• 199

Chương 39 Inner Children


Một khi đã có gia đình, có con trẻ, người ta tập trung vào chúng tới mức không còn nghĩ tới một điều hết sức thú vị. Có thể có một số để ý, nhưng đa phần đều không. Là điều gì vậy? Là trong một góc tâm hồn của một số người trưởng thành thường hay xuất hiện những đứa trẻ. Chúng vẫn chưa lớn, chỉ là chúng thầm lặng ở đó khi năm tháng trôi qua, lặng lẽ nhìn và chấp nhận một nhân cách khác tiếp nhận lấy cơ thể và tâm trí, nhất là khi cái cơ thể đó buộc phải bước vào cuộc đời, đối diện với trách nhiệm mưu sinh, nói như Jean Paul Sarte chính xác hơn - là bị ném vào cuộc đời. Trong nội cảm thi thoảng chúng vẫn xuất hiện, dưới dạng thức của một dòng tâm tưởng, đòi một thứ gì đó mà ngày trước vì lí do này khác mà chúng không thể có: que kem, gói bánh, chiếc chong chóng nhiều màu sắc…
Thật dễ dàng biết bao, khi những thứ chúng đòi chỉ là một ít quà bánh, một vài món đồ chơi nho nhỏ, hay một tấm vé đi sở thú, … Lúc người ta nghỉ ngơi sau giờ làm việc vất vả, tự nhiên chúng xuất hiện, đòi lại món
nợ
năm xưa. Thì mua cho "chúng" thôi, giờ đã là "người lớn" - là có tiền. Có được món nợ rồi, chúng vui vẻ biến mất. Tự nhiên không xuất hiện nữa. Chỉ có điều, rất nhiều trong số những đứa trẻ đó, chúng đòi cái khác. Có đứa đòi hỏi tình mẹ, có đứa đòi hỏi sự che chở của người cha,… nên trong một thoáng chốc nào đó tự nhiên nhiều người lại rất muốn gần gũi, rất muốn gắn bó với một ai đó.
Carl Jung có một bệnh nhân nam, anh gặp chứng trầm cảm, và anh muốn tự tử nhiều lần. Anh hiền lành như đất, khi người anh trai nghiện ngập của mình hỏi vay số tiền 6000 Franc mà anh được thừa kế, anh cũng đưa. Đưa xong rồi lâm vào cảnh để bụng đói triền miên. Lúc khó khăn, anh có thường xuyên qua lại giúp đỡ một gia đình. Gia đình này có hai vợ chồng và 5 đứa con, người vợ mang thai đứa thứ sáu, còn người cha thì tham gia một giáo phái gì đó hay đi biệt tích. Anh hay sang giúp đỡ người phụ nữ kia cùng mấy đứa nhỏ. Người nữ kia quá yếu, sợ rằng không thể nuôi nổi sáu đứa con, anh thương tình, hứa rằng có bề gì sẽ nuôi mấy đứa nhỏ. Sinh đứa thứ sáu xong thì người mẹ mất, trại tế bần mang hết mấy đứa nhỏ đi, anh ráng lắm cũng chỉ được phép giữ lại một đứa. Sau này đứa trẻ bị một người đi xe cán chết. Anh trai của anh qua đời, để lại người vợ. Anh nghĩ tới việc lập gia đình, anh thương chị dâu của anh nay góa chồng ở một mình, nên anh viết thư xin cưới, bất chấp người này hơn anh 17 tuổi. Người chị dâu, khi lấy anh thì phát hiện anh bị liệt dương, mãi vẫn không thể sinh hoạt. Anh nói rằng anh chưa bao giờ xuất hiện ham muốn với người nữ, nhưng cũng không phải là anh có ham muốn đối với người nam. Carl Jung phát hiện ra tình huống của anh: anh luôn đi tìm một người mẹ. Mẹ anh mất năm 8 tuổi, anh ở với cha và anh trai. Người chị dâu của anh lo lắng cho gia đình từ dạo đó, nên tình cảm đối với chị dâu rất sâu đậm, chỉ là anh không nghĩ đó là tình cảm giành cho mẹ, mà là một thứ gì đó thân thương hết sức gắn bó. Cũng một thứ tình cảm đó, dẫn anh tới gần người phụ nữ có sáu đứa con kia. Cuộc hôn nhân của anh hết sức căng thẳng những năm về sau, khi anh lang thang bên ngoài, phát hiện ra mình có tình ý với một cô gái trẻ… Cô cũng có tình cảm với anh, nhưng cô chỉ chấp nhận yêu anh nếu anh từ bỏ người vợ già. Anh chỉ là không thể làm thế. Với cô gái kia anh có ham muốn của người đàn ông, nhưng sự gắn bó với người chị dâu thực sự sâu đậm, dẫu cuộc sống vợ chồng không khác gì địa ngục. Nên anh thường xuyên nghĩ tới cái chết.
Đứa trẻ kia trong tâm hồn bệnh nhân luôn đi tìm một người mẹ - nên anh chấp nhận lấy người chị dâu của mình. Nhưng có lẽ đứa trẻ kia vẫn chưa thỏa mãn những năm tháng cần mẹ của nó, nó vẫn không buông tha anh, anh vẫn cần vợ, nhưng anh cũng cần một tình yêu. Sự đời oái oăm là hình mẫu của người mẹ lại ở trong người vợ, và tình yêu anh tìm kiếm thì không thể tới với anh.
Phải chăng là như vậy? Phải chăng phần nào đó trong tâm hồn chúng ta chưa hề lớn? Những tâm hồn trẻ thơ vì lí do này khác bị tách rời khỏi thân xác và tâm trí, chúng bị dồn ép vào một góc thầm lặng nào đó của tâm hồn, chờ đợi vào một thời điểm nào đó, chúng bước ra, và đòi được sống quãng thời gian chúng bị lấy mất?
Ta thấy người đời bận bịu với con trẻ, tất bật với dinh dưỡng, giáo dục, sức khỏe, tương lai… của đứa trẻ. Nhưng ta không thể biết chắc rằng họ đang nuôi lớn đứa trẻ với giác độ của người trưởng thành, hay là họ mang lại cho đứa trẻ kia những thứ mà đứa trẻ trong tâm hồn họ đang kêu đòi? Trong phút giây khó chịu nào đó, nơi này đã buông lời bực dọc về cảnh người mẹ đút cơm cho con trai ăn ở cổng trường. Tự nhiên bây giờ lại nhận ra rằng, có thể không phải là họ đút cơm cho con trai họ, mà chính là đứa trẻ trong lòng họ cần sự quan tâm đó, nó muốn được thứ tình yêu thương đó. Thực khó nói, bởi vì mỗi khi nhìn ra từng vấn đề trong nội tâm, ta sẽ nhận ra đó không hẳn chỉ là vấn đề của mình, mà chính là vấn đề của thế hệ đi trước.
Dân tộc này có cái kỳ lạ, đề cao ông cha, đặt họ lên bàn thờ, đưa họ lên một vị trí không xứng đáng, nên lớp người đi sau không bao giờ dám nhìn vào ma quỷ nội tâm, vốn phần nhiều bắt nguồn từ những vấn đề di lưu từ những người sống ở thời trước. Khi lớp người sau khấn nguyện tổ tiên ông bà phò hộ, họ cũng quên rằng tổ tiên ông bà cũng chỉ là người thường, trong vô thức từ chối những khiếm khuyết trong đời sống của thế hệ cha ông. Họ đã sống cuộc đời của người thường, nên sẽ gặp vấn đề của người thường. Trong những vấn đề phải gặp, có thứ họ giải quyết được, cũng có thứ họ bất lực, chỉ có thể tự trách mình vô năng. Điều tai hại là các vấn đề đó lây lan sang thế hệ sau, nên dân tộc loanh quanh trong việc duy trì tính căn cước thờ ông bà tổ tiên, không dám trực diện nhìn vào các vấn đề nội tâm. Bởi một khi nhìn vào vấn đề nội tâm, tự nhiên trong vô thức sẽ có lời bao biện của ma quỷ giành cho tội lỗi của thế hệ đi trước. Sở dĩ gọi nó là ma quỷ, là bởi lời bao biện của nó có thể làm cho đời sau lặp lại cùng một lỗi lầm. Nên ma quỷ lại có thân người để tiếp tục sống.
Có thể ông cha chúng ta đã lầm lạc, ví như trong cơn gió bụi thời cuộc mà tin theo sự lừa dối của Cộng Sản, nhưng điều tốt nhất mà ta có thể làm cho họ, chính là nhìn nhận sự ngây thơ thiển cận trong tâm trí họ, để từ đó nhìn ra vấn đề mà họ để lại cho thế hệ sau – những vấn đề đó đang còn sống lẩn khuất trong nhân cách của thế hệ sau và phát tác họa hại lên thời cuộc. Một khi nhìn nhận sự ngây thơ và khiếm khuyết của họ, ta mới có thể giải quyết được vấn đề họ để lại trong tâm trí của thế hệ sau. Từ đó cũng dừng lại nghiệp quả khổ đau mà họ để lại cho hậu thế, cũng là dừng lại những hình phạt mà họ phải chịu đựng ở thế giới bên kia. Phải vậy không, ta có thể kính nhớ họ, và từ những năm tháng họ đã sống ta nhìn ra được những việc ta không bao giờ được phép làm. Chỉ cần như thế, ta giải quyết được mạch nối ma quỷ của thế hệ đi trước gắn vào tâm hồn mình, và qua đó ngăn được mầm độc lây sang con trẻ, hay thế hệ tương lai.
Vấn đề sâu kín trong nội tâm của một cá nhân này không được giải quyết, rất có thể cũng xuất hiện trong tâm hồn của rất nhiều cá nhân khác. Khi tất cả những cá nhân đó hợp lại thành một cộng đồng, thì vấn đề của cá nhân qua cộng hưởng cường đại thành vấn đề của cộng đồng. Và vì họ không thể giải quyết nó, nên các vấn đề sâu kín đó trong tâm thức cá nhân ghi dấu ấn lên thời cuộc. Nội tâm của chúng ta như thế nào? Tại sao lại vẫn chấp nhận Cộng Sản? tại sao người Tây Phương lại có thể rũ bỏ Cộng Sản mấy chục năm trước, còn chúng ta mãi bị đày đọa tới bây giờ?
Có điều gì đó sâu kín lẩn khuất trong nội tâm của phần đông người Việt Nam, di lưu từ năm tháng xa xưa, đang phát tác lên thời cuộc. Nên một khi giải quyết được vấn đề của nội tâm, cũng chính là sẽ có cách giải quyết được vấn đề của thời cuộc.
Cuộc thế xoay quanh đất một hòn
Sông chưa cạn đó, núi chưa mòn
Dân hai lăm triệu ai người lớn
Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con
Cám cảnh khói mây mờ mịt biển
Lo đời sương tuyết bạc đầu non - Tản Đà
Ly cà phê này, chỉ nhắc lại một ý rằng, đối với mọi thứ trên đời, bản thân mình vẫn là quan trọng nhất, một khi mình có đời sống nội tâm lành mạnh và phong phú, tự nhiên những người xung quanh và con trẻ sẽ được thụ ích.
Ta không thể biết chắc chắn rằng một lúc nào đó một phần nào đó thấp bé và chưa trưởng thành trong nội tâm lặng lẽ xuất hiện trong tâm thức dưới dạng một dòng tư tưởng, thôi thúc ta làm một việc chỉ để sau đó, ta ngẩn ngơ trong hối tiếc vì không hiểu vì sao khi đó lại yếu đuối làm theo nó.
Sức mạnh của trí huệ là rễ cây không ngừng đâm xuống địa ngục, ngọn cây mới chạm tới thiên đường.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Luris Fantasy.