Chương 67
-
Hồi Ức Của Một Geisha (Đời kỹ nữ)
- Arthur Golden
- 3096 chữ
- 2020-05-09 06:17:45
Số từ: 3082
Dịch giả: Văn Hòa - Kim Thùy
BXN Phụ Nữ
Nguồn: Sưu tầm
Vào tháng chín năm ấy, khi tôi còn mười tám tuổi, Tướng Tottori và tôi cùng ngồi uống sakê với nhau trong một buổi lễ tại phòng trà Ichiriki. Buổi lễ này giống như buổi lễ lần đầu tiên tôi với Mameha kết tình chị em, và sau này giữa tôi với bác sĩ Cua trước khi tôi bán mizuage. Trong những tuần lễ tiếp theo, mọi người đều chúc mừng Mẹ đã làm được sự kết hợp có lợi như thế.
Ngay đêm đầu tiên sau khi làm lễ kết hợp xong, tôi theo lời chỉ dẫn của ông Tướng đến một nhà trọ nhỏ nằm ở phía Tây Bắc của Kyoto có tên là Suyura, nhà trọ chỉ có ba phòng. Lâu nay tôi đã quen với cảnh xa hoa lộng lẫy, nên bây giờ cảnh tồi tàn của nhà trọ Suyura làm tôi quá kinh ngạc. Phòng hôi mùi ẩm mốc, thảm rơm ẩm ướt, phồng rộp, đến nỗi khi tôi bước chân lên đấy, thảm phát ra tiếng kêu xì xì. Hồ vữa gần nền nhà trong một góc lở lói. Càng quỳ lâu ở đấy, tôi cảm thấy nhẹ người – mặc dù ông ta chẳng làm gì cải thiện tình trạng trong phòng ngoài việc ông ta mở radio và ngồi uống bia sau khi tôi đã chúc mừng ông ta.
Sau một lát ông ta xuống lầu đi tắm. Khi ông ta về lại phòng, ông ta cởi áo ngủ ra ngay, người trần truồng như nhộng, vừa đi quanh trong phòng vừa lau tóc, cái bụng nhỏ tròn quay nhô ra dưới bộ ngực có một đám lông lớn. Tôi chưa từng thấy đàn ông ở truồng, cho nên tôi thấy cái bụng ông Tướng xệ xuống rất buồn cười. Nhưng khi ông ta nhìn tôi, tôi phải cúi mặt nhìn xuống dưới nơi… ờ, nơi chắc có
con lươn
của ông ta. Có cái gì nhúc nhích ở đấy, nhưng chỉ khi ông Tướng nằm ngửa ra và bảo tôi cởi áo quần, khi đó cái ấy mới bắt đầu hiện ra. Ông là người cao sang thật đấy, nhưng rất trơ trẽn sai tôi làm những việc ông ta muốn. Tôi cứ sợ tôi phải tìm cách để làm cho ông ta thoả mãn, nhưng hoá ra tôi chỉ làm theo lệnh của ông ta mà thôi. Sau ba năm từ ngày bán mizuage, tôi đã quên hết nỗi kinh hoàng khi ông bác sĩ chồm lên người tôi. Bây giờ tôi nhớ lại, nhưng chuyện kỳ lạ nhất là tôi không cảm thấy kinh hoàng như trước mà cảm thấy muốn nôn mửa. Ông Tướng cứ để radio mở, và cả đèn sáng nữa, như thể ông ta muốn để cho tôi thấy cảnh buồn tẻ trong phòng cho rõ ràng, ngay cả vết nước bẩn rịn trên trần nhà.
Ngày tháng trôi qua, sự nôn mửa cũng hết, hàng tuần tôi phải gặp ông Tướng hai lần như thế, không mấy thú vị. Thỉnh thoảng tôi tự hỏi nếu đến với ông Chủ tịch tình trạng có như thế này không nhỉ, và nói thật ra, tôi vẫn sợ tôi ghê tởm như là khi tôi ở với ông bác sĩ và với ông Tướng. Rồi bỗng có một chuyện xảy ra khiến cho tôi nhìn cuộc đời khác đi. Lúc này có một người đàn ông tên là Yasuda Akira, ông ta đã được xuất hiện trên các tạp chí vì có công sáng chế ra loại đèn xe đạp mới, đến Gion giải trí đều đặn. Tuy nhiên ông ta không được phòng trà Ichiriki tiếp đón nồng nhiệt vì có lẽ ông ta không chịu nổi chi phí ở đấy, cho nên ông ta đến một phòng trà mới có tên là Tatematsu ba bốn đêm mỗi tuần, phòng trà này nằm ở quận Tominaga, không xa nhà tôi ở. Lần đầu tiên tôi gặp ông ta tại một buổi đại tiệc vào mùa xuân năm 1939, khi ấy tôi đã mười chín tuổi. Anh ta trẻ hơn tất cả đàn ông trong buổi tiệc – có lẽ không quá ba mươi – nên khi mới bước chân vào phòng là tôi chú ý đến anh ta liền. Anh ta có vẻ cao quí như ông Chủ tịch. Tôi thấy anh ta rất hấp dẫn, anh ngồi xắn tay áo sơ mi lên, áo vét để phía sau trên thảm. Bỗng tôi nhìn sang một ông già ngồi bên cạnh anh ta, ông già đưa đũa gắp một miếng đậu khuôn chiên đưa lên miệng, miệng há to để ngoạm gọn cả miếng, cảnh này cho tôi có cảm giác như cánh cửa mở ra để cho con rùa từ từ bò ra. Trái lại, khi nhìn qua cách ăn của Yasuda, tôi thấy mến phục anh ta, vì anh đưa cánh tay rắn chắc đẹp đẽ lên, đưa miếng đậu khuôn rán vào miệng và cắn một miếng, cái miệng há ra để lộ đôi môi gợi cảm.
Tôi đi một vòng quanh các ông, khi đến bên anh ta, tôi tự giới thiệu và anh ta nói:
- Tôi mong cô tha lỗi.
- Tha lỗi à? Tại sao, anh làm gì mà phải xin lỗi?
- Vì tôi lố bịch quá, không rời mắt khỏi cô suốt buổi tối.
Theo thói quen, tôi đưa tay vào trong dải thắt lưng lấy cái bao đựng danh thiếp bằng gấm, kín đáo lấy ra một tờ đưa cho anh ta. Geisha thường mang theo danh thiếp như giới doanh nhân. Danh thiếp của tôi nhỏ, bằng nửa danh thiếp người khác dùng, in trên giấy láng chỉ vỏn vẹn hai chữ
Gion
và
Sayuri
viết bằng lối thư pháp. Khi ấy vào mùa xuân, nên tôi mang loại danh thiếp có nền in hình một chùm hoa mận có màu sáng. Yasuda nhìn tấm danh thiếp một lát rồi cất vào túi áo sơ mi. Tôi nghĩ không có lời nào chúng tôi nói với nhau có thể hùng hồn bằng thái độ giao cảm giản dị như thế, nên tôi cúi người chào rồi đi sang người khác.
Từ hôm đó, Yasuda yêu cầu tôi đến phòng trà Tatematsu hàng tuần để hầu vui cho anh ta. Tôi không thể đến được thường xuyên theo ý muốn của anh ta. Nhưng khoảng ba tháng sau, vào một buổi chiều, anh ta mang đến tặng cho tôi một món quà. Tôi cảm thấy vinh dự mặc dù cái áo không phải loại đẹp – vải dệt bằng lụa xấu với màu sắc loè loẹt, hình vẽ rất bình dân với hoa và bướm. Anh ta muốn tôi mặc vào một buổi tối sắp đến, tôi hứa tôi sẽ mặc. Nhưng đêm ấy khi tôi mang áo về nhà, Mẹ thấy tôi mang cái gói lên lầu, bà chận tôi lại để lấy xem. Bà cười ngạo khi thấy cái áo, và nói bà không muốn thấy tôi mặc áo xấu như thế. Ngày hôm sau, bà bán cái áo đi.
Khi tôi biết bà bán cái áo rồi, tôi không ngán nói thẳng vào mặt bà là cái áo là món quà của tôi, chứ không phải của nhà kỹ nữ, bà không có quyền bán nó đi.
- Dĩ nhiên là áo của cô – bà ta nói – nhưng cô là con gái của nhà kỹ nữ. Cái gì thuộc nhà kỹ nữ là thuộc về cô, và ngược lại cái gì của cô là của nhà kỹ nữ.
Tôi giận bà Mẹ đến độ tôi không thèm nhìn đến bà. Còn phần Yasuda, anh ta muốn thấy tôi mặc cái áo ấy, tôi nói với anh ta rằng vì màu sắc và mô hình bướm hoa trên áo, cho nên chỉ hợp mặc vào lúc sơ xuân, mà khi ấy đang mùa hè, cho nên phải một năm nữa, anh mới có thể thấy tôi mặc áo ấy được. Anh ta có vẻ không buồn khi nghe tôi nói.
- Một năm nghĩa lý gì – anh ta nói, mắt đắm đuối nhìn tôi – anh đợi mấy cũng được, miễn cái anh đợi có đến thì thôi.
Chúng tôi ở một mình với nhau trong phòng, Yasuda để ly bia xuống bàn với cử chỉ khiến tôi đỏ mặt, anh đưa tay nắm tay tôi, tôi để yên cho anh, vì tôi cứ nghĩ anh nắm trong hai tay một lát rồi thả ra thôi. Nhưng tôi ngạc nhiên khi thấy anh ta đưa tay tôi lên môi rồi hôn vào bên trong cổ tay tôi một cách hết sức say đắm, tôi tưởng chừng như anh ta hôn đến tận dưới đầu gối tôi. Tôi thấy tôi là người đàn bà biết vâng lời mãi cho đến lúc ấy tôi thường làm những việc do Mẹ hay Mameha bảo làm, thậm chí còn làm theo lời Hatsumono khi bắt buộc phải làm, nhưng bây giờ tôi cảm thấy tức giận Mẹ và ao ước được ân ái với Yasuda, cho nên tôi quyết làm cho được cái công việc mà Mẹ không cho phép làm. Tôi yêu cầu anh ta đến gặp tôi vào lúc mười hai giờ đêm tại chính phòng trà này, rồi tôi để cho anh ta ngồi một mình ở đấy.
Trước nửa đêm, tôi trở lại và nói với một chị người hầu, hứa cho chị ta một số tiền khá lớn nếu chị ta đừng để ai quấy rầy Yasuda và tôi trong một phòng trên lầu khoảng nửa giờ. Tôi đến đấy, đợi trong bóng tối một lát, rồi chị hầu mở cửa và anh bước vào. Anh thả cái mũ phớt trên chiếu, rồi kéo tôi đứng lên ngay cả khi cửa chưa đóng. Áp người vào thân thể anh thật sướng như ăn bữa ăn sau một thời gian bị đói lâu. Anh ôm tôi vào lòng, và tôi ôm lại mạnh không kém. Tôi không ngạc nhiên khi thấy tay anh lần dưới áo tôi để sờ vào da thịt tôi một cách sành sỏi. Tôi không muốn giả vờ mình chưa có kinh nghiệm trong tình dục như tôi thường làm với ông tướng, nhưng tôi cũng không tỏ ra quá hăm hở. Cuộc chung đụng giữa tôi với ông Tướng nhắc tôi nhớ lại thời thơ ấu, khi tôi cố trèo lên đọt cây để ngắt mấy ngọn lá trên ấy. Công việc này phải hết sức cẩn thận, rất nguy hiểm cho đến khi hái được lá. Nhưng với Yasuda, tôi cảm thấy như một đứa bé chạy xuống sườn đồi một cách thoải mái. Một lát sau khi chúng tôi hổn hển nằm xuống chiếu, tôi hất hai vạt áo sơ mi của anh sang hai bên để sờ vào bụng anh xem hơi thở của anh ra sao. Mặc dù chúng tôi không nói với nhau một tiếng, nhưng tôi cảm thấy chưa bao giờ trong đời tôi gần gũi với ai như với anh.
Vì thế tôi mới hiểu tại sao tôi chỉ có một việc là nằm yên trên nệm cho ông bác sĩ và ông Tướng. Còn với ông Chủ tịch, chắc tình hình sẽ khác hơn.
Cuộc sống hàng ngày của nhiều geisha sau khi có danna thay đổi một cách rất ấn tượng, nhưng trong trường hợp của tôi, tôi không thấy có gì thay đổi hết. Hàng đêm, tôi vẫn đi quanh Gion như những năm vừa qua. Thỉnh thoảng có những buổi chiều tôi đi chơi, kể cả những buổi đi chơi rất kỳ cục như đi theo một người đàn ông vào thăm anh ông ta trong bệnh viện. Nhưng còn phần những thay đổi mà tôi mong đợi – Những buổi trình diễn múa đặc sắc được danna của tôi trả tiền, những món quà tặng hậu hĩnh, thậm chí được nghỉ ngơi một hai ngày có lương – thì ôi thôi, không bao giờ có chuyện này xảy ra. Đúng như lời bà Mẹ nói. Giới quân nhân không chăm lo cho geisha bằng giới thương nhân hay giới quý tộc.
Có thể ông Tướng mang lại cho đời tôi rất ít sự thay đổi, nhưng quả thật sự liên kết của ông ta với nhà kỹ nữ thật vô giá ít ra theo quan điểm của Mẹ là như thế. Ông bao hết nhiều thứ chi phí của tôi như một danna thường làm, kể cả chi phí học tập của tôi, phí đăng ký hàng năm, tiền thuốc men… thậm chí những thứ tôi không ngờ tới, bí tất, có lẽ thế. Nhưng quan trọng hơn hết, chức vụ mới của ông ta làm Giám đốc Nha quân nhu, theo lời của Mameha, cho nên ông ta có thể làm cho chúng tôi những việc mà không một ông danna nào khác làm được. Ví dụ như bà Dì bệnh vào đầu tháng ba năm 1939, chúng tôi rất lo sợ cho bà, các bác sĩ đều chịu, nhưng sau một cuốc điện thoại gọi đến cho ông Tướng, một ông bác sĩ giỏi từ bệnh viện quân y ở Kamigyo Ward đến nhà chúng tôi, cho Dì một gói thuốc và thế là bà lành bệnh. Cho nên, mặc dù ông Tướng không thể gởi tôi đến Tokyo để trình diễn múa, hay tặng tôi những viên đá quý, không ai trách ông ta không giúp đỡ nhà kỹ nữ chúng tôi. Ông ta thường xuyên gởi đến cho chúng tôi trà, đường, cũng như chocolat, món ăn hiếm hoi ở Gion. Và dĩ nhiên bà mẹ sai lầm trong việc tiên đoán chiến tranh chấm dứt trong vòng sáu tháng. Chúng tôi không biết khi nào chấm dứt chiến tranh, nhưng chúng tôi cũng chưa biết khi nào sẽ đến những năm đen tối.
Suốt cả mùa thu thời gian ông Tướng làm danna của tôi, Nobu không mời tôi đến những nơi tôi thường hầu vui ông ta. Rồi sau đó, tôi nghe ông không đến phòng trà Ichiriki nữa. Tôi không biết ông ta có lý do gì không ngoài lý do tránh mặt tôi. Bà chủ phòng trà Ichiriki thở dài, đồng ý với ý kiến của tôi. Vào năm mới, tôi viết tấm thiệp chúc tết gởi đến cho Nobu, như tất cả các thân chủ của tôi, nhưng ông ta không trả lời. Bây giờ nhìn lại chuỗi ngày đã qua vào thời gian ấy, tôi nhớ lại công việc lúc ấy một cách dễ dàng, nhưng lúc ấy tôi sống trong tình trạng đau khổ. Tôi cảm thấy tôi đã đối xử sai lầm với một người đàn ông đã cư xử rất tốt với tôi. Hơn nữa, nếu không có Nobu bảo trợ, tôi sẽ không được mời đến dự các buổi tiệc của công ty Iwamura, tức là tôi không có cơ may gặp được ông Chủ tịch.
Còn ông Chủ tịch dĩ nhiên ông ta vẫn thường đến vui chơi ở phòng trà Ichiriki mặc dù ông Nobu không đến. Tôi thấy ông một lần bình tĩnh quở trách người nhân viên thuộc cấp trên hành lang vào một buổi tối, cầm cây bút máy trên tay làm dấu để nhấn mạnh những điều ông nói, tôi không dám chắc vì sợ quấy rầy ông. Một đêm khác, một cô tập sự có vẻ sợ sệt tên Moatsu, đang rụt rè dẫn ông đi về phía nhà vệ sinh, và ông gặp tôi. Ông để Moatsu đứng đấy, đến nói chuyện với tôi. Chúng tôi trao đổi nhiều chuyện vui. Thấy ông cười buồn, tôi nghĩ ông là loại đàn ông không có tính kiêu ngạo, thường tỏ ra dạt dào tình cảm khi nhìn đám con của mình. Trước khi chia tay, tôi nói với ông:
- Ông Chủ tịch, nếu có tối nào ông cần thêm một vài geisha thì…
Tôi nói thế là quá tiến bộ, nhưng may thay cho tôi ông Chủ tịch không phật ý. Ông đáp:
- Ý kiến thật hay, Sayuri. Tôi sẽ mời cô đến.
Nhưng nhiều tuần trôi qua, ông không mời.
Một buổi tối tháng ba khi trời đã khuya, tôi ghé vào một buổi tiệc rất vui nhộn do Quận trưởng quận Kyoto tổ chức ở phòng trà có tên Shunju. Ông Chủ tịch có mặt ở đấy, đang ở chặng cuối của trò thi đấu uống rượu, ông ta có vẻ mệt mói, tay áo sơ mi xắn cao, cà vạt tháo lỏng ra. Thật ra, ông Quận trưởng thua hết các vòng đầu, nhưng còn nắm vững ly sakê hơn ông Chủ tịch.
- Sayuri, gặp cô đây tôi mừng quá – ông ta nói – cô phải giúp tôi mới được. Tôi đang gặp rắc rối đây.
Nhìn làn da mịn màng trên mặt ông lốm đốm đỏ và hai cánh tay thòi ra khỏi hai ống tay áo xắn cao, tôi liền nghĩ đến Yosuda vào cái đêm ở phòng trà Tatematsu. Bỗng tôi cảm thấy mọi vật trong phòng đều biến mất chỉ còn lại một mình ông Chủ tịch và tôi, và ông ta đang trong tình trạng ngà ngà say, tôi nghĩ có thể nghiêng mình đến phía ông cho đến khi hai tay ông quàng quanh tôi và tôi đặt môi tôi lên môi ông. Tôi cảm thấy bôi rối vì nghĩ chắc ông Chủ tịch đã hiểu được ý nghĩ của tôi, nhưng nếu biết tại sao ông nhìn tôi bình thản như thế. Để giúp ông ta, tôi phải kết hợp với cô geisha kia, làm chậm tốc độ cuộc chơi lại. Ông Chủ tịch có vẻ cám ơn việc này, và khi tiệc xong, ông ngồi nói chuyện với tôi một lát, uống nước lạnh cho giã rượu. Cuối cùng ông lấy chiếc khăn tay trong túi áo ra, giống cái tôi đang dắt trong dải thắt lưng, lau trán, rồi vuốt lại tóc tai cho ngay thẳng và nói với tôi:
- Lần cuối cùng cô nói chuyện với ông bạn Nobu của tôi là khi nào?
- Lâu rồi, thưa ông – tôi đáp – nói thật ra, tôi nghĩ chắc ông Nobu giận tôi.
Ông Chủ tịch vừa xếp cái khăn vừa nhìn nó. Ông nói:
- Tình bạn là thứ quí báu, Sayuri. Đừng vứt nó đi.