• 397

Chương 93: Thảm cảnh


Số từ: 2452
Dịch giả: Xuân Dương
NXB Hội Nhà Văn
Nguồn: Sưu tầm
Thuyền trưởng Lucas lao về phía dây néo và khi trèo cao hơn hai chục bộ, quả nhiên ông nhìn thấy boong tàu Victory vắng ngắt.
Ngay lúc đó ông cho gọi bộ phận tấn công áp mạn. Chưa đầy một phút sau, các khoang trên tàu Redoutable đã đầy những chiến sĩ trang bị vũ khí vội vã tràn lên khoang thượng đuôi tàu, bờ thành tàu và trên các dây neo.
Các tay pháo thủ trên tàu Victory bỏ pháo của mình để xông ra chặn đợt tấn công mới. Bị dồn dưới cơn mưa đạn và lửa từ súng trường, họ nhanh chóng lùi lại hỗn độn trong giàn pháo đầu tiên.
Vận tốc của tàu Victory đã bảo vệ nó và các thủy thủ tàu Redoutable gắng sức vẫn không leo lên thành của nó. Thuyền trưởng Lucas ra lệnh cắt các dây treo sào căng buồm và dùng sào bắc giữa hai tàu làm cầu leo sang.
Mặt khác, chuẩn uý Yon và bốn thủy thủ nữa, nhờ mỏ neo treo trong giá đỡ dây néo, đã lên được boong tàu Anh. Cánh quân tấn công áp mạn nhìn thấy con đường ấy, thuyền phó tàu Redoutable, đại uý Dupotet, vội dẫn đầu họ đi theo.
Một người dùng dây chão đu từ cột buồm lái tàu Victory rồi xả vào giữa họ như một tảng thiên thạch. Tàu Victory sắp bị thua vào tay một tàu kém nó 26 khẩu đại bác thì một chặp đạn đại bác và đạn tầm trung dội lên boong tàu Redoutable.
Đó là tàu Téméraire, sau khi vượt qua chiến tuyến đã đến xông vào cột buồm mũi tàu Redoutable để trợ chiến cho Victory.
Hai trăm người đã bị ngã nhào chỉ vì lượt đạn duy nhất ấy.
Tàu Téméraire chạy ngang qua tàu Pháp và lại nổ loạt súng thứ hai. Lần này lá cờ bị gãy gục, nhưng một thanh niên hầu như còn lạ với thủy thủ đoàn của thuyền trưởng Lucas, đã chạy về hòm đựng cờ, lấy một lá cờ ba màu khác cắm trên cột buồm mũi.
Nhưng như thể hai tàu chiến ba boong đánh một tàu hai boong là chưa đủ, một tàu Anh mới lại xông đến như muốn nghiền nát Redoutable.
Tàu Neptune của Anh quay mũi và nã pháo vào tàu Le Redoutable hòng hạ cột buồm mũi và cột buồm lái. Lại một lần nữa, lá cờ bị tung lên sau loạt sắt ấy song cột buồm lớn vẫn còn nguyên. Vẫn con người vừa cắm cờ lên một buồm mũi lại lao lên cột buồm lớn và cắm lá cờ nữa lên xà buồm. Sau đó anh đáp trả tàu Téméraire một loạt đạn khiến nó gãy cột buồm buộc năm mươi tên phải đền mạng.
Một loạt đạn mới từ tàu trúng vào vỏ tàu Redoutable làm bánh lái bị tê liệt, đâm thủng đường mớm nước khiến nước ùa vào khoang.
Toàn bộ bộ tham mưu bị thương, mười chuẩn uý trên mười một bị chết. Với 643 người trong thủy thủ đoàn thì 522 người không còn khả năng chiến đấu trong đó 300 người chết và 222 người bị thương. Cuối cùng, một quả đại bác hạ nốt cột buồm lớn cùng lá cờ thứ ba của tàu Redoutable.
Chàng trai ban nãy đi tìm một chỗ định cắm cờ tiếp nhưng con tàu đã trơ trọi như tàu trại lính, Lucas ngăn anh lại bình thản nói:
- Vô ích, René, chúng ta đang chìm rồi.
Tàu Bucenlaure cũng đang ở tình trạng không kém phần tệ hại. Nó đã đưa cột buồm mũi của mình vào tầm của tàu Santissima Trinidad và gắng sức một cách vô ích để dứt khỏi nó.
Hai con tàu này gồm 210 khẩu đại bác và gần 2000 chiến binh đang đè bẹp nhau bằng tiếng nổ kinh thiên từ hai tầng pháo bên mạn tàu.
Đô đốc Villeneuve đứng trên khoang thượng nhận ra tình huống vô vọng mà không tên ra giải pháp gì. Ông ta thấy các sĩ quan của mình lần lượt ngã xuống quanh mình. Đứng chôn chân một chỗ, ông ta buộc phải chịu hoả lực lấn lướt đằng sau và bên phải mà không sử dụng được giàn pháo bên trái của mình.
Sau một tiếng giao tranh, ông ta thấy thuyền trưởng cờ hiệu Magendi bị thương. Đại uý Dandignon lên thế chỗ cũng đến lượt mình ngã xuống và lại được đại uý Fournir chạy lại thay.
Cột buồm lớn và cột buồm lái lần lượt gãy gục gây ra cảnh hỗn độn kinh hoàng trên boong. Họ cắm cờ lên cột buồm mũi. Bị chìm trong lớp khói mù mịt mà trời lại ít gió khiến khói càng đặc quánh lại bao trùm lên các tàu chiến hạng nặng này, đô đốc không nhìn thấy được chuyện gì xảy ra ở phần còn lại của chiến hạm. Qua một ánh chớp, ông ta nhận ra tốp tàu chiến đi đầu - tất cả có mười hai chiếc vẫn bất động - ông ta ra lệnh cho họ, qua các tín hiệu từ cột buồm duy nhất còn lại, ngắm vào các tàu địch và khai hoả.
Khói càng dày đặc ông càng không nhìn thấy gì. Vào lúc ba giờ, cột buồm cuối cùng của ông ta cũng đổ nốt xuống boong và khiến nơi đây đầy những mảnh vỡ ngổn ngang.
Thế là ông ta cố thả một trong những chiếc ca nô của mình.
Những ca nô trên boong đã bị cột buồm đổ vào làm vỡ tan, những chiếc bên mạn bị đạn, pháo xuyên thủng, hai hay ba chiếc vừa xuống nước đã chìm nghỉm.
Trong suốt trận đấu, đô đốc Villeneuve đều xuất hiện ở những vị trí nguy hiểm nhất, không mong gì hơn ở số mệnh ngoài việc nó ban cho ông một quả đạn pháo hay một viên đạn.
Nhưng số mệnh muốn dành cho ông ta một hành động tuẫn tiết.
Tàu của đô đốc Tây Ban Nha bị bảy tàu nước mình bỏ rơi đã đầu hàng sau bốn tiếng giao tranh và phần còn lại trong chiến hạm Tây Ban Nha tuỳ nghi để gió đưa đi về phía bờ biển Cadix.
Còn thủy thủ đoàn trên tàu Victory thì reo hò sung sướng mỗi khi một tàu Pháp mất cờ và mỗi lần ồn ào ấy Nelson lại quên cả vết thương của mình.
- Có chuyện gì thế?
Thế là người ta nói lý do của những tiếng hò hét cho ông ta nghe và kẻ thương binh biểu hiện sự mãn nguyện tột độ. Ông ta thấy khát khủng khiếp nên thường xuyên đòi uống và cầu xin mọi người quạt cho ông ta bằng chiếc quạt giấy.
Có lẽ Nelson rất yêu quý thuyền trưởng Hardy cho nên không lúc nào không lo cho mạng sống của viên sĩ quan này.
Mục sư và bác sĩ ra sức trấn an ông ta về điều ấy. Người ta chuyển từng yêu cầu được gặp Hardy của Nelson và mỗi lần không thấy Hardy đến, Nelson sốt ruột gào lên:
- Ngài không muốn cho gọi Hardy đến, tôi chắc là ông ấy chết rồi.
Cuối cùng, một tiếng mười phút sau khi Nelson bị thương, thuyền trưởng Hardy cũng xuống khoang boong. Vừa nhận ra ông ta, Nelson đã kêu lên sung sướng, siết thật chặt tay người này mà nói:
- Thế nào Hardy, chiến trận thế nào rồi? Ngày hôm nay ra sao với chúng ta?
- Tốt, rất tốt thưa ngài - Viên thuyền trưởng trả lời - Chúng ta đã chiếm được 12 tàu.
- Tôi hy vọng không tàu nào của chúng ta hạ cờ chứ?
- Không thưa ngài, không một tàu nào cả.
Thế là yên tâm về mặt đó, Nelson trở lại với chính mình, buông tiếng thở dài.
- Tôi là người tử trận Hardy ạ và sẽ nhanh chóng đến điểm đó. Tất cả sẽ sớm kết thúc với tôi. Hãy lại gần đây bạn của tôi - Rồi ông ta nói thầm - Tôi cầu xin anh một điều nhé Hardy: sau khi tôi chết, hãy cắt tóc của tôi cho phu nhân yêu dấu của tôi và trao cho cô ấy tất cả những gì thuộc về tôi.
- Tôi vừa nói chuyện với bác sĩ. - Hardy nói - ông ấy rất khả quan sẽ giữ mạng sống cho ngài.
- Không phải đâu Hardy, không phải. - Nelson trả lời - Đừng cố lừa tôi nữa. Tôi bị dập cột sống rồi.
Nhiệm vụ lại gọi Hardy lên boong. Ông ta nhảy lên đó sau khi bắt tay kẻ bị thương.
Nelson hỏi bác sĩ. Ông này đang chăm sóc cho đại uý William Ruvers, người bị mất một cẳng chân. Tuy nhiên bác sĩ vẫn chạy lại chỗ Nelson vì cho rằng những phụ tá của mình cũng đủ để băng bó cho đại uý.
- Tôi chỉ muốn biết tin của những người bạn cũ của tôi. - Nelson nói - Về phần mình, bác sĩ ạ, tôi không cần ông nữa. Tôi chẳng nói mình mất hết cảm giác phần thân dưới và một phần cơ thể đã lạnh như băng rồi là gì.
Bác sĩ nói với Nelson:
- Thưa ngài, hãy để tôi sờ xem.
Quả nhiên ông bác sĩ chạm vào phần thân dưới, nó không có phản ứng gì như đã bị liệt.
- Ồ, Nelson nói - tôi biết mình nói gì mà: Scoll và Burke cũng đã động vào tôi như ông vừa làm và tôi cũng không cảm thấy họ như với ông vậy. Tôi chết đây Beatty, tôi đang chết.
- Thưa ngài, - ông bác sĩ đáp lại - thật bất hạnh thay khi tôi không thể làm gì được cho ngài.
- Tôi biết - Nelson nói - tôi cảm thấy có cái gì đang trào lên trong ngực tôi.
Nói rồi ông ta đặt tay lên chỗ có cảm giác ấy.
- Ơn Chúa - ông ta thì thầm - mình đã hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Ông bác sĩ không thể an ủi gì được nữa cho đô đốc. Ông ta đi lo cho những thương binh khác. Nhưng khi thuyền trưởng Hardy trở lại, trước lúc lên boong lần thứ hai, ông ta đã lệnh cho đại uý Hill đưa tin khủng khiếp ấy cho đô đốc Collingwood biết.
Dù Nelson đang trong bàn tay tử thần, Hardy vẫn chúc mừng ông ta đã có một chiến thắng hoàn toàn và quyết định nhường ấy.
Hardy cũng thông báo mười lăm tàu chiến hạng nặng của Pháp đã bị hạ.
- Tôi đã cá là có hai mươi tàu, - Nelson thì thào rồi đột nhiên nhớ ra hướng gió và những triệu chứng của cơn bão ông ta quan sát được trên biển ông kêu lên: Hãy thả neo, Handy! Hãy thả neo mau!
- Tôi e là đô đốc Collingwood sẽ chỉ huy chiến hạm. - Thuyền trưởng hải kỳ nói.
- Không đâu, chừng nào tôi còn sống. - Kẻ tử thương nói và nhấc cánh tay lên - Hardy, tôi bảo anh hạ neo xuống, tôi muốn như vậy.
- Tôi sẽ ra lệnh thưa ngài.
- Vì mạng sống của ông, hãy làm nhanh lên, trước năm phút nữa - Rồi ông ta hạ giọng và như thể phải đỏ mặt trước một sự yếu đuối sau đó, ông ta nói tiếp - Hardy, đừng ném tôi xuống biển, tôi xin anh.
- Ồ không, chắc chắn là không. Ngài có thể yên tâm về điểm này - Hardy vừa nói vừa khóc nấc lên.
- Hãy chăm sóc cho bà đáng thương. - Nelson nói giọng đã yếu đi - yêu dấu của tôi. Hãy hôn tôi đi, Hardy!
Viên thuyền trưởng vừa khóc vừa hôn lên má Nelson.
- Tôi yên lòng nhắm mắt. - Nelson nói - Nước Anh đã qua cơn hoạn nạn.
Thuyền trưởng Hardy ở lại một lát bên kẻ tử thương mẫu mực trong niềm ngưỡng mộ câm lặng rồi quỳ xuống hôn lên trán ông ta.
- Ai hôn tôi đấy? - Nelson hỏi, mắt đã lờ dở trong vương quốc bóng tối của thần chết.
Thuyền trưởng đáp:
- Là tôi, Hardy.
- Cầu Chúa phù hộ ông, bạn của tôi! - Kẻ sắp chết nói.
Hardy trở lại boong.
Nelson nhận ra vị mục sư ở bên cạnh liền nói:
- Ồ bác sĩ, tôi chưa bao giờ là một tội đồ ngoan cố. - Rồi dừng lại sau một cơn nghỉ ông ta nói tiếp - Bác sĩ, xin hãy nhớ, tôi trao gửi phu nhân , con gái Horalia Nelson cho đất nước và đức vua của tôi. Đừng bao giờ quên Horalia.
Cơn khát dồn đến, ông kêu to:
- Uống… uống… quạt… cho tôi không khí… vuốt cho tôi.
Ông ta vừa dành lời yêu cầu cuối cùng cho vị mục sư, ngài Scott người này an ủi ông bằng cách dùng tay xoa ngực, vừa thốt ra vài lời ngắt quãng chứng tỏ cơn đau đã tăng mạnh đến nỗi phải dốc toàn bộ sức mới nói được lần cuối:
- Ơn Chúa, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ.
Nelson đã nói lời trăng trối cuối cùng.
Ông bác sĩ trở lại, ông mục sư vừa chạy đến báo chỉ huy của ông ta đang sắp tắt thở. Ông Beatty nắm tay kẻ chết: nó lạnh băng. Ông ta bắt mạch: nó không đập nữa. Cuối cùng ông ta sờ lên trán, Nelson mở con mắt duy nhất và lại nhanh chóng khép lại.
Nelson vừa trút hơi thở cuối cùng, khi đó là bốn giờ hai mươi phút. Ông ta đã sống thêm ba giờ ba mươi hai phút sau khi bị thương.
Có lẽ mọi người sẽ ngạc nhiên trước sự chính xác của những chi tiết tôi nói về cái chết của Nelson. Nhưng tôi thiết nghĩ một trong những chiến binh vĩ đại nhất không còn nữa nếu không được đưa đến cửa nấm mồ của mình bởi các nhà lịch sử thì ít ra cũng để một tiểu thuyết gia làm điều ấy. Tôi đã không tìm được cuốn sách nào nhắc đến những chi tiết này nên đã tìm đến biên bản ghi chép về cái chết của ông ta có chữ ký của bác sĩ Beatty trên tàu và mục sư Scott.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Hiệp Sĩ Sainte Hermine.