• 1,739

Hồi 235 - Nịnh Không Phải Đường Bị Quở Trách


Số từ: 5503
Nguồn: Sưu tầm
Vi Tiểu Bảo đáp:
- Liệng súng lên đi! Cửa động lấp loáng ánh bạch quang. Một thanh mã đao quăng ra. Tiếp theo một vùng lửa cháy nhô lên. Nguyên tên quân La Sát này đầu tóc đang bị cháy đỏ hồng. Đội thân binh canh giữ ngoài cửa nghe tiếng đại soái ở trong phòng quát tháo liền có một bọn chạy vào. Bảy tám tên giữ lấy hai tên quân La Sát, dập tắt lửa cháy trên râu tóc bọn chúng rồi trói lại. Đột nhiên Vi Tiểu Bảo trỏ vào một tên quân La Sát hô:
- Ô kìa! Ngươi là Vương Bát Tử Kê. Tên quân đó lộ vẻ vui mừng reo lên:
- Dạ dạ! Trung Quốc tiểu hài đại nhân! Nô tài chính là Hoa Bá Tư Cơ. Một tên nữa cũng reo lên:
- Trung Quốc tiểu hài đại nhân! Nô tài... là Tề Lạc Nặc Phu. Vi Tiểu Bảo chú ý nhìn hắn thấy hàm râu cháy xém tơi bời, mặt mũi chỗ đỏ chỗ sưng, nhưng sau gã cũng nhận ra liền đáp:
- Phải rồi! Ngươi là Trư La Nọa Phu. Tề Lạc Nặc Phu cả mừng hô:
- Đúng lắm, đúng lắm! Trung Quốc tiểu hài đại nhân! Nô tài là bạn cũ của đại nhân. Nguyên Hoa Bá Tư Cơ và Tề Lạc Nặc Phu là hai tên vệ sĩ của Tô Phi á Công chúa. Ngày trước chúng đã làm quen với Vi Tiểu Bảo ở thành Nhã Tát Khắc rồi lại cùng đi Mạc Tư Khoa. Hai tên vệ sĩ này hồi ở Liệp cung đã theo bọn lính súng làm phản lập được chút công lao. Khi Tô Phi á Công chúa lên nắm quyền quốc chính liền thăng quan cho bọn vệ sĩ hầu cận để đền công chúng đã tùy tùng và ra sức. Chuyến này có bốn tên vệ sĩ đi theo Đồ Nhĩ Bố Thanh trong cuộc Đông tiến và chúng đều làm Đội trưởng. Trong bọn một tên chết trận, một tên chết rét. Còn lại hai tên này gặp cơn binh biến, thành vỡ, lén lút chui xuống đường hầm định trốn ra ngoài thành, không ngờ cửa ra đã vít chặt. Hai tên hết đường tiến thoái rồi tung tích bị bại lộ. Ngày trước Vi Tiểu Bảo kêu chúng bằng Vương Bát Tử Kê và Trư La Nọa Phu
(Nguyên Hoa Bá Tư Cơ đọc hơi giống Vương Bát Tử Kê nghĩa là gà chết khốn nạn, Tề Lạc Nặc Phu đọc tương tự Trư La Nọa Phu nghĩa là chó lợn hèn hạ. Vi Tiểu Bảo hô tên chúng như vậy cho dễ nhớ và cũng là để chế diễu chúng). Hai tên này đâu có hiểu được ý nghĩ của Vi Tiểu Bảo, chúng vui vẻ chịu liền, hễ gọi đến tên Vương Bát Tử Kê và Trư La Nọa Phu là chạy tới ngay. Hoa Bá Tư Cơ và Tề Lạc Nặc Phu nghe Công chúa kêu Vi Tiểu Bảo là "Trung Quốc tiểu hài", ban đầu chúng cũng xưng hô gã như vậy. Sau Vi Tiểu Bảo lập được công trạng, Công chúa phong tước cho gã. Bọn vệ sĩ mới kêu gã bằng
"Trung Quốc tiểu hài đại nhân" để tỏ lòng tôn kính. Vi Tiểu Bảo hỏi rõ lai lịch rồi sai bọn thân binh cởi trói và lấy rượu thịt khoản đãi chúng. Bọn thân binh sợ dưới đường hầm còn có gian tế liền chui xuống soát hết một lượt, lại điều tra khắp mọi chỗ thì trong phòng ngoài đường hầm này không có địa đạo cùng ngõ ngách nào khác, chúng mới lui ra. Tên đội trưởng bọn thân binh sợ hãi vô cùng, luôn miệng xin tha tội. Hắn nghĩ rằng đây là cái may tầy đình... Nếu hai tên quân La Sát này chờ tới nửa đêm ở dưới đường hầm chui lên đâm chết Vi đại soái thì hắn sẽ bị toàn gia tru lục. Hôm sau Vi Tiểu Bảo kêu Hoa Bá Tư Cơ và Tề Lạc Nặc Phu ra hỏi thăm tình hình Tô Phi á Công chúa.Hai tên cho gã hay: Công chúa điện hạ nắm hết công việc triều chính. Vương công đại thần, tướng quân, chủ giáo trong toàn nước La Sát không ai dám chống cự nàng. Hai vị Sa hoàng còn nhỏ tuổi, nhất thiết đều nghe theo lời tỷ tỷ. Tề Lạc Nặc Phu còn nói:
- Công chúa điện hạ vẫn tưởng nhớ Trung Quốc tiểu hài đại nhân. Điện hạ dặn bọn nô tài tới đây dò la tin tức của đại nhân và hễ gặp đại nhân thì mời qua Mạc Tư Khoa du ngoạn, điện hạ sẽ ban thưởng cho. Hoa Bá Tư Cơ nói:
- Công chúa điện hạ chưa biết Trung Quốc tiểu hài đại nhân đem binh đến đây chinh phạt. Nếu không thì hai bên thân ái vui vẻ như tình bằng hữu. Cuộc chiến cũng không xảy ra nữa. Vi Tiểu Bảo nói:
- Các ngươi nói nhăng nói càn để lừa gạt ta. Làm gì có chuyện Công chúa dặn dò như vậy? Hai tên liền thề sống thề chết là đã nói đúng sự thực, không nửa lời sai trái. Vi Tiểu Bảo nghĩ bụng:
- Bản tâm Hoàng thượng muốn ta nghĩ cách giảng hoà cùng La Sát. Vậy ta bảo hai tên này về tâu lại với Tô Phi á Công chúa cũng chẳng hề gì. Gã nghĩ vậy liền nói:
- Ta muốn gửi thư cho Công chúa các ngươi, nhưng không biết viết chữ ngoằn ngoèo như giun bò của nước La Sát, vậy các ngươi viết giùm ta. Hoa Bá Tư Cơ và Tề Lạc Nặc Phu ngơ ngác nhìn nhau ra chiều khó nghĩ. Cả hai tên này chỉ biết cưỡi ngựa bắn súng, còn chuyện viết chữ thì chẳng hiểu gì. Tề Lạc Nặc Phu đáp:
- Trung Quốc tiểu hài đại nhân! Đại nhân muốn viết thư tình thì bọn nô tài không làm được. Để nô tài... đi kêu một vị giáo sĩ đến viết dùm cho. Vi Tiểu Bảo ưng ngay, sai chúng đi kiếm trong bọn người La Sát đã đầu hàng. Lát sau hai tên dẫn vào một vị giáo sĩ râu quai nón.Thời bấy giờ phần lớn quân nhân La Sát không biết chữ. Những giáo sĩ đi theo trong quân ngoài việc cầu đảo Thượng đế, khích lệ chiến sĩ, còn chức vụ trọng yếu là viết gia thư giùm cho các binh tướng. Vị giáo sĩ này người cao lớn lại vận quân phục của Thanh binh, áo quần chật hẹp như người đóng rọ rất tức cười. Giáo sĩ sợ run bần bật theo hai tên đội trưởng vào tham kiến Vi Tiểu Bảo. Y hô:
- Cầu đức Thượng đế ban phước lành cho Trung Quốc đại tướng quân! Đại tước gia! Cầu chúc Trung Quốc đại tướng quân toàn gia an bảo. Vi Tiểu Bảo bảo y ngồi xuống rồi nói:
- Ngươi viết cho ta một phong thư gửi đến Tô Phi á Công chúa. Giáo sĩ vâng dạ luôn miệng. Bọn thân binh đã lấy văn phòng tứ bảo để trên bàn. Giáo sĩ tay cầm bút lông, mở to giấy bản, viết chữ La Sát ngùng ngoèo. Y nhận ra cây bút lông mềm nhũn quá, nét chữ chỗ lớn chỗ nhỏ coi rất tức cười, nhưng y tuyệt nhiên không dám bình luận gì về bút mực Trung Quốc, chỉ sợ vị Trung Quốc tướng quân này nổi giận. Vi Tiểu Bảo nói: Ngươi theo lời ta đọc mà viết:
- "Sau buổi chia tay, lúc nào ta cũng tưởng nhớ Công chúa, chỉ mong lấy được nàng làm vợ..." Giáo sĩ giật bắn người lên. Tay run rẩy, ngọn bút lông chấm xuống giấy một vết mực lớn. Tề Lạc Nặc Phu đứng bên cổ vũ giáo sĩ:
- Vị Trung Quốc tiểu hài đại nhân này là người yêu của Tô Phi á Công chúa điện hạ. Công chúa điện hạ rất thương mến đại nhân. Điện hạ thường nói tình nhân Trung Quốc hay hơn tình nhân La Sát gấp trăm lần. Hắn muốn lấy lòng Vi Tiểu Bảo nên đã phóng đại ra như vậy.Vị giáo sĩ vâng dạ luôn miệng, đáp:
- Phải rồi! Phải rồi! Hơn gấp trăm lần, hơn gấp trăm lần... Trong lòng hồi hộp, văn tứ trì trệ, nhưng y không dám dừng bút nghĩ ngợi, đành dùng những câu thường nhật đã viết giùm binh tướng La Sát gửi cho vợ con hoặc tình nhân ở cố hương và toàn là những câu tha thiết về thể xác. Nào là "Có gần gũi mới thỏa lòng", nào là "Đêm qua ta lại mộng thấy mình", nào là "Hôn mình muôn ngàn cái"...v.v Vi Tiểu Bảo thấy giáo sĩ cầm bút viết như gió cuốn, rất lấy làm thỏa mãn. Gã đọc tiếp:
- "Quân La Sát của nàng chiếm đất Trung Quốc của ta và giết tróc trăm họ người Trung Quốc. Trung Quốc đại Hoàng đế tức giận vô cùng, phái ta đem quân đến đây để bắt hết bọn binh tướng của nàng xẻo từng miếng thịt nướng thành Hà Thư Ni Khắc..." Giáo sĩ lại giật mình kinh hãi, bất giác bật tiếng la:
- Trời ơi! Rồi miệng hô:
- Lạy đức Thượng đế! Lạy đức Thượng đế! Vi Tiểu Bảo đọc tiếp:
- "Nhưng ta nể mặt Công chúa, tạm thời hãy để chúng đó, chưa xẻo thịt nướng chả. Nếu nàng ưng chịu từ nay trở đi không cho quân La Sát đến xâm phạm cương giới Thanh thì ta sẽ tha hết bọn chúng. Đồng thời Trung Quốc và nước La Sát vĩnh viễn thành tình bằng hữu. Bằng nàng không chịu nghe lời, ta sẽ phái binh đến giết cho kỳ hết đàn ông La Sát, nàng không còn nam nhân để ngủ chung nữa. Nếu nàng muốn ngủ chung với nam nhân thì khắp thiên hạ chỉ có đàn ông Trung Quốc mà thôi". Giáo sĩ rất lấy làm bất phục, bụng bảo dạ:
- Trong thiên hạ ngoài đàn ông La Sát, bao nhiêu nước khác thiếu gì nam nhân, há phải riêng một Trung Quốc mới có? Câu này thật vô lý không thể viết vào được.Y lại nhận định viết thư lên Công chúa điện hạ, nhất thiết không thể hành văn một cách vô lễ. Y liền nhất quyết đổi mấy câu này vừa tỏ ra kính cẩn vừa đầy vẻ thân mật. Giáo sĩ tiên liệu vị tướng quân Trung Quốc này không biết chữ La Sát, tất chẳng khám phá ra nổi. Nhưng bản tính thận trọng, y sợ Vi Tiểu Bảo nhìn thấy chỗ sơ hở liền viết bằng chữ La Tinh. Thỉnh thoảng trên môi lại điểm một nụ cười. Vi Tiểu Bảo đọc tiếp:
- "Nay ta sai Vương Bát Tử Kê và Trư La Nọa Phu đưa phong thư này đến tay nàng, lại tặng lễ vật cho nàng nữa. Nàng muốn làm tình nhân hay là kẻ thù của ta, cái đó tự nàng quyết định lấy" Giáo sĩ còn đem mấy câu sau cùng đổi thành lời văn rất kính cẩn. Y viết:
- "Kẻ tiểu thần ở Trung Quốc lúc nào cũng nhớ đến ân thâm đức trọng của điện hạ. Nay kính cẩn dâng đồ cống vật để tỏ chút dạ trung thành. Tiểu thần còn sống ngày nào, năm nào cũng là kẻ thần hạ trung tâm bất nhị ngày ấy năm ấy của điện hạ. Tiểu thần chỉ mong lưỡng quốc hòa hợp. Những quân La Sát hiện còn ở Nhã Tát Khắc mà được trùng qui cố thủ đều là nhờ ơn đức cao dầy của điện hạ" Mấy câu sau cùng do tâm tư của giáo sĩ nghĩ ra. Y cho rằng vạn nhất cuộc nghị hòa của hai nước không thành thì y cùng bao nhiêu người La Sát đầu hàng tất phải chết vùi chết dập ở nơi tha hương đất khách, vĩnh viễn không mong gì trở về quê quán. Vi Tiểu Bảo chờ giáo sĩ viết xong, nói:
- Hết rồi! Ngươi đọc lại cho ta nghe. Giáo sĩ hai tay cầm tờ giấy đứng nghiêm trang tuyên đọc. Những chỗ nào y thay đổi vẫn đọc theo ý của Vi Tiểu Bảo. Vi Tiểu Bảo hiểu biết tiếng La Sát chẳng được bao nhiêu, gã nghe giáo sĩ đọc lại chắc là không sai trật. Gã lại tiên liệu chẳng khi nào giáo sĩ dám tự ý thay đổi lời lẽ của mình. Vi Tiểu Bảo nghe giáo sĩ đọc xong, nói:- Hay lắm! Đoạn gã lấy ấn "Phủ Viễn đại tướng quân Vi" đóng dấu son vào. Thế là phong thư này thư tình chẳng ra thư tình, công văn chẳng ra công văn, nhưng cũng xong việc. Vi Tiểu Bảo cho giáo sĩ lui ra lĩnh thưởng. Gã lại sai vị sư gia trong doanh trại bỏ thư vào bao, ngoài đề bằng chữ Trung Quốc gửi cho Tô Phi á Công chúa. Sư gia mài mực thật đặc, dầm bút cho kỹ. Hàng đầu viết:
- "Đại Thanh Quốc Lộc Đỉnh Công, Phủ Viễn Đại tướng quân Vi phụng thư". Hàng thứ hai viết:
- "Nga La Tư Quốc Nhiếp chính nữ vương Tô Phi Hà Cố Luân trưởng Công chúa điện hạ". Nguyên hai chữ "La Sát" trong kinh Phật là một thứ quỷ dữ, nếu dùng để xưng hô nước Nga là có điều khinh mạn, nên trong văn thư kêu bằng "Nga La Tư". Sư gia lại nhận thấy ba chữ "Tô Phi á" không được thuần nhã và chữ "Phi" nghĩa là phất phơ khiến cho người ta tưởng đến câu "Phương thảo phi phi" nghĩa là cỏ thơm phất phơ, tựa hồ có ý chê toàn người nàng đầy những lông lá, nên y đổi là "Tô Phi Hà" (Phi Hà là ráng chiều bay). Y dùng điển cố trong câu "Lạc hà dữ cô tế tề thí" nghĩa là ráng chiều bay song song với chim trĩ. Lại có câu "Phi hà phát diện" tả cảnh đẹp ráng bay trước mặt. Còn "Cố Luân trưởng Công chúa" là một phong hiệu rất tôn quý của một vị Công chúa Thanh triều. Em gái Hoàng đế kêu bằng trưởng Công chúa. Con gái Hoàng đế là cười. Tô Phi á đã làm đến Nhiếp chính, lại là tỷ tỷ của hai vị Sa hoàng, dĩ nhiên nàng là Công chúa hàng đầu. Lại nghe Vi Tiểu Bảo cười nói:
- Giữa ta và nàng Công chúa La Sát này đã có mối liên quan. Mấy năm chưa gặp, không hiểu tình trạng nàng hiện nay như thế nào?Tên sư gia liền viết vào mặt sau bao thư hai hàng chữ:
- "Phù hòa Nhung Địch, quốc chi phước dã. Như nhạc chi họa vô sở bất tài. Thỉnh dữ tử lạc chi". Y nghĩ bụng:
- Những câu này lấy trong sách Tả Truyện, nhưng La Sát là một nước Nhung Địch chưa chắc đã hiểu được những câu trong kinh truyện nước Trung Hoa. ý nghĩa ở hai câu song quan lại càng khó hơn. Thực ra chẳng những "Cố Luân trưởng Công chúa nước Nga La Tư" quyết chẳng thể nào hiểu được ý nghĩa sâu sắc về những chữ Trung Quốc này, mà cả đến "Đại Thanh quốc tam đẳng Lộc Đỉnh Công, Phủ Viễn đại tướng quân Vi Tiểu Bảo" thì ngoài ba chữ tên mình và hai chữ "Đại", "Tiểu" là gã mù tịt. Vi Tiểu Bảo thấy sư gia viết trên bao thư đầy những chữ là chữ, liền nói:
- Đủ rồi! Đủ rồi! Ngươi viết chữ hay lắm! Hay hơn cả tên rậm râu nước La Sát. Gã lại dặn sư gia chuẩn bị một món lễ vật quý trọng mà là những đồ đã thu được ở trong thành Nhã Tát Khắc, chứ không tốn một đồng một chữ nào. Vi Tiểu Bảo kêu hai tên Hoa Bá Tư Cơ và Tề Lạc Nặc Phu đến, truyền cho chúng lựa lấy một trăm người trong bọn hàng binh La Sát để làm vệ đội và lập tức đăng trình về Mạc Tư Khoa đưa thư. Hai tên đội trưởng mừng như bắt được vàng, sì sụp lạy mãi không ngớt. Chúng lại kéo tay Vi Tiểu Bảo ra mà hôn vào lưng bàn tay gã rất lâu. Vi Tiểu Bảo bị hàm râu của hai tên đội trưởng xát vào lưng bàn tay ngứa ngáy không chịu được, gã bật lên tràng cười hơ hớ. Thành Nhã Tát Khắc nhỏ bé không đủ chỗ để cho đại quân đồn trú. Vi Tiểu Bảo liền cùng Khâm sai và Sách Ngạch Đồ thương nghị việc đóng quân. Gã phái Lang Thản, Lâm Hưng Châu lĩnh hai nghìn quân ở lại trong thành phòng thủ. Còn đại quân kéo xuống miền Nam chia ra đóng ở hai thành ái Huy và Hô Mã Nhi để chờ đợi thánh chỉ. Đồng thời phái kỵ binh chạy về Bắc Kinh báo tin thắng trận lên Hoàng đế.Lúc ra đi, Vi Tiểu Bảo căn dặn hai tướng Lang Thản và Lâm Hưng Châu không được đào giếng hay đào đường hầm trong thành Nhã Tát Khắc. Đại quân rầm rộ nhằm hướng Nam tiến phát. Vi Tiểu Bảo cung bọn Sách Ngạch Đồ, Bằng Xuân đóng ở ái Huy. Tát Bố Tố lãnh một cánh quân đóng ở Hô Mã Nhi. Vi Tiểu Bảo nhàn rỗi không có việc gì làm, chỉ uống rượu đánh bạc vui chơi, bất tất phải tường thuật. Gã sai hàng binh La Sát mặc quân phục Thanh binh và phái người dạy tiếng Trung Hoa, cần cho chúng thuộc lòng những câu "Nga hoàng vạn tuế, vạn tuế, vạn tuế"... "Trung Quốc Hoàng đế đức bì tứ hải, uy chấn tuyệt vực"... "Vạn tuế gia thần thánh văn võ, Hoàng ân hạo đăng"... "Thánh Thiên tử vạn thọ vô cương"... Đó toàn là những câu cầu chúc và phụng sự nhà Vua. Sau khi bọn hàng binh La Sát thuộc kỹ những câu này rồi, Vi Tiểu Bảo phái binh đưa chúng về Bắc Kinh và dặn chúng khi đi qua những đường phố tại kinh thành phải hô lớn những khẩu hiệu đã thuộc kỹ. Nhất là lúc vào triều kiến Vua Khang Hy càng phải hô thật lớn. Gã bảo chúng: Tên nào hô càng lớn, đức Hoàng thượng càng ban thưởng nhiều. Sau hơn một tháng, Vua Khang Hy ban chiếu thư đến khen ngợi nhiệt liệt các tướng sĩ xuất chinh. Vi Tiểu Bảo được thăng tước Nhị Đẳng Lộc Đỉnh Công. Kỳ dư các tướng sĩ đều được thăng thưởng. Viên Khâm sai truyền chỉ lại giao cho Vi Tiểu Bảo một cái hộp gỗ niêm phong sơn đỏ nói là của đức Hoàng thượng ngự tứ. Vi Tiểu Bảo dập đầu tạ ơn, mở hộp gỗ coi, gã không khỏi ngẩn người. Nguyên trong hộp gỗ đựng một cái bát ăn cơm bằng Hoàng kim, trong bát khắc bốn chữ "Gia quan tấn tước" phảng phất giống như cái bát mà Thi Lang đã tặng gã ngày trước. Có điều những hoa văn và tự tích bị sây sứt thì đã được tu bổ hoàn chỉnh.Vi Tiểu Bảo nhớ lại cái bát vàng này ngày trước để ở Bá Tước phủ trong hẻm Đông Mạo. Đêm hôm ấy, gã hoang mang chạy trốn không kịp đem theo. Sau khi ngẫm nghĩ hồi lâu, gã hiểu liền ra lý lẽ. Đêm hôm ấy chắc là sau khi nổ súng bắn vào Bá Tước Phủ, đội quân Tiền Phong Doanh nhặt nhạnh những đồ vật còn lại, cả những thứ bị sứt mẻ cũng kê vào thành đơn phúc trình Hoàng thượng. Cái bát vàng này tuy đã vỡ nhưng chưa đến nỗi tan tành. Nhà Vua liền sai thợ hàn gắn lại và bây giờ ban cho gã. Dĩ nhiên nhà Vua muốn nhắn nhủ gã: Cái bát vàng gã đã bị sứt mẻ một lần, phen này phải giữ gìn cẩn thận đừng để nó phải tan tành. Vi Tiểu Bảo nghĩ vậy rồi tự nhủ:
- Tiểu Hoàng đế đã dùng nghĩa khí đối đãi với ta thì ta cũng phải có đi có lại, không đào hầm hố để khỏi tổn thương long mạch mà gây tai hại đến vận mạng của ngài. Qua mười mấy bữa nữa, Vua Khang Hy lại ban thượng dụ tới nơi. Lần này ngài nặng lời quở trách, phán rằng: Vi Tiểu Bảo có những hành động phá quấy vì gã bắt hàng binh La Sát hô khẩu hiệu "Vạn thọ vô cương" là một điều rất đáng buồn. Trong thượng dụ nói:
- "Bậc nhân quân giữ việc chăn dắt nhân dân phải thể theo lòng trời, thương yêu bách tính".
"La Sát tuy là nước Man Di, xa với vương hóa, nhưng dân tộc nước này cũng là người. Chúng đã quy thuận hàng phục, thì không thể khinh nhờn vũ nhục họ được".
"Ngươi đã làm đại thần nên can gián quân thượng những điều tàn tệ, thi hành nhân chính tới muôn dân".
"Nếu trẫm có ơn huệ với trăm họ thì dù chẳng sống lâu cũng là bậc minh quân. Bằng trẫm kiêu sa tàn bạo thì "Vạn thọ vô cương" chỉ tổ làm khổ thiên hạ".
"Kẻ đại thần xu nịnh quân thượng, đưa chúa vào hành vi bất đức là tội nặng lắm. Ngươi phải nhớ mà răn mình".Chuyến này Vi Tiểu Bảo bợ đít ngựa mà lại vỗ vào chân để nó đá hộc máu mồm. Nếu ở địa vị người khác tất lấy vụ này làm lo âu, buồn bã. May ở chỗ gã là kẻ mặt dầy, vẫn chẳng quan tâm. Trước mặt quan Khâm sai truyền chỉ, gã tự mắng mình tội thật đáng chết, nhưng trong lòng lại tự nhủ:
- Trong thiên hạ còn ai là người không ăn phỉnh? Nhất định vụ này bọn quân La Sát thốt lời Trung Quốc không được hoàn hảo, khiến tiểu Hoàng đế nghe chẳng ra sao nên mới bực mình. Gã liền kêu mấy tên sư gia đã dạy Hoa ngữ cho bọn quân La Sát đến thống mạ một hồi. Sau đó gã lại cùng bọn chúng mở cuộc đánh bạc. Gã gieo mấy bàn xúc xắc rồi là bao nhiêu lời huấn giới của Nhà Vua bay lên chín tầng mây hết. Thì giờ thấm thoát, đông qua xuân tới, Vi Tiểu Bảo ở thành ái Huy tuy được nhàn hạ, nhưng thường thường nhớ tới bọn A Kha, Mộc Kiếm Bình mấy người thê tử. Thỉnh thoảng gã lại sai thân binh đưa đồ về nhà. Sáu vị phu nhân cũng gửi ra y phục cùng phẩm vật. Ai cũng biết gã không hiểu chữ nghĩa nên không gửi gia thư mà chỉ dặn lời là trong nhà đều bình yên cả, mong mỏi Đại soái ca khúc khải hoàn về kinh cho sớm. Một hôm, có thượng dụ ban ra, khâm mạng cho Vi Tiểu Bảo và Sách Ngạch Đồ làm những đại thần trong cuộc nghị hòa để cùng sứ thần nước La Sát kiềm đính hòa ước. Trong kinh còn phái đến bốn nhân vật giúp đỡ công cuộc này là Hán quân Hoàng Kỳ Đô thống Đông Quốc Cương, Hộ quân thống lĩnh Mã Lạt, Thượng thư A Nhĩ Ni và Tả đô Ngự sử Mã Tề. Đông Quốc Cương tuyên đọc thượng dụ xong, lại lấy ra một đạo công văn đọc tiếp. Đạo công văn này là Quốc thư của hai vị Sa hoàng La Sát gửi lên Vua Khang Hy. Tờ quốc thư đã do hai vị truyền giáo sĩ người Hà Lan ở Bắc Kinh dịch ra Hán văn. Bức quốc thư như sau:"Cẩn phụng thượng: Đức Đại thánh Hoàng đế. Ngồi chơi hoa hạ, ảnh hưởng bao trùm hoàn vũ, hướng dẫn tôi hiền trong cuộc phân chia cương thổ, cai trị muôn dân. Trung Quốc gồm thâu Mãn Hán, oai danh lừng lẫy bốn Phương. Nguyên tiền triều A Liệt Khắc Tịch Mễ Hàn ở hạ quốc đã phái bọn Ni Quả Lai qua thiên triều mưu việc giao hảo cho hai nước. Kẻ sứ thần không am tường điển lễ Trung Quốc, cử chỉ có điều thô lỗ, ngữ ngôn lại thiếu văn hóa, đành trông vào đức độ khoan hồng của thượng quốc. Cả việc ca tụng Hoàng đế cũng không khỏi phạm vào thất thể, vì hạ quốc ở nơi hẻo lánh xa xăm, vương hóa khó bề phổ cập. May mà thượng quốc cũng không hạch tội. Ngày trước Hoàng đế đã gửi quốc thư, nhưng hạ quốc không ai biết chữ, chẳng hiểu thánh ý ra sao. Sau bọn Ni Quả Lai trở về, Hạ quốc hỏi ra mới biết thượng quốc chất vấn về vụ bọn Cán Đặc Mộc Nhĩ bôn đào qua hạ quốc. Trong quốc thư còn đề cập đến những việc quấy nhiễu biên thùy. Mới đây hạ quốc được tin Hoàng đế hưng binh đến vùng biên cảnh, khiến tình giao hảo hai bên bị tổn thất. Nếu dân gian hạ quốc ở chốn biên cương quả đã gây hấn làm càn thì thiên triều chỉ cần minh thị là hạ quốc bắt về nghiêm trị ngay, hà tất phải dấy động can qua? Nay hạ quốc phụng tiếp chiếu chỉ mới rõ đầu đuôi, liền hỏa tốc hạ lệnh cho tướng sĩ không được giao binh. Cung thỉnh thiên triều minh xét những tên nào đã gây họa loạn để hạ quốc đem ra chính pháp. Ngoài việc phái sứ thần quyết định biên giới, hạ quốc lại sai bọn Phật Nhi Ngưu Cao, Nghi Phiên, Pháp Nga La Ngõa mang thư đi suốt ngày đêm để dâng thượng quốc.Xin thiên triều rút cuộc bao vây Nhã Tát Khắc. Nếu còn xẩy chuyện lôi thôi, cứ phái sứ thần đưa thư hiểu dụ là hai nước vĩnh viễn giữ cuộc hòa mục. Một vị đại thần ở thượng quốc là Vi Tiểu Bảo các hạ năm trước có quen biết Hoàng tỷ ở hạ quốc là Nhiếp Chính Nữ Vương Tô Phi á điện hạ. Vi đại nhân lại tới kinh thành Mạc Tư Khoa giúp việc dẹp loạn lập nên công lớn ở hạ quốc. Đây thật là một ơn huệ của thượng quốc ban cho. Chúa tôi hạ quốc không bao giờ quên ơn đức này. Kính dâng trọng lễ trên Đại thánh Hoàng đế bệ hạ. Thứ nhì là trọng lễ phụng tặng Vi Tiểu Bảo đại thần các hạ, để tỏ lòng thành tín hòa mục của hạ quốc". Đông Quốc Cương đọc quốc thư rồi, sư gia liền đem những ý tứ trong thư giải thích cho Vi Tiểu Bảo cùng chúng tướng nghe. Đây là một thông lệ ở trong quân, vì những văn thư qua lại thường gặp chữ
nghĩa sâu xa khó hiểu mà số đông binh tướng lại không biết chữ. Dù nhiều người đã đọc sách mấy năm, nhưng kiến thức vẫn còn kém cỏi. Những văn kiện trong quân quan hệ đến quân cơ đại sự, nếu xảy chuyện hiểu lầm sẽ đưa tới hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Vì thế mà quân chế nhà Mãn Thanh phải đặt sư gia vào việc giải thích văn thư. Đông Quốc Cương nói:
- Vị Nhiếp Chính Nữ Vương La Sát vẫn nhớ mối tình cố cựu với Vi đại soái, đưa tặng rất nhiều lễ vật. Đức Hoàng thượng phải tiểu đệ đêm hết tới đây để giao lại cho đại soái thu nhận. Vi Tiểu Bảo chắp tay đáp:
- Đa tạ, đa tạ! Gã nói tiếp:
- Người La Sát không hiểu lễ tiết, chẳng nhún mình là lòng thành lễ bạc lại khoe khoang đồ lễ quý trọng. Phần lễ trọng nhất dâng lên Hoàng thượng, còn phần lễ trọng thứ hai gì đó đưa tặng tiểu đệ. Họ nói thế mà không sợ người ta cười cho. Đông Quốc Cương nói:- Vi đại soái phái quân giải bọn người đầu hàng nước La Sát về kinh thành, đức Hoàng thượng thân hành thẩm vấn. Ngài phát giác trong bọn tiểu tốt có một vị đại quan La Sát trà trộn vào... Vi Tiểu Bảo "ủa" lên một tiếng, nhảy bổ lên hỏi:
- Có chuyện đó ư? Đông Quốc Cương đáp:
- Người này thật giảo quyệt! Hắn trà trộn vào trong đám tiểu tốt, nhất thiết không động thanh sắc, hôm ấy Hoàng thượng thẩm vấn bọn người đầu hàng đã sai một vị giáo sĩ Hà Lan làm thông ngôn. Sau Hoàng thượng nói mấy câu Lạp Đinh (La Tinh) với giáo sĩ. Trong bọn người La Sát đầu hàng có một tên tiểu binh đột nhiên lộ vẻ khác lạ. Hoàng thượng liền hỏi có phải hắn hiểu tiếng Lạp Đinh không, nhưng hắn chỉ lắc đầu. Hoàng thượng lại dùng tiếng Lạp Đinh ra lệnh: •Đem tên tiểu binh này ra chém đầu!•. Hắn sợ hãi thất sắc, quỳ xuống năn nỉ xin tha và thú nhận có hiểu tiếng Lạp Đinh. Vi Tiểu Bảo hỏi:
- Tiếng Lạp Đinh là thế nào? Có phải người La Sát khi lôi bọn tráng đinh đi vận tải quân nhu thì nói thứ tiếng này? Sao Hoàng thượng lại hiểu được ngôn ngữ đó? Đông Quốc Cương đáp:
- Tiểu đệ cũng không hiểu đạo lý vụ này. Khi nào đại soái có dịp bái kiến Hoàng thượng khẽ dập đầu xin ngài giải thích cho. Vi Tiểu Bảo gật đầu hỏi:
- Hoàng thượng xử trí với hắn ra sao? Đông Quốc Cương đáp:
- Người đó không thể dấu diếm được, phải thổ lộ hết chân tình. Tên hắn là á Nhĩ Thanh Tư Cơ, làm Đô tổng quản hai thành Ni Bố Sở và Nhã Tát Khắc. Mọi người nghe nói không khỏi giật mình kinh hãi, bất giác •ủa• lên một tiếng.Vi Tiểu Bảo hỏi:
- Thế ra chức quan của thằng cha đó lớn lắm ư? Đông Quốc Cương đáp:
- Phải rồi! Những quan chức mà nước La Sát phái đến mặt Đông, địa vị hắn lớn hơn hết. Hôm thành Nhã Tát Khắc bị hạ, hắn cải trang làm tên tiểu tốt nên không ai nhận ra được. Vi Tiểu Bảo lắc đầu cười nói:
- Ngày hạ thành Nhã Tát Khắc thì người La Sát từ Đại tướng cho đến tiểu tốt, từ quan lớn cho đến quan nhỏ, nhất thời đều bị lột trần như nhộng. Ngó lui ngó tới ai cũng như ai, trong mình chẳng còn tý gì để phân biệt. Như vậy thì vụ này không nhận ra tên đại quan La Sát này cũng không phải là lỗi ở bọn tiểu đệ. Chúng tướng nổi lên tràng cười ha hả. Mọi người liền thuật lại tình hình hôm đánh phá thành Nhã Tát Khắc cho Đông Quốc Cương nghe. Đông Quốc Cương cười nói:
- Té ra là thế. Như vậy quả không trách ai được. Lão lại kể tiếp:
- Đức Hoàng thượng phán: Vi Tiểu Bảo bắt được Đô tổng quản của nước La Sát trông coi hai thành Ni Bố Sở và Nhã Tát Khắc là một công trạng rất lớn. Đáng tiếc y tưởng người này cũng là tên tiểu tốt tầm thường. Y đã phạm vào tội làm việc hồ đồ, vậy công kia chuộc lại lỗi này là xong. Việc đó thành ra vô thưởng vô phạt. Vi Tiểu Bảo nói:
- Đức Hoàng thượng cầm cân nảy mực rất đúng. ¥n điển của ngài khiến cho bọn nô tài chúng tôi muôn vàn cảm kích. Đông Quốc Cương nói:
- Đức Hoàng thượng thẩm vấn á Nhĩ Thanh Tư Cơ liên tiếp sáu ngày liền. Chẳng những ngài biết hết về quân chính đại sự nước La Sát, mà cả việc phân chiacương vực, phong tục tập quán, thổ sản địa Phương ngài cũng hiểu rõ một cách tỷ mỷ. Đức Hoàng thượng của chúng ta quả được trời ban cho tài trí thông minh khác đời. Ngài chỉ biết qua thái độ của á Nhĩ Thanh Tư Cơ mà phát hiện ra chuyện bí mật. Lão nhìn Vi Tiểu Bảo vừa cười vừa nói tiếp:
- Theo lời Vi đại soái thì á Nhĩ Thanh Tư Cơ lúc bị bắt cũng thân thể trần truồng như mọi người. Ai ngờ hắn vẫn dấu được văn kiện bí mật.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Lộc Đỉnh Ký.