• 596

Chương 38: Cuộc Chiến Đấu Giữa - Ngôn Đạt Bình và Vạn Chấn Sơn


Số từ: 5288
Nguồn: truyenngan.com.vn
Địch Vân lại nghĩ tiếp:
– Ngày ấy Vạn sư thúc mở tiệc thọ Ở Kinh Châu, lão khất cái ngày đêm quanh quẩn dòm dỏ, hiển nhiên có chỗ dụng tâm, Ồ! Thầy trò Vạn Chấn Sơn tìm không thấy kiếm quyết, khi nào chẳng đến tòa nhà lớn tra xét? Không chừng bọn họ đến đây lâu rồi và đã tra xét từ trước. Vụ này hiển nhiên chưa kết thúc, ta về tòa nhà kia để coi náo nhiệt, Trong vụ này nhất định có điều ngoắt ngoéo, nhất định có điều ngoắt ngoéo.
Chàng tự hỏi:
– Còn sư phụ ta thì sao? Lão nhân gia đi đâu? Chỗ ở cũ của lão nhân gia bị người đến quấy nhiễu tựa trời long đất lỡ, chẳng hiểu lão nhân gia có biết không?
Lại sư muội ta nữa. Phải chăng nàng ở lại thành Kinh châu yên hưởng hạnh phúc của một vị thiếu nhưng nhưng? Những người ở Vạn Gia đến xục tìm trong nhà phụ thân nàng chắc họ không cho nàng hay, hiện giờ nàng đang làm gì?
Đến tối, trong đại ốc bốn mặt tường vách ánh lửa lập lòe, mười mấy người hương dân lại lấy thuổng cuốc đào đất.
Địch Vân cũng trà trộn vào đám này, chàng đã chẳng ra sức đặc biệt, mà cũng không lơ là, cứ làm vừa phải để người ta không chú ý đến mình là tốt rồi.
Đầu tóc chàng rối bù, râu không cạo, quá nửa mặt bị tóc tai che lấp, chàng lại bôi nhọ không lộ một chút bản tướng nào.
Trong khi mọi người đào đất ở mặt Bắc, lão cái vẫn tay chắp để sau lưng đi lui đi tới ở bên thổ huyệt.
Dĩ nhiên hiện nay lão hoàn toàn không giống lão khất cái, y phục rất hoa lệ tay trái đeo nhẫn bích ngọc, đai lưng cũng có viên hán ngọc rất lớn.
Đột nhiên Địch Vân nghe bên ngoài có tiếng bước chân lén lút đi tới, cả bốn mặt, Đông, Nam, Tây Bắc đều có người, nhưng người này còn ở đằng xa nên lão cái hiển nhiên chưa phát giác.
Địch Vân nghiêng mình liếc mắt dòm lã cái, lại nghe tiếng bước chân chậm chạp tới gần, chàng lẩm bẩm:
– Năm người... Sáu ngươi... bảy người... tám người, phải rồi đúng là Vạn Chấn sơn và bảy tên đệ tử.
Lão cái vẫn chưa phát giác mà tai Địch Vân đã nghe rõ mồn một tựa hồ ngay ở bên cạnh, chàng tưởng chừng lão cái tai điếc.
Năm năm trước Địch Vân kính trọng lão như vị thần linh, lão chỉ dạy chàng có ba chiêu kiếm pháp mà đánh cho tám tên đệ tử ở Vạn Môn đến tơi bời hoa lá, không còn đường đỡ gạt.
Chàng tự hỏi:
– Sao bây giờ võ công của lão cái lại sa sút đến thế? Chẳng lẽ không phải lão? Ta nhận lầm rồi chăng? Không có lý, quyết chẳng thể lầm được.
Địch Vân không nghĩ tới bản lãnh chàng hiện nay đã tiến bộ đến trình độ cao thâm tuyệt đỉnh, chàng có thể nghe rõ thanh âm mà người bên cạnh tuyệt không nghe thấy gì hết.
Tám người kia đi tới mỗi lúc một gần, Địch Vân rất lấy làm kỳ tự hỏi:
– Bọn này thật đáng tức cười, ta đã nghe rõ rồi mà họ còn rón rén cất bước, dấu đầu hở đuôi làm gì?
Tám người kia lại gần thêm mấy chục trượng, đột nhiên người lão cái run lên, lão lắng tai nghe động tịnh.
Địch Vân lẩm bẩm:
– Bây giờ lão mới nghe thấy, phải chăng lão bị bệnh điếc tai?
Thực ra lúc này tám người ki còn cách khá xa, vài năm trước đây Địch Vân ở trong trường hợp này cũng chưa phát giác được. Họ đến gần hơn nữa, chàng cũng không nghe tiếng bước chân.
Tám người kia càng đến gần càng thận trọng, chỉ đi mấy bước lại dừng chân một lần, hiển nhiên họ đề phòng người trong nhà phát giác nhưng lão cái đã biết rồi, lão xoay mình bước lại cầm lấy cây gậy dựng ở góc nhà.
Đây là một cây gậy bằng gỗ khá lớn một đầu chạm rồng.
Địch Vân tự hỏi:
– Lão dùng cây gậy này làm binh khí chăng?
Đột nhiên tám người kia đồng thời bước mau tiến vào bao vây bốn mặt.
Binh một tiếng vang lên, cửa lớn bị đẩy ra, Vạn Khuê xông xông vào trước tiếp theo là bọn Thẩm Thành, Bốc Viên...
Bảy người vừa bước qua cửa lớn đã tay cầm trường kiếm vây quanh lão cái.
Lão cái cười khanh khách nói:
– Hay lắm! Các chú đến cả rồi, Vạn sư ca! Sao sư ca không vào đi?
Lại nghe ngoài cửa có tiếng cười rộ, một người thủng thẳng bước vào chính là Ngũ Vân Thủ Vạn Chấn Sơn.
Lão cùng lão cái đứng cách nhau một cái huyệt hai người nhìn nhau một lúc, Vạn Chấn Sơn cất tiếng hỏi:
– Ngôn sư đệ! Năm năm nay không gặp nhau sư đệ phát tài chứ?
Mấy câu này lọt vào tai Địch Vân khiến đầu óc chàng hỗn loạn, tự hỏi:
– Sao? Lão cái này là... nhị sư bá Ngôn Đạt Bình ư?
Lại nghe lão cái đáp:
– Sư ca! Tiểu đệ có kiếm được chút đỉnh, còn sư ca năm nay làm ăn cũng phát đạt lắm phải không?
Vạn Chấn Sơn nói:
– Nhờ trời cũng khá.
Lão quay lại bảo bọn đệ tử:
– Này! Sao các ngươi còn chưa bái kiến sư thúc?
Bọn Lỗ Khôn liền quì xuống miệng hô:
– Bọn đệ tử xin khấu đầu bái kiến sư thúc.
Lão cái cười đáp:
– Thôi đi! Thôi đi tay cầm đao kiếm, dập đầu rất là bất tiện, miễn quách đi cho rồi.
Địch Vân nghĩ thầm:
– Nếu vậy lão cái quả là Ngôn sư bá, không còn nghi ngờ gì nữa.
Vạn Chấn Sơn hỏi móc:
– Sư đệ! Phải chăng sư đệ khai mỏ than ở chỗ này? Làm gì mà đào cái huyệt lớn thế?
Ngôn Đạt Bình cười khành khạch đáp:
– Sư huynh đoán trật lấc, tiểu đệ nhiều kẻ thù quá muốn ẩn lánh nơi đây nên phải đào cái huyệt sâu, tiện một công đôi việc, cừu nhân mà bị tiểu đệ giết chết thì chỉ việc hất xuống lấp đi, khỏi phải đào lỗ, bằng tiểu đệ bị người giết chết thì cái thổ huyệt này là nơi an táng tiểu đệ.
Vạn Chấn Sơn cười nói:
– Thế thì tuyệt diệu! Sư đệ nghĩ chu đáo quá, người sư đệ không to béo, ta tưởng đào sâu bấy nhiêu là đủ rồi, bất tất phải đào thêm nữa.
Ngôn Đạt Bình cũng mỉm cười đáp:
– Chôn một người thì dư rồi, nhưng chôn tám người thì e rằng chưa đủ.
Địch Vân thấy hai người vừa gặp nhau đã môi thương lưỡi kiếm châm chọc nhau, bất giác nhớ lại lời Đinh Điển, nghĩ thầm:
– Mấy vị sư huynh sư đệ hợp lực để giết chết sư phụ, đến ân sư truyền dạy võ nghệ mà cũng đánh giết thì giữa họ với nhau còn tình nghĩa gì nữa? Đinh đại ca còn nói sư huynh sư đệ họ đã đoạt được Liên Thành Kiếm Phổ mà chưa lấy được kiếm quyết. Pho kiếm quyết đó toàn thị số mục, chữ thứ một là số chữ thứ hai là số , chữ thứ ba là số , chữ thứ tư là số gì gì đó. Nhưng Đinh đại ca chưa đọc hết đã chết rồi, kiếm phổ chẳng đã lọt vào tay bọn họ rồi ư? Sao còn đến đây tìm kiếm?
Lại nghe Vạn Chấn Sơn nói:
– Hảo sư đệ! Chúng ta cùng một cửa đã lâu năm, sư đệ hiểu rõ lòng tiểu huynh mà tiểu huynh cũng rõ ruột sư đệ, vậy chúng ta còn nói lòng dòng làm gì?
Đưa đây!
Lão vừa nói vừa giơ tay ra.
Ngôn Đạt Bình lắc đầu đáp:
– Đã tìm thấy đâu? Thích lão tam tâm cơ thâm trầm, chúng ta không phải là đối thủ của y, tiểu đệ chẳng thể nào đoán ra y dấu kiếm phổ ở đâu.
Địch Vân trong lòng run lên tự hỏi:
– Chẳng lẽ ba vị sư huynh sư đệ cùng nhau hợp lực đoạt được kiếm phổ rồi sư phụ ta lại giữ riêng làm của mình? Nhưng mấy năm nay chẳng thấy động tĩnh gì? Phải rồi! Nhất định sư phụ ta hạ thủ cực kỳ xảo diệu khiến hai vị kia không phát giác ra được. Sư phụ đã không ở đây thì dĩ nhiên kiếm phổ lão nhân gia cũng đem theo đi, khi nào lại chôn dấu ở nhà này? Thế mà Ngôn sư bá lại đến đây khai quật xục tìm chẳng là ngốc lắm ư?
Nhưng chàng biết rõ cả Vạn Chấn Sơn lẫn Ngôn Đạt Bình quyết không phải là hạng ngu ngốc mà còn thông minh gấp mười chàng là ít, trong vụ này tất có cơ quan cực kỳ bí ẩn và âm mưu ghê gớm.
Vạn Chấn Sơn cười ha hả nói:
– Sư đệ còn đóng kịch nữa ư? Người ta bảo trong ba anh em mình thì Thiết Tỏa Trường Giang thủ đoạn lợi hại hơn hết, nhưng tiểu huynh lại cho là Nhị sư đệ mới thật ghê gớm! Đưa ra đi!
Lão lại giơ tay mặt ra phía trước.
Ngôn Đạt Bình vỗ túi đáp:
– Nếu tiểu đệ mà lấy được thì anh em mình dùng là của chung, sao còn có chuyện riêng tây? Chúng ta cùng rèn luyện để bổ sung cho nhau há chẳng hay ư?
Sư ca! Chẳng phải tiểu đệ nói khoe, giả tỷ tiểu đệ có lấy được thì một mình đối phó không xong, tất phải nhờ sư ca chủ trương đại cuộc. Còn tiểu đệ chỉ có thể đứng bên hiệp trợ để chia một chén canh mà thôi, nhưng lại chưa lấy được, chà chà! Môn hạ của sư huynh tuy nhiều, nhưng công phu còn non nớt quá tưởng nên nhường cho tiểu đệ góp vào một tay.
Vạn Chấn Sơn chau mày hỏi:
– Sư đệ đã lấy được vật gì ở sơn động bên kia?
Ngôn Đạt Bình hỏi lại:
– Sơn động nào? Gần đây có sơn động ư?
Vạn Chấn Sơn đáp:
– Sư đệ! Chúng ta đã là anh em mấy chục năm, sao đến lúc già còn để tổn thương hòa khí? Xin sư đệ hãy lấy ra để chúng ta cùng nghiên cứu. Từ nay anh em mình chung hưởng hạnh phúc, chia sẽ hoạn nạn nên chăng?
Ngôn Đạt Bình nói:
– Thế này thì kỳ thật! Sao sư ca lại nói đóng đanh là tiểu đệ lấy được rồi?
Nếu cái đó đã vào tay tiểu đệ thì con khai quật nơi đây làm gì?
Vạn Chấn Sơn đáp:
– Nhị đệ quỷ kế đa đoan, ai mà biết được sư đệ đào làm gì?
Ngôn Đạt Bình đáp:
– Sư ca! Cái gì của tam sư đệ, mình đâu có thể tìm được dễ dàng? Tiểu đệ xem chừng chắc không ở trong nhà, nếu đào thêm ba ngày nữa mà không thu lượm được kết quả cũng đành đình chỉ.
Vạn Chấn Sơn cười lạt nói:
– Hừ! tiểu huynh tưởng nhị sư đệ cứ đào thêm mười ngày hay nửa tháng nữa thì chuyện đóng kịch lại càng giống hơn.
Ngôn Đạt Bình đột nhiên biến sắc, đã toan trở mặt, nhưng lão nghĩ lại phải dằn nộ khí, hỏi:
– Sư huynh! Sư huynh muốn thế nào mới tin tiểu đệ?
Lão nói rồi đặt cây gậy xuống cởi áo ngoài ra, nắm lấy vạt áo trong đổ dốc xuống, rung rung mây cái. Những tiếng loảng xoảng vang lên, mấy lạng bạc vụn và cái điếu hút thuốc đều rớt xuống.
Vạn Chấn Sơn nói:
– Khi nào nhị sư đệ lại ngu xuẩn đến thế? Lấy được rồi là cất đi, dù có để trong mình cũng để vào tận áo lót, khi nào lại để trong túi áo bào?
Ngôn Đạt Bình thở dài nói:
– Sư huynh đã không tin thì thử xục tìm coi.
Vạn Chấn Sơn đáp:
– Nếu vậy tiểu huynh đành cam đắc tội vậy.
Lão đưa mắt ra hiệu cho Vạn Khuê và Thẩm Thành.
Hai gã gật đầu tra kiếm vào võ, tiến lại bên Ngôn Đạt Bình.
Vạn Chấn Sơn lại nhìn Bốc Viên và Lỗ Khôn ra hiệu cho hai gã.
Hai gã liền đi quanh đến phía sau Ngôn Đạt Bình, tay nắm chặc đốc kiếm.
Ngôn Đạt Bình vỗ vào túi áo trong giục:
– Lục soát đi!
Vạn Khuê nói:
– Sư thúc! Đệ tử xin cam đắc tội.
Gã đưa tay lần túi áo, đột nhiên Vạn Khuê kêu thét lên, vội rụt tay về lùi lại một bước.
Dưới ánh đèn lửa mọi người ngó thấy một con rết lớn dài ba tấc đang bò trên mu bàn tay gã.
Vạn Khuê đau quá, dậm chân bình bịch, xoay tay đập xuống cạnh huyệt đánh chát một tiếng, con rết nát nhừ. Nhưng mu bàn tay gã đã trúng phải chất kịch độc sưng vù lên, gã muốn lên mặt anh hùng không chịu rên la, nhưng trán toát mồ hôi nhỏ giọt lớn bằng hạt đậu.
Ngôn Đạt Bình thất kinh la hoảng:
– Trời ơi! Vạn hiền điệt! Hiền điệt lấy đâu ra con trùng độc này? Thứ rết sặc sỡ độc dữ vô cùng, chứ không phải chuyện chơi.
Lão lại hỏi Vạn Chấn Sơn:
– Sư ca! Sư ca có thuốc giải không? Lẹ lên! Lẹ lên! Cứu chậm một chút là không được đâu.
Mu bàn tay Vạn Khuê đang đỏ biến thành màu tím rồi từ màu tím biến thành màu đen, một đường giây đỏ từ mu bàn tay đưa lên cánh tay.
Vạn Chấn Sơn biết là cạm bẫy của Ngôn Đạt Bình mà đành phải nín nhịn, lão đáp:
– Tiểu huynh chịu phục sư đệ rồi, phen này tiểu huynh xin thua, sư đệ lấy thuốc giải cho rồi chúng ta võ tay bỏ đi ngay, không gây chuyện gì với sư đệ nữa.
Ngôn Đạt Bình nói:
– Thuốc giải ư! Trước kia tiểu đệ cũng có, nhưng lâu ngày không biết bỏ đâu rồi, để mấy bữa nữa tiểu đệ thủng thẳng tìm coi, tìm thấy là may mà không thì tiểu đệ đến phụ Đại Danh kiếm được phương phối chế thuốc cho cũng được.
Vạn Chấn Sơn nghe nói tức như bể bụng, bị rắn rết độc cắn chỉ một giờ hay khắc đã chết người rồi, đường giây đỏ kia thông đến trước ngực là tắt thở chết liền.
Còn nói chi đến chuyện sau mấy ngày thủng thẳng tìm kiếm? Từ đây lên Phủ Đại Danh tỉnh Hà Bắc đường và ngạn dặm, đến đó tìm được phương chế thuốc thì đã mục xương rồi.
Nhưng lão thấy con cưng tính mạng nguy trong khoảnh khắc đành miễn cưỡng dẹp lửa giận, tự nhủ:
– Người quân tử trả thù sau mười năm cũng chưa muộn.
Lão liền đáp:
– Tiểu huynh chịu thua rồi, sư đệ muốn sao thì vạch đường ra.
Ngôn Đạt Bình đủng đỉnh mặc trường bào vào, vừa cài khuy vừa nói:
– Sư ca! Tiểu đệ làm gì có đường lối vạch ra cho sư ca? Sư ca muốn thế nào thì làm thế.
Vạn Chấn Sơn căm phẫn trong lòng, tự nhủ:
– Ngươi bức bách ta quá, không chịu nhượng bộ, rồi có ngày ngươi sẽ biết tay ta.
Lão đáp:
– Được rồi! Từ nay trở đi Vạn mỗ vĩnh viễn không nhìn mặt sư đệ nữa, Vạn mỗ mà còn nói gì với sư đệ thì không phải là người.
Ngôn Đạt Bình nói:
– Cái đó tiểu đệ không dám đâu, tiểu đệ chỉ yêu cầu sư ca nói một câu là pho Liên Thành Quyết thuộc quyền sở hữu của Ngôn Đạt Bình. Nếu tiểu đệ may mà kiếm được dĩ nhiên khỏi phải nói gì, trường hợp cuốn sách đó có lọt vào tay sư ca, sư ca cũng nên nhường cho tiểu đệ.
Vạn Khuê đã tê nửa người, khi độc dần dần đi vào trong ngực, đầu óc gã choáng váng người gã lảo đảo không tự nhủ được.
Lỗ Khôn la gọi:
– Sư đệ! Sư đệ!
Gã nâng đỡ Vạn Khuê, xé tay áo ra coi thì thấy đường giây đỏ đã đi qua dưới nách, gã liền quay ra nhìn Vạn Chấn Sơn la lên:
– Sư phụ! Sư thúc nói điều gì sư phụ cũng ưng chịu đi.
Ý gã muốn nói:
– Bữa nay mình lâm vào tình trạng nguy hiểm thì cứ ưng thuận bừa đi, ngày sau sẽ phản lại cũng không muộn.
Vạn Chấn Sơn liền đáp:
– Được rồi! Pho Liên Thành Kiếm Phổ đó coi như của sư đệ, cung hỷ! Cung hỷ!
Hai câu "Cung hỷ" lão rít hai hàm răng lại mà nói tỏ ra đầy vẻ oán độc.
Ngôn Đạt Bình nói:
– Đã vậy tiểu đệ vào nhà tìm kiếm, không chừng tìm được thuốc giải cũng nên, cái đó còn tùy ở số phận ở Vạn hiền điệt.
Dứt lời lão trở gót đi vào trong nhà.
Vạn Chấn Sơn đưa mắt ra hiệu, Lỗ Khôn và Bóc Thương liền theo vào.
Sau một lúc lâu không thấy tin tức gì của ba người mà Vạn Khuê thì thần trí hôn mê, do Thẩm Thành nâng đỡ gã không cử động được nữa.
Vạn Chấn Sơn trong dạ bồn chồn, giục Phùng Thản:
– Ngươi vào coi thử.
Phùng Thản dạ một tiếng toan đi thì thấy Ngôn Đạt Bình trở ra vẻ mặt hân hoan, lão nói:
– May lắm! May lắm! Chẳng phải thuốc là gì đây?
Lão giơ cao cái bình sứ nhỏ lên nói tiếp:
– Thứ thuốc giải này trị rết độc hay lắm.
Lão tiến đến bên Vạn Khuê mở nắp bình đổ ra lòng bàn tay một chút thuốc tán màu đen, miệng nói:
– Vạn hiền điệt! Mạng của ngươi lớn lắm!
Lão trút thuốc xuống mu bàn tay Vạn Khuê.
Thứ thuốc giải này quả nhiên linh nghiệm, chẳng mấy chốc miệng vết thương ứa máu đen ra nhỏ giọt xuống đất, máu đen mỗi lúc chảy một nhiều.
Đường dây đỏ trên mu bàn tay Vạn Khuê dần dần thu lại.
Vạn Chấn Sơn thở phào một cái, trong lòng lão đã nhẹ nhõm, nhưng vẫn còn tức tối tính mạng của con lão bảo toàn được rồi, nhưng cuộc thất bại này khiến lão chưa nguôi giận, vì chưa động thủ lão đã bị người kiềm chế.
Sau một lúc nữa, Vạn Khuê mở mắt ra cất tiếng gọi:
– Gia gia!
Ngôn Đạt Bình đậy nắp bình lại cất vào bọc, lão cầm cây trượng khẽ chống xuống đất cười nói:
– Mời sư ca tùy tiện, miễn cho tiểu đệ khỏi tiễn chân.
Vạn Chân Sơn bảo Thẩm Thành:
– Kêu bọn chúng ra đây.
Thẩm Thành "Dạ" rồi đi vào phía sau lớn tiếng hô:
– Lỗ sư ca! Bốc sư đệ! Ra đây lẹ lên! Chúng ta đi thôi.
Chỉ nghe hai gã Lỗ, Bốc ú ớ mấy tiếng mà không thấy trở ra.
Tôn Quân và Thẩm Thành không chờ sư phụ sai bảo đã xông vào nâng đỡ Lỗ Khôn và Bốc Thương đi ra.
Hai gã này mặt không còn chút huyết sắc, một gã gẫy chân trái, một gãy gãy chân phải, dĩ nhiên chúng vừa mắc độc thủ của Ngôn Đạt Bình.
Vạn Chấn Sơn cả giận, bản ý của lão là muốn giết Ngôn Đạt Bình, bây giờ lão đã có cớ thì mối căm hờn này khi nào còn nhẫn nại, chịu để đến ngày khác?
Lão rút trường kiếm ra khỏi võ đánh "Soạt" một tiếng, ánh kiếm xanh lè đâm lẹ vào cổ họng Ngôn Đạt Bình.
Địch Vân chưa từng thấy qua bản lãnh của Vạn Chấn Sơn, bây giờ lão phóng kiếm đâm ra, chiêu thức tàn độc và trầm trọng, chàng lẩm bẩm:
– Nhát kiếm này dường như không có chỗ nào sơ hở.
Nên biết võ học của Địch Vân nay đã rất tinh thâm, tuy không người truyền thụ, nhưng chàng coi người khác lúc ra chiêu, dĩ nhiên nhìn ngay thấy chỗ sơ hở của đối phương.
Ngôn Đạt Bình nghiêng mình né tránh, tay trái lão chụp lấy đầu dưới cây trượng, tay mặt nắm chỗ đầu rồng rút ra, một tiếng "Xẹt" khẽ vang lên. Ánh bạch quang lóa mặt trong tay lão cầm thanh trường kiếm.
Nguyên cây trượng của Ngôn Đạt Bình đầu rồng tức là chuôi kiếm, lưỡi kiếm dấu ở trong cây gậy, thây cây dùng làm vỏ kiếm.
Ngôn Đạt Bình có kiếm trong tay rồi liền ra chiêu phản kích.
Những tiếng choang choảng vang lên không ngớt, hai vị sư huynh sư đệ khai diễn cuộc chiến đấu ngay trên miệng huyệt.
Sau khi trao đổi mấy chiêu, hai người cùng nhận thấy địa hình chật hẹp khó bề xoay xở, liền đồng thanh hô hào rồi nhảy cả xuống thổ huyệt.
Bọn hương dân thấy hai lão gây lộn miệng tiếng, trong lòng đã kinh hãi bây giờ xảy ra cuộc ác đấu họ càng khiếp sợ, xúm xít vào trong góc huyệt, chẳng ai dám nói câu gì.
Địch Vân cũng làm bộ úy kỵ co rúm lại, nhưng sư thực chàng chú ý theo dõi cuộc tỷ đấu của hai vị sư bá.
Mới coi bảy, tám chiêu chàng bất giác ngấm ngầm thở dài nghĩ bụng:
– Nội kình của hai vị sư bá hãy còn kém cỏi quá, tuy kiếm chiêu đều có chỗ độc đáo, nhưng nếu gặp phải đối phương nội lực cao hơn một chút, mà khí giới đụng nhau thì chỉ một chiêu đã hất bay trường kiếm đi rồi. Hai vị sư bá muốn cho võ công tiến triển tất phải rèn thêm nội lực, hiện giờ nội lực thiếu thốn quá chừng, chỉ trông vào chiêu pháp thì dù có lấy được Liên Thành Kiếm Phổ gì đó e rằng cũng chẳng ích gì, trừ phi kiếm phổ kia là một pho võ kinh để luyện nội công, nhưng đã gọi là kiếm phổ thì dĩ nhiên chỉ nói về kiếm pháp.
Chàng theo dõi thêm mấy chiêu rồi lẩm bẩm:
– Lưu Thừa Phong và Hoa Thiết Cán trong bọn Lạc Hoa Lưu Thủy, nội lực so với hai vị sư bá này còn cao thâm hơn nhiều, ta xem chừng võ công của hai vị khi rèn luyện đã đi vào tà lộ, chỉ chú ý đến chiêu số biến hóa để tranh thắng mà hoàn toàn không nghĩ gì tới chuyện phối hợp nội lực. Thế thì còn ra đạo lý gì nữa?
Ngày trước sư phụ dạy kiếm chiêu cho ta cũng theo đường lối tương tự, vậy cả ba vị Vạn, Ngôn Thích đều học kiểu này. Trường hợp gặp đối thủ võ công kém các vị thì dĩ nhiên chiếm hết thượng phong, nhưng chạm trán đối phương công lực mạnh hơn một chút là những chiêu kỳ quái, biến ảo đều chẳng dùng được việc gì sao các vị lại học kiếm theo kiểu này?
Địch Vân còn đang hoài nghi chưa hiểu thì thấy bọn Tôn Quân, Phùng Thản, Ngôn Khản ba gã chống kiếm tiến vào trợ chiến thành thế bốn người đánh một.
Ngôn Đạt Bình cười ha hả nói:
– Hay lắm! Hay lắm Đại sư ca! Đại sư ca càng ngày càng tiến bộ, chiêu tập một lũ lâu la kéo đến công vào đánh sư đệ.
Tuy lão làm bộ coi thường mà sư thực kiếm pháp đã bị trở ngại.
Địch Vân nghĩ bụng:
– Hai vị đều có chỗ sở trường về kiếm chiêu, Ngôn sư bá năm trước đã dạy ta ba chiêu "Thích Kiên Thức, Đã Nhĩ Quang, Khử Kiếm Thức" để đối phó với bọn để tự Vạn Môn rất được việc, nhưng đem ra đối phó với Vạn sư bá thì chẳng ích gì.
Địch Vân thở dài tự hỏi:
– Hỡi ơi! Chẳng lẽ các vị lại không hiểu chỉ học kiếm chiêu biến hóa mà không có nội lực phối hợp thì chẳng ích gì? thật là vô dụng! Thật là kỳ quái! Đạo lý thiển cận này đến ta là kẻ ngu dại còn biết thì sao các vị đều là những nhân vật tài trí thông minh lại không biết? Chẳng lẽ chính ta là kẻ hồ đồ?
Đột nhiên trong đầu óc chàng tựa hồ lóe lên một tia sáng chàng tự nhủ:
– Đinh đại ca cho ta hay về lai lịch pho Thần Chiếu Kinh, hiển nhiên sư tổ ta Mai Niêm Sinh đã hiểu rõ đạo lý này mà tại sao lão nhân gia không nói cho ba vị đệ tử hay? Chẳng lẽ... chẳng lẽ... chẳng lẽ...
Chàng nhẩm ba chữ "Chẳng lẽ" bất giác sau lưng toát mồ hôi lạnh ngắt, người chàng run lên.
Lão hương dân tuổi già đứng bên không ngớt miệng hô:
– A di đà phật! A di đà phật! Xin phật tổ phù hộ đừng để xảy ra áng mạng, tiểu huynh đệ! đừng sợ! Đừng sợ!
Lão thấy Địch Vân phát run tưởng là chàng lo sợ cuộc chiến đấu giữa hai lão, nên an ủi chàng mà thực ra trong lòng lão cũng cực kỳ kinh hãi.
Địch Vân trong thâm tâm đã hiểu rõ chân tướng, nhưng sự việc này thâm hiểm ác độc thái quá, chàng không muốn muốn nghĩ nhiều lại càng không muốn sự phỏng đoán của mình là đúng, có điều chàng đã tìm ra mấu chốt thì bao nhiêu việc nhỏ nhặt sẽ qui tụ vào một nơi.
Vạn Chấn Sơn, Ngôn Đạt Bình, Tôn Quân, Phùng Thản... Mỗi người đưa ra một chiêu đều khiến cho chàng thêm một ấn chứng về những điều đã nghĩ, chàng lẩm bẩm:
– Phải rồi! Phải rồi! Nhất định là thế, nhưng e rằng không đúng bậc làm sư phụ sao lại ác độc như vậy? Nhưng nếu không phải thế thì sao lại có trạng thái này? Thật là kỳ quái...! Thật là khó hiểu! Một bức họa đồ rõ rệt hiện ra trong đầu óc:
– Những năm trước kia, cũng ở nơi đây ta cùng sư muội Thích Phương luyện kiếm, sư phụ đứng bên chỉ điểm, sư phụ dạy ta một chiêu rất xảo diệu ta dụng tâm rèn luyện. Lần thứ hai ta hỏi đến thì sư phụ lại dạy không giống trước mà kiếm pháp vẫn xảo diệu như cũ, nhưng so với lần trước lại có chỗ bất đồng, khi ấy ta chỉ cho là kiếm pháp của sư phụ biến ảo khôn lường, nhưng bây giờ nghĩ lại thì chỗ bất đồng về hai lần dạy kiếm chiêu, đạo lý rõ ràng quá độ.
Đột nhiên chàng cảm thấy đau đớn trong lòng, bụng bảo dạ:
– Sư phụ ta cố ý dạy ta đi lầm đường, cố ý đưa ra kiếm pháp khác biệt, bản lãnh của ta hơn thế nhiều, nhưng sư phụ cố ý dạy ta những kiếm chiêu không bổ ích gì. Võ công của Ngôn sư bá và sư phụ chẳng chênh lệch nhau mấy, mà Ngôn sư bá dạy ta ba chiêu kiếm pháp so với những điều sở học ơ nơi sư phụ hãy còn cao minh hơn nhiều.
Chàng liên miên nghĩ tiếp:
– Tại sao Ngôn sư bá lại dạy ta ba chiêu kiếm pháp đó? Chẳng phải sư bá có lòng hảo tâm, mục đích của lão là dẫn dụ cho Vạn sư bá sinh lòng ngờ vực, rồi Vạn sư bá và sư phụ ta xẩy cuộc ác đấu... Vạn sư bá cũng vậy, bản lãnh lão nhân gia hoàn toàn bất đồng với bọn đệ tử của lão... nhưng tại sao lão lừa gạt cả con mình? Hỡi ơi! Lão chẳng thể dạy riêng cho con mà không dạy cho đệ tử khác, vì như vậy thì chỗ thâm hiểm sẽ bị bại lộ.
Ngôn Đạt Bình tay trái nắm kiếm quyết, tay mặt rung động mũi kiếm xoay liền bảy cái vòng tròn mau lẹ phi thường đâm vào trước ngực Vạn Chấn Sơn.
Vạn Chấn Sơn quét ngang thanh kiếm để phá vòng tròn, chênh chếch đâm tới, phá giải tận số bảy cái vòng tròn.
Địch Vân đứng bên nhìn thấy nghĩ thầm:
– Bảy cái vòng tròn này hoàn toàn là thừa, sao không phóng kiếm đâm thẳng vào mé tả trước ngực Vạn sư bá cho mau lẹ? Vạn sư bá đâm chênh chếch bảy nhát để phá giải bảy kiếm chiêu vòng tròn coi có vẻ xảo diệu, mà thực ra vụng về hết chỗ nói. Nếu xoay kiếm đâm thẳng vào bụng dưới Ngôn sư bá thì đã thắng rồi.
Trong đầu óc chàng lại hiện ra một màn ảnh:
– Chàng cùng Thích Phương sư muội luyện kiếm, Thích Phương phóng ra những chiêu kiếm thật nhiều kiếm hoa, chàng không nhớ rõ chiêu thức của sư phụ truyền dạy, có điều chân tay chàng luống cuống phải lùi hoài. Thích Phương đánh ba chiêu liên tiếp khiến chàng đầu nhức mắt hoa, chân tay luống cuống không sao địch nổi, chàng không thể nghĩ đến những kiếm chiêu của sư phụ truyền dạy, phải tiện tay đỡ gạt rồi xoay kiếm đâm lại...
Thích Phương đã dùng chiêu "Phủ Thích Văn Kình Phong, Liên Sơn Nhược Bố Đào" xoay kiếm vòng tròn để tiến đánh, còn kiếm chiêu của chàng hoàn toàn tự ý phát ra, không theo qui phạm của sư phụ, chiêu này của Thích Phương coi ngoạn mục mà không đỡ gạt được. Chàng phóng kiếm đâm thẳng vào bả vai sư muội.
Giữa lúc ấy chàng thu thế không kịp, sư phụ Ở bên nhảy ra tay cầm một cành cây đập đánh chát một cái làm rớt thanh kiếm trong tay chàng.
Chàng cùng Thích Phương sợ tái mặt.
Thích Trường Phát thống mạ chàng một chập, lão bảo chàng đâm bừa chém ẩu, không sử kiếm theo phương pháp của sư phụ truyền dạy là đồ bỏ.
Ngày ấy chàng đã tự hỏi:
– Ta không sử kiếm theo qui củ mà sao lại thắng?
Nhưng ý nghĩ này chỉ thoáng qua rồi mất biến, chàng tự trả lời:
– Đó là vì sư muội chưa luyện kiếm pháp được đến nơi, nếu gặp phải tay cao thủ là ta đâm bừa chém ẩu nhất định phải thất bại.
Ngày ấy chàng đâu có nghĩ đến:
Kiếm chiêu của ta tùy tiện phóng ra thực tình ly kỳ cổ quái hơn những điều học được của sư phụ, vì nó thực dụng hơn lối đánh chỉ làm cho ngoạn mục.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Liên Thành Quyết.