỹ nhân! Hoa cách mấy ngàn tầng mây! Ngước lên trông trời tây biêng biếc, cúi xuống nhìn sóng nước mông lung. Hồn bay trời rộng hãi hùng, mộng hồn khó đến ngàn trùng quan san. Nhớ nhau đau đáu! Hiu hắt tim gan!
Thổi ra một khúc nhạc ai oán mênh mang như thế, vậy mà tiếng sáo tuy ngợp nỗi ưu sầu nhưng lại chẳng hề có chút nghẹn ngào. Ngay đến tiếng đàn của tôi cũng hết sức trong trẻo và không hề ngưng trệ. Còn tiếng ca của Thư Quý thái phi tuy da diết tình sầu nhưng lại không hề thê thảm. Khúc nhạc kết thúc, ai cũng cảm thấy lòng dạ thư thái, mọi tâm sự đều theo tiếng nhạc trôi đi.
Thư Quý thái phi nở nụ cười như bông hoa đón gió, gật đầu, nói:
Từ sau khi tiên đế qua đời, đã lâu lắm rồi ta chưa được nghe Trường tương tư và Trường tương thủ hợp tấu, hai đứa quả rất xứng với cặp đàn sáo này.
Tôi mỉm cười khiêm tốn, nói:
Đã hơn một năm không gảy đàn rồi, động tác khó tránh khỏi có chút gượng gạo, may mà không đến nỗi làm bẩn tai Thái phi.
Thái phi nhìn cặp đàn sáo bằng ánh mắt chứa chan tình cảm, lại nhẹ nhàng vuốt ve thân đàn, cười tủm tỉm, nói:
Tốt lắm, hôm nay ta rốt cuộc đã có thể yên tâm rồi. Trước đây cứ nghĩ vì nương tử thông minh, xinh đẹp nên được Hoàng đế tặng cho Trường tương tư, thành ra lo lắng mất mấy ngày, thầm nghĩ nếu nương tử cầm kệ kém cỏi thì thật không xứng với Trường tương tư của ta. Bây giờ nghe nương tử gảy đàn rồi, ta thực cảm thấy mừng thay cho cây đàn này, nó rốt cuộc đã tìm được một vị chủ nhân tốt biết yêu thương nó rồi.
Tôi vội nói:
Thái phi quá khen, vãn bối thực không dám nhận.
Thư Quý thái phi nghiêm t nói:
Ta không hề quá lời đâu.
Bà thoáng lộ vẻ trầm ngâm, dường như đang chìm vào dòng hồi ức đẹp đẽ ngày trước, bên khóe miệng nở nụ cười tươi.
Hôm nay nghe tiếng đàn sáo hợp tấu, thực rất có vận vị khi ta với tiên đế hợp tấu năm xưa.
Thư Quý thái phi nói lời vô tâm nhưng tôi nghe thấy thế, trái tim bất giác nẩy lên từng hồi, vô cùng rối loạn. Tôi không kìm được ngoảnh đầu nhìn qua, vừa khéo bắt gặp ánh mắt của Huyền Thanh, hai bờ má không khỏi ửng hồng. Đúng lúc này, Tích Vân lại nói:
Thái phi nói đúng lắm, những cây đàn sáo khác thì không có gì, nhưng Trường tương tư và Trường tương thủ của chúng ta thì khác, không chỉ đòi hỏi người diễn tấu phải có kỹ xảo điêu luyện, khi hợp tấu còn cần tâm ý tương thông, thấu hiểu lẫn nhau, mà quan trọng hơn là bên trong phải có cả tình cảm nữa, nếu không thì sao có được cái ý vị tương tư, tương thủ.
Tôi thầm cảm thấy căng thẳng nhưng ngoài mặt vẫn cười nói vẻ thản nhiên:
Nghe Tích Vân cô cô nói vậy, ta cứ như là mèo mù vớ cá rán, chó ngáp phải ruồi ấy. Ta với Vương gia mới chỉ từng cùng hợp tấu một lần, nếu nói hai bên hiểu nhau thì còn nghe được, nhưng nói tới tình ý hay vận vị gì đó thì thực là vô lý quá chừng, chỉ khiến Thái phi cười chê thôi.
Tích Vân cười, nói:
Ta vì cao hứng quá nên mới quên hết chừng mực, mong nương tử đừng trách.
Tôi vội nói:
Vãn bối đâu dám.
Thư Quý thái phi chậm rãi rót một chén trà đưa tới cho tôi, mỉm cười, nói:
Nói đi cũng phải nói lại, hai người muốn hợp tấu thành công, điều quan trọng nhất là phải ăn ý, nếu mất đi sự ăn ý rồi, dù kỹ xảo có điêu luyện đến mấy cũng vô ích. Hôm nay lại một lần nữa được nghe Trường tương tư và Trường tương thủ chan hòa vang tiếng, cuộc đời này của ta không còn điều gì nuối tiếc nữa rồi.
Huyền Thanh đứng bên cạnh Thư Quý thái phi cũng cười, nói:
Trước đây chẳng qua là đàn sáo hợp tấu mà thôi, hôm nay còn có tiếng ca của mẫu phi nữa, quả có thể coi là hoàn mỹ vô khuyết rồi.
Tôi khẽ nở nụ cười.
Quả đúng như Vương gia nói, đàn sáo hợp tấu chỉ có thể thể hiện vận vị bên trong, so với trực tiếp hát ra thành lời thì kém hơn ở cảm giác trực quan, cũng thua về sự mới lạ. Đối với Thái phi mà nói, trực tiếp thẳng thắn rõ là hơn hẳn quanh co, vòng vèo, đó chính là tính cách của Thái phi.
Thái phi tươi cười rạng rỡ, lại xoa đầu tôi vẻ hiền từ.
Chân nương tử quả đúng là tri âm của ta.
Tôi cười vui vẻ, nói:
Thái phi nói như vậy, có thể thấy đã thật lòng thương yêu vãn bối rồi!
Thư Quý thái phi mỉm cười, vuốt nhẹ vai Huyền Thanh, giúp y gạt mấy cánh hoa rơi trên đó xuống.
Tri âm của mẫu phi cũng là tri âm của con, chắc hẳn con và Chân nương tử nói chuyện với nhau rất hợp.
Huyền Thanh cười rộ, nói:
Mẫu phi không biết đó thôi, trước đây khi cùng nương tử đàm luận về thi từ sử sách, hài nhi chỉ cần sơ suất một chút thôi là sẽ rơi vào thế hạ phong, thực là vô cùng hổ thẹn.
Thư Quý thái phi bật cười, chỉ tay vào tôi, nói:
Chân nương tử thoạt nhìn thì dịu dàng, e lệ, không ngờ lại giỏi tài ăn nói như thế, có thể khiến con trai ta phải cam bái hạ phong, quả là không tầm thường.
Tôi che miệng cười, nói:
Vương gia khiêm tốn nên mới nói chẳng lựa lời, vậy mà Thái phi cũng tin sao? Khi ở trước mặt Thái phi thì Vương gia khen vãn bối vài câu vậy thôi, đợi tới lúc khác chẳng biết sẽ chê cười vãn bối thế nào nữa.
Huyền Thanh nghe thế liền vội nói:
Thanh nói thực lòng mà, quyết không dám chê cười nương tử nửa câu.
Chúng tôi cứ thế nói cười một lúc, cuộc vui rốt cuộc cũng tàn. Huyền Thanh cất lời cáo biệt Thư Quý thái phi, sau đó liền đưa tôi xuống núi.
Huyền Thanh đi bên tôi, A Tấn dắt ngựa đi theo mãi phía sau. Đường núi quanh co, từng làn gió mát vù vù thổi tới, kèm theo đó là mùi hương thanh tân của cỏ dại, khiến người ta cảm thấy thư thái vô cùng. Làn gió còn thấp thoáng mang theo những tiếng tinh tang phát ra từ chiếc chuông nhỏ đeo trên cổ ngựa, nghe như tiếng nhạc vui vẻ mà ai đó đang hát ở đằng xa. Vó ngựa giẫm lên những bông hoa dại nơi sơn dã, thỉnh thoảng lại có mấy dòng dịch thể man mác hương thơm bắn ra xung quanh. Tôi và y đứng cách nhau chỉ chừng một nắm tay, cùng bước đi lặng lẽ, không ai nói gì.
Nơi giao lộ của con đường núi có mọc một bụi chuối dại rất lớn, ánh dương rạng rỡ tựa dòng thác chảy xuống những phiến lá chuối to ngang chiếc quạt, lại tách ra thành vô số tia nhỏ tỏa đi khắp phía, khiến gốc chuối vốn đã xanh biếc lại càng tràn trề sức sống. Nơi chính giữa mấy cây chuối là những chiếc nõn chuối vừa nhú, còn đang cuộn tròn trong màu vàng nhạt, tựa mấy cây đuốc đang bùng cháy. Trên thảm cỏ xanh phía dưới lác đác nở vài bông đinh hương, hoặc màu tím nhạt hoặc màu xanh lam, trông rất mảnh dẻ dịu dàng, tựa như một thiếu nữ tuổi vừa đôi tám đang nở nụ cười e thẹn.
Tôi thấy Huyền Thanh đang chăm chú nhìn bụi chuối và những bông đinh hương, không kìm được cười, nói:
Nõn chuối cuộn tàu đinh hương búp, cùng hướng gió xuân thảy tự sầu[3]. Phải chăng Vương gia đang cười điều này?
[3] Trích Đại tặng kỳ 1, Lý Thương Ẩn, nguyên văn Hán Việt: Ba tiêu bất triển đinh hương kết, đồng hướng xuân phong các tự sầu. Hai câu thơ này tác giả dùng giọng điệu của một người con gái đang nhớ người tình, trong đó nõn chuối là hình ảnh ẩn dụ của người tình, còn búp đinh hương là bản thân người con gái, cả hai đang cùng đứng trước làn gió xuân mà nhớ về nhau – ND.
Trong mắt y ánh lên một nét cười sáng rực.
Không biết ta nên khen nương tử thông minh hay là nói nương tử đáng sợ đây?
Tôi nở nụ cười tự đáy lòng.
Như vậy hẳn là ta đã may mắn đoán đúng ý của Vương gia rồi.
Huyền Thanh đưa tay hái một bông đinh hương màu tím, đưa lên mũi ngửi.
Thanh quả đúng là vì nghĩ tới câu đó nên mới cười. Đinh hương và chuối tuy cùng ở trước mắt nhưng lúc này, Thanh và nương tử thư thái vô cùng, chẳng hề có nỗi sầu tương tư ly biệt, thế nên hai câu thơ đó thực không hợp cảnh chút nào.
Tôi mỉm cười, chỉ tay vào cây đàn Trường tương tư đang ôm trong lòng.
Có vật này ở đây, cũng tạm có thể coi là hợp cảnh rồi. Cây đàn này vốn mang tên Trường tương tư mà.
Tôi nhìn bông đinh hương trên tay y, khẽ nói:
Nó đẹp quá!
Huyền Thanh nhìn bông hoa bằng ánh mắt yêu thương, lại ngoảnh đầu qua phía tôi mà cười, nói:
Quả là rất đẹp, thế nhưng Thanh không hề có ý tặng cho nương tử.
Tôi bật cười.
Tuy ta không hề muốn nhận nhưng vẫn không nén nổi tò mò mà muốn hỏi một câu vì sao.
Huyền Thanh dời ánh mắt từ bông đinh hương tới khuôn mặt tôi.
Đinh hương là bông hoa tương tư đau khổ, Thanh không hy vọng nương tử như vậy.
Ta là người tu hành, tất nhiên sẽ không dính vào chuyện tương tư, Vương gia quá lo rồi.
Tôi chợt nhớ lại chuyện vừa rồi, bất giác liếc nhìn về phía eo y.
Trường tương thủ là vật quý giá vô cùng, chẳng lẽ lúc nào Vương gia cũng mang theo bên mình ư?
Không.
Y lắc đầu, nói:
Có điều mỗi lần tới đây, ta đều mang theo nó.
Tôi loáng thoáng đoán được ý tứ của y, không khỏi cảm thấy có chút sợ hãi, vội nói:
Lòng hiếu thảo của Vương gia với Thái phi quả là hết sức sâu dày.
Trước đây ở trong cung, mỗi lần trò chuyện cùng tôi tới chỗ này, y đều điểm tới là dừng, không để hai bên rơi vào cảnh khó xử. Thế nhưng hôm nay tình hình lại hoàn toàn khác, y không hề có ý ngưng lời:
Đây chỉ là một nguyên nhân…
Thoáng dừng một chút, hai mắt y bỗng sáng rực.
Còn một nguyên nhân khác là Trường tương tư ở chỗ nàng.
Y nói giọng rất ung dung, điềm đạm, cứ như thể đó là một lẽ đương nhiên.
Y thông minh như thế, chẳng lẽ không biết có những lời không thể tùy tiện nói với tôi sao?
Tôi ngoảnh mặt qua hướng khác, gượng cười để che giấu tâm trạng rối bời của bản thân.
Vương gia đúng là thú vị, vì Trường tương thủ mà tới tìm Trường tương tư.
Ánh mắt Huyền Thanh tựa như ánh dương bao phủ khắp trời, khiến người ta không có chỗ nào để né tránh. Y nghiêm túc nói:
Thanh là chủ nhân của Trường tương thủ, tới tìm chủ nhân của Trường tương tư.
Bàn tay đang ôm cây đàn Trường tương tư của tôi toát đầy mồ hôi, mang tới cảm giác nhớp nháp. Tôi không thể né tránh nữa, khuôn mặt bất giác đỏ bừng, lúng túng nói:
Vương gia thật biết đùa quá!
Y nhìn tôi vẻ hết cách, hồi lâu sau mới nói:
Nàng biết là ta không đùa.
Tôi cố dằn lòng, đột ngột ngẩng lên nhìn y chăm chú, lạnh lùng nói:
Nhưng ta lại chỉ có thể nghĩ là Vương gia đang đùa.
Y không hề nhìn vào mắt tôi, mà chỉ thoáng liếc qua.
Trước đây nàng là sủng phi trong cung, bây giờ đã không phải nữa rồi. Do đó, ta không hề đùa với nàng, nàng hãy coi đó là lời thật lòng của ta. Sau khi nàng để lại mảnh giấy đó ở Thanh Lương Đài rồi không từ mà biệt, ta sợ nàng thương tâm khó xử nên mới cố kìm nén không đi tìm nàng, nhưng nàng có biết thời gian qua, lòng ta bức bối đến thế nào không? Nõn chuối cuộn tàu đinh hương búp, cùng hướng gió xuân thảy tự sầu. Ta không biết nàng có giống ta không, nhưng đối với ta, bởi một câu ‘tạ ơn chàng hữu ý, thẹn không sắc khuynh thành’ kia của nàng, e rằng mùa xuân năm nay chính là mùa xuân đau khổ nhất trong cuộc đời ta.
Lời của y lập tức khiến tôi trở nên nôn nóng, tôi phất tay áo, nói:
Trước đây ta là sủng phi trong cung, do đó dù đã bị trục xuất khỏi cung nhưng đời này kiếp này, ta vẫn không thể dứt bỏ cái bóng của cung đình.
Một dòng lệ chua chát chừng như bất cứ lúc nào cũng có thể trào ra, phải cố hết sức tôi mới kìm nén được.
Con người chẳng phải cỏ cây, sao ta không hiểu tâm ý của Vương gia kia chứ, hiềm một nỗi phận bèo dạt chẳng dám với cành cao, Mạc Sầu này bị đuổi khỏi cung với tấm thân tàn, thực không muốn dính dáng gì tới hoàng thất nữa.
Vì nàng từng là phi tử của y, còn ta lại có xuất thân cung đình, do đó nàng mới không thể chấp nhận ta sao?
Y chăm chú nhìn tôi, trong mắt ngợp nỗi xót xa và trìu mến.
Ta chỉ hỏi nàng một câu thôi, trước đây ở trong cung, nàng đã từng có ngày nào được bình an, vui vẻ chưa?
Bình an vui vẻ? Lòng tôi chợt nhói đau. Nhớ khi đó, mỗi một ngày, mỗi một giờ, dù đang được Huyền Lăng hết mực sủng ái nhưng cuộc sống của tôi có khi nào mà không giống như đi trên băng mỏng, trên đầu lưỡi đao đây?
Bình an vui vẻ, đó là điều mà tôi thậm chí không dám nghĩ đến.
Tôi chỉ mong mình có thể sống, sống tốt hơn một chút.
Y ngẩn ngơ nói:
Mỗi lần ta gặp nàng, nàng đều chẳng được vui vẻ thật sự, ngay đến tiếng khóc cũng phải cố sức kìm nén.
Nỗi khổ bao năm qua, sự tranh đấu bao năm qua, cả sự thương tâm và hụt hẫng của tôi, chỉ có y là từng tận mắt nhìn thấy và vỗ về, an ủi.
Tôi lòng dạ nguội lạnh, thổn thức nói:
Cho dù không có quãng thời gian trong cung đó, quá khứ và hiện tại, rốt cuộc vẫn không giống nhau.
Huyền Thanh nhìn thẳng vào mắt tôi, khiến tôi không thể né tránh được nữa. Y hỏi:
Quá khứ và hiện tại có chỗ nào khác nhau?
Qua màn sương mỏng mịt mờ trên đôi mắt, tôi phát hiện y và Huyền Lăng kỳ thực không hề giống nhau. Huyền Lăng có vẻ góc cạnh lạnh lùng của bậc đế vương, còn Huyền Thanh, những đường nét đều dịu dàng, mềm mại. Tôi cơ hồ không kiềm chế nổi, những giọt nước mắt chậm rãi rơi xuống.
Sao lại không khác chứ, bây giờ… ta đã chẳng còn trái tim nhi nữ như thuở xưa rồi.
Y cất tiếng ngắt lời tôi:
Trước đây nàng là thiên kim tiểu thư của nhà họ Chân, dung nhan như ngọc; bây giờ, nàng là nữ tử bị hoàng huynh của ta trục xuất khỏi cung, để tóc tu hành.
Y bước tới gần tôi, từng làn hơi thở như bao trùm lấy tôi.
Nhưng bất kể là trước đây hay bây giờ, bỏ qua quãng thời gian trong cung, nàng đều là một người tự do, có thể chung sống với bất cứ người nào. Trước đây và bây giờ, căn bản không có gì khác biệt. Điều duy nhất khác biệt chỉ là trái tim của nàng.
Giọng nói của y lạnh lùng mà băng giá, tựa như một chiếc búa không ngừng gõ lên trái tim tôi.
Chân Hoàn kiêu ngạo, dũng cảm, không biết sợ là gì mà ta quen biết trước đây rốt cuộc đã đi đâu rồi?
Đã đi đâu rồi?
Tôi lẩm bẩm tự hỏi mình, cũng như là đang hỏi y, bao nỗi ấm ức và khổ sở trong lòng rốt cuộc cũng cuồn cuộn tuôn trào.
Cô ấy chết rồi, Chân Hoàn của ngày xưa đã chết từ khoảnh khắc nhà tan cửa nát rồi! Người đang sống bây giờ tên là Mạc Sầu, là thân xác mà Chân Hoàn để lại, không còn là Chân Hoàn mà huynh từng quen biết trước đây nữa!
Tôi chậm rãi nói ra những lời đã chất chứa trong lòng mình bấy lâu, đột nhiên có cảm giác trống rỗng và yếu đuối, sau khi loạng choạng mấy bước liền tựa người vào vách đá, thở dốc từng cơn.
Y nở nụ cười thê thảm nhưng trong sự thê thảm lại xen lẫn một chút mừng vui, nhìn cứ như cọng rơm cứu mạng giữa dòng nước xiết. Y nói:
Nàng vừa nói con người chẳng phải cỏ cây, hẳn nhiên không thể vô tình, như thế tức là trong lòng nàng cũng có một vị trí dành cho ta, đúng vậy không? Chẳng hạn như ngày hôm đó, nàng đã gọi tên ta.
Tôi cố sức lắc đầu, lắc đến mức chóng cả mặt, dường như chỉ có như thế tôi mới có thể tăng thêm sức nặng cho lời nói của mình:
Vương gia hiểu lầm rồi, bởi vì Vương gia đã chiếu cố cho ta bao năm nay, mà con người chẳng phải cỏ cây, nên ta tất nhiên hiểu rõ tâm ý của Vương gia đối với ta. Nhưng hiểu là một chuyện, còn tình cảm lại là chuyện khác, ta chỉ có thể coi Vương gia như tri kỷ mà thôi. Nếu bởi vì ngày đó ta mạo muội gọi tên Vương gia mà khiến Vương gia hiểu lầm, vậy ta xin có lời cáo lỗi.
Sự nhiệt tình của y dần giảm bớt. Tôi tựa đầu vào vách đá, nói với giọng cứng rắn:
Vương gia từng nói, tuy nhiều đẹp đẽ thướt tha, chẳng hề lưu luyến lòng ta chút tình. Tiểu thư nhà Bái Quốc công tuy đức hạnh xuất chúng, xinh đẹp tuyệt trần, vậy nhưng ngài lại không thích. Hôm nay xin cho phép ta nói một lời mạo phạm, tuy nhiều đẹp đẽ thướt tha, chẳng hề lưu luyến lòng ta chút tình, câu này quả rất hay, tâm tư của ta với Vương gia cũng là như vậy. Vương gia tuy là dòng dõi hoàng thất cao quý, lại văn võ kiêm toàn, nói là rồng phượng trong loài người cũng không quá, nhưng Chân Hoàn ta…
Tôi cố dằn lòng, lạnh lùng nói:
Nhưng Chân Hoàn ta lại không thích ngài.
Vách đá lạnh băng và bóng loáng, dán sát vào lưng tôi. Lưng tôi khi nóng khi lạnh, cứ như đang bị ốm nhưng trong đầu lại chỉ có cảm giác lạnh giá vô cùng. Cái lạnh ấy cứ như là khi tôi nhúng bàn tay vào trong băng tuyết lúc nghịch tuyết hồi nhỏ, lạnh đến thấu tâm can, còn kèm theo cảm giác tê dại.
Hơi thở của y trở nên dồn dập, càng lúc càng nặng nề, bên trong tràn ngập vẻ tuyệt vọng, tựa một cây búa không ngừng đập vào trái tim tôi. Ánh mắt y giống hệt một con dã thú bị thương, tột cùng băng giá.
Tôi sợ phải nhìn y biết bao, sợ vô cùng. Tôi cố sức ngoảnh đầu qua hướng khác, không nhìn y nữa nhưng ánh mắt y lại như bao phủ khắp cả đất trời, tôi không thể tránh được. Tôi bị y nhìn như thế, một cảm giác trống rỗng khó mà miêu tả bằng lời cuồn cuộn trào dâng, trái tim tôi dường như chỉ còn lại cái vỏ bên ngoài, không sao lấp đầy được nữa. Ngón tay tôi run lẩy bẩy, tôi sợ bị y nhìn thấy, liền giấu ra sau lưng, dùng sức nắm chặt hai bàn tay lại.
Sắc mặt y dần bình tĩnh trở lại. Hồi lâu sau, y cài bông đinh hương đó lên vạt áo của mình, gượng cười cất tiếng:
Nghe nàng nói vậy, bông đinh hương phải chịu đầy nỗi khổ tương tư xem ra đành thuộc về ta rồi.
Tôi không sao kìm nén được nữa, vội vã chạy đi, chẳng hề phát hiện nước mắt đã trào dâng nơi bờ mi tự lúc nào.