Chương 10
-
Khóc Giữa Sài Gòn
- Nguyễn Ngọc Thạch
- 3529 chữ
- 2020-05-09 02:22:29
Số từ: 3519
Biên tập: Lê Huy Vũ
NXB Hồng Đức
Sáng nay nắng tự dưng gắt gao, thay cho mấy ngày qua trời âm u, mây gợn đen như lòng người hỗn độn. Bài báo về bà cụ lừa đảo nằm giữa đường vẫn đang tiếp tục phát huy sức mạnh của mình. Người ta ra đường đã không còn quan tâm đến những người già cơ nhỡ vì chỉ quy chụp trong hai chữ, lừa gạt. Ân dừng xe ở một ngã tư, nhìn thấy có một cụ bà đang ngồi dưới nắng, tay chìa nón lá ra đằng trước, dưới chân là tấm bạt có mấy bịch tăm tre, tăm bông để trên. Bình thường, người ta dừng lại mua giúp hay cho tiền cũng nhiều, nay chẳng ai đoái hoài đến.
Ân thấy tội nghiệp bà cụ, bèn dừng xe, móc ra mười ngàn bỏ vào cái nón lá, nhận lại mấy cái cúi đầu cảm ơn, cùng ánh mắt dè bỉu của đám chạy xe bên cạnh. Có người lầm bầm,
Đồ ngu
, rồi rồ ga chạy mất. Ân mặc kệ, lắc đầu ngán ngẩm rồi cũng chạy đi.
Con đường vắng người qua lại, xe Ân dừng trước căn nhà nhỏ, bên ngoài chỉ có một tấm bảng ghi dòng chữ:
Chuyên viên tư vấn tâm lý Trịnh Hoài Mễ
. Ân đang lóng ngóng không biết gởi xe ra sao, trong nhà đã có cô gái trẻ mở cửa bước ra.
- Chị để xe đó đi, em coi cho, không sao đâu. - Thương mỉm cười đón Ân.
Ân bước vào nhà, nhìn một lượt cách trang trí đơn sơ, ấm cúng như một gia đình nhỏ của văn phòng Mễ. Sự bất an, lo lắng khi gặp người lạ của Ân nãy giờ được giảm đi chút ít.
- Chị là Ân phải không, chị Mễ đang ở trong phòng đợi chị, hai người vào nói chuyện với nhau nhé.
Ân bối rối gật gật đầu, theo hướng tay Thương chỉ mở cánh cửa gỗ bước vào phòng trong. Mễ đang ngồi chờ trên chiếc sofa giữa phòng, trên bàn đang có tách trà nóng nghi ngút khói. Thấy Ân, Mễ mỉm cười, ngoắc tay:
- Vào đây Ân, đừng ngại.
Mễ đứng dậy, kéo Ân lại chiếc ghế cạnh mình, để Ân ngồi xuống xong nhẹ nhàng đẩy tách trà nóng về phía Ân.
- Uống trà nhé, phụ nữ uống nhiều trà thì tốt cho cơ thể, chống được lão hóa.
Ân cầm tách trà, lí nhí trong miệng mấy chữ không rõ, Mễ đoán là
cảm ơn
. Coi bộ tình trạng rối loạn giao tiếp xã hội của cô gái trẻ này cũng không nhẹ.
- À, để chị đổi hương xông trong phòng... ưm... khuynh diệp Ân nhé, có tác dụng định thần, làm cho con người ta bớt đi rất nhiều lo lắng.
Ân cũng không trả lời, chỉ gật gật đầu, nhìn Mễ đứng dậy đi đến bên góc phòng, bật đèn xông tinh dầu rồi nhỏ vài giọt khuynh diệp vào. Chẳng bao lâu, cả căn phòng đã bắt đầu phảng phất mùi dễ chịu.
- Em và Phan quen nhau thế nào?
- Em... em làm cùng công ty. Em là kế toán.
- Vậy à, chị với Phan quen nhau lúc còn đi học bên Mỹ. Tính ra mình cũng có người quen chung Ân nhỉ. Phan giỏi dữ lắm, chẳng bù cho chị, không biết cách kiếm tiền được như Phan.
- Nhưng chị giỏi về thứ khác, về tâm lý.
- Ai cũng có thế mạnh, thế yếu, còn Ân, em thấy mình giỏi nhất điều gì?
Ân bối rối, hai bàn tay nắm chặt hơn ban nãy, lòng tay đã bắt đầu rịn mồ hôi. Mễ thoáng nhìn những biểu hiện đó của Ân.
- Em... em không có gì giỏi hết... em tệ lắm.
- Thật không? Chị là người theo dõi của em trên mạng xã hội đó. Chị thích mấy tấm hình em chụp và cách em suy nghĩ cho mỗi tấm hình đó.
- Chị có biết em trên mạng xã hội à?
Mễ gật đầu, nhận ra đôi tay Ân đã thả lỏng, hơi thở cũng không còn gấp gáp như ban nãy. Những nguyên tắc trong trò chuyện luôn được Mễ áp dụng vào các ca tư vấn của mình. Muốn có được lòng tin cũng như sự thoải mái của một người khi nói chuyện cùng họ, chúng ta nên đặt bản thân vào hai vị thế. Một là có cùng bạn bè, quen biết họ, hai là cùng sở thích, hoặc quan tâm đến thứ họ quan tâm.
- Biết chứ, những tấm ảnh em chụp được rất nhiều người thích mà. Cảm hứng từ đâu em chụp được những tấm ảnh đơn giản nhưng lại có chiều sâu như vậy?
- Em cũng không biết, em chỉ thấy khung hình đó đẹp thì lấy điện thoại ra chụp và chỉnh màu lại thôi.
- Vậy là em có năng khiếu về nhiếp ảnh. Như chị đây, muốn chụp một tấm hình ra hồn cũng không xong. - Mễ mỉm cười khi thấy Ân bẽn lẽn vì được khen. - Em có mê chụp hình không Ân?
- Dạ... có.
- Khi còn nhỏ, em có bao giờ nghĩ rằng mình lớn lên sẽ trở thành một nhiếp ảnh gia không?
- Em... em chưa từng nghĩ vậy. Còn nhỏ, em muốn lớn lên làm cô giáo.
- Chị em mình có thêm điểm chung rồi, lúc nhỏ chị cũng muốn làm cô giáo.
Ân hấp háy mắt, gương mặt giãn ra, sự căng thẳng còn sót lại cũng biến mất dần. Khi bước đầu có được sự tin tưởng của đối phương, chúng ta càng nên đưa ra những điểm tương đồng giữa hai người để sự tin tưởng được gia cố nhiều hơn.
- Em thích làm cô giáo lắm, nghĩ tới cảnh được mặc áo dài, đứng trên bục giảng là lại thấy mê ly.
- Chị thì hồi đó do thấy làm cô giáo oai lắm, tha hồ la đám học trò nên mới muốn lớn lên làm nghề đó... cũng may mà chị không làm cô giáo, không thì tội nghiệp đám học sinh, Ân ha. - Mễ nói xong bật cười, Ân cũng cười theo.
Nhận ra câu chuyện đã dễ dàng hơn giữa hai người, Mễ bắt đầu hướng vào vấn đề chính:
- À mà nếu Ân thích chụp ảnh thì phải thích đi đây đi đó, nhìn ngắm mọi vật, gặp nhiều người khác nhau phải không?
Nghe đến việc gặp nhiều người, hơi thở Ân bỗng dưng trở nên nặng nề hơn đôi chút:
- Em... chỉ thích ngắm cảnh, và chụp hình thôi, còn gặp người lạ, em thấy... khó chịu và hồi hộp lắm.
- Em khó chịu thế nào? Có thể kể chị nghe một chút không?
- Em cũng không biết phải diễn tả ra sao, cứ hồi hộp, tay chân lóng ngóng, tim đập mạnh... khó chịu lắm.
- Người ta làm gì để em sợ sao Ân?
- Không có... mọi người đâu làm gì em. Nhưng mà... em sợ ánh mắt họ nhìn mình, như họ đang săm soi em, đang tìm những lỗi lầm nhỏ nhất của em để chỉ trích. Em... sợ vậy lắm. Cứ như vậy, em không dám gặp ai và không tập trung làm được gì cả...
Tay Ân run mạnh hơn ban nãy, hơi thở gấp gáp, mắt ngân ngấn nước. Mễ nhận ra Ân vẫn chưa đủ sẵn sàng cho câu chuyện này, bèn tiến tới gần, đưa tay vòng ôm ngang vai Ân, vỗ về.
- Không sao đâu Ân. Như chị đây, cũng mới biết Ân và chị thấy Ân rất tuyệt vời, không sao đâu Ân.
Vai Ân trong tay Mễ bớt run rẩy, hơi thở cũng đã nhẹ nhàng hơn.
Căn bệnh Ân đang mắc phải không phải lần đầu tiên Mễ gặp. Đó là rối loạn tâm lý giao tiếp hay còn gọi cái tên khác là
ám ảnh xã hội
. Vài năm gần đây, khi mạng xã hội và cuộc sống ảo lên ngôi, cách thức liên lạc của con người từ trực tiếp cũng dần thành gián tiếp thông qua các công cụ điện tử. Chính vì vậy, nhiều người bắt đầu gặp vấn đề khi bị buộc phải giao tiếp trực tiếp.
Ám ảnh xã hội6 được xếp trong nhóm rối loạn lo âu quá mức, đặc điểm chính là sợ hãi trong các tình huống xã hội thông thường. Những biểu hiện về mặt sinh lý cơ thể có thể nhận ra là tim đập nhanh, đổ mồ hôi tay chân, khó chịu ở dạ dày, buồn nôn, đỏ mặt. Những đặc điểm này sẽ xuất hiện khi người bệnh cảm thấy khó chịu vì có người khác nhìn mình, phê bình hoặc những hành vi họ làm khiến bản thân rơi vào tình huống khó xử. Những biểu hiện này về lâu dài gây ra tác hại rất lớn cho người bệnh trong công việc cũng như các hoạt động xã hội khác. Đặc biệt, căn bệnh này thường xuất hiện ở nữ giới nhiều hơn nam, và vì nó xuất hiện khi xã hội phát triển, nên còn được gọi là
căn bệnh của thời đại mới
.
Ngay bữa mà Phan gọi Mễ, hỏi thăm để giới thiệu Ân đến khám, Mễ nghe sơ qua các triệu chứng đã lờ mờ đoán ra Ân mắc chứng ám ảnh xã hội, hôm nay gặp và nói chuyện chỉ để khẳng định lại. Phần còn lại, chỉ là giúp Ân thay đổi cách suy nghĩ, nhìn nhận vấn đề theo một hướng tích cực hơn để không quá bi lụy, cũng như cho Ân vài loại thuốc trong nhóm chống trầm cảm, chờ một thời gian xem mọi thứ có tiến triển tốt hơn không rồi sẽ tính tiếp.
Tâm lý con người, luôn luôn là thứ phức tạp và khó nắm bắt nhất.
Nam ngồi thu người trong góc phòng ngủ, cánh cửa kính vẫn đang mở ra để thấy Sài Gòn bên dưới chuyển động. Nam với tay lấy cái bình thủy tinh, nhìn làn khói mờ đục bên trong bằng ánh mắt vô hồn, rồi kê mũi, hít một hơi dài. Khói lan vào cơ thể, phủ kín giác quan, làm mọi thứ trước mắt Nam mờ ảo. Từ khi về sống cùng Phan, Nam đã hạn chế dùng meth.ice đến tối đa. Phan không cấm Nam vì biết cơn nghiện nào cũng phải cần thời gian để cắt bỏ chứ không thể trong tích tắc là làm được. Nhưng Nam biết Phan không thích, nên chỉ những lúc ở nhà một mình mới dám đem ra dùng.
Những ánh đèn đường bắt đầu chao nghiêng, loạng choạng. Nam lấy chai rượu vang, bật nút rồi đưa lên miệng, tu mấy ngụm liền. Tiếng nhạc trong phòng chậm nhẹ, rót vào lòng Nam cơn đau ma mị.
Come and ake a walk on the wild side
Let me kiss you hard in the pouring rain
You like your girls insane, so
Choose your last words
This is the last time
Cause you and I
We were born to die.
Những hình ảnh chảy dọc từ ký ức xuống trước mặt Nam.
Quân đang ngồi bó gối trên giường ngủ của Nam và Phan, điếu thuốc nhỏ trên miệng thả từng vòng khói trắng lan lan. Quân đưa tay cầm thuốc, quay nhìn Nam mỉm cười.
- Quân... Quân vẫn còn cười em ngu ngốc quá phải không Quân?
Quân im lặng, nụ cười cố hữu vẫn còn nguyên. Những đường nét trên gương mặt Quân dần thay đổi, vừa lạ lẫm, vừa thân quen, đến lúc Nam kịp nhìn lại, người ngồi đó đã không còn là Quân, mà là Thụy. Thụy cũng đang cười như Quân, những nụ cười nhợt nhạt vô hồn, Thụy không hút thuốc, miệng đang lẩm nhẩm theo lời bài hát.
Choose your last words
This is the last time
Cause you and I
We were born to die...
Rồi chậm rãi Thụy đứng dậy, rời khỏi giường, bước đến bên cửa sổ, ra hành lang lộng gió ngoài kia. Thụy đưa tay níu gió, so vai, nghiêng đầu sang hai bên tận hưởng sự tự do gió mang đến. Và Thụy quay lại nhìn Nam, cười đau thương, miệng hát câu hát cuối cùng,
Cause you and I, we were born to die...
Thụy bước lên hành lang, vẫn dang rộng tay, để gió lướt qua cả cơ thể. Và Thụy bước một bước, rơi mất hút vào đêm dưới kia.
Nam ngồi im nhìn theo, chẳng hiểu sao mình vẫn đủ bình tĩnh để nhìn mà không ngăn cản, hay Nam biết vốn dĩ Thụy cũng như Quân, chỉ đang chết mòn trong ký ức Nam.
Nam lại cầm chai vang tu thêm một ngụm, lấy tay chùi ngang miệng cho giọt còn sót trên môi tan mất. Điện thoại Nam reng, là mẹ gọi. Nam hít sâu rồi đứng dậy, cầm điện thoại nhấn nút trả lời.
Phan vòng xe về dưới chân chung cư, cúp máy sau khi gọi cho Nam để Nam biết mà xuống cùng đi gặp Mễ.
Phan và Mễ gặp nhau lúc còn học cùng bên Mỹ. Mễ hơn Phan vài tuổi, lần đó cùng dự một buổi tiệc của người bạn chung nên gặp nhau. Bọn đàn bà vây quanh Phan rất nhiều, từ cách thức nói chuyện cho đến ánh mắt ướt rượt, Mễ nhìn ngay ra bọn chúng chỉ đang muốn lôi Phan lên lầu, lột sạch quần áo rồi chơi đùa với thằng nhỏ của Phan. Mễ cười khẩy, tiếp tục uống rượu được một hồi thì Phan đi tới gần, bắt chuyện.
- Tại sao anh chú ý đến tôi?
- Tôi thấy chị cười khẩy, không biết mỉa mai tôi hay người nào khác.
- Tôi không cười anh, mà cười lũ đàn bà đang bu lấy anh.
- Lý do?
- Vì họ không nhìn ra vốn dĩ anh chẳng thích đàn bà.
Phan cười lớn, không ngờ lại gặp một người nói chuyện thẳng thắn đến thế. Từ sau lần đó thì hai người hay đi café cùng nhau, đôi khi là nói chuyện đời, đôi khi là nhớ về chuyện lúc còn ở quê hương. Tìm được một người để tâm sự ở cái xứ tuyết trắng này, khó lắm, nên người ta tìm được thì rất trân trọng và gìn giữ nhau.
Sau khi về Sài Gòn, Phan và Mễ vẫn giữ liên lạc. Với Mễ, Phan có thể tìm được vài lời khuyên hữu ích khi bế tắc trong công việc, cũng như Mễ tìm được ở Phan hình mẫu đàn ông mình có thể tin tưởng mà gởi nỗi lòng. Có lần Mễ nói:
- Uổng nhỉ, nếu Phan là trai thẳng thì tôi yêu mất rồi.
Phan biết Mễ không nói đùa, và biết bản thân mình nếu không là đồng tính chắc cũng yêu Mễ từ lâu. Sau này, mỗi lần café của Mễ và Phan còn có thêm Nam, như ngày hôm nay.
Quán café không quá đông, Nam và Mễ đang ngồi đối diện nhau ở một góc quán, Phan thì vừa vòng xe đi công việc gấp gì đó, hứa sẽ quay về ngay.
- Lâu ngày không gặp Nam, dạo này mập lên phải không? - Mễ mở đầu câu chuyện.
- Cũng có chút chút, tại Phan nuôi em kỹ quá.
- Gần đây hai đứa vẫn vui vẻ chứ?
- Ngoài những lúc Phan ăn hiếp em, thì lúc nào hai đứa cũng vui vẻ với nhau hết chị.
- Phải không, sao chị lại nghe Phan nói em mới là người ăn hiếp Phan?
- Đâu có đâu, Phan nói oan cho em đó.
Nam bẽn lẽn cười. Mễ cũng cười theo, rồi lấy thuốc, châm lửa.
- Hút không?
- Thôi ạ, Phan không thích em hút thuốc.
- Không sao, chị không nói lại đâu.
Nam lấy điếu thuốc, kéo một hơi dài, nhả vòng khói trắng lên đầu, rồi đưa tay gạt đi để khói tan tành, như Quân ngày trước thường hay làm.
- Gần đây em còn gặp mẹ không?
- Dạ không... do Phan bận quá nên em chưa có dịp về nhà thăm mẹ. Nhưng mẹ có gọi điện cho em để nói chuyện, hỏi thăm.
- Mẹ em vẫn khỏe chứ?
- Cũng như trước, nhưng người già mà, thấy vậy chứ không phải vậy, lúc nào cũng phải lo lắng trông chừng mới yên tâm. Thế nào em cũng nói Phan sắp xếp công việc, để em về nhà một buổi.
- Có gặp cho chị gởi lời hỏi thăm mẹ em.
- Dạ, em cảm ơn chị trước.
Mễ lại rít thuốc, gẩy vào gạt tàn. Nam phía bên kia, mờ ảo, hư thực sau làn khói trắng vừa thở ra.
Đêm nay đường Sài Gòn hình như vắng hơn mọi khi, bà giáo bước khỏi xe taxi, bộ đồ tây màu xám lông chuột vừa vặn ôm lấy cơ thể. Đoạn đường vắng trước khi quẹo vào hẻm nhà loe loét ánh đèn cao áp. Đáng lý bà giáo cho xe chạy tới đầu hẻm mới dừng, nhưng chợt nhớ lại mớ đồ ăn dầu mỡ ban nãy bèn dừng xe ở đầu đường để đi bộ về.
Bà giáo lấy máy tính bảng, mở ra nhìn lại mớ hình ban nãy chụp cùng mấy người bạn, đều là giáo viên. Hôm nay một chị đồng nghiệp cưới vợ cho con trai, nhìn cô dâu chú rể tươi cười đón khách, tự dưng bà giáo chạnh lòng. Con trai mình, đáng lý giờ cũng đã vợ con đề huề rồi ấy chứ, mình, đáng lý cũng là bà nội người ta... nghĩ đến, lòng lại xót xa, đau nỗi đau nhiều năm chôn vùi.
Bỗng đằng sau lưng có tiếng xe máy rồ ga, phóng vượt lên chỗ bà giáo, rồi nhanh như cắt, một bàn tay vươn dài, chụp lấy cái máy tính bảng. Theo quán tính, bà giáo ghì tay giữ của, nhưng thằng cướp bất nhân lại hất mạnh bà ra sau. Bà giáo loạng choạng, miệng ú ớ kêu cứu nhưng chưa gì đã ngã xuống, đầu va mạnh vào bệ cây bên đường, ý thức rơi vào vùng tối đen.
Xe Phan nhẹ lướt trong đêm, Nam ngồi cạnh ghế tài xế, im lặng nhìn đêm.
- Nam và Mễ nói chuyện vui không?
- Ai nói chuyện với chị Mễ mà không vui, Mễ hiểu tâm lý mọi người mà Phan.
- Ừ nhỉ, còn Nam, Nam có hiểu tâm lý người ta không?
Nam quay sang, nheo nheo mắt nhìn Phan:
- Tự dưng hỏi vậy, có dụng ý gì không?
- Ai mà dám có ý gì với Nam. Anh chỉ muốn biết coi Nam có hiểu anh không.
- Ai thì em không dám chắc, chứ còn Phan thì chắc là em biết.
- Vậy đó Nam anh đang nghĩ gì?
- Ưm... Phan thì chỉ có công việc thôi, nên chắc đang nghĩ ngày mai sẽ giải quyết công việc gì phải không?
- Sai rồi! Anh đang nghĩ tối nay hai đứa sẽ bắt đầu bằng tư thế nào...
- Đồ nham nhở!
Phan nói rồi cười lớn, Nam cũng phì cười cùng người yêu. Nam quay mặt nhìn phía trước, thấy có ba bốn người đang túm tụm ở một gốc cây.
- Hình như có chuyện gì kìa Phan.
Phan cũng nhìn sang, thấy dưới đất một thân người đang nằm oặt ẹo, mấy người đứng xung quanh chỉ trỏ nhưng hình như không có ý đưa người nằm đó đi bệnh viện. Phan vội tấp xe vào lề đường, mở cửa rồi cùng Nam xuống xem chuyện.
- Chả biết, thấy bà ta nằm bất tỉnh ở đây, không biết có bị cướp bóc gì không. - Mấy người xung quanh lao nhao kể chuyện.
- Sao không đưa người ta đi bệnh viện.
- Điên à! Cậu không đọc báo sao, bây giờ nó dàn cảnh như vầy để cướp.
- Mấy người mới là bọn điên.
Phan nói xong hất mọi người ra, đỡ người bất tỉnh là bà giáo lên xe hơi với sự giúp đỡ của Nam. Khi đã trên đường chạy đến bệnh viện, Nam chợt nói:
- Vụ dàn cảnh để cướp này, em có đọc trên báo...
Mới nói đến đó, giọng Phan đã cắt ngang:
- Mấy thứ nhảm nhí đó đều có người dựng lên cả thôi, Nam đừng tin! Nam coi trong danh bạ điện thoại của bà ấy có số của gia đình không, gọi về báo tin nha.
Rồi Phan im lặng, tập trung lái xe chở bà giáo đến bệnh viện.