• 1,085

Chương 34


Số từ: 1764
Dịch giả: Văn Hòa - Kim Thùy
BXN Phụ Nữ
Nguồn: Sưu tầm
Tôi đã nghe nói tuần lễ để cô geisha tập sự chuẩn bị làm lễ nhập môn giống như thời gian khi con sâu biến thành con bướm. Lời ví von nghe thật hay nhưng tôi không hiểu tại sao người ta lại ví như thế. Bởi con sâu bướm chỉ việc làm kén rồi ngủ một giấc trong kén, còn tôi thì trải qua một tuần mệt bở hơi tai. Đầu tiên, tôi phải làm tóc theo kiểu nàng geisha tập sự, kiểu
trái đào nứt
. Vào thời ấy ở Gion có nhiều thợ làm tóc, Mameha thường làm tóc tại một nơi rất đông khách. Tôi phải đợi gần hai giờ mới đến phiên mình. Mùi tóc bẩn tràn ngập cả phòng. Kiểu tóc lộng lẫy của giới geisha lúc bấy giờ quá cầu kỳ và tốn kém đến nỗi không ai đi làm một tuần quá một lần. Vì thế tóc của họ cũng hôi ngay cả khi họ rẩy nước hoa lên tóc.
Cuối cùng đến phiên tôi, đầu tiên người thợ làm tóc để đầu tôi tựa lên cái bồn gội lớn, với tư thế đó, tôi cảm thấy như ông ta sắp sửa chặt đầu tôi. Rồi ông ta xối nước ấm và xát xà phòng lên đầu tôi. Từ
xát
chưa đủ để miêu tả hết công việc của ông ta, vì mấy ngón tay của ông cào cấu vào da đầu tôi như người nông dân cào đất ruộng của họ vậy. Nhìn lại thời ấy, tôi hiểu lý do tại sao. Gàu trên đầu là vấn đề khó khăn nhất của người geisha, không có gì làm cho họ mất vẻ hấp dẫn bằng, và không có gì làm cho mái tóc của họ dơ bẩn bằng. Người thợ làm tóc đã có lý do chính đáng để làm thế, nhưng sau một lát, đầu tôi ê ẩm đến phát khóc. Nhưng ông thợ vẫn nói:
- Nếu cô thấy muốn khóc thì cứ khóc, cô hiểu lý do tại sao tôi để đầu cô lên bồn gội rồi.
Tôi nghĩ đây là lời nói đùa rất ý nhị vì sau khi nói xong, ông ta cười ha hả.
Khi đã gội đầu xong, ông ta bảo tôi ngồi lên mép chiếu, lấy cái lược gỗ chải lên tóc tôi cho đến khi cổ tôi đau nhừ vì phải ghì lại mỗi khi ông ta kéo lược trên tóc tôi. Cuối cùng, khi thấy tóc thẳng thớm rồi, ông ta chải dầu hoa trà lên tóc, làm cho mái tóc thơm ngát. Tôi sợ chưa hết các giai đoạn gay cấn, và quả vậy, ông ta lấy thỏi sáp ra. Mặc dù tóc đã chải dầu hoa trà thơm lừng, nhưng khi thoa sáp vào tóc, ông ta phải dùng thanh sắt nóng cho sáp mềm ra. Quả con người là con vật thông minh, cho nên người thiếu nữ mới chịu ngồi yên để cho người khác chải sáp vào tóc mà chỉ biết khóc lặng lẽ thôi. Nếu người ta làm thế cho một con chó, thế nào nó cũng cắn cho toạc tay ra.
Khi tóc đã thoa sáp đều rồi, người thợ làm tóc chải tóc phía trước ra sau, rồi chải cả đầu tóc lên thành một cái núi lớn, trông như cái gối để găm kim trên đỉnh đầu. Khi nhìn từ phía sau, cái gối găm kim này có đường nứt ở giữa như bị chẻ ra làm hai, vì thế mà kiểu tóc này có tên là
trái đào nứt
.
Mặc dù tôi đã để kiểu tóc "trái đào nứt" này nhiều năm, nhưng vẫn còn một thứ tôi không biết, mãi cho đến một thời gian sau mới có người cho tôi hay. Đó là cái nùi – mà tôi gọi là cái gối găm kim – được thành hình bằng cách vấn tóc quanh một miếng vải. Ở phía sau nùi nơi có chỗ nứt, người ta thấy miếng vải lòi ra. Miếng vải có thể có hình vẽ hay màu sắc, nhưng của người geisha tập sự thường là màu đỏ, ít ra cũng phải một thời gian sau mới thay đổi. Một buổi tôi có người đàn ông nói với tôi:
- Hầu hết các cô gái còn thơ ngây không biết kiểu tóc
trái đào nứt
có ý nghĩa khêu gợi như thế nào đâu. Cô hãy tưởng tượng có người đàn ông đi sau lưng cô geisha, những ý nghĩ tục tĩu nảy ra trong óc anh ta, khiến anh ta muốn thực hiện những ý nghĩ đó. Rồi anh ta thấy mái tóc
trái đào nứt
trên đầu cô ta, mái tóc có một miếng vải đủ lớn nằm trong một cái khe… cô nghĩ đến cái gì?
À, tôi không nghĩ đến cái gì hết, tôi nói với ông ta.
- Cô không sử dụng trí tưởng tượng à?
Một lát sau tôi hiểu ra, đỏ mặt e thẹn, thấy thế ông ta cười khà.
Trên đường trở về nhà, tôi quên phắt da đầu đau nhức như đất sét quên chuyện người thợ dùng dụng cụ để nắn nó thành đồ gốm sứ. Mỗi lần tôi nhìn bóng tôi trong tủ kính ở các tiệm hàng, tôi cảm thấy tôi trở thành một người rất nghiêm trang, không còn bé bỏng nữa mà đã trở thành thiếu nữ. Khi tôi về đến nhà kỹ nữ, bà Dì khen lấy khen để kiểu tóc của tôi. Ngay cả Bí Ngô cũng không chịu được, cô đến nhìn tôi một lần, ánh mắt khâm phục, nhưng chắc Hatsumono sẽ giận lắm nếu cô ta biết được. Còn anh có biết phản ứng của Mẹ ra sao không? Bà nhón chân để nhìn cho kỹ - vì tôi đã cao hơn bà – rồi phàn nàn rằng có lẽ tôi nên đến tiệm làm tóc của Hatsumono hơn là tiệm của Mameha.
Cô geisha tập sự nào mới đầu cũng rất hãnh diện vì mái tóc của mình, nhưng ba bốn ngày sau là họ bắt đầu đâm ghét. Vì chắc anh đã biết, khi làm tóc xong về nhà, cô ta mệt phờ người, sẽ nằm lăn ra ngủ khì, kê đầu lên gối, thế nào đầu tóc cũng xẹp xuống. Khi thức dậy, cô ta phải đến tiệm làm tóc lại ngay. Cho nên cô geisha tập sự phải học cách để giữ mái tóc cho khỏi hư. Cô ta sẽ không dùng cái gối bình thường nữa, mà dùng cái gối đặc biệt gọi là Takamakura, loại gối tôi đã nói cho anh biết rồi. Cái gối này có hình như cái nôi để cho ta tựa gáy lên đấy. Mặc dù trên gối có chêm một lớp vỏ trấu, nhưng cổ vẫn đau nhừ như kê trên đá. Cô gái nằm ngủ, mái tóc sẽ hở lên trên, nhưng khi thức dậy, có thể cô ta di chuyển đầu sao đó khiến cho mái tóc chạm vào chiếu khiến nó xẹp đi. Trường hợp của tôi, bà Dì đã giúp tôi tránh khỏi tình trạng này bằng cách để một cái khay bột gạo dưới mái tóc của tôi, khi ngủ mà đầu tôi gục ra sau thì tóc sẽ chạm lên bột gạo, bột dính vào sáp sẽ làm hư mái tóc. Cho nên tôi phải cố giữ đầu cao lên khi ngủ. Tôi đã thấy cảnh Bí Ngô phải trải qua thử thách này. Bây giờ đến phiên tôi. Mỗi khi thức dậy vào buổi sáng thấy tóc bị hư, tôi phải đến xếp hàng ở tiệm làm tóc đợi đến phiên bị hành hạ.
Chiều nào trong tuần chuẩn bị làm lễ nhập môn của tôi, bà Dì cũng mặc cho tôi áo quần đủ bộ của một geisha tập sự và tập cho tôi đi lui đi tới trên hành lang đất trong nhà kỹ nữ để tôi quen dần. Mới đầu rất khó đi, tôi cứ sợ ngã nhào ra phía sau. Thiếu nữ thường mặc áo có nhiều trang trí hơn người già, nghĩa là màu sắc sặc sỡ hơn, vải màu mè hơn, nhưng chiếc khăn quàng bụng cũng dài hơn. Người phụ nữ đứng tuổi thắt khăn quành phía sau theo kiểu mà chúng tôi gọi là
nút trống
, vì cái nút có hình một cái hộp nhỏ gọn gàng, cái nút này không cần nhiều vải lắm. Nhưng các cô còn trẻ vào khoảng hai mươi, họ quàng dải thắt lưng theo kiểu văn nghệ hơn. Trong trường hợp nàng geisha tập sự, kiểu này là kiểu thời trang hấp dẫn nhất thường được gọi là dải darari –
dải lủng lẳng
– được bím thành cái nút cao lên tận đầu xương bả vai, và đầu mút dải lủng lẳng gần phết đất. Áo kimono không cần phải có màu sáng, nhưng dải thắt lưng hầu như luôn luôn có màu sắc tươi sáng. Khi người geisha tập sự đi trước mắt anh trên đường phố, anh không để ý đến cái áo kimono mà chú ý đến dải thắt lưng lủng lẳng óng ánh sáng – với một phần cái kimono ở trên hai vai và hai bên vạt áo. Để có được như thế này, dải thắt lưng phải dài, dài bằng chiều dài cả căn phòng. Nhưng không phải chiều dài của dải thắt lưng làm cho cô geisha khó mặc, mà chính trọng lượng mớii làm cho cô ta khó khăn, vì nó được làm bằng gấm thêu nặng nề.
Ngoài dải thắt lưng nặng nề, cái áo kimono cũng nặng vì hay tay áo quá rộng. Khi người mặc dang hai tay ra, tay áo thụng xuống làm thành hai cái túi. Cái túi thụng này chúng tôi gọi là furi, người geisha tập sự phải mặc áo tay thụng này một thời gian. Nếu không cẩn thận, cô ta có thể để tay áo lên mặt đất, và khi múa cô ta rất dễ dẫm chân lên nó, nên cô ta phải nhớ cẩn thận vấn chúng lên nhiều lần để khỏi vướng.
Nhiều năm sau, nhà khoa học danh tiếng của trường đại học Kyoto, trong một đêm quá say đã nói về bộ y phục của cô geisha tập sự như thế này
Loài khỉ ở Trung Phi được xem là loài linh trưởng điển hình nhất, nhưng tôi nghĩ cô geisha tập sự ở Gion có lẽ là loại linh trưởng có màu sắc tươi sáng hơn hết!

Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Hồi Ức Của Một Geisha (Đời kỹ nữ).