• 186

Phần 3.13: Vàng - Trận đấu giữa lực mua và bán


Số từ: 931
Tác giả: Alan Phan
Thái Hà Books phát hành
NXB Văn Hóa Dân Tộc
Tôi chắc chắn là chưa ai trở thành tỷ phú qua hoạt động lướt sóng vàng hàng ngày. Nhưng trong các cuộc chơi trên thương trường hay chính trường, một câu ngạn ngữ hay được truyền đạt trong nhiều tình huống:
Kẻ thù của kẻ thù ta là bạn ta.


T
hứ Hai ngày 30/4/2012, một giao dịch khá kỳ thú xảy ra ở COMEX. Vừa bắt đầu mở phiên, một nhân viên giao dịch (trader) ra hai lệnh bán 84 hợp đồng futures trị giá 1,24 tỷ đô la. Giá vàng lao xuống 15 đô la một lượng, còn 1.648 đô la. Thế giới giao dịch vàng xôn xao vì nhiều lý do: (a) người bán hay mua thường phải che giấu ý đồ của mình qua rất nhiều hợp đồng nhỏ. Việc ra lệnh táo bạo này cho thấy người bán muốn truyền tải một thông điệp cho giới đầu tư bằng một hù dọa rất thẳng thừng; (b) ai là người bán với khả năng tài chính cả tỷ đô la; (c) các hợp đồng bán kiểu này có tiếp tục?
Bàn tay lông lá của các ngân hàng trung ương

Qua đến thứ Sáu, 4/5/2012, một lệnh bán hơn 3 ngàn lô cũng lặp lại và giá vàng lao xuống hơn 10 đô la trong vài phút. Tạp chí mạng Zero Hedge điều nghiên và cho rằng lệnh bán là do tay trader tên Mikael Charoze, nhân viên dưới trướng của Richard Austin Jones, đặc trách giao dịch của BIS (Ngân hàng Thanh toán Quốc tế - Bank of International Settlement), một siêu định chế của hệ thống tài chính quốc tế có trụ sở ở Basel. Giả thuyết của Zero Hedge được xác nhận gián tiếp khi website của BIS xóa tên Mikael Charoze sau khi thông tin bị rò rỉ.
Mọi người đồng thuận lý do duy nhất để BIS tung tiền bán khống vàng là theo lệnh của các ngân hàng trung ương Âu Mỹ nhằm
tăng giá
các bản vị tiền tệ (Euro và đô la). Các quan ngân hàng này đã in tiền quá nhiều để
cứu bồ
sau cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và các gói kích cầu (QE) của Mỹ. Các hợp đồng bán khống vàng này có thể được tiếp tục trong vài tháng tới vì BIS và các ngân hàng trung ương Âu Mỹ không có gì để mất. Tệ lắm là lại in thêm một ít tiền.
Nguồn mua từ Trung Quốc: chính phủ hay tư nhân?

Trong khi đó, một mặt trái của các giao dịch trên cũng thú vị không kém. Một báo cáo ngân hàng cho thấy Trung Quốc đã nhập khẩu 40 tấn vàng qua ngõ Hồng Kông vào tháng Hai năm nay. Trong tám tháng vừa qua, Trung Quốc đã nhập hơn 436 tấn vàng từ Hồng Kông so với 57 tấn cùng thời hạn trong năm ngoái. Nói tóm lại, khi BIS bán khống thì Trung Quốc mua vào. Hai lực đẩy này – mua và bán – đang tác động mạnh trên thị trường vàng thế giới. Lực nào sẽ mạnh hơn vào cuối ngày?
Một nhận xét khá thú vị đến từ Marc Faber, chuyên viên đầu tư trái chiều (contrarian) khi được CNBC hỏi,
ông có nghĩ giá vàng đang ở vào trạng thái bong bóng?
Ông nói là ông thường xuyên dự các hội nghị về đầu tư khắp thế giới. Khi nói chuyện với các quản lý quỹ quan trọng, gần như không có quỹ nào đang giữ vàng. Thực tế này rất khác với những năm 1989 khi mọi người đều giữ chứng khoán Nhật Bản hay năm 2000, khi tiền mọi quỹ nhảy vào dotcom. Hiện nay, có nhiều người giữ cổ phiếu của Apple nhiều hơn là giữ vàng.
Ông cũng nói thêm:
Năm 1999 giá vàng chỉ có 252 đô la mỗi ounce, nhưng nợ công của các chính phủ cũng như nợ của các doanh nghiệp tư nhân, chỉ vào khoảng 40% hiện nay. Một nguy hiểm khác đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính là những cam kết về xã hội của các chính phủ và các hợp đồng phái sinh (derivatives).

Sự an toàn của tài sản

Nhiều người hỏi tôi về giá vàng và những kênh đầu tư an toàn cũng như hứa hẹn cho tương lai. Như các diễn biến nói trên, có rất nhiều lực đẩy giữa mua và bán. Vài tuần, vài tháng, một bên sẽ thắng và một bên sẽ thua. Rồi đổi ngược lại. Không ai biết. Chắc chắn là chưa ai trở thành tỷ phú do giao dịch vàng hàng ngày.
Nhưng tôi tin rằng, một ngày nào đó, nền kinh tế
ảo
qua tiền giấy, qua cờ bạc, qua phẫu thuật kế toán và qua OPM (tiền người khác - other people’s money) sẽ gặp rắc rối không giải quyết được. Khi đó, tôi sẽ ung dung nhìn đống tài sản
thực
của tôi, trong đó vàng nắm giữ một tỷ lệ hơn 25%. Trong nhóm tài sản
thực
này, vàng là một món hàng khó thao túng nhất và gây nhiều bực bội cho các chính phủ nhất.
Trong các cuộc chơi trên thương trường hay chính trường, một câu ngạn ngữ hay được truyền đạt trong nhiều tình huống:
kẻ thù của kẻ thù ta là bạn ta.
Không phải kim cương, mà là vàng: người bạn tốt nhất của phụ nữ cũng như đàn ông và trẻ con.
05 tháng 04 năm 2012
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Không Có Bữa Ăn Nào Miễn Phí.