• 199

Chương 34 Jacob


(Lời người edit: ký ức về những năm tháng đầy tội lỗi tưởng chừng như đã quên, nhưng không ngờ rằng đó chỉ là ảo tưởng. Rằng mọi tội lỗi đều ở đó, vĩnh viễn không thể phai nhòa. Điều tốt nhất mà bản thân mình có thể làm là quay về vùng đất nội tâm đó, đối diện với tội lỗi của mình, lắng nghe một bản thân mình hết sức yếu đuối trước cám dỗ, nghe lời ma quỷ mà sẵn sàng tàn nhẫn với người mình thương mến. Một khi mình nhận ra mình nên thương quý và tha thứ cho một bản thân mình lạc lõng trong cõi vô minh, khi đó mới đủ dũng khí tìm về người xưa, hay cúi đầu nguyện cầu đấng toàn năng sự cứu chuộc. Xin đăng lại những bài quan trọng của Andrew cùng một ít lời bình. Nơi này cũng hy vọng rằng cái tên Minh Le cũng sẽ không trở thành một hình tướng để người đời bám chấp, và rằng điều quan trọng nhất trong kiếp nhân sinh, vẫn là tìm về nơi thánh khiết của mình, mà cầu nguyện với đấng đã tạo ra sinh mệnh bản nguyên của mình.)
Thế kỷ hai mươi, người Do Thái trở lại, phục quốc thành công sau hai ngàn năm lưu lạc. Đầu thế kỷ 21, Jerusalem được công nhận danh nghĩa là thủ đô của người Do Thái dưới thời chính quyền Donald Trump. Đây là sự kiện hết sức chấn động, đặc biệt là đối với người Do Thái, rằng những lời hứa của Thần YHWH đối với họ vẫn còn nguyên giá trị, và người Do Thái, vẫn là dân tộc được thần YHWH chọn lựa. Trên thế giới, có hai sắc dân vẫn còn lưu giữ ký ức về vị thần tạo ra họ, một là người Do Thái như đã nói, và hai là người Trung Hoa. Văn hóa của hai dân tộc này là văn hóa Thần Truyền – vì vậy nên nền tảng thần học của họ hết sức phong phú. Và vũ trụ quan của họ nếu đặt trong bối cảnh lịch sử song song trở nên hết sức thuyết phục. Tất nhiên rất nhiều bạn theo dõi trang này là người có đức tin Catholics Roma. Người Ý dựa vào một số ghi chép chọn lọc, tạo ra một Thượng Đế khác, xa rời và tách biệt với bổi cảnh văn hóa của người Do Thái. Tôi không bàn việc đó là đúng hay sai, bởi vì đó là cách diễn giải của người Ý, và họ cũng như rất nhiều giáo phái Tin Lành khác nhau, có cách nhìn nhận về Thượng Đế khác nhau. Góc nhìn của tôi, là từ giác độ văn hóa thần truyền của người Do Thái, đương nhiên, sẽ hết sức khác biệt với những gì bạn được giáo dục ở lớp học giáo lý.
The Truth will set you free (John 8:31-32 ESV). (Lẽ thật sẽ làm anh em tự do)
Lấy một ví dụ thế này: nếu một ngày nào đó, người Lào trở nên hùng mạnh, và họ tạo ra một phiên bản Âu Cơ Lạc Long Quân khác rồi thờ phượng, tôn giáo của họ phát triển tới độ nhiều người khác đều theo đó mà có tín ngưỡng, nhưng cái phiên bản Âu Cơ và Lạc Long Quân đó trở nên khác xa so với những gì người Việt hiểu, bạn nghĩ như thế nào? Chỉ là ví dụ, không thực, nhưng dân Do Thái hiện nay chính là đang đối diện với tình cảnh đó. Văn hóa của họ trong mấy ngàn năm lưu lạc bảo trì hết sức khó khăn, cho tới bây giờ phục quốc thành công, rồi dần dần lấy lại căn cước là một câu chuyện phi thường.
Trong bối cảnh đó, Vatican chèo chống tính căn cước của mình hết sức vất vả. Từ lúc đăng cơ, Pope Francis phải giải thích về thái độ của Vatican trong vụ diệt chủng người Do Thái của Phát Xít Đức dưới thời Pius XII, và sự tình dâm loạn của giới tăng lữ nhiều năm gần đây. Việc che đậy các bê bối tình dục của Vatican ở trên khó khăn gấp bội trước hàng loạt những vụ tấn công mạng liên tục từ phía Trung Cộng. Trung Cộng có các bí mật dùng để kiểm soát Vatican hay không? Tương lai chúng ta sẽ biết. Nhưng sự im lặng của Pope Francis trước sự diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, trước đó là công khai lên tiếng ủng hộ kỹ thuật thu hoạch tạng sống ở Trung Quốc, và sự im lặng của Vatican trước thảm cảnh của người Hương Cảng trong mấy năm gần đây nói lên ít nhiều chứ?
Phán xét cuối cùng là thuộc về bạn, và tôi hy vọng, lẽ thật sẽ làm tâm hồn bạn tự do. Chỉ có điều chân chính mới chịu được thử thách của thời gian.
Tại sao lẽ thật lại mang tới sự tự do?
Nhân tại mê trung, và đời là bể khổ. Thiên tư của người ta là sợ khổ, vì vậy nên mỗi lần đối diện với lợi ích tự thân bị đe dọa, người đời luôn có cái cám dỗ che đậy, nói dối một chút. Lâu rồi thành quen, người đời bị lừa mãi thì cũng trở nên dè chừng lẫn nhau, nhưng việc dè chừng lẫn nhau không mấy đáng sợ bằng những tổn hại về nội tâm mà nói dối qua thời gian lâu có thể tạo ra. Chính là khi nói dối, nội tâm hiểu rất rõ là đang nói dối. Chính vì hiểu là đang nói dối, nên sẽ có cái nỗ lực để lời dối trá dó nghe như thật. Và sự tình là càng nỗ lực thì lời dối trá lâu dần cũng nghe như thật. Thật tới độ ngay cả bản thân cũng sẽ tin là thật. Nhưng vì lời dối trá và hiện thực là khác nhau. Nên khi đối diện với hiện thực, mà nhất là hiện thực của tai ương, áp lực tâm lý rất lớn. Lớn là bởi vì trong nội tâm người ta không còn tin vào bản thân mình nữa. Không tin rằng bản thân mình lại dám nhìn vào sự thật để có thể có những hành động đúng đắn.
Cái nội tâm trốn tránh hiện thực không bao giờ đủ sức mạnh để đương đầu với tai ương của hiện thực. Bởi không thể đoan chắc rằng tự nhiên cái nội tâm đầy dối trá kia lại từ bỏ thói quen lừa dối để nhìn vào sự thật. Và ngay cả khi nhìn ra được sự thật, cái tâm hồn bị lừa dối không hề được tôi luyện trong ánh sáng của lẽ thật, nó không đủ sức gánh vác.
Khi tự mình không còn tin vào bản thân mình có đủ khả năng để đương đầu với tai ương của hiện thực, thì làm sao dám tin rằng mình có thể thoát khỏi xiềng xích nô lệ trong tâm?
Không tin vào bản thân mình là đặc điểm của tâm hồn nô lệ.
LẼ THẬT là bạn đồng hành không thể thiếu của một tâm hồn tự do.
Vậy thì ly cà phê này, hãy nói về một tâm hồn trở về với lẽ thật – Jacob.
Jacob và Esau là anh em sinh đôi. Esau là thợ săn, rất dũng mãnh nên được cha là Isacc rất yêu quý. Trong khi Jacob lười biếng ở nhà. Tuy là sinh đôi, nhưng Esau ra trước nên làm anh. Và vì làm anh, nên Esau có quyền thừa kế (birthright). Một ngày đi săn về, Esau rất đói, Jacob lại đang hầm một nồi thức ăn. Esau tới xin một ít, Jacob lém lỉnh nói rằng nếu như Esau muốn ăn thì phải bán lại quyền thừa kế cho Jacob. Esau đồng ý. Sau này, cũng chính Jacob nhân lúc Esau ra ngoài và sự mù lòa của Isaac, mà được nhận ân phước từ Isaac. Ân phước này là Isaac hứa cho Esau. Thế là Isaac ban phước cho Jacob thế này:

Cầu xin Thần cho con được sương mưa từ thiên đường, sự màu mỡ của đất, dư dả lúa mỳ và rượu. Người đời sẽ phụng sự con, con làm chủ anh em của con, và con trai của mẹ con sẽ quỳ trước con. Ai rủa con sẽ bị rủa lại, ai cầu phước cho con, sẽ được ban phước

Sau này Esau về, Isaac phát hiện ra mình đã bị lừa. Ở đây ta thấy một sự tình thú vị, rất giống nhau giữa người Do Thái và người Hoa. Đó là sự tình một lời nói ra, sẽ rất khó thu lại. Là Isaac hứa ban phước cho Esau, nhưng bị Jacob lừa, tại sao ông không nói là sự ban phước không được tính? Phải chăng vì họ biết rõ, sự ban phước đã được định đoạt, và lời nói không thể thu hồi. Esau tội nghiệp, bị lừa một lần, nay bị cướp đi phước lành, là người mạnh mẽ, nhưng Esau cũng khóc, xin thêm phước lành khác. Isaac ban phước rằng Esau sẽ sống nhờ gươm.
Jacob lừa anh mình hai lần, Esau đòi giết Jacob. Jacob sợ hãi, bỏ trốn sang xứ của cậu mình là Laban.
Sang xứ của Laban, Jacob gặp và yêu cô con gái xinh đẹp của Laban là Rachel. Jacob giao ước với Laban rằng nếu ông làm việc cho Laban trong 7 năm thì sẽ được cưới Rachel. Laban đồng ý. Nhân quả lại xuất hiện với Jacob, Laban lừa gả Leah. Laban viện lẽ rằng ở xứ của Laban, phải lấy con gái đầu trước. Muốn lấy đứa con gái sau, lại phải lao động thêm 7 năm nữa. Jacob vì yêu Rachel nên đồng ý. Sau thời gian ở Laban, Jacob muốn trở về. Laban không biết nên trả ơn Jacob thế nào, vì thời gian Jacob ở với Laban tuy vất vả nhưng cũng rất được việc, Laban trở nên rất giàu có. Laban trì hoãn việc trả tự do cho Jacob, nên cứ lần lữa lấy cớ việc tính toán tiền công. Jacob mới đề nghị rằng ông sẽ lấy những con dê và cừu có đốm, màu nâu, hoặc có sọc. Tại sao Jacob lại chọn như thế. Ông biết Laban sẽ lừa ông lần nữa. Nên ông chọn tiền công như vậy. Bởi vì những con dê như vậy theo hiểu biết thời đó đều ít xuất hiện trong đàn. Theo hiểu biết thời nay là thuộc tính trạng
lặn
. Và để có con con có đốm, hay sọc, hay có màu nâu, thì cả con đực và con cái đều phải giống nhau. Laban lừa cất đi hết sao cho số còn lại hoặc chỉ còn con đực, hoặc chỉ còn con cái có đặc điểm như Jacob muốn. Và vì vậy, lứa sau sẽ không còn lại gì cho Jacob. Nhưng sự tình kỳ lạ xảy ra, sau này có ghi chép là Jacob đã bày trò gì đó, nhưng số lượng gia súc có đặc điểm như Jacob muốn xuất hiện rất nhiều ở lứa sau. Nhiều tới mức nhà Laban bắt đầu nhìn ra rằng Jacob sẽ lấy phần lớn gia súc đi. Thái độ của nhà Laban với Jacob thay đổi. Jacob hiểu chuyện, liền đưa vợ con mang theo gia súc bỏ đi về lại xứ Canaan.
Ở với Laban không được, nhưng về Canaan thì mối thù của Esau vẫn còn. Jacob gửi sứ giả gặp anh mình. Esau chỉ đồng ý gặp Jacob với điều kiện là Esau sẽ mang theo 400 người đàn ông. Jacob nhìn ra chuyện năm xưa, có lẽ sẽ đối diện với kết cục của mình. Ông cầu nguyện El – Thần của người Do Thái. Sau đó ông gửi tặng Esau đàn gia súc của ông, là tất cả những gì ông có với thông điệp:
Gửi tặng chủ của tôi Esau, từ tôi tớ của ngài là Jacob.

Đêm đó, khi đã gửi đi vợ con và tài sản của mình về xứ Esau, Jacob còn lại một mình, và đây là điển tích ông vật lộn với thần để được ban phước.
Câu chuyện về Jacob là một câu chuyện rất quan trọng trong Cựu Ước. Bài học từ Jacob rằng trong đời, từ lúc còn trẻ tuổi, xác xuất để một người có thể phạm một lỗi lầm lớn nào đó là gần như 100%. Và Jacob đã lừa anh mình hai lần. Sau khi lừa anh mình, ông phải bỏ trốn, vốn cũng không phải là một người có nhân cách hay dũng khí gì cho lắm. Nhưng đừng quên, trong bối cảnh đó ông vẫn còn trẻ. Sau này, khi phải ở nhờ xứ người, lao động và trưởng thành, đối diện với sự dối trá của người đời, ông nhìn ra được cái tai ương từ sự xảo trá của người đời. Và từ đó, ông cũng nhìn ra được lỗi lầm của mình với Esau. Ông quay về lại Canaan, trả lại cái quyền thừa tự cho anh mình, chấp nhận kết cục cuối cùng là sự trả thù từ Esau. Đêm trước khi đối diện với khoảnh khắc tối hậu đó, ông vật lộn với Thần, và cầu xin sự ban phước. Thần làm trật khớp hông của ông, ông vẫn không buông. Nên ông được ban phước, và đổi tên thành Israel.
Lý do thần ban phước cho ông, chính là vì ông đã vật lộn với người, với Thần, và đều chiến thắng.
Khi Solzhenitsyn viết Quần Đảo Ngục Tù, ông viết về tội ác của Chủ Nghĩa Cộng Sản, nhưng điểm sáng đặc biệt quan trọng trong tác phẩm này là trong bối cảnh đầy tăm tối đó, tâm hồn ông không bị khuất phục. Ông nhận ra rằng trong nhà tù vẫn còn những tâm hồn mà bất luận ngoại cảnh có thế nào, cũng không làm cho nội tâm của họ ngừng sáng lấp lánh. Ông nằm trên lớp rơm rạ mục nát của nhà tù, nghĩ về những lỗi lầm thời trai trẻ của mình. Sau ông thốt lên,
"Bless you! Prison! For being in my life!"
"Phước cho ngươi! Ngục tù! Vì đã ở trong đời ta!"
Trong đời, trong bất kỳ một mối quan hệ nào, chúng ta đều phải
vật lộn
như vậy.
Vật lộn
là một hình ảnh cho thấy rằng không phải hai tâm hồn nào tự nhiên đã có thể đồng điệu, mà muốn song hành trên một đoạn đường dài cần phải có thời gian để nhận biết và hóa giải, hay chấp nhận các khác biệt của nhau. Jacob giữ lời với Laban, khổ sai trong 14 năm, từ Laban ông nhận ra lỗi lầm cũ, quay trở lại làm hòa với anh mình, chấp nhận kết cục tối hậu. Esau có thể giết ông, nhưng Jacob chấp nhận chuyện đó, vẫn quyết định gặp Esau.
Ông hoàn toàn có thể đi nơi khác? Tới xứ khác? Tại sao lại không?
Nhưng ông quay về Canaan. Esau sau đó chấp nhận lễ vật của ông, không giết ông.

Vật lộn
với thần, cũng là một hình ảnh tương tự. Bạn sẽ thấy chuyện đời phù phiếm như thế này: hôm nay vào nhà thờ cầu nguyện, quỳ trước tượng chúa, hôm sau ra đường đã lại như người thường tranh đoạt đảo điên. Hôm nay vào chùa chắp tay cúng dường, nghe kinh, sám hối, hôm sau lại trở lại cuộc sống thường nhật cùng những toan tính thiệt hơn. Phật ở đâu? Thần ở đâu? Bàn tay lần chuỗi mân côi lúc này, lại là bàn tay sẵn sàng ôm lấy bóng hồng khác chỗ riêng tư. Có bao nhiêu người sẵn sàng giữ lấy đức tin trong lòng như Jacob quyết giữ lấy Thiên Thần đêm đó?
Vật lộn với đức tin không hề đơn giản, vì cái Jacob nhận lại là sự đau đớn cùng cực, ai từng bị trật khớp, mà là trật khớp ở hông thì biết đau đớn thế nào. Trật khớp hông, cơn đau sẽ làm người ta phải khụy xuống, nhưng Jacob không buông. Ông vẫn cầu nguyện được ban phước.
Chính lúc đau đớn nhất, mà ông vẫn không đời xa đức tin của mình, cũng là lúc ông được ban phước, và có một thân phận mới, tên là Israel.
Vật lộn với đức tin sẽ có cái đau đớn như vậy. Và rất nhiều người vì một vài cơn đau là sẵn sàng từ bỏ đức tin của mình. Lúc gặp tai ương thì không còn Thần Phật gì trong tâm nữa.
Người Do Thái qua năm tháng còn trường tồn, trong khi bao nhiêu sắc dân khác xuất hiện rồi biến mất. Đế Quốc La Mã hùng mạnh năm nào, giờ còn lại gì? Chính là vì dân Do Thái không từ bỏ đức tin của mình, nên còn đi được tới ngày hôm nay. Họ là sắc dân thông minh, nhưng cũng đã bao nhiêu sắc dân thông minh đã tàn lụi rồi? Bạn ở Việt Nam, chắc cũng biết dân Thanh Hóa – Nghệ An thông minh thế nào, thái độ người đời đối với họ ra sao?
Sau khi Jesus bị đóng đinh, dân tộc Do Thái trải qua những thử thách nghiệt ngã nhất có thể xảy ra đối với căn cước của một sắc dân, họ bị đuổi giết, kỳ thị trên mọi nẻo đường từ Âu sang Á. Người Hồi Giáo đuổi giết họ, người Catholics cũng đuổi giết họ. Sau đó tới cuộc thanh trừng sắc tộc của Đức Quốc Xã - Holocaust. Bất chấp những tai ương đó, họ vẫn tồn tại, và phục quốc thành công.
YHWH không quên họ. Thần YHWH vẫn giữ lời với dân Do Thái.
Chấp nhận mọi sự đau đớn, kiên trì với đức tin tới cùng, và có dũng khí để quay lại sửa chữa những sai lầm cũ, cho dù đại kết cục có tệ tới đâu... chính là điều tưởng chừng như bí mật, nhưng thực ra lại vô cùng đơn giản, quyết định hành trang của dân tộc Do Thái từ tổ phụ Jacob tới ngày hôm nay.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Luris Fantasy.