Chương 48
-
Hồi Ức Của Một Geisha (Đời kỹ nữ)
- Arthur Golden
- 2193 chữ
- 2020-05-09 06:17:39
Số từ: 2179
Dịch giả: Văn Hòa - Kim Thùy
BXN Phụ Nữ
Nguồn: Sưu tầm
Lát sau, tôi bèn nghĩ ra một ý, giả vờ xem Nobu là ông Chủ tịch, mỗi lần ông ta nói, tôi không để ý đến giọng cáu kỉnh gay gắt của ông ta, mà cố tưởng tượng ra đấy là giọng nói dịu dàng của ông Chủ tịch. Dần dần tôi có thể nhìn vào môi ông ta, cố loại ra khỏi óc hình ảnh đôi môi nhợt nhạt trên khuôn mặt đầy sẹo, hình dung ra đấy là môi của ông Chủ tịch, và mỗi câu nói của ông ta là lời của ông Chủ tịch nói với tôi. Đôi lúc tôi có cảm giác như mình không phải đang ngồi trong nhà biểu diễn mà đang ở trong một căn phòng yên tĩnh, quỳ một bên ông Chủ tịch. Khi ấy tôi cảm thấy mình hạnh phúc một cách lạ lùng. Như quả bóng tung lên trên không, đứng yên bất động một lát rồi mới rơi xuống. Tôi cảm thấy mình treo lơ lửng trên không trong trạng thái yên ổn phi thời gian. Khi tôi nhìn quanh phòng, tôi chỉ thấy sắc đẹp của những thanh gỗ khổng lồ và ngửi mùi thơm của bánh bột gạo. Tôi cứ ngỡ tình trạng sung sướng này không bao giờ chấm dứt, nhưng bỗng nhiên tôi lên tiếng nói cái gì đấy mà tôi không nhớ được. Và Nobu đáp:
- Cô nói gì thế? Chỉ có đồ điên mới nghĩ đến chuyện ngu dốt như thế.
Nụ cười tắt trên môi tôi ngay lập tức như cái vật buộc đầu sợi dây rơi xuống ngay khi dây bị cắt. Nobu nhìn đăm đăm vào mắt tôi. Dĩ nhiên Hatsumono ngồi xa chúng tôi, nhưng tôi vẫn còn cảm thấy cô ta đang nhìn chúng tôi. Rồi tôi nghĩ rằng nếu một nàng geisha hay một cô tập sự đang rơm rớm nước mắt trước một người đàn ông, thử hỏi có ai mà không động lòng? Có lẽ tôi đã xin lỗi khi nghe ông ta trả lời gay gắt, nhưng tôi đã cố tưởng tượng ra chính ông Chủ tịch đã nói với tôi, nên môi tôi bỗng run run, tôi cúi đầu làm ra vẻ mình bé bỏng.
Tôi ngạc nhiên khi nghe Nobu hỏi:
- Tôi đã làm cho cô đau khổ, phải không?
Giả vờ hít mũi thút thít đôi với tôi chẳng khó khăn gì, Nobu cứ nhìn tôi một lát nữa rồi mới nói:
- Cô thật có duyên!
Tôi nghĩ chắc ông ta định nói thêm gì nữa, nhưng ngay lúc ấy Miygiyama bước vào nhà thi đấu và đám đông la hét hoan hô rầm rĩ.
Miyagiyama và nhà đô vật kia, tên là Saho, quần thảo nhau trên võ đài một hồi lâu, họ bốc muối ném lên nền đất, hay là dậm chân thình thịch như các võ sĩ trước đã làm. Mỗi lần họ thu mình lại nhìn nhau, tôi cứ tưởng hai tảng đá lớn trơn láng sắp sửa nhào vào nhau. Miyagiyama hơi chồm tới trước một chút so với Saiho, ông này cao và nặng hơn nhiều. Tôi nghĩ khi họ xông vào nhau, thế nào ông Miyagiyama tội nghiệp kia cũng bị té ngửa ra sau, tôi không tin có ai có thể đẩy Saiho ra ngoài sợi dây kia được; họ đứng vào thế tấn công. Bỗng Nobu nói nhỏ vào tai tôi:
- Thế Hataki Komi! Ông ta sắp dùng thế Hataki Komi. Nhìn vào mắt ông ta tôi biết!
Tôi làm theo lời Nobu nói, nhưng tôi chỉ thấy Miyagiyama không nhìn vào Saiho. Tôi nghĩ chắc Saiho không thích bị đối thủ coi thường như thế này, vì ông ta quắc mắt nhìn đối thủ dữ tợn như một con thú. Thịt hai bên má quá dầy và bự nên cái đầu ông ta trông như trái núi nhỏ, và vì tức giận nên mặt ông ta đỏ rần. Nhưng Miyagiyama vần ra vẻ như không thèm chú ý đến ông ta.
- không còn lâu nữa đâu! – Nobu nói nhỏ với tôi.
Và quả vậy, lần thu mình tiếp theo, Saiho tấn công.
Nhìn Miyagiyama chồm người tới trước như hồi nãy, ai cũng nghĩ ông ta sẽ phóng mình vào đối thủ, nhưng không, ông ta dùng sức mạnh của Saiho để gượng người đứng tấn. Rồi nhanh như chớp, ông ta xoay người như cánh cửa xoay, tay ông ta chụp vào gáy của Saiho. Trong khi ấy thân hình nặng nề của Saho nhào tới trước như người ngã nhào từ trên cầu thang xuống, Miyagiyama đem hết sức đẩy mạnh đối thủ tới trước, Saiho văng qua khỏi sợi dây và nhào xuống. Tôi kinh ngạc thấy hòn núi người bay qua khỏi mép ụ võ đài, văng vào hàng ghế đầu của khán giả. Mọi người nhanh chân chạy tránh chỗ, nhưng khi xong xuôi, một người đàn ông đứng lên, thở hổn hển vì vai ông ta bị Saiho táng vào.
Cuộc chạm trán chỉ kéo dài một giây, chắc Saiho cảm thấy nhục nhã thất bại, vì ông chỉ cúi đầu chào chiếu lệ như những người thua cuộc trước đó, rồi đi ra khỏi đấu trường trong khi khán giả vẫn còn hò hét hoan hô.
- Đấy – Nobu nói với tôi – thế ấy gọi là Hataki komi.
- Thật kỳ lạ - Mameha nói, vẻ thẫn thờ. Thậm chí cô ấy không nói ra hết ý nghĩ của mình nữa.
- Cái gì mà thật kỳ lạ? – ông Chủ tịch hỏi cô ấy.
- Điều Miyagiyama làm đấy. Chưa bao giờ tôi thấy một việc như thế này.
- Phải. Dân đô vật thường làm được như thế.
- Ờ, việc này khiến cho tôi nghĩ… - Mameha nói.
Sau đó, khi trên đường về lại Gion, Mameha quay qua nói với tôi rất hăng say trên xe kéo:
- Anh chàng đô vật ấy đã gợi cho tôi một ý rất kỳ diệu. Hatsumono không biết được ý này đâu. Cô ta đã bị hỏng cẳng rồi. Và nếu cô ta có tìm ra được thì cũng đã quá trễ rồi.
- Ồ chị Mameha, chị đã có kế hoạch rồi phải không? – tôi hỏi – xin chị vui lòng cho em biết đi.
- Cô tin bây giờ tôi nói cho cô biết à? Ngay cả người hầu thân tín của tôi, tôi cũng không nói. Cô chỉ có việc hãy làm cho Nobu chú ý đến cô là được. Mọi việc đều phụ thuộc vào ông ta, và vào một ông khác nữa.
- Ông khác nào thế?
- Một người cô chưa gặp. Bây giờ ta đừng nói đến chuyện này nữa! Tôi nói thế có lẽ hơi nhiều rồi, hôm nay cô gặp ông Nobu thật quá tuyệt vời. Ông ta có thể là người cứu tinh của cô đấy.
Tôi phải thú nhận khi nghe cô ấy nói như thế, tôi cảm thấy đau nhói trong lòng. Nếu tôi có được một vị cứu tinh, tôi muốn người ấy là ông Chủ tịch, chứ không ai khác.
Thế là tôi biết được nguồn gốc ông Chủ tịch, cho nên ngay tối hôm đó, tôi gặp được tờ báo nào là tôi đọc liền, hy vọng sẽ biết thêm về ông ta. Trong vòng một tuần, tôi thu lượm được cả một chồng báo cất trong phòng tôi, khiến cho bà Dì nhìn tôi như thể tôi là đồ mất trí. Tôi đọc thấy có vài bài viết về ông, nhưng chỉ nói phớt qua, chứ không có bài nào cho tôi biết những tin tức mà tôi muốn biết. Thế nhưng, tôi tiếp tục thu nhập bất kỳ tờ báo nào thòi ra ở trong sọt rác, cho đến một hôm tôi tìm thấy một gói bao sau một phòng trà. Lục tìm trong gói báo này, tôi thấy một số báo phát hành cách đây 2 năm có nói đến công ty điện Iwamura.
Thì ra công ty điện Iwamura làm lễ kỷ niệm thứ 20 vào năm 1931. Tôi kinh ngạc khi nghĩ đến việc này, vì khi tôi gặp ông Chủ tịch bên bờ suối Shirakawa đúng vào tháng này. Nếu trên các tờ báo mà tôi xem có đăng ảnh của ông ta, thế nào tôi cũng nhận ra. Thế là tôi có ngày để tìm, tôi tìm các bài báo viết về buổi lễ kỷ niệm này. Hầu hết các số báo viết về công ty đều nằm trong đống đồ tạp nham từ nhà kỹ nữ phía trước bên kia đường vứt ra sau ngày bà ngoại của bên nhà ấy mất.
Ông Chủ tịch sinh năm 1890, theo chỗ tôi biết, nghĩa là khi tôi gặp ông ta lần đầu, mặc dù tóc đã hoa râm, nhưng ông chỉ mới trên 40 một chút. Ngày hôm ấy, tôi cứ nghĩ ông chỉ là chủ tịch một công ty xoàng xĩnh, nhưng tôi đã lầm. Theo các bài báo viết thì công ty Iwamura không lớn bằng công ty Osaka, đối thủ chính của công ty Iwamura ở phía Tây nước Nhật. Nhưng ông Chủ tịch và ông Nobu được nhiều người biết tiếng hơn cả các ông thủ trưởng của nhiều công ty lớn hơn, là vì nhờ sự hợp tác làm ăn nổi tiếng của họ. Tóm lại công ty Iwamura được xem là công ty có óc sáng tạo và có tiếng tăm hơn.
Năm 17 tuổi, ông Chủ tịch đến làm việc cho một công ty đồ điện nhỏ ở Osaka. Chẳng bao lâu sau, ông ta giám sát một toán nhân viên lắp đặt giây điện cho các xí nghiệp trong khu vực. Lúc ấy nhu cầu về ánh sáng đèn điện trong nhà và trong các xí nghiệp càng ngày càng cao, tối nào ông Chủ tịch cũng thiết kế một loại dụng cụ dùng hai bóng đèn cho một ổ cắm thay vì một bóng đèn mà thôi. Tuy nhiên ông Giám đốc công ty không muốn thiết kế và chế tạo loại này, cho nên vào năm 22 tuổi, năm 1912, sau khi đã cưới vợ một thời gian ngắn, ông Chủ tịch ra riêng thành lập công ty của mình.
Tình hình khó khăn kéo dài mấy năm, đến năm 1914, công ty mới của ông Chủ tịch ký được hợp đồng thi công lắp ráp dây điện cho một tòa nhà mới trong khu quân sự Osaka. Khi ấy Nobu vẫn còn trong quân đội, vì thương tích chiến tranh trên người nên ông khó tìm được việc. Ông được giao nhiệm vụ giám sát công trình của công ty Iwamura, ông và ông Chủ tịch nhanh chóng trở thành bạn bè, và khi ông Chủ tịch đề nghị giao cho ông đảm trách một số công việc của công ty vào năm sau, ông liền nhận lời.
Tôi càng đọc nhiều về sự hợp tác làm ăn của họ, tôi càng hiểu tại sao hai người gắn bó với nhau như keo sơn như thế. Hầu hết các bài báo đều có in tấm hình của hai người, ông Chủ tịch mặc bộ đồ vét hợp thời trang bằng len dày, tay cầm cái ổ cắm điện bằng sứ cắm hai bóng điện, sản phẩm đầu tiên của hãng họ. Ông ta làm ra vẻ như có ai đấy vừa đưa ổ cắm điện cho ông ta, và ông chưa biết phải làm gì với cái thứ này. Miệng ông hơi hé mở, để lộ hai hàm răng trắng, nhìn vào ống kính với cặp mắt hăm he, như thể ông sắp sửa ném cái ổ cắm đi. Trái lại Nobu đứng bên cạnh ông, thấp hơn ông nửa cái đầu, mặt cau có, bàn tay duy nhất nắm chặt lại để bên hông, ông ta mặc áo khoác mỏng và quần vải sọc. Cái mặt sẹo hoàn toàn vô cảm và cặp mắt sùm sụp. ông Chủ tịch trông đáng là cha của Nobu, có lẽ vì tóc của ông đã hoa râm và dáng của ông to cao, mặc dù ông chỉ lớn hơn Nobu hai tuổi. Các bài báo viết rằng trong khi ông Chủ tịch có trách nhiệm về sự phát triển của công ty thì Nobu có nhiệm vụ quản lý điều hành công ty. Nobu tuy là người ít nổi bật hơn và đảm trách công việc ít quan trọng hơn, nhưng ông ta đã làm việc rất tốt đến nỗi ông Chủ tịch thường tuyên bố với mọi người rằng nếu không nhờ tài năng của Nobu thì công ty không vượt qua được nhiều cơn khủng hoảng. Chính Nobu đã mang đến cho công ty một nhóm đầu tư và cứu công ty khỏi bị suy sụp vào đầu những năm 1920. Ông Chủ tịch thường nói
tôi nợ Nobu một món nợ mà tôi không thể nào trả được.