CHƯƠNG 13
-
Luật giang hồ
- Jeffrey Archer
- 8060 chữ
- 2020-05-09 04:16:20
Số từ: 8048
Biên dịch: Nguyễn Nhật Tâm, Bồ Giang
NXB Văn Học
Ngày 25 tháng 5 năm 1993, mặt trời mọc trên điện Capitol lúc hơn năm giờ một chút. Những tia nắng bò dọc theo bãi cỏ của Nhà Trắng và mấy phút sau thấm vào văn phòng Bầu Dục lúc nào không hay. Ở cách đó mấy trăm mét, Cavalli đang chắp tay sau lưng.
Cavalli dùng cả ngày hôm trước ở Washington vào việc kiểm tra các chi tiết tỉ mỉ hơn hầu như tới lần thứ một trăm. Y phải phỏng đoán rằng sẽ có một điều gì đó bất ổn và cho dù sự việc sẽ diễn tiến như thế nào, y sẽ tự động chịu trách nhiệm tất cả.
Johnny Scasiatore bước tới và đưa cho Cavalli một ca cà phê nóng bốc hơi.
— Tôi không hề có ý nghĩ trời có thể lạnh đến thế này ở Washington, – Cavalli nói với Johnny, ông ta đang mặc một cái áo khoác da cừu.
— Vào lúc sáng sớm như thế này, hầu như trời lạnh khắp mọi nơi trên thế giới, – Johnny trả lời, – ông hãy hỏi bất cứ đạo diễn phim nào.
— Và anh thực sự cần tới sáu giờ đồng hồ để chuẩn bị cho ba phút quay phim hay sao? – Cavalli hỏi với vẻ ngờ vực.
— Hai giờ chuẩn bị cho một phút làm việc là nguyên tác tiêu chuẩn. Và xin ông chớ quên, chúng tôi sẽ phải chạy hai lần qua hiện trường đặc biệt này, trong những tình huống không bình thường một chút nào.
Cavalli đứng ở góc đường 13 và đại lộ Pennsylvania và quan sát khoảng năm chục người đến đây theo sự hướng dẫn của Johnny. Một vài người đang chuẩn bị một lộ trình dọc theo lề đường để cho một máy quay phim có thể theo dõi sáu chiếc xe hơi trong lúc chúng chạy từ từ theo đại lộ Pennsylvania. Nhiều người khác đang điều chỉnh những ngọn đèn khổng lồ hình vành cung dọc theo chiều dài bảy trăm mét sẽ được cấp điện bởi một máy phát điện 200KW đã được đưa đến trung tâm thủ đô hồi bốn giờ sáng. Thiết bị âm thanh đang được thử lại để chắc chắn nó sẽ thu mọi loại tiếng động – tiếng chân trên lề đường, tiếng cửa xe hơi đóng, tiếng xe điện ngầm chạy, cả tiếng chuông của chiếc đồng hồ trên tháp Bưu điện cũ.
— Tất cả những chi phí này đều thực sự cần thiết hay sao? – Cavalli hỏi.
— Nếu ông muốn mọi người, ngoại trừ chúng tôi tin họ đang tham dự vào một phim ảnh, ông không thể tiết kiệm quá đáng. Tôi sẽ quay một cuốn phim mà bất cứ ai quan sát chúng tôi, dù là chuyên nghiệp hay nghiệp dư, cũng có thể trông mong một ngày kia sẽ xem trong một rạp xi nê. Tôi thậm chí trả đủ mức lương cho tất cả những người đóng vai phụ đó.
— Cảm ơn Chúa vì trong bọn chúng tôi không có hiệp hội, – Cavalli nói.
Lúc này, mặt trời đã soi lên tận mặt y, hai mươi phút sau khi Tổng thống thưởng thức tia nắng ấm trong bữa điểm tâm trong Nhà Trắng.
Cavalli nhìn xuống bản liệt kê trên bìa kẹp giấy của y. Al Calabrese đã có tất cả mười hai chiếc xe đậu bên lề đường lát đá, và những người tài xế đang đứng tụm năm tụm ba uống cà phê, núp gió sau một bức tường của Quảng trường Freedom. Sáu chiếc xe hơi loại sang lấp lánh trong ánh nắng buổi sáng, trong lúc nhiều khách bộ hành, những người làm công tác vệ sinh hoặc canh gác rời văn phòng và những người đi vé tháng bước lên khỏi ga xe điện ngầm Federal Triangle, đều bước chậm lại để ngắm quang cảnh đặc biệt này. Một người thợ sơn đang tô điểm lại biểu tượng Tổng thống trên chiếc xe thứ ba, trong lúc một cô gái đang cắm một ngọn cờ trên cái chắn bùn bên phải. Cavalli quay người để trông thấy một chiếc xe tải cảnh sát, cốp sau hạ xuống, đậu trước District Building. Những rào cản đang được giở ra và đưa lên lề đường để cho chắc chắn những người khách bộ hành không dại dột đi lang thang vào nơi hành sự trong ba phút hệ trọng đó khi việc quay phim đang diễn ra.
Lloyed Adams đã dùng ngày hôm trước vào việc kiểm tra lại những lời đối thoại một lần cuối và đọc lướt qua một cuốn sách khác về lịch sử của bản Tuyên ngôn Độc lập. Đêm hôm ấy, ông ta ngồi trên giường xem đi xem lại một đoạn video với cảnh Clinton bước trên đại lộ Georgia, ghi nhớ cái đầu nghiêng qua một bên, cái cách ông cắn môi dưới trong tiềm thức. Thứ Hai tuần trước, Adams đã mua một bộ com lê giống hệ như bộ Tổng thống đang dùng để chào đón Thủ tướng Anh trong tháng Hai – lấy ngay từ giá để hàng của siêu thị Dillard. Ông chọn một chiếc cà vạt đỏ trắng và xanh, bắt chước kiểu của Clinton trên trang bìa của số tạp chí Vanity Fair tháng 3. Một chiếc Timex Ironman, là thứ cuối cùng thêm vào tủ áo của ông ta. Trong tuần lễ cuối cùng một bộ tác giả đã được làm ra, lần này hơi hoa râm hơn và Adams cảm thấy dễ chịu hơn. Viên đạo diễn và Cavalli đã hướng dẫn ông ta qua một cuộc diễn tập vào buổi tối hôm trước: thuộc lòng – mặc dù Johnny đã bình luận rằng sự thất bại của ông ta ở cuối cảnh là một trường hợp diễn xuất quá trớn không cần thiết. Cavalli có cảm tưởng Viện trưởng viện Bảo tàng sẽ quá tất bật nên không thể nhận thấy.
Cavalli yêu cầu Al Calabrese xem xét lại sự thất bại của nhân viên ông ta một lần nữa. Al cố không tỏ vẻ tức giận, trong lúc ông ta xem xét lại từng chi tiết trong ba phiên họp cuối cùng của đội điều hành. Ông ta nhắc lại một cách lanh lợi:
— Mười hai tài xế, sáu vệ sĩ chạy mô tô. Bốn người trong bọn họ là cựu cảnh sát dân sự hoặc quân sự: và tất cả đều đã làm việc với tôi trước đây. Nhưng vì không có một ai trong bọn họ sẽ đi vào Viện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia – họ đã được cho biết chỉ tham dự vào một cuốn phim. Chỉ những người làm việc trực tiếp với Gino Sartori mới biết chúng ta thực sự đang làm gì.
— Nhưng họ được hướng dẫn đầy đủ về điều gì chờ đợi họ khi họ đã đến Viện bảo tàng chứ?
— Ông có thể tin tưởng hoàn toàn, – Al trả lời. – Chúng tôi đã kiểm sát lại ít nhất là sáu lần vào ngày hôm qua, đầu tiên trên một tấm bản đồ trong văn phòng của tôi, rồi chúng tôi đến đây vào buổi chiều và đi suốt lộ trình. Họ đã lái xe trên đại lộ Pennsylvania với tốc độ mười lăm cây số mỗi giờ, trong lúc họ được quay phim và tiếp tục chạy về hướng Đông cho đến khi gặp đường 7. Sau đó họ quẹo phải khi đã khuất khỏi tầm nhìn của mọi người tham dự vào vụ quay phim, không kể cảnh sát. Rồi họ quẹo phải một lần nữa ở cổng giao nhận của Viện bảo tàng, nơi đây họ sẽ dừng lại phía trước bục để xe tải lên xuống hàng. Angelo, Dollar Bill, Debbie, ông và đội phân công rời khỏi xe để đi theo diễn viên vào trong toà nhà, nơi họ sẽ được gặp Calder Marshall. Khi toán của ông đã vào toà nhà, đoàn xe sẽ trở lại đoạn đường dốc và quẹo phải sang đường 7, quẹo phải một lần nữa sang đại lộ Constitution rồi lại quẹo phải sang đường 14 trước khi quay về nơi đang bắt đầu quay phim. Lúc bấy giờ, Johnny sẽ chuẩn bị một cảnh quay thứ hai. Khi trông thấy dấu hiệu của ông cho biết bản Tuyên ngôn Độc lập đã được thay thế bởi một bản giả, cảnh quay thứ hai sẽ lập tức bắt đầu, ngoại trừ thời gian này, chúng tôi sẽ thu hồi mười ba nhân viên mà chúng tôi đã thả xuống bên ngoài Viện Bảo tàng.
— Và nếu tất cả mọi việc theo đúng kế hoạch, cũng như bản Tuyên ngôn Độc lập, thì chuyện gì xảy ra? – Cavalli hỏi, muốn biết chắc không có gì thay đổi kể từ phiên họp của đội điều hành lần cuối ở New York.
— Những chiếc xe hơi rời khỏi Washington theo các lộ trình khác nhau, – Al nói tiếp. – Ba chiếc trong số đó sẽ trở về thủ đô trong buổi chiều, sau khi đã đổi bảng số xe; hai chiếc khác tiếp tục đến New York và một chiếc khác chạy tới một nơi chỉ một mình ông biết, đó là chiếc mang theo bản Tuyên ngôn.
— Nếu mọi việc trôi chảy như thế, Al, ông sẽ được hưởng phần tiền của ông. Nhưng chỉ sau khi chúng tôi đã thực sự biết rõ ông đã hoàn thành công việc tốt đẹp.
Cavalli gật đầu trong lúc Al cầm lấy ca cà phê và trở lại với đám nhân viên của ông ta.
Y xem đồng hồ, 7 giờ 22. Khi ngẩng lên, y trông thấy Johnny đang đi về phía y, mặt đỏ bừng. Cảm ơn Chúa vì mình không phải làm việc ở Hollywood, y nghĩ.
— Tôi đang gặp rắc rối với viên cảnh sát vì anh ta bảo tôi chỉ có thể bật thiết bị chiếu sáng trên lề đường sau 9 giờ 30. Như thế có nghĩa là tôi chỉ có thể bắt đầu quay phim sau 10 giờ, và nếu tôi chỉ có bốn mươi lăm phút để bắt đầu…
— Bình tĩnh lại, Johnny, – Cavalli nói, và kiểm tra danh sách nhân viên của y.
Y ngẩng lên và bắt đầu dò xét đám đông công nhân đang tuôn ra Quảng trường Freedom trên lề đường. Y chợt thấy người đàn ông y cần.
— Ông có thấy anh chàng cao lớn với mái tóc hoa râm đang tán tỉnh Dobbie? – y vừa nói vừa chỉ tay.
— Có! – Johnny nói.
— Đó là Tom Newbolt, cựu Phó sảnh sát trưởng của DCPD[28], bây giờ là một cố vấn an ninh. Chúng tôi đã thuê anh ta suốt ngày hôm nay. Vậy anh hãy tới nói với anh ta vấn đề của anh là gì, rồi chúng ta sẽ thấy rõ anh ta có xứng đáng với năm nghìn đô la mà công ty đã trả cho anh ta.
Cavalli mỉm cười, trong lúc Johnny phóng về phía Newbolt.
Angelo quan sát thân hình đang ngủ ngon lành. Gã cúi xuống, nắm lấy vai Dollar Bill và lay mạnh ông ta.
Người đàn ông Ireland nhỏ thó đang phun ra một tiếng ngáy giống như một chiếc máy cũ hơn là một con người. Angelo cúi sát hơn, chỉ để nhận thấy Dollar Bill bốc mùi tựa hồ ông ta đã trải qua một đêm trong một nhà máy bia địa phương.
Angelo nhận thức rằng đáng lẽ gã đừng bao giờ bỏ mặc Bill tối qua, dù chỉ một lúc. Nếu gã không đưa ông già mắc dịch này đến Viện Bảo tàng kịp giờ, Cavalli sẽ giết chết cả hai người. Gã còn biết ai là người thực hiện công việc và phương pháp cô ta sẽ dùng. Gã tiếp tục lay, nhưng đôi mắt của Dollar Bill vẫn kiên quyết nhắm.
Lúc tám giờ, một tiếng còi xe vang lên và đoàn làm phim nghỉ giải lao để ăn điểm tâm.
— Ba mươi phút. Luật nghiệp đoàn, – Johnny giải thích khi Cavalli có vẻ tức giận.
Đoàn làm phim vây quanh một chiếc xe thùng – một loại hàng nhập khẩu khác – đậu trên lề đường, nơi đông người đang bán trứng, giăm bông và khoai tây chiên. Cavalli phải nhìn nhận rằng những đám đông tụ tập phía sau rào cản của cảnh sát và những khách bộ hành la cà trên lề đường dường như không có vẻ nghi ngờ đoàn làm phim đang chuẩn bị quay.
Cavalli quyết định sử dụng thời gian giải lao ba mươi phút và việc tự kiểm tra lại rằng, khi đoàn xe đã quẹo phải sang đường 7 rồi thì sẽ không có một ai trong đoàn làm phim trên đại lộ Pennsylvania được nhìn thấy nữa.
Y sải bước rời khỏi cảnh huyên náo và khi đến gốc đường 7, y quẹo phải. Mọi việc tựa hồ như y đã đi vào một thế giới khác. Y gặp một nhóm người hoàn toàn không hay biết chuyện gì đang diễn ra cách đó chưa đầy tám trăm mét. Mọi việc giống như Washington trong một buổi sáng thứ Tư bình thường. Y thích thú nhận ra Andy Borzello đang ngồi trên chiếc ghế băng trong trạm chờ xe bus, gần lối và bục lên xuống hàng chờ của Viện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, đọc tờ Washington Post.
Lúc Cavalli trở lại, đoàn làm phim đang bắt đầu thụt lùi lại và chuẩn bị việc kiểm tra cuối cùng; không một ai muốn mình là người chịu trách nhiệm về việc phải quay lại.
Đám đông ở rào chắn đang đông dần hơn từng phút và cảnh sát phải mất nhiều thời gian giải thích rằng đó là một cảnh phim sắp quay, nhưng ít nhất cũng phải sau hai giờ nữa. Một số người tỏ vẻ thất vọng với lời thông báo này và bỏ đi, chỉ khiến cho nhiều người khác chiếm lấy chỗ vừa bị bỏ trống. Máy điện thoại di động của Cavalli chợt reo lên. Y bấm nút nói và được chào hỏi bởi tiếng nói của bố y với các nguyên âm vùng Brooklyn. Vị chủ tịch có vẻ thận trọng qua máy điện thoại và chỉ hỏi có vấn đề gì hay không.
— Một vài vấn đề, – Tony nhìn nhận. – Nhưng không có gì đi quá xa với dự đoán hoặc không thể khắc phục.
— Con đừng quên, hãy huỷ bỏ toàn bộ kế hoạch nếu con không bằng lòng với câu trả lời cho cú điện thoại lúc chín giờ của con. Dù sao đi nữa, nhất thiết không để cho hắn trở về Nhà Trắng.
Đường dây im bặt. Cavalli biết rằng bố y có lý về cả hai cách tính toán. Cavalli xem đồng hồ tay của y một lần nữa. 8 giờ 43. Y thả bộ tới chỗ Johnny.
— Tôi sẽ đi qua tới Willard. Chắc là không lâu lắm đâu vì vậy ông cứ điều hành mọi việc. À, tôi thấy ông đã có đủ mọi thiết bị của ông trên lề đường.
— Nhất định rồi, – Johnny nói. – Sau khi Newbolt nói chuyện với viên cảnh sát, anh ta còn giúp chúng tôi khiêng đồ đạc.
Cavalli mỉm cười và bắt đầu bước về phía nhà hát Quốc gia trên đường đến khách sạn Willard. Gino Sartori đang đến theo chiều ngược lại.
— Gino, – Cavalli vừa nói vừa dừng chân để nhìn thẳng vào viên cựu hải quân. – Tất cả người của ông đã sẵn sàng rồi chứ?
— Từng người một.
— Và ông có thể bảo đảm sự im lặng của họ?
— Câm như hến. Tức là, nếu họ không muốn tự đào mồ chôn mình.
— Vậy thì lúc này họ ở đâu?
— Đang đến từ tám hướng khác nhau. Tất cả bọn họ sẽ trình diện tôi lúc chín giờ rưỡi. Com lê sẫm chỉnh tề, cà vạt đứng đắn và bao súng ngắn không lộ rõ.
— Ông hãy cho tôi biết lúc tất cả bọn họ đến.
— Vâng, – Gino nói.
Cavalli tiếp tục cuộc hành trình đến khách sạn Willard, và sau khi xem đồng hồ tay một lần nữa, y bắt đầu sải bước dài. Y ung dung đi vào phòng đợi và thấy Rex Butterworth đang bồn chồn bước quanh ở giữa căn phòng lớn, tựa hồ mục đích duy nhất trong đời của ông ta là mài mòn tấm thảm hai màu xanh và vàng. Ông ta tỏ vẻ nhẹ nhõm khi trông thấy Cavalli, và đến gặp y trong lúc y vẫn sải bước về phía thang máy.
— Tôi đã nói ông hãy ngồi chờ trong góc, đừng diễu hành qua lại trước mặt mọi nhà báo tự do đang tìm kiếm một đề tài.
Butterworth ấp úng một lời xin lỗi trong lúc họ bước vào trong thang máy và Cavalli bấm số 11. Không một ai trong bọn họ nói gì cho đến khi họ an toàn bên trong phòng 1117, nơi Cavalli đã trải qua đêm hôm trước.
Cavalli nhìn Rex Butterworth một cách chăm chú hơn khi họ chỉ có một mình. Ông ta đổ mồ hôi như thể vừa mới hoàn tất một cuộc chạy bộ tám cây số, không đi lên tầng 11 bằng thang máy.
— Ông hãy bình tĩnh lại đi, – Cavalli nói. – Cho tới lúc này, ông đã đóng vai của ông rất tốt. Chỉ còn một cú điện thoại nữa thôi là ông hoàn tất mọi việc. Ông sẽ ngồi trên máy bay đi Rio trước cả khi vệ sĩ mô tô đầu tiên chạy tới Viện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Bây giờ, ông đã thông suốt những gì ông phải nói với Marshall rồi chứ?
Butterworth lấy ra một tập ghi chép viết tay, đọc lên một vài từ rồi nói:
— Vâng, tôi đã thông suốt và đang sẵn sàng.
Ông ta run lẩy bẩy.
Cavalli quay số điện thoại riêng của văn phòng Viện trưởng cách đấy chừng tám trăm mét, và khi y nghe tiếng chuông đầu tiên, chuyển ống nghe cho Butterworth. Cả hai người cùng lắng nghe tiếng chuông tiếp tục reo. Họ sẽ phải thử lại một lần nữa sau một thời gian vài phút. Bỗng có một tiếng
cách
và một giọng nói:
— Calder Marshall đây.
Cavalli đi vào phòng tắm và nhấc máy phụ lên.
— Chào ông Marshall. Tôi là Rex Butterworth ở Nhà Trắng, chỉ kiểm tra lại mọi việc đã sắp xếp đâu vào đấy và sẵn sàng chưa.
— Chắc chắn lắm rồi, ông Butterworth. Mỗi nhân viên trong văn phòng của tôi đã được chỉ dẫn để có mặt tại bàn làm việc lúc chín giờ đúng. Thật ra, tôi đã trông thấy họ sẵn sàng cả rồi, nhưng chỉ viên phó của tôi và trưởng ban bảo vệ biết lý do thực khiến tôi yêu cầu tất cả không được đến trễ sáng hôm nay.
— Tốt lắm, – Butterworth nói. – Tổng thống luôn luôn làm việc đúng giờ giấc và chúng tôi dự đoán ông ấy sẽ đến với ông khoảng mười giờ, nhưng tôi e rằng ông ấy phải trở về Nhà trước lúc mười một giờ.
— Lúc mười một giờ, tất nhiên, – vị Viện trưởng nói. – Tôi chỉ hy vọng chúng tôi có thể đưa ông ấy đi tham quan toà nhà trong năm mươi phút, bởi vì tôi nghĩ có nhiều nhân viên của tôi ước mong được gặp Tổng thống.
— Chúng tôi phải hy vọng năm mươi phút đó là thời gian đủ cho tất cả mọi người, – Butterworth nói. – Phải chăng tôi có thể nghĩ rằng không còn có vấn đề nào với yêu cầu riêng của Tổng thống?
— Theo tôi biết thì không có, – Marshall nói. – Viên trưởng ban bảo vệ rất sẵn lòng tháo tấm kính ra để cho Tổng thống có thể nghiên cứu tấm giấy da với hình thể nguyên thuỷ của nó. Chúng tôi sẽ giữ bản Tuyên ngôn trong tầng hầm ngầm cho tới khi Tổng thống rời khỏi viện. Tôi hy vọng mấy phút sau đó sẽ trả tài liệu này về chỗ cũ để cho công chúng thưởng thức.
— Tôi thấy dường như ông nắm vững tất cả mọi việc, ông Marshall, – Butterworth nói, mồ hôi vẫn tiếp tục rườm ra trên trán. – Tôi đi gặp Tổng thống ngay bây giờ, vì vậy tôi e là tôi sẽ không liên lạc được trong thời gian còn lại của buổi sáng, nhưng chúng ta có thể nói chuyện lại trong buổi chiều và ông có thể kể cho tôi nghe mọi việc tiến hành ra sao.
Cavalli đặt máy điện thoại bên cạnh bồn tắm, phóng trở lại phòng ngủ, dừng lại trước mặt viên Trợ lý đặc biệt của Tổng thống. Butterworth có vẻ kính hãi. Cavalli lắc đầu lia lịa.
— Thật sự, sau khi xem lại chương trình, ông Marshall, tôi mới thấy ông không thể liên lạc với tôi hôm nay bởi vì đã hứa với vợ tôi rằng, tôi sẽ rời văn phòng hơi sớm hơn thường lệ để chuẩn bị cho cuộc nghỉ phép năm bắt đầu vào ngày mai.
— Ồ, ông sẽ đi đâu thế? – Marshall ngây thơ hỏi.
— Đi thăm mẹ tôi ở Charleston. Nhưng tôi chắc chắn cuộc viếng thăm của Tổng thống đến Viện Bảo tàng sẽ rất thành công. Tại sao chúng ta không lặp lại ngay lúc tôi trở về.
— Tôi sẽ rất vui mừng, – Marshall nói. – Và tôi hy vọng ông có được một kỳ nghỉ thú vị ở South Carolina, hoa đỗ quyên chắc vẫn còn đang nở.
— Vâng, tôi đoán thế, – Butterworth nói trong lúc ông ta nhìn Cavalli đưa một ngón tay qua cổ. – Máy điện thoại kia của tôi đang reo, – Ông ta tiếp, và không thêm một lời nào khác, đặt máy xuống.
— Ông nói quá nhiều đấy. Chúng tôi đâu có cần ông ta tìm cách liên lạc lại với ông.
Butterworth có vẻ lo lắng.
— Bao lâu sau Nhà Trắng mới thắc mắc ông đang ở đâu? – Cavalli hỏi.
— Tối thiểu một tuần, – Butterworth đáp. – Tôi quả thực đã đến hạn nghỉ phép năm, và thậm chí ông sếp của tôi nghĩ tôi đang đi Charleston.
— Tốt, điều đó ông đã nghĩ đúng, – Cavalli nói trong lúc y đưa cho Butterworth một tấm vé chuyến đi Rio de Janeiro và một thư xác nhận rằng số tiền chín trăm ngàn đô la đã được gửi vào Banco de Brazil.
— Tôi phải trở về nơi quay phim, – Cavalli nói – Ông ở lại đây mười phút rồi gọi một chiếc taxi tới phi trường Dulles. Và khi ông đến Brazil đừng nên tiêu trọn số tiền cho một cô gái. Và Rex, ông đừng bao giờ nghĩ đến chuyện trở về. Nếu ông trở về, tức khắc Cảnh sát liên bang sẽ chờ đợi ông tại phi trường.
Angelo bằng cách nào đó đã tìm được cách dựng Dollar Bill dậy, nhưng ông ta vẫn sặc mùi bia Guinness, và chắc chắn ông ta không có vẻ như bác sĩ riêng của Tổng thống – hoặc bác sĩ của một bất cứ một người nào khác về điều đó.
— Xin lỗi anh bạn, xin lỗi anh bạn, – Bill cứ nhắc đi nhắc lại. – Tôi hy vọng sẽ không gây rắc rối cho anh.
— Sẽ rắc rối nếu ông không tỉnh táo kịp thời để đóng vai trò của ông và trông thấy tấm giấy da được chuyển vào trong cái hộp đặc biệt. Bởi vì nếu Cavalli phát giác ra tôi đã không ở bên cạnh ông đêm hôm qua, ông sẽ chết, và quan trọng hơn, tôi cũng thế.
— Hãy yên tâm đi, anh bạn, và pha cho tôi một ly Blondy Mary. Hai phần trăm nước cà chua và một phần Vodka. Chỉ một loáng là tôi khỏe re ngay mà, anh sẽ thấy.
Angelo tỏ vẻ ngờ vực trong lúc đầu của người đàn ông nhỏ thó lại rơi lên gối.
Trong lúc Cavalli đóng cửa phòng 1117, một người đàn bà đẩy một giỏ đồ giặt đi ngang qua y trong hành lang.
Y đi thang máy xuống tầng trệt và bước thẳng ra ngoài khách sạn. Cảnh tượng đầu tiên mà y thấy trong lúc y rời khỏi Willard và băng qua Quảng trường phân chia khách sạn với đại lộ Pensylvania là luồng xe cộ lưu thông buổi sáng bị đẩy lùi lại cách đường 15 khoảng tám trăm mét.
Al và Johnny đang chạy về phía y từ hai hướng khác nhau.
— Chuyện gì vậy? – Cavalli hỏi ngay.
— Lưu thông buổi sáng bình thường từ Virginia đến đây, cảnh sát cam đoan với chúng ta; ngoại trừ chúng ta đang làm tắc nghẽn một làn rưỡi đường cùng với mười hai chiếc xe hơi và sáu vệ sĩ chạy mô tô của chúng ta.
— Mẹ kiếp, lỗi của tôi, – Cavalli nói. – Đáng lẽ tôi phải dự đoán chuyện đó. Vậy anh đề nghị gì, Al?
— Tôi gửi nhân viên đến gara Atlantic ở đường 13 và chờ tới khi cảnh sát giải toả lưu thông trở lại, và lúc bấy giờ đưa họ trở về trước giờ khởi sự.
— Quá sức mạo hiểm, – Johnny nói. – Giấy phép đó chỉ cho tôi được quay phim trong bốn mươi lăm phút, và họ sẽ không chịu kéo dài thêm, dù chỉ một giây.
— Nhưng nếu mấy chiếc xe của tôi bị kẹt cứng thì ông không bao giờ có thể quay được gì, – Al nói.
— Được rồi, Al, ông khởi động đi, nhưng phải chắc chắn ông sẽ trở về vạch xuất phát lúc 9 giờ 50, – Cavalli xem đồng hồ. – Tức là còn hai mươi bảy phút nữa.
Al bắt đầu chạy về phía mấy chiếc xe đậu. Cavalli quay sự chú ý sang viên đạo diễn.
— Lúc nào thì ông đưa diễn viên ra ngoài?
— Chín giờ năm mươi, hoặc lúc chiếc xe hơi cuối cùng trở về đúng chỗ. Anh ta đang được hoá trang trong chiếc xe thùng đằng kia, – Johnny vừa nói vừa chỉ tay.
Cavalli nhìn chiếc xe hơi thứ sáu chạy đi, và nhẹ nhõm khi thấy xe cộ lại lưu thông đều đặn.
— Còn đám nhân viên mật vụ của Gino, họ làm gì khi những chiếc xe đã chạy đi?
— Phần đông đi lang thang vì họ chỉ đóng vai phụ, nhưng họ không có vẻ dễ tin đâu.
Máy điện thoại của Cavalli bắt đầu reo.
— Tôi phải trở lại, nếu không ông sẽ chẳng có cuốn phim đâu, – Johnny nói.
Cavalli gật đầu nói:
Được
vào ống nghe trong lúc viên đạo diễn hối hả chạy đi. Một cái gì đó đập vào mắt Cavalli trong lúc y cố tập trung vào giọng nói ở đầu kia đường dây.
— Chiếc trực thăng đã được chuẩn bị để bay lên lúc 10 giờ đúng, thưa sếp, nhưng nó mất chỗ vì trễ bảy phút. Đám cảnh sát giao thông sau đó không chịu để cho nó bay lên, tuy nhiên, ông đã cho Hội Huynh đệ cảnh sát nhiều tiền lắm mà.
— Chúng ta vẫn còn đang chạy theo chương trình, mặc dầu có một số vấn đề, – Cavalli nói, – vì vậy anh sẽ cho nó lên lúc mười giờ và chỉ việc dừng lại trên không. Marshall và nhân viên ông ta nhất định sẽ trông thấy và nghe tiếng anh khi chúng ta đến Viện Bảo tàng. Tôi chỉ cần có thế.
— Được rồi, thưa sếp. Tôi hiểu rồi!
Cavalli xem đồng hồ một lần nữa. Lúc này là 9 giờ 36 và sự lưu thông đang diễn ra một cách êm xuôi. Y bước tới nhân viên điều phối việc quay phim cho phòng điện ảnh và truyền hình của thành phố.
— Ông đừng lo, – viên trung uý nói trước cả khi Cavalli kịp mở miệng. – Lưu thông sẽ được ngừng lại và các bảng hiệu chỉ đường sẽ đặt vào vị trí lúc 9 giờ 59. Chúng tôi sẽ giúp các ông làm việc đúng giờ, tôi xin hứa.
— Cảm ơn, ông sĩ quan, – Cavalli nói và nhanh chóng quay số của Al.
— Tôi nghĩ ông nên bắt đầu rút người của ông về…
— Số một đã đi với hai vệ sĩ chạy mô tô. Số hai sắp sửa đi; sau đó, họ cứ đi cách nhau hai mươi giây.
— Ông phải là một tướng lãnh trong quân đội, – Cavalli nói.
— Ông có thể quy trách nhiệm cho Chính phủ về việc đó. Chỉ vì tôi đã không học đúng ngành.
Đột nhiên, đại lộ Pennsylvania sáng rực ánh đèn. Cavalli, cũng như mọi người khác, che mắt lại rồi cũng đột nhiên, các ngọn đèn đều tắt, làm cho mặt trời buổi sáng như một bóng đèn mờ.
— Các đèn chiếu rất tốt, – Cavalli nghe viên đạo diễn la lớn. – Tôi chỉ thấy một cái không sáng. Cái thứ bảy bên phải.
Cavalli dừng trên lề và nhìn về phía góc đường 13, nơi đó y có thể trông thấy chiếc đầu tiên trong số xe hơi của Al với hai vệ sĩ chạy mô tô đang di chuyển một cách chậm chạp xuyên qua luồng giao thông. Hình ảnh chiếc xe hơi sang trọng màu đen bóng loáng khiến y cảm thấy bồn chồn lần đầu tiên.
Một người đàn ông cao lớn, vạm vỡ, đầu hói mang kính đen, mặc com lê xanh sẫm, áo sơ mi trắng và một chiếc cà vạt sọc đỏ trắng xanh đang bước về phía y. Ông ta dừng lại bên cạnh Cavalli trong lúc vệ sĩ chạy mô tô đầu tiên và chiếc xe cảnh sát dẫn đầu ghé vào lề.
— Ông cảm thấy thế nào? – Cavalli hỏi.
— Như tất cả những đêm đầu tiên, – Lloyd Adams đáp. – Tôi chỉ thấy dễ chịu một khi bức màn được kéo lên.
— Đêm hôm qua ông đã học thuộc lòng lời đối thoại rồi chứ?
— Lời đối thoại của tôi không thành vấn đề, – người diễn viên nói. – Chính lời đối thoại của ông Marshall mới làm cho tôi lo lắng.
— Ông ngụ ý gì thế? – Cavalli hỏi.
— Ông ta đã không thể tham dự bất cứ một cuộc diễn tập nào của chúng ta, phải không? – Adams đáp. – Vì thế ông ta đâu có biết cách ăn nhịp.
Chiếc xe thứ hai đậu nối đuôi, được hộ tống bởi hai vệ sĩ chạy xe mô tô, trong lúc Al Calabrese chạy đến ngang qua đường và Lloyd Adams sải bước về phía xe thùng.
— Ông vẫn còn có thể hoàn thành công việc trong chín phút chứ? – Cavalli vừa hỏi vừa nhìn đồng hồ.
— Với điều kiện sếp Thomas không làm rối tung tất cả mọi việc lên như họ đã từng làm mỗi buổi sáng khác, – Al nói.
Ông ta đi về phía mấy chiếc xe hơi và lập tức bắt đầu tổ chức việc cắm cờ Tổng thống lên mui chiếc xe thứ ba trước khi mọi vết bẩn có thể dính trên thân xe sau một cuộc chạy vòng quanh khu phố.
Chiếc xe tải chỉ huy chạy vào hàng. Scasiatore xoay quanh người trên chiếc ghế đẩu cao và qua một loa phóng thanh, nói với diễn viên, thư ký, trung uý và bác sĩ hãy sẵn sàng lên chiếc xe hơi số hai và số bốn.
Khi viên đạo diễn hỏi viên trung uý và người bác sĩ, Cavalli bỗng nhận ra rằng y đã không trông thấy Dollar Bill hoặc Angelo suốt buổi sáng. Có lẽ họ đang chờ đợi trong chiếc xe thùng. Chiếc xe hơi thứ tư đậu lại trong lúc đôi mắt của Cavalli nhìn lướt về phía xe tìm kiếm Angelo.
Tiếng còi lại vang lên trong mấy giây, lần này để nhắc nhở đội làm phim rằng họ chỉ còn mười phút nữa là tới lúc quay phim. Tiếng động hầu như ngăn cản Cavalli nghe tiếng chuông điện thoại.
— Andy báo cáo đây, thưa sếp. Tôi vẫn còn đang ở bên ngoài Viện Bảo tàng. Chỉ để cho ông biết không có ai bận hơn khi ông kiểm tra cách đây một giờ.
— Tối thiểu có một người còn thức, – Cavalli nói.
— Không thể có hơn hai mươi hoặc ba mươi người ở quanh đây lúc này.
— Tôi vui mừng nghe nói như thế. Nhưng đừng gọi lại tôi trừ phi có điều gì bất ổn.
Cavalli tắt máy điện thoại và cố nhớ lại điều gì khiến cho y lo lắng trước khi chuông reo. Giờ đây đã có mười một chiếc xe hơi và sáu vệ sĩ chạy mô tô đậu vào chỗ. Vẫn còn thiếu một chiếc xe. Nhưng một điều gì khác cứ lấn cấn trong tận cùng tâm trí Cavalli. Y trở nên xao lãng khi một viên sĩ quan đứng giữa đại lộ Pennsylvania bắt đầu cố hết sức hét lớn rằng anh ta sẵn sàng chặn xe cộ lại bất cứ lúc nào viên đạo diễn lên tiếng. Johnny đứng trên một cái ghế và chỉ tay lia lịa về phía chiếc xe hơi thứ mười hai vẫn còn ương ngạnh kẹt lại trong dòng lưu thông cách xa vài trăm mét.
— Nếu ông đổi hướng giao thông lúc này, Johnny la lớn, – thì chiếc xe ấy không bao giờ đến được đoàn xe hộ tống.
Viên sĩ quan vẫn đứng giữa đường và vẫy tay cho dòng lưu thông qua thật nhanh với hy vọng chiếc xe hơi đang bị kẹt kia có thể di chuyển nhanh hơn, nhưng vẫn không gây nên sự khác biệt nào đáng kể.
— Diễn viên phụ lên đường! – Johnny la lớn.
Mấy người mà Cavalli vẫn tưởng là dân chúng tản bộ trên lề đường liền bắt đầu bước qua lại một cách thiện nghệ. Johnny lại đứng lên chiếc ghế và lần này quay mặt về phía đám đông tụ tập phía sau rào chắn. Một người phụ tá đưa cho ông một loa phóng thanh để ông có thể nói chuyện với họ.
— Thưa quý ông quý bà, – Ông ta mở lời. – Đây là một đoạn ngắn cho một cuốn phim về việc Tổng thống đi đến The Hill để đọc diễn văn tại một phiên họp của Lưỡng viện Quốc hội. Tôi sẽ rất biết ơn nếu quý vị có thể vẫy tay, vỗ tay và hoan hô như thể đây là Tổng thống thực vậy. Xin cảm ơn quý vị!
Tiếng vỗ tay tự nguyện vang lên, khiến cho Cavalli bật cười lần đầu tiên trong buổi sáng hôm ấy. Y không nhận thấy viên Phó cảnh sát trưởng đã lặng lẽ đến phía sau y trong lúc viên đạo diễn vẫn nói chuyện. Anh ta thì thầm vào tai y:
— Việc này sẽ làm cho ông mất nhiều tiền nếu ông không kéo nó ra khỏi đây ngay.
Cavalli quay lại để nhìn thẳng vào mặt viên cựu cảnh sát và cố không tỏ rõ y đang lo lắng như thế nào.
— Tôi muốn nói mọi việc hoãn lại. Nếu ông không quay phim được trong buổi sáng hôm nay, những người có thẩm quyền sẽ không cho phép ông tái diễn trò chơi này trong một thời gian rất dài.
— Tôi không cần ai nhắc nhở điều đó, – Cavalli gằn giọng.
Y quay sự chú ý trở lại Johnny lúc đó đã leo xuống khỏi ghế và đang bước tới, ngồi lên giàn đỡ máy thu hình di động, sẵn sàng phát động ngay lúc chiếc xe hơi thứ mười hai vào đúng vị trí. Một lần nữa, viên phụ tá chuyền loa phóng thanh cho Johnny.
— Đây là một cuộc kiểm tra cuối cùng. Xin hãy kiểm tra vị trí của mỗi người. Đây là một cuộc kiểm tra cuối cùng. Mọi người đã sẵn sàng trong xe số một chưa?
Một tiếng còi xe vang lên để trả lời.
— Xe số hai?
Một tiếng còi khác.
— Xe số ba?
Một tiếng còi khác nữa do tài xế chiếc xe của Lloyd Admas.
Cavalli nhìn chăm chú qua khung cửa trong lúc người diễn viên đầu hói mở nắp hộp tóc giả.
— Xe số bốn?
Không có một tiếng nào từ chiếc xe số bốn.
— Những người đi xe số bốn đã lên xe đủ chưa? – Viên đạo diễn hét lớn.
Mãi tới lúc đó, Cavalli mới sực nhớ ra điều gì đã lấn cấn trong tâm trí y suốt buổi sáng. Y vẫn chưa hề trông thấy Angelo và Dollar Bill. Lẽ ra y phải kiểm tra sớm hơn. Y vội vàng tiến về phía viên đạo diễn trong lúc một viên trung uý hải quân nhảy ra khỏi một chiếc xe mà anh ta đã bị mắc kẹt ở giữa đường. Anh ta cao chừng một mét tám mươi, có mái tóc cắt ngắn, mặc một bộ đồng phục trắng với một cây kiếm lủng lẳng bên hông và nhiều tấm huy chương vì đã phục vụ tốt ở Panama và vùng Vịnh gắn trên ngực, bàn tay phải anh ta cầm một chiếc hộp màu đen.
Một viên cảnh sát bắt đầu đuổi theo anh ta, trong lúc Dollar Bill mang một túi da nhỏ, theo sau cách vài ba mét với một tốc độ chậm hơn. Khi Cavalli trông thấy chuyện gì đã xảy ra, y liền đổi hướng, điềm tĩnh bước ra giữa đường và viên sĩ quan hải quân dừng lại bên cạnh y.
— Anh nghĩ anh đang chơi trò gì thế? – Cavalli gay gắt hơn.
— Chúng tôi đã bị kẹt xe, – Angelo đáp một cách yếu ớt.
— Nếu toàn bộ công việc này thất bại chỉ vì anh…
Angelo thay đổi bộ đồng phục màu khác trong lúc anh ta nghĩ về chuyện đã xảy đến với Bruno Morelli.
— Còn cây kiếm? – Cavalli gằn giọng.
— Hết sức thích hợp.
— Còn ông bác sĩ của chúng ta. Ông ta có thích hợp không?
— Ông ấy sẽ có thể làm việc được, tôi xin hứa với ông, – Angelo vừa nói vừa nhìn qua phía trên vai.
— Hai người ngồi trên xe nào?
— Xe số bốn. Ngay phía sau Tổng thống.
— Vậy thì lên đó đi, ngay bây giờ.
— Xin lỗi, xin lỗi, – Dollar Bill nói trong lúc vừa bước tới vừa thở hổn hển. – Lỗi của tôi, chứ không phải của Angelo. Xin lỗi, xin lỗi…
Ông ta cứ liên tục xin lỗi, trong lúc cánh cửa sau của xe số bốn được giữ lại để cho ông ta vào bởi viên trung uý đang nắm cây kiếm. Khi Dollar Bill đã an toàn trong xe, Angelo mới theo viên bác sĩ giả hiệu và đóng mạnh cánh cửa.
Viên cảnh sát đuổi theo Angelo lấy cuốn sổ tay ra, trong lúc Cavalli xoay người tìm Tom Newbolt. Tom đang chạy băng qua đường.
— Anh để người đó cho tôi, – anh ta nói.
Chiếc xe tải thứ hai chở các máy quay phim giám sát đỗ xịch lại ở cuối dãy xe. Cửa sổ phía trước ken két kéo xuống.
— Xin lỗi, xin lỗi, – người tài xế nói. – Một tên ngốc đã bỏ mặc chiếc xe của hắn ngay phía trước tôi.
Chiếc đồng hồ trên tháp Bưu điện cũ đổ mười tiếng. Đúng lúc đó, theo dấu hiệu của một viên sĩ quan phối hợp, nhiều cảnh sát viên bước ra giữa đường. Một số người ngăn chặn dòng lưu thông đang đổ xuống đại lộ Pennsylvania, trong lúc những người khác đặt nhiều bảng hiệu đổi tuyến đường để chỉ dẫn cho xe cộ tránh khỏi khu vực quay phim.
Cavalli chuyển sự chú ý sang phía đại lộ Pennsylvania, chỉ cách xa chừng ba trăm mét. Một lần nữa, dòng xe cộ lại chậm chạp di chuyển nối đuôi nhau.
— Tiến lên, tiến lên, – y vừa la lớn vừa xem đồng hồ và sốt ruột đợi cho đường trống.
— Một lúc thôi mà, – viên sĩ quan lớn tiếng trả lời, anh ta đang đứng giữa đường.
Cavalli ngước lên để trông thấy chiếc trực thăng cảnh sát xanh trắng đang ầm ĩ lảng vảng trên đầu.
Cả y lẫn viên sĩ quan đều không nói gì cho tới vài phút sau khi họ nghe một tiếng còi rít lên ba lần từ phía xa của đại lộ Pennsylvania. Cavalli xem đồng hồ. Họ đã mất sáu phút quý giá.
— Tôi sẽ giết Angelo, – y nói. Nếu…
— Đường trống rồi! – viên sĩ quan phối hợp la lớn.
Anh ta quay lại nhìn thẳng vào mặt Cavalli, và Cavalli giơ ngón tay cái lên ra hiệu cho viên đạo diễn.
— Các ông còn được ba mươi chín phút, – viên sĩ quan rống lên. – Chừng đó cũng thừa sức quay phim hai lần.
Nhưng Cavalli không nghe mấy tiếng sau cùng trong lúc y chạy tới chiếc xe số hai, mở cửa và nhảy vào ghế bên cạnh tài xế. Và lúc đó, một ý nghĩ lấn cấn bật ra khỏi tâm trí y. Nhìn ra ngoài khung cửa sổ bên hông, Cavalli bắt đầu lướt qua đám đông một lần nữa.
— Ánh sáng! – viên đạo diễn gào lên, và đại lộ Pennsylvania sáng lên như đêm trước lễ Giáng sinh ở cửa hàng Mary. – Được rồi, tất cả mọi người, chúng ta sẽ quay phim trong sáu mươi giây nữa.
Những chiếc xe hơi và mô tô nổ máy đã bắt đầu rú ga mạnh. Đám diễn viên phụ thả bộ qua lại trong lúc cảnh sát tiếp tục xua những khách bộ hành ra xa nơi quay phim.
Viên đạo diễn ngửa người ra phía sau lưng ghế để kiểm tra ánh sáng và xem thử ngọn đèn số bảy đã hoạt động hay chưa.
— Ba mươi giây, – Johnny nhìn người tài xế của chiếc xe số một và nói qua loa phóng thanh. – Đừng quên tỏ ra thoải mái. Giàn đỡ máy của tôi chỉ có thể chạy thụt lùi mười sáu cây số mỗi giờ. Và người đi bộ, – viên đạo diễn kiểm tra tới lui bên lề đường, – Xin cứ làm ra vẻ như thể đang đi, chứ không phải đang thử diễn vở Hamlet.
Viên đạo diễn quay sự chú ý sang đám đông.
— Nào, xin đừng bỏ rơi tôi phía sau rào cản. Hãy vỗ tay, hoan hô và vẫy tay, và xin nhớ chúng tôi sẽ diễn tập lại toàn bộ trong khoảng hai mươi phút, vì vậy hãy đứng nguyên tại chỗ nếu có thể.
— Mười hai giây, – viên đạo diễn nói trong lúc ông ta quay người lại để nhìn thẳng vào chiếc xe hơi số một trong hàng. – Xin chúc mọi người may mắn.
Tony nhìn Scasiatore, muốn ông ta cứ tiếp tục. Lúc này họ đã trễ mất tám phút – điều đó cùng với cá tính đặc biệt của vị Tổng thống này, y phải nhìn nhận lại khiến cho toàn bộ sự việc có vẻ xác thực.
— Mười giây. Quay. Chín, tám, bảy, sáu, năm, bốn, ba, hai, một. Hành động!
Người phụ nữ đẩy chiếc giỏ đồ giặt dọc theo hành lang, không thèm để ý dấu hiệu
Xin miễn quấy rầy
ở cửa phòng 1137 và bước thẳng vào trong.
Một người đàn ông hơi mập, ướt đẫm mồ hôi, ngồi trên mép giường. Ông ta đang loay hoay với mấy con số điện thoại, khi ông ta nhìn quanh và chợt trông thấy cô ta.
— Ra ngoài đi, đồ chó cái, – ông ta nói và quay lại, chú tâm vào việc quay số.
Im lặng tiến tới ba bước, cô ta đã ở phía sau người đàn ông. Ông ta quay người lại một lần thứ hai ngay lúc người đàn bà cúi xuống, nắm sợi dây điện thoại trong cả hai bàn tay và kéo sợi dây vòng quanh cổ ông ta. Người đàn ông giơ một cánh tay lên để phản đối trong lúc cô ta giật mạnh cổ tay. Ông ta chúi người về phía trước và ngã khỏi giường, tuột xuống tấm thảm, đúng ngay lúc có tiếng nói trong máy điện thoại:
— Xin cảm ơn vì đã dùng AT&T[29].
Cô ta nhận ra mình không nên sử dụng sợi dây điện thoại. Hầu như không chuyên nghiệp – nhưng chưa từng có ai gọi cô ta là chó cái.
Cô ta đặt ống nghe trở lên giá và cúi xuống, khéo léo nâng viên trợ lý đặc biệt của Tổng thống lên vai. Cô ta thả cái áo vào giỏ đồ giặt. Không một ai có thể tin một người phụ nữ ẻo lả như thế lại có thể nâng một trọng lượng nặng như thế. Thực ra công dụng duy nhất mà cô ta đã rút được từ một bằng cấp vật lý học là ứng dụng nguyên tắc điểm tựa trục và đòn bẩy vào cái nghề cô ta đã lựa chọn.
Cô ta mở cửa và kiểm tra hành lang. Vào giờ này, không có nhiều người lảng vảng nơi đây. Cô ta đẩy chiếc giỏ dọc theo hành lang cho tới thang máy dành riêng cho nhân viên phục vụ, quay mặt vào tường và kiên nhẫn chờ. Khi thang máy đến, cô ta bấm nút đưa cô ta xuống tận hầm đậu xe. Khi thang máy dừng lại trên tầng hầm, cô ta đẩy chiếc giỏ ra và đi tới phía sau một chiếc Honda Accord, loại xe hơi gần như phổ biến hàng thứ hai ở Mỹ.
Được che khuất sau một cây cột, cô ta nhanh nhẹn chuyển viên trợ lý đặc biệt từ chiếc giỏ sang cốp xe. Đoạn cô ta đẩy chiếc giỏ trở lại thang máy, cởi bộ đồng phục đen lụng thụng ra, bỏ vào giỏ đồ giặt, lấy cái túi xách với sợi dây quai dài và chuyển chiếc giỏ đồ giặt lên tầng hai mươi lăm.
Cô ta vuốt lại cho thẳng chiếc áo đầm nhãn hiệu Laura Ashley trước khi bước lên chiếc xe hơi và đặt cái túi xách lên ghế trước. Cô ta lái xe ra khỏi bãi đậu, tới đại lộ Pensylvania và chỉ được một đoạn ngắn thì bị một cảnh sát giao thông chặn lại. Cô ta liền kéo cửa xuống.
— Cô hãy đi theo dấu hiệu đổi tuyến đường, – gã nói mà thậm chí không nhìn cô.
Cô ta liếc xem đồng hồ trên bảng điều khiển. Lúc đó là 10 giờ 07.
------------
[28] DCPD: District of Columbia Police Department: Sở Cảnh sát quận Columbia.
[29] AT&T: American Telephone and Teleglaph: Công ty điện thoại và điện tín Mỹ.