• 2,295

Quyển 8 - Chương 4: Bí mật trong chấn nhỏ


Tôi nghe giáo sư Tôn bảo bản đồ huyện Vu Sơn không có nơi nào là trấn Thanh Khê, cũng có chút nghi hoặc khó hiểu, phải chăng là nguồn tin không chuẩn xác? Hay là do lịch sử đổi dời, địa danh thời cổ đến nay đã không còn được dùng nữa, vì vậy bản đồ mới xuất bản gần đây không ghi chú lại. Trấn này đã có từ thời nhà Minh, tất nhiên là một thị trấn cổ, dù đã thành hoang phế thì vẫn phải có di chỉ lưu lại, không thể nào cả mảnh ngói vụn cũng không còn, cẩn thận tra tìm trong địa chí, nói không chừng lại tìm được đầu mối.
Giáo sư Tôn gật đầu tán đồng: "Ban đầu là tôi gạt lão Trần mời các cậu đi Nam Hải trục vớt gương cổ, trách nhiệm này tôi nhận. Tôi nghĩ rất lâu rồi, quyết định sẽ đi cùng các cậu chuyến này, có kế hoạch gì chưa?"
Tôi nghĩ ngợi giây lát rồi nói: "Cửu gia cuối cùng cũng nghĩ thông rồi, chuyện về cổ trấn Thanh Khê có thể đến huyện Vu Sơn rồi hỏi thăm sau, chúng ta không thể lần lữa thêm nữa, ngày mai xuất phát luôn, không nên có nhiều người, người biết càng ít càng tốt, lát nữa chúng ta sẽ tính toán lại một phen."
Tôi ra khỏi thư phòng, thấy khách khứa bên ngoài đã về độ bảy tám phần, giáo sư Trần uống say khướt, sớm đã được người đỡ về phòng ngủ nghỉ ngơi. Tôi bèn gọi Shirley Dương và Tuyền béo vào thư phòng, khóa trái cửa lại, mật bàn kế hoạch đi Vu Sơn "khảo sát thực địa."
Trong thư phòng của giáo sư Trần, các tủ đầy chật những sách là sách, đương nhiên cũng có không ít các loại tài liệu văn sử kiểu dư địa chí này nọ. giáo sư Tôn bới loạn lên tìm ra được mấy bộ sách to như cục gạch, tra tìm lịch trình thay đổi và phát triển của huyện Vu Sơn, nhưng không phát hiện ghi chép gì liên quan đến đại vương không đầu, xem ra muốn tìm được đáp án câu ám ngữ mà trung đoàn trưởng Phong đề cập đến cũng không dễ dàng gì.
Tôi nói với giáo sư Tôn: "Vu Sơn có đại vương không đầu gì hay không thì tôi không rõ, nhưng nghe nói hoàng đế Ung Chính nhà Thanh chết vì bị ám sát, bị Lữ Tứ Nương cắt đầu, nên lúc chôn cất, thi thể phải gắn một cái đầu bằng vàng thay thế. Thế chẳng là có thân mà không có đầu còn gì? Nhưng ông ta là hoàng đế kia mà, nếu nói là vương, vậy há chẳng phải giáng cấp ông ta rồi ư? Vả lại, niên đại và vị trí địa lý cũng không trùng khớp nữa."
Tôn Cửu gia nói: "Đó là truyền thuyết dã sử, không đáng tin cậy, thời kỳ văn hóa Vu Sở cũng từng có một vị tướng quân không đầu, nhưng ông ta cũng không phải vương hầu. Thời cổ đại, hình phạt chém đầucực kỳ phổ biến, trong buổi loạn thế, rất nhiều vương hầu khanh tướng thậm chí cả hoàng đế đều gặp phải kết cục đầu lìa khỏi cổ, nếu muốn liệt kê ra hết, chỉ sợ chẳng bao giờ tìm ra được đầu mối. Vì vậy, chúng ta tập trung chú ý vào vùng Ba Thục thôi."
Mọi người thương lượng hồi lâu, đều không nghĩ ra ở vùng phụ cận Vu Sơn có đại vương không đầu nào. Shirley Dương nói: "Chỉ sợ vương này không phải là vương, truyền thuyết địa phương thì cứ phải đến huyện Vu Sơn rồi thăm dò mới chứng thực được. Đằng nào ngày mai cũng xuất phát vào Xuyên rồi, theo lý chúng ta nên đặt ra kế hoạch chu toàn mới phải."
Tôn Cửu gia nói: "Có cần nghĩ cách kiếm một mảnh giấy giới thiệu gì đấy không? Đến nơi rồi việc ăn ở đi lại sẽ tiện lợi, nhưng muốn kiếm giấy giới thiệu thì ít nhất phải đợi thêm một tháng nữa."
Tôi nói không cần xin giấy má gì cả, có điều, nếu có giấy giới thiệu cũng tiện thật, thôi thì để tôi tự viết một tờ, bảo Răng Vàng tìm thợ khắc ấn, làm ngay một con dấu củ cải trong đêm là được rồi.
Tôn Cửu gia chắt lưỡi không thôi: "Đúng là gan góc thật, giấy giới thiệu mà cậu cũng dám tự làm à?"
Tuyền béo cười khùng khục nói: "Thời buổi này người ta nhận dấu không nhận người, mang theo con dấu củ cải là không phải lo gì cả. Tôn Cửu gia ông không biết chứ, ở Phan Gia Viên có đầy nghệ nhân sống bằng nghề khắc dấu củ cải đấy nhé."
Shirley Dương không biết tác dụng của giấy giới thiệu, lại hỏi tôi cần mang theo trang bị gì? Hoàn cảnh địa lý tự nhiên ở Vu Sơn như thế nào?
Tôi nói với Shirley Dương: "Anh chưa đi Vu Sơn bao giờ, nhưng hồi trước trong quân đội, từng có mấy người chiến hữu quê ở Trùng Khánh, nghe bọn họ nói, Vu Sơn là cửa ngõ phía Đông của Tứ Xuyên, huyện thành nhiều dốc nhiều bậc thang, địa hình chỉnh thể đại khái là bảy phần núi một phần đất bằng hai phần nước, Trường Giang vô tận cuồn cuộn chảy, trong núi nhiều mây nhiều mưa. Công cụ trang bị chúng ta để lại Bắc Kinh hồi trước không còn nhiều, nhưng anh thấy thế cũng đủ dùng rồi. Lần này tuy cũng là vào núi, nhưng không giống như sa mạc Tân Cương, thuốc nổ súng ống đều không thể mang theo, ngoài các công cụ của Mô Kim hiệu úy, chỉ cần thuốc men cấp cứu, xẻng công binh, đèn chiếu sáng, thiết bị liên lạc cùng trang bị leo núi đơn giản là được."
Tuyền béo nói: "Mang súng theo mới gọi là như hổ thêm cánh, trong tay có đồ nóng, lá gan cũng to hơn hẳn, tôi đoán cái bọn Quan Sơn thái bảo gì đấy cũng không phải đèn cạn dầu đâu, quá nửa là một đám giặc cướp thành tinh, giết người như ngóe, mang theo ít thuốc nổ nữa cho chắc, có câu phòng trước thì không gặp họa..."
Tôi bảo cậu ta: "Mấy năm nay đường sắt đường bộ đều kiểm tra gắt gao lắm, trên đường không được mang theo vật phẩm dễ cháy nổ. Với lại ,tất cả các truyền thuyết về mộ cổ thôn Địa Tiên đều hình dung đó là một nơi thần bí kì dị, chứ chưa từng nói nó nguy hiểm khủng khiếp thế nào. Tôi thấy, cùng lắm chỉ là một số cơ quan cạm bẫy vớ vẩn thôi, sau nhiều năm chắc đã mất hết tác dụng rồi. Chúng ta vào núi khảo sát chứ có phải đi đánh trận đâu, mà nghĩ lại thì ngôi mộ Địa Tiên ở Vu Sơn ấy chẳng qua là mộ phần của một tên đại địa chủ đời Minh, chú trọng chôn giấu kỹ càng thôi, chứ không thể nào kiên cố to lớn như lăng mộ hoàng đế được. Vì vậy không cần mang đại pháo đi bắn muỗi, chuyến này chủ yếu là dựa vào thủ đoạn của Mô Kim hiệu úy chúng ta."
Tôn Cửu gia chen vào: "Hồ Bát Nhất giỏi thật, cậu già dặn kinh nghiệm như thế, câu nào câu nấy đều nói trúng điểm mấu chốt, còn dám bảo không biết kỹ thuật trộm mộ nữa à? Muốn tìm được mộ cổ thôn Địa Tiên, cũng phải có hạng nhân tài như cậu mới làm được."
Tôi nói: "Về mặt phá giải các mê ngữ và kí hiệu cổ đại, Tôn Cửu gia ông là bậc nguyên lão trong nghề, nhưng nếu nói đến việc tìm long mạch trong núi, thì ông chỉ là kẻ ngoại đạo thôi. Có điều, mấy câu vè cái gì mà hay cho đại vương, có thân không đầu, muốn đến Địa Tiên, hãy tìm ô dương..., phải nhờ ông nghĩ cách phá giải cho, đến lúc ấy chúng ta đồng bộ tiến hành, chẳng lo không làm được việc lớn."
Nói thì nói vậy, nhưng trong lòng tôi chẳng thấy lạc quan chút nào, có lẽ cuối cùng lại công cốc cũng nên. Truyền thuyết về thôn Địa Tiên quá đỗi thần bí, chính sử không ghi chép lại. Đoạn ghi chép duy nhất tương đối đáng tin cậy là ở trong quyển bút ký Ba Thục Tạp Lục của một người Tứ Xuyên thời nhà Thanh. Trong đó đề cập: thuở Minh mạt Thanh sơ, bọn giặc cướp vào Xuyên, đào quật mồ mả hàng loạt hòng tìm kiếm đơn đỉnh thiên thư trong mộ Địa Tiên. "Đơn đỉnh" là một từ rất đặc biệt, là tên khoa học của nội đơn bên trong xác cổ. Nếu chẳng phải hết cách, tôi đã không chỉ dựa vào một đoạn ghi chép manh mún ấy mà nảy ra ý định đi Tứ Xuyên tìm kiếm mộ cổ thôn Địa Tiên. Ngoài ra, truyền thuyết bọn giặc cỏ cuối thời Minh đào núi quật mồ cũng không phát sinh ở khu vực Vu Sơn. Có điều, Ba Thục Tạp Lục không phải thứ sách nhảm nhí bậy bạ, trong sách ghi chép lại một cách chân thực rất nhiều truyền thuyết về phong thổ nhân tình ở Tứ Xuyên, nội dung khá đáng tin cậy.
Lúc này Tuyền béo sực nhớ ra một vấn đề quan trọng vẫn chưa thảo luận, liền đứng bật dậy nói: "Vừa nãy cậu Nhất nói rất hay, nhưng về phương diện công tác tư tưởng vẫn chưa đủ, bản tư lệnh đây bổ sung thêm cho mọi người mấy câu nữa. Đứng trước tiếng khóc than cầu viện của dân mò ngọc Nam Hải, đều là những kẻ sống bằng nghề, Mô Kim hiệu úy chúng ta đây tuyệt đối không xuôi tay đứng nhìn. Nghe các cậu nói, Quan Sơn thái bảo kia hẳn là một tên đại đạo thông thiên, vàng bạc châu báu hắn giấu trong mộ cổ ở Vu Sơn đảm bảo chất chồng như núi. Tôi thấy đội thám hiểm chúng ta cần phải dựa trên nguyên tắc thăng quan phát tài không được tham ô lãng phí, đến lúc ấy cái gì cần đổ đống thì đổ đống, cái gì cần đóng gói thì đóng gói..."
Giáo sư Tôn lập tức phản đối: "Tuyệt đối không được, chỉ dập lại hình vẽ quẻ Chu Thiên là đủ rồi, những thứ khác đều không được động tới, tôi xin nhắc lại một lần nữa, tôi đây không phải vì tiền tài."
Tuyền béo bảo, ông thế này há chẳng phải dối mình gạt người sao, tranh danh cũng chằng cao thượng gì hơn trục lợi đâu? Tôi vội ngăn cậu ta lại nói: "Mỗi người có cách xử sự khác nhau, không cưỡng cầu được, những chuyện khác tôi mặc kệ, nhưng kim đơn trong xác cổ thì nhất định phải móc ra. Bây giờ tranh luận chuyện này vẫn còn quá sớm, đợi đến khi tìm được mộ cổ Vu Sơn rồi tùy cơ hành sự là được."
Thương lượng xong xuôi, bốn người chúng tôi liền chia nhau đi thu dọn đồ đạc, sáng sớm hôm sau xuất phát lên đường. Hành trình đương nhiên khó tránh cảnh có đường đi xe, gặp sông lụy đò, những chuyện đói ăn khát uống, tàu xe mệt nhọc ấy không tiện kể ra hết ở đây.
Huyện Vu Sơn chính là đoạn Vu Hiệp trong Trường Giang Tma Hiệp . Dòng Trường Giang cuồn cuộn, khí thế nhấn chìm cả núi sông, xẻ đôi núi cao non cả chảy về phía Đông. Khu vực hẻm núi này chia làm ba đoạn Cù Đường Hiệp, Vu Hiệp, Tây Lăng Hiệp, giữa các hẻm núi được nối liền với nhau bằng thung lũng rộng, tổng cộng dài gần hai trăm ki lô mét.
Cù Đường Hiệp nổi tiếng hùng vĩ hiểm trở, Tây Lăng Hiệp lại là nơi nước xiết nhiều bãi đá ngầm. Nguồn gốc cái tên Tây Lăng Hiệp này có thể tryu ngược đến thời Hán, giống như những địa danh Nguyễn Lăng, Vũ Lăng vậy, đều do đất ấy có mộ cổ hay quan tài treo mà thành tên. Tiếc rằng, hiện giờ đã chẳng thể tìm được di chỉ những lăng mộ ấy, càng không ai nói được những vùng đất lấy "lăng" làm tên đó rốt cuộc mai táng những vị cổ nhân nào.
Còn Vu Hiệp lại có đặc trưng là u tĩnh tú lệ, núi non liên miên, mây mù mờ mịt. Huyện Vu Sơn có đường quốc lộ chạy vòng quanh núi, có thể ngồi xe khách đường dài đến huyện thành. Đường núi quanh co, lại gặp ngày sương mù dày đặc, xe chạy rất chậm, xung quanh là rừng rậm xanh um cùng những dốc núi lởm chởm đầy những tảng đá hình thù quái dị thấp thoáng ẩn hiện trong màn sương mù, khiến người ta khó mà thưởng thức được vẻ đẹp của rừng xanh núi biếc.
Chưa đi được nửa quãng đường, tài xế đã dừng xe lại, chắc có lẽ anh ta không muốn lái xe trong sương mù, sợ xảy ra chuyện, muốn đợi đến khi mây mù tan bớt mới đi tiếp. Hồi đó TrungQuốc còn ít xe hơi, người có bằng lái lại càng hiếm hơn, vì vậy cánh lái xe rất được trọng vọng, ai có người quen làm tài xế, trước mặt người khác cũng thấy mình oách hẳn lên.
Ở vùng núi lại càng chuộng nghề này, những cô gái xinh xắn nhà có điều kiện đều nhăm nhe gả cho tài xế. Cô nào gả được cho tài xế thì vừa oai vừa thích, cô nào không thành thì cả ngày nước mắt lưng tròng. Các bác tài cũng vênh váo lắm, nói một là không bao giờ hai, đã không muốn đi thì tuyệt không có hành khách nào dám thúc giục. Nếu bác tài hứng lên muốn làm vài chén, chiều ngủ một giấc rồi mới chịu lái xe đi thì hành khách vẫn phải chịu, mỗi ngày chỉ có một chuyến xe, muốn không đi cũng chẳng xong. Chúng tôi nhập gia tùy tục, cũng đành ăn uống nghỉ ngơi ở một trấn nhỏ ven đường, tiện thể hỏi thăm thông tin về trấn Thanh Khê và đại vương không đầu luôn.
Cái thị trấn nhỏ đến mức chẳng thể nào nhỏ hơn này xây men theo triền núi, kiến trúc đa phần chỉ có hai màu đỏ trắng, hầu hết đều là nhà cũ đã có từ thời trước Giải phóng. Chúng tôi ăn trưa ở một quán điểm tâm bản địa ngay cửa trấn. Ông chủ là một tay đầu trọc lốc, bộ dạng ngu ngơ ngờ nghệch, nói theo kiểu dan địa phương thì là "đầu to óc quả nho ", thấy khách đến ăn chỉ biết nhe răng ra cười hềnh hệch, chẳng chào mời gì cả, nhưng muốn ăn gì y liền làm cho món ấy, tay nghề cũng thuộc loại khá.
Tôi ăn hai bát bánh chẻo, bụng đã lưng lửng, cái đầu suốt dọc đường phải chịu tròng trành lắc lư cũng tỉnh táo hơn nhiều, liền đánh mắt ra hiệu với Shirley Dương và Tôn Cửu gia, bảo họ cứ tiếp tục dùng bữa, để tôi đi moi chút thông tin. Sau đấy, tôi đứng lên, bước lại gần mời tay chủ quán trọc đầu kia một điếu thuốc, mượn cớ bắt chuyện: "Ông chủ này, đầu ông nhẵn bóng ghê nhỉ, nhất định là có phúc tinh phù hộ rồi."
Tay chủ quán đầu trọc nghe thế cả mừng, lại hỏi tôi từ đâu đến. Tôi bảo bọn chúng tôi ở Bắc Kinh đến đây khảo sát di tích lịch sử, muốn hỏi thăm bác một nơi, bác có biết hay không.
Chủ quán đầu trọc gật đầu nói: "Hay đấy, không biết nhà anh muốn hỏi thăm chỗ lào vậy?"
Tôi hỏi y có biết trấn Thanh Khê ở đâu không, vùng này thời cổ đại, có truyền thuyết về vị đại vương nào bị chặt đầu hay không?
Chủ quán đầu trọc lắc đầu: "Chưa nghe bao giờ, làm gì có đại vương lào bị chặt đầu chớ? Trước Giải phóng dân chúng bị thổ phỉ quân phiệt chặt đầu thì nhiều lắm, hồi ấy tôi vẫn còn bé tí, nghe người già kể, cọc gỗ ở đầu phố đều dùng để chặt đầu đấy..."
Tôi vừa nghe liền biết tay chủ quán đầu trọc này quả nhiên là óc quả nho, hỏi cũng bằng không, liền nghĩ đến việc thăm dò người khác, ngoảnh đầu nhìn quanh quất, bỗng nhác thấy ở góc phố có một cửa tiệm he hé nửa cánh cửa, nhìn bề ngoài hình như bán đồ tạp hóa.
Nhưng kỳ quái ở chỗ, trước cửa tiệm lại dùng dây thừng treo một cái hộp gỗ màu đen trông như chiếc quan tài nhỏ, thân hộp quết rất nhiều sơn sống đen tuyền, phỏng chừng niên đại rất xa xưa. Lớp sơn bên ngoài đã bong tróc, nhưng chỉ nhìn màu gỗ cũng đủ biết là gỗ tử đàn. Thứ này nhất đình là cổ vật có chút lai lịch, vả lại hình dáng không hề tầm thường. Tôi càng nhìn càng thấy lạ, không ngờ ở cái trấn nhỏ hẻo lánh tầm thường này, lại có vật như thế. Lần này để tôi trông thấy, coi như đám Mô Kim hiệu úy chúng tôi gặp may rồi.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Ma Thổi Đèn.