• 92

Chương 1


Số từ: 11299
Dịch giả: Lưu Quang Thuyết
Cổ Nguyệt Books phát hành
NXB Hồng Đức
Gió mưa cuốn đi đêm đen tối
Cỏ xanh nhỏ từng giọt sương mai
Người người cùng nhau ca tụng
Cuộc sống ôi sao đẹp thế!
Cuộc sống và hy vọng của tôi
Luôn là điều ngược lại
Tôi và em như đôi bờ
Mãi cách nhau một dòng sông.

Trích từ bài
Hai chúng ta mãi cách nhau một dòng sông

của Vương Lạc Tân.
1

Lúc này là năm 2001.
Giang Hà bỗng nhiên thấy khát nước, trong cổ họng vô cớ bốc lên luồng khí nóng. Nó bắt đầu dâng lên từ trong dạ dày, rồi dần dần lan tỏa khắp toàn thân. Điều này khiến anh liên tưởng đến hơi nóng từ từ bốc lên từ sa mạc phía tây lúc mặt trời đứng bóng. Và cứ thế cả một vùng hoang mạc mênh mông vô tận hiện ra trước mắt anh. Hình ảnh ấy ngày càng rõ nét, nó bao phủ lên tất cả những gì đang hiển hiện trước mặt anh, trận cuồng phong của gió cát, hồ nước cạn khô, đồng muối nứt nẻ và cả những ốc đảo do mặt trời tạo ra từ hàng ngàn năm nay.
Anh nhìn đồng hồ, đã 10 giờ rưỡi tối. Căn phòng rất rộng. Trong phòng có mấy cái bàn và vài chiếc máy vi tính, trong đó có một cái đang bật, bên cạnh là những thiết bị khảo cổ hiện đại. Một bên tường kê một chiếc tủ kính. Bên trong tủ là mấy chiếc lọ đang trong quá trình phục chế lại. Phía trên cùng là những cái thuộc thời đại đồ đá mới[2], cho đến phía dưới cùng là những cái thuộc đời nhà Thanh, thời nào cũng có đủ. Chúng hoặc là đã vỡ chỉ còn lại mấy mảnh, hoặc là đã được phục chế lại trông mới tinh như vừa ra lò, cứ như một bộ sử ký Trung Quốc bằng hiện vật.
Ở góc tủ có một chiếc đầu lâu. Nó được chính tay Giang Hà đào ra từ một ngôi mộ thời nhà Đường ở cửa ải Thiểm Tây trong một lần thực tập khảo cổ trước lúc tốt nghiệp đại học. Lúc vừa đào được chiếc đầu lâu, hai cánh tay của cậu thực tập sinh Giang Hà run lẩy bẩy. Dường như chúng không còn là tay của anh nữa mà đã quay về một thời đại khác. Tuy biết rất rõ rằng những chiếc đầu lâu đã rữa nát hàng nghìn năm rồi, nhưng anh vẫn thấy sợ, biết đâu trong cái đầu lâu ấy bất ngờ rơi ra một con mắt của người chết. Sau đó, Giang Hà bắt đầu nôn khan. Thầy giáo hướng dẫn vỗ vai an ủi, còn đám thợ tham gia khai quật thì cười rộ lên với vẻ khoái chí. Cậu thực tập sinh lần đầu tiên tiếp xúc với thực tế được giao nhiệm vụ làm sạch chiếc đầu lâu. Anh lấy que tre gạt bỏ hết lớp đất quanh chiếc đầu lâu. Anh có cảm tưởng làm sạch một chiếc đầu lâu chẳng khác gì việc những thợ làm móng sửa móng chân cho khách. Sau khi gạt bỏ hết các bụi bẩn, anh dùng hoá chất chuyên dụng rửa sạch thêm lần nữa. Cuối cùng, một chiếc đầu lâu dữ tợn đã lộ diện. Sau này, thầy giáo hướng dẫn mới nói cho anh biết, chiếc đầu lâu này là của một Thái tử đời Đường bị chết yểu trong một cuộc chính biến cung đình.
Giang Hà đứng dậy, đi đến trước tủ kính, nhìn chằm chằm vào chiếc đầu lâu. Rồi anh khẽ lắc đầu, đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ. Qua lớp cửa kính, anh nhìn thấy những hàng cây. Trong màn đêm, cành lá lay động trong gió, bóng chúng hắt vào phòng giống như vô số linh hồn đang nhảy múa. Đưa mắt nhìn qua đám lá có thể nhìn thấy trăng. Trăng đêm nay rất tròn. Mặc dù bị đám lá kia che khuất một phần nhỏ, nhưng ánh trăng vẫn xuyên qua lùm cây chiếu vào mắt anh.
Ngôi nhà này nằm ở đây nhiều năm rồi, thế mà những hàng cây còn tồn tại trước cả khi ngôi nhà được xây dựng. Ngôi nhà là trụ sở của Viện Nghiên cứu Khảo cổ, bốn phía bị bao bọc bởi những hàng cây. Điều này rất hiếm thấy ở thành phố này. Cổng Viện vắng ngắt, có một con đường nhỏ thông ra với thế giới bên ngoài, phải đi qua ba bốn chỗ rẽ mới có thể lại cảm nhận thấy sự ồn ào náo nhiệt của thành phố này. Giang Hà nhìn những hàng cây và bức tường bao bên ngoài cửa sổ, tự nhiên có một cảm giác kỳ lạ. Anh cảm thấy, đây như một nhà tù, còn anh đang bị giam ở bên trong, khó mà trốn thoát ra được.
Giang Hà bật thiết bị điện tử, sau đó đặt mấy lát cắt tế bào vào cổng quét của máy. Anh nhấp chuột vài lần. Cổng quét phát ra một tiếng nhỏ. Màn hình vi tính kết nối với thiết bị điện tử hiển thị một loạt các biểu đồ. Thiết bị này thường chỉ có anh phụ trách sử dụng, rất ít người có thể hiểu được ý nghĩa những biểu đồ này, nhất là mấy kỹ thuật viên lớn tuổi. Họ không quen sử dụng máy vi tính, chỉ đoán định dựa trên kinh nghiệm lâu năm. Biểu đồ thay đổi liên tục trên màn hình khiến anh cảm thấy hơi chóng mặt, mắt căng ra. Anh cố gắng giữ cho mình tỉnh táo, nhưng tất cả đều vô ích. Anh chỉ có thể đứng đó nhìn chằm chằm vào những biểu đồ kỳ quái đang hiển thị trên màn hình.
Bỗng nhiên, Giang Hà như phát hiện thấy điều gì đó rất đáng sợ từ biểu đồ đang hiển thị trên màn hình. Anh mở to mắt, vô cùng kinh ngạc. Anh thở mạnh, vội rời khỏi bàn máy, ngồi xuống một cái ghế, đưa mắt nhìn về chiếc đầu lâu bày trong tủ kính. Anh vô cùng sợ hãi.
Anh chợt nghĩ đến điều gì đó, vội loạng choạng chạy đến chiếc bàn ở bên cạnh. Bàn tay run run nhấc điện thoại lên, bấm số máy quen thuộc. Sau hồi chuông thứ hai, từ đầu dây bên kia một giọng nữ trẻ vang lên trong máy: - Alô?
Đó là một giọng nói mềm mại như lụa, đều đều, dịu dàng. Giang Hà thở nhè nhẹ, anh muốn kể hết cho cô nghe. Nhưng khi câu nói của anh từ cổ họng truyền đến miệng thì anh bỗng ngừng lại. Một tích tắc sau, câu nói đó đã bị anh nuốt chửng lại.
- Alô... - Cô vẫn đang đợi anh lên tiếng.
Tay anh cầm ống nghe khẽ run lên. Anh vẫn yên lặng.
Giọng cô trong điện thoại có vẻ lo lắng không yên:
- Alô, ai đấy, nói đi ạ, alô.
Lúc anh sắp gác máy, giọng cô vang lên trong điện thoại:
- Giang Hà à, có phải anh đấy không? Giang Hà, anh nói đi.
Giang Hà gác máy.
Căn phòng yên lặng như cõi âm, chỉ có những cành cây ngoài cửa sổ bị gió đêm lay động đập khe khẽ lên kính cửa tạo lên thứ âm thanh kỳ quái. Giang Hà đi đến trước máy vi tính, anh vừa định nhấp chuột tắt các chương trình đi thì phát hiện trên màn hình xuất hiện một thứ quan trọng. Biểu đồ chỉ đến một điểm mà anh không ngờ nhất.
Anh cảm thấy có gì đó không ổn. Sự việc đã vượt quá bất cứ sự tưởng tượng nào của anh. Anh không thể chờ đợi để tắt máy theo đúng trình tự, mà ấn ngay vào nút bật tắt của máy tính để tắt, sau đó anh rút luôn phích cắm của thiết bị điện tử ra. Đèn đỏ ở cửa sổ máy quét lập tức tắt lịm. Anh lấy mấy lát cắt tế bào ra.
Tiếng chuông điện thoại bất chợt vang lên.
Anh biết là cô đang gọi anh, nhưng anh không muốn nghe điện thoại lúc này. Anh mặc cho điện thoại cứ thế đổ chuông. Mỗi tiếng chuông reo như kim châm vào tim anh. Sau đó, chuông điện thoại di động của anh cũng vang lên. Anh nhìn vào màn hình, nhưng vẫn không nghe máy.
Giang Hà bất lực lắc đầu, vô cùng tuyệt vọng ngồi sụp xuống đất.
Tiếng chuông điện thoại vẫn vang lên trong phòng.
2

Đường đến nhà tang lễ rất khó đi. Để đến cổng nhà tang lễ phải đi qua một con đường thường xuyên trong tình trạng tắc nghẽn. Nhiều khi, xe xếp thành hàng dài, nhìn không thấy đường ra. Có lẽ lẫn trong đám xe đó còn có vài chiếc xe tang chở thi thể. Ngộ nhỡ chiếc xe nào bị tắc ngay đằng sau chiếc xe tang thì thể nào mấy bác tài xế cũng lên tiếng chửi rủa con đường mà ai cũng sẽ phải đi qua này. Lúc này, Bạch Bích đang ngồi trên một chiếc taxi như thế. Chiếc xe tang phía trước ì ạch tiến từng bước chậm như rùa, giống như người sắp chết đang bò trên con đường dòng xe cuồn cuộn để đến nơi hoả táng, thiêu đốt chính mình.
Bạch Bích nhìn ra ngoài cửa xe, trời đã bắt đầu sẫm lại. Bây giờ là 3 giờ 45 phút. Cô ra khỏi nhà từ lúc 2 giờ rưỡi, tang lễ, thực ra phải gọi là lễ truy điệu, sẽ được tiến hành vào lúc 4 giờ chiều. Chỉ còn 15 phút nữa, nếu như đi bộ thì may ra còn kịp. Cô xuống xe ngay chính giữa dòng xe đang chen chúc, bước vội về phía vỉa hè. Những người đi trên vỉa hè phần lớn đều đeo băng tang trên cánh tay. Họ bước những bước đi vội vã nhưng không phải ai trông cũng đau buồn. Bạch Bích rảo bước nhanh hơn. Gót giày nhọn của cô gõ xuống nền xi măng phát ra những tiếng kêu nghe rợn người. Cô mặc một bộ quần áo đen, khuôn mặt tuy không trang điểm nhưng vẫn rất ưa nhìn. Nếu như cô cài thêm một bông hoa nhỏ màu trắng lên trên mái tóc dài màu đen được búi gọn kia thì trông cô giống hệt như những người đẹp thường được miêu tả trong các tiểu thuyết ngày trước. Bạch Bích biết rằng, trong những câu chuyện đó, những người con gái như vậy thường là các goá phụ trẻ, có chồng mới mất. Nhưng cô không giống họ, cô thậm chí còn chưa kết hôn. Ngày cưới của cô cũng không còn xa nữa, chỉ một tháng nữa thôi, cô sẽ là cô dâu. Thế mà, giờ đây tất cả đã không còn có thể xảy ra được nữa rồi. Bởi vì, lúc này, cô đang đi tới buổi tang lễ chính người chồng chưa cưới của mình.
Ba giờ 59 phút. Cô đã không đến muộn, vừa kịp bước được vào đại sảnh cử hành tang lễ. Đại sảnh đầy người, đông đúc, chen chúc và ầm ĩ. Mấy đứa trẻ con vẫn còn đang đùa nghịch. Cô cúi đầu, lặng lẽ ẩn mình vào một góc, cô không muốn bị người khác để ý tới. Cô nhìn thấy bố mẹ của Giang Hà. Họ là đôi vợ chồng già từ dưới quê lên. Nếu Giang Hà không chết, một tháng nữa thôi, họ sẽ là bố mẹ chồng của cô. Người tóc bạc tiễn kẻ tóc xanh, mất đi đứa con trai ở tuổi xế chiều khiến họ tiều tụy đi nhiều. Cô có đôi chút phân vân do dự. Cô không ghét bỏ gì họ cả mà chỉ vì cô vốn rất sợ những tiếng gào khóc kêu than.
Nhưng rồi, cô cũng bị người khác nhìn thấy. Mẹ Giang Hà chạy bổ về phía cô, nắm chặt lấy tay cô mà khóc. Nước mắt của bà rơi xuống mu bàn tay cô, nóng hôi hổi, rồi từ từ khô đi. Những giọt nước mắt này tạo cho cô một áp lực. Nó khiến cô cũng muốn trào nước mắt, nhưng lúc này một giọt nước mắt cô cũng không thể tuôn rơi. Cô tự nhủ, không biết liệu có phải cứ phải nhỏ nước mắt, phải khóc lóc kêu gào thảm thiết mới có thể chứng tỏ được nỗi đau đớn trong đáy lòng mình không. Thế nên cô cảm thấy có đôi chút sợ hãi. Đôi vợ chồng ông già nói với cô bằng giọng đặc âm địa phương. Bạch Bích gần như không hiểu một câu nào. Có điều, với biểu hiện của họ, cô biết rằng họ đã coi cô là người một nhà. Lúc này, cô bỗng cảm thấy trong người vô cùng khó chịu, khuôn mặt cô bắt đầu đỏ dần lên. Cô ý thức được rằng tất cả mọi con mắt có mặt ở đại sảnh này đang đổ dồn vào cô, như đang nhìn một goá phụ xinh đẹp, xem cô ta để tang chồng mình như thế nào.
Nghi lễ của buổi truy điệu bắt đầu. Bạch Bích bị người ta xếp cho đứng ở chính giữa hàng đầu tiên. Đó là một vị trí dễ gây sự chú ý nhất, đối diện ngay với di ảnh của Giang Hà. Bức ảnh Giang Hà với khuôn mặt rất đàn ông của anh đang nhìn cô mỉm cười. Cô cũng nhìn Giang Hà. Bỗng nhiên trong cô xuất hiện một ảo giác. Cô cảm thấy đó không phải là một bức ảnh, mà chính là Giang Hà bằng xương bằng thịt. Anh bước ra từ trong ảnh, nắm lấy tay cô, thì thầm vào tai cô vài câu. Nhưng trên thực tế, đó vẫn chỉ là một bức di ảnh được viền đen mà thôi.
Tiếp sau đó, bố Giang Hà bắt đầu đọc điếu văn. Lúc này, ông đã dùng tiếng phổ thông, tuy vẫn mang nặng âm địa phương nhưng mọi người vẫn có thể hiểu được. Đại ý của bài điếu văn là ông hồi tưởng lại những kí ức về quá trình người con trai mình từ một cậu bé sống ở vùng quê nghèo, phấn đấu học tập thi đỗ vào trường đại học ở thành phố, sau đó vào làm việc tại Viện Nghiên cứu Khảo cổ. Cuối cùng, ông còn nhắc đến việc, chỉ còn một tháng nữa thôi, con trai ông sẽ cưới vợ, được làm chú rể. Nhưng không ngờ lại xảy ra việc ngoài ý muốn này. Thế là kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh. Nói một hồi, ông có nhắc đến tên Bạch Bích, khiến các con mắt đều đổ dồn vào cô, hệt như đang ngắm nghía một món đồ nào đó. Điều này khiến toàn thân cô khẽ run lên. Đến bây giờ cô mới hiểu, trong con mắt những người tham dự lễ tang này, cô nghiễm nhiên được nhìn nhận như vợ của người đã chết. Chưa bao giờ cô nghĩ mình lại có ngày trở thành goá phụ. Cô mới 23 tuổi, rõ ràng là không thể quen được với điều này. Mặc dù, cô biết rằng về mặt pháp lý cô và họ chưa hề có quan hệ gì. Cô chỉ là một người con gái chưa chồng bình thường mà thôi. Vậy mà giờ đây, ít nhất cô còn phải ở nhà tang lễ hơn một giờ đồng hồ nữa để đóng vai người goá phụ trẻ. Trong mắt của rất nhiều người, cô nên làm tròn cái nghĩa vụ này. Nghĩ đến đây, cô bỗng cảm thấy tủi thân. Sự tủi thân này khiến cho nước mắt cô cứ tự nhiên muốn trào ra. Đôi mắt cô bắt đầu ướt đẫm nước. Thỉnh thoảng những dòng mắt khẽ trào ra bị cô nhẹ nhàng lau đi.
Tiếp đó, là đến lượt lãnh đạo đơn vị nơi Giang Hà làm việc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khảo cổ đọc điếu văn. Tên của Viện trưởng đương nhiệm là Văn Hiếu Cổ. Chỉ cần nghe đến tên là biết ngay người này sinh ra để làm cái nghề này. Văn Hiếu Cổ là đồng nghiệp của bố Bạch Bích lúc ông còn sống. Bạch Bích vẫn còn nhớ hồi nhỏ, Văn Hiếu Cổ thường đến nhà cô. Hễ đến là lại ngồi thảo luận cả buổi với bố cô về một chi tiết nào đó trong lịch sử vùng Tây Tạng. Bố Bạch Bích mất trong một tai nạn giao thông năm cô 10 tuổi. Từ đó về sau, Văn Hiếu Cổ càng thường xuyên đến và quan tâm đến mẹ con cô hơn. Bài điếu văn của Văn Hiếu Cổ có rất nhiều từ ngữ mỹ miều, nghe như một bản báo cáo khoa học. Sau đó, ông ca ngợi Giang Hà tuổi trẻ tài cao, có nhiều thành tựu trong các đề tài nghiên cứu khoa học, và rất có tinh thần học hỏi, tìm tòi... Nhưng Bạch Bích gần như chẳng nghe lọt tai lời nào cả. Cô chỉ nhìn vào đôi môi không ngừng cử động trên khuôn mặt lạnh tanh chẳng bao giờ bộc lộ chút cảm xúc nào của Văn Hiếu Cổ.
Sau khi các bài điếu văn được đọc xong, tiếng nhạc điếu bắt đầu vang lên. Trong giai điệu chậm rãi ru ngủ đó, mọi người lần lượt cúi mình ba lần trước di ảnh của Giang Hà. Tiếng nhạc điếu làm Bạch Bích nhớ đến lễ truy điệu của bố cô hơn mười năm trước. Năm ấy, Văn Hiếu Cổ 40 tuổi, đứng bên cạnh mẹ cô, tay giữ chặt áo mẹ cô, đề phòng người đàn bà goá bụa ngã gục xuống. Bạch Bích cũng cúi mình xuống theo mọi người, cô biết rằng, Giang Hà nếu đúng là đang nhìn cô, anh nhất định sẽ không để cho cô cúi lạy mình thế này. Thế nên, cô ngẩng đầu lên, nhìn tấm di ảnh của Giang Hà.
Sau đó, trong tiếng nhạc điếu, Bạch Bích bước theo mọi người đi cáo biệt di thể Giang Hà. Chiếc quan tài kính đặt sau tấm vải đen treo di ảnh. Giang Hà nằm yên lặng trong đó. Mẹ Giang Hà vừa nhìn thấy con trai liền gục lên quan tài mà gào khóc. Tiếng khóc như muốn gọi cho bằng được người nằm trong quan tài sống lại. Mặc dù rất thông cảm với họ, nhưng Bạch Bích vẫn thấy chóng mặt. Cô dừng lại ở một góc quan tài, lặng lẽ nhìn chăm chú vào người chồng chưa cưới. Lúc này, Giang Hà mặc một bộ comple nhập khẩu mới, đầu chải bóng, trang điểm cũng khá đẹp, chỉ có mặt là hơi trắng quá. Nhưng bình thường, anh vốn cũng đã là người có nước da trắng bệch, nên cô không cảm thấy sợ như khi nhìn người chết. Bạch Bích lại nhìn anh ở một góc nhìn khác. Cô cứ cảm thấy như anh bỗng mở mắt, mỉm cười với cô. Lại còn bộ comple của anh, nếu như anh còn sống thêm một tháng nữa, chắc anh cũng sẽ mặc bộ đồ như thế này để làm chú rể rồi. Và đến lúc đó, cô cũng sẽ được khoác lên mình chiếc váy cô dâu màu trắng tinh khiết. Cô biết dáng người mình rất hợp với váy cưới. Cô sẽ đứng trước cửa tiệc cưới, thu hút ánh mắt của tất cả những người qua đường, giống như lúc này đang thu hút ánh mắt của tất cả những người có mặt trong lễ tang. Trong lễ cưới, cô nghĩ, bố mẹ chồng cô sẽ rất vui sướng, cười hỉ hả, tuôn ra hàng tràng những lời chúc phúc bằng thứ tiếng nặng âm địa phương ấy. Rồi đến khi vào phòng tân hôn mà họ đã sớm chuẩn bị đẹp đẽ, Giang Hà sẽ cởi bỏ bộ comple, rồi áo sơ mi, rồi áo may ô. Sau đó, anh sẽ giúp cô trút bỏ bộ váy áo cô dâu bó chặt, vuốt ve thân thể cô, và sau đó...
Đã không còn có cái sau đó nữa, Bạch Bích tự nói với mình. Cô dừng những suy nghĩ lan man của mình lại, nhìn vào người chồng chưa cưới đang nằm trong quan tài. Lúc này cô không thể tưởng tượng ra Giang Hà khi anh cởi bỏ bộ comple, cởi bỏ tất cả quần áo có trên người thì sẽ trông như thế nào. Nói ra, ngay cả bản thân cô cũng không tin, cô chưa từng nhìn thấy cơ thể Giang Hà. Cô không biết các cơ bắp và làn da dưới lớp bộ quần áo của anh ra sao. Cô hy vọng anh có một bộ ngực nở nang với cơ bắp cường tráng, bởi vì anh thường xuyên được rèn luyện từ những lần đi khai quật bên ngoài. Nếu như anh không có được những bắp thịt rắn chắc thì cũng chẳng sao, chỉ cần anh cố gắng hết mình để hoàn thành nghĩa vụ là được rồi.
Sao lại nghĩ lung tung nữa rồi, cô lại một lần nữa cắt đứt dòng suy nghĩ của mình, chăm chú nhìn Giang Hà, đôi môi khẽ mấp máy nói:
- Anh chỉ là đang ngủ thôi, đúng không anh?
Cô đã từng có lúc nghĩ, nếu như người yêu cô chết, cô sẽ phủ phục xuống hôn nhẹ lên trán anh, nhưng cô không có chút cảm hứng nào với cái quan tài kính lạnh lẽo kia. Những câu chuyện lãng mạn trong các bộ phim truyền hình của Hồng Kông như thế chỉ lừa được nước mắt của những cô nữ sinh trẻ tuổi, còn với cô, chúng chẳng có ý nghĩa gì. Bạch Bích gật đầu với Giang Hà trong quan tài, sau đó có người đến đưa quan tài đi. Bố mẹ Giang Hà lại òa khóc. Tiếng khóc kinh thiên động địa nhưng chẳng thể ngăn cản được việc Giang Hà từ một người đàn ông cường tráng biến thành một đống tro tàn. Hơn nữa, trước khi biến thành đống tro tàn, thân thể anh đã bị rạch từ ngực xuống bụng trên bàn giải phẫu pháp y ở Sở Công an.
Vĩnh biệt, người chồng sắp cưới của em!
Bạch Bích đưa ánh mắt tiễn biệt Giang Hà vào trong lò thiêu, biến thành một làn khói nhẹ, biến thành một đống tro, một đống tro tinh khiết. Mặc dù cô là người rất bình tĩnh, nhưng cô vẫn thấy hơi buồn nôn. Cô lặng lẽ bỏ ra ngoài. Sau lưng cô, bố mẹ Giang Hà vẫn đang khóc. Những người khác thì đang bận hỏi thăm nhau xem cỗ đám ma tổ chức ở nhà hàng nào. Lúc đó, chẳng ai chú ý đến việc cô bỏ đi, ngoại trừ Hứa An Đa.
Khi Bạch Bích ra đến cổng nhà tang lễ, Hứa An Đa gọi tên cô. Bạch Bích quay đầu lại, nhìn thấy Hứa An Đa trong bộ quần áo thể thao màu đen, cô khẽ nói:
- Chào anh!
- Bạch Bích, em vẫn ổn đấy chứ?
Hứa An Đa cũng hạ thấp giọng. Nhưng Bạch Bích biết, thực ra bình thường anh ta chẳng bao giờ nói chuyện với giọng như vậy. Hứa An Đa là một người không an phận. Tuy cùng công tác ở Viện Nghiên cứu Khảo cổ, là đồng nghiệp của Giang Hà, nhưng anh ta và Giang Hà là hai người hoàn toàn khác hẳn nhau.
Bạch Bích lạnh nhạt trả lời:
- Thôi, anh đừng nói nữa!
Hứa An Đa nhìn cô bằng ánh mắt lạ lùng, giống như nhìn vào một di vật mới đào trong lúc khai quật. Anh khẽ nói:
- Việc xảy ra với Giang Hà, anh cũng rất đau lòng. Chúng ta chẳng ai ngờ được rằng anh ấy lại ra đi như thế. Chẳng được ăn cỗ cưới của các bạn rồi, thật tiếc quá!
Anh ta cố gắng làm cho giọng mình trở nên nghiêm túc. Có điều tất cả những điều đó đều khiến Bạch Bích cảm thấy có gì đó khác thường. Trước mắt cô lại hiện lên cảnh Hứa An Đa cưỡi chiếc mô tô phóng như bay trên đường phố, cô ngồi phía sau anh. Anh ta đội chiếc mũ lên đầu cô, còn mình thì để đầu trần cho gió mạnh thổi tung mái tóc quét qua mặt Bạch Bích.
Thực ra, trước khi quen với Giang Hà, cô đã quen Hứa An Đa rồi. Đó là một lần tình cờ, Hứa An Đa dùng mô tô đưa cô đến bệnh viện. Sau đó, hầu như ngày nào anh ta cũng tặng hoa cho cô. Nhưng Bạch Bích không có chút cảm giác gì với anh ta. Một lần, cô bị anh ta lôi đến dự một bữa tiệc sinh nhật. Trong bữa tiệc ấy, Bạch Bích đã quen với Giang Hà. Từ đó trở đi, Giang Hà bắt đầu bước vào cuộc sống của cô. Trong việc này, cho đến giờ, Hứa An Đa vẫn ân hận không hiểu tại sao lại đưa Bạch Bích cùng đến bữa tiệc sinh nhật ấy để cho cô và Giang Hà quen nhau.
- Tối hôm ấy, em nhận được một cuộc điện thoại, nhưng khi nhấc máy lên nghe thì phía bên kia không nói gì. Em biết chắc chắn cuộc điện thoại đó là của Giang Hà gọi đến. Em đoán là đã xảy ra việc gì, chứ không lẽ vô duyên, vô cớ sao lại gọi điện thoại cho em. Sau đó, em gọi điện về nhà anh ấy, không có ai nghe máy. Em lại gọi đến máy bàn của phòng nghiên cứu, cũng không có ai trả lời. Không ngờ rằng, đêm ấy anh ấy đã xảy ra chuyện, mà lại đúng ở chính phòng nghiên cứu...
Cô chợt ngừng lại, có lẽ do cô không muốn nói quá nhiều trước mặt Hứa An Đa.
Hứa An Đa gật đầu, nói:
- Em cũng đừng đau buồn quá. Có lẽ đó là cái số rồi.
Bạch Bích cảm thấy câu nói đó không giống với tính cách của anh ta, có lẽ anh ta còn che giấu điều gì. Cô hỏi:
- Anh mà cũng nói đến số mệnh à?
Trong ấn tượng của cô, Hứa An Đa là người chưa bao giờ tin vào số mệnh. Trên thực tế, anh ta là người chẳng sợ trời, chẳng sợ đất, dám ngồi canh mộ cổ một mình vào ban đêm.
Anh ta có vẻ chán nản, lắc đầu nói:
- Việc này em không hiểu đâu. Em không biết những việc xảy ra gần đây. Bọn anh đều thay đổi rất nhiều, anh cũng thay đổi rồi, đặc biệt là từ sau khi có chuyện xảy đến với Giang Hà.
Bạch Bích chú ý thấy ánh mắt anh ta có gì đó không bình thường.
- Đã xảy ra chuyện gì vậy anh, Giang Hà giấu em, anh cũng giấu em, nói cho em biết đi, mau nói cho em biết đi! - Bạch Bích truy hỏi.
- Không, em không cần biết những chuyện này làm gì.
- Vì sao?
Hứa An Đa cúi đầu, khẽ nói:
- Xin lỗi em, anh có chút việc bận, anh đi trước đây.
Nói xong, anh ta quay người đi ra phía cổng. Chiếc xe mô tô nội địa màu đỏ của anh ta dựng ngay trước cổng. Hứa An Đa ngồi lên mô tô, đội mũ bảo hiểm, khởi động máy, tiếng ống xả vang lên pằng, pằng, pằng...
Bạch Bích vẫn còn muốn nói thêm vài điều nữa. Cô nhìn thấy Hứa An Đa quay đầu lại, ánh mắt nhìn như muốn thể hiện một sự xin lỗi, nói to một câu tạm biệt, rồi phóng mô tô lên đường cái. Lúc này trời đã bắt đầu nhá nhem tối, đám ùn tắc trên đường cũng đã dãn dần. Chiếc mô tô đỏ như một tia chớp nhanh chóng biến mất trên đường.
Bạch Bích bỗng cảm thấy kiệt sức, cô không biết mình muốn đi đâu. Có lẽ bố mẹ Giang Hà đang chờ cô để cùng ngồi ăn cỗ đám ma, nhưng cô sẽ không đi. Cô biết rằng Giang Hà cũng không để ý đến những việc này. Cô ngẩng đầu lên nhìn đám mây đen trên bầu trời của nhà tang lễ, cô nghĩ, có lẽ giờ này Giang Hà đang ẩn mình trong đám mây đen đó nhìn cô.
Đi đâu bây giờ đây? Bạch Bích thầm hỏi mình.
Trời đã bắt đầu tối, trong bộ đồ đen, cô đi xuyên qua thành phố.
3

Đi đâu bây giờ đây?
Hứa An Đa cũng đang tự hỏi mình câu hỏi này. Lúc này anh không muốn về nhà. Anh chưa bao giờ coi căn phòng không đầy 20m2 kia là nhà của mình. Lái mô tô tạt vào ven đường, anh đến một quán ăn nhỏ, ăn qua quýt chút thức ăn, coi như là bữa tối. Sau khi ăn xong, anh mua mấy lon bia Thanh Đảo. Anh cứ thế ngồi ở ven đường nốc bia. Bọt bia dính vào cằm chảy xuống làm ướt quần áo anh. Sau đó anh ợ một cái, miệng anh đầy mùi bia, mặt anh chắc chắn đã hơi đỏ. Nhưng anh mỉm cười, vận động chân tay như tự chế giễu mình. Lúc này anh mới thấy tâm trạng thoải mái hơn một chút. Rồi anh leo lên mô tô, lao ra đường. Chiếc mô tô màu đỏ này đã theo anh mấy năm nay, cùng anh đi qua rất nhiều nơi. Có một lần, thậm chí anh còn đi mô tô đến nơi khảo quật. Chiếc mô tô dựng ở cạnh một di chỉ cổ đại trong một sơn thôn hoang vắng, trông rất chướng mắt. Tóm lại, trong con mắt của mọi người, Hứa An Đa là kẻ ngoại đạo. Anh sinh ra không hợp với nghề này cho dù anh có đủ sự gan dạ và sự đam mê khám phá cần thiết cho công việc khảo cổ, nhưng anh lại thiếu đi sự kiên nhẫn. Điều đó đã hại anh. Vì thế, khi Giang Hà đã có thể đảm nhận công việc một cách độc lập thì anh vẫn chỉ là cấp dưới, giúp việc cho người khác. Đến ngay cả Bạch Bích, anh cũng để cho Giang Hà cướp mất. Thực lòng, đúng là anh cũng có đôi chút đố kỵ với Giang Hà. Thế nhưng, cho dù tính cách của họ có khác nhau thế nào đi chăng nữa, thì cũng chính sự khác nhau về tính cách đó đã khiến cho họ trở thành đôi bạn thân.
Giờ đây, người bạn thân nhất của anh đã chết rồi.
Tăng tốc. Rượu cuối cùng đã phát huy tác dụng. Đầu anh rất hưng phấn, mũ bảo hiểm của anh không che mặt. Anh há to miệng. Gió cứ thế liên tục thổi như rót vào anh khiến anh cảm thấy thật mát mẻ. Mỗi lần cần giải sầu, anh đều thế này. Có những lúc, anh cứ phóng đi như thế cho đến lúc bị cảm lạnh. Nhưng anh không màng, bây giờ tốc độ có lẽ đã vượt qua 80km/h, ở đoạn đường này chạy như thế là rất nguy hiểm. Có mấy chiếc ô tô chạy ngược chiều, lúc gần đâm vào nhau, anh mới đánh tay lái. Phía sau vọng lại tiếng chửi:
Muốn chết à!
thoảng qua tai anh trong tiếng gió thổi vù vù. Chất cồn trong người làm cho máu anh sôi sùng sục. Anh hầu như quên hết mọi nguy hiểm.
Trong đầu anh chợt hiện lên hình ảnh Bạch Bích, người goá phụ bé nhỏ ấy. Có lẽ không nên dùng từ này, vì cô ấy còn chưa lấy Giang Hà cơ mà. Khuôn mặt của cô cứ dao động trước mắt anh. Anh thích khuôn mặt ấy. Ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy khuôn mặt ấy, anh cảm thấy có một sức hấp dẫn đặc biệt. Đó không đơn giản là sự thích thú giữa nam và nữ mà có điều gì đó sâu sắc hơn, đến mức anh không dám tấn công mạnh mẽ như thói quen mà anh vẫn thường làm khi theo đuổi những người con gái khác. Hôm ấy, Bạch Bích bị ngã trên đường vì bị một chiếc xe đâm phải. Thực ra cô ấy bị thương không nặng lắm, chỉ xây xát qua loa. Hứa An Đa đi mô tô qua, nhìn thấy cô. Thế là anh chủ động mời cô lên xe đưa đến bệnh viện. Anh vẫn nhớ cảm giác lúc Bạch Bích ngồi phía sau anh, lạnh lùng, không nói không rằng, người hơi run run, giống như một bức tượng Phật bằng sứ trắng. Đồ sứ thì không thể nặng tay được. Một người làm nghề khảo cổ như Hứa An Đa quá hiểu điều đó, nên anh trước sau không dám vội vàng. Anh chỉ cảm thấy Bạch Bích là một người con gái không giống những người con gái khác. Trên người cô toả ra một sức mạnh nào đó khiến người khác không dám lại gần. Về sau, anh mới biết bố của Bạch Bích tên là Bạch Chính Thu, là lão tiền bối ở Viện Nghiên cứu Khảo cổ, là bạn học của Viện trưởng Văn Hiếu Cổ. Mười mấy năm trước, ông đột ngột qua đời trong một vụ tai nạn giao thông. Nhưng rồi cuối cùng Bạch Bích đã bị Giang Hà cướp đi mất, Giang Hà còn chưa kịp đợi đến ngày chính thức có được cô. Không nghĩ đến cô ấy nữa, Hứa An Đa lắc đầu, rẽ vào một con đường nhỏ tối tăm.
Tiếng nổ của xe mô tô vang lên trên con đường nhỏ tĩnh mịch. Anh không biết bây giờ là mấy giờ, có lẽ đã khuya lắm rồi. Anh bỗng nhiên nhớ đến câu anh nói hồi chiều với Bạch Bích:
Có lẽ đó là cái số rồi.

Số mệnh, anh xưa nay vốn không tin vào những điều này. Anh chỉ tin vào chính mình. Song, bây giờ anh không còn tin vào chính mình nữa. Anh biết rằng, anh đã không thể nắm giữ được số phận của chính mình. Anh chẳng qua chỉ như một con côn trùng nhỏ, một côn trùng sắp chết. Đó là một sức mạnh không thể kháng cự lại, bất cứ lúc nào cũng có thể lấy đi sinh mạng của anh. Anh vẫn còn nhớ rõ từng câu Giang Hà nói với anh trước khi xảy ra chuyện. Anh có thể cảm nhận được nỗi sợ hãi ẩn giấu trong ánh mắt của Giang Hà. Có lẽ cậu ấy đã sớm có linh cảm. Lúc này anh đã tin bạn mình. Đó thực sự là một sai lầm. Tất cả mọi người đều phạm phải sai lầm này, giờ là lúc phải trả giá.
Anh hiểu rằng, Giang Hà không phải là người chết đầu tiên và càng không phải là người cuối cùng.
Người tiếp theo sẽ là ai đây?
Một cơn gió lạnh thổi qua, Hứa An Đa bỗng nhiên thấy tỉnh táo lạ thường. Anh lắc mạnh đầu, nhìn xung quanh bốn bề chỉ toàn một màu đen. Anh không nhìn thấy rõ thứ gì cả. Anh chưa đi qua đây bao giờ, có lẽ anh đã bị lạc đường. Chất men làm cho bụng anh hơi khó chịu, anh cúi đầu, nôn oẹ một hồi, nhưng chẳng nôn ra được gì. Lúc này anh mới cảm thấy bất an, nỗi bất an này đến từ trong xương tủy anh.
Trong khoảng khắc, anh nhớ đến khuôn mặt của Giang Hà nằm trong quan tài kính. Bây giờ Giang Hà đã thành một đống tro tàn rồi. Tiếp đến, anh lại nhớ đến một điều khác. Điều này khiến tay anh run lên. Anh không còn nắm nổi tay ga được nữa. Đây mới thật sự là sự sợ hãi. Hứa An Đa, con người tự cho mình không biết sợ là gì, giờ đây bắt đầu thấy sợ hãi bao trùm.
Màn đêm mênh mông.
Anh giảm tốc độ, cho xe đi thật chậm. Chạy đến cuối con đường nhỏ, anh nhìn thấy một con đê xanh, thì ra là sông Tô Châu. Anh cho xe chạy đến bên bờ sông, nhưng anh không nhận ra mình đang ở đoạn nào. Con đường ven sông Tô Châu vắng vẻ, dường như chỉ có một mình anh. Bánh xe quay chầm chậm, đưa anh đi trong đêm tối mênh mông, đến nơi mà anh chưa hề biết.
Hứa An Đa nghe thấy một tiếng kêu khe khẽ... Cứu tôi với.
Đó là tiếng kêu cứu của chính anh.
4

Đó là một khu chung cư bình dân ở bên bờ sông Tô Châu. Do địa thế đẹp nên dạo này giá phòng đều tăng lên nhưng vẫn có nhiều người chuyển đến ở. Trong đó có một toà nhà vừa mới xây xong chưa lâu, nên ban đêm cả toà nhà như chìm trong bóng tối, chỉ có duy nhất một ánh đèn hắt ra từ ô cửa sổ nhà trên cùng.
Đằng sau ô cửa sổ đó là một căn phòng vừa mới sửa sang xong. Trong phòng không có đồ đạc gì, chỉ có độc một chiếc máy tính kê gần cửa sổ. Chiếc máy tính gần như được bật suốt đêm. La Chu đang ngồi trước màn hình viết kịch bản. Anh liếc nhìn đồng hồ, đã gần 11 giờ rồi. Từ lúc ăn cơm tối xong đến giờ, anh giống như người đang cố nặn bóp tuýt đánh răng đã hết, chỉ gõ được chưa đầy 300 chữ. Những chữ này giống như những bọt thuốc đánh răng, dính trên màn hình, cứ được bôi lên, rồi lại lau đi.
Điều hoà trong phòng vẫn chưa lắp xong. La Chu mở toang cửa sổ cho gió sông thổi tung mái tóc dài của anh. Tóc anh rất dài, nhưng không phải loại tóc dài đến vai, lại thêm khuôn mặt đầy góc cạnh, khiến người khác khó mà có thể đoán được anh làm nghề gì. Mà đúng là thực sự anh chẳng làm nghề gì. Mấy năm trước, anh làm biên tập cho một tạp chí của nhà nước, về sau tạp chí này đã đóng cửa vì lượng phát hành được quá ít, chỉ có mấy trăm tờ. Từ đó anh thành ra thất nghiệp. Nhưng La Chu vốn là người thích tự do. Anh gửi bài cho các loại báo, các kiểu tạp chí. Lúc mới đầu, anh chẳng được đăng bài nào, chủ yếu là vì nội dung anh viết toàn theo trường phái của Borges[3] và Calvino[4]. Cho dù đến cuối cùng, anh có viết chúng thành những câu chuyện tình cảm sướt mướt thì người đọc vẫn không tài nào hiểu được hoặc cho là chỉ có anh mới có thể hiểu được những gì anh viết. Về sau, La Chu đã thực tế hơn, anh bắt tay vào viết một số câu chuyện tình cảm mang tính
ký sự
. Tuy gọi là
ký sự
nhưng chúng được anh hư cấu còn mùi mẫn hơn cả các tiểu thuyết của Quỳnh Dao. Nhưng điều ngay cả chính anh cũng thấy bất ngờ là những tác phẩm đó của anh lại được chọn đăng. Nhờ vậy mà anh đã nuôi sống được chính mình. Hiện nay, La Chu và mấy người bạn đang thành lập một đoàn kịch. Anh phụ trách phần kịch bản kiêm đạo diễn. Tháng sau, vở kịch đầu tiên của họ sẽ phải công diễn rồi, nhưng đến lúc này, kịch bản vẫn chưa được viết xong. Thế nhưng việc diễn xuất thì đã sắp đặt xong, căn cứ vào phần phân vai và vào những phần kịch bản đã hoàn thành, các diễn viên đã bắt đầu luyện tập. Ban ngày anh chỉ huy tập ở sân khấu, tối đến ngồi ở nhà viết kịch bản. Anh đang lo, nếu đến hôm công diễn mà kịch bản vẫn chưa viết xong thì không biết phải làm thế nào? Chắc là những bạn bè đầu tư vào đoàn kịch dám chặt đứt ngón tay anh mất. La Chu đã từng nói bốc lên rằng, ngón tay của anh chỉ trong một đêm có thể gõ ra vở
Chờ đợi Godot
[5]. Tin vào lời nói khoác lác đấy của anh, bạn bè đã chịu rót vốn đầu tư lập ra đoàn kịch này, còn giúp anh tìm địa điểm và thời gian biểu diễn. Một trận gió thổi qua, anh bỗng thấy rùng mình, nhìn vào kịch bản đang dở dang hiện lên trên màn hình, La Chu tiếp tục gõ trên bàn phím...
Cảnh thứ 3: Vương mộ

Bối cảnh là một vùng rừng núi lẫn với sa mạc hoang vu, trên sân khấu bày mấy cái mô hình xương sọ động vật và đầu lâu người. Thời gian là vào ban đêm, trên phông treo một vầng trăng lưỡi liềm. Loa phát ra tiếng gió to thổi vù vù.
(Hoàng tử ra)
Hoàng tử (nhìn xung quanh, đưa hai tay ra nói):
- Đây là đâu nhỉ? (Ngẩng mặt nhìn lên trời) - Đêm đã khuya, trăng đã lên. Ta đi theo đoàn tùy tùng hộ tống xe tang trên con đường dẫn đến Vương mộ. Bốn phía một vùng hoang vu, tịnh không một bóng người. Cuồng phong cuồn cuộn, bụi cát mù trời (dùng tay che mắt),(Bỗng nhiên một bàn chân giẫm lên một cái đầu lâu, hét lên một tiếng kinh hoàng).

- A! Đây là... Nhìn kìa, (vô cùng sợ hãi) xương người và xương ngựa chất thành đống ven đường. Có lẽ, tự cổ chí kim đã có vô số người chết trên con đường này (tâm trạng đau khổ). Không, không, Lan Na, Lan Na, họ đã đưa nàng đi đâu? Nếu nàng nghe thấy tiếng gọi của ta, nàng có đáp lại lời ta không?

Tiếp theo sẽ viết thế nào đây? La Chu lại thấy đau đầu. Có lẽ sẽ cho linh hồn La Na xuất hiện. Bên dưới sân khấu sẽ làm một cái công tắc, sau đó sẽ cho phun khói. Trong không khí mờ ảo như thế, sẽ cho Lan Na xuất hiện. Tiếp đó, linh hồn Lan Na sẽ dùng giọng giả thanh đưa ra lời khuyến cáo với Hoàng tử. Nàng kể việc mình bị người ta hãm hại vu cáo là phù thủy, còn bị chết oan hương tiêu ngọc nát, rồi thổ lộ tình yêu của mình với Hoàng tử. Nhưng nàng vẫn khuyên Hoàng tử đừng tiếp tục tiến lên kẻo có thể mất mạng. Tóm lại sẽ rất là thần bí, rùng rợn, như thế mới thu hút được sự chú ý của người xem, nếu không họ sẽ ngủ gật ở dưới mất. Nhưng viết vậy liệu có ai cho là anh đang nhái tác phẩm
Hamlet
của Shakespeare không nhỉ? Cũng là Hoàng tử, cũng là linh hồn oan khuất hiện lên vạch trần sự thật, chỉ có điều nhân vật Quốc vương sẽ được đổi thành một nữ nhi xinh đẹp yếu đuối. La Chu nghĩ đến đây lại thấy bế tắc, tiếp theo sẽ viết thế nào đây?
Cuối cùng anh đứng dậy, vận động một lúc hai bờ vai đang nhức mỏi. Sau đó anh ra đứng trước cửa sổ, nhìn trời đêm bên ngoài cửa sổ. Trong đêm tối, anh không nhìn rõ được dòng chảy của sông Tô Châu, chỉ có thể nhìn ra hàng liễu lờ mờ ẩn hiện hai bên bờ. Lại một cơn gió thổi từ sông vào làm anh thấy dễ chịu hơn đôi chút. Anh quyết định xuống nhà đi dạo. Năm phút sau, La Chu đã đến bên bờ sông. Cây cối và bờ đê làm anh thấy trong lòng nhẹ nhõm đi nhiều. Anh ngẩng đầu, đêm nay dường như chẳng có ngôi sao nào. Tối đến kinh sợ, chỉ có những ánh đèn trên các tòa cao ốc bốn phía xung quanh nhấp nháy. Từ hôm chuyển đến đây, đây đã là lần thứ bảy anh xuống nhà đi dạo vào lúc nửa đêm. Thực ra chỉ cần đi một vòng bên bờ sông, anh đã thấy có cảm hứng dạt dào, tiếp tục viết được thêm một chút kịch bản.
Ở đây rất yên tĩnh. Anh thường hay có thể nghĩ ra nhiều điều trong sự tĩnh mịch này. Và những điều này thường luôn xuất hiện trong các cuốn tiểu thuyết và kịch bản của anh. Nhưng những điều mà anh đã nhìn thấy đêm nay lại là cơn ác mộng của anh. Đầu tiên là tiếng mô tô phá vỡ đi sự yên tĩnh. Lúc đó, La Chu đang đứng giữa những hàng cây. Anh nhìn thấy một chiếc mô tô đang từ từ chạy trên con đường nhỏ dưới chân đê. Trong đêm tối, anh không nhìn rõ hình dáng của chiếc xe, chỉ thấy người lái xe có vẻ như có điều gì đó không bình thường. Còn cụ thể không bình thường như thế nào thì La Chu cũng không nói rõ được. Anh chỉ linh cảm có gì đó rất kỳ quái. Chiếc mô tô chạy chậm dần, cuối cùng cũng từ từ tắt máy. Nhưng người lái xe vẫn dùng hai chân rê trên đường cho bánh xe trôi về phía trước.
Hình như đã xảy ra chuyện gì đó. Người kia tháo chiếc mũ bảo hiểm ra ném xuống đất. Tiếng chiếc mũ cứng đập xuống đất phát ra tiếng kêu sắc nhọn khiến La Chu giật nảy mình. Sau đó, người kia ngửa đầu ra đằng sau, gần như là nằm ngửa trên yên xe. La Chu nghĩ, thằng cha này có lẽ say rượu rồi. Sự xuất hiện của người kia đã làm hỏng những suy nghĩ anh đang theo đuổi, khiến anh lại rơi vào tình trạng sốt ruột không yên. Anh tự nói với mình:
Đúng là xui xẻo!
rồi đi ra khỏi hàng cây, đi vào con đường lớn. Chiếc mô tô vẫn đứng yên trên đường. Lúc La Chu đi sang đường, ngang qua chiếc mô tô, anh rất tò mò muốn biết mặt người kia. Thế là anh tiến lại gần hơn. Anh đoán thằng cha kia chắc là đã ngủ ngay trên yên xe rồi.
Nhưng La Chu đã đoán sai. Người lái xe mô tô bỗng nhiên ngồi thẳng dậy, nhìn vào mặt anh. Khoảng cách của họ rất gần. Dưới ánh đèn đường lờ mờ, La Chu đã thoáng nhìn rõ khuôn mặt của người đó. Anh ta mặc một bộ quần áo thể thao màu đen, đầu tóc rối bời, tuổi tác chắc cũng trạc bằng La Chu, nhưng mặt đỏ lừ, mắt đục ngầu, từ trong lỗ mũi phun ra mùi bia rượu rất khó ngửi. Quả nhiên là đã say xỉn rồi. La Chu không muốn liên quan gì đến anh ta, cứ để anh ta ngủ một đêm trên yên xe như thế này cũng tốt, còn hơn là để anh ta lái xe chạy lung tung trong tình trạng say xỉn thế này. Nhưng hắn lại chộp ngay lấy tay La Chu, nhanh đến mức anh không kịp phản ứng. Trong phút chốc, anh còn nghĩ là đang mình bị cướp, hoặc chí ít cũng là gặp phải thằng lên cơn say rượu. Anh muốn giằng tay ra, nhưng không ngờ tay người kia quá khoẻ nên không tài nào giằng ra được. Người có đôi tay ấy chắc phải làm một công việc gì đó có liên quan đến chân tay. La Chu thấy hơi hoảng, định dùng tay còn lại đấm cho anh ta một quả, nhưng, người kia bỗng nhiên cất tiếng nói:
- Cứu, cứu tôi với!
Giọng anh ta rất nhỏ, rất khàn, nồng nặc mùi rượu nên La Chu nghe không rõ.
Người kia lại nói thêm một lần nữa:
- Cứu tôi với!
Lần này thì La Chu đã nghe rõ, có lẽ đây chỉ là những lời lung tung của kẻ say mà thôi. Cũng có thể đúng là anh ta thật sự cần giúp đỡ về việc gì đó, có thể là hỏng xe, hoặc là bị bệnh cấp tính. Nhưng giọng nói của người kia khiến La Chu thấy toàn thân ớn lạnh. Giọng nói đó như vọng lên từ địa ngục, mang nặng âm khí. Thêm vào đó, ánh mắt anh ta khi nói có vẻ rất tuyệt vọng, mắt mở to. La Chu cảm giác như mắt của anh ta sắp lồi cả ra ngoài.
Cứu tôi với... Lúc này, bên tai La Chu hầu như chỉ lùng bùng có ba tiếng đó.
Làm thế nào để cứu anh ta? La Chu bắt đầu thấy cuống. Một tay của anh còn bị anh ta nắm chặt, cổ tay đau rát. Anh rút điện thoại di động ra, quay số cấp cứu 120. Anh nghĩ rằng thằng cha này chắc uống quá nhiều rượu dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Bỗng nhiên, người kia buông tay anh ra, nắm lấy tay lái xe mô tô. Anh ta khởi động xe, tiếng ống xả nổ vang một lần nữa lại phá tan bầu không khí yên lặng ven sông.
- Này, anh không được lái xe nữa! - La Chu muốn nhắc nhở anh ta.
Nhưng người kia không để ý đến, đến ngay cả mũ bảo hiểm anh ta cũng chẳng thèm đội, cứ thế phóng vụt đi, rồ ga, lại rồ ga. La Chu nhìn chiếc xe lao đi, trong lòng thầm nghĩ thằng cha này điên thật rồi.
Sông Tô Châu phía trước có một chỗ quẹo, phía trước là một hàng cây và bờ đê, cho nên trên con đường nhỏ đó có một khúc cua. La Chu nhìn thấy chiếc mô tô chạy như bay dọc theo con đường nhỏ ven đê. Sau khi chạy độ 100 mét với tốc độ phi thường như thế, chiếc mô tô đã không bám cua mà cứ thế đâm thẳng. Trời ơi, La Chu thở ra một hơi lạnh ngắt, anh hét lên:
- Coi chừng!
Nhưng chiếc mô tô chạy với tốc độ gần 100 km/giờ đã đâm thẳng vào bờ đê. Người lái xe nảy bật lên, cả thân người tung lên trời, sau đó lại từ từ rơi xuống, đúng ngay giữa đường. Thật không may, La Chu nhìn thấy đầu anh ta đập xuống đất trước.
Chiếc mô tô nằm quay ngang trên đường, bánh xe vẫn quay tít, nhưng mặt trên của bình xăng dính đầy óc. Cơ thể người đó vẫn đang co giật. La Chu thấy ghê người, bò ra ven đường nôn thốc nôn tháo.
5

Bạch Bích không biết mình đã đi lang thang ở bên ngoài bao lâu. Cô thậm chí đã quên mất là mình đã ăn tối hay chưa, và không biết làm thế nào mà lại về được đến nhà. Sau khi dò dẫm trên những bậc cầu thang tối om, leo hết sáu tầng lầu, lục lọi rất lâu trong bóng tối để tìm chìa khoá, sau khi mở cửa nhà, cô phát hiện ra đã hơn 11 giờ đêm rồi.
Cô đóng cửa phòng, tay phải mò mẫm bật điện. Ánh đèn dìu dịu soi rõ khuôn mặt trắng bệch của cô. Cô bỏ giày, đi chân đất vào phòng, sau đó mệt nhọc cởi cúc, trút bỏ bộ áo vét màu đen trên người. Cô bật bình nước nóng, uống một ngụm nước lạnh to. Nước lạnh theo cổ tràn vào trong người, cô thấy bụng mình lành lạnh. Cô hít một hơi thật sâu, sau đó chăm chú quan sát căn phòng của mình. Đáng lẽ ra, đây sẽ là căn phòng tân hôn của cô và Giang Hà.
Tường nhà quét sơn màu vàng nhạt, thậm chí bây giờ Bạch Bích vẫn còn ngửi thấy mùi sơn thoang thoảng. Trần nhà màu trắng có trang trí hoa văn. Nền nhà phẳng phiu, nhẵn nhụi. Khung cửa là loại gỗ tốt và bóng lộn. Còn có bộ bàn ghế, giường, tủ và các đồ dùng điện tử khác. Giang Hà đã mua hết những thứ này nhân đợt khuyến mại vào dịp khai trương của một cửa hàng bán đồ gia dụng và điện tử. Hàng đẹp, giá lại phải chăng, quả là rất kinh tế. Trong bếp được ốp những viên gạch viền hoa văn kẻ sọc. Những đồ làm bếp đều là hàng ngoại nhập. Nhà vệ sinh cũng đã được sửa lại, đập bỏ một bức tường cho diện tích rộng hơn. Một bồn tắm lớn đặt nằm ngang ở phía trong cùng, khiến người ta dễ nảy sinh ra nhiều liên tưởng. Trong phòng ngủ, chiếc giường lớn được bao phủ bởi ánh sáng màu hồng như có gì đó rất cám dỗ. Nhưng bây giờ, cô đã không còn cần đến nữa rồi.
Những thứ này đã được hoàn tất từ ba tháng trước. Mọi việc đều do một tay Giang Hà lo liệu. Anh gần như đã dùng hết số tiền tích lũy được từ trước đến nay, hơn nữa còn vay mấy vạn tệ của bạn bè để chuẩn bị cho hôn lễ và tiệc cưới vào tháng tới. Bố mẹ Giang Hà ở vùng nông thôn hẻo lánh, gần như chẳng thể giúp đỡ được cho con trai điều gì. Còn bố Bạch Bích thì đã sớm qua đời, bản thân cô cũng dành dụm không được bao nhiêu. Điều này khiến cho họ không đủ tiền để mua nhà mới. Căn hộ này là của Viện Nghiên cứu Khảo cổ phân cho bố cô từ hơn 10 năm trước. Cho nên tuy gọi là phòng tân hôn nhưng thực ra vẫn là nhà cũ, chẳng qua là được cải tạo và trang trí lại mà thôi. Tuy Giang Hà rất kỵ với từ ở rể, nhưng trước khi có nhiều tiền, anh chỉ có thể tạm ở rể nhà của Bạch Bích. Vì anh cũng chẳng có nhà ở thành phố. Anh hiện đang ở trong ký túc xá của nghiên cứu sinh cạnh Viện Nghiên cứu Khảo cổ. Trong thời gian nâng cấp sửa chữa, Bạch Bích dọn đến ở nhà của Tiêu Sắt, người bạn thân nhất của cô. Trước đây một tháng, cô mới dọn về. Mong ngóng đến ngày thành hôn. Nhưng chú rể của cô đã không đợi được đến ngày ấy.
Bạch Bích uống thêm một ngụm nước lạnh nữa. Lúc này cô rất cần nước lạnh. Cô đi đến trước bàn trang điểm, ngắm mình trước gương. Đúng ra, sau một tháng nữa, cô sẽ ngồi trang điểm thành cô dâu trước tấm gương này. Mắt cô hơi đỏ, hốc mắt cũng vậy, khoé mắt hơi bẩn. Có thể là do không khí ở nhà tang lễ không sạch sẽ lắm. Hơn nữa cô cũng có khóc một chút. Mũi cô trông rất đẹp, lỗ chân lông hơi to một chút, phải giữ gìn không sẽ nổi mụn. Môi hơi tím, chắc là do cô vừa uống nước lạnh. Chiếc cằm nhỏ, gọn, rất xinh. Cô nghĩ có lẽ điều này đã lôi cuốn Giang Hà. Cô đưa tay lên vuốt ve làn da căng mịn, đó là biểu hiện của một làn da khoẻ mạnh. Chỉ có điều chắc do không khí hôm nay ở lễ tang nên da cô nhợt nhạt hơn bình thường. Đôi má ửng hồng hằng ngày cũng không thấy còn nữa. Cô lùi lại một bước, gỡ mái tóc cuộn sau đầu, mái tóc buông xuống. Gió từ chiếc cửa sổ đang mở lùa vào làm tóc cô khẽ bay trong gió.
Trên bàn trang điểm đặt một bức ảnh đôi của cô và Giang Hà. Có thể do cô vốn không thích chụp ảnh nên họ có rất ít ảnh chụp chung, chỉ có mỗi bức này. Phía sau hai người là cảnh đồng quê Giang Nam, đúng ra đây là một địa điểm khảo cổ mà Giang Hà và anh em ở Viện đi khai quật một di chỉ về bộ lạc cổ đại ở thời kì văn hóa Lương Chử. Anh đã đưa Bạch Bích đi cùng. Tất nhiên, với Bạch Bích, chuyến đi khai quật chỉ là một chuyến đi chơi xa mà thôi. Phong cảnh ở đó rất đẹp. Những cây cầu nhỏ ở Giang Nam bắc qua con sông nhỏ, khắp mặt đất là những bông hoa màu vàng rập rờn như sóng, nhưng dưới đất lại chôn đầy xương người chết và những vò, hũ của xã hội thị tộc. Trong ảnh Giang Hà đang mỉm cười. Anh cười quả thật trông rất điển trai. Đầu rẽ ngôi, trông sạch sẽ. Ăn mặc cũng rất đẹp, chẳng hề giống một người ở quê ra. Còn Bạch Bích đứng cạnh Giang Hà không có chút cảm xúc gì. Giờ nghĩ lại cô thấy có chút tiếc nuối. Có thể lúc đó cô đang mải nhìn những làn khói bay lên từ cánh đồng phía xa nên không để ý đến việc Hứa An Đa đã nhanh tay chụp cho hai người một pô. Nghĩ lại mới nhớ ra bức ảnh này chính là do Hứa An Đa chụp cho họ. Bạch Bích bỗng nhiên cảm thấy Hứa An Đa cũng không đến nỗi nào. Cô nhìn chăm chăm vào Giang Hà đang mỉm cười trong ảnh và lại bắt đầu suy nghĩ miên man.
Lần đầu cô tiên quen Giang Hà là ở bữa tiệc sinh nhật Hứa An Đa. Buổi tối hôm ấy, cô có cảm giác có một ánh mắt đang chăm chú nhìn mình nhưng cô không bắt gặp được ánh mắt ấy. Cho đến khi kết thúc bữa tiệc, sau khi cô từ chối lời yêu cầu của Hứa An Đa dùng xe mô tô đưa cô về mà tự đi bộ về, Giang Hà đã xuất hiện. Cô nhận lời đề nghị để Giang Hà đưa cô về nhà. Đường về nhà không xa. Họ đi bộ bên nhau, hầu như không nói gì, chỉ có ánh mắt của Giang Hà nhìn cô như muốn nói với cô điều gì.
Hôm sau Bạch Bích gọi cho Giang Hà, hẹn anh đi chơi. Cô cũng không hiểu vì sao lúc đó cô lại gọi điện thoại cho anh. Có thể đó là do trực giác, một thứ trực giác mà không ai có thể giải thích được. Từ giây phút Giang Hà nhấc điện thoại nói chuyện với cô, cô đã biết, thế là mối quan hệ giữa cô và Hứa An Đa chắc chắn sẽ kết thúc ở đây và bắt đầu với một Giang Hà trầm tư, ít nói. Cô lại nhớ đến ánh mắt của Giang Hà. Ánh mắt anh luôn lấp lánh, chuyển động không ngừng, như chứa chất một điều gì hoặc là đang ẩn giấu sự tự ti ở bên trong. Mà những người tự ti thường cũng có lòng tự trọng rất cao. Ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy ánh mắt ấy, Bạch Bích đã biết anh là con người như vậy. Mặc dù chưa bao giờ nói ra, nhưng xưa nay Giang Hà không bao giờ chịu thua kém người khác mà anh luôn tìm được cách để vượt qua họ. Thành phố này vốn có thói quen kì thị người nông thôn. Điều này làm cho Giang Hà luôn phải sống trong sự nhẫn nhịn. Bạch Bích nhận thấy rất rõ sự nhẫn nhịn đó trong đôi mắt anh. Cô biết rằng đây là một sự bất bình đẳng vô lý, vì thế Giang Hà cần sự an ủi của cô.
Bạch Bích đi tắm, nước nóng xối lên người cô, phòng tắm mù mịt hơi nước. Trong màn hơi nước, cô như nhìn thấy đôi mắt của Giang Hà. Anh đang nhìn cơ thể mình chăng? Bạch Bích bắt đầu thấy hơi bối rối. Giang Hà chưa được nhìn thấy cơ thể cô, thậm chí chưa từng hôn cô, nhiều nhất chỉ vuốt ve bờ vai cô qua lớp áo bên ngoài. Điều này đối với một cặp sắp kết hôn quả là một việc không bình thường. Ngắm nhìn cơ thể mình trong bồn tắm, cô thấy hơi hối hận. Có lẽ nên cho anh nhìn, nhìn một lần thôi cũng được, thậm chí cho đụng chạm một tí cũng chẳng sao. Chứ như bây giờ, anh đã là một nắm xương rồi.
Cô tắm qua loa cho xong, rồi tắt đèn, lên giường nằm. Cô bắt đầu hồi tưởng lại thời gian hai tháng trước, vào cái ngày mà cô ra ga tàu hoả tiễn Giang Hà. Hôm ấy, bầu trời xám xịt như một chiếc chảo gang, nét mặt Giang Hà không bộc lộ chút cảm xúc nào. Anh xách hành lý đứng hẳn lên phía trước mọi người. Viện Khảo cổ kinh phí không nhiều nên mọi người khi đi công tác phần lớn đều đi tàu hoả. Bạch Bích chỉ biết rằng họ đi chuẩn bị tiến hành một cuộc khai quật khảo cổ. Điểm đến là hồ La Bố ở Tân Cương. Bạch Bích không nhớ hôm ấy Giang Hà đã nói những gì, chỉ nhớ trên sân ga tập trung rất đông người, âm thanh hỗn độn, còn có cả những lá cờ nhỏ màu đỏ của Viện Khảo cổ. Viện trưởng Văn cầm cờ, có cả Hứa An Đa ở đó. Giang Hà nhìn cô gật đầu, cô cũng nói với anh mấy câu. Đợi cho đoàn tàu chuẩn bị lăn bánh, Giang Hà mới lên tàu. Anh đưa tay lên vẫy cô, sau đó, đoàn tàu từ từ chuyển bánh, cô đưa mắt nhìn theo cho đến khi tàu khuất hẳn.
Bạch Bích chờ Giang Hà đúng tròn một tháng. Giang Hà không hề gọi điện thoại cho cô, một tháng trời bặt vô âm tín. Bạch Bích cũng gọi điện thoại đến Viện Nghiên cứu Khảo cổ nhưng họ đều trả lời là đoàn vẫn chưa về. Cho đến một buổi tối cách đây ba tuần, Giang Hà đột nhiên gõ cửa nhà cô. Việc Giang Hà xuất hiện bất ngờ khiến cô giật mình. Người anh đầy bụi bặm, khuôn mặt sạm đen vì nắng gió phía tây, da dẻ thô ráp, tóc tai rối bù, toàn thân toát ra thứ mùi rất kỳ quái, có lẽ là do lâu rồi chưa tắm. Anh cứ đừng đờ ra ở đó nhìn Bạch Bích trừng trừng đến mấy phút với ánh mắt rất lạ. Cho đến khi Bạch Bích ôm lấy vai anh, anh mới lùi lại mấy bước, không dám gần cô, cứ như thể anh sợ thứ gì đó trên người cô.
Giang Hà nói với Bạch Bích, anh vừa xuống tàu cùng với đoàn khảo cổ liền đến thẳng đây. Ngoài ra không nói gì nhiều, chỉ kêu khát nước. Bạch Bích rót nước cho anh. Giang Hà uống liền một lúc mấy cốc to, dáng vẻ như hổ đói vồ mồi đó của anh trông rất đáng sợ. Cứ như là anh vừa từ sa mạc về vậy. Nước từ trên miệng chảy xuống làm ướt quần áo anh. Quan trọng hơn là, Bạch Bích phát hiện ra tinh thần anh đang hoảng loạn, đang nghĩ về điều gì đó xa xăm. Anh hầu như không nhìn cô mà lại nhìn ra phía ngoài cửa sổ đằng sau cô. Bạch Bích lúc đó giật bắn người, nghĩ là phía sau mình có cái gì. Nhưng khi cô quay người lại nhìn ra cửa sổ thì bên ngoài chỉ có bóng đêm lờ mờ, thần bí.
- Anh nhìn gì đấy? - Bạch Bích hỏi.
Giang Hà lắc đầu, chuyển sang nhìn xuống đất, không trả lời. Bạch Bích có cảm giác anh có điều gì đó giấu cô. Cô nắm lấy đôi vai rộng của anh lay mạnh, nhưng cơ thể anh như một bức tượng điêu khắc, không hề động đậy. Bạch Bích thở dài, nói với anh:
- Chắc anh mệt lắm rồi, anh đi tắm đi rồi tối nay ở lại đây.
- Không, không được! - Giang Hà lắc đầu.
Bạch Bích dùng lời lẽ thân mật nói ám chỉ:
- Sớm muộn gì anh cũng dọn về ở căn phòng này, em chẳng thấy sao cả.
Sau đó cô ôm chặt lấy Giang Hà như sợ anh có thể biến đi mất ngay lập tức vậy. Hai tay cô như sợi dây mây quấn lấy cổ anh. Cô có thể cảm giác thấy cơ thể anh lành lạnh, mà lại rất thô ráp, như có thể chà rách làn da của cô. Thân thể cô đang nóng dần lên, nhưng cô càng nóng thì càng cảm thấy được cái lạnh toát ra từ người Giang Hà. Cô rất mong anh sẽ ở lại đêm nay. Cô muốn sưởi ấm cho anh, để cho anh không còn lạnh giá nữa. Nhưng Giang Hà vùng ra khỏi vòng tay cô, ngại ngùng nói:
- Xin lỗi em, anh phải về đây!
Nói xong, anh rời khỏi căn phòng cưới do chính anh chuẩn bị và không bao giờ quay lại nữa.
Lúc này, cuối cùng nước mắt cũng đang mặc sức chảy đầm đìa trên má Bạch Bích, nong nóng, làm ấm làn da của cô. Có lẽ những giọt nước mắt có tác dụng làm đẹp da. Cô cũng không biết cái kết luận ấy từ đâu ra. Nhưng có lẽ cứ nghĩ như thế cũng thấy dễ chịu đôi chút. Tâm trạng của cô nhờ đó mà cũng nguôi ngoai đi được phần nào.
Đêm nay, gối của Bạch Bích đã ướt đẫm nước mắt.
............
[2] Thời đại đồ đá mới: là thời đại cuối cùng trong thời đại đồ đá, trước khi bước sang thời đại đồ đồng đá, bắt đầu từ thiên niên kỉ thứ 9 TCN, đánh dấu sự hình thành của nghề nông.

[3] Borges: tên đầy đủ là Jorges Luis Borges (1899-1986), nhà văn người Argentina.
[4] Calvino: tên đầy đủ là Italo Calvino (1923 -1985), nhà văn hiện đại người Ý.
Đây là hai nhà văn lớn, có tầm ảnh hưởng lớn trong nền văn học thế giới thế kỉ XX. Hai ông có lối viết văn thâm thúy mang tính ngụ ngôn cao.

[5] Waiting for Godot
là vở kịch của Samuel Beckett, một nhà văn được giải Nobel Văn học. Tác phẩm được đánh giá là Kịch tiếng Anh đáng lưu ý nhất thế kỷ 20. Đây là tác phẩm nói về hai người đàn ông cả đời chờ đợi một nhân vật không quen biết tên là
Godot
, Godot viết giống như God (Chúa Trời).
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Lời Nguyền Lâu Lan.