• 159

Chương 3.3


Dịch giả: Lê Thu Hằng
C.ty Nhã Nam phát hành
Nhà xuất bản Văn học
Bộ ba tới trước một kiểu chính điện được năm lính gác khổng lồ bảo vệ. Tất cả đều đã chết. Và lối vào bị nghẽn bởi các cơ thể bất động của khoảng hai chục con thợ nhỏ. Hai con kiến dẹp chúng ra và nhón qua chúng từng bước một.
Một cái hang hình cầu gần như hoàn hảo hiện ra. Phòng mối chúa. Tiếng động phát ra từ đó.
Con đom đóm tạo một ánh sáng trắng đẹp, chiếu sáng, ở giữa phòng, một loại sên kỳ lạ. Đó là mối chúa, một bức biếm họa của kiến chúa. Cái đầu nhỏ của nó và bộ ngực còi cọc được kéo dài bởi một cái bụng quái dị dài gần năm mươi đầu. Cái phần phụ nở to này liên tục bị thúc vì co thắt.
Cái đầu nhỏ cử động vì đau, phát ra những tiếng kêu bằng âm thanh và bằng mùi. Các xác chết của kiến thợ bịt lối vào kín đến nỗi khí độc đã không thể vào được. Nhưng con mối chúa đang chết vì thiếu chăm sóc.
Nhìn bụng nó kìa! Bọn nhỏ đẩy từ bên trong và nó không tài nào tự đẻ được một mình.
Con đom đóm trèo lên trần và vô tư tỏa ra một ánh sáng màu da cam giống như màu tràn ngập trong các bức tranh của Georges de La Tour.
Dưới sự cố gắng liên hợp của hai con kiến, các quả trứng bắt đầu tuôn ra từ cái túi đẻ to đùng. Đó thật sự là một cái vòi cho sự sống. Con mối chúa có vẻ đỡ đau, nó ngừng kêu.
Nó hỏi bằng ngôn ngữ mùi phổ thông sơ đẳng ai đã cứu nó? Nó ngạc nhiên khi nhận ra mùi của kiến. Chúng là những con kiến bịt mặt?
Những con kiến bịt mặt là một loài rất có khiếu với hóa học hữu cơ. Những con côn trùng đen lớn, chúng sống ở miền Đông Bắc. Chúng biết làm giả bất kỳ pheromon nào: thông hành, dấu vết, truyền thông… chỉ đúng mỗi bằng cách trộn chuẩn các loại nhựa, phấn hoa và nước bọt.
Một khi sự ngụy trang của chúng được tôi luyện, chúng vào được, ví dụ như trong các tổ mối mà không bị phát hiện. Thế là chúng cướp phá và giết người, mà không một nạn nhân nào có thể nhận dạng được chúng!
Không, chúng tôi không phải là kiến bịt mặt.
Mối chúa hỏi chúng có còn ai sống sót trong tổ không, và những con kiến trả lời không. Nó nói mong ước được chết, mong muốn người ta rút ngắn sự đau đớn của nó đi. Nhưng trước đó, nó muốn tiết lộ điều gì ấy.
Đúng, nó biết tại sao tổ của nó bị phá hủy. Ít lâu nay, mối đã phát hiện ra đầu Đông của thế giới. Kết thúc của thế giới. Đó là một xứ sở đen, trơn, nơi đó tất cả bị phá hủy.
Ở đó có những con vật lạ thường sống, chúng rất nhanh và rất hung dữ. Chính chúng là những người bảo vệ điểm tận cùng của thế giới. Chúng được trang bị những tấm chắn đen nghiền nát bất cứ thứ gì. Và bây giờ chúng sử dụng cả khí độc!
Đó là những gì gợi lại tham vọng cũ của mối chúa Bi-stin-ga. Tới được một trong các điểm tận cùng của thế giới. Liệu có thể được không? Hai con kiến sửng sốt.
Đến tận giờ chúng vẫn nghĩ là Trái đất rộng đến nỗi không thể nào đến được bờ. Thế mà con mối chúa này cho là điểm tận cùng của thế giới gần đây thôi! Và nó được những con quái vật canh gác… Giấc mơ của mối chúa Bi-stin-ga liệu có thực hiện được không?
Cả câu chuyện với chúng có vẻ vĩ đại đến nỗi chúng không biết phải bắt đầu bằng câu hỏi nào.
Nhưng tại sao những
người bảo vệ điểm tận cùng của thế giới
này lại tới tận đây? Chúng muốn chiếm các tổ miền Tây?
Con mối chúa to béo không biết gì thêm. Giờ nó chỉ muốn chết. Nó năn nỉ. Nó không biết làm tim ngừng đập. Phải giết nó.
Thế là hai con kiến chặt đầu mối chúa, sau khi con này chỉ cho chúng lối ra. Sau đó chúng ăn vài quả trứng nhỏ và oai vệ rời tổ giờ chỉ còn là một thành phố ma. Chúng đặt ở lối vào một pheromon thuật lại thảm kịch của nơi này. Vì với tư cách là các nhà thám hiểm của Liên bang, chúng không được bỏ qua bất cứ một nhiệm vụ nào của mình.
Con đom đóm chào chúng. Chắc là nó cũng bị lạc vào tổ mối lúc tránh mưa. Bây giờ trời đẹp trở lại, nó sẽ tiếp tục việc hàng ngày của mình: ăn, tỏa sáng để thu hút những con cái, sinh sản, ăn, tỏa sáng để thu hút những con cái, sinh sản… Một đời đom đóm mà!
Chúng hướng ánh mắt và râu của mình về phía Đông. Từ đây, chúng không nhận ra được gì to tát; nó không ngăn được chúng biết là: điểm tận cùng của thế giới không xa lắm. Nó ở đằng kia.
SỐC VĂN MINH: Sự tiếp xúc giữa hai nền văn minh luôn là một thời điểm tế nhị. Trong số những nền văn minh lớn đang đề cập tới mà con người biết, người ta có thể nêu ra trường hợp của những người da đen châu Phi bị bắt làm nô lệ ở thế kỷ XVIII.
Phần lớn các dân cư bị biến thành nô lệ sống sâu trong đất liền tại các vùng đồng bằng hay rừng núi. Họ chưa bao giờ thấy biển. Đột nhiên một ông vua láng giềng tới gây chiến với họ mà chẳng có lý do rõ ràng, sau đó, thay vì giết họ, người ta coi họ như tù binh, xích họ lại và bắt họ đi ra hướng bờ biển.
Sau chuyến đi đó họ phát hiện ra hai điều không thể hiểu được: 1) biển mênh mông, 2) người châu Âu da trắng. Thế nhưng biển, nếu họ chưa bao giờ trực tiếp nhìn thấy, thì, qua những câu chuyện, được biết đến như đất nước của người chết. Về phần người da trắng, như những người ngoài hành tinh với họ, họ có một mùi kỳ lạ, da họ có màu kỳ lạ, họ có quần áo kỳ lạ.
Rất nhiều người chết vì sợ, những người khác, hoảng hốt, nhảy khỏi tàu và bị cá mập ăn thịt. Những người sống sót, họ, đi hết từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Họ thấy gì? Ví dụ những người da trắng uống rượu vang. Và họ chắc chắn đó là máu, máu của người của họ.
Edmond Wells,
Bách khoa toàn thư kiến thức tương đối và tuyệt đối.
Con cái 56 đói. Không chỉ một cơ thể, mà toàn dân cư đòi khẩu phần calo của mình. Làm thế nào để nuôi cả bầy mà nó đang chứa trong bụng? Cuối cùng nó quyết định ra khỏi cái lỗ đẻ trứng, lê khoảng vài trăm đầu, mang về ba cái lá thông rồi nó liếm và vội vã nhai tóp tép.
Chưa đủ. Nó lẽ ra đã đi săn tốt, nhưng không còn sức nữa. Và chính nó cũng có nguy cơ làm mồi ngon cho hàng nghìn thú ăn thịt ẩn nấp xung quanh. Thế là nó lún sâu trong cái lỗ của mình để chờ chết.
Thay vì điều đó, một quả trứng xuất hiện. Cư dân Chli-pou-kan đầu tiên của nó! Nó vừa mới có cảm giác là quả trứng đó tới. Nó lắc những cái chân tê cóng và ấn hết sức lên ruột. Cần phải hoạt động được, nếu không mọi chuyện kết thúc. Quả trứng lăn. Nó bé tí, gần như đen mà lẽ ra phải có màu xám.
Nếu nó để quả trứng nở, nó sẽ cho ra đời một con kiến chết ngay lúc sinh. Và còn nữa… nó thậm chí sẽ không nuôi được quả trứng cho tới lúc nở. Thế là nó ăn luôn đứa con đầu tiên của mình.
Thức ăn đó ngay lập tức cho nó thêm một chút năng lượng. Bớt đi một quả trứng trong bụng của nó và thêm một quả trứng trong cái dạ dày của nó. Trong sự hy sinh này, nó tìm được sức đẻ quả trứng thứ hai, vẫn sẫm màu, vẫn nhỏ như quả thứ nhất.
Nó nhấm nháp quả trứng. Nó cảm thấy khỏe hơn nhiều. Quả trứng thứ ba sáng hơn một tí. Nó vẫn ngốn luôn.
Chỉ đến quả thứ mười thì kiến chúa mới thay đổi chiến lược. Các quả trứng của nó trở nên có màu xám, kích thước bằng nhãn cầu của nó. Chli-pou-ni đẻ ra ba quả như thế, ăn mất một và để hai quả kia sống, sưởi ấm cho chúng dưới cơ thể mình.
Trong khi nó tiếp tục đẻ, hai quả số đỏ biến thành những ấu trùng dài mà đầu của chúng bất động trong một cái nhăn mặt lạ lùng. Và chúng bắt đầu rên để đòi ăn. Việc tính toán trở nên phức tạp. Cứ ba quả trứng đẻ ra, bây giờ phải cần một cho nó, và hai quả kia để nuôi các ấu trùng.
Đó là làm thế nào, trong chu trình khép kín, người ta sản sinh ra được cái gì đó từ không gì cả. Khi một ấu trùng khá lớn, nó cho ấu trùng ăn một ấu trùng khác… Đó là cách duy nhất để cung cấp các protein cần thiết cho sự biến chuyển thành kiến thật sự của nó.
Nhưng ấu trùng sống sót vẫn đói. Nó vặn vẹo, hét lên. Bữa tiệc các chị em nó không làm nó đỡ đói. Cuối cùng, Chli-pou-ni ăn luôn cố gắng hình thành con đầu tiên của nó.
Mình phải làm được, mình phải làm được, nó nhắc đi nhắc lại. Nó nghĩ tới con đực 327 và đẻ một lúc năm quả trứng sáng hơn nhiều. Nó ngốn hai, và để ba quả kia lớn lên.
Như vậy, từ giết con mới đẻ đến sinh con, cuộc sống thành cuộc tiếp sức. Ba bước tiến lên, hai bước lùi lại. Bài tập thể dục khắt khe kết thúc dẫn đến một nguyên mẫu kiến toàn vẹn đầu tiên.
Con côn trùng bé tí và thiểu năng, do thiếu ăn. Nhưng nó đã tạo ra được cư dân Chli-pou-kan đầu tiên của mình! Hành trình ăn thịt đồng loại vì sự tồn tại trong tổ của nó giờ đã thắng một nửa. Thực thế, con kiến thợ đần đần này có thể di chuyển và mang thức ăn từ thế giới xung quanh về: xác côn trùng, hạt, lá, nấm… Đó là những việc nó làm.
Chli-pou-ni, cuối cùng cũng được nuôi dưỡng bình thường, đẻ ra những quả trứng sáng hơn, chắc hơn. Những cái vỏ cứng bảo vệ trứng khỏi lạnh. Những ấu trùng có kích thước bình thường. Những đứa trẻ sinh ra của thế hệ mới này lớn và to con. Chúng sẽ tạo thành nền tảng của dân cư Chli-pou-kan.
Về phần con kiến thợ thiểu năng đầu tiên, kẻ đã nuôi dưỡng con đẻ trứng, nó nhanh chóng bị giết và bị các em mình nghiến ngấu. Sau đó, mọi vụ giết chóc, mọi nỗi đau mở đầu cho sự hình thành Tổ đều bị lãng quên.
Chli-pou-kan vừa được sinh ra.
MUỖI: Muỗi là loài côn trùng sẵn sàng đấu tay đôi với con người nhất. Mỗi người chúng ta đã từng có một ngày, mặc pyjama đứng trên giường, dép đi trong nhà trên tay, mắt rình trần nhà trắng trơn.
Không thể hiểu nổi. Thế nhưng cái làm ngứa chỉ là nước bọt khử trùng ở cái vòi của nó. Không có nước bọt này, mỗi vết đốt có thể nhiễm khuẩn. Và còn nữa, muỗi luôn cẩn trọng chỉ đốt giữa hai điểm tiếp nhận sự đau!
Đối mặt với con người, chiến lược của muỗi đã tiến bộ. Nó đã học được cách trở nên nhanh nhẹn hơn, kín đáo hơn, cất cánh nhanh hơn. Nó càng ngày càng trở nên khó nhận ra. Một số con táo bạo của thế hệ mới nhất không ngần ngại trốn dưới gối nạn nhân của mình. Chúng đã khám phá ra nguyên tắc của
Bức thư bị đánh cắp
của Edgar Allan Poe: chỗ trốn tốt nhất là chỗ gần nhất, vì người ta luôn nghĩ tới việc đi tìm ở chỗ xa hơn chỗ ngay cạnh.
Edmond Wells,
Bách khoa toàn thư kiến thức tương đối và tuyệt đối.
Bà Augusta ngắm nghía những chiếc va li của mình đã sẵn sàng. Ngày mai, bà dọn đến phố Sybarites. Điều này có vẻ không tin được, nhưng Edmond đã dự kiến là Jonathan sẽ mất tích và ông đã viết trong di chúc của mình:
Nếu Jonathan chết hay biến mất, và nếu như bản thân cậu ấy không lập chúc thư, tôi mong là Augusta Wells, mẹ tôi, đến ở trong căn hộ của tôi. Nếu bà mất, hoặc nếu bà từ chối di tặng này, tôi mong sẽ là Pierre Rosenfeld thừa kế chỗ đó; và nếu ông ấy cũng từ chối hoặc biến mất, Jason Bragel có thể tới ở…

Phải công nhận là theo các sự kiện mới đây, Edmond đã không lầm khi dự tính ít nhất bốn người thừa kế. Nhưng Augusta không mê tín, và rồi bà nghĩ rằng ngay cả khi Edmond là người ghét con người, ông cũng không có một lý do nào muốn cái chết cho cháu và mẹ mình. Về phần Jason Bragel, đó là người bạn tốt nhất của ông ấy!
Một ý nghĩ tò mò thoáng qua đầu bà. Có vẻ như Edmond đã tìm cách điều khiển tương lai như thể… tất cả bắt đầu sau cái chết của ông.
Đã nhiều ngày chúng bước về hướng mặt trời mọc. Sức khỏe của 4 000 không ngừng xấu đi, nhưng con chiến binh già tiếp tục tiến không phàn nàn. Nó thật có lòng dũng cảm và tính tò mò không lay chuyển được.
Vào cuối một buổi chiều, trong khi chúng trèo lên thân một cây phỉ, bỗng nhiên chúng thấy bị kiến đỏ vây. Lại là những con vật miền Nam muốn đi đây đi đó! Cái thân dài ngoẵng của chúng có một ngòi độc mà con nào cũng biết là chỉ một tiếp xúc nhỏ nhất cũng gây chết ngay lập tức. Hai con kiến đỏ hung thích được ở nơi khác.
Ngoài vài lính đánh thuê ngu ngốc, 103 683 còn chưa bao giờ nhìn thấy kiến đỏ ở Bên ngoài rộng lớn. Rõ ràng là các vùng đất miền Đông đáng để được khám phá…
Lắc râu. Kiến đỏ biết giao tiếp cùng kiểu ngôn ngữ của dân Bel-o-kan.
Các ngươi không có pheromon thông hành đúng. Ra ngoài! Đây là đất của chúng tôi.
Kiến đỏ hung trả lời là chúng chỉ ở lại đây ít thời gian thôi, chúng muốn đi tới tận cùng của thế giới phía Đông. Đám kiến đỏ bàn tính với nhau.
Chúng nhận ra hai con kia thuộc Liên bang kiến đỏ hung. Liên bang đó có thể ở xa, nhưng nó mạnh (64 tổ trước mùa ong chia đàn vừa rồi) và tiếng tăm về các loại vũ khí của nó đã vượt qua dòng sông Tây. Có thể tốt hơn hết là không nên kiếm cớ xung đột. Một ngày không tránh được, những con kiến đỏ, một loài di cư, sẽ buộc phải đi qua lãnh địa Liên bang của kiến đỏ hung.
Những cử động râu dần dần bớt đi. Lúc dành cho tổng hợp. Một con kiến đỏ truyền đạt lại ý kiến của cả nhóm:
Các ngươi có thể qua một đêm ở đây. Chúng ta sẵn sàng chỉ cho các ngươi đường đi tới điểm tận cùng của thế giới, và thậm chí dẫn các ngươi tới đó. Đổi lại các ngươi sẽ để cho chúng ta một vài pheromon nhận dạng của các ngươi.
Giao kèo thỏa đáng. 103 683 và 4 000 biết là khi đưa các pheromon, chúng sẽ cho kiến đỏ một tấm giấy thông hành quý báu để đến những vùng đất rộng lớn của Liên bang. Nhưng có thể đi tới tận cùng thế giới và từ đó trở về là vô giá…
Các chủ nhà dẫn chúng về phía chỗ tạm trú, ở trên đó vài cành cây. Chỗ này chẳng giống thứ gì đã từng được biết đến. Kiến đỏ, làm nghề dệt và may, xây tổ tạm thời của chúng bằng cách may ba cái lá cây phỉ sát cạnh nhau. Một cái làm sàn, hai cái kia làm tường bên.
103 683 và 4 000 quan sát một nhóm thợ dệt, đang bận đóng
mái nhà
trước khi đêm xuống. Chúng chọn một cái lá phỉ sẽ dùng làm trần. Để gắn cái lá này với ba cái lá kia, chúng làm thành một cái thang sống, khoảng mười con kiến thợ đứng chồng lên nhau cho tới khi thành một đỉnh có thể với được tới cái lá-trần.
Cái trụ sập xuống nhiều lần. Quá cao.
Thế là kiến đỏ đổi phương pháp. Một nhóm thợ leo lên cái lá-trần, tạo thành một chuỗi bám chặt vào và đung đưa ở đầu lá. Cái dây kiến ấy hạ xuống, xuống nữa để tóm lấy cái thang sống vẫn đang đứng ở phía dưới. Vẫn còn quá xa, thế là một túm kiến đỏ nối thêm vào ở đầu dây.
Sắp được rồi, cái gân lá cong lại. Chỉ còn thiếu vài centimét phía bên phải. Kiến ở trên cái dây tung mình lắc lư để bù vào khoảng cách. Mỗi lần đung đưa, cái dây dãn ra, nó gần như sắp đứt nhưng nó giữ được. Cuối cùng, những chiếc răng của đám kiến nhào lộn ở trên và ở dưới cũng gặp được nhau, tắc!
Công việc thứ hai: cái thang rút lại. Những con kiến ở giữa, hết sức cẩn trọng, ra khỏi hàng, trèo lên vai các đồng nghiệp của chúng, và tất cả mọi người kéo để cho hai cái lá sát lại gần nhau. Cái lá-trần xuôi xuống ngôi làng từng chút một, tỏa bóng mình căng rộng lên trên sàn.
Thế nhưng, khi cái hộp đã có nắp của mình rồi, thì phải gắn chặt nó lại. Một con kiến đỏ già chạy vào trong một ngôi nhà và trở ra huơ lên một ấu trùng to. Đấy là dụng cụ để dệt.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Kiến.