Chương 72
-
Hồi Ức Của Một Geisha (Đời kỹ nữ)
- Arthur Golden
- 3497 chữ
- 2020-05-09 06:17:48
Số từ: 3483
Dịch giả: Văn Hòa - Kim Thùy
BXN Phụ Nữ
Nguồn: Sưu tầm
Khi tôi vào phòng, Tướng Tottori đang ngồi nơi bàn nghe kịch nói trong radio. Chiếc áo vải hở vạt để lộ bộ ngực trơ xương và đám lông bạc thưa thớt. Tôi thấy ông chịu đựng cảnh gian khổ trong năm qua còn nhiều hơn tôi nữa. Nói tóm lại, ông bị kết tội về nhiều tội ác tày trời, nào là tắc trách, thiếu khả năng, lạm dụng quyền hành… Có người cho ông còn may là khỏi ngồi tù. Có một bài báo lên án ông đã gây nên cuộc bại trận của hải quân Hoàng gia ở Nam Thái Bình Dương, bài báo viết rằng ông không giám sát việc vận chuyển hàng tiếp liệu. Tuy nhiên, có người chịu đựng được gian khổ giỏi hơn người khác, và khi nhìn vào ông Tướng tôi thấy cuộc sống gian khổ trong một năm qua đã đè nặng lên người ông, khiến cho ông gầy trơ xương, mặt mày biến dạng. Trước đây, lúc nào ông ta cũng có mùi thức ăn dầm giấm. Còn bây giờ, khi tôi cúi người trên chiếu chào, gần bên ông, ông có mùi chua khác.
- Chào ông Tướng, ông có vẻ mạnh khoẻ – tôi nói, nhưng dĩ nhiên đấy là lời nói láo – tôi rất sung sướng được gặp lại ông.
Ông Tướng tắt radio, trả lời:
- Không phải cô là người đầu tiên đến đây, Sayuri à. Tôi không giúp gì cô được đâu.
- Thế mà tôi chạy đến đây rất nhanh đấy! Tôi không nghĩ nổi có người lại còn nhanh hơn tôi!
- Vì tuần trước, gần như cô geisha nào tôi quen biết cũng đều đến đây gặp tôi, nhưng tôi không còn bạn bè nào uy quyền nữa. Tôi không hiểu tại sao một geisha có hạng như cô lại đến tìm tôi. Chắc có nhiều nhân vật có quyền thế thích cô chứ.
- Được ưa thích và có bạn chân thành sẵn sàng giúp đỡ là hai việc rất khác nhau – tôi đáp.
- Phải, đúng thế. Nhưng cô đến nhờ tôi giúp cái gì?
- Giúp cái gì cũng được, thưa ông Tướng. Độ này dân chúng ở Gion chẳng nói gì ngoài đời sống khốn khổ trong các nhà máy.
- Chỉ có ai may mắn mới được sống khốn khổ. Còn ngoài ra những người khác chắc không sống để thấy chiến tranh chấm dứt.
- Tôi không hiểu.
- Bom sắp rơi đến nơi – ông Tướng nói – Cô sẽ thấy các nhà máy bị lãnh bom nhiều hơn hết. Nếu cô muốn sống cho đến khi chiến tranh chấm dứt, tốt hơn hết là cô tìm người nào có thể đưa cô đến một nơi an toàn. Tôi rất tiếc là không phải người đó. Tôi đã cạn kiệt hết nguồn ảnh hưởng rồi.
Ông Tướng hỏi thăm sức khoẻ của bà Mẹ, bà Dì, rồi giã từ tôi. Sau này tôi mới hiểu câu nói
cạn kiệt nguồn ảnh hưởng
. Bà chủ nhà trọ Sayura có cô con gái, ông Tướng đã thu xếp gởi cô ta đến một thành phố ở phía Bắc nước Nhật.
Trên đường trở về nhà kỹ nữ, tôi nghĩ đã đến lúc phải hành động, nhưng tôi không biết làm gì. Chỉ việc làm sao giữ cho mình khỏi hốt hoảng thôi, tôi cũng không làm được. Tôi đến nhà Mameha đang ở – vì mối liên hệ của cô ấy với ông Nam tước đã chấm dứt nhiều tháng rồi, cô phải dọn sang ở nhà khác nhỏ hơn. Tôi tưởng Mameha sẽ giúp tôi phương cách để giải quyết tình hình, nhưng thật ra, cô ấy cũng đang hốt hoảng như tôi.
- Ông Nam tước không làm gì giúp được tôi – cô ấy nói, mặt tái mét vì lo sợ – tôi không thể đến nhờ ai khác được, Sayuri, cô nên tìm một người nào đó để nhờ, cô hãy đi tìm nhanh lên.
Khi ấy tôi đã mất liên lạc với ông Nobu hơn bốn năm rồi. Tôi thấy không thể đến tìm ông ta được. Còn phần ông Chủ tịch – phải, tôi có thể kiếm cớ để nói chuyện với ông ta, nhưng hỏi nhờ cậy ông thì chắc không được. Tuy nhiên, mặc dù ông ta đã tỏ ra thân mật với tôi ngoài hành lang đấy, nhưng ông ta không mời tôi đến dự tiệc, thậm chí cả khi ông ta chỉ có những geisha hạng xoàng. Tôi cảm thấy đau đớn vì chuyện này, nhưng tôi có thể làm gì được? Vả lại, cho dù ông Chủ tịch muốn giúp tôi, thì việc ông ta xích mích với chính quyền quân nhân vừa rồi đã được báo chí đăng tải, chắc bây giờ ông ta cũng đang gặp chuyện rắc rối.
Cho nên tôi đi suốt cả buổi chiều từ phòng trà này sang phòng trà khác dưới trời lạnh như dao cắt, tôi hỏi về một số đàn ông tôi không gặp nhiều tuần hay thậm chí đã nhiều tháng. Không bà chủ phòng trà nào biết họ ở đâu.
Tối đó, phòng trà Ichiriki bận rộn về nhiều buổi tiệc chia tay. Giới geisha tỏ ra lạnh nhạt đối với những buổi tiệc như thế này. Có cô geisha trông như mất hồn, có người như tượng Phật – bình thản, dễ thương, nhưng phảng phất nét buồn. Tôi không thể nói được tôi trông như thế nào, nhưng tâm trí tôi như cái bàn tính, tôi bận tính toán cái này cái kia, suy nghĩ để xem tôi phải đến tiếp xúc với người nào, và phải nói năng với họ ra làm sao, đến nỗi tôi không nghe được tiếng một chị giúp việc nói cho tôi biết có người ở phòng bên kia đang muốn gặp tôi. Tôi đoán chắc một tốp đàn ông yêu cầu tôi sang ngồi với họ cho vui, nhưng chị ta dẫn tôi lên lầu, đi dọc theo hành lang tầng hai ra tận phía sau phòng trà. Chị ta mở cửa một căn phòng có trải thảm rơm, trước đây chưa bao giờ tôi vào phòng này. Và nơi chiếc bàn trong phòng, ông Nobu ngồi một mình với ly bia.
Tôi chưa kịp cúi chào và nói tiếng nào, ông ta đã lên tiếng:
- Sayuri, cô đã làm cho tôi thất vọng.
- Trời ơi! Từ bốn năm nay em chưa có vinh dự được hầu ông, thưa ông Nobu, thế mà mới gặp ông, em đã làm cho ông thất vọng. Em đã làm gì sai lầm mà nhanh thế?
- Tôi đã đoán thế nào khi thấy tôi, cô cũng há hốc mồm kinh ngạc.
- Đúng thế. Em quá kinh ngạc đến nỗi không nhúc nhích được.
- Vào trong phòng để cho chị hầu đóng cửa lại, nhưng trước hết, bảo họ mang thêm ly và bia. Có chuyện khiến cho cô và tôi phải uống.
Tôi làm theo lời ông Nobu rồi đến quỳ ở cuối bàn, cái góc bàn nằm giữa hai chúng tôi. Tôi cảm thấy mắt của ông Nobu nhìn vào mặt tôi như thể ông ta sờ vào tôi. Tôi đỏ mặt như đứng dưới ánh mặt trời nóng bức, vì tôi cảm thấy sung sướng được ông ta chiêm ngưỡng.
- Mặt cô hốc hác chứ không phải như trước – ông ta nói – đừng nói vì cô đói như những người khác. Không bao giờ tôi tin một việc như thế xảy ra cho cô.
- Ông trông cũng gầy hơn trước.
- Tôi có đủ thức ăn. Chỉ có điều không có thì giờ mà ăn thôi.
- Em mừng vì ít ra ông có công việc để bận bịu.
- Từ trước đến giờ tôi mới nghe một điều kỳ cục hết sức như thế này. Khi cô thấy một người đàn ông tránh được đạn để sống còn, có phải cô mừng cho anh ta khi anh ta có việc gì để làm cho hết thì giờ phải không?
- Em hy vọng ông không muốn nói ông
thật sự
lo sợ cho cuộc sống của mình…
- Không có ai ở ngoài đợi để giết tôi hết, nếu cô muốn nói như thế. Nhưng nếu công ty đồ điện Iwamura là lẽ sống của tôi, thì đúng thế, tôi sợ cho nó thật. Bây giờ nói cho tôi biết điều này, ông danna của cô ra sao rồi?
- Em nghĩ ông Tướng cũng sống như chúng ta thôi. Ông hỏi han đến ông ấy thật tốt quá.
- Ồ, tôi hỏi không có ý tốt đâu.
- Rất ít người có hảo ý với ông ta. Nhưng thôi, nói chuyện khác đi ông Nobu, có phải đêm nào ông cũng đến phòng trà Ichiriki này, nhưng vì không muốn gặp em nên dùng căn phòng đặc biệt trên lầu này phải không?
- Đây là căn phòng đặc biệt à? Theo tôi thì đây chỉ là căn phòng không thưởng thức được cảnh đẹp ngoài vườn. Nó hướng ra phía đường, nếu cô mở mấy màn giấy ấy ra.
- Ông Nobu biết căn phòng rõ đấy chứ.
- Không phải đâu, đây là lần đầu tiên tôi dùng nó.
Tôi nhăn mặt nhìn ông ta để tỏ ý tôi không tin.
- Cô muốn nghĩ sao thì nghĩ, tuỳ cô, cô Sayuri à, nhưng thú thật chưa bao giờ tôi dùng phòng này. Tôi nghĩ đây là phòng ngủ cho khách ngủ qua đêm, khi bà chủ có khách nào cần ở lại. Bà ấy có lòng tốt để cho tôi dùng phòng này đêm nay khi tôi trình bày cho bà nghe tại sao tôi đến đây.
- Bí mật quá nhỉ? Vậy ông đến đây có mục đích. Em muốn biết lý do có được không?
- Tôi nghe có tiếng chân chị hầu mang bia đang đi đến. Khi chị ấy đi rồi, cô sẽ biết.
Cửa mở, chị hầu để bia lên bàn, bia là món giải khát hiếm hoi, cho nên uống bia như uống nước vàng. Khi chị hầu đi rồi, chúng tôi nâng ly. Nobu nói:
- Tôi đến đây để ăn mừng danna của cô!
Nghe ông ta nói, tôi để ly bia xuống.
- Ông Nobu, em nghĩ chúng ta người nào cũng có thể có vài chuyện để ăn mừng. Nhưng còn chuyện ông uống mừng cho danna của em, chắc em không tài nào hiểu cho nổi.
- Tôi phải nói cho cụ thể hơn. Ở đây ta uống mừng vì danna của cô quá điên khùng! Bốn năm trước, tôi đã nói ông ta là đồ vô dụng, và ông ta đã chứng minh cho lời tôi nói là đúng. Cô không thấy thế sao?
- Thực ra thì… ông ta hết là danna của em rồi.
- Thì đúng thế! Và cho dù ông ta còn, thì ông ta cũng không thể làm gì được cho cô, phải không? Tôi biết Gion sắp đóng cửa, mọi người hoảng hốt vì chuyện này. Hôm nay ở văn phòng, tôi nhận được một cú điện thoại của một cô geisha… Tôi không muốn nêu tên cô ta ra… nhưng cô biết cô ta nói gì không, cô ta nhờ tôi tìm cho cô ta một công việc làm ở công ty Iwamura.
- Ông có thể cho em biết ông trả lời cô ta ra sao không?
- Tôi không có việc gì cho cô ta hết, ngay cả tôi cũng không. Thậm chí cả ông Chủ tịch rồi cũng hết việc, và nếu ông ấy không làm theo đơn đặt hàng của chính phủ thì có thể ông ta phải đi ở tù nữa. Ông ấy đã trả lời họ là chúng tôi không có phương tiện để chế dao găm và bao đựng đạn, nhưng bây giờ họ muốn chúng tôi chế tạo các thiêt bị để ráp máy bay chiến đấu! Đôi lúc tôi tự hỏi không biết những người này nghĩ gì.
- Ông Nobu nên nói nhỏ hơn một chút.
- Ai sẽ nghe tôi, ông Tướng của cô à?
- Nói đến ông Tướng, em xin cho ông biết hôm nay em có đến gặp ông ta, để nhờ ông ta giúp đỡ.
- Cô gặp may là ông ta còn sống để gặp cô.
- Ông ta bệnh à?
- Không phải bệnh, nhưng nếu ông ta can đảm, chắc ông ta tìm chỗ tự tử rồi.
- Ông Nobu, xin ông.
- Ông ta không giúp cô, phải không?
- Không, ông ta nói ông ta hết ảnh hưởng với các nơi rồi.
- Hết thời thì hết ảnh hưởng thôi. Tại sao ông ta không dành một chút ảnh hưởng nào để giúp cô?
- Hơn một năm nay em không gặp ông ta.
- Cô không gặp tôi hơn bốn năm nay, và tôi
đã
dành ảnh hưởng tối đa để giúp cô. Tại sao cô không đến để gặp tôi?
- Em cứ tưởng ông giận em mãi, ông Nobu, nhìn vào ông thì biết! Làm sao em đến tìm ông cho được?
- Sao lại không được? Tôi có thể cứu cô khỏi làm việc trong các nhà máy. Tôi có chỗ ẩn náu rất an toàn. Cứ tin tôi đi, chỗ này rất an toàn, giống như cái tổ cho con chim. Cô là người duy nhất tôi dành cho cô chỗ ấy đấy, Sayuri à. Và tôi chỉ cho cô chỗ ẩn náu ấy chừng nào cô ra trước mặt tôi, cúi người tận sát nền nhà để nói với tôi rằng cô đã phạm sai lầm trong bốn năm qua. Cô nói tôi giận cô là đúng đấy! Chúng ta có thể chết cả hai trước khi gặp lại nhau. Có thể tôi đã để mất cơ hội của mình. Và không phải vì thế mà cô gạt tôi sang một bên. Cô đã tiêu phí những năm tháng đẹp nhất của đời cô cho một thằng điên, một thằng không trả được nợ cho tổ quốc, cũng như ít nhiều cho cô. Hắn tiếp tục sống như thể hắn không làm gì sai trái.
Anh có thể tưởng tượng được tâm trạng của tôi lúc ấy ra sao, vì Nobu là người nói năng cứng rắn như đá. Không phải chỉ lời nói và ý nghĩa làm cho người ta khó chịu, mà chính cái cách ông ta nói. Thoạt tiên tôi quyết định không khóc, bất chấp ông ta muốn nói gì thì nói, nhưng sau đó tôi nghĩ khóc mới là điều ông Nobu mong muốn nơi tôi. Và khóc thì quá dễ dàng, như thả tờ giấy ra khỏi mấy ngón tay. Mỗi giọt nước mắt chảy xuống má tôi đều có một lý do khác nhau. Tôi có nhiều điều cần phải khóc! Tôi khóc cho Nobu và cho tôi, tôi khóc vì tự hỏi cuộc đời chúng tôi rồi sẽ ra sao. Thậm chí tôi khóc cho Tướng Tottori, và cho Korin, cô ta gầy đét, đen đủi vì làm việc trong nhà máy. Rồi tôi làm theo lời yêu cầu của Nobu. Tôi xích ra xa cái bàn cho rộng chỗ, rồi cúi người sát xuống nền nhà.
- Xin ông tha lỗi cho em vì em quá điên khùng – tôi nói.
- Ồ, đứng lên khỏi chiếu đi. Tôi rất sung sướng nếu cô nói cô sẽ không phạm sai lầm như thế nữa.
- Em sẽ không phạm nữa.
- Thời gian cô sống với ông ấy thật phí phạm! Những điều tôi nói với cô đều xảy ra đúng hết, phải không? Có lẽ bây giờ cô đã biết sống theo số phận rồi.
- Em sẽ sống theo số phận, ông Nobu à. Em không mong gì ở cuộc đời này nữa.
- Tôi rất mừng khi nghe cô nói thế. Mà số phận sẽ dẫn cô đi đâu?
- Dẫn đến người điều hành công ty đồ điện Iwamura – tôi đáp. Dĩ nhiên tôi nghĩ đến ông Chủ tịch.
- Được đấy – Nobu nói – Bây giờ ta cụng ly uống cùng nhau.
Tôi chỉ hớp một chút, vì tôi quá bối rối và quá buồn nên không thấy khát. Sau đó, ông Nobu nói cho tôi biết về cái tổ mà ông đã để dành cho tôi. Đấy là nhà người bạn thân của ông ta, ông Arashino Isamu, người làm áo kimono. Tôi không biết anh còn nhớ ông ta không, ông ta là khách danh dự ở buổi tiệc tại nhà ông Nam tước nhiều năm về trước, buổi tiệc có cả ông Nobu và bác sĩ Cua tham dự. Nhà của ông Arashino, đồng thời là xưởng thợ của ông ta, nằm trên bờ thượng nguồn sông Kame, cách Gion khoảng năm cây số. Trước kia, ông ta cùng vợ và con gái làm kimono theo kiểu Yasen, kiểu này thật đẹp và nhờ thế ông được nổi tiếng. Nhưng mới đây, tất cả thợ may kimono đều phải may dù cho lính dù – vì họ quen với việc may vá. Ông Nobu nói rằng đây là công việc tôi có thể học hỏi rất nhanh, và gia đình Arashino sẽ rất bằng lòng nhận tôi. Ông Nobu sẽ đích thân đi thu xếp với chính quyền để tôi được đến ấy. Ông viết cho tôi địa chỉ nhà của ông Arashino trên miếng giấy rồi đưa cho tôi.
Tôi cám ơn ông Nobu nhiều lần, mỗi lần tôi cám ơn là ông ta nhìn tôi với vẻ hài lòng. Khi tôi định đề nghị chúng tôi đi dạo một vòng dưới trời tuyết mới rơi, thì bỗng ông ta nhìn đồng hồ rồi uống hết ly bia.
- Sayuri, – ông ta nói với tôi – Không biết khi nào chúng ta gặp lại nhau hay khi chúng ta gặp lại nhau thì thế giới sẽ như thế nào. Cả hai chúng ta đã chứng kiến những việc rất khủng khiếp. Nhưng tôi sẽ nghĩ đến cô mỗi khi tôi muốn nhắc nhở mình nhớ rằng trên đời này luôn luôn có cái Mỹ và cái Thiện.
- Ông Nobu, đáng ra ông phải làm thi sĩ mới phải!
- Chắc cô biết quá rõ nơi người tôi không có gì nên thơ hết.
- Có phải những lời hay ho của ông là dâu hiệu cho biết ông sắp về không? Em muốn chúng ta cùng đi bộ một vòng.
- Trời lạnh quá. Nhưng cô có thể ra đứng ở cửa tiễn tôi ra về, và chúng ta chia tay nhau ở đây.
Tôi theo ông Nobu đi xuống thang lầu đến cửa trước, tôi ngồi xổm xuống để giúp ông ta mang giày. Sau đó tôi mang giày gỗ đế cao
Geta
vì trời tuyết, rồi tiễn ông Nobu ra tận đường. Mây năm trước thế nào cũng có xe hơi đến đón ông ta, nhưng bây giờ chỉ có viên chức cao cấp của chính quyền mới có xe để đi, và hầu hết mọi người đều không tìm ra xăng dễ dàng. Tôi đề nghị tiễn ông ta đi một đoạn, nhưng ông ta nói:
- Bây giờ tôi không muốn có cô đi theo. Tôi đến họp với nhà đại lý ở Kyoto. Tôi đang có rất nhiều việc phải giải quyết.
- Ông Nobu, em thú thật em rất thích những lời chia tay khi ở trong phòng trên lầu.
- Vậy thì lần sau đến đấy nữa.
Tôi cúi chào, nói lời chia tay. Đàn ông đi trên đường đều quay mặt nhìn Nobu, nhưng ông vẫn bước ào ào trong tuyết đến tận góc đường rồi rẽ qua đại lộ Shijo và biến mất. Tôi đứng nhìn, trên tay nắm chặt tờ giấy ông ta viết địa chỉ của ông Arashino. Tôi nhận ra tôi bóp chặt tờ giấy thiếu điều nó muốn nát vụn ra. Tôi không ngờ tôi quá căng thẳng và lo sợ đến thế. Nhưng sau một hồi nhìn tuyết rơi, nhìn vào dấu chân của Nobu in trên tuyết đến tận góc đường, tôi cảm biết nguyên do nào làm cho tôi bối rối lo sợ. Khi nào tôi sẽ gặp lại ông Nobu? Hay khi nào tôi có thể gặp lại ông Chủ tịch? Hay biết có thấy lại Gion hay không? Một lần nữa, tôi cảm thấy mình như hồi còn nhỏ khi bị lôi ra khỏi nhà. Tôi thấy chính những kỷ niệm của những năm tháng kinh hoàng ấy đã làm cho tôi cảm thấy hết sức cô đơn.