Hồi 50: Bàn tay thay kiếm kinh thần kỹ - Nước mắt giai nhân kiếm người xưa
-
Hiệp Cốt Đan Tâm
- Lương Vũ Sinh
- 4682 chữ
- 2020-05-09 09:21:36
Số từ: 4677
Nguồn: truyenfull.vn
Kiếm pháp thượng thừa chú trọng sự linh hoạt bay bổng, người ấy chưa bao giờ thấy có ai sử dụng kiếm pháp chậm như thế nên không khỏi ngẩn người.
Người đàn bà cười lạnh:
"Đây là kiếm pháp gì? Đại ca, tên tiểu tử này coi thường huynh, huynh còn khách sáo với y làm gì?" Té ra bà ta cho rằng Kim Trục Lưu làm thế là cố ý coi thường mình.
Người chồng cẩn thận hơn nhiều, chẳng hề dám khinh địch, lòng nghĩ thầm:
"Dù y dùng kiếm pháp gì mình phải cẩn thận mới được". Rồi cây trường kiếm xỉa tới nhanh như chớp! Tuy người ấy xuất kiếm nhanh nhưng cũng có phòng bị. Đây chính là chiêu kiếm tinh hoa trong kiếm pháp của phái Phù Tang, trong chiêu chứa chiêu, trong thức có thức, biến hóa rất phức tạp!
Người này có ý đồ lấy nhanh thắng chậm, nhưng mũi kiếm vừa đâm vào vòng kiếm của Kim Trục Lưu lập tức phát giác bốn mặt tám hướng đều bị kiếm thế của Kim Trục Lưu chặn lại.
Té ra Kim Trục Lưu đã sử dụng chiêu kiếm lấy tĩnh chế động trong Đại tu di kiếm thức! Bất cứ loại kiếm pháp cao minh nào cũng không thể hoàn toàn vừa công vừa thủ được, nếu nghiêng về công cũng có vài chỗ sơ hở, yếu quyết của Đại tu di kiếm thức là lấy tĩnh chế động, tìm nhược điểm của đối phương.
May mà chiêu số của người này còn có biến hóa, y vừa thấy không ổn thì lập tức biến chiêu, mũi kiếm lướt qua nhanh như chớp, tuy như thế nhưng cũng hơi thua thiệt, chỉ nghe keng một tiếng, cây trường kiếm của người này đã bị mẻ một miếng.
Kim Trục Lưu chiếm được thượng phong không khỏi thầm khâm phục kiếm pháp của đối phương. Về mặt chiêu thức, tuy chàng có thể chiếm tiên cơ nhưng vì dùng cây huyền thiết bảo kiếm nên mới có thể chặt mẻ kiếm của đối phương. Nếu dùng một cây kiếm bình thường thì chỉ có thể hơi chiếm được thượng phong mà thôi.
Thật ra kiếm thuật của phái Phù Tang không thua gì Đại tu di kiếm thức, nhưng người này thiệt ở chỗ là chưa từng thấy Đại lu di kiếm thức mà Kim Trục Lưu lại biết kiếm thuật của y. Chàng có ngộ tính rất cao, cứ nhằm vào nhược điểm của đối phương để biến hóa thêm.
Người vợ thấy chồng mình vừa mới chạm mặt Kim Trục Lưu đã thua thiệt, cả kinh cười lạnh:
"Tên tiểu tử nhà ngươi nhờ có cây bảo kiếm chứ chẳng có bản lĩnh chân thực gì cả!" Kim Trục Lưu nói:
"Được, hãy đổi kiếm với ta!" Sử Hồng Anh đứng ở phía bên kia cầu kêu lên:
"Đừng mắc lừa!".
Thật ra Kim Trục Lưu cũng không yên tâm đổi kiếm, nhưng chàng lại háo thắng, không thể chịu được lời mỉa mai của mụ ta, nên nói:
"Hồng Anh, đến đây, đổi kiếm với huynh". Người đàn bà ấy bảo:
"Không cần, ta cũng muốn lãnh giáo kiếm pháp của ngươi. Ngươi có bảo kiếm, còn bọn ta có hai người coi như cũng công bằng!" Kim Trục Lưu cười:
"Công bằng, công bằng lắm!" Rồi nghĩ bụng:
"Cha chỉ có đôi chưởng mà đánh bại Phù Tang thất tử, mình có huyền thiết bảo kiếm chắc cũng chẳng hề gì".
Kim Trục Lưu muốn thử thực lực của mình, người đàn bà ấy lại tưởng chàng mỉa mai, bất đồ đỏ ửng mặt, thầm nhủ:
"Được, lát nữa ngươi sẽ biết tay bọn ta!" Rồi nghiến răng đâm soạt tới một kiếm.
Hai người liên thủ quả nhiên thực lực đã tăng lên rất nhiều. Cây trường kiếm của người đàn bà vạch thành một hình vòng cung tựa công tựa thủ, phiêu hốt bất định.
Kim Trục Lưu chặn ngang kiếm, vẫn sử dụng kiếm chiêu lấy tịnh chế động. Còn cây trường kiếm của người đàn ông hất ngược lên đánh tới. Hai kiếm chạm nhau kêu keng một tiếng, cây trường kiếm của người đàn ông đã bị bảo kiếm đánh bạt ra, còn kiếm của người đàn bà lại tấn công từ chỗ trống, lập tức phá được Đại tu đi kiếm thức. May mà Kim Trục Lưu dùng Thiên la bộ pháp né tránh đòn sát thủ của người đàn bà. Dù thế, tà áo cũng bị mũi kiếm vạch rách.
Người đàn bà vừa chạm một đòn với huyền thiết bảo kiếm, tuy không hề hấn gì nhưng ngực như bị đè nặng, cũng không khỏi cả kinh. Rồi mụ ta lập tức tấn công bằng những chiêu kiếm nhanh nhạy, cả hai vợ chồng triển khai thế công như mưa bão, khiến Kim Trục Lưu không thở nổi.
Kim Trục Lưu nổi giận, thầm nhủ:
"Được, ta liều mạng không tin không đánh lùi được bọn ngươi". Kiếm chiêu liền thay đổi, cũng tung ra những đòn tấn công.
Hai vợ chồng đều giật mình:
"Kiếm pháp của Trung Nguyên quả nhiên chẳng kém bổn phái!" Hai vợ chồng nháy mắt rồi kiếm pháp cũng thay đổi. Chỉ thấy người vợ múa tít thanh kiếm, tựa như đang luyện tập chiêu thức, không áp sát tấn công Kim Trục Lưu nữa mà lách qua một bên, từng vòng kiếm tuôn ra trùng trùng điệp điệp như sóng lớn cuộn tới vây lấy Kim Trục Lưu. Tuy hai người cách một trượng nhưng Kim Trục Lưu chỉ cần không cẩn thận thì sẽ bị trúng kiếm liền.
Nếu đánh tay đôi, kiếm pháp của người đàn bà này tuy quái dị nhưng Kim Trục Lưu cũng có cách phá giải. Có điều chàng phải chống lại cả hai người nên cũng hơi lúng túng.
Người đàn bà vạch ra từng vòng kiếm bọc lấy người Kim Trục Lưu, còn người đàn ông múa kiếm như gió dồn tới! Mỗi chiêu kiếm đều đâm thẳng tới, ngược lại với những chiêu kiếm đánh tròn của người vợ, nhưng lại phối hợp rất kín kẽ khiến Kim Trục Lưu đánh cũng không được mà thủ cũng không xong. Chiêu thức của hai người xem ra rất đơn giản nhưng trong trong đó chứa nhiều biến hóa phức tạp.
Kim Trục Lưu toàn thần ứng phó, chú ý quan sát họ biến hóa kiếm pháp, có chiêu giống Mâu Tông Đào, có những chiêu chàng chưa thấy nhưng có thể đoán được kiếm ý, dù vậy nhưng vì đối phương phối hợp quá kín kẽ, Kim Trục Lưu không biết được chiêu sau cũng chẳng thể nào hóa giải được. Nhưng cũng may là Kim Trục Lưu rất thông minh, nắm được kiếm ý của họ, nếu không chỉ e càng khó ứng phó hơn.
Kim Trục Lưu hít một hơi, thầm nhủ:
"Cứ đánh mãi thế này mình chắc chắn sẽ thua, muốn liều cũng không được nữa!" Nếu ở chỗ đất bằng, Kim Trục Lưu có thể thi triển khinh công, nhưng ở nơi này lui ra phía sau là vực sâu trăm trượng, hai người này làm sao có thể dễ dàng để cho chàng đi qua cây cầu. Nếu không thể lui được thì chỉ còn cách cắn răng chịu trận.
Tần Nguyên Hạo, Phong Diệu Thường và Sử Hồng Anh đứng phía bên kia cầu càng lo hơn Kim Trục Lưu. Hai người Tần, Phong thấy bản lĩnh còn kém xa, muốn giúp cũng không được, Phong Diệu Thường nói:
"E rằng Kim đại ca không ổn, bọn chúng ỷ đông hiếp ít, chúng ta cùng xông lên?" Tần Nguyên Hạo nhíu mày, im lặng không nói. Chàng không sợ cường địch nhưng chỉ sợ mình nhúng tay vào thì Kim Trục Lưu càng vướng víu tay chân.
Sử Hồng Anh nói:
"Cứ để tôi qua, nếu vẫn không được thì các người cứ đến".
Phong Diệu Thường gạt:
"Không, chúng ta cùng qua. Nguyên Hạo, huynh hãy chạy về báo tin cho Kim đại hiệp". Phong Diệu Thường cũng biết mình kém cỏi nhưng nàng không muốn để một mình Sử Hồng Anh mạo hiểm, đành nghĩ ra một cách giữ mạng Tần Nguyên Hạo. Tần Nguyên Hạo cảm động lắm, Sử Hồng Anh cũng rất cảm kích cho tấm lòng của nàng.
Tần Nguyên Hạo nghiến răng:
"Không, muội hãy trở về báo tin cho Kim đại hiệp, huynh và Hồng Anh tỷ tỷ sẽ ở lại". Nói chưa dứt lời, chợt nghe có người cười lạnh:
"Các người chưa lo nổi thân mình, còn cãi nhau cái gì? Nếu các người muốn chết, chi bằng cứ để ta giúp!".
Lời chưa dứt người ấy đã chụp xuống Phong Diệu Thường.
May mà Sử Hồng Anh rút kiếm ra nhanh, khi người ấy chụp xuống Sử Hồng Anh đã đâm soạt một kiếm về phía y. Lúc này Phong Diệu Thường mới né tránh được, nhìn kỹ lại thì té ra kẻ ấy chính là Âu Dương Kiên.
Thì ra Âu Dương Kiên cũng ở gần đây, đôi vợ chồng giao thủ với Kim Trục Lưu là khách trong nhà y.
Từ sau khi thất bại ở núi Tồ Lai, y không dám trở về kinh mà nấp trong nhà luyện thêm võ công. Phù Tang thất tử bại trong tay Kim Thế Di nên cũng phân tán khắp nơi. Đôi vợ chồng này tìm đến Hoa Sơn, họ biết Âu Dương Kiên là trợ thủ đắc lực của Tát Phúc Đỉnh, nên đến đây tìm y.
Bản bốn người Kim Trục Lưu hôm nay cũng đến Hoa Sơn. Đôi vợ chồng này nghe Âu Dương Kiên nói thân phận của Kim Trục Lưu, vốn là có ý muốn tìm Kim Trục Lưu tỉ thí, Âu Dương Kiên chưa biết bản lĩnh của hai vợ chồng này, sợ rằng bọn chúng không địch lại Kim Trực Lưu nên đã nghĩ ra một kế dụ địch. Thế là trong đêm khuya chúng phải ra tiếng hú dụ Kim Trục Lưu chạy đến nơi này mới ám toán. Âu Dương Kiên đã nấp, không để Kim Trục Lưu thấy.
Âu Dương Kiên thấy đôi vợ chồng nhà này chiếm được thượng phong cả mừng vì thế bước ra đi vòng qua cây cầu đá tấn công Sử Hồng Anh và vợ chồng Tần Nguyên Hạo.
May mà Sử Hồng Anh phát giác kịp thời rút kiếm ra nhanh mới cứu được Phong Diệu Thường. Phong Diệu Thường nhận ra Âu Dương Kiên mắng liền:
"Tên tặc tử này hại cha ta còn chưa đủ, nay lại đến hại ta!".
Âu Dương Kiên cười đáp:
"Ngươi phải nói ngược lại mới đúng, cha ngươi đã làm liên lụy đến ta mà ngươi còn trách ta?".
Phong Diệu Thường mắng rằng:
"Vớ vẩn!" Rồi đâm soạt tới một kiếm, Âu Dương Kiên cười lớn:
"Ả nha đầu nhà ngươi cũng xứng động thủ với ta ư?" Rồi vung tay ra búng mạnh một cái, cây kiếm bật ra, Tấn Nguyên Hạo, Sử Hồng Anh vung hai kiếm chặn đường của y.
Âu Dương Kiên muốn bắt Phong Diệu Thường để lấy công chuộc tội, nay Sử Hồng Anh đã ra tay cùng với Tần Nguyên Hạo, nếu y khinh địch chỉ e sẽ bại trong tay nàng.
Sử Hồng Anh đánh ra một loạt sát chiêu khiến Âu Dương Kiên phải thối lùi.
Nhưng sau khi thối lùi vài bước Âu Dương Kiên vận huyền công rồi cười lạnh quát:
"Các ngươi chạy đi đâu!".
Âu Dương Kiên vỗ ra một chưởng, luồng gió nóng toát ra vù vù, đó chính là Lôi thần chưởng, nhưng khi dùng rất hao phí chân lực cho nên chưa đến lúc quan trọng y không dễ dàng dùng.
Nhưng chỉ trong chốc lát, bọn Sử Hồng Anh đều đã toát mồ hôi đầm đìa, đầu óc choáng váng. Sử Hồng Anh có công lực tương đối cao còn đỡ hơn, Phong Diệu Thường công lực kém nhất đã cảm thấy ngộp thở. Sử Hồng Anh nói:
"Thường tỷ, hãy nghỉ một lát". Liền rút ngọn roi dài ra, tay trái cầm roi tay phải dùng kiếm phóng vọt người lên chặn đòn tấn công của Âu Dương Kiên.
Âu Dương Kiên tưởng rằng đã bớt đi một đối thủ sẽ thắng dễ dàng hơn, nào ngờ Sử Hồng Anh giỏi cả kiếm lẫn roi, vả lại thuật đánh roi còn giỏi hơn thuật đánh kiếm.
Âu Dương Kiên chỉ hơi sơ ý mu bàn tay đã trúng một roi, cả giận phóng người đánh tới, Sử Hồng Anh vung cây đoản kiếm múa ra ba đóa kiếm hoa, bên trên đâm vào yết hầu, bên dưới đâm vào đan điền, ở giữa đâm vào huyệt toàn cơ trước ngực.
Âu Dương Kiên thấy nàng liều mạng không khỏi thất kinh, không dám áp sát tới, chỉ đành thối lui ra sau.
Lúc này Tần Nguyên Hạo đã xông lên từ mặt bên, bản lĩnh của chàng tuy hơi kém nhưng Liên hoàn đoạt mệnh kiếm của phái Võ Đang là loại kiếm pháp hiểm hóc nhất trong thiên hạ, lúc này chàng liều mạng tiến tới, y đương nhiên cũng lo ngại, chỉ đành liên tục đánh ra công phu Lôi thần chưởng, đẩy lùi Tần Nguyên Hạo. Tần Nguyên Hạo nóng bỏng toàn thân nhưng chàng vẫn nghiến răng chịu đựng.
Sử Hồng Anh dùng cây roi dài đánh địch, cây đoản kiếm thì phòng thân, Tần Nguyên Hạo đánh tới từ mặt bên, cả hai người liên thủ cự địch còn tốt hơn khi cả ba người cùng tiến lên. Đó là bởi vì Tần Nguyên Hạo không cần lo lắng cho Phong Diệu Thường.Âu Dương Kiên đấu được mấy mươi chiêu mà không thể thắng, bất đồ thầm kêu khổ:
"Dù mình có thắng cũng phải mất đến ba năm công lực".
Té ra Âu Dương Kiên ác chiến với Trong Trường Thống ở núi Tồ Lai, bị trọng Trường Thống dùng Hỗn nguyên nhất khí công đánh chấn thương, cần phải khổ luyện ba năm nữa mới hồi phục công lực. Cũng chính vì thế mà uy lực của Lôi thần chưởng không còn như cũ, nên hai người Tần, Sử, mới có thể cầm cự được đến mức này.
Nhưng hai người Tần, Sử lại càng lo hơn. Kiếm pháp và tiên pháp của họ tuy tinh diệu nhưng dưới làn gió nóng rất mất sức, cả hai cố gắng cầm cự nhưng cũng đã sắp sức cùng lúc kiệt.
Phía bên kia Kim Trục Lưu càng nguy hiểm hơn Sử Hồng Anh.
Đôi vợ chồng này càng đánh càng gấp nhưng cũng chẳng làm gì được Kim Trục Lưu.
Có điều cuộc chiến của Sử Hồng Anh khiến cho chàng phân tâm! Chính vì thế mà chàng dần dần đuối sức. Người chồng đã thấy cây huyền thiết bảo kiếm là báu vật, cười ha hả:
"Hảo tiểu tử phải nhận thua đi! Ngươi dập đầu trước ta ba cái bỏ bảo kiếm xuống, ta sẽ cho ngươi xuống núi".
Kim Trục Lưu quát:
"Vớ vẩn!" Rồi múa cây kiếm đánh ra một chiêu Lực phách hoa sơn. Hán tử thất kinh, nhủ thầm:
"Mình tưởng y đã đuối sức, thế mà vẫn có thể sử dụng chiêu cương mãnh như thế này!" Y cũng không dám quá cuồng ngạo, liền dùng một chiêu kiếm pháp nhẹ nhàng hóa giải chiêu này, nhưng cũng không khỏi thối lui một bước.
Té ra Kim Trục Lưu đã dồn hết chân lực ra để đánh chiêu này. Hai vợ chồng liên tiếp hóa giải chiêu số tấn công của Kim Trục Lưu, biết chàng đã đuối sức.
Kim Trục Lưu đang định thi triển đòn sát thủ Lưỡng bại câu thương, nhưng ngay lúc này, chợt nghe có người kêu ồ lên một tiếng, tựa như giọng của một phụ nữ. Đôi vợ chồng ấy cũng nghe nên càng lộ vẻ ngạc nhiên.
Kim Trục Lưu ngẩng đầu lên nhìn, thấy có một thiếu nữ bước ra từ trong rừng, mái tóc đen huyền, đôi mắt rạng ngời, trông khoảng hai mươi tuổi.
Thiếu nữ này nửa đêm xuất hiện trên đỉnh Hoa Sơn, chắc không phải là con nhà bình thường. Kim Trục Lưu vừa ngẩng đầu lên thấy bóng dáng nàng, chỉ trong chớp mắt nàng đã đến trước mặt mình, Kim Trục Lưu thất kinh thầm nhủ:
"Khinh công của nàng ta chẳng kém gì mình. Thân pháp này không giống với các môn phái ở Trung Nguyên, quá nửa là cùng một bọn với Phù Tang thất tử". Nhưng Kim Trục Lưu đã gạt được sự sống chết sang một bên, chàng cũng không sợ có thêm một kẻ địch nữa.
Thiếu nữ ấy kêu ồ lên một tiếng, đột nhiên nhặt mấy hòn đá ném về phía họ.
Kim Trục Lưu múa tít thanh kiếm, một hòn đá táng vào vỏ kiếm của chàng, chỉ nghe keng một tiếng, hòn đá nát thành bột!
Nhưng thiếu nữ này không chỉ ném đá đánh Kim Trục Lưu, đồng thời còn có hai viên đá bay về phía cặp vợ chồng nọ. Cặp vợ chồng nọ chỉ dùng cây kiếm bình thường, chỉ nghe hai tiếng leng keng vang lên, hòn đá bật ra mà không vỡ nát.
Cả ba người đều cảm thấy hơi tê, tuy không hề hấn gì nhưng cũng cả kinh.
Kim Trục Lưu vốn tưởng nàng ta cùng một giuộc với bọn Phù Tang thất tử, nhưng thấy nàng làm thế lại cũng không biết nàng là địch hay bạn!
Đôi vợ chồng ấy thất kinh, đồng thanh quát:
"Người là ai? Nha đầu miệng còn hôi sữa mà cũng dám lo chuyện bao đồng?".
Thiếu nữ ấy cười khanh khách, không đáp lời họ mà hỏi Kim Trục Lưu:
"Có phải huyền thiết bảo kiếm đấy không, vậy chắc người là Kim Trục Lưu?" Kim Trục Lưu thấy nàng không có ý xấu, trả lời rằng:
"Không dám, tôi là Kim Trục Lưu, cô nương có gì dạy bảo?".
Thiếu nữ ấy quay đầu sang nói với hai vợ chồng:
"Ngươi không quen biết ta, nhưng ta lại biết các ngươi. Các ngươi có phải là người của phái Phù Tang không?".
Người vợ trả lời:
"Phải thì thế nào?".
Thiếu nữ đáp:
"Ta nghe nói trong Phù Tang thất tử có một đôi vợ chồng, người chồng là Thạch Vệ, người vợ tên gọi Tang Thanh, chắc là hai người phải không?".
Thạch Vệ ngần ngừ rồi đáp:
"Ngươi còn trẻ tuổi như thế sao biết lai lịch của bọn ta?".
Tang Thanh quát rằng:
"Ngươi theo dõi bọn ta là có ý gì? Nói mau!".
Thiếu nữ đáp:
"Mâu Tông Đào có phải đi cùng với các ngươi không?".
Tang Thanh hỏi:
"Mâu Tông Đào là ai?".
Thạch Vệ cả kinh nói:
"Người đó có phải là hậu nhân của nhà họ Mâu ở đảo Phù Tang không?" Thiếu nữ nói:
"Đúng thế". Thạch Vệ hơi bất ngờ, nói:
"Nhà họ Mâu cũng có người đến Trung Nguyên ư?".
Thiếu nữ nói:
"Té ra các người không đi cùng nhau, vậy là ta đã yên tâm. Thật ra ta đã biết, chàng không thể đi cùng với các ngươi".
Tang Thanh hỏi:
"Ngươi muốn gì?".
Thiếu nữ nói:
"Đảo Phù Tang tuy ở ngoài biển nhưng thủy tổ của phái Phù Tang Loạn Nhiêm Khách là hiệp sĩ ở miền Trung Nguyên, đệ tử của phái Phù Tang phải nên học theo tổ sư, sao có thể là kẻ địch của người hiệp nghĩa Trung Nguyên?".
Người đàn bà hừ một tiếng lạnh lùng:
"Ngươi muốn dạy bảo cho chúng ta đấy ư?".
Thiếu nữ nói:
"Không dám, tôi chỉ nghĩ như thế này, nếu Mâu Tông Đào đến Trung Nguyên, chàng lẽ ra phải nhớ lời dạy của tổ tiên, không thể đối địch với cha con Kim đại hiệp".
Kim Trục Lưu cả mừng nói:
"Cô nương, cô đoán không sai chút nào".
Tang Thanh nổi giận gằn giọng:
"Ta mặc kệ tên họ Mâu là ai, nhưng ngươi bảo bọn ta không đúng, ngươi dựa vào cái gì mà dạy đời bọn ta?".
Thiếu nữ ấy nói:
"Hành động của các người nếu không trái với lời dạy của tổ sư, cần gì phải sợ người khác?".
Người đàn bà gọn giọng:
"Ngươi mở miệng là tổ sư, ngậm miệng cũng tổ sư, ngươi có phải là đệ tử của phái Phù Tang không? Dù cho ngươi là đệ tử của bổn môn, cũng không xứng đem lời dạy của tổ sư ra áp chế bọn ta. Ngươi hãy lộ bản lĩnh cho ta xem thử, nếu có thể thắng được ta thì lúc đó có muốn dạy bọn ta cũng không muộn".
Thiếu nữ hờ hững nói:
"Cũng được, ta sẽ lãnh giáo kiếm pháp bổn môn của các người". Nàng nói bốn chữ "kiếm pháp bổn môn" đã đủ chứng minh nàng là đệ tử của phái Phù Tang.
Thật ra người đàn bà này cũng đoán được nhưng cũng chỉ muốn thử nàng mà thôi. Thiếu nữ ấy tiện tay bẻ một cành cây rồi nói:
"Tang sư tỷ, ra chiêu đi!" Người đàn bà hỏi:"Người dùng cành cây này tỉ thí với ta?".
Thiếu nữ nói:
"Nói tỉ thí thì hơi quá, tiểu muội chỉ muốn ấn chứng với Tang sư tỷ mà thôi!" Người đàn bà cười lạnh:
"Nếu quả nhiên ngươi sử dụng kiếm pháp của bổn môn, địch nổi mười chiêu của ta lúc đó kêu ta sư tỷ cũng không muộn!".
Thiếu nữ lắc đầu, nghĩ thầm:
"Ta cũng chẳng mong có đồng môn như ngươi?".
Rồi bảo:
"Được, nhưng cũng chưa chắc đến mười chiêu". Nói xong giở cành cây vạch nhẹ, quả nhiên đó là Khởi thủ thức của phái Phù Tang.
Tang Thanh cười lạnh:
"Không cần nhiều lễ!" Rồi đâm soạt tới một kiếm, thiếu nữ phất nhẹ cành cây, thanh kiếm của Tang Thanh rõ ràng đã chạm vào cành cây, nhưng không biết thế nào mà chẳng chặt gãy được, trái lại bị cành cây dẫn sang một bên. Kim Trục Lưu thầm nhủ:
"Phù Tang kiếm pháp của thiếu nữ này hình như còn cao minh hơn cả Tông Đào?".
Tang Thanh cũng không khỏi kinh hoảng, nên không dám khinh địch, múa tít cây thanh cương kiếm đến nỗi gió mưa không lọt. Còn Kim Trục Lưu động một bên đếm:
"Chiêu thứ nhất, chiêu thứ hai ... chiêu thứ năm, chiêu thứ sáu ... ha ha chiêu thứ tám?".
Trước khi giao thủ Tang Thanh bảo trong vòng mười chiêu sẽ đánh bại nàng thiếu nữ, Kim Trục Lưu sợ mụ ta tráo trở cho nên mới đếm chiêu số giùm nàng thiếu nữ.
Vừa nói đến chiêu thứ tám, đột nhiên thiếu nữ lộn người cành cây đột nhiên chọc vào vòng kiếm của Tang Thanh, chỉ nghe vèo một tiếng, cây trường kiếm đã rời khỏi tay.
Té ra nàng đã dùng cành cây điểm vào mạch môn của Tang Thanh.
Thiếu nữ cười khảy nói:
"Kiếm pháp của bổn môn mà tỷ vẫn chưa nắm vững, tôi khuyên tỷ đừng nên bắt nạt người khác!".
Khi nàng xuất chiêu tà áo bay bay, ở gấu áo xuất hiện một con phí ngư thêu bằng chỉ đỏ, Thạch Vệ đã nhìn thấy.
Y cả kinh lạc giọng kêu lên:
"Cô nương, Lâm đảo chủ của Phi Ngư đảo là người thế nào với cô nương?".
Thiếu nữ đáp:
"Chính là gia phụ. Người đã không còn là đảo chủ của đảo Phi Ngư. Ông có gặp người ư?".
Thạch Vệ nói:
"Tét ra là thiên kim của Lâm Sư bá, xin thứ chúng tôi đã vô lễ".
Tang Thanh buồn bã nhặt kiếm nói:
"Đi thôi, chả lẽ huynh muốn đến gặp Lâm sư bá ư".
Thiếu nữ nói:
"Kim thiếu hiệp, Kim thiếu hiện có biết tin gì về Mâu Tông Đào không?".
Kim Trục Lưu đáp:
"Biết, nhưng cô nương hây đợi một lát".
Kim Trục Lưu đang định đến giúp Sử Hồng Anh, chợt thay Âu Dương Kiên xoay người bỏ chạy, Kim Trục Lưu chưa quay trở lại đầu cầu thì y đã chạy xuống núi mất dạng. Té ra Âu Dương Kiên đã hao tổn công lực, thấy vợ chồng Thạch Vệ đã thua cho nên y không dám ham đánh nữa.
Lúc này nàng thiếu nữ mới có cơ hội nói chuyện với bọn Kim Trục Lưu. Kim Trục Lưu hỏi:
"Chẳng hay tại sao cô nương đến nơi này, làm sao biết lai lịch của tôi?".
Thiếu nữ đáp:
"Chuyện Phù Tang thất tử làm khó lệnh tôn, cha tôi đã biết.
Nhưng chúng tôi vẫn không biết Mâu Tông Đào có đi cùng bọn Phù Tang thất tử hay không cho nên tôi đến đây tìm y. Sở dĩ tôi có thể đến đây được là nhờ một người bằng hữu của cha tôi chỉ đường".
Kim Trục Lưu cười hỏi:
"Vậy cô nương có thể cho chúng tôi biết họ tên lai lịch hay không?".
Thiếu nữ đáp:
"Tôi họ Lâm, tên là Vô Song, chúng tôi đến đảo Phù Tang sinh sống đã mấy đời, Mâu Tông Đào là biểu huynh của tôi".
Sử Hồng Anh nói:
"Té ra là thế, các người đến Trung Nguyên từ lúc nào, có nhận được tin của Mâu Tông Đào không?".
Lâm Vô Song nói:
"Chúng tôi về đây đã gần mười năm". Rồi nàng nói tiếp:
"Lúc còn bé, chúng tôi sống chung với nhà họ Mâu, mẹ tôi là cô mẫu của Mâu Tông Đào. Người đã dạy tôi và y kiếm pháp. Nhưng y lớn hơn tôi mười tuổi, khi chúng tôi trở về Trung Nguyên tôi chỉ mới mười hai tuổi, nên nếu gặp lại tôi, e rằng y không nhận ra".
Kim Trục Lưu nói:
"Các người trở về Trung Nguyên, Mâu Tông Đào có biết không?".
Lâm Vô Song đáp:
"Ban đầu chúng tôi và nhà họ Mâu ở cùng một nơi, sau đó gia phụ không quen sống với người Nụy, cho nên cùng một số ngư dân vượt biển đến một hoang đảo, khai hoang trồng trọt. Cuộc sống rất tự do. Cha tôi gọi đấy là đảo Phi Ngư. Đáng tiếc những ngày tháng ấy không kéo dài được bao lâu".
Kim Trục Lưu hỏi:
"Tại sao?".
"Chính vì trước đây đảo Phi Ngư hoang vắng chẳng ai để ý, đến khi khai phá xong thì lại có người thèm muốn".
"Có phải là hải tặc không?".
"Không phải, nhưng còn ghê gớm hơn hải tặc. Người Nụy đã chiếm lĩnh đảo Phi Ngư".
Lâm Vô Song thở dài, tiếp tục nói:
"Do đó chúng tôi đành trở về Trung Nguyên, tính ra cũng đã mười năm. Mười năm nay chúng tôi ẩn cư ở một làng chài nhỏ, không ai biết lai lịch của chúng tôi, ngoại trừ một bằng hữu của gia phụ".
Kim Trục Lưu nói:
"Người đó là ...".
Lâm Vô Song trả lời:
"Sau khi gia phụ trở về Trung Nguyên đã kết giao người bằng hữu này. Ông ta tên gọi Uất Trì Đồng".
Kim Trục Lưu nói:
"Ồ té ra là Uất Trì Đồng?".
Lâm Vô Song gật đầu:
"Đúng thế, Uất Trì Đồng tuy không biết Mâu Tông Đào nhưng ông ta đã từng đánh với Phù Tang thất tử. Chính ông ta đã cho gia phụ biết tin tức của bảy người này".
Kim Trục Lưu mừng rỡ:
"Uất Trì Đồng là bằng hữu của sư huynh tôi, tôi đang rất nhớ ông ta. Ông ta thế nào rồi?".