Hồi 13: Tống Công Minh đánh thành Kế Châu, Lư Tuấn Nghĩa chiếm huyện Ngọc Điền
-
Hậu Thủy Hử
- Thi Nại Am - La Quán Trung
- 6385 chữ
- 2020-05-09 04:30:55
Số từ: 6373
Dịch giả: Tử Vi Lang
Nguồn: Nhà xuất bản Văn Học
Đang nói chuyện Động Tiên thị lang thấy Đàn Châu đã mất, bèn tẩu thoát khỏi thành, có Giảo Nhi Duy Khang theo hộ vệ, không ngờ gặp phải Lâm Xung và Quan Thắng, đành phải một phen giao chiến quyết liệt . Nhưng Động Tiên thị lang chẳng còn ham đánh, chỉ chờ một đường đâm trượt liền thóat ra ngoài chạy trốn . Quan Thắng và Lâm Xung muốn tiến vào chiếm thành nên cũng không đuổi theo .
Lại nói Tống Giang dẫn đại quân người ngựa vào thành Đàn Châu, đánh tan quân Liêu, treo bảng vỗ yên dân trăm họ, ra lệnh cho quân sĩ không được tơ hào xâm phạm của dân . Lại sai quân đi thu thập các chiến thuyền đưa về đậu cả ở bến sông trong thành, một mặt cho khao thưởng ba quân . Lại xét đến những người từng làm quan cho giặc Liêu, ai có họ thì được lưu dùng, cho giữ chức quan như trước, ai không có họ thì đuổi ra khỏi thành bắt phải trở về sa mạc . Một mặt viết biểu văn tâu về triều báo tin đã thu phục Đàn Châu, xin đem báu vật vàng lụa thu được trong kho nộp hết về kinh . Trong thư gửi Túc thái uý có nói rõ sự việc để nhờ tâu giúp lên thiên tử .
Thiên tử nghe tâu hết sức vui mừng, liền hạ chiếu bổ nhiệm viên quan họ Triệu đang giữ chức đồng tri an phủ sứ Đông Kinh lĩnh chức khâm sai, thống lĩnh hai vạn quân kỵ và quân bộ thuộc ngự doanh lên vùng chiến trận để giám chiến . Tống Giang được tin báo liền dẫn các tướng ra tận ngoài thành nghênh tiếp, mời quan khâm sai về nghỉ trong dinh phủ Đàn Châu, tạm dùng nơi ấy làm suý phủ chỉ huy việc hành quân . Các đầu lĩnh và đầu mục đều đến hành dinh làm lễ yết kiến .
Triệu an phủ vốn dòng dõi tôn thất họ Triệu, xưa nay có tiếng là người độ lượng, nhân đức, thẳng thắn trong khi làm việc quan, lại được Túc thái uý đề cử nên được thiên tử đặc cách sai lên biên giới xem xét việc quân . Triệu an phủ thấy Tống Giang là người nhân đức, cả mừng nói:
- Thánh thượng biết anh em các tướng quân một lòng chăm lo công việc, quân sĩ trải nhiều vất vả gian lao, nên đặc cách sai hạ quan đến đây trông coi việc quân . Hạ quan cũng chuyển đến đây các thứ vàng bạc gấm vóc của thiên tử ban cho các tướng sĩ, tất cả là hai mươi lăm xe . Thiên tử căn dặn hễ các tướng lập được công to thì tâu về để triều đình phong quan tước . Nay tướng quân đã lấy được châu quận của nước Liêu, hạ quan sẽ xin tâu ngay về triều . Mong các tướng quân gắng sức dốc lòng cho chóng thành công lớn, khi về kinh ắt sẽ được thiên tử trọng dụng .
Mọi người đều vái tạ, Tống Giang nói:
- Nay xin mời tướng công ở lại trấn thủ Đàn Châu . Anh em tiểu tướng sẽ chia quân đi đánh những châu quận hiểm yếu, khiến cho quân Liêu không trông dựa vào nhau được nữa .
Tiếp đó, Tống Giang một mặt sai chia đồ thưởng cho các tướng sĩ, một mặt cho gọi các đạo quân mã đóng xa trở về, chờ lệnh điều đi đánh các châu quận khác của nước Liêu . Dương Hùng thưa:
- Vùng này tiếp liền với Kế Châu, đó là một quận lớn, lắm của nhiều lương, thóc gạo dồi dào, xưa nay vẫn coi là kho đụn của nước Liêu . Đánh được Kế Châu thì các nơi khác đều lấy được .
Tống Giang nghe xong liền cho mời quân sư Ngô Dụng vào bàn bạc .
Lại nói Động Tiên thị lang cùng với Giảo Nhi Duy Khang đang tế ngựa chạy trống về phía đông thì gặp tàn quân người ngựa của Sở Minh Ngọc và Tào Minh Tế, bèn cùng nhau chạy vào thành Kế Châu . Động Tiên thị lang liền đến yết kiến hoàng đế đại vương Da Luật Đắc Trọng, kể lại rằng:
- Quân tướng Tống Giang thế lực rất lớn, trong số đó có một tên ném đá trăm phát trăm trúng làm thiệt mạng quân ta rất nhiều . Hai hoàng điệt và tiểu tướng A Lý Kỳ đều bị tên ấy ném chết .
Da Luật đại vương nói:
- Ngươi hãy ở lại đây giúp chúng ta chặt đầu tên ấy .
Chưa dứt lời thấy quân thám mã trở về cấp báo: "Tống Giang chia quân hai ngả tiến đánh Kế Châu, một đường đánh vào huyện Bình Dụ, một đường đánh vào huyện Ngọc Điền".
Da Luật đại vương nghe xong liền ra lệnh cho Động Tiên thị lang:
- Khanh hãy dẫn ngay đội quân kỵ đến bịt đường ở cửa huyện Bình Dụ, không cần giao chiến với quân Tống . Ta sẽ đưa quân đến, trước hãy bắt trói tướng giặc ở huyện Ngọc Điền, rồi vòng sau lưng đánh quật lại, bọn giặc ở huyện Bình Dụ có chạy thóat đằng trời! một mặt báo ngay cho Bá Châu và U Châu để hai nơi ấy điều quân mã đến tiếp ứng .
Nguyên thành Kế Châu này vua Liêu đã sai em ruột là Da Luật Đắc Trọng đến đóng giữ . Dưới trướng Da Luật Đắc Trọng có bốn con trai: con cả là Tông Vân, con thứ hai là Tông Điện, con thứ ba là Tông Lôi, con thứ tư là Tông Lâm . Thủ hạ còn có mười mấy viên chiến tướng . Tổng binh đại tướng là Bảo Mật Thánh, phó tổng binh là Thiên Sơn Dũng lo việc canh giữ thành trì quận Kế Châu . Lúc này Da Luật đại vương giao cho Bảo Mật Thánh ở lại giữ thành, còn mình cùng với bốn con trai và phó tổng binh Thiên Sơn Dũng dẫn đại quân thúc ngựa tiến như bay về huyện Ngọc Điền .
Tống Giang kéo quân đến huyện Bình Dụ, thấy cửa ải phía trước đã đóng chặt, chưa dám tiến quân, bèn cho đóng trại ở phía tây huyện thành .
Lại nói Lư Túân Nghĩa và các đầu lĩnh dẫn ba vạn quân kỵ tiến đến huyện Ngọc Điền, mỗi lúc một gần quân Liêu, Lư Tuấn Nghĩa bàn với quân sư Chu Vũ:
- Nay đã đến gần quân địch nhưng quân ta chưa quen vượt biên giới, đến miền đất lạ không hiểu địa thế ra sao, chẳng hay quân sư có kế sách gì hay ?
Chu Vũ đáp:
- Cứ theo ngu ý của Chu Vũ tôi, nếu chưa thông hiểu địa thế thì không thể tuỳ tiện cho quân tiến liều . Nay hãy dàn quân theo kế "trường xà"; đầu đuôi tiếp ứng, khép kín hai đầu, cứ theo đường cuộn tròn mà tiến . Như thế thì không lo là chưa quen thuộc địa thế .
Lư tiên phong nói:
- Lời quân sư rất hợp ý ta .
Nói đoạn Lư Tuấn Nghĩa thúc quân tiến lên . Nhìn ra phía trước, Lư Tuấn Nghĩa thấy quân Liêu, đang tiến đến rợp đất .
Ngự đệ đại vương Da Luật Đắc Trọng dẫn quân mã đến huyện Ngọc Điền liền dàn ngay thế trận . Bên quân Tống, quân sư Chu Vũ trèo lên chòi cao xem xét, rồi xuống nói với Lư Tuấn Nghĩa .
- Quân Liêu bày trận theo thế "ngũ hổ kháo sơn" (năm con hổ dựa vào núi), chẳng có gì lạ .
Nói đọan lên tướng đài cầm cờ hiệu phất trái vẫy phải điều quân dàn trận . Lư Tuấn Nghĩa hỏi:
- Quân sư bày trận gì ?
Chu Vũ đáp:
- Ấy là trận "côn hoá vi bằng" (cá Côn hoá thành chim bằng).
Lư Tuấn Nghĩa hỏi:
- Thế nào gọi là trận Côn hoá vi bằng ?
Chu Vũ đáp:
- Ở biển bắc có loài cá gọi là cá Côn, có thể hoá thành chim bằng, mỗi chuyến bay xa chín vạn dặm . Trận đang bày đây, nhìn gần nhìn xa đều thấy là một thế trận nhỏ, nhưng khi quân địch đánh tới thì có thể chuyển ngay thành một trận lớn . Vì vậy mà gọi là trận "Côn hoá vi bằng".
Lư Tuấn Nghĩa nghe xong tấm tắc khen ngợi mãi .
Bên trận quân Liêu đã nổi trống . Từ dưới môn kỳ, Da Luật đại vương cưỡi ngựa ra trước trận, bốn con trai theo sát hai bên . Da Luật đại vương đi giữa, bốn tiểu tướng đi kèm hai bên, vai áo người nào cũng lấp lánh hai miếng gương nhỏ, ngoài vành có giát vòng hột đen . Bốn ngọn đao dài, hai đôi tuấn mã phóng đều ra trước trận . Sau lưng Da Luật đại vương quân lính lớp lớp dàn hàng, đội ngũ đều đặt dưới quyền của các viên chiến tướng . Bốn tiểu tướng đồng thanh quát to:
- Bọn giặc cỏ kia sao dám xâm phạm biên giới nước ta!
Lư Túân Nghĩa nghe đoạn, quay lại hỏi:
- Hai bên sắp vào trận, ai là kẻ anh hùng dám ra đánh trước ?
Chưa dứt lời đã thấy Đại đao Quan Thắng múa cây thanh long yến nguyệt phóng ngựa lên trước . Tướng Liêu là Da Luật Tông Vân khua đao thúc ngựa đón đánh Quan Thắng . Hai tướng đánh chưa quá năm hiệp thì Da Luật Tông Lâm vác đao xông vào trợ chiến . Hô Diên Chước thấy vậy liền vung đôi roi sắt thẳng tới chặn đường . Hai anh em Da Luật Tông Điện và Da Luật Tông Lôi cũng quất ngựa vào đánh . Bên quân Tống, Từ Ninh và Sách Siêu lập tức ra nghênh chiến . Bốn đôi chiến tướng ra sức quyết đấu giữa trận . Giữa lúc ấy, Một vũ tiễn Trương Thanh lặng lẽ thúc ngựa ra trước trận . Bên Liêu có tên quân sĩ nguyên là tàn quân ở Đàn Châu chạy về, nhận ra Trương Thanh, hoảng hốt đến báo với Da Luật đại vương:
- Viên tướng mặc chiến bào xanh kia chính là tay ném đá!
Thiên Sơn Dũng nói:
- Xin đại vương cứ bình tâm, để tôi cho hắn thử nếm một mũi tên!
Thiên Sơn Dũng vốn quen ngồi trên ngựa dùng chiếc nỏ sơn đen, mũi tên sắt kẹp lông chim, nổi tiếng với tên hiệu là "nhất điểm du" (một đốm sáng). Bấy giờ Thiên Sơn Dũng đặt tay sẵn bên lẫy nỏ, thúc ngựa ra trận, lệnh cho hai viên phó tướng đi trước . Ba ngựa êm gót tiến ra trước trận, Trương Thanh đã nhìn thấy trước, cầm đá sẵn trong tay, nhằm đúng giữa đầu tên tướng Liêu mà ném, quát to: "xem". Viên đá bay suợt qua mũ sắt . Thiên Sơn Dũng cúi rạp xuống lưng ngựa tránh khỏi, liền đặt tên lên nỏ áp tay lẫy cò, cho ngựa tiến gần thêm nữa rồi kéo lẫy phóng tên đi . Trương Thanh kêu lên một tiếng "Ái dà!", vội cúi tránh thì mũi tên đã trúng vào cổ họng, ngã lăn xuống ngựa . Song thương tướng Đổng Bình, Cửu văn long Sử Tiến và Giản Trân, Giải Bảo liều chết xông ra cứu đựợc Trương Thanh đưa về trận nhà . Lư tiên phong thấy vậy vội báo nhổ ngay mũi tên . Máu chảy nhiều, Lư Tuấn Nghĩa phải cho băng tạm rồi sai Trâu Uyên, Trâu Nhụân đỡ Trương Thanh lên xe chở gấp về Đàn Châu giao cho thần y An Đạo Toàn điều trị .
Xe chở Trương Thanh vừa đi khỏi, phía trước lại nghe có tiếng reo hò, quân thám mã phi ngựa đến báo .
- Có một đội kỵ binh từ phía tây bắc đang đánh vào giữa trận .
Lư Tuấn Nghĩa thấy Trương Thanh trúng tên, không ham đánh nữa . Bốn tướng đang giao chiến cũng giả cách đánh thua, lui về trận nhà . Bốn tướng Liêu thừa thế đuổi theo, đội kỵ binh từ phía tây bắc tới cũng đánh vào giữa trận . Quân Liêu thế mạnh như nước đổ, ồ ạt tràn sang, làm thay đổi hẳn thế trận của quân Tống . Quân Lư Tuấn Nghĩa bị cắt đứt thành bảy tám đoạn, tướng sĩ ba quân không thể cứu ứng được cho nhau . Lư Tuấn Nghĩa một thương một ngựa, hết sức đánh dẹp mở đường chạy thoát . Trời sắp tối, bốn tướng Lieu quay lại đón đánh Lư Tuấn Nghĩa . Một ngựa một thương đương đầu với bốn tướng địch, Lư Tuấn Nghĩa vẫn không nao núng . Đánh giữ một hồi lâu, nhân lúc tướng giặc sơ hở, Lư Tuấn Nghĩa đánh dứ một đường thương, Da Luật Tông Lâm lia đao xông vào . Lư Tuấn Nghĩa hét to một tiếng, viên tướng Liêu trở tay không kịp bị Lư Tuấn Nghĩa đâm trúng, hất nhào xuống ngựa . Ba tướng còn lại khiếp sợ thúc ngựa quay về . Lư Tuấn Nghĩa xuống ngựa, rút đoản đao chặt đầu Da Luật Tông Lâm treo dưới yên ngựa rồi nhẩy lên yên phóng như bay về phía nam . Lại đụng đầu với một đội quân Liêu chừng hơn một nghìn tên, Lư Tuấn Nghĩa xông thẳng vào chém giết, đánh giạt hết . Đi tiếp chưa được vài dặm lại gặp một đội quân nữa .
Đêm ấy tối trời, không rõ là bên quân bên nào, nhưng nghe tiếng nói thie biết là quân Tống . Lư Túân Nghĩa gọi to:
- Quân bên nào ?
Nghe tiếng Hô Diên Chước trả lời, Lư Tuấn Nghĩa cả mừng cho ngựa đi tới . Hô Diên Chước nói:
- Bị quân Liêu đánh bạt, anh em tiểu đệ không cứu ứng được cho nhau . Đệ xông ra mở đường rồi cùng bọn Hàn Thao, Bành Kỷ vừa đánh vừa chạy đến đây, không biết đại huynh lâm trận thế nào ?
Lư Túân Nghĩa nói:
- Ta một mình đánh với bốn tứơng của bọn chúng, đâm chết một tên, ba tên còn lại bỏ chạy . Sau lại đánh tan một đội quân khác chừng hơn nghìn tên . Đến đây không ngờ lại gặp hiền đệ .
Hai người cùng sánh ngựa, đưa quân đi về hướng nam . Chưa được mười dặm, phía trước thấy có một đội quân chặn đường . Hô Diên Chước nói to:
- Ban đêm không giao chiến, đợi sáng mai hãy trổ tài quyết chiến!
Quân phía trước nghe xong hỏi lại:
- Có phải tướng quân Hô Diên Chước đó không ?
Hô Diên Chước nhận ra tíêng của Đại đao Quan Thắng, bèn gọi to:
- Có Lư tiên phong ở đây!
Các đầu lĩnh đều xuống ngựa ngồi nghỉ trên bãi cỏ . Lư Túân Nghĩa, Hô Diên Chước thụât lại chuyện phá vây thóat hiểm . Quan Thắng nói:
- Thấy tình thế bất lợi, đệ cùng bọn Tuyên Tán, Hách Tư Văn, Đan Đình Khuê, Ngụy Định Quốc, năm người năm ngựa cố sức đánh để thóat ra, sau thu nhặt tàn quân hơn nghìn quân rút về . Vì không biết đường đành phải nghỉ lại đây chờ đến lúc trời sáng, may sao lại gặp đại huynh .
Các tướng hợp quân hai đội, cho quân sĩ nghỉ ngơi, sáng hôm sau lại đi tiếp về hướng nam . Gần đến huyện Ngọc Điền thấy một toán quân kỵ đi tuần tiễu . Nhìn kỹ thì hoá ra là Song thương tứơng Đổng Bình và Kim thương thủ Từ Ninh . Bấy giờ mới biết quân Liêu đã rút chạy và các tướng khác của Lư Tuấn Nghĩa đã đưa quân vào trong huyện Ngọc Điền . Đổng Bình nói:
- Hầu Kiện và Bạch Thắng đến quân doanh của Tống tiên phong để báo tin, các đầu lĩnh khác đã đem quân về, chỉ thiếu Giải Trân, Giải Bảo, Dương Lâm và Thạch Dũng .
Lư Tuấn Nghĩa ra lệnh cho quân đi tiếp . Đến cửa huyện Ngọc Điền điểm số tướng sĩ thấy thiếu hơn năm nghìn quân . Chừng quá trưa có tin bọn Giải Trân, Giải Bảo, Dương Lâm, Thạch Dũng đã dẫn hai nghìn quân trở về . Lư Tuấn Nghĩa gọi vào hỏi, Giải Trân nói:
- Bốn anh em chúng tôi thoát được, nhưng vì vào sâu nơi đất hiểm bị lạc đường nên không dám quay về . Sáng nay lại chạm trán với giặc, giao chiến một trận lớn mới về được đến đây .
Lư Tuấn Nghĩa sai bêu thủ cấp Da Luật Tống Lâm ngoài cửa huyện Ngọc Điền, một mặt cáo thị vỗ yên quân dân trăm họ .
Trước lúc trời tối, khi quân sĩ đang thu dọn để nghỉ ngơi, một viên tiểu hiệu ở đội tuần tiễu vào báo:
- Quân Liêu rất đông, đang tiến đến vây thành .
Lư Túân Nghĩa nghe báo cả kinh, liền dẫn Yến Thanh lên mặt thành quan sát, thấy đuốc sáng rực trời . Tướng Liêu là Da Luật Tống Vân cưỡi ngựa đứng dưới mấy bó đuốc đang đốc thúc ba quân .
Yến Thanh nói:
- Phải bắt bọn chúng trả món nợ bắn trộm Trương Thanh!
Nói đoạn Yến Thanh giương nỏ, thả một mũi tên cắm phập giữa mũi Da Luật Tống Vân, hất hắn lăn nhào xuống ngựa . Quân Liêu vội lui về phía sau năm dặm .
Lư Tuấn Nghĩa báo với các tướng:
- Tuy một mũi tên giết chết tướng giặc, quân giặc phải tạm lui, nhưng sáng mai thế nào bọn chúng cũng lại đến đánh . Nếu bị vây ở đây chẳng khác gì bị nhốt trong thùng kín, bấy giờ không biết thoát ra bằng cách nào ?
Chu Vũ nói:
- Nếu Tống tiên phong biết tin, thế nào cũng đưa quân đến cứu . Trong đánh ra, ngòai đánh vào tất sẽ phá được thế nguy .
Đêm ấy mọi người đều chờ đợi . Mờ sáng nhìn ra thấy quân Liêu vây kín bốn phía . Từ phía đông nam có quân mã đông đến mấy vạn đang tiến đến, bụi cát bốc mù trời . Ai nấy đều hồi hộp chờ đợi . Quân sư Chu Vũ nói:
- Đúng là quân của Tống tiên phong! quân Liêu thế nào cũng phải quay lại đánh quân cứu viện, chúng ta sẽ đem quân đánh thốc vào sau lưng chúng .
Lại nói quân Liêu vây thành từ sáng sớm đến quá trưa; quân lính đã mỏi mệt, nên khi bị quân Tống Giang đánh tới thì không chống cự nổi . Quân Liêu phải rút chạy .
Chu Vũ nói:
- Bây giờ chính là lúc phải cho quân đuổi theo .
Lư Tuấn Nghĩa liền hạ lệnh mở cả bốn cửa thành cho quân kỵ đuổi đánh . Quân Liêu một phen đại bại, thây chết ngổn ngang, bọn sống sót tan tác tháo chạy .
Tống Giang tung quân đuổi theo quân Liêu đến chiều tối mới khua chiêng thu quân tiến vào huyện Ngọc Điền hội quân với Lư Tuấn Nghĩa . Hai vị chánh phó tiên phong cùng bàn tính việc tiến đánh Kế Châu . Cắt cử các tướng: Sài Tiến, Lý Ứng, Lý Tuấn, Trương Hoành, Trương Thuận, ba anh em họ Nguyễn, Vương Nuỵ Hổ, Nhất Trượng Thanh, Tôn Tân, Cố Đại Tẩu, Thái viên tử Trương Thanh, Tôn Nhị Nương, Bùi Tuyên, Tiêu Nhượng, Tống Thanh, Nhạc Hoà, An Đại Toàn, Hoàng Phủ Đoan, Đồng Uy, Đồng Mãnh, Vương Định Lục ở lại giúp Triệu khu mật đóng giữ thành Đàn Châu . Các tướng còn lại đều chia vào hai đội quân tả hữu . Tống tiên phong thống lĩnh đội tả quân, dưới cờ có bốn mươi bảy viên tùy tướng là: quân sư Ngô Dụng, Công Tôn Thắng, Lâm Xung, Hoa Vinh, Tần Minh, Hoàng Tín, Chu Đồng, Lôi Hoành, Lưu Đường, Lý Quỳ, Lỗ Trí Thâm, Võ Tòng, Dương Hùng, Thạch Tú, Dương Chí, Tôn Lập, Âu Bằng, Đặng Phi, Lã Phương, Quách Thịnh, Phàn Thuỵ, Bao Húc, Hạng Sung, Lý Cổn, Mục Hoằng, Mục Xuân, Khổng Minh, Khổng Lượng, Yến Thuận, Mã Lân, Thị Ân, Tiết Vĩnh, Tống Vạn, Đỗ Thiên, Chu Quý, Chu Phú, Lăng Chấn, Thanh Long, Sái Phúc, Sái Khánh, Đái Tôn, Tưởng Kính, Kim Đại Kiên, Đoàn Cảnh Thụ, Thời Thiên, Úc Bảo Tứ, Mạnh Khang .
Phó tiên phong Lư Tuấn Nghĩa thống lĩnh đội hữu quân dưới cờ có ba mươi sáu viên tùy tướng: quân sư Chu Vũ, Quan Thắng, Hô Diên Chước, Đổng Bình, Một vũ tiễn Trương Thanh, Sách Siêu, Từ Ninh, Yến Thanh, Sử Tiến, Giải Trân, Giải Bảo, Hàn Thao, Bành Kỷ, Tuyên Tán, Hách Tư Văn, Đan Đình Khuê, Ngụy Định Quốc, Trần Đạt, Dương Xuân, LÝ Trung, Chu Thông, Đào Tông Vượng, Trịnh Thiên Thọ, Cung Vượng, Đinh Đắc Tôn, Trâu Uyên, Trâu Nhuận, Lý Lập, Lý Vân, Tiêu Đĩnh, Thạch Dũng, Hầu Kiện, Đỗ Hưng, Tào Chính, Dương Lâm, Bạch Thắng .
Theo kế hoạch đã định thì Tống tiên phong tiến quân qua huyện Bình Du; Lư tiên phong xuất quân từ huyện Ngọc Điền . Còn Triệu khu mật cùng hai mươi bay tuỳ tướng ở lại đóng giữ Đàn Châu thì không phải nói tới .
Tống Giang thấy quân sĩ bao ngày vất vả, bèn hoãn việc đánh Kế Châu, cho quân sĩ nghỉ ngơi . Trong mấy ngày ấy Tống Giang đã sai người về Đàn Châu thăm hỏi Trương Thanh . Thần y An Đạo Toàn phúc đáp: "Trương Thanh bị vết thương xé thị nhưng không phạm vào trong, chỉ đắp thuốc ít hôm cho khô mủ thì sẽ khỏi . Hiện đang mùa viêm nhiệt, quân sĩ bị đau ốm nhiều, đã xin Triệu khu mật phái Tiêu Nhượng và Tống Thanh về Thái y viện xin cấp tiền để mua các thứ thuốc men cần dùng . Hoàng Phủ Đoan xin cấp thêm cỏ khô và thuốc chữa bệnh cho ngựa . Mọi việc đều đã uỷ thác cho Tiêu Nhượng và Tống Thanh lên đường về Đông Kinh".
Tống Giang được tin cả mừng, lại cùng với Lư Tuấn Nghĩa tính việc tiến đánh Kế Châu . Tống Giang nói:
- Ngay khi chưa biết tin hiền đệ bị vây ở huyện Ngọc Điền, ta đã trù tính việc đánh Kế Châu . Công Tôn Thắng vốn là người bản châu, Dương Hùng trước đã giữ chức tiết cấp ở đó, Thạch Tú, Thời Thiên cũng đã từng ở Kế Châu . Sau khi đánh lui quân Liêu ta đã cho Thời Thiên và Thạch Tú cải trang trà trộn trong đám tàn quân chạy về Kế Châu . Khi vào thành, hai người ấy tất sẽ biết cách hành sự . Thời Thiên, Thạch Tú hiến kế: trong thành Kế Châu có một ngôi chùa lớn gọi là chùa Bảo Nghiêm, dưới hành lang toà nhà chính là nhà chứa kinh, khoảng giữa là điện Đại Hùng, trước điện có một ngọn tháp rất cao . Thời Thiên sẽ trèo lên nấp ở trên đỉnh tháp, hàng ngày cơm nước đã có Thạch Tú lo liệu . Khi đại quân tiến vào sát thành, Thời Thiên sẽ đốt lửa trên đrinh tháp để làm hiệu . Về tài nghệ trèo tường vượt mái nhà thì khó có ai hơn được Thời Thiên, chẳng lo không tìm được chỗ ẩn náu . Thạch Tú sẽ lén đến đốt phủ nha . Trước khi ra đi, hai người đã cùng nhau bàn tính kỹ . Ta ước hẹn với bọn họ thu xếp các việc sẽ cho tiến quân .
Ngày hôm sau, Tống Giang bỏ huyện Bình Dụ, đưa quân về hợp binh với Lư Tuấn Nghĩa, cùng đốc thúc quân mã cấp tốc đánh Kế Châu .
Lại nói ngự đệ vương Da Luật Đắc Trọng buồn phiền tức giận vì hai con chết trận, bèn bàn với đại tướng Bảo Mật Thánh, Thiên Sơn Dũng và Động Tiên thị lang .
- Trước đây viện binh từ Trác Châu và Bá Châu điều đến đã cho về hết . Nay Tống Giang hợp binh ở huyện Ngọc Điền, sớm muộn cũng đến đánh Kế Châu, biết tính sao đây ?
Đại tướng Bảo Mật Thánh nói:
- Chưa biết quân Tống Giang có đến hay không ? nếu bọn chúng đánh tới, tiểu tứơng xin đưa quân ra đón đánh, không bắt sống được tứơng giặc thì không dám lui quân .
Động Tiên thị lang nói:
- Trong bọn chúng có tên tướng mặc áo xanh ném đá rất lợi hại, cần hết sức đề phòng .
Thiên Sơn Dũng nói:
- Lần trước tiểu tướng đã cắm một mũi tên vào họng hắn, chắc đã chầu trời .
Động Tiên thị lang nói:
- Đã khử được tên ấy, những tên khác không phải lo gì .
Giữa lúc ấy có viên tiểu hiệu vào báo quân mã Tống Giang đang tiến vào Kế Châu . Da Luật đại vương liền điểm ngay người ngựa giao cho Bảo Mật Thánh và Thiên Sơn Dũng cấp tốc đi nghênh địch, ra ngoài thành hơn ba mươi dặm thì gặp quân của Tống Giang .
Đôi bên dàn ngay thành thế trận . Bảo Mật Thánh cắp giáo thúc ngựa lên trước . Tống Giang đứng trước trận hỏi các tướng:
- Ai ra chém tướng cướp cờ để ghi công đầu ?
Chưa dứt lời đã thấy Báo tử đầu Lâm Xung thúc ngựa lên giao chiến với Bảo Mật Thánh . Hai tuớng đánh nhau hơn ba mươi hiệp không phân thắng bại . Lâm Xung cầm chắc ngọn bác xà mâu xông vào, hét to một tiếng tựa sét đánh, nghiêng người tránh thương, rồi vung xà mâu đâm vào giữa cổ Bảo Mật Thánh, hất nhào xuống ngựa . Quân hai bên hò reo vang trời . Thiên Sơn Dũng thấy Bảo Mật Thánh ngã ngựa, vội xách thương xuất chiến . Bên quân Tống, Từ Ninh vác câu liêm thương phóng ngựa đón đánh . Hai người ngồi trên ngựa quần thảo chừng ba mươi hiệp thì Thiên Sơn Dũng bị Từ Ninh khua câu liêm giật lăn xuống đất . Tống Giang hô quân xông vào hỗn chiến . Quân Liêu thua to phải chạy về Kế Châu . Tống Giang cho quân mã đuổi theo hơn chục dặm mới thu quân về .
Hôm ấy, Tống Giang cho đóng trại, khao thưởng ba quân . Ngày hôm sau truyền lệnh nhổ trại lên đừơng tiến đánh Kế Châu . Ngày thứ ba đang lúc Da Luật đại vương lo sợ vì bị mất thêm hai tướng thì có tin báo: "quân Tống đang kéo đến", Da Luật đại vương vội bảo Động Tiên thị lang:
- Ngươi hãy dẫn ngay đội quân kỵ ra ngoài thành chặn địch!
Động Tiên thị lang không dám trái lệnh, miễn cưỡng cùng với Giảo Nhi Duy Khang, Sở Minh Ngọc và Tào Minh Tế dẫn một ngàn quân ky ra bầy trận dưới chân thành .
Quân Tống Giang dàn hàng tiến sát chân thành . Từ dưới môn kỳ, Sách Siêu vác búa phóng ngựa ra trước trận . Bên quân Liêu, Giảo Nhi Duy Khang cũng xách thương thúc ngựa tiến ra . Hai tướng xông vào đánh liền hơn hai mươi hiệp . Giảo Nhi Duy Khang hoảng sợ chùn tay, không dám ham đánh, chỉ đỡ gạt chờ dịp tháo thân . Sách Siêu thúc ngựa chồm lên, hai tay khua búa bổ xuống . Giảo Nhi Duy Khang không tránh kịp, đầu vỡ làm hai mảnh . Động Tiên thị lang thấy vậy hoảng hốt gọi Sở Minh Ngọc và Tào Minh Tế ra đối phó . Hai tướng đều run sợ nhưng không dám trái lệnh đành phải xách thương cho ngựa tiến ra . Bên quân Tống, Cửu văn long Sử Tiến thấy hai tướng Liêu xuất trận liền múa đao vỗ ngựa xông ra đón đánh . Sử Tiến thật anh hùng, một đao vung lên liền bay đầu Sở Minh Ngọc . Tào Minh Tế hoảng hốt bỏ chạy . Sử Tiến liền đuổi theo, đưa một đao, Tào Minh Tế đầu rơi xuống đất . Sử Tiến thừa thắng cho ngựa xông vào giữa trận quân Liêu . Tống Giang giơ roi hiệu cho quân sĩ ùa lên giáp chiến . Quân Liêu bị đánh đuổi đến tận cầu treo . Da Luật Đắc Trọng hoảng sợ, sai đóng cổng, truyền lệnh cho các tướng lên mặt thành đốc thúc chống giữ, một mặt viết biểu văn cho người về tâu với vua Liêu, một mặt sai người sang Bá Châu và U Châu xin cứu viện .
Kể tiếp, Tống Giang bàn với quân sư Ngô Dụng:
- Quân Liêu cố thủ ở trong thành, ta nên bày trận thế nào ?
Ngô Dụng nói:
- Chưa rõ Thời Thiên và Thạch Tú ở trong thành còn chờ đợi gì mà chưa ra tay ? bây giờ xin tiên phong truyền lệnh cho quân sĩ bắc thang và đặt giá súng để đánh thành ngay . Giao cho Lăng Chấp bắn hoả pháo khắp cả bốn phía . Đánh thật gấp thì thành này ắt phá được .
Tống Giang truyền lệnh cho quân sĩ sẵn sàng đánh thành ngay trong đêm ấy .
Lại nói ngự đệ đại vương Da Luật Đắc Trọng thấy quân Tống vây thành đánh mạnh khắp bốn phía, bèn ra lệnh bắt hết dân chúng lên mặt thành phòng thủ . Bấy giờ Thạch Tú ẩn nấp ở chùa Bảo Nghiêm đã mấy ngày mà chưa thấy bên ngoài có động tĩnh gì . Bỗng Thời Thiên từ trên đỉnh tháp tụt xuống nói:
- Quân mã của huynh trưởng Tống tiên phong đang đánh đến chân thành, bọn ta phải nổi lửa ngay!
Thạch Tú nói:
- Trước hết đốt lửa trên đỉnh tháp, sau đó quăng lửa cho điện Phật cháy luôn .
Thời Thiên nói:
- Đại ca mau đến phóng hoả đốt phủ nha . Cửa thành phía nam là nơi hiểm yếu, bên ngoài thấy hiệu lửa ắt sẽ ra sức đánh vào, lo gì thành này không phá được!
Bàn định xong xuôi, mỗi người đều lấy mồi thuốc, đá và dao đánh lửa, ống phụt giắt theo bên người . Trời vừa tối, quân Tống Giang bắt đầu đánh thành rất gấp .
Lại nói Thời Thiên coi việc trèo tường vượt thành chẳng khác gì đi lại giữa đất bằng, bèn trèo lên đỉnh tháp đánh đá châm lửa . Lửa bốc trên ngọn tháp cao, ánh lửa sáng rực, ngoài ba mươi dặm vẫn thấy rõ như một mũi khoan lửa dựng lên giữa trời . Đốt trên tháp xong, Thời Thiên từ tháp cao tụt xuống, quăng tiếp một mồi lửa đốt luôn điện Phật . Thấy hai đám lửa rừng rực bốc cháy giữa thành, dân chúng giả trẻ kêu khóc nháo nhác lo sợ tìm nơi trốn tránh . Trong khi đó Thạch Tú lẻn vào trèo lên tận lỗ thông gió phóng hoả đốt dinh phủ Kế Châu . Dân chúng trong thành thấy một lúc ba đám cháy biết quân Tống đã lọt vào thành . Những người canh giữ trên mặt thành cũng đều bỏ chạy . Những người canh giữ trên mặt thành cũng đều bỏ chạy . Một lúc sau, ở phía cửa nam lại thấy bốc lên một đám cháy nữa do Thời Thiên đốt sau khi rời khỏi chùa Bảo Nghiêm .
Hoàng đệ đại vương Da Luật Đắc Trọng thấy im hẳn tiếng trống cầm canh, lại thấy bốn năm đám cháy, lửa bốc đùng đùng, biết quân Tống Giang đã lọt vào thành, bèn vội vang thu thập quân mã, cùng với hai con trai đưa hết người nhà lên xe ra cửa bắc mở cổng thành chạy trốn .
Tống Giang thấy quân Liêu rối loạn liền hô quân sĩ xông lên chiếm thành . Khắp trong ngoài thành tiếng hò hét chém giết vang trời . Chỉ trong chốt lát quân Tống đã chiếm được cổng thành phía nam . Động Tiên thị lang lượng sức quân ít địch đông, chỉ còn cách chạy về cửa bắc trốn thóat theo ngự đệ đại vương .
Tống Giang dẫn đại quân người ngựa vào thành Kế Châu, cho quân đi dập tắt các đám cháy, sáng hôm sau cho yết bảng chiêu an, vỗ yên dân chúng . Tống tiên phong cho người ngựa vào đóng trại trong thành, khao thưởng ba quân tướng sĩ . Thạch Tú, Thời Thiên cũng được ghi tên trong sổ lập công . Sau đó Tống Giang gửi văn thư báo cho Triệu an phủ biết tin thắng trận, quan quân đã chiếm được thành Kế Châu, mời quan khu mật dời đến đồn trú . Triệu an phủ cho đưa thưa phúc đáp: "tạm thời hạ quan còn đóng ở Đàn Châu, uỷ cho Tống tiên phong trấn thủ Kế Châu. Hiện nay đang giữa mùa hè, thời tiết nóng bức chưa nên dùng binh, đợi khi trời dịu mát sẽ liệu tính". Được thư phúc đáp, Tống Giang giao cho Lư Tuấn Nghĩa lĩnh đủ quân tướng như lúc xuất phát, quay lại đóng giữ huyện Ngọc Điền, còn đại quân ở lại trấn thủ Kế Châu .
Lại nói hoàng đệ đại vương Da Luật Đắc Trọng cùng với Động Tiên thị lang đưa thân quyến qua U Châu về Yên Kinh vào cung yết kiến vua Liêu . Vua Liêu đang ngự triều ở Điện Vàng, các quan văn võ đều đến chầu đông đủ . Lễ chầu đã xong, quan hạp môn đại sứ vào tâu: "ngự đệ đại vương ở Kế Châu đã về trước cửa hoàng cung".
Vua Liêu vội sai gọi vào trong điện . Da Luật Đắc Trọng và Động Tiên thị lang sụp lạy dưới thềm rồi oà lên khóc lớn . Vua Liêu nói:
- Hoàng đệ chớ quá buồn phiền, cho phép tâu bầy hết cho trẫm nghe .
Da Luật Đắc Trọng tâu rằng:
- Vua nhà Tống sai bọn Tống Giang đem quân hùng tướng mạnh đến đánh . Quân ta không chống cự nổi . Hai con của thần và bốn viên đại tứớng ở Đàn Châu đã tử trận . Quân Tống tiến như cuốn chiếu, thành Kế Châu cũng đã mất . Thần đến trước điện cúi đầu xin chịu tội .
Vua Liêu nghe xong truyền rằng:
- Cho khanh đứng dậy, trẫm và các quan sẽ bàn xem phải đối phó thế nào ?
Vua Liêu lại hỏi:
- Viên tướng chỉ huy quân Tống là kẻ thế nào ?
Hữu thừa tướng thái sư Chữ Kiên bước lên tâu rằng:
- Thần nghe nói là bọn Tống Giang nguyên là thảo khấu đến trước điện cúi đầu xin chịu tội .
Vua Liêu nghe xong truyền rằng:
- Cho khanh đứng dậy, trẫm và các quan sẽ bàn xem phải đối phó thế nào ?
Vua Liêu lại hỏi:
- Viên tướng chỉ huy quân Tống là kẻ thế nào ?
Hữu thừa tướng thái sư Chữ Kiên bước lên tâu rằng:
- Thần nghe nói là bọn Tống Giang nguyên là thảo khấu ở Lương Sơn Bạc, nhưng không giết hại lương dân, một lòng chăm lo thay trời hành đạo . Về sau, bọn Đồng Quán, Cao Cầu đưa quân đi đánh dẹp trước sau năm trận bị quân Tống Giang đánh tan tành không còn mảnh giáp về kinh . Biết không thể tiễu trừ được đám hảo hán ấy, vua Tống ba lần sai sứ đến chiêu an, cuối cùng bọn Tống Giang mới chịu đầu hàng . Triều đình nhà Tống chỉ mới phong cho Tống Giang làm tiên phong, chứ chưa được phong chức quan thực thụ, còn những người khác vẫn chỉ là chân bạch đinh mà thôi . Nay nhà Tống sai Tống Giang đem quân đến đây là để mượn tay anh em Tống Giang đánh với quân ta . Anh em Tống Giang cả thảy một trăm linh tám người đều ứng với các ngôi sao trên trời, kẻ nào cũng tài gỉoi, xin bệ hạ chớ nên coi thường!
Vua Liêu hỏi:
- Như ngươi nói thì nên thế nào cho ổn ?
Từ trong hàng chầu, một viên quan bước ra . Đó là Âu Dương thị lang, áo thụng quết đất, thẻ ngà đeo ngực . Âu Dương thị lang tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, thần dẫu bất tài cũng xin dâng một kế nhỏ có thể làm lui quân Tống .
Vua Liêu cả mừng, nói:
- Người có kiến thức gì hay, cứ nói!
Lời tâu của Âu Dương thị lang khá dài, chỉ biết rằng chuyến này mọi việc xong xuôi, tên tuổi Tống Giang được ghi vào sử sách, sự tích chép trong sổ vàng .
Thật là:
Giữ nước mưu thành, chê Lã Vọng .
Thuận trời công toại, thách Trương Lương .
Muốn biết Âu Dương thị lang tâu chuyện gì, xem hồi sau sẽ rõ.