• 534

14.


Số từ: 2933
Nguyễn Thị Hương Thảo dịch
C.ty Nhã Nam phát hành
Nhà xuất bản Hội nhà văn

Mẹ không thể tin con lại từ chối Dolly,
mẹ tôi nói.
Phải có lý do nào chứ?

Mẹ tôi đã khơi lại chủ đề này lần thứ hai mươi trong vòng ba ngày vừa rồi. Bố tôi muộn mới về nhà bởi thế mẹ tôi đã đánh liều mời chị gái mình tới ăn trưa. Có những người đàn ông Ấn Độ không thể chấp nhận bất cứ niềm vui sướng nào trong cuộc đời vợ mình, bao gồm cả việc gặp gỡ anh chị em ruột của họ.

Pammi sắp sửa mua thêm một căn nhà ở khu bên cạnh. Cô ấy nói là để cho con gái,
bác Shipra nói, xát muối vào vết thương của mẹ tôi. Mẹ tôi gục đầu xuống.

Dì lại sắp phạm một lỗi lầm y hệt. Dì đã chọn cưới một người lính. Dì nói rằng họ là những người biết hy sinh. Chúng ta đã thấy chú ấy hy sinh chừng nào rồi đấy. Dì đã sống cả cuộc đời bất hạnh và nghèo khổ.

Mẹ tôi gật đầu như để thừa nhận lời nhận xét của chị gái mình. Bác Shipra đã cưới một người giàu có. Chồng bác ấy, một doanh nhân lắp bồn vệ sinh, đã kiếm bộn tiền nhờ xây những cái toa lét. Mẹ tôi đã trân trọng những thứ ngu ngốc như phẩm chất, học thức và tính chất công việc, và rồi phải chịu khổ. Và theo bác Shipra, tôi sắp sửa làm điều tương tự.

Con bé Madras đó sẽ kiếm được bao nhiêu tiền chứ?
bác Shipra hỏi vặn.
Dolly sẽ mang đầy đủ các thứ tới cho nhà dì. Lần cuối cùng dì mua một thứ gì mới là khi nào? Nhìn này, đến cái bàn ăn của dì cũng lung lay rồi.

Bác Shipra vỗ vào bàn ăn, thế là mấy cái chân bàn lung liêng. Tôi ấn tay lên mặt bàn để làm giảm tác động của bác.

Chị bảo, gặp Pammi một lần nữa và xác định cho xong đi,
bác Shipra gợi ý.
Dì đang nghĩ gì vậy?
bác hỏi sau một phút.
Dì có biết Pammi mua điện thoại rồi không, cái loại mang theo khắp mọi nơi được ấy?


Điện thoại không dây ấy à…
mẹ tôi nói.

Không phải điện thoại không dây, loại mới mà hai mươi nghìn rupi một cái cơ. Dì có thể mang nó đi khắp Delhi được. Đưa chị lọ dưa chuột muối,
bác Shipra nói. Bác ăn thật nhanh để bù lại khoảng thời gian đã mất cho đoạn độc thoại.
Điện thoại di động đã được đưa vào Ấn Độ dạo gần đây. Một phút nói chuyện có giá hơn một lít xăng. Khỏi phải nói, đó là thứ đồ chưng diện mới nhất của người Punjab ở Dehli.

Còn chuyện nhà văn nhà viếc là sao? Dolly nói cháu sẽ bỏ việc ở ngân hàng để làm nhà văn.


Gì cơ?
mẹ tôi há hốc mồm.

Vào một lúc nào đó, sau khi con đã dành dụm được ít tiền,
tôi nói và cầm đĩa của mình lên bước vào bếp.

Dì cứ dạy dỗ cho lắm vào, rồi nó thành ra thế này đây,
bà bác tôi nói.

Em làm sao biết nó lại muốn thành nhà văn. Chuyện này bắt đầu từ khi nào thế?
mẹ tôi quay sang hỏi khi tôi từ bếp trở vào.

Hẳn là con bé Nam Ấn đó đã bảo thằng bé. Chúng nó thích sách vở mà,
bác Shipra nói.
Tôi đấm tay xuống bàn. Những chân bàn rung lên. Có lẽ chúng tôi cần thay nó thật.

Chẳng ai bắt cháu làm nhà văn cả. Mà đó cũng không phải việc của bác, bác Shipra.


Nhìn nó kìa, hẳn cái bọn sạm xịt đó đã dùng phép thuật đen của chúng,
bác Shipra nói.
Ngu ngốc vừa thôi, Kavita, hãy nói với Pammi rằng nó sẽ vẫn ở lại Citibank và làm ra rất nhiều tiền. Hãy để nó có cái giá của nó.

Tôi trừng trừng nhìn mọi người quanh bàn, đoạn bước tới xô pha ở phòng khách và nhặt một tờ báo lên. Trang kén vợ tuyển chồng mở ra. Tôi ghê tởm ném nó đi.

Vậy hãy tìm một vài đứa có học thức. Con muốn gặp những cô gái có học chứ?
mẹ tôi đấu dịu.

Bạn gái con có học thức. Con thích cô ấy. Cô ấy có công việc, xinh đẹp, đoan trang, chăm chỉ và cư xử rất đúng mực. Mẹ còn muốn gì nào?


Con trai,
bác Shipra nói, giọng dịu xuống để làm hòa,
tất cả đều tốt cả. Nhưng sao chúng ta có thể cưới người Madras chứ? Mai kia rồi các anh chị em của con sẽ muốn cưới cả người Gujarat nữa đấy.


Hoặc người Assam?
mẹ tôi phụ họa.

Trời ơi!
bác Shipra nói.

Thế thì sao nào? Chẳng phải họ đều là người Ấn Độ à? Họ không thể là người tốt hay sao?
tôi hỏi.
Bác Shipra quay sang mẹ tôi.
Thằng con dì thế là xong. Tôi xin lỗi, nhưng thằng bé này giờ hết thuốc chữa rồi.

Chuông cửa vang lên hai lần. Nỗi kinh hoảng trải khắp căn nhà vì bố tôi đã trở về nhà sớm hơn mọi khi. Tôi chẳng bao giờ chào mừng ông về nhà. Dù vậy, tôi vẫn vui vì điều đó có nghĩa là bác Shipra sẽ đi bây giờ.

Chào chú Jija,
bác Shipra nói khi bố tôi bước vào trong nhà.
Bố tôi không trả lời. Ông nhặt tờ báo vứt ở dưới sàn lên và gập nó lại.

Tôi nói chào chú Jija,
bác Shipra nói và cười. Bác sẽ không chịu bỏ cuộc dễ dàng.

Tôi thích chị nói lời từ biệt hơn là chào gặp mặt,
bố tôi đáp lời. Về cái khoản dùi đục chấm mắm cáy thì chẳng ai bằng ông.

Em gái tôi mời tôi đến đấy,
bác Shipra nói.

Người vô dụng mời người vô dụng,
bố tôi nói.
Bác Shipra quay sang mẹ tôi.
Chị đến đây không phải để bị sỉ nhục đâu. Chỉ có dì mới chịu đựng được chú ấy. Quyết định tồi tệ nhất của đời dì,
bác Shipra vừa lẩm bẩm vừa nhặt túi xách lên để ra về.

Tôi sẽ rất cảm kích nếu như chị không xía mũi vào chuyện của nhà tôi,
bố tôi nói và đưa cho bác một chiếc túi màu nâu. Đó là túi kẹo mà bác Shipra đã mang tới cho chúng tôi. Họ nhìn nhau.

Cầm lấy không thì tôi ném vào sọt rác đấy,
bố tôi nói.
Tôi đứng dậy định cãi. Mẹ tôi ra hiệu cho tôi thôi đi. Bác Shipra đã tới cửa chính. Tôi tiễn bác ra để đóng cửa. Tôi chạm vào hai chân bác, để chiếu lệ hơn là để bày tỏ sự tôn kính.

Con trai, giờ đừng đưa ra những quyết định ngu ngốc như mẹ con. Hãy cưới một cô gái Punjab tốt trước khi họ biết được sự thật về bố con. Dolly tốt đấy.

Tai bố tôi cũng tinh sắc như miệng lưỡi ông vậy.
Có chuyện gì thế? Dolly là đứa nào?
ông quát to.
Bác Shipra đóng cửa và ra về. Chẳng ai trả lời cả.

Bà đang đi xem mặt lũ con gái đấy à?
bố tôi tra vấn mẹ tôi.
Mẹ tôi yên lặng.

Mày đi xem mắt đứa con gái nào à?


Phải,
tôi nói. Tôi thấy vui vì mình đã trả lời thế, chỉ để trêu tức ông.

Tao sẽ…
ông gào lên với mẹ tôi và giơ tay lên.

Bố đừng có nghĩ tới chuyện đó!
Tôi bước gần tới ông.

Trong nhà này, tao là người đưa ra quyết định,
bố tôi nói. Ông cầm một chiếc cốc thủy tinh lên và đập xuống sàn vỡ tan. Cái thói hung bạo với mẹ tôi cuối cùng cũng xổ ra.

Có vẻ bố cũng đủ lớn để nhặt chúng lên rồi đấy,
tôi nói và bước về phía bếp.

Đừng đi chân trần,
mẹ nói lớn. Bà cúi người xuống nhặt những mảnh thủy tinh vỡ. Cơn giận sôi sục trong tôi. Không chỉ giận bố tôi, mà cả mẹ tôi nữa; sao mẹ có thể bỏ qua cho ông ta chuyện đó và lặng lẽ đi dọn dẹp vậy?

Không hiểu sao tao lại vào căn nhà này nữa,
bố tôi nói.

Tôi cũng nghĩ như thế đấy,
tôi nói.

Thằng mất dạy, mày dám nói thế à?
ông ta quát lên với tôi như thể đang quát đám lính dưới quyền mình mười năm trước đây.

Krish, ra chỗ khác ngay,
mẹ tôi nói.

Nó mà là con trai tôi à. Chẳng có đứa con nào nói chuyện với bố mình như thế cả.


Cũng chẳng có ông bố nào cư xử như thế này,
tôi nói.
Mẹ tôi đẩy tôi về phòng ngủ. Bố tôi nhìn quanh tìm thứ gì mới để quát tháo hay đập phá. Chẳng tìm được gì, ông ta bèn quay đầu bước ra ngoài. Cánh cửa đóng sầm lại, ai nấy trong nhà đều thở phào nhẹ nhõm.
Mẹ tôi vào phòng tôi sau khi dọn sạch chỗ thủy tinh vỡ ở phòng khách. Bà tiến lại ngồi lên giường sát cạnh tôi. Tôi không nhìn bà. Bà giữ cằm tôi và quay mặt tôi về phía bà.

Mẹ để bố làm thế nên bố mới làm thế. Sao mẹ phải dọn dẹp chứ?
Tôi dằn dỗi.

Vì nếu không thì ông ấy còn đập những chiếc cốc khác nữa. Và rồi chúng ta sẽ không có cốc cho khách uống nước,
mẹ tôi nói.
Đừng lo. Mẹ có thể lo liệu được ông ấy.

Tôi nhìn mẹ, một giọt nước mắt lăn trên má bà. Tôi cũng cảm thấy mắt mình ươn ướt.

Mẹ phải rời bỏ ông ấy đi thôi,
tôi nói khi hai mẹ con đã bình tĩnh trở lại.

Không đơn giản thế đâu,
bà nói.

Giờ con sắp kiếm ra tiền rồi,
tôi nói.

Mẹ không sao. Chín mươi phần trăm thời gian ông ấy có ở đây đâu. Ông ấy đi với hội đồng ngũ của ông ấy, thăm thú những người bạn làm ăn và cùng bọn họ thử những kế hoạch làm ăn ngu ngốc.


Gì cơ? Giống như dịch vụ an ninh đó sao?
Tôi giễu cợt.

Đúng thế, nhưng ông ấy cãi cọ với khách hàng ngay lần gặp đầu tiên. Nên họ không cảm thấy yên tâm cho lắm,
mẹ tôi nói.
Tôi cười to.

Mẹ có thể kiểm soát ông ấy. Chính con mới là người nóng giận và đối đầu với ông ấy,
mẹ tôi nói.

Ông ấy khơi mào trước mà. Cần gì phải xúc phạm bác Shipra chứ?


Ông ấy sẽ không thay đổi đâu. Bác Shipra đã quen điều đó rồi. Mẹ lo con sẽ sống chung thế nào với ông ấy khi con làm việc ở Delhi cơ. Có lẽ con nên ở nhà tập thể của công ty.


Hoặc có lẽ con không nên ở Delhi.


Con đang nói gì thế?


Con không thể chịu đựng được ông ấy.


Thế con định đi đâu?


Con không biết nữa, mẹ ạ. Con chỉ có thể bày tỏ một nguyện vọng với Citibank. Chẳng có gì đảm bảo cả. Thêm nữa nhiệm kỳ công tác cũng chỉ có hai năm.


Con chọn Delhi chứ?

Tôi không trả lời. Ý nghĩ về việc ở Delhi và gặp gỡ những cô gái Punjab ngớ ngẩn vào ban ngày và bố tôi vào ban đêm đã trở nên không hấp dẫn chút nào.

Con đi đâu thì mẹ sẽ theo đó chứ,
tôi nói.

Gì cơ? Mẹ không thể rời Delhi được. Tất cả họ hàng nhà mình đều ở đây. Con sẽ đi làm cả ngày. Mẹ biết làm gì ở một thành phố mới chứ?


Con muốn đến Chennai,
tôi nói.

Trời ơi!
Tâm trạng điềm tĩnh của mẹ tôi đã chuyển sang quá khích. Bà đứng bật dậy khỏi giường.
Mẹ thấy chuyện này còn khó đương đầu hơn là chuyện bố con. Con điên rồi sao?


Không, con thích Ananya. Con muốn cho mối quan hệ của chúng con một cơ hội.


Con định trở thành một người Madras sao?


Con không định trở thành ai cả. Con chỉ tới đó để sống thôi. Và Citibank sẽ điều chuyển đến chỗ khác sau hai năm.


Mẹ phải đi xem bói mới được. Mẹ không biết đợt này con đang bị làm sao nữa.


Chẳng làm sao đâu mẹ. Con đang yêu.


Tình yêu chẳng là thá gì cả, con trai ạ,
mẹ tôi vỗ vỗ má tôi và rời khỏi phòng.

Đến ngày cuối tôi mới nộp bản khai cho Citibank. Tôi cứ giữ đầu bút ở câu hỏi
nơi làm việc mong muốn
. Nó yêu cầu lựa chọn ba nơi theo thứ tự ưu tiên, tôi không thể điền được.

Anh gửi bản khai rồi chứ?
Ananya hỏi qua điện thoại.

Anh sẽ gửi. Sắp xong rồi,
tôi nói.

Anh điên hay sao thế? Hôm nay là ngày cuối cùng rồi. Anh điền Chennai rồi, phải không?


Ừ,
tôi nói và gác máy.
Tôi liếc nhìn lần cuối cùng vào bản khai. Tôi nhìn Thượng đế trên cao và nhờ người định đoạt tình yêu của tôi. Tôi điền vào bản khai:
Nơi làm việc ưa thích:
1. Chennai hoặc Delhi (mức độ ưa thích như nhau)
2. -
3. -
Tôi dán bản khai lại và mang nộp ở chi nhánh ngân hàng. Tôi về giường và mở lá thư Ananya gửi tuần trước. Đêm nào tôi cũng đọc nó trước khi đi ngủ.
Chào chàng trai Punjab quyến rũ của em,

Nhớ em không? Em nhớ anh. Em nhớ những cái ôm của chúng mình, em nhớ những lần mình đi dạo trong trường, em nhớ khi chúng mình học cùng nhau và đi uống chai[24] vào nửa đêm, em nhớ cảnh chạy về ký túc xá của mình mỗi buổi sáng để đánh răng, em nhớ cảnh ăn pao bhaji ở charrasta với anh, em nhớ trò đá chân trong thư viện, em nhớ những cái liếc trộm nhau trong lớp học, em nhớ những điểm kém của em và những giọt nước mắt mà sau đó anh đã lau cho em, em nhớ anh đã nhìn em kẻ mắt như thế nào, em nhớ… ồ, anh đã hiểu rồi đấy, em nhớ anh khiếp lên được.
Ở Chennai thì em vẫn ổn. Mẹ em thì kiểu như lúc nào cũng bấn loạn, bố em thì vẫn im lặng như mọi khi còn em trai em thì luôn có những quyển sách có ghi Vật lý, Hóa học và Toán trên bìa. Nói cách khác, mọi thứ bình thường cả. Em đã nhắc lại về anh với mẹ một lần nữa. Bà đã mời một tu sĩ đến nhà cho em một chiếc bùa để làm em quên anh đi. Chà, em chẳng bao giờ nghĩ họ lại phản đối anh như thế. Cái bùa đó thì thấm tháp gì mà đòi làm em quên anh cơ chứ, nhưng để cẩn thận hơn, em đã ném nó xuống vịnh Bengal ở bãi biển Marina rồi. Em đã không nhắc đến anh kể từ khi đó, bởi vì em biết anh sẽ tới Chennai và mê hoặc họ như anh đã mê hoặc em vậy.
Tạm biệt nhé, tình yêu của em,
Ananya.
Tái bút: Ồ, em chưa nói nhỉ, em nhớ lúc làm tình nữa.

Tôi đọc lá thư chục lần rồi. Tôi đọc câu cuối cùng đã cả trăm lần. Tôi muốn đến với cô ngay lúc này. Tôi nhận ra rằng mình đã có thể viết
Chennai
vào bản khai, nhưng tôi đã chơi súc sắc với tình yêu của mình do những cảm giác mơ hồ về bổn phận và tội lỗi với gia đình. Tôi tự hỏi liệu Citi có cần nhiều người ở Delhi hơn không, vì tiền bạc tập trung cả ở đó? Suy cho cùng thì một người Punjab sẽ có khả năng mở một tài khoản nước ngoài hơn nhiều so với một người Tamil. Và tôi là người Punjab, bởi thế họ sẽ để tôi ở Delhi. Có gì đó đang rên rỉ trong tôi. Tôi đọc mãi, đọc mãi lá thư cho tới khi ngủ thiếp đi.
Một tuần sau đó, tôi nhận được một cuộc gọi tới nhà. Mẹ tôi cầm máy và nói rằng cuộc gọi từ một anh chàng giọng nói như con gái.

Xin chào?
tôi nói.

Chào Krish, tôi là Devesh từ phòng nhân sự Citi đây.


Ồ, chào Devesh. Anh thế nào?


Tôi ổn, tôi chỉ muốn báo cho cậu biết ngày và địa điểm cậu bắt đầu đi làm.

Tim tôi bắt đầu đập nhanh hơn.
Vâng,
tôi nói. Phấn khích và hồi hộp.

Cậu sẽ bắt đầu vào mồng một tháng Sáu.


OK.


Và chúng tôi bố trí cậu ở Chennai.

Màn pháo hoa tưởng tượng nổ tung trên bầu trời Delhi. Lần đầu tiên trong đời mình tôi cảm thấy thật lòng yêu quý Devesh, phòng nhân sự và Citibank.
= =
• Chú thích •
[24] Một thứ đồ uống phổ biến của người Ấn, được chế biến từ trà đen, gừng và các gia vị khác, pha thêm sữa đặc.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Khi yêu cần nhiều dũng cảm.