• 397

Chương 34: Lời khai của kẻ treo cổ


Số từ: 3307
Dịch giả: Xuân Dương
NXB Hội Nhà Văn
Nguồn: Sưu tầm
Trong lúc ngài Tổng giám đốc soạn các yêu cầu cho viên sĩ quan của sở mật vụ thì một cảnh thương tâm xảy ra tại nhà lao Temple nơi mới có thêm vài tù nhân được chuyển đến.
Họ là một gia nhân của Georges có tên là Picot và hai đồng loã bị bắt cùng anh ta tại nhà người buôn rượu vang trên phố Bac cùng ngày mà Thợ Nề thấy Georges đi ra khỏi đây. Người ta tên thấy tấm bản đồ trong phòng của Picot đánh dấu địa chỉ trên phố Saintonge, người ta đến đó và bắt được Roger cùng Demonvine, chỉ thiếu chút nữa Coster de Saint-Victor cũng bị tóm.
Ngay đêm vào Temple, Demonville đã tự treo cổ. Người ta phát hiện ra anh ta vì mới có lệnh cai ngục phải xem xét tù nhân hai lần trong đêm. Thông thường, sau khi tống giam tù nhân vào buổi tối, sớm hôm sau quản ngục mới quay lại.
Có một phạm nhân khác tên là Bouvet de Lozier bị bắt tại nhà bà Saint-Léger nào đó trên phố Saint-Sauveur ngày 12 tháng Hai. Bị dẫn đến nhà lao Temple, người ta bí mật giam hắn vào cạnh phòng sưởi công cộng. Ban đầu hắn bị đối đãi khá tệ bạc và bị hỏi cung gay gắt.
Đó là người đàn ông trạc ba mươi sáu tuổi, là quan triều đình giữ chức thượng tướng trong quân đội của Georges, là một trong số sĩ quan tin cẩn nhất, ông ta lúc nào cũng có mặt trong đanh sách của Savary.
Người này là một trong số sĩ quan năng nổ nhất và đã thuê nhà của bà Saint-Léger. Anh hắn còn thuê một nhà số 6 phố Grande-Rue ở Chaillot nơi Georges đã tới gặp hắn với cái tên Larive.
Khi thấy ngay buổi hỏi cung đầu tiên, hắn đã khai quá nhiều và sợ còn khai nữa ở buổi hỏi tiếp theo nên hắn quyết định tự sát giống như Demonville vừa làm.
Quả nhiên, vào khoảng nửa đêm ngày 14 tháng Hai, hắn lấy một sợi dây cà vạt bằng lụa đen mắc vào goòng cửa cao nhất để treo cổ.
Nhưng đúng lúc hắn không còn biết gì nữa thì Savard, người gác ngục đi kiểm tra. Ông này thấy cửa nặng trịch không mở được vội xô mạnh vào, ông nghe thấy một tiếng rên khẽ, quay lại thì thấy tù nhân treo lủng lẳng trên sợi dây cà vạt. Ông la lên thất thanh, người gác thứ hai tưởng có đụng độ vội chạy vào tay cầm con dao găm.
- Cắt đi Elie, cắt đi - Savard kêu lên và chỉ vào cái cà vạt.
Elie không để lỡ một giây phút nào, cắt ngay khiến Bouvet lăn ra đất bất động. Họ ngỡ hắn đã chết nhưng người quản lý nhà tù ông Fauconnier muốn chắc chắn nên sai người đưa hắn sang phòng lục sự và cho gọi bác sĩ ở Temple, đó là ông Souppé.
Ông bác sĩ thấy phạm nhân còn thở nên tiến hành chích máu, máu chảy ra một lát thì Bouvet de Lozier cũng mở mắt. Sau đó chờ cho hắn tỉnh hẳn, người ta đưa hắn đến chỗ công dân Desmarets, chỉ huy cảnh sát tối cao.
Ở đó hắn gặp ông Réal và hắn không những chịu khai tất cả mà còn tự tay viết văn bản. Bảy giờ sáng ngày hôm sau, đúng lúc sĩ quan mật vụ khởi hành sang Đức thì ông Réal vào gặp ngài Tổng giám đốc. Bonaparte đang được Constant cắt tóc.
- Chào ông Hội đồng, chắc có tin gì mới nên tôi mới được gặp ông sớm như vậy?
- Vâng, thưa tướng quân. Tôi có tin tức tối quan trọng báo chò ngài, nhưng tôi muốn thưa riêng với ngài.
- Ông đừng ngại Constant. Constant không phải là người ngoài.
- Như ngài muốn, thưa tướng quân, chắc ngài cũng biết Pichegru đang ở Paris chứ?
- Tôi biết -Bonaparte trả lời -Fouché đã nói cho tôi nghe.
- Vâng. Nhưng ông ta chưa nói, chắc Fouché chưa biết, là Pichegru và Moreau đã gặp nhau để cùng làm phản.
- Đừng nói gì nữa. - Bonaparte nói.
Rồi ông đưa một ngón tay lên miệng ra hiệu cho Réal im lặng. Ông ra lệnh cho Constant làm nhanh tay rồi dẫn uỷ viên Hội đồng nhà nước vào phòng làm việc của mình.
- Ông nói đúng - Bonaparte nói - nếu những gì ông thông báo với tôi là sự thật thì tin này quả vô cùng quan trọng.
Nói xong, ngài Tổng giám đốc lại làm dấu lên ngực, một cử chỉ mà chúng ta đã thấy đôi lần.
Réal kể lại chuyện xảy ra tại nhà lao Temple.
- Ngài nói là hắn đã tự viết bản lời khai?
- Nó đây - Réal đáp.
Trong cơn vội vã, Bonaparte như giật nó khỏi tay Réal. Thông tin Moreau tham gia vào âm mưu sát hại ông quả là tin động trời. Moreau và Pichegru là hai người duy nhất có thể đặt thế đối trọng với ông trong chiến thuật quân sự. Bị buộc tội chính xác hoặc bị vu oan là kẻ phản bội nước Pháp, Pichegru bị điệu đến Sinnamary sau ngày 18 Fructidor. Mặc dù được cứu thoát nhờ phép màu từ bàn tay của Chúa, con người này cũng không còn đáng sợ đối với Bonaparte nữa.
Nhưng Moreau thì ngược lại, rất nổi tiếng trong trận Hohenlinden bị Bonaparte bạc đãi trong chiến thắng vinh quang và lẫy lừng ấy. Moreau sống một cuộc sống thanh đạm ở Paris nhưng lại có lực lượng ủng hộ rất lớn. Với các cuộc nổi dậy 18 Fructidor và 13 Vendémaire, Bonaparte nhằm vào phái Jacobin, tức là đảng Cộng hoà cựu hữu. Nhưng tất cả đảng Cộng hoà ôn hoà thấy ngài Tổng giám đốc ngày càng thâu tóm quyền hành và bước dần đến nền đế chế nên toàn bộ đảng này tập hợp lại quanh Moreau, dù không về mặt vật chất, nhưng ít ra là về mặt tinh thần.
Ngoài ra còn có ba bốn tướng khác còn trung thành với các nguyên tắc 89 và thậm chí các nguyên tắc 93 cộng với sự bất mãn ra mặt trong quân đội do Augereau và Bemadotte cảm đầu hay bất mãn dấu mặt như Malet, Oudet và phe Philadelphes, Moreau trở thành một đối thủ tầm cỡ đáng quan ngại. Thế là ngay lập tức, Moreau, một nhà Cộng hoà không chê trách vào đâu được như Fabius lại không chờ thời, cúi đầu tham gia vào một âm mưu của triều đình quân chủ với hai bên là Pichegru cựu quân Condé và Georges, quân Bảo hoàng. Bonaparte chỉ còn nước mỉm cười, ngước mắt lên trời mà rằng:
- Rõ ràng tôi bị sao chiếu mệnh!
Sau đó ông quay sang Réal.
- Lời khai này do tự tay hắn viết à?
- Vâng, thưa tướng quân.
- Và ký chứ.
- Ký rõ ràng.
- Xem nào.
Và ông đọc rất nhanh:
"Đó là một con người vừa bước ra khỏi nắp ván từ nấm mồ của mình và vẫn còn mang hình bóng của cái chết, ông ta đã đòi báo thù những kẻ bạc bẽo đã ném ông ta và dáng phái của ông ta vào lỗ huyệt ấy. Được cử về Pháp để khôi phục triều đình Bourbon, ông ta buộc phải hoặc chiến đấu cho Moreau hoặc từ bỏ mục đích duy nhất trong chuyên đi của mình
.
Bonaparte dừng lại hỏi:
- Sao lại thế này, sao lại chiến đấu cho Moreau?
- Xin ngài đọc tiếp sẽ rõ. - Réal đáp.
"Một ông hoàng của nhà Bourbon phải sang Pháp để tham gia với tư cách đứng đầu phe quân chủ. Moreau đã hứa sẽ tập hợp vì lợi ích của nhà Bourbon nhưng khi các đại diện đến Pháp, Moreau lại thay đổi. Ông ấy đề nghị họ chiến đấu cho ông ấy và sẽ đưa ông ấy vào chiếc ghế độc tài. Sự việc là thế còn ngài đánh giá chúng thế nào là tuỳ.
Một tướng quân từng phục vụ dưới trướng Moreau là Laiolais được cử sang London gặp hoàng tử để trình bày những điểm chính trong kế hoạch đề nghị đưa ra. Ông hoàng đã chuẩn bị khởi hành về Pháp nhưng trong cuộc hội đàm giữ Moreau, Pichegru và Georges ở Paris, Moreau đã tỏ rõ thái độ và tuyên bố chỉ có thể hành động vì một ghế độc tài chứ không cho một ông vua nào hết. Thế là có sự chia rẽ và phe quân chủ thất bại hoàn toàn.
Tôi đã gặp Lajolais ngày 25 tháng giêng tại Paris khi anh ta đến đón Georges và Pichegru trong chiếc xe có tôi ở trong ấy trên đại lộ Madeleine để dẫn họ đến gặp Moreau. Cuộc bàn bạc diễn ra ở Champs - Elysées. Moreau đã tuyên bố không thể lập lại ngôi vua, đề nghị đưa ông ấy đứng đầu chính phủ với chức danh độc tài và chỉ để quân quân chủ là liên minh hoặc là quân của ông ta.
Ông hoàng chỉ phải đến Pháp sau khi biết kết quả cuộc họp giữa ba tướng quân đó, và sau cuộc họp toàn thể đã có một thoả thuận hành động giữa họ.
Georges bác bỏ mọi ý định ám sát hay đặt thuốc nổ. Ngay từ London, ông ấy đã tuyên bố chính thức như vậy, ông ấy chỉ muốn một cuộc tấn công giáp lá cà dù quân của ông có phải bỏ mạng. Mục đích cuộc tấn công ấy là để lấy mạng ngài Tổng giám đốc và chiếm luôn cả chính phủ.
Tôi không rõ lời khẳng định của một người mà hơn một tiếng trước muốn tự sát, người thấy phía trước mình là câi chết của chính phủ đối lập dành cho, có sức mạnh như thế nào đối với các vị, nhưng tôi không thể nén được những cơn tuyệt vọng, không thể không trả đũa con người dẫn tôi đến bước đường ấy vả lại, các vị có thể sẽ thấy sự việc đúng với tất cả những gì tôi khai trong một bản án lớn mà phần nào tôi cũng có hệ luỵ.
ROUVET DE LOZIER"
Bonaparte trở nên câm lặng giây lát sau khi đọc xong lời khai.
Rõ ràng, bằng sự tập trung suy nghĩ cao độ, ông đang tấn ra cách giải quyết vấn đề. Sau đó, ông tự nói với mình:
- Người duy nhất có thể khiến ta lo lắng, người duy nhất có cơ hội chống lại ta lại thất bại một cách vụng về đến vậy! Không thể thế được!
- Ngài có muốn tôi cho bắt Moreau ngay tại trận không? - Réal hỏi.
Ngài Tổng giám đốc lắc đầu.
- Moreau là một người vô cùng quan trọng, ông ta đối đầu với tôi quá trực tiếp tôi lại càng tránh để mình lộ liễu, tránh bị phỏng đoán.
- Nhưng nếu Moreau kết hợp với Pichegru âm mưu làm phản? - Réal bác bẻ lại.
- Phải nói với ông rằng, tôi chỉ biết việc Pichegru xuất hiện ở Paris qua Fouché và qua tên treo cổ của ông. Thế mà tất cả báo giới nước Anh đều nói về hắn như thể hắn còn đang ở London. Tôi biết các báo này chống lại tôi và chống lại chính phủ Pháp.
- Trong mọi trường hợp - Réal nói - Tôi đã cho đóng chặt các trạm kiểm soát và theo dõi gắt gao tất cả những ai muốn nhập cảnh.
- Nhất là những người muốn đi - Bonaparte nói.
- Có phải ngày kia ngài có cuộc duyệt binh lớn không thưa ngài Tổng giám đốc?
- Đúng vậy.
- Ngài hãy huỷ nó đi.
- Sao phải thế!
- Vì chúng ta vẫn còn khoảng sáu chục kẻ mưu phản muốn đào tẩu khỏi Paris khi thấy mọi phương cách rời thủ đô đều chặn lại chứng sẽ có những phản ứng liều mạng.
- Chuyện đó liên quan gì đến tôi? Chẳng phải nghĩa vụ của các ông là bảo vệ tôi hay sao?
- Thưa tướng quân, - Réal đáp - chúng tôi chỉ bảo đảm an ninh cho ngài với điều kiện ngài huỷ buổi duyệt binh.
- Thưa ngài uỷ viên Hội đồng, tôi xin nhắc lại với ông - Bonaparte là bắt đầu mất kiên nhẫn nói - rằng chúng ta mỗi người một việc, nhiệm vụ của ông là bảo vệ tôi để chúng không ám sát tôi trong lúc tôi duyệt binh, nhiệm vụ của tôi là duyệt binh trong nguy cơ bị ám sát.
- Thưa tướng quân, như thế thật bất cẩn.
- Ông Réal, ông nói như một uỷ viên Hội đồng Nhà nước, thứ thận trọng nhất ở Pháp, đó chính là lòng dũng cảm đấy.
Rồi ông quay lưng lại nói với Savary:
- Truyền mã lệnh báo Fouché đến gặp tôi ngay.
Từ Tuileries đến phố Bac, nơi Fouché sống, không xa. Vì vậy, chỉ mười phút sau, xe của ngài Bộ trưởng cảnh sát thật sự đã đậu trước cửa điện Tuileries. Fouché thấy ông đang sải những bước dài và khá kích động.
- Nhanh lên, ông Fouché. Ông có biết Bouvet de Lozier vừa định thắt cổ trong nhà tù không?
Fouché lạnh lùng đáp:
- Tôi còn biết người ta đã kịp cứu anh ta rồi dẫn đến chỗ ông Desmarets, ở đó anh ta được gặp Réal chính anh ta còn viết lời khai khi bị thẩm vấn.
- Trong đó hắn nói Pichegru đang ở Paris.
- Tôi đã báo với ngài trước điều đó rồi còn gì.
- Đúng vậy, nhưng ông đã không nói hắn đến hợp tác làm phản cùng Moreau.
- Tôi chưa rõ điều này, ít ra là chưa chắc chắn, tôi vẫn còn vài nghi ngờ, tôi cũng nói nghi ngờ của mình cho ngài đó thôi.
- Bây giờ ông chắc chắn rồi chứ? - Bonaparte hỏi.
- Ngài là một người đáng sợ. - Fouché nói - Việc gì cũng phải nói trước với ngài để rồi chẳng còn gì để nói nữa. Ngài muốn biết tôi ở đâu trong điều kiện đưa mọi việc kết thúc như tôi mong đợi không?
- Tôi chẳng có điều kiện nào cho ông cả nhưng tôi muốn biết ông có gì rồi?
- Là thế này, chúng ta mỗi người một việc. Réal có Bouvet de Lozier treo cổ tự tử hôm qua thì tôi cũng có Lajolais biết đâu ngày mai cũng tự tử. Tôi đã cho bắt Lajolais và thẩm vấn hắn, ngài có muốn biết cuộc hỏi cung không? Tôi doạ anh ta là sẽ cho gặp ngài nên để không phải gặp ngài, anh ta đã khai cơ bản như sau:
"Qua một người bạn trung gian, cha David, mà tôi được biết Pichegru và Moreau vốn trước kia xích mích bây giờ đã liên kết với nhau. Mùa hè năm ngoài, tôi có gặp Moreau nhiều lần, ông ấy tỏ ý muốn được gặp mặt Pichegru - để có kết quả ấy, tôi đã sang London gặp Pichegru để bày tỏ ý của Moreau.
Pichegru cho biết ông ta cũng có mong muốn tương tự và chỉ chờ cơ hội để rời Anh quốc.
Khoảng mười làm ngày sau thì cơ hội đã đến. Chúng tôi đã tận dụng thời cơ đó. Pichegru đến trú tạm tại phố Arcade. Buổi gặp gỡ được ấn định ở đại lộ Madeleine, đầu phố Basse-du-Rempart. Moreau đã đi xe đến phố Anjòu-Saint-Hororé.
Ông ấy xuống đại lộ Madeleine còn tôi ở lại trên chiếc xe tiếp tục lăn bánh. Hai vị tướng ấy gặp nhau tại vị trí đã định. Họ đi dạo với nhau khoảng mười lăm phút. Tôi không được rõ trong lần gặp đầu tiên họ đã nói gì. Hai lần gặp nhau khác diễn ra ngay tại nhà Moreau. Lần này, tôi đón Pichegru trên phố Chaillot vì ông ấy mới đổi chỗ ở. Ông ấy ra về với thái độ bất bình với Moreau. Vì tôi hỏi đã có chuyện gì khiến ông không vui nên ông đáp: "Anh có biết Moreau, con người vô tư, khắc khổ lại đề nghị chúng tôi điều gì không? Ông ta yêu cầu chúng tôi dựng ông ấy thành nhà chuyên chế. Ông ấy lại thèm chế độ độc tài cơ đấy! Có lẽ gã này có tham vọng và ông ta cũng thế, cũng muốn cai trị. Được thôi tôi chúc ông ta thành công vang dội, nhưng theo tôi, ông ta không thể lãnh đạo nước Pháp nổi ba tháng"
- Ông đồng ý bắt Moreau chứ? - Bonaparte hỏi.
- Tôi không thấy có bất tiện nào - Fouché đáp bằng thái độ như chúng ta thường thấy ở con người này. - Hắn sẽ không có cơ hội ba tháng ấy đâu và phải bắt luôn Pichegru một chỗ để hai tên ấy được bêu đầu đồng thời và dán áp phích cạnh nhau trên các bức tường Paris.
- Ông có biết hiện giờ Pichegru ở đâu không?
- Tôi có biết chỗ hắn trọ, tại nhà một cận vệ cũ có tên là Leblanc, tôi tốn kém tiền nhưng bù lại, tôi biết tất cả những gì mình muốn.
- Vậy ông chịu trách nhiệm bắt Pichegru.
- Tuyệt lắm, ngài có thể giao cho ngài Réal bắt Moreau, như thế vừa dễ dàng lại vừa cho thấy dấu hiệu tin tưởng cho ngài Hội đồng chỉ cần ông ấy nói cho tôi Moreau sẽ bị đưa đến Temple mấy giờ, nửa giờ sau Pichegru sẽ ở đó.
- Bây giờ - Bonaparte nói tiếp - ông cũng biết tôi có buổi duyệt binh vào chủ nhật. Réal khuyên tôi nên huỷ bỏ.
- Ngược lại, ngài cứ cho duyệt binh, nó sẽ có hiệu quả tốt.
- Lạ thật đấy - Bonaparte nói và nhìn Fouché - Tôi không nghĩ ông là người dũng cảm đâu. Thế mà lúc nào ông cũng đưa ra lời khuyên táo bạo nhất.
Fouché đáp lại bằng vẻ vô sỉ quen thuộc:
- Vì khi đưa ra những lời khuyên ấy tôi có không phải là người thực hiện.
Mệnh lệnh bắt giam hai tướng Pichegru và Moreau được ký ngay lúc đó, trên chiếc bàn ấy, bằng chiếc bút lông ngỗng ấy.
Savary mang lệnh bắt Moreau đến cho Réal còn Fouché cầm lệnh bắt Pichegru.
Moncy, một trong những người bạn tốt nhất của Moreau hiện đang làm tổng chỉ huy quân hiến binh, là người cầm lệnh đi bắt Moreau. Tờ lệnh ấy, khi gửi đến ngài chánh án, nó còn kèm theo mệnh lệnh nữa của Bonaparte:
"Ngài Régnier, Trước khi dẫn tướng Moreau đến Temple, nếu hắn muốn nói chuyện với tôi, hãy đưa hắn lên xe và dẫn đến chỗ tôi. Tất cả có thể tự kết thúc giữa hai chúng tôi
.
Thế nhưng kèm tờ lệnh của Fouché thì Bonaparte không dặn gì cả dù Pichegru với Bonaparte còn là chỗ quen biết cũ; ông ta từng là giám học ở trường Brienne.
Bonaparte không thích những kỷ niệm thời đi học; ông đã luôn bị xử nhục vì xuất thân thuộc tầng lớp tiểu quý tộc, và ông luôn ở tình trạng thiếu thốn tiền bạc.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Hiệp Sĩ Sainte Hermine.