Quyển 8 - Chương 14: Thiên hiểm vô hình
-
Ma Thổi Đèn
- Thiên Hạ Bá Xướng
- 3753 chữ
- 2021-02-03 04:43:14
Chúng tôi tưởng giáo sư Tôn muốn nói đến cái xác vô danh kia, đang định lại xem, chợt lão ta nói tiếp: "Không phải là cái xác khô, là tấm bia mộ này cơ, quả nhiên là cột mốc chỉ đường đến thôn Địa Tiên."
Nghe vậy, tôi phấn chấn hẳn lên, vội cùng Tuyền béo nhắc cái xác vô danh sang bên, chỉ thấy trên bia mộ vốn bị xác chết chắn mất không phải tên tuổi của người chết, mà khắc lõm vào năm chữ "Quan Sơn chỉ mê phú", nét khắc mạnh mẽ, cứng cáp, hai bên còn có mấy hàng chữ nhỏ, tôi lướt mắt đọc qua, chính là đoạn ám nữ để tìm kiếm mộ cổ Địa Tiên kia: "Hay cho đại vương, có thân không đầu; nương tử không đến, núi non không khai..."
Tôi thấy đoạn ám ngữ trên tám bia vỡ này hoàn chỉnh hơn hẳn phần trung đoàn trưởng Phong năm xưa thổ lộ cho giáo sư Tôn, bất giác mừng rỡ ra mặt: "Thì ra ám ngữ ẩn chứa bí mật về mộ cổ Địa Tiên này, gọi là 'Quan Sơn chỉ mê phú', mấy câu phía sau là..."Muốn đến Địa Tiên, hãy tìm ô dương; trước đài Hách Hồn, m hà vắt ngang; cầu tiên vô ảnh, mắt tục khó tìm, ngả vách xả thân, một bước lên trời; Tường sắt vách bạc, càn khôn tại số; Hắc Sơn động phủ, thần khuyết diệu cảnh; lầu đồng trăm quan, Ngoã gia đến cửa; Dập đầu tám trăm, sẽ được trường sinh."
Chúng tôi đọc đi đọc lại mấy lần, hầu như chẳng hiểu gì cả, theo kinh nghiệm trước đó, cứ lần mò đi tới, tự khắc sẽ ngộ ra lý lẽ bên trong, nên cả bọn liền chép bài "Quan Sơn chỉ mê phú" trên tấm bia vỡ ấy lại.
Giáo sư Tôn nói với cả bọn: "Giờ thì tốt rồi, bao nhiêu năm nay, rốt cuộc cũng đã đọc được toàn bộ bài 'Quan Sơn chỉ mê phú' chỉ đường đến thôn Địa Tiên, di chỉ mộ đạo của mộ Ô Dương vương có thể nằm trong chính hang động tận cùng 'điểu đạo trăm bước' này rồi." Nói đoạn, lão ta lại trầm ngâm: "Trước đài Hách hồn, âm hà vắt ngang... tiếp sau đây có thể là một đài cao và một dòng sông ngầm, chúng ta cần phải chuẩn bị tâm lý trước đã."
Tuyền béo nói: "Cái đoạn Chỉ mê phú này có phải nhắc đến vàng bạc châu báu gì không? Mấy chữ này nghe ra còn có vài phần tác dụng, chứ đoạn đường chỗ hẻm Quan Tài này toàn là đường trên trời, nguy hiểm quá đi mất, giờ tôi vẫn còn thấy đầu gối mềm nhũn cả ra đây, nếu trong mộ có vàng bạc châu báu thật, đại gia đây mới coi như không uổng một phen khiếp vía."
Út từng nghe kể về truyền thuyết mộ yêu tiên của dân bản địa, nghe Tuyền béo nói vậy liền hỏi cả bọn: "Dập đầu lạy địa tiên là có thể trường sinh bất tử à? Có tin được không?"
Giáo sư Tôn nói: "Thế mà cũng tin được hả? Dưới gầm trời này làm gì có ai trường sinh bất tử? Những lời hoang đường ăn không nói có kiểu ta đây có tài bắt thần gọi quỷ ấy, đa phần đều là lời bịa đặt của lũ buôn thần bán thánh, sao có thể tin được."
Tôi nghe mấy người Tôn Cửu gia và Tuyền béo bàn tán xôn xao, cúi đầu nhìn xác chết vô danh kia, rồi lại nhìn tấm bia mộ khắc bài "Quan Sơn chỉ mê phú", ý niệm xoay chuyển trong đầu, chợt nghĩ đến một số việc cực kỳ quan trọng, bèn chen vào: "Chúng ta còn chưa đỗ ông nghè, đừng có vội đe hàng tổng, tình hình trong mộ cổ Địa Tiên thế nào, hẵng vào được bên trong rồi tính toán cũng chưa muộn. Mọi người có nghĩ chuyện trước mắt này có chút kỳ lạ không..."
Bên trong hang động ở tận cùng "điểu đạo trăm bước" rất rộng rãi thông thoáng, "Quan Sơn chỉ mê phú" lại được ghi rõ rành rành ở đây, như chỉ sợ người ta không tìm được mổ cổ Địa Tiên vậy. Mê cung trên vách đá tuy gian nan hiểm trở, nhưng đời nào cũng có các nhân sĩ tinh thông kỳ môn thuật số, thời Thanh lại càng có một dạo hưng thịnh, nếu là cao thủ đổ đấu chân chính, muốn vào tới chỗ này thật chẳng khó khăn gì.
Người xưa có câu: "Mộ, là phải giấu đi, không để người khác thấy." Quan Sơn thái bảo là cao thủ đào mồ quật mả, sao lại có thể làm trò trẻ con vớ vẩn, lập bia chỉ đường ở ngay cửa hang thế này được? Ngoài ra, chỉ có hậu nhân của nhà họ Phong mới biết nội dung "Quan Sơn chỉ mê phú" mà thôi, vậy cái xác khô đằng trước tấm bia vỡ này là người nào? Chẳng lẽ bên trong có điều gì gian trá hay sao?
Những lời này của tôi lập tức khiến cả bọn trở nên hoang mang, giáo sư Tôn ngẫm nghĩ giây lát, rồi tỏ ý không tán đồng: "Vị địa tiên kia hẳn là một kẻ cực kỳ tự cao, sau ki nhìn thấu được thiên cơ, tính tình liền hoàn toàn biến đổi, vì vậy mới vào núi xây mộ giấu của báu, bên trong bài 'Quan Sơn chỉ mê phú' này có hàm ý tiên nhân chỉ lối. Từ những sự sắp đặt này có thể thấy, mộ cổ Địa tiên là để độ cho người ta đắc đạo, không thể coi như một ngồi mộ chôn xác giấu của bình thường mà phán đoán được. Vả lại, 'Quan Sơn chỉ mê phú' cũng không phải thứ bọn trộm mộ bình thường có thể dễ dàng phá giải, những người thực sự hiểu được thuật số ngày nay đã hiếm như sao buổi sớm, không có cơ duyên đặc biệt, chắc chắn sẽ không thể tìm được mộ cổ. Năm xưa, bọn giặc cỏ đông như thế cũng không đào được Thiên thư trong mộ cổ Địa Tiên, đây chính là chứng cứ tốt nhất."
Giáo sư Tôn lại nói: "Chúng ta vừa khéo lợi dụng được ý đồ muốn độ nhân đắc đạo thưở sinh tiền của vị địa tiên ấy, bằng không hẻm núi Quan Tài địa thế hiểm trở như vậy, sợ rằng khó mà tìm được nơi này. Cái xác vô danh này..." Nói tới đây lão ta bắt đầu ngần ngừ, rõ ràng không nghĩ ra phải giải thích việc các xác ngồi trước tấm bia như thế nào cho hợp lý. Người chết thần bí này đã có thể tìm được tới đây, lại thấy cả "Quan Sơn chỉ mê phú", sao còn không tiến vào trong mộ? Mà ngồi chết ở trước mộ đạo như thế?
Lúc này, Shirley Dương đã kiểm tra kỹ lưỡng cái xác khô, thấy giáo sư Tôn tắc tị không nói tiếp được nữa, cô bèn nêu ra suy nghĩ của mình: "Trong hang động này tối tăm ẩm ướt, không thể xác định được người này đã chết bao lâu, nhưng trong người ông ta có mấy cuốn Đạo kinh bằng thẻ tre, tôi nghĩ ông ta có lẽ là người theo Đạo giáo. Nếu ông ta biết 'Quan Sơn chỉ mê phú', vậy mà lúc còn sống lại không thể vào trong mộ, thì có một khả năng không nên xem nhẹ."
Tôi vội hỏi xem khả năng đó là gì? Shirley Dương nói: "Có lẽ nửa năm sau của 'Quan Sơn chỉ mê phú' là một rào cản không thể vượt qua, ông ta không qua được, hoặc không thể tham ngộ nổi, lại không can tâm rời khỏi nơi này, thành thử cạn kiệt tâm sức, cuối cùng ngồi đây mà hoá. Nhưng ông ta chết ở đây cũng có thể vì duyên cớ khác, em chỉ nêu ra một trong các khả năng mà thôi."
Giáo sư Tôn đọc lại nửa sau "Quan Sơn chỉ mê phú" hai lượt, luôn miệng khen Shirley Dương nói có lý, trong các truyền thuyết tôn giáo, đắc đạo thành tiên cũng chia ra làm ba đẳng cấp thượng, trung, hạ. Hạ tiên phải độ hoá sau khi chết, trung tiên thì trước khi đắc đạo phải trải qua bệnh nặng, nạn lớn, "trước đài Hách Hồn, m hà vắt ngang, cầu tiên vô ảnh, mắt tục khó tìm; ném đá xả thân, một bước lên trời", mấy câu này chắc chắn chỉ những khảo nghiện khó khăn nơi hiểm địa tột cùng, e rằng chỉ cần hơi thiếu can đảm và may mắn, là sẽ không thể tiến vào mộ cổ Địa Tiên được.
Tuyền béo nghe vậy, lập tức ngoác miệng ra bốc phét: "Đã dám làm cái nghề mò vàng đổ đấu này thì đến ông trời xuống đây còn đếch sợ, tôi chẳng tin có hiểm nguy gì không vượt qua được, cứ đứng đây nói suông thì ích gì? Phải đi xem mới biết thế nào chứ." Nói xong, cậu ta liền cầm đèn pin bước vào phía trong hang động.
Tôi thầm nhủ: "Thằng béo này thường hay nói những câu ngớ ngẩn, có điều câu vừa nãy coi như nói trúng trọng điểm rồi, m hà với âm hiếc, không tận mắt xem xem thì làm sao biết được là thứ quái gì?" Nghĩ tới đây, tôi lập tức hạ quyết tâm, dẫn theo cả bọn tiến vào trong.
Ngọn núi hai bên vách khảm chằng chịt điểu đạo này cao ngất trời, hai bên vách núi dựng đứng nghìn thước lại càng kéo dài ngút mắt, thực tình cũng không biết ngọn núi này lớn chừng nào nữa. Bọn chúng tôi đi trong hang động chỉ một mực tiến về phía trước, không hề gặp phải lối rẽ nào, hang này rõ ràng kéo thẳng một đường từ lưng chừng núi sang đến phía bên kia. Không biết đi được bao lâu, cả bọn bỗng thấy mắt sáng bừng lên.
Ở cuối đường hầm hang động hiện ra một khu vực có địa hình hết sức kỳ quái. Cửa hang bên kia mở giữa lưng chừng núi, phía trước là một hẻm núi hình chữ "T" ngược, mà lối ra này nằm đúng giao điểm của nét dọc và nét ngang trên chữ "T" ấy.
Đối diện là một ngọn núi cao ngất chọc lên cả mây mù lơ lửng giữa tầng không. Ngọn núi như bị kiếm trời chém xả xuống, tách ra một đường thẳng tắp chính giữa. Dưới đáy khe núi theo chiều dọc, có một "Long môn", hai bên là hơn trăm con thú đá ô dương đứng đối diện nhau. Phỏng chừng bên trong chính là địa cung của mộ Ô Dương vương rồi. Những dấu tích thú đá ô dương có thể gặp ở bất cứ đâu xung quanh trấn Thanh Khê, từ một mặt nào đó đã chứng tỏ quy mô vô cùng to lớn của lăng mộ dưới lòng đất nay. Lại thấy, bên trong Long môn vươn ra một dòng thác bằng đá lơ lửng giữa không trung, bề mặt đá trơn nhẵn óng ánh, trông hết sức kỳ dị, tựa như nước đông cứng lại mà thành, bên trên khắc hai chữ đại triện theo lối Oa Tinh: "Hách Hồn".
Long môn được xây dựng giữa hẻm núi cheo leo chật hẹp này vừa khéo song song với lối ra đường hầm nơi chúng tôi đang đứng, còn hẻm núi nằm ngang kia lại cắt thẳng một đường phía trước, chia đoạn đường phía trước Long môn làm hai đoạn, bên dưới là mây mù vấn vít, sâu không thấy đáy.
Giáo sư Tôn lẩm bẩm một mình: "Xem ra nơi này chính là đài Hách Hồn ngay cả khỉ vượn cũng tuyệt đường rồi, quả là công trình của Tạo hoá, m hà vắt ngang có ý gì nhỉ? Lưng chừng trời có sông ư? Còn cầu tiên vô ảnh lại ở đâu nữa?"
Tôi thấy địa thể nơi này thực vô cùng hiểm yếu, từ lối ra của đường hầm xuyên núi tới Long môn không có cây cầu nào cả, tuy khoảng cách giữa đôi bên chỉ chưa đầy hai chục mét, như thể một đường kẻ chỉ giữa trời mây, nhưng nếu không có loại công cụ đặc biệt như súng bắn dây thừng thì rất khó vượt qua khe sâu ở giữa này. m hà, cầu tiên được nhắc đến trong "Quan Sơn chỉ mê phú", phải chăng chỉ vực sâu phía trước đài Hách Hồn? Lẽ nào thật sự có một dòng m hà lơ lửng giữa không trung?
Tôi định lại gần thêm chút nữa để thăm dò, nhưng vừa dợm bước đã bị Shirley Dương kéo lại, Shirley Dương nói: "Đừng qua đó. Anh nghe phía trước có tiếng gì không?"
Tôi lắng tai nghe, thấy ở giao điểm của hẻm núi hình chữ "T" thấp thoáng tiếng gió như có như không, dường như đâu đây có vô số oan hồn đang khóc lóc nỉ non, bèn chau mày hỏi Shirley Dương: "Tiếng gió?"
Shirley Dương không trả lời, chỉ nhặt một hòn đá ném vào khe núi sâu hun hút phía trước Long môn. Cả bọn nghếch mắt lên nhìn, tức thì đều trợn tròn mắt há hốc miệng ra, chỉ thấy cục đá ấy bay được lưng chừng đột nhiên dừng phắt lại, sau đó tựa như rời vào "mắt bão", lơ lửng trên không trung quay "vù vù vù", chao đảo mấy lượt, rồi chẳng rõ đã bị dòng khí lưu thần bí kia mang đi phương nào.
Trước cảnh tượng đó, chúng tôi đều vô cùng kinh hãi, giữa hẻm núi chữ "T" ngược ấy, thoạt nhìn tưởng bình lặng trống trải, nào ngờ lại ngầm chứ sát cơ. Trước đó chẳng ai ngờ nơi đây lại có dòng khí lưu nguy hiểm đến vậy, có lẽ là tại địa thế đặc thù, khiến gió núi tụ cả về giữa khe sâu, hình thành một dòng xoáy vô hình vô ảnh. Bốn phía xung quanh, ngoại trừ những âm thanh của không khí dao động yếu ớt dị thường, thì hoàn toàn không phát giác được bất cứ dấu hiện gì nguy hiểm nữa, chỉ e, đây chính là m hà vắt ngang trong "Quan Sơn chỉ mê phú" rồi.
Giáo sư Tôn lắc đầu nói: "Không qua được, thần tiên có cánh cũng không qua được đâu, đài Hách Hồn không phải thiên hiểm, mà là một tấm bình phong thiên nhiên, nếu dùng dây thừng móc câu ném qua thì trong nháy mắt cũng bị dòng khí lưu hỗn loạn kia cuốn đi thôi. Xem ra đường này không thông rồi, nhưng cũng không sao, tôi tin rằng hễ có công mài sắt ắt có ngày nên kim, chúng ta bỏ thêm chút công sức, nghĩ cách đi đường vòng ra sau núi tiến vào là được."
Tôi ngắt lời giáo sư Tôn: "Xung quanh hẻm núi Quan Tài đa phần là những ngọn núi cao trên một nghìn năm trăm mét, ông đi vòng kiểu ấy mười ngày nửa tháng cũng chẳng vòng đến nơi, dòng khí lưu hỗn loạn này tuy lợi hại, song trong thuật phong thuỷ thanh ô, đây lại chính là chỗ tàng phong tụ khí. Không phải nơi có điều kiện phong thuỷ tuyệt hảo, tuyệt đối không thể xuất hiện hiện tượng kỳ dị này. Mô Kim hiệu uý sở trường phân kim định huyệt, nhưng nếu không đứng trên cao quan sát trọn vẹn toàn cảnh thì cũng không thể nhận ra được hình thế, long khí, địa của vùng núi này. Mạch núi Vu Sơn mây mù mờ mịt, thuật Phân kim định huyệt chắc chắn không có cách nào thi triển, vì vậy tôi không thể nói chắc được rằng có mấy chỗ "mắt gió" kiểu thế này, chưa chừng sau núi và cửa khe núi cũng có nữa. Nhưng nếu đã phát hiện ra nơi tàng phong tụ khí, chứng tỏ chúng ta đã đặt chân vào khu lăng mộ rồi, bảo là đăng đường nhập thất e còn quá sớm, nhưng nói đã chạm tay vào cửa lớn cũng không ngoa đâu."
Giáo sư Tôn hễ cứ cuống lên là tư duy trở nên cứng nhắc, trì độn, lo lắng nói: "Giờ ngay cả giấy giới thiệu giả cũng làm rồi, còn cách nào nữa đây?"
Tôi phì cười: "Cửu gia, ông xem ông cuống lên một cái là hồ đồ ngay, muốn vào chỗ này, có giấy giới thiệu của ai cũng vô dụng thôi."
Giáo sư Tôn vội giải thích: "Lỡ miệng lỡ miệng, cuống lên thành thử nói 'Quan Sơn chỉ mê phú' thành giấy giới thiệu, giờ 'Quan Sơn chỉ mê phú' chúng ta cũng thấy rồi..."
Tôi ngắt lời ông ta: "Thực ra ông nói vậy cũng không sai, 'Quan Sơn chỉ mê phú' chính là giấy giới thiệu của địa tiên viết, chỉ cần tờ giấy giới thiệu của ông ta không phải đồ rởm, chắc chắn chúng ta có thể tìm ra cách vượt qua chỗ hiểm yếu này từ trong đó."
Shirley Dương nói: "Trước đài Hách Hồn, m hà vắt ngang; cầu tiên vô ảnh, mắt tục khó tìm; ném đá xả thân, một bước lên trời... ba câu này, không biết có phải đều muốn nói đến đài Hách Hồn hay không? Cầu tiên vô ảnh, hắn ám chỉ một cái cầu người bình thường không nhìn thấy, câu cuối cùng thì tôi không hiểu lắm, sao rơi xuống vách núi xả thân lại có thể một bước lên trời? Cầu ở đâu?
Tôi trầm ngâm một lúc, rồi nhắc nhở mọi người trong nhóm: "Còn nhớ cái xác vô danh ở trước tâm bia vỡ không? vị đó có thể cũng muốn tìm mộ cổ Địa Tiên như chúng ta, nhưng ông ta hẳn không phải nghệ nhân đổ đấu hay người yêu thích khảo cô nghiệp dư, tôi đoán rất có thể đây là một người tu tiên cầu trường sinh bất lão. Ông ta chết thế nào thì cũng khó nói, nhưng người này không vào được mộ cổ Địa Tiên, hẳn là bị thiên hiểm vô hình vô ảnh này làm cho khiếp vía, thậm chí còn do dự loanh quanh ở chốn này rất nhiều năm mà không dám hạ quyết tâm xông qua nữa kia."
Tuyền béo nói: "Tư lệnh Nhất, sau khi nghe cậu phân tích, tôi cảm thấy mình hết sức thông cảm với tâm trạng của vị đồng chí kia, con đường này... thật là con bà nó không phải để cho người đi qua, kho báu đã ở ngay trước mắt, vậy mà lại không dám vượt qua, không thể lấy trứng chọi đá, đổi lại là ai đi nữa, cũng không sao can tâm được."
Tôi nói: "Không phải tôi muốn để mọi người hiểu được cảm nhận của nhà thám hiểm kia năm xưa, ý tôi là, mọi người thử nghĩ xem, người kia bị địa thế hiểm yếu của nơi này ngăn trở không dám đi qua, hay là... bị cây cầu kia doạ cho khiếp vía? Tại sao tôi lại nói thế chứ? Bởi vì dọc đường đến đây chúng ta không hề thấy xác của trung đoàn trường Phong, nhưng con khỉ Ba Sơn ông ta nuôi dưỡng vẫn cứ luẩn quẩn quanh đây, chứng tỏ năm ấy ông ta đã chạy được đến Thanh Khê, hơn nữa rất có khả năng đã tiến vào mộ cổ Địa Tiên, nhưng... tại sao con khỉ kia lại không vào cùng ông ta?"
Giáo sư Tôn trầm ngâm: "Ừm... ý cậu là con khỉ Ba Sơn và cái xác vô danh trước tấm bia vỡ cũng giống nhau, đều không dám liều chết bước lên cây cầu tiên kia? còn trung đoàn trưởng Phong gan lớn? Nhưng các cậu nhìn cả hẻm núi trước mắt mà xem, đâu có vật cản gì, trước đài Hách Hồn làm gì có cây cầu nào chứ?"
Ngay sau đó, giáo sư Tôn lại tỏ ý, nếu nói ở nơi tàng phong tụ khí có dòng xoáy do khí lưu hình thành thì còn tin được, vì đây là hiện tượng vật lý đặc biệt, nhưng cầu tiên vô ảnh thì tuyệt không thể tin. Trên đời này làm gì có loại cầu nào vô hình? Là tác dụng quang học chắc? Hay là điểm mù thị giác? Khả năng này không cao lắm, đối diện với sự thật bằng thái độ khách quan... là vấn đề nguyên tắc, tuyệt đối không có chuyện nhượng bộ hay thoả hiệp
Lão ta lại dẫn nguyên văn lời một vị nhân sĩ có vai về năm xưa đã phê phán mình... những truyền thuyết dân gian kiểu này rất không đáng tin cậy, rặt những luận điệu nguyên thuỷ quái dị, được sản sinh ra từ sự "thiếu tri thức, mê tín quá độ, si tâm vọng tưởng", nói chung đều là những tưởng tượng ấu trĩ đến mức không thể hình dung, kẻ nào tin thì đúng là tâm thầm nặng rồi.
Shirley Dương và Út thì cũng đều lắc đầu, không thể tin trên đời này lại có thể có một cây cầu vô hình. Shirley Dương nói: "Ở khu vực tập trung năng lượng cao, mọi thường thức vật lý của con người sẽ trở nên vô dụng, chỉ cần hội đủ điều kiện, thậm chí ngay cả thời gian và không gian cũng có thể vặn vẹo biến hình, nhưng dòng khí lưu đặc biệt hình thành ở chỗ giao điểm của hẻm núi này, còn chưa đạt tới mức có trường năng lượng tập trung cao như thế."
Tôi cười khổ nói: "Tôn Cưu gia quả không hổ là bậc lão thành, quán triệt rất triệt để lời phê của lãnh đạo, còn Shirley Dương cũng không hổ là học viên ưu tú của học viện Hải quân Hoa Kỳ cả hai đều rất có lý, đời nay tuy tôi đã gặp phải không ít chuyện ly kỳ cổ quái, nhưng nói thực lòng cũng không tin có cây cầu vô hình. Có điều tôi tin rằng vực sâu trước mặt chúng ta chính là một cầu... cầu Hách Hồn.