• 66

Chương 04


Số từ: 3231
Dịch giả: Trịnh Xuân Hoành
Nguồn: Sưu tầm
Khi nghe tôi trình bày nguyện vọng của chúng tôi, ông xem ra rất bối rối. Tôi nhận thấy ông không hề có ý định đánh cờ với một nhà vô địch và nhất là với nhà vô địch nổi tiếng nhất của thời đại. Sự kiện này hình như đã gây rất nhiều ấn tượng đối với ông vì ông nhiều lần hỏi xem việc tôi đề xuất có chắc chắn không và đối thủ của ông có đúng là một bậc thầy nổi tiếng như vậy không. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho nhiệm vụ của tôi. Tuy nhiên, tôi nhận thấy ông rất tế nhị nên đã chẳng hề hé răng nói lời nào là MacCônno đảm nhiệm những phí tổn về vật chất. Sau hồi lâu do dự, ông B. tuyên bố sẵn sàng chấp nhận lời thách thức,
nhưng
, ông nói thêm và cười vẻ trầm ngâm,
mong ông nói lại với các ông ấy đừng quá đặt nhiều hi vọng vào tôi. Thật ra, tôi không rõ bản thân tôi có thể đánh một ván cờ theo đúng luật không? Mong ông hiểu cho, tôi nói thực tình không hề có chút khiêm tốn giả dối nào, tôi xin thú nhận là suốt từ dạo còn là học sinh trường trung học đến nay, nghĩa là trên hơn hai chục năm, tôi chưa hề đụng đến bàn cờ một lần nào. Hơn nữa, dạo đó tôi chỉ là một người đánh cờ xoàng.

Ông B. nói những lời ấy với giọng chất phác nên tôi tin rằng ông thành thực. Tuy nhiên, tôi không thể không bày tỏ nỗi ngạc nhiên của tôi là tại sao ông lại nhớ chính xác những chiến thuật của nhiều bậc thầy khác nhau mà ông đã kể tên, chắc hẳn, ông rất quan tâm đến môn đánh cờ, ít ra là về mặt lý thuyết. Nghe thấy vậy, ông B. lại trầm ngâm cười, vẻ kỳ lạ.
- Kể ra thì tôi cũng quan tâm đấy! Chỉ Chúa mới biết rõ điều ông vừa nói đúng tới mức nào. Nhưng sự việc diễn ra trong những hoàn cảnh hết sức đặc biệt, có thể nói là có một không hai. Đây là một câu chuyện khá phức tạp và có thể dùng làm minh họa cho thời đại thú vị chúng ta đang sống. Nếu ông có đủ kiên nhẫn để nghe tôi kể lại độ nửa tiếng…
Ông B. ra hiệu mời tôi ngồi xuống chiếc ghế bố đặt bên ghế của mình. Tôi vui vẻ nhận lời. Chỉ có mỗi hai chúng tôi. Ông B. bỏ kính ra và bắt đầu kể:
- Ông đã có nhã ý cho tôi biết ông là người Viên và đã biết rõ tên họ tôi. Tuy nhiên tôi cho rằng ông chưa từng nghe nói tới văn phòng luật sư, thoạt đầu tôi đã cùng thân phụ tôi quản lý, sau đó có mỗi mình tôi thôi. Chẳng là chúng tôi đã không biện hộ cho những vụ kiện đáng chú ý mà người ta đã nói tới trên các báo và chúng tôi đã không tìm cách bổ sung khách hàng của mình. Thật ra, chúng tôi đã không hoàn toàn làm đúng chức năng văn phòng của chúng tôi. Chúng tôi chỉ hạn chế trong việc làm cố vấn về mặt tư pháp và quản lý tài sản của những tu viện lớn mà thân phụ tôi - trước đây là phái viên của phái tăng lữ - đã có những quan hệ mật thiết.

Hơn nữa – tôi cũng chẳng giấu gì ông, vì chế độ quân chủ vẫn tồn tại đến tận ngày nay - một số thành viên trong hoàng tộc đã trao cho chúng tôi nhiệm vụ quản lý tài sản của mình. Những mối quan hệ với triều đình và tăng lữ này chúng tôi đã xây dựng được suốt hai thế hệ: một là do người bác làm thầy thuốc của hoàng đế, một nữa là do trưởng tu viện ở Xaitenxtetten, và ngày nay chúng tôi chỉ còn việc cố duy trì chúng. Đấy là một hoạt động trầm tĩnh, có phần trầm lặng mà chúng tôi đeo đuổi ấy cũng là do cha truyền con nối và về phần mình chúng tôi chỉ cần gìn giữ hai đức tính mà thân phụ đã quá cố của tôi đã có ở mức độ cao nhất: cực kỳ kín đáo và lòng trung thực đã được thử thách. Tuy lạm phát và cách mạng, thân phụ tôi quả đã giữ được cho khách hàng một phần khá lớn tài sản của họ.

Khi Hítle lên nắm quyền ở Đức và bắt đầu vơ vét Giáo hội và các nhà tu, để tránh, ít ra những động sản của khách hàng chúng tôi không bị động đến, chúng tôi đã tìm cách chuyển chúng ra nước ngoài. Dạo đó, thân phụ tôi và tôi biết rõ những hoạt động chính trị bí mật của Rôm và hoàng tộc mà công chúng sẽ không bao giờ hay biết cả. Nhưng chính do tính chất kín đáo của văn phòng chúng tôi – ngoài cửa cũng chẳng gắn một tấm biển nào – và do thận trọng chúng tôi đã không công khai tiếp xúc với giới những người quân chủ nên không bị nhòm ngó điều tra. Không một nhà chức trách nào ở Áo đặt vấn đề nghi là gần như toàn bộ thư từ bí mật của hoàng tộc đều do một văn phòng chẳng ai thèm để mắt nằm ở tầng năm một căn nhà, đã chuyển đi.

Thế mà, từ lâu, trước khi tung quân đội xâm chiếm thế giới, bọn Quốc xã đã tổ chức ở tất cả các nước láng giềng một đội quân khác cũng nguy hiểm và được luyện tập kĩ như đội quân trên, gồm những tên bất bình và bất mãn của mọi chế độ chính trị khác nhau, bọn này luồn lách vào từng văn phòng, từng xí nghiệp và có cơ sở điệp viên tận văn phòng riêng của Đônphux và Susnic. Than ôi! Tôi phát hiện quá muộn, người của chúng cũng đã lọt được vào văn phòng nhỏ bé của chúng tôi. Thật ra, hắn chỉ là một nhân viên quèn thảm hại mà chúng tôi đã tuyển theo lời giới thiệu của cha xứ để văn phòng chúng tôi có dáng vẻ bình thường. Chúng tôi chỉ giao cho hắn chạy những việc vô hại, trả lời điện thoại và sắp xếp những giấy tờ vô nghĩa. Hắn không được bóc thư tín, tự tay tôi đánh máy những thư quan trọng, không để lại bản sao ở văn phòng, tôi đem về nhà những tài liệu quan trọng và gặp gỡ bí mật, cho ý kiến tại tu viện hoặc tại chỗ bác tôi.

Nhờ đề phòng như vậy, ở văn phòng chẳng còn gì quan trọng để rình mò. Chắc do một rủi ro bất ngờ nào đấy, cái tên đầy tham vọng này đã phát hiện bị nghi ngờ và mọi chuyện đã diễn ra sau lưng hắn. Có lẽ, khi tôi vắng mặt, một người đưa tin thiếu thận trọng đã gọi
hoàng thượng
thay vì
nam tước Bern
như đã quy định, hoặc cái tên vô lại ấy đã bóc trộm thư, không chấp hành lệnh. Chắc Munic hay Berlin đã trao cho hắn nhiệm vụ theo dõi chúng tôi, trước khi tôi nảy ra ý nghi ngờ hắn. Chỉ mãi sau này và khi bị bắt tôi mới nhớ lại thái độ đột nhiên sốt sắng của hắn vào thời gian cuối lúc còn đang làm việc ở chỗ chúng tôi và những lời năn nỉ của hắn muốn giúp tôi đi bỏ thư ở bưu điện. Về phần mình, tôi cũng thành khẩn nhận là tôi thiếu lo xa, nhưng biết bao những nhà ngoại giao và sĩ quan đã bị lừa vì sự nham hiểm của cái bọn này?

Ít lâu sau, tôi có một chứng cớ xác thực cho thấy bọn Gextapô đã để ý đến tôi từ lâu: ngay tối hôm Susnic từ chức, rạng sáng hôm quân của Hítle vào Viên thì tôi bị bọn SS bắt. May mà ngay sau khi nghe bài diễn văn từ biệt của Susnic tôi đã vội đốt mọi giấy tờ quan trọng nhất và một phút trước khi bọn cảnh sát gõ cửa, tôi đã giấu vào làn quần áo gửi cho bác tôi, qua bà quản gia già trung thành của tôi, toàn bộ giấy tờ cần thiết công nhận quyền của Susnic được sở hữu tu viện của mình và quyền của hai quận công Đônphux và Susnic có những sở hữu khác ở nước ngoài.

Ông B. ngừng kể để châm một điếu xì gà. Ánh lửa rọi sáng miệng ông; cơ mép ông giật mạnh, trước đây tôi ngạc nhiên nhận thấy hiện tượng này đã làm miệng ông bị méo về bên phải. Đây chỉ là một động tác thoáng qua, khó nhận thấy, nhưng nó tạo cho khuôn mặt ông có dáng vẻ lo lắng kỳ lạ.

Chắc ông nghĩ rằng bây giờ tôi sẽ nói ông nghe về một trại tập trung nhốt biết bao người Áo đã trung thành với Tổ quốc của họ và tôi định mô tả lại tất cả những điều nhục nhã và những cảnh tra tấn mà con người đã phải chịu đựng trong trại đó? Nhưng chuyện ấy không hề xảy ra với tôi. Tôi bị xếp vào một loại đặc biệt. Bọn chúng không nhốt tôi cùng với những người khốn khổ mà chúng đã dùng nhục hình và đày đọa về tinh thần để trả mối hận thù có từ lâu, bọn Quốc xã liệt tôi vào nhóm người không đông lắm mà chúng hi vọng moi được tiền của và tài liệu quan trọng. Về bản thân tôi, bọn Gextapô chẳng quan tâm đến thân phận nhỏ nhoi này đâu.

Chắc hẳn bọn chúng đã tìm hiểu được rằng chúng tôi là những người quản lý đáng tin cậy của kẻ thù kiên quyết nhất chống đảng của chúng, và điều chúng muốn khai thác ở tôi là những tài liệu. Những tài liệu dùng làm chứng cớ không chối cãi được chống lại các tu viện nhằm cướp đoạt tài sản của tu viện và còn dùng để chống hoàng tộc. Không phải vô cớ, bọn chúng cho rằng những tài sản qua tay chúng tôi chắc còn sót lại khá lớn và được cất giữ ở nơi khó moi. Do đó, bọn chúng đã bắt giữ tôi ngay hôm đầu để dùng những biện pháp mà chúng cho rằng sẽ có hiệu quả tuyệt vời buộc tôi phải phun ra.

Những người loại này không bị nhốt trong trại tập trung, bọn chúng đã dành cho họ một hoàn cảnh sinh hoạt đặc biệt. Có lẽ ông vẫn còn nhớ rằng cả thủ tướng của chúng tôi lẫn nam tước Rôtsin đều không bị nhốt sau lớp rào dây thép gai, mà chúng đã ưu ái để các vị ấy sống ở khách sạn, mỗi người một phòng riêng. Đấy là khách sạn Mêtrôpôn, nơi bọn Gextapô đã đặt tổng hành dinh của chúng. Một nhân vật vô danh tiểu tốt như tôi cũng có được niềm vinh dự đó.

Một phòng riêng tại một khách sạn – tôi đâu dám mơ ước một sự đối xử nhân đạo hơn? Ấy là, mong ông tin rằng đấy chỉ là để áp dụng một biện pháp tinh tế hơn với chúng tôi, chẳng phải vì nhân đạo mà chúng tôi được ở trong các phòng khách sạn sưởi ấm đàng hoàng chứ không phải trong những lán lạnh buốt và chật cứng. Vì bọn chúng muốn gây một sức ép tế nhị hơn là đòn vọt và các nhục hình khác để moi tài liệu ở chúng tôi. Bọn chúng bắt chúng tôi phải sống cách ly ở mức tinh tế nhất mà chúng đã nghĩ ra. Chúng chẳng làm gì chúng tôi cả - chúng chỉ để chúng tôi mặt đối mặt với cõi hư vô, vì hiển nhiên không còn gì ở trên đời này có thể đè nặng lên tâm hồn con người bằng cách đó. Tạo ra ở quanh mỗi chúng tôi một khoảng trống hoàn toàn, giam mỗi chúng tôi trong một căn buồng bịt kín, cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài, là chúng sử dụng một sức ép buộc chúng tôi phải khai, đảm bảo hơn roi vọt và cái lạnh.

Thoạt nhìn, căn phòng tôi được phân xem ra cũng khá đầy đủ tiện nghi. Nó có một cửa ra vào, một chiếc giường và một chiếc ghế, một chậu và một cửa sổ bịt lưới sắt. Nhưng cửa ra vào ngày đêm bị khóa chặt, tôi không được cung cấp sách, báo, giấy và bút chì. Quanh tôi là cõi hư vô mà tôi hoàn toàn ngụp lặn trong đó. Chúng lấy đồng hồ của tôi để không còn lượng biết thời gian, bút chì để không viết gì được, dao để không thể rạch được mạch máu; tôi còn bị khước từ cả cảm giác lâng lâng ngây ngất do điếu thuốc gây nên. Tôi chẳng bao giờ thấy một bóng người, trừ tên giám ngục đã được lệnh không được nói và trả lời tôi một câu nào. Tôi chẳng bao giờ nghe thấy tiếng người.

Cái chế độ ngày đêm bị tước bỏ những cảm giác đối với mọi món ăn tinh thần này đã đẩy tôi đến chỗ trơ trọi, trơ trọi một cách tuyệt vọng trước mỗi mình tôi và bốn hoặc năm đồ vật câm lặng; chiếc bàn, chiếc giường, chiếc cửa sổ, chiếc chậu. Tôi sống như một người thợ lặn ở trong một chiếc chuồng thủy tinh thả giữa biển đen ngòm của cảnh im lặng, nhưng đây là một thợ lặn đã cảm thấy sợi dây nối với thế giới bị đứt và sẽ không bao giờ được kéo ra khỏi những độ sâu câm lặng. Tôi chẳng có gì để làm, chẳng có gì để nghe, chẳng có gì để nhìn, quanh tôi là cõi hư vô gây cho tôi cảm giác choáng váng, một khoảng trống không kích thước trong không gian và trong thời gian. Tôi đi đi lại lại trong phòng mình, còn những suy nghĩ của tôi cũng không ngừng đi đi lại lại trong đầu tôi, theo cùng một nhịp hoạt động.

Nhưng, do thiếu đề tài để biểu lộ như vậy, những suy nghĩ cũng cần có một điểm để nương tựa, nếu không chúng sẽ tự xoay quanh chúng theo một vòng tròn điên cuồng. Chúng cũng không thể chịu đựng được sự hư vô. Từ sáng tới tối, người ta chờ đợi một chuyện gì đó, nhưng đã chẳng có chuyện gì xảy ra. Người ta chờ và lại bắt đầu chờ. Chẳng có chuyện gì xảy ra. Người ta chờ, người ta đợi, người ta mong, những suy nghĩ cứ xoay quanh trong đầu ta tới lúc hai thái dương đau nhức. Vẫn không có chuyện gì xảy ra. Tôi vẫn có một mình tôi. Trơ trọi. Cô đơn.

Tình trạng này kéo dài mười lăm ngày, mười lăm ngày tôi đã sống tách khỏi thời gian, tách khỏi thế giới. Chiến tranh đã nổ ra mà tôi không hay biết gì. Đối với tôi, thế giới chỉ bao gồm có một chiếc bàn, một cái cửa ra vào, một chiếc giường, một chiếc ghế, một chiếc chậu, một cửa sổ và bốn bức tường cùng bồi một loại giấy, mà tôi cứ nhìn chằm chằm và do nhìn mãi, mỗi đường họa sinh động như đã được khắc sâu vào óc tôi.

Cuối cùng tôi bị lôi ra hỏi cung. Tôi bị gọi đi bất thình lình không kể ngày đêm. Tôi bị điều qua các phòng giam, chẳng rõ mình đang ở đâu. Đứng đợi một lúc ở một chỗ nào đó, rồi bất thần thấy mình đứng trước chiếc bàn ngồi quanh có mấy người mặc quân phục. Trên mặt bàn để một bó giấy, một tập hồ sơ chả biết nội dung ra sao, và tôi liền bị vặn hỏi ngay, có những câu hỏi thẳng, có những câu nham hiểm, có câu cốt để moi câu khác, có câu muốn dồn tôi vào bẫy. Khi tôi trả lời, những bàn tay lạ và thù địch lật giở đống giấy ở trên bàn, ngòi bút của một kẻ ác ý ghi dựng lên một biên bản không biết đã thêm bớt ra sao. Tôi bị tra hỏi, tra hỏi hoài. Mỗi câu trả lời của tôi mang một trách nhiệm rất nặng. Nếu tôi nói ra một điều gì bọn chúng chưa biết, tôi có thể đẩy một người nào đó đến chỗ chết; nếu tôi cứ im lặng hoài thì tự gây nguy hại cho bản thân.

Việc hỏi cung không phải là chuyện tệ hại nhất. Điều tệ hại nhất là phải quay về chốn hư vô, quay trở về căn phòng đó, đứng trước vẫn cái bàn, vẫn chiếc giường, vẫn chiếc chậu, bức tường ấy. Vì, vừa còn mỗi mình đối diện với bản thân mình, tôi liền nhớ lại cuộc hỏi cung, suy nghĩ xem lẽ ra nên trả lời thế nào thì khôn hơn, lần sau sẽ nói gì để tránh mọi ngờ vực có thể có do một nhận xét khinh xuất của tôi. Tôi suy ngẫm, đào sâu, rà soát lại từng lời khai nhân chứng của tôi, tôi cố nhớ lại từng câu hỏi, từng câu trả lời, cố nghĩ xem biên bản ghi những gì, trong khi đó biết chắc rằng mình chẳng thể đoán nổi nội dung biên bản.

Nhưng một khi đã bật nghĩ, những suy nghĩ đó cứ luẩn quẩn, quẩn quanh trong đầu tôi và suy nghĩ này làm nảy sinh suy nghĩ khác và theo đuổi tôi mãi vào giấc ngủ. Do đó, cuộc hỏi cung kết thúc, nhưng đầu óc tôi vẫn bị giày vò một cách nghiệt ngã, còn ác độc hơn cả sự hành hạ của các quan tòa, vì phiên tòa xét xử trong có một giờ, nhưng trong phòng tôi, nỗi cô đơn hành hạ tôi triền miên. Tại căn phòng đó, những suy nghĩ, những tưởng tượng điên rồ, những thâu tóm trì trệ của tôi chẳng tìm được cách giãn căng. Chính đây là điều bọn đao phủ của tôi mong muốn, bọn chúng làm cho những suy nghĩ của tôi cứ bị búi lại đến mức đầu óc đặc quánh lại chẳng còn cách nào khác phải để chúng phì ra, hay nói một cách khác phải thú nhận, thú nhận tất, như vậy là phải giao nộp bè bạn tôi, phải khai ra những điều bọn chúng mong muốn. Tôi cảm thấy thần kinh tôi bắt đầu dần dần bị chùng giãn trước sức ép ghê gớm ấy, và tôi bị căng thẳng tột độ phải tìm kiếm một sự khuây khỏa.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Kỳ Thủ.