• 152

CHƯƠNG 11


Số từ: 4380
Biên dịch: Nguyễn Nhật Tâm, Bồ Giang
NXB Văn Học
— Tôi muốn gặp ông Calder Marshall?
— Rất tiếc lúc này không được. Ông viện trưởng đang họp. Xin cho tôi biết ông là ai?
— Tôi là Rex Butterworth, trợ lý đặc biệt của Tổng thống. Có lẽ ông Viện trưởng sẽ vui lòng gọi lại tôi khi ông ấy họp xong. Ông ấy sẽ tìm tôi ở Nhà Trắng.
Rex Butterworth đặt máy điện thoại xuống mà không chờ nghe những gì vẫn thường xảy ra mỗi khi người ta được biết cú điện thoại gọi từ Nhà Trắng:
Ồ tôi chắc là có thể gọi ông ấy ra khỏi phòng họp, thưa ông Butterworth. Ông vui lòng chờ một chút?
Nhưng đó không phải là điều Butterworth muốn.
Không, ông trợ lý đặc biệt cần Calder Marshall đích thân gọi lại, bởi vì một khi ông ta gọi qua tổng đài điện thoại của Nhà Trắng, Marshall sẽ bị dính. Butterworth cũng nhận thức rằng với tư cách một trong bốn mươi sáu trợ lý đặc biệt của Tổng thống và trong trường hợp của ông ta chỉ mang một nhiệm vụ tạm thời, tổng đài thậm chí có thể không nhận rõ tên ông ta. Một chuyến viếng thăm chớp nhoáng đến căn phòng nhỏ nơi tá túc của các nhân viên tổng đài Nhà Trắng đã giải quyết vấn đề đó.
Ông ta nhịp ngón tay lên bàn và nhìn chằm chằm với vẻ mãn nguyện xuống tập hồ sơ trước mặt. Một trong hai nhân viên phụ trách việc sắp đặt chương trình của Tổng thống đã có thể cung cấp cho ông ta thông tin cần thiết. Tập hồ sơ tiết lộ ông Viện trưởng đã mời ba Tổng thống vừa qua – Bush, Reagan và Carter – đến thăm Viện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, nhưng do
đang có quá nhiều công việc khẩn cấp
không một ai trong ba vị đó tìm được thời giờ.
Butterworth biết rất rõ ràng Tổng thống nhận bình quân 1.700 lời thỉnh cầu mỗi tuần liên quan đến một chức năng nào đó. Bức thư sau cùng của ông Marshall, đề ngày 22 tháng 1 năm 1993, đã được phúc đáp rằng mặc dầu Tổng thống không thể chấp nhận lời mời ân cần của ông ta vào lúc này, ông Clinton hy vọng sẽ có cơ hội thực hiện việc đó vào một ngày nào đó trong tương lai – kiểu phúc đáp tiêu chuẩn mà khoảng 1.699 lời thỉnh cầu trong túi đựng thư hàng tuần có thể nhận được.
Nhưng vào dịp này, điều mong muốn của ông Marshall sắp sửa được chấp thuận. Butterworth tiếp tục gõ nhịp ngón tay trên bàn trong lúc ông ta tự hỏi bao lâu sau Marshall mới sẽ gọi lại. Theo ông ta đoán thì có lẽ chưa đầy hai phút. Ông ta cho phép tâm trí mình nghĩ lại các sự kiện của tuần trước.
Khi Cavalli mới nói qua ý kiến với Butterworth, ông ta đã bật cười lớn hơn bất cứ ai trong số sáu người đã tụ họp quanh bàn trong tòa nhà ở đường 75, nhưng sau khi nghiên cứu tấm giấy da trong hơn một tiếng đồng hồ mà vẫn không sao nhận thấy điểm sai sót, rồi sau đó gặp Lloyd Adams, ông ta bắt đầu tin, như những người hoài nghi khác rằng việc thay đổi Bản tuyên ngôn rất có khả năng thực hiện được.
Trong lúc ông ta nằm thức đêm hôm ấy nghĩ về lời đề nghị, ông ta cũng đi tới kết luận rằng Cavalli không thể tiến thêm bước kế tiếp nếu không có ông ta, và quan trọng hơn nữa vai trò của ông ta trong việc lừa gạt có lẽ sẽ rất dễ thấy trong vòng mấy phút sau khi vụ trộm bị phát giác và nếu thế ông ta có thể kết thúc đoạn đời còn lại trong Leavenworth[25]. Ngược lại khả năng đó ông ta phải cân nhắc thực trạng ông ta đã năm mươi bảy tuổi, chỉ còn ba năm nữa là tới hưu trí và bà vợ thứ ba đang yêu cầu cuộc ly hôn mà ông ta không thể có đủ điều kiện để giải quyết.
Butterworth không còn mơ ước thăng tiến được nữa. Giờ đây ông ta chỉ cố gắng chấp nhận sự kiện có lẽ ông ta sẽ phải trải qua quãng đời còn lại một mình, ráng sống qua ngày bằng số tiền trợ cấp ít ỏi của chính phủ.
Cavalli cũng biết rõ các sự việc đó và đề nghị một triệu đô la – một trăm nghìn ngay khi ông ta ký tên gia nhập, chín trăm nghìn còn lại vào ngày diễn ra vụ đánh tráo và một tấm vé hạng nhất đến bất cứ quốc gia nào trên trái đất, hầu như để thuyết phục Butterworth nên chấp nhận đề nghị của Cavalli.
Nhưng chính Maria là người đã làm nghiêng cán cân về phía Cavalli. Trong một hội nghị thương mại ở Brazil năm ngoái, Butterworth đã gặp một cô gái địa phương trả lời hầu hết các câu hỏi của ông ta trong ngày hôm ấy và phần còn lại trong đêm. Ông ta đã gọi điện thoại cho cô buổi sáng sau lần tiếp cận đầu tiên của Cavalli. Maria có vẻ thích thú khi nhận cú điện thoại của ông ta, một niềm thích thú trở nên tượng thanh hơn khi cô được biết rằng ông ta sắp sửa rời bỏ công tác do được hưởng một gia tài vừa phải, và đang nghĩ tới việc ra nước ngoài sinh sống.
Viên trợ lý đặc biệt của Tổng thống tham gia đội ngày hôm sau. Ông ta đã tiêu gần hết một trăm nghìn đô la vào cuối tuần, trang trải nợ nần và thanh toán tiền cấp dưỡng cho hai bà vợ đầu. Với số tiền còn lại chỉ có vài trăm nghìn, giờ đây ông ta không có gì để làm ngoại trừ tự hứa hết lòng với kế hoạch. Ông ta không có một phút giây nào nghĩ tới việc đổi ý bởi vì ông ta biết mình không bao giờ có thể hy vọng trả lại số tiền đó. Ông ta không quên rằng người mà ông ta thay thế trên bảng lương của Cavalli đã một lần không trả lại đủ số tiền sau khi cam kết. Một lần là đủ. Ông bố của Cavalli đã cho chôn vùi gã dưới Trung tâm Thương mại Thế giới, khi gã thất bại trong việc lấy cho bằng được hợp đồng xây dựng. Một cuộc ra đi tương tự không hấp dẫn với Butterworth một chút nào.
Suốt nhiều năm qua, Butterworth đã phục vụ tốt cho gia đình Cavalli. Những cuộc hội thảo với các chính trị gia đã được dàn xếp trong một thời gian ngắn, những lời nói đã được cho lọt vào tai các viên chức thương mại do một người có vị trí cao tại Washington, và mẫu tin nội bộ kỳ cục đã được truyền tai nhau, bảo đảm rằng của chính ông ta về giá trị thực của mình.
Chuông điện thoại reo trên bàn của Butterworth, như ông ta đã tiên đoán, trong gần hai phút nhưng ông ta cứ để cho nó tiếp tục reo một lúc lâu mới nhấc máy lên. Thư ký tạm thời của ông ta thông báo rằng có một ông Marshall đang ở trên đường dây và xin được nói chuyện với ông ta.
— Được thôi, cảm ơn cô Daniels.
— Ông Butterworth? – một giọng nói hỏi.
— Vâng.
— Tôi là Calder Marshall ở viện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Tôi được biết ông đã điện thoại cho tôi trong lúc tôi đang họp. Tôi xin lỗi và đã không gặp được ông lúc đó.
— Không sao, ông Marshall. Tôi chỉ muốn hỏi ông có thể ghé qua Nhà Trắng hay không. Có một vấn đề riêng tư tôi muốn bàn luận với ông.
— Tất nhiên, ông Butterworth. Lúc nào thuận tiện cho ông?
— Tôi rất bận cho tới cuối tuần này, – Butterworth vừa nói vừa nhìn xuống những trang giấy trắng trong cuốn sổ tay. – Nhưng Tổng thống đi vắng vào đầu tuần tới vì thế có lẽ chúng ta có thể sắp xếp gặp nhau vào lúc đó?
Cả hai người cùng dừng lại một lát và Butterworth phỏng đoán Marshall đang kiểm tra lại sổ tay.
— Thứ Ba 10 giờ sáng, được không ạ? – Cuối cùng vị Viện trưởng hỏi.
— Để tôi xem lại sổ tay của tôi, – Butterworth vừa nói vừa nhìn vào khoảng không. – Vâng tốt lắm. Tôi có một cuộc hẹn khác lúc 10 giờ 30, nhưng tôi tin chắc chúng tôi sẽ sắp xếp mọi việc cần thiết để tiếp chuyện với ông vào lúc đó. Có lẽ xin ông vui lòng đến lối vào văn phòng điều hành cũ ở đại lộ Pennsylvania. Sẽ có một người ở đó để gặp ông và sau khi ông đã được kiểm tra an ninh người ta sẽ đưa ông lên văn phòng của tôi.
— Lối vào ở đại lộ Pennsylvania, – Marshall nói. – Tất nhiên.
— Xin cảm ơn ông Marshall. Tôi ước mong được gặp ông vào ngày thứ Ba sắp tới lúc mười giờ. – Butterworth nói trước khi đặt ống nghe xuống.
Viên trợ lý đặc biệt của Tổng thống mỉm cười trong lúc quay số điện thoại riêng của Cavalli.

Scott hứa với Dexter Hutchins anh sẽ ở gần đấy khi cậu con trai của Dexter đến Yale để dự cuộc phỏng vấn nhập học.
— Nó đồng ý tôi đi cùng, – Dexter nói. – Như thế tôi sẽ có dịp cho anh biết thông tin mới nhất về vấn đề chúng ta đang quan tâm liên quan tới người Do Thái. Và tôi còn có thể phát hiện ra một điều khiến anh phải say mê.
— Dexter, nếu anh đang hy vọng rằng tôi có thể đưa con trai của anh vào Yale để đổi lấy một công việc trên chiến địa, tôi nghĩ tôi cần phải cho anh hay tôi hoàn toàn không có ảnh hưởng nào đến với phòng thu nhận sinh viên.
Tiếng cười của Dexter khua vang điện thoại trong lúc Scott nói tiếp:
— Nhưng tôi sẽ rất vui mừng giới thiệu nơi này cho cả hai bố con anh và hết lòng giúp đỡ cậu bé nếu được.
Dexter Jr. hoá ra không thể giống ông bố hơn: cao 1 mét 75, thân hình vạm vỡ, râu lún phún, và cũng có thói quen gọi bất cứ vật gì chuyển tông bằng
ông
. Sau một tiếng đồng hồ tản bộ quanh vùng, khi cậu bé hỏi bố để tham dự cuộc phỏng vấn với ông trưởng phòng thu nhận, vị giáo sư Luật hiến pháp đưa vị Phó giám đốc CIA trở lại phòng của anh. Cánh cửa chưa kịp khép lại, Dexter đã đốt một điếu xì gà. Sau khi hút vài hơi ông nói:
— Anh đã có thể hiểu được bản tin mã hoá do nhân viên của chúng tôi ở Beirut chuyển tới chứ?
— Tôi chỉ hiểu rằng mỗi người tham gia cộng đồng tình báo đều có một lý do riêng kỳ lạ để muốn làm việc đó. Trong trường hợp của tôi, đó là vì bố tôi và tính cả quyết của một hướng đạo sinh muốn cân đối sổ sách kế toán một cách có đạo đức. Trong trường hợp của Hannah Kopec, Saddam Hussein đã giết sạch gia đình cô ta, và với một động cơ mãnh liệt như thế, tôi không muốn gặp phải cô ta một chút nào.
— Nhưng đó lại chính là việc tôi đang hy vọng anh sẽ làm, – Dexter nói. – Anh vẫn luôn luôn bảo anh muốn được thử nghiệm trên chiến địa. Thế thì đây có lẽ là cơ hội tốt cho anh.
— Ông đang nói một cách đúng đắn đấy chứ?
— Học kỳ mùa xuân của Yale sắp sửa kết thúc, phải không?
— Vâng. Nhưng như thế không có nghĩa là tôi không có nhiều việc để làm.
— Tôi hiểu mà. Mười hai lần một năm anh làm một nhà nghiệp dư hạnh phúc mỗi khi có việc gì phù hợp với anh. Nhưng cũng có lúc anh phải nhúng tay vào bùn dơ…
— Tôi không có ý nói như thế.
— Thế thì, anh hãy nghe tôi nói đây. Trước hết, chúng tôi biết Hannah Kopec là một trong tám cô gái được chọn lọc từ một trăm người để đến London học tiếng Ả Rập trong sáu tháng. Trước đó là một khoá học tập trung về thể lực kéo dài một năm tại Herzliyah, nơi đây các học viên được huấn luyện đủ các môn tự vệ thông thường, mánh khóe trốn tránh và công việc giám sát. Các bản báo cáo về cô ta đều xuất sắc. Thứ hai, nhờ tán gẫu với bà vợ của ông chủ nhà trọ trong tiệm Sarisbury ở Camden, toán chúng tôi mới khám phá ra cô ta đã bất thình lình bỏ đi, mặc dầu cô ta gần như chắc chắn có ý định trở về Do Thái cùng với đồng đội đang hoạt động về việc ám sát Saddam. Đó là lúc chúng tôi mất dạng cô ta. Rồi chúng tôi có được một cơ may thường chỉ do công việc trinh thám giỏi. Một trong số nhân viên của chúng tôi làm việc ở phi trường Heathrow đã nhìn thấy cô ta trong cửa hàng miễn thuế, khi cô ta đang mua một chai nước hoa rẻ tiền. Sau khi cô ta đáp máy bay đi Lebanon anh ta liền điện thoại cho người của chúng ta ở Beirut và người này theo dõi cô ta từ lúc cô ta đến. Không dễ đâu, tôi có thể nói thêm. Chúng tôi đã thất lạc cô ta trong nhiều tiếng đồng hồ. Rồi, như từ trên trời rơi xuống, cô ta lại xuất hiện, nhưng lần này với tên Karima Saib, người mà Baghdad cứ đinh ninh là đang trên đường đi Paris với tư cách thư ký phụ của Đại sứ. Trong thời gian đó, cô Saib chính hiệu đã bị bắt cóc ở phi trường Beirut và giờ đây đang được cầm giữ ở một ngôi nhà an toàn tại một nơi nào đó bên kia biên giới trong vùng ngoại ô của Tel Aviv.
— Tất cả câu chuyện này sẽ đưa tới đâu, Dexter?
— Hãy kiên nhẫn, giáo sư, – ông ta vừa nói vừa đốt lại mẩu xì gà đã không cháy sáng trong mấy phút. – Không phải tất cả chúng tôi đã sinh ra đời với sự sắc bén uyên bác như anh.
— Ông muốn nói sao cũng được, – Scott mỉm cười nói. – Bởi vì sự sắc bén uyên bác của tôi chưa thể hiện hết khả năng.
— Bây giờ tôi nói tới một mẩu tin sẽ khiến cho anh thích thú. Hannah Kopec được gài vào Ban lợi ích Iraq của Toà Đại sứ Jordan tại Paris để do thám.
— Thế thì tại sao phải mất công đưa vấn đề của cô ta lên hàng đầu. Dù sao đi nữa, ông làm sao biết chắc? – Scott hỏi.
— Bởi vì nhân viên của Mossad ở Paris, tôi biết nói thế nào đây? Bí mật hợp tác với chúng tôi trong một công việc nhỏ và anh ta thậm chí không được thông báo về sự hiện hữu của cô ta.
Scott cau có:
— Thế thì tại sao cô gái được gài vào Toà Đại sứ?
— Chúng tôi không biết, nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ khám phá ra. Chúng tôi nghĩ Rabin không thể cho phép tấn công Saddam trong lúc Kopec vẫn còn ở bên Pháp, vì vậy điều tối thiểu chúng tôi cần biết là bao giờ cô ta dự kiến trở về Do Thái. Và đó là nơi anh nhập cuộc.
— Nhưng chúng ta chắc đã có một người ở Paris.
— Hiện nay có tới mấy người, nhưng mỗi người trong bọn họ đều bị Mossad nhận ra ở cách một trăm bước, và tôi tin chắc ngay cả bọn Iraq cũng nhận ra ở cách mười bước. Vì thế, nếu Hannah Kopec ở Paris mà người Mossad không hay biết thì tôi muốn anh đến Paris mà người của chúng ta không hay biết. Tức là nếu anh cảm thấy có thể dành thời gian cách xa Susan Anderson.
— Cô ta đã bỏ tôi từ hôm ông bạn của cô ta đi hội nghị về. Tôi không biết mình làm nên trò trống gì đối với phụ nữ. Tuần trước cô ta đã gọi điện thoại cho tôi để báo tin họ sẽ thành hôn vào tháng tới.
— Lại càng có thêm lý do để anh đi Paris.
— Đi săn ngỗng trời.
— Con ngỗng này rất có thể sẽ đẻ cho chúng ta một quả trứng bằng vàng và trong bất cứ trường hợp nào đi nữa, tôi không muốn đọc tin một vụ độc đáo khác của Do Thái trên trang nhất của tờ New York Times rồi sau đó phải giải thích với Tổng thống tại sao CIA không biết gì về việc đó.
— Nhưng tôi sẽ bắt đầu từ đâu?
— Trong lúc rảnh rỗi, anh hãy tìm cách làm quen với cô ta. Anh cứ bảo với cô ta anh là nhân viên Mossad ở Paris.
— Nhưng cô ta sẽ không bao giờ tin….
— Tại sao không? Cô ta đâu có biết ai là nhân viên đó mà chỉ biết là có một người. Scott, tôi cần biết…
Cánh cửa chợt mở ra và Dexter Jr. bước vào.
— Công việc như thế nào? – Bố cậu bé hỏi.
Cậu bước qua phòng và ngồi phịch xuống một chiếc ghế bành, nhưng không thốt lên một tiếng nào.
— Hỏng bét rồi, phải không con à?

— Ông Marshall, rất vui mừng được gặp ông, – Butterworth vừa nói vừa đưa bàn tay ra để chào đón Viện trưởng viện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
— Tôi cũng rất vui mừng được gặp ông, ông Butterworth! – Calder Marshall trả lời với vẻ bồn chồn.
— Hay lắm, thế là ông đã thu xếp được thời giờ để đến đây, – Butterworth nói, – Mời ông ngồi.
Butterworth đã đăng ký phòng Roosevelt ở cánh Tây cho cuộc gặp gỡ của họ. Ông ta đã phải mất nhiều công sức mới thuyết phục được một cô thư ký rất hách dịch vốn đã biết quá rõ địa vị xã hội của ông Butterworth. Cô ta miễn cưỡng chấp thuận ông ta sử dụng căn phòng trong ba mươi phút chỉ vì ông ta tiếp Viện trưởng Viện bảo tàng Lịch sử của nước Mỹ. Cô ta cũng chấp thuận yêu cầu thứ hai của ông ta. Viên trợ lý đặc biệt đã tự sắp xếp chỗ ngồi của mình ở đầu một chiếc bàn bình thường có hai mươi bốn người ngồi và ra hiệu cho ông Marshall ngồi bên phải ông ta, đối diện với bức tranh Theodore Roosevelt on Horseback[26] của Tade Stykal.
Vị Viện trưởng có thân hình cao hơn một mét tám mươi và mảnh mai như hầu hết phụ nữ có tuổi bằng một nửa ông ta vẫn thường thích. Ông ta gần như trọc lóc ngoại trừ một vành tóc hoa râm ở phía dưới đầu. Ông ta mặc một bộ com lê không phù hợp dường như chỉ được dùng cho các cuộc đi dạo mỗi sáng Chủ nhật. Căn cứ theo hồ sơ, Butterworth biết vị Viện trưởng ít tuổi hơn ông ta, nhưng ông ta tự cảm thấy rằng nếu người ta trông thấy hai người ở bên nhau thì không một ai tin được điều đó.
Chắc hắn ông ta sinh ra đời đã ở tuổi trung niên, Butterworth nghĩ, nhưng viên trợ lý đặc biệt không hề có những ý nghĩa rẻ rúng như thế về giá trị tinh thần của ông Viện trưởng. Sau khi tốt nghiệp Đại học Duke vào loại giỏi, Marshall đã viết một cuốn sách về lịch sử Đạo luật Nhân quyền mà ngày nay được xem là văn bản tiêu chuẩn cho mọi sinh viên đại học nghiên cứu lịch sử nước Mỹ. Cuốn sách đó đã mang lại cho ông ta một số tiền khá lớn – không như người ta có thể phỏng đoán theo cách ăn mặc của ông ta, Butterworth nghĩ. Trên bàn trước mặt ông ta là một hồ sơ đóng dấu
mật
và phía trên đó là cái tên
Calder Marshall
bằng chữ đậm nét. Mặc dầu ông Viện trưởng mang một cặp kính gọng sừng trông dày cộm, Butterworth có cảm tưởng ông ta có thể hầu như không cần tới.
Butterworth thường ngừng lại một lát trước khi bắt đầu một bài diễn văn mà ông ta đã chuẩn bị, cũng cần mẫn như Tổng thống chuẩn bị bài phát biểu lúc nhậm chức.
Marshall ngồi, ngón tay đan vào nhau, nôn nóng chờ đợi Butterworth tiếp tục.
— Hơn mười sáu năm qua, – viên trợ lý đặc biệt bắt đầu, – ông đã nhiều lần mời Tổng thống viếng thăm Viện bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Butterworth thích thú nhận thấy Marshall có vẻ hy vọng trong lúc ông ta nói tiếp:
— Và quả nhiên, lần này tân Tổng thống có ý muốn nhận lời mời của ông.
Nụ cười của Marshall mở rộng trong lúc ông ta tiếp tục lắng nghe.
— Vì thế, trong phiên họp hàng tuần của chúng tôi. Tổng thống Clinton đã yêu cầu tôi chuyển một thông điệp riêng cho ông mà Tổng thống hy vọng ông hiểu là giữ bí mật tuyệt đối.
— Bí mật tuyệt đối. Tất nhiên.
— Tổng thống cảm thấy chắc chắn có thể tin tưởng vào sự điều khiển của ông, ông Marshall. Vì vậy tôi có thể cho ông biết rằng chúng tôi đang cố gắng thu xếp một thời gian trong tuần lễ cuối của tháng này để cho Tổng thống viếng thăm Viện Bảo tàng Lịch sử, nhưng mọi việc vẫn chưa được sắp vào chương trình.
— Mọi việc vẫn chưa được sắp vào chương trình. Tất nhiên.
— Tổng thống Clinton cũng đã yêu cầu rằng đây là một cuộc viếng thăm hoàn toàn riêng tư, không được thông báo cho báo chí.
— Không được thông báo cho báo chí. Tất nhiên.
— Sau vụ nổ ở Trung tâm Thương mại Thế giới, người ta không thể không thận trọng.
— Không thể không thận trọng. Tất nhiên.
— Và tôi sẽ rất cảm ơn ông nếu ông không bàn luận bất cứ khía cạnh nào của cuộc viếng thăm với nhân viên của ông, cho dù là cấp cao, cho tới khi chúng tôi có thể xác nhận một ngày hẹn rõ ràng. Những việc như thế này thường bị tiết lộ và nếu thế thì vì những lý do an ninh cuộc viếng thăm chắc chắn phải bị huỷ bỏ.
— Phải bị huỷ bỏ. Tất nhiên. Nhưng nếu đây là một cuộc viếng thăm riêng tư, – ông Viện trưởng nói. – Phải chăng Tổng thống muốn trông thấy một thứ gì đặc biệt, hay đây chỉ là một chuyến tham quan như thông lệ?
— Tôi vui mừng vì ông đã đặt câu hỏi đó, – Butterworth vừa nói vừa mở hồ sơ trước mặt ông ta. – Tổng thống đã có một yêu cầu đặc biệt, do chính ông phụ trách.
— Do chính tôi phụ trách. Tất nhiên.
— Ông ấy muốn xem bản Tuyên ngôn Độc lập.
— Bản Tuyên ngôn Độc lập? Điều đó dễ thôi.
— Đó không phải là yêu cầu của ông ấy, – Butterworth nói.
— Không phải là yêu cầu?
— Không. Tổng thống muốn xem bản Tuyên ngôn, nhưng không như ông ấy đã trông thấy khi ông ấy là một sinh viên năm thứ nhất ở Georgetown, dưới một tấm kính dày. Ông ấy muốn khung được tháo ra để cho ông ấy có thể nghiên cứu chính tấm giấy da. Ông ấy hy vọng ông sẽ chấp thuận yêu cầu này, chỉ trong một lúc thôi.
Lần này vị Viện trưởng không nói ngay
tất nhiên
. Thay vì vậy ông ta nói:
— Rất đặc biệt. Hy vọng tôi có thể chấp thuận yêu cầu này, chỉ trong một lúc thôi.
Ông ta ngừng lại một lần rồi nói tiếp:
— Tôi chắc việc đó có thể làm được, tất nhiên.
— Cảm ơn ông, – Butterworth nói, cố gắng không có vẻ khoan khoái. – Tôi biết Tổng thống sẽ hết sức cảm ơn ông. Tôi xin nhấn mạnh với ông một lần nữa không nói ra một lời nào cho đến khi chúng tôi có thể xác nhận ngày.
Butterworth đứng lên và liếc nhìn chiếc đồng hồ hộp dài ở cuối phòng. Cuộc gặp gỡ chỉ mất hai mươi hai phút. Ông ta sẽ còn có thể trốn khỏi phòng họp trước khi bị ném ra ngoài bởi người đàn bà hách dịch trong ban sắp xếp chương trình.
Viên trợ lý đặc biệt của Tổng thống dẫn khách đi ra cửa.
— Tổng thống muốn biết ông có thích xem văn phòng Bầu Dục trong lúc ông ở đây?
— Văn phòng Bầu Dục. Tất nhiên, tất nhiên.
-------------
[25] Leavenworth: nhà tù của liên bang ở tại thành phố cùng tên phía Đông Bắc bang Kausas trên sông Missisipi.
[26] Theodore Rosevelt trên lưng ngựa (Roosevelt là tổng thống thứ 26 của Mỹ từ 1901 đến 1909).
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Luật giang hồ.