• 1,187

VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM


Số từ: 1280
Nguyên tác: Let The Day Perish
Dịch giả: Đắc Lê & Hoàng Túy
NXB Văn Học
Nguồn: Sưu tầm
Gerald Gordon sinh ngày 19-01-1909, tại Kimberley, Cộng hòa Nam Phi. Ông học giỏi từ nhỏ, vào Đại học Cape Town, ban đầu học chuyên ngành Hy Lạp – La Mã cổ, sau đó chuyển sang Luật khoa. Ông tốt nghiệp đại học hạng nhất. Năm 1936, Gerald Gordon xuất bản cuốn sách đầu tiên: Luật Bảo hiểm Nam Phi. Sự nghiệp luật sư của ông bị gián đoạn vì đại chiến thế giới thứ hai. Năm 1940, Gerald Gordon gia nhập quân đội, quân chủng Bộ binh Nam Phi, là binh nhì, phục vụ tại Bắc Phi, trong ban Tình báo. Đến khi giải ngũ, ông có quân hàm Đại úy. Chiến tranh kết thúc, ông quay trở lại ngành luật sư. Đây là giai đoạn chính trị Nam Phi có nhiều biến động. Ông trở thành nhà hoạt động cho quyền con người. Gordon tham gia bào chữa thành công nhiều vụ án giành quyền bình đẳng cho người da đen. Năm 1974, Gerald Gordon giã từ hoạt động luật sư. Ông qua đời năm 1998, thọ 89 tuổi.
G. Gordon đã xuất bản ba tiểu thuyết: Let the day perish - Hãy để ngày ấy lụi tàn; The crooked rain (Cơn mưa giả), và Four People (Bốn người). Ông được bầu làm Chủ tịch Hội Văn bút (PEN) Nam Phi. Ở Việt Nam, tiểu thuyết Hãy để ngày ấy lụi tàn đã được in năm lần, được đông đảo bạn đọc hâm mộ. Nhưng trước lần tái bản thứ sáu này, hầu như không ai biết gì về tác giả G. Gordon. Thế giới phương Tây tỏ ra không mấy mặn mà với nhà văn Nam Phi chống phân biệt chủng tộc. Để có được tiểu sử văn học của tác giả, cũng như bài điếu văn trước giờ phút vĩnh biệt ông, chúng tôi đã phải vất vả tìm kiếm một thời gian dài. Trên các website tiếng Anh, Pháp cũng không hề có! Cuối cùng, nhờ một người bạn đang làm việc tại London, chúng tôi mới có thông tin về tác giả.
Hãy để ngày ấy lụi tàn là một trong những tiểu thuyết lên án tệ phân biệt chủng tộc hay nhất mọi thời đại. Tên tác phẩm lấy một câu từ kinh Cựu ước: Let the day perish where in I was born (hãy để ngày ấy lụi tàn, ngày mà tôi sinh ra đời và đêm mà người ta nói rằng đã có một con người được kết thành thai). Trong tác phẩm, không thấy sự hành hạ đánh đập, đày ải người da màu. Nhưng sự kỳ thị, khinh miệt người da màu ăn sâu vào máu thịt của người da trắng từ lâu lắm rồi. Kinh khủng hơn, sự kỳ thị này khiến cho bản thân những người da màu vì muốn tồn tại như một con người, đã phải chối bỏ nguồn gốc, tự khinh miệt chủng tộc mình, tìm mọi cách ngoi lên địa vị của người da trắng!
Mary (Meri) là người phụ nữ da màu giàu lòng nhân ái, có học và xinh đẹp. Mary yêu và lấy chồng người da trắng. Gia đình cô không được xã hội da trắng thừa nhận. Mary cũng như không ít người da màu, chối bỏ nguồn gốc, xa lánh những người da màu đồng chủng. Gia đình Mary tồn tại bằng đồng lương của chồng làm quản lí quán rượu Đại Bàng. Họ có một đứa con có nước da trắng, tên là Anthony (Entơni), thông minh, tuấn tú, được học ở trường của người da trắng. Thế nhưng, em của Anthony là Steve (Xtivơ), lại cùng màu da với mẹ. Vợ chồng Mary dồn hết tiền bạc và tình cảm gửi Anthony đi học trong một trường Âu ở Winnerton (Uynơtơn). Từ đây, hai anh em Anthony và Steve sống ở hai thế giới đối cực. Đến lượt Anthony chối bỏ cội nguồn, xa lánh tất cả cha mẹ, em ruột và họ hàng. Anthony yêu Ren (Ren), cô gái đẹp, bản lãnh. Anthony càng phải giấu nguồn gốc mình. Anh sống trong sự đối phó và giả dối thường trực!
Hai anh em gặp lại nhau khi chứng kiến sự ra đi vĩnh viễn của mẹ, rồi của cha. Mary tự tử khi có thai lần thứ ba vì sợ đẻ con ra lại chịu số phận như các con của chị. Gia đình Mary tan nát: vợ chết, chồng tìm quên trong rượu rồi chết trong cơn say, để lại hai đứa con bất hạnh.
Anthony trở thành một luật sư nổi tiếng trong xã hội da trắng. Cái chết của Mary khiến anh tỉnh ngộ. Anh đổi sang họ mẹ để tưởng nhớ về mẹ, nhưng vẫn xa lánh em trai. Trong khi đó, Steve luôn ngưỡng mộ anh mình, luôn khao khát tình anh em. Biến cố xảy ra khi một người da trắng đến nhà Anthony để đánh ghen. Lúc ấy, em trai đang ở trong nhà, vì không muốn lộ nguồn gốc, Anthony đã ngộ sát người luật sư da trắng. Phải hầu tòa, Anthony đã phản tỉnh về số phận cuộc đời mình, gia đình mình, em trai mình, những người đồng chủng với mình. Anh đau đớn nhận ra lâu nay mình trở thành kẻ giả dối, sống nơm nớp như cá nằm trên thớt. Cuộc sống như vậy có còn ý nghĩa gì? Anh hiểu ra mình quá hèn đớn, trong khi em trai anh sống bất khuất, là thành viên tích cực làm tờ báo chống phân biệt chủng tộc.
Đến lúc Anthony quyết định chứng minh sự trong sáng của mình và công khai nguồn gốc. Trước tòa, chính em trai anh đã cứu anh! Người bạn gái từ tuổi học trò đã an ủi, động viên anh. Thế nhưng, trong giây phút ngọt ngào nhất của tình yêu, họ đang nghĩ tới việc đi thật xa để được sống bên nhau, thì, ý thức phân biệt chủng tộc ngấm vào máu của Ren, bỗng bật ra như một viên đạn xuyên trúng tim, vĩnh viễn kết liễu cuộc đời Anthony: Không, anh thân yêu, chẳng có điều gì như thế (về nguồn gốc da màu) về chúng tôi đâu! Nạn phân biệt chủng tộc đã ngấm vào tâm can, vào máu của biết bao thế hệ, không chỉ người da trắng khinh miệt người da đen, mà chính người da đen cũng tự ghê tởm, chối bỏ nguồn cội mình. Tài năng của tác giả, giá trị tố cáo, lên án nạn kỳ thị chủng tộc của tiểu thuyết Hãy để ngày ấy lụi tàn chính là ở đây.
Kết thúc tác phẩm, G. Gordon viết:
Anh đã từng ngắm nhiều cảnh bình minh như thế trên dãy núi kia. Giờ đây anh cũng ngắm nhìn, nhưng đôi mắt mệt mỏi của anh không nom thấy màu hồng, màu vàng hay màu đen của các đỉnh núi quanh anh. Đối với anh, đất trời chỉ có một màu duy nhất, đó là màu chì tẻ ngắt chống lại cuộc tấn công của một ngày mới nữa vào tâm hồn anh.
Bất chấp cái đau ê ẩm của đôi chân, anh thong thả đứng lên và đưa mắt xuống vách đá, đăm đăm nhìn những bóng tối đang co lại. Trên vầng trán anh giờ đây đã mất hẳn nét ưu tư vì so với những cạnh sắc lởm chởm của cuộc đời, những tảng đá trong vực thẳm dưới kia tựa như chiếc giường trải đệm lông chim còn êm dịu hơn nhiều
.
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 10-2009
Nhà văn Triệu Xuân
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Hãy Để Ngày Ấy Lụi Tàn.