• 596

Chương 12: Thiên Tình Sử Của Kẻ Yêu Hoa


Số từ: 4258
Nguồn: truyenngan.com.vn
Ta ngoảnh đầu lại coi thì thấy một người ướt đầm đìa nằm phục trên sạp thuyền. Chính là lão già kia.
Nguyên lão nhảy xuống nước chuồn vào dưới gầm thuyền, dùng thân pháp "Đại Lực Ưng Trảo Thủ" dán mình vào đó, lại ngừng hô hấp. Lão chờ địch nhân bỏ đi rồi mới bò ra. Ta vội đỡ lão vào trong thuyền thì lão chỉ còn thoi thóp thở, nói không nên lời.
Ta tự nghĩ:
– Bọn Vạn Chấn Sơn chưa chịu cam tâm, nhất định đi dọ xuống hạ lưu để đón xác lão già. Ta nổi lòng nghĩa hiệp muốn cứu mạng lão, liền bảo nhà đò lập tức khai thuyền đi ngược dòng sông trở về phía Tam Giáp. Dĩ nhiên nhà đò không thích vì giữa lúc nửa đêm không có thuyền phu mà cho thuyền đi ngược dòng không phải chuyện dễ dàng. Nhưng có tiền mua tiên cũng được. Ta trả nhiều tiền, nhà đò liền ưng chịu ngay.
Bên mình ta có mang theo thuốc dấu liền trị thương cho lão. Nhưng vết kiếm thương sau lưng lão rất sâu, xuyên vào tới phổi, không chữa khỏi được. Ta chỉ biết làm cho hết sức, cũng không hỏi gì lão. Dọc đường ta mua rượu thịt cho lão uống.
Ta thấy võ công lão nhảy xuống sông Trường Giang chuồn vào dưới gầm thuyền thì nguyên bản lãnh và kiến thức này cũng đủ khiến cho ta liều mình vì lão.
Đinh Điển ngừng lại một chút rồi kể tiếp:
Sau ba ngày điều trị, lão hỏi họ tên ta rồi nhăn nhó cười nói:
– Hay lắm! Hay lắm!
Lão rút trong bọc ra một gói giấy dầu đưa cho ta.
Ta hỏi lão:
– Thân nhân của lão trượng ở đâu? Vãn bối quyết tìm đến nơi để đưa cho họ.
Lão già hỏi lại:
– Đại hiệp có biết lão phu là ai không?
Ta đáp:
– Vãn bối không biết.
Lão tự giới thiệu:
– Lão phu là Mai Niệm Sanh.
Ta nghe nói giật mình kinh hãi.
Y thấy Địch Vân vẫn thản nhiên, liền hỏi:
– Sao! Huynh đệ không lấy làm kỳ ư? Hay huynh đệ không biết Mai Niệm Sanh là ai? Lão chính là Thiết Cốt Mặc Ngạc Mại Niệm Sanh đó. Huynh đệ không biết thật ư?
Địch Vân lắc đầu đáp:
– Tiểu đệ chưa từng nghe ai nói tới danh tự này.
Đinh Điển cười khằng khặc nói:
– Phải rồi! Dĩ nhiên lệnh sư không cho huynh đệ biết. Thiết Cốt Mặc Ngạc Mai Niệm Sanh là bậc tiền bối võ lâm nổi danh ở Tương Trung. Lão có ba người đệ tử. Đại đệ tử tên gọi Vạn Chấn Sơn, nhị đệ tử là Ngôn Đạt Bình. Tam đệ tử là...
Địch Vân hỏi xen vào:
– Đinh... Đinh đại ca! Đại ca bảo sao?
Đinh Điển đáp:
– Tam đệ tử là Thích Trường Phát. Khi ta nghe lão tự xưng là Mai Niệm Sanh cũng kinh ngạc chẳng kém gì huynh đệ lúc này. Chính mắt ta trông thấy cuộc ác đấu lúc đêm khuya trăng tỏ ở bên bờ sông, lại nhìn rõ ba vị sư huynh sư đệ Vạn Chấn Sơn cùng ra tay tàn độc nên càng kinh hãi hơn cả huynh đệ nữa.
Rồi y kể tiếp:
Mai lão tiên sinh nhìn ta gượng cười lắc đầu nói:
– Tên tam đồ đệ của lão phu lợi hại nhất. Hắn nhân lúc lão phu chưa kịp đề phòng phóng kiếm đâm vào lưng, nên lão phu bắt buộc phải nhảy xuống sông để trốn tránh.
Địch Vân giọng nói run run hỏi:
– Sao? Có thật gia sư đã động thủ không?
Đinh Điển kể tiếp:
Ta không biết nói gì để an ủi lão, chỉ nghĩ thầm trong bụng:
Bốn thầy trò nhà này trở mặt thành thù tất phải có nguyên nhân rất trọng đại. Ta là người ngoài, tuy động tính hiếu kỳ mà không tiện hỏi.
Mai lão tiên sinh lại nói:
– Trên đời lão phu chỉ có ba tên đồ đệ là thân nhân. Bọn chúng vì muốn đoạt một pho kiếm phổ mà cả gan hành thích sư phụ. Hà hà! Bọn đồ đệ ngoan ngoãn kia! Các ngươi đoạt kiếm phổ rồi, đáng tiếc là không có kiếm quyết thì làm gì được? Liên Thành Kiếm pháp tuy thần diệu vô cùng nhưng bằng Thần Chiếu Công thế nào được? Bộ Thần Chiếu Kinh đó lão phu xin tặng đại hiệp. Đại hiệp ráng mà luyện cho đến nơi thì uy lực hiệu đại vô cùng. Nhưng đại hiệp nên nhớ chớ có truyền cho bọn giặc cướp.
Đinh Điển kể tiếp:
Do đó mà ta có pho Thần Chiếu Kinh. Mai lão tiên sinh nói được bấy nhiêu rồi chỉ sống thêm hai giờ nữa là chết. Ta đem di thể lão an táng ở bờ sông, cạnh núi Vu Giáp.
Khi đó ta hoàn toàn không hiểu gì về sự quan hệ trọng đại của Liên Thành Quyết và tưởng là sở dĩ bọn họ tranh đoạt nhau một bộ kiếm pháp trong bản môn chỉ vì muốn giữ cho được bí ẩn. Ta liền dựng bia trước mộ Mai lão tiên sinh. Trên bia khắc một hàng chữ "Lưỡng Hồ đại hiệp Mai Niệm Sanh tiên sinh chi mộ." Ngờ đầu tấm bia mộ này lại gây cho ta không biết bao nhiêu chuyện phiền não.
Có người do manh mối tấm bia, hỏi tra thợ đá, thuyền phu để khám phá ra người dựng bia là ta. Họ đoán rằng ta đã mai táng Mai lão tiên sinh thì những gì lão đem theo trong mình mười phần có đến tám, chín đều lọt vào tay ta.
Không đầy ba tháng, một vị hào khách giang hồ tìm đến nhà. Người này rất lễ độ, úp mở đắn đo hoài, sau mới thổ lộ đến tìm ta vì mục đích gì. Y bảo có một tấm địa đồ về đại bảo tàng ở trong tay Mai lão tiên sinh mà y chắc là ta nắm được.
Y xin ta lấy ra coi để cùng nhau nghiên cứu. Nếu tìm thấy bảo tàng thì ta lấy bảy phần còn y ba phần.
Ta nghĩ rằng Mai lão tiên sinh giao cho ta một pho bí lục về nội công thượng thừa và mấy câu kiếm quyết về Liên Thành Quyết gì đó, nhưng bất quá chỉ là mấy con số. Ngoài ra không còn gì nữa, làm gì có địa đồ về bảo tàng?
Ta nói thực cho người kia nghe nhưng y nhất định không tin, yêu cầu ta đưa võ công bí quyết cho y coi. Lúc Mai lão tiên sinh giao bí lục cho ta đã ân cần dặn bảo chớ có truyền lầm cho bọn giặc cướp, dĩ nhiên ta không chịu đưa ra. Người kia hậm hực bỏ đi.
Qua không đầy ba bữa, nửa đêm y lại lần đến nhà ta gây cuộc động thủ. Y bị thương ở bả vai phải rút lui.
Vụ này đồn đại ra ngoài, số người đến phỏng vấn mỗi ngày một nhiều thật phiền phức cho ta quá. Sau cả Vạn Chấn Sơn cũng đến. Ta thấy không thể ở lại Kinh Môn được nữa, chỉ còn đường bỏ đi tìm nơi mai danh ẩn tính. Ta đi thật xa, ra ngoài quan ải làm nghề buôn bán trâu bò ở mục trường để sinh nhai.
Qua năm sáu năm, ta không nghe thấy phong thanh gì nữa, nhớ tới quê nhà, liền cải trang trở về Kinh Môn xem sao. Ngờ đâu nhà mình đã bị thiêu rụi. May mà chẳng có thân nhân nào, nên cũng không bận bịu gì nữa.
Đinh Điển kể xong lai lịch Thần Chiếu Kinh. Địch Vân trong lòng rất hồ đồ, không tin cũng không được. Vì Đinh Điển trước nay chẳng hề nói dối bao giờ.
Huống chi giữa y với chàng tình thân như cốt nhục, y bịa chuyện lừa gạt chàng để làm gì? Mà tin lời y thì chẳng lẽ một vị sư phụ thành thực trung hậu của chàng lại là con người nham hiểm tàn độc đến thế?
Địch Vân thấy da mặt Đinh Điển không ngớt co giãn, xem chừng chất độc đã lan tới nơi. Chàng liền nói:
– Đinh đại ca! Câu chuyện giữa Thái sư phụ của tiểu đệ, chúng ta chưa cần điều tra vội... Đại ca thử nghĩ kỹ xem có cách gì trị được chất độc trong mình đại ca là điều khẩn yếu.
Đinh Điển lắc đầu đáp:
– Ta đã bảo huynh đệ hãy lẳng lặng nghe ta nói hết lời chứ đừng xen vào.
Rồi y kể tiếp:
Đây là việc hơn tám năm về trước. Vào thượng tuần tháng chín, ta đang ở Hán Khẩu đem ít nhân sâm từ quan ngoại đưa về bán cho tiệm thuốc. Chủ tiệm là người rất phong nhã, mua bán xong rồi, mời ta đi coi hội hoa cúc ở Hán Khẩu.
Trong Cúc hoa hội này thật chẳng thiếu chi các loại hoa quý. Về Hoàng Cúc có đủ loại Kinh thược dược, Huỳnh hạc linh, Báo quân tri, Ngự bào hoàng, Kinh khổng tước, Trắc kim trản, Oanh vũ hoàng.
Bạch Cúc có Nguyệt hạ bạch, Ngọc mẫu đơn, Ngọc bảo tướng, Ngọc linh lung, Nhất đoàn tuyết, Điêu thuyền bái nguyệt, Thái dịch liên.
Tử Cúc có Bích giang hà, Song phi yến, Tiễn hà tiêu, Tử ngọc liên, Tử hà bôi, Mã não bàn, Tử la tán.
Hồng Cúc có Mỹ nhân hồng, Hải nhân hồng, Túy quý phi, Tú phù dung, Yên chi hương, Cẩm lệ chi, Hạc đính hồng.
Màu hồng lạt có Phật kiến tiếu, Hồng phấn đoàn, Đào hoa cúc, Tây thi phấn, Thắng bài đào, Ngọc lâu xuân...
Đinh Điển đem những loại hoa cúc nhất nhất kể ra trơn như cháo chảy, chẳng khác gì những chiêu thức võ công đã luyện tập thành thuộc.
Ban đầu Địch Vân cũng hơi ngạc nhiên, nhưng sau chàng nghĩ tới Đinh đại ca là người yêu hoa, nên Lăng tiểu thư không ngớt đặt chậu hoa tươi trên thành cửa sổ để y thưởng ngoạn, thì vụ hắn thuộc lòng những tên các loại hoa cúc cũng chẳng có chi là lạ.
Lúc Đinh Điển kể tên các thứ hoa cúc, khóe miệng chừng lộ một nụ cười, thần sắc rất nhu hòa. Y thủng thỉnh kể tiếp:
Ta vừa coi vừa tán thưởng. Kể đến thứ cúc nào, ta lại phê bình ưu điểm và liệt điểm về thứ hoa đó.
Cuộc thưởng ngoạn xong rồi, lúc sắp ra khỏi hoa viên, ta nói:
– Cúc hoa hội này đáng kể là một thịnh sự hiếm có, chỉ tiếc một điều là thiếu giống lục cúc.
Bỗng nghe thanh âm một vị tiểu cô nương ở phía sau cất lên:
– Tiểu thư ơi! Người này có biết đến Lục cúc hoa. Những loại Xuân thủy bích ba, Lục ngọc như ý ở nhà ta thì người thường kiếm đâu được?
Ta quay đầu nhìn lại thấy một thiếu nữ cốt cách thanh tú, đầy vẻ thoát tục, đang thưởng ngoạn hoa cúc. Nàng mặc tấm áo màu vàng lợt. Thật là con người thanh đạm như cúc. Trong đời ta chưa được thấy một vị cô nương nào thanh nhã diễm lệ đến thế. Bên cạnh nàng là một tên nha hoàn lối , tuổi.
Vị tiểu thư kia thấy ta chú ý nhìn nàng, mặt hơi đỏ lên, nàng khẽ nói:
– Xin lỗi tiên sinh, miễn trách cho, con tiểu nha đầu này buột miệng nói quàng.
Ta đứng thộn mặt ra, không thốt nên lời.
Ta thấy nàng ra khỏi vườn hoa mà mình vẫn ngơ ngác.
Bỗng nghe chủ nhân tiệm thuốc nói:
– Cô đó là tiểu thư nhà Lăng Hàn Lâm ở Võ Xương. Cô là một mỹ nhân nổi tiếng miền Võ Hán này. Hoa cỏ trong nhà cô ít nơi bì kịp.
Ta ra khỏi vườn hoa, chia tay chủ nhân tiệm thuốc, trở về khách điếm. Trong lòng ta ngoài vị Lăng tiểu thư kia, không còn ý niệm gì nữa.
Chiều hôm ấy ta qua sông đến Võ Xương, hỏi đường lối tới phủ Lăng Hàn Lâm. Đến nơi rồi tự nhiên vào bái phỏng là đường đột quá. Ta ở ngoài cổng phủ đi lui đi tới.
Ngoài cổng chỉ có mấy đứa trẻ nít chơi đùa. Trong lòng ta hồi hộp, nửa phần sợ hãi nửa phần mừng vui. Có lúc mình tự mắng mình là nên chết đi. Ngày đó tuổi ta không còn nhỏ nữa, nhưng ban đầu rớt vào lưới tình thì chẳng khác gì một đứa trẻ nít ngây ngô.
Đinh Điển nói tới đây, mắt lộ ra những tia kỳ quang, hiển nhiên trong lòng rất hứng thú.
Địch Vân lại cảm thấy mối sợ hãi không hiểu gì đâu. Chàng chỉ lo thể lực y đột nhiên không chống nổi thì làm thế nào? Chàng liền nói:
– Đinh đại ca! Đại ca hãy yên tĩnh nghỉ một lúc. Tiểu đệ đi kiếm thầy lang coi xem. Chưa chắc thương thế của đại ca đã thành bất trị.
Dứt lời chàng đứng dậy toan đi.
Đinh Điển nắm tay áo chàng kéo lại hỏi:
– Hình dạng chúng ta thế này đi kiếm thầy lang mà không phải là đi tìm cái chết ư?
Y dừng lại một chút rồi thở dài nói:
– Địch huynh đệ! Hôm ấy huynh đệ nghe tin sư muội đi lấy người khác, huynh đệ buồn bực treo cổ tự tử. Sư muội của huynh đệ vô tình vô nghĩa như vậy không đáng để cho huynh đệ chết vì cô ta.
Địch Vân gật đầu đáp:
– Đúng thế! Mấy năm nay, tiểu đệ cũng đã nghĩ ra rồi.
Đinh Điển nói:
– Giả tỷ lệnh sư muội đối với huynh đệ bằng mối tình tha thiết thì cô đã vì huynh đệ mà chết rồi. Có thế huynh đệ mới đáng chết theo cô.
Địch Vân đột nhiên tỉnh ngộ hỏi:
– Lăng tiểu thư đã chết vì đại ca ư?
Đinh Điển đáp:
– Đúng thế! Nàng chết vì ta thì bây giờ ta lại muốn chết vì nàng. Có thế lòng ta mới khoan khoái. Nàng đối với ta tình nghĩa thâm trọng, thì tạ.. đối với nàng cũng phải tương xứng. Địch huynh đệ! Đừng nói ta trúng phải chất độc không thuốc nào chữa được, dù có thuốc ta cũng không chữa nữa.
Đột nhiên Địch Vân cảm thấy mối thương tâm khôn tả. Dĩ nhiên chàng đau xót người bạn tốt sắp xa dời, nhưng trong thâm tâm chàng lại khen thầm hạnh phúc của y, vì trên cõi đời này y được một thiếu nữ thương yêu một cách chân thật, cam nguyện vì y mà chết. Đồng thời y cũng đáp lại bằng mối ân tình rất sâu xa. Còn chính chàng thì sao? Chàng không muốn nghĩ thêm nữa.
Đinh Điển trầm ngâm tựa hồ để nhớ lại những chuyện ngày trước. Hồi lâu, y kể tiếp:
Ta đến Võ Xương, thơ thẩn ở ngoài cổng phủ Lăng Hàn Lâm. Tòa cổng lớn này sơn đỏ. Trên cổng đóng đinh đồng sáng loáng.
Ta là một võ nhân trên chốn giang hồ thì mạo muội sấn vào thế nào được?
Ta bước lui rồi lại bước tới đến ba, bốn giờ. Trời đã huỳnh hôn, trong bụng vẫn không biết đói. Ta cũng không biết đến mình ta nữa. Ta đến đây để trông chờ cái gì?
Trời sắp tối, ta vẫn không nghĩ đến chuyện bỏ đi. Đột nhiên một thiếu nữ từ phía trong khuôn cửa nhỏ ở mé bên đi ra, lại tới bên ta khẽ nói:
– Chàng ngốc kia! Đến bây giờ mà còn chưa đi ư? Tiểu thư bảo tướng công về thôi.
Ta nhìn lại thì chính là tên nha đầu kề cận Lăng tiểu thư.
Trống ngực đánh thình thình, ta ấp úng hỏi:
– Cộ.. cô bảo sao?
Thị cười hì hì đáp:
– Tiểu thư cùng tiểu tỳ đánh cuộc đến bao giờ tướng công mới ra đi. Tiểu tỳ thắng cuộc được hai cái nhẫn bạc mà tướng công vẫn chưa đi.
Ta vừa kinh hãi vừa mừng thầm hỏi:
– Tại hạ Ở đây tiểu thư cũng biết hay sao?
Tên nha đầu cười đáp:
– Tiểu tỳ mấy lần ra coi mà tướng công không hay. Tâm hồn còn để ở đâu, có đúng thế không?
Thị vừa nói vừa cười rồi trở gót toan đi vào. Ta vội gọi giựt lại:
– Tỷ tỷ!
Thị hỏi:
– Sao? Tướng công còn muốn gì nữa?
Ta đáp:
– Nghe nói trong quý phủ có mấy loại Lục cúc hoa nổi danh, tại hạ ao ước được coi một chút.
Thị gật đầu, giơ tay ra trỏ về phía Hồng Lâu ở vườn sau nói:
– Tiểu tỳ về yêu cầu tiểu thư. Nếu tiểu thư ưng thuận, tiểu tỳ sẽ đặt chậu hoa lên thành cửa sổ Hồng Lâu.
Đêm hôm ấy ta ngồi trên tảng đá ở ngoài Lăng phủ suốt đêm.
Sáng sớm hôm sau, phước cho ta được ngó thấy hai chậu hoa cúc màu xanh lợt xuất hiện trên thành cửa sổ. Ta biết một chậu là Xuân Thủy Bích Ba, và một chậu là Bích Ngọc Như Ý. Nhưng trong lòng ta vẫn mơ tưởng người đặt hai chậu hoa đó.
Vẻ mặt hớn hở, y kể tiếp:
Giữa lúc ấy, phía sau rèm, nửa khuôn mặt đẹp nhất thiên hạ lộ ra chú ý nhìn ta một lần. Bỗng mặt nàng đỏ lên, lại ẩn vào phía sau rèm rồi không xuất hiện nữa.
Y nhìn Địch Vân hỏi:
– Địch huynh đệ Ơi! Đại ca tướng mạo xấu xa, không giàu mà cũng chẳng sang, chỉ là con người thảo mãng lưu lạc giang hồ thì khi nào dám hy vọng lọt vào mắt xanh của giai nhân? Nhưng từ đó trở đi, mỗi sáng sớm ta lại đến ngoài hậu viên ở Lăng phủ nhìn lên bậc cửa sổ cả nửa ngày. Lăng tiểu thư cũng nhớ đến ta.
Mỗi ngày đều đổi một chậu hoa tươi đặt lên bậc cửa sổ...
Y dừng lại một chút rồi kể tiếp:
Tình trạng này kéo dài chín tháng. Bất chấp mưa to gió cả, sương băng tuyết rữa, sáng sớm ngày nào ta cũng đến thưởng hoa. Lăng tiểu thư cũng chẳng nề mưa gió, hàng ngày đổi một chậu hoa tươi.
Mỗi sáng nàng chỉ ngó ta một lần, chứ không đến lần thứ hai. Mỗi lần nàng ngó ra, mặt lại đỏ bừng rồi ẩn vào sau rèm.
Ta chỉ cầu hàng ngày được nhìn làn sóng thu một lần với nét mặt đỏ bừng là lấy làm thỏa mãn lắm rồi.
Nàng không nói với ta một câu, ta cũng chẳng bao giờ dám mở miệng.
Kể về bản lãnh, ta chỉ nhảy khẽ một cái là lên lầu được để đến trước mặt nàng, nhưng ta không dám khinh mạn. Cả đến việc gửi một phong thư tỏ lòng kính mộ cũng không dám viết.
Đêm mồng năm tháng hai năm ấy có hai nhà sư đến ngụ sở của ta tập kích đột ngột. Chúng phong thanh tin tức, muốn đoạt kiếm quyết và Thần Chiếu Kinh của ta.
Hai nhà sư này tức là hai hòa thượng trong ngũ tăng ở Huyết Đao Môn đã đến nhà ngục bữa trước. Một trong hai người đó mới bị ta thu thập mà huynh đệ cũng ngó thấy đó.
Hồi ấy ta chưa luyện được Thần Chiếu Công, bản lãnh kém bọn họ xa nên bị họ đánh trọng thương cơ hồ uổng mạng. Ta phải ẩn vào trong đống cỏ ở chuồng ngựa mới thoát nạn.
Lần ấy ta bị thương rất nặng phải nằm liệt giường ba tháng mới gắng gượng bò dậy được.
Ta vừa dậy được liền chống gậy đến cổng vườn sau ở Lăng phủ thì cảnh vật nơi đây đã hoàn toàn biến đổi. Ta hỏi dò mới biết ba tháng trước Lăng Hàn Lâm đã dọn nhà đi, nhưng dọn tới đâu thì chẳng ai hay.
Đinh Điển kể tới đây, nhìn Địch Vân nói:
– Địch huynh đệ! Huynh đệ thử nghĩ coi. Lần ấy ta thất vọng còn khổ sở hơn bị thương lúc này nhiều!
Trong lòng ta rất lấy làm kỳ ở chỗ Lăng Hàn Lâm là một nhân vật lừng danh đất Võ Xương mà dọn nhà đến đâu sao lại chẳng ai hay?
Ta chạy khắp nơi dò la, hao tổn rất nhiều hơi sức và tài vật, vẫn không tìm ra được chút manh mối nào. Ta chỉ đoán mò trong vụ này có điều ngoắt ngoéo. Hoặc Lăng Hàn Lâm muốn lánh cừu gia, hoặc vì nguyên nhân nào khác mà phải dời chỗ ở một cách đột ngột, lại vào trúng thời kỳ ta đang bị thương.
Từ đó bất luận ta làm việc gì cũng chẳng để tâm, chạy lang bang trên chốn giang hồ, không chăm lo chính nghiệp.
May mà Đinh Điển này hồng phúc tầy trời. Số là hôm ấy ta vào một trà quán ở Trường Sa, ngẫu nhiên được nghe hai nhân vật trong hai bang hội thương lượng với nhau đến nhà Vạn Chấn Sơn ở Kinh Châu yêu cầu lão giao bộ Liên Thành Kiếm phổ đó ra.
Ta nghĩ tới bữa trước bọn Vạn Chấn Sơn ba người làm điều đại nghịch định giết thầy cũng chỉ vì cuốn kiếm phổ này mà mình chưa hiểu bên trong nó ra làm sao, muốn coi xem cũng chẳng hề gì.
Ta liền ngấm ngầm theo dõi hai người đến Giang Lăng.
Người hai bang hội này chí lớn mà tài nhỏ, không biết tự lượng. Chúng đến Vạn gia sinh sự liền bị Vạn Chấn Sơn bắt giữ đưa tới nha môn phủ Giang Lăng.
Ta theo đi để coi nhiệt náo thì thấy trước phủ dán tờ cáo thị khiến ta mừng rỡ vô cùng. Nguyên quan tri phủ Giang Lăng chẳng phải ai xa lạ mà chính là Lăng Thoái Tư, phụ thân của Lăng tiểu thư.
Đêm hôm ấy ta bưng một chậu tường vi lén lút đưa tới đặt lên thành cửa sổ phía sau tòa lầu của Lăng tiểu thư rồi xuống chờ ở dưới lầu.
Sáng sớm hôm sau tiểu thư mở cửa sổ thấy có chậu hoa, bật tiếng la hoảng.
Rồi nàng ngó thấy ta ngay.
Hơn một năm chúng ta không gặp nhau, đã tưởng kiếp này không còn ngày tái hội. Vắng mặt lâu ngày nay lại trùng phùng. Nỗi vui mừng kể sao cho xiết!
Nàng nhìn ta hồi lâu mới đỏ mặt lên, từ từ khép cửa lại.
Ngày thứ hai nàng không nhịn được cất tiếng hỏi:
– Tướng công mắc bịnh ư? Sao gầy đi nhiều thế?
Những ngày sau đó ta không phải là người mà là thần tiên ở trên trời. Thực ra làm thần tiên nhất định không sung sướng đến thế!
Mỗi ngày vào lúc nửa đêm ta lên lầu đón Lăng tiểu thư ra đưa nàng đi chơi vùng hoang sơn dã lĩnh đất Giang Lăng. Thủy chung chúng ta giữ điều lễ nghĩa, tuyệt không một chút hành vi ra ngoài khuôn phép, nhưng chẳng điều gì không nói với nhau, tựa hồ đôi bạn tri kỷ thân thiết nhất thiên hạ.
Một hôm Lăng tiểu thư thổ lộ cho ta hay một điều đại bí mật. Phụ thân nàng tuy thi đỗ tiến sĩ, làm đến Hàn Lâm, mà thực ra là Đại long đầu ở Long Sa Bang tại vùng Lưỡng Hồ. Chẳng những lão văn tài xuất chúng, mà võ công cũng rất cao cường. Ta đã kính trọng Lăng tiểu thư như một bậc thiên thần, dĩ nhiên càng tôn kính phụ thân nàng hơn, nên nghe nàng nói vậy cũng chẳng bận tâm.
Sau đó ít lâu, Lăng tiểu thư lại cho ta biết sở dĩ phụ thân nàng không làm chức Hàn Lâm Thanh Quý, lại bỏ ra mấy vạn lạng bạc, xoay sở trăm phương ngàn kế làm chức Tri phủ ở Kinh Châu là vì có mưu đồ trọng đại.
Nguyên lão nhân gia đọc trong sử sách thấy nói một nơi ở trong thành Kinh Châu có kho tàng cất giấu trân bảo cực lớn.
Thời Lục Triều, Lương Vũ đế gặp loạn Hồng Cảnh chết đi, Giảng Văn đế lên nối ngôi, lại bị Hồng Cảnh gia hại. Sau Tương Đông Vương Tiêu Dịch kế vị Ở Giang Lăng, tức là Lương Nguyên Đế.
Lương Nguyên Đế nhu nhược bất tài, mà tính thích gom góp tài bảo. Nhà vua này làm Hoàng đế ba năm ở Giang Lăng, thâu góp Kim châu trân bảo không biết bao nhiêu mà kể!
Đến năm Thừa Thánh thứ ba, quân Ngụy kéo đến đánh phá Giang Lăng, giết vua Nguyên Đế.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Liên Thành Quyết.