• 513

HỒI 6: RƠI XUỐNG


Nghe Triệu Lão Biệt nói vậy, những câu hỏi không lời đáp trong lòng Tư Mã Khôi lại càng lớn hơn, vì sao không nhìn thấy cảnh sắc núi Lô Sơn ư? Lẽ nào ý lão muốn ám chỉ – đội khảo cổ đã từng nhìn thấy khuôn mặt thật của Nấm mồ xanh, chỉ có điều từ đầu chí cuối mọi người đều không ngờ rằng đó chính là Nấm mồ xanh?
Hải ngọng vốn nóng nảy, thô lỗ, khi gặp chuyện thường chẳng bao giờ chịu động não, cậu ta liếc xéo Triệu Lão Biệt một cái, rồi hỏi:
Đừng đánh đố tôi! Rốt cuộc khuôn mặt Nấm mồ xanh có gì kỳ quái? Lão nuốt phải gan hùm mật gấu hay sao mà dám ỡm ờ nửa vời với tôi?

Tư Mã Khôi xua tay, ra hiệu bảo Hải ngọng đừng gạn hỏi lão ta nữa, anh biết Triệu Lão Biệt là dân giang hồ lõi đời, nếu lão đã không muốn nói thật thì dẫu có vác gậy sắt cậy miệng lão ra cũng vô dụng, bị ép quá lão lại bịa chuyện để ứng phó thì chẳng thà không nói cho xong, hai bên đều để chừa đường lui cho đối phương thì sự việc sẽ kết thúc êm đẹp hơn.
Hơn nữa, Tư Mã Khôi cũng cảm thấy thực ra những lời Triệu Lão Biệt vừa nói ra tuy khá mập mờ nhưng lại ẩn chứa khá nhiều thông tin, ví dụ: bản thân tấm bia Vũ Vương chỉ là một tảng đá bình thường, tộc người Bái Xà khắc bí mật lên mặt đá bằng chữ triện cổ, mấy hàng chữ ấy dường như vạch ra nguyên lý của vạn vật, đó là một ẩn số đáng sợ không được phép dòm ngó.
Lúc này, Thắng Hương Lân mới lên tiếng hỏi Triệu Lão Biệt:
Triệu sư phụ, xin hỏi lão đến đây bằng cách nào?

Triệu Lão Biệt không hề có ý giấu giếm chuyện này, lão thành thật kể lại mọi việc xảy ra lúc đó. Sau khi đến Tây Tạng, lão cùng hội người Anh đến Ấn Độ tìm cơ hội. Tuy trải qua bao lần thất bại, nhưng nhóm người Anh vẫn không chịu từ bỏ, lại còn bàn tính lôi kéo thêm mấy trợ thủ nữa xâm nhập thành Nhện Vàng. Triệu Lão Biệt khoe khoang mình biết bí mật về long ấn triều Hạ và sóng điện u hồn, nhưng ở đó sương mù dày đặc gây chết người che phủ kín khe cốc, chỉ có loài rắn bay mới có thể xuyên qua đám sương ấy, bởi vậy muốn vào thành buộc phải điều khiển được rắn bay, không những vậy còn phải có được lớp da mặt tựa thần Phật của quốc vương Chăm Pa, thiếu một trong hai điều kiện đều không được.
Vào thời điểm ấy, tên trùm tổ chức ngầm chuyên không chế việc buôn bán vũ khí và thông tin tình báo đã mua tin này với giá cực đắt, đồng thời yêu cầu Triệu Lão Biệt dẫn nhóm của hắn đến Miến Điện. Triệu Lão Biệt vô tình biết bí mật chôn giấu trong thành Nhện Vàng liên quan đến một thông đạo dẫn xuống vực sâu, vực sâu dưới lòng đất ấy nằm phía dưới cửu tuyền, đó là nơi vạn kiếp không thể siêu sinh. hoatanhoano.wordpress.com
Triệu Lão Biệt tham sống sợ chết, nhưng cũng vô cùng khiếp sợ Nấm mồ xanh, lão biết rõ sau khi xong việc, chắc chắn bọn chúng sẽ giết mình để diệt khẩu hoặc nếu không sẽ ép mình xuống vực sâu dưới lòng đất, thế là lão đánh bài chuồn, nhờ người chỉ điểm, lão đi một lèo từ Miến Điện sang Ấn Độ, rồi chạy sang biên giới Nepal.
Tổ chức phái người đuổi theo truy sát, suýt nữa Triệu Lão Biệt đã lâm nạn, cuối cùng lão may mắn được Thợ săn – một thành viên từng đào tẩu khỏi tổ chức – cứu mạng. Thợ săn tên thật là Hunting, có dòng máu Hoa lai Ấn, tầm ngoài hai mươi tuổi, từng là quân nhân Anh gốc Ấn, cậu ta là người rất nhanh nhạy, quả cảm, giỏi leo núi, săn bắn và trinh thám, thân thủ phi phàm, cậu ta dẫn Triệu Lão Biệt đến một căn cứ bí mật.
Trong căn cứ còn có vị đội trưởng tiền nhiệm của một đội khảo cổ Pháp lưu trú tại Ấn Độ, vị đội trưởng này dành cả cuộc đời để nghiên cứu về tộc người Bái Xà cổ đại, Hunting là trợ lý của ông ta. Lúc đó, ông ta đang khảo sát địa hình của dãy Himalaya để tìm xem cửa động dẫn vào vực sâu nơi tâm Trái đất nằm ở đâu, rồi nghĩ cách phá hủy những bí mật cổ xưa đến mức không thể cổ xưa hơn được khắc trên tấm bia Vũ Vương, để hoàn thành nhiệm vụ này, bọn họ quyết tâm mai danh trốn trong núi.
Đội trưởng và Thợ săn phát hiện thấy một thông đạo nằm phía dưới dãy Himalaya, nhưng vì thời cơ chưa chín muồi nên họ vẫn chưa có cách gì xuống dưới đó được. Lần hành động này bí mật tuyệt đối, người ngoài không một ai hay biết, nay Thợ săn vô tình cứu được Triệu Lão Biệt và đưa lão về đây thì cũng không thể để lão bỏ đi được. Còn Triệu Lão Biệt cũng suýt bị người của tổ chức ngầm ám sát, lão đã sợ mất mật rồi, nên cũng không dám lộ mặt ra ngoài, từ đó đành trốn biệt trong núi sâu, âm thầm giúp đỡ vị cựu đội trưởng đội khảo cổ chuẩn bị mọi việc, đi thu thập tài liệu ở khắp nơi.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, Triệu Lão Biệt trốn trong núi thoáng cái đã mấy năm, nhờ hành sự cẩn trọng nên tung tích của cả nhóm vẫn không bị bại lộ, sau đó căn cứ lại có thêm ba người khác, Triệu Lão Biệt không nhớ rõ tên của họ, chỉ đặt biệt hiệu cho họ theo diện mạo bên ngoài. Gã Râu xồm là phi hành gia của không quân hoàng gia Anh, nay đã xuất ngũ, gã này tính tình cứng nhắc, nghiêm khắc, mặt xồm xoàm toàn râu. Người thứ hai có biệt tài nghĩ ra những phát minh cổ quái, Triệu Lão Biệt gọi gã là Kỹ sư; ngoài ra còn có một nhà khoa học nữ chuyên nghiên cứu về sinh vật cổ, cô em này được Triệu Lão Biệt đặt biệt danh là Mũ trắng. Tính cả đội trưởng, Thợ săn và Triệu Lão Biệt, thì đoàn thám hiểm xuống lòng đất lần đó có cả thảy sáu người.
Khi thời gian sắp điểm thì trong núi đột nhiên xảy ra cơn địa chấn mức độ vừa phải, kim từ đặt trong bát nước bỗng dưng rối loạn phương hướng. Đội trưởng bảo thời cơ đã chín muồi, mọi người lập tức chuẩn bị xuất phát. Trước lúc khởi hành, đội trưởng còn cẩn thận nói rõ cho mọi người cách sắp xếp bố trí của cả chuyến hành động.
Đội trưởng nói, căn cứ vào các di tích mà hậu thế phát hiện, ông suy đoán, thời tiền sử đã tồn tại một nền văn minh cổ đại với quy mô khá lớn, nhưng không được đặt tên cụ thể, hậu thế quen gọi cụm từ di tích này là
nước Tây Cực
, người sáng lập ra cổ quốc này là tổ tiên của người Bái Xà. Trong quan niệm tôn sùng bái tô tem nguyên thủy, rắn mang ý nghĩa tượng trưng cho vòng tròn luân hồi hỗn độn sinh sản, đồng thời còn tượng trưng cho một vòng tròn quái dị nằm dưới lòng đất. Mức độ phát triển của nền văn minh này cũng tương đương với nền văn minh Ai Cập cổ hoặc Ấn Độ cổ.
Sau đó, nạn đại hồng thủy đã hoàn toàn nhấn chìm di tích này dưới lòng nước sâu, những nội dung trong các ghi chép còn sót lại cùng lắm chỉ bằng một phần trăm những gì từng tồn tại. Trước khi xảy ra nạn đại hồng thủy tiền sử, khá nhiều người Bái Xà đã thâm nhập lòng đất và sinh sống tại các hang động sâu hút. Trong khi đó, ở cửu tuyền thăm thẳm có một tảng đá khổng lồ vẫn say ngủ trước miếu thần, trên mặt phiến đá khắc một nội dung vô cùng đáng sợ.
Thời kỳ Hạ Thương Chu, người ta bắt đầu gắn truyền thuyết về đúc đỉnh Đồ Sơn Vũ Vương và tảng đá ấy liền với nhau, thực ra vương triều nhà Hạ chỉ bắt rất nhiều hậu duệ của người Bái Xà làm tù binh và nô dịch, những nô lệ này vẫn sùng bái tấm bia đang bị vùi chôn dưới lòng đất, họ hi vọng sẽ tìm thấy tấm bia đó, hòng lật đổ ách thống trị của vương triều nhà Hạ. Nghe nói, tuy rằng trên tấm bia khắc hàng trăm chữ triện cổ, nhưng thực ra nội dung viết trên đó không nhiều, chỉ có một hai câu nói. Trong rất nhiều lời tiên đoán cổ xưa, người ta đều cảnh báo tuyệt đối không được thăm dò bí mật khắc trên phiến đá, thậm chí đến sờ cũng không được, nhưng nguyên nhân vì sao thì vẫn là một ẩn số, khó lý giải giống như bản thân tảng đá. Đội thám hiểm do vị cựu đội trưởng đội khảo cổ tổ chức muốn chớp thời cơ, xâm nhập miếu thần, tìm thấy tấm bia, điều tra sự thật về bí mật chôn giấu dưới lòng đất nhanh hơn Nấm mồ xanh một bước. Có điều, họ cũng cho rằng không nên nhìn trộm bí mật khắc trên tấm bia, mà chỉ sử dụng thuốc nổ để phá hủy nó một cách triệt để, nhằm tránh những thảm họa mà nó có thể gây ra. hoatanhoano.wordpress.com
Khu vực núi không có đường đi, trong khi đội thám hiểm lại phải mang vác rất nhiều trang thiết bị, bao gồm lương thực, vũ khí, dược phẩm, xuồng cao su, thiết bị chiếu sáng, thuốc nổ, thiết bị thám trắc… Vì vậy, đội thám hiểm đành thuê một nhóm phu khuân vác và mấy chục con ngựa để vận chuyển.
Triệu Lão Biệt nghe nói đội phu khuân vác chỉ đưa mọi người đến điểm xuất phát là sẽ quay về, nên trong lòng rầu rĩ, đội thám hiểm chỉ có sáu người, phải làm cách nào để khuân hết được đống hành lý khổng lồ đấy đây?
Họ đến một sơn cốc nằm ở sườn tây của dãy Himalaya, ngửa mặt lên chỉ thấy bầy ruồi bay lượn vo ve như máy bay tập kích. Khe núi trong sơn cốc sâu hoắm, vào bên trong là không nhìn thấy mặt trời. Cả đoàn châm đuốc lên, men theo khe cốc không ngừng tiến sâu vào trong, dọc đường, họ gặp mấy vách thành tường sụp đổ, hoang phế, nom như di tích của một ngôi miếu nào đó, đi tiếp vào trong thì tới điểm tận cùng. Đó là một hang động lớn, địa thế gần như dựng đứng, phía dưới đen ngòm, lạnh teo teo, không nhìn thấy đáy.
Đám phu khuân vác vừa nhìn thấy bức tường còn sót lại liền thành khẩn quỳ mọp xuống, vái lạy liên hồi, sau đó họ dỡ hành lý của đội thám hiểm xuống đất, rồi dắt ngựa trở về theo đường cũ.
Triệu Lão Biệt nhìn đống thành lý chất cao như núi, lão dò hỏi tay Thợ săn đứng ngay cạnh:
Mấy người chúng ta thì làm sao mà khuân hết nhiều đồ thế này được?
,
Thợ săn chỉ tay vào bức bích họa còn sót lại trên tường, rồi nói:
Yên tâm, đội trưởng sẽ dùng cách này!
.
Triệu Lão Biệt tò mò tiến lại gần mấy bức bích họa quan sát cho kỹ, vừa nhìn lão đã sững người, bức họa thứ nhất vẽ hình một cô gái đang thè lưỡi hút dã thú kiểu sư tử, hổ, voi vào trong miệng. Bức họa thứ hai vẽ cô gái ấy nhả một tòa thành trì nguy nga lộng lẫy từ trong miệng ra.
Cô gái trong bức bích họa không biết là thần thánh phương nào, miệng và bụng của ả ta giống như cái động không đáy, có thể nuốt chửng vạn vật trên đời, rồi lại có thể ọc ra cả một tòa thành trì chỉ trong nháy mắt.
Triệu Lão Biệt cũng hiểu đôi chút về chuyện kỳ quái này, trước kia lão từng đến Hán Trung và nghe một đồng đạo kể rằng: thời Đường có một thương nhân đi làm ăn xa ở Trường An, sau khi bán hết hàng hóa, ông ta mua một con ngỗng nhốt trong lồng trúc, cõng trên vai, một mình trở về quê. Dọc đường, ông ta gặp một chàng thư sinh đang ngồi nghỉ ngơi dưới gốc cây, thấy người thương nhân nọ đi đến, anh ta vội đứng dậy hành lễ. Chàng thư sinh thanh minh mình không quen đi đường dài, nên bàn chân sùi hết bọng máu, quả thực không thể đi tiếp được nữa, anh ta khẩn cầu vị thương nhân nọ làm ơn để anh ta chui vào trong lồng trúc và mang anh ta đi một đoạn. Vị thương nhân nọ cho rằng chắc anh ta chỉ nói đùa, bèn nói:
Lồng trúc nhỏ thế này, huồng hồ lại nhốt một con ngỗng bên trong, nếu cậu chui vào trong đó được, thì tôi gánh cậu một đoạn cũng chẳng hề gì
. Không ngờ, chàng thư sinh vừa cúi đầu một cái đã chui tọt vào bên trong, chẳng những không phải chen chúc với con ngỗng mà trọng lượng của lồng trúc cũng không hề tăng lên. Vị thương nhân thầm lấy làm kinh ngạc, ngặt nỗi lời đã nói ra thì không thể nuốt lại, nên ông ta đành cõng lồng trúc tiếp tục gấp gáp lên đường. Đến trưa, ông ta dừng lại nghỉ chân, chàng thư sinh trong lồng cũng chui ra, nói:
May được ân nhân giúp đỡ, nếu tiểu sinh không có gì báo đáp, chỉ xin mời ân nhân chén rượu nhạt, rồi ngồi hàn huyên đôi điều tâm sự, coi như tỏ lòng thành ý của tiểu sinh với ân nhân
. Vị thương nhân nọ nghe vậy thì ngạc nhiên hỏi:
Ở đây không có quán hàng, cậu lại tay không, chẳng lẽ ủ rượu ngay tại đây à?
. Chàng thư sinh chỉ cười không đáp, rồi đột nhiên há to miệng, nhả ra một hộp cơm, bên trong hộp toàn cao lương mỹ vị, tiếp đó anh ta lại nhổ ra một bình rượu ngon và hai cái chén. Xong đâu đấy, anh ta ngồi xuống uống rượu cùng vị thương nhân, vừa đánh đàn vừa hát, dường như chưa thỏa hứng, anh ta còn muốn ái thiếp mình yêu quý nhất đến múa phụ họa, thế là anh ta lại há miệng nhả ra một mỹ nữ tuyệt sắc, vóc dáng hết sức yểu điệu, nàng vâng mệnh múa hát và rót rượu phục vụ hai người. Vị thương nhân nọ chưa bao giờ nhìn thấy giai nhân xinh đẹp như vậy nên đờ người ra nhìn, quên cả thưởng thức rượu ngon mỹ vị. Còn chàng thư sinh hứng chí quá uống rượu tì tì, say quá ngã lăn ra đất ngủ luôn, lay thế nào cũng không tỉnh. Mỹ nhân thấy phu quân của mình say bí tỉ, liền quay sang nói với vị thương nhân:
Nô tì vốn có một lang quân tâm đầu ý hợp, nô tì muốn nhân cơ hội này gọi chàng đến, mong đại nhân giơ cao đánh khẽ, kín miệng giùm nô tì, nếu chủ nhân mà biết thì nô tì khó tránh bị người trách phạt
.
Vị thương nhân ngờ nghệch gật đầu, rồi ông ta thấy mỹ nhân nọ khẽ mở khuôn miệng xinh xắn, nhả ra một đại hán râu xồm. Tên này hi hí cười dâm đãng, chắc chắn không phải hạng người lương thiện, hai người thậm thụt với nhau vài câu, rồi dắt tay nhau ra sau gốc cây mây mưa hoan lạc. Một nam một nữ vừa mới hú hí đến nửa chặng, thì chàng thư sinh đang say nhè, nằm ngủ trên mặt đất đột nhiên vươn vai dường như sắp tỉnh dậy. Ả tì thiếp thất sắc sợ hãi, nuốt vội đại hán râu xồm vào miệng, rồi hốt hoảng chỉnh đốn trang phục, đầu tóc. Lúc này, chàng thư sinh đã ngồi đậy, lấy tay dụi mắt, sau đó quay sang trịnh trọng hành lễ với vị thương nhân:
Tiểu sinh say rượu đã thất lễ trước mặt ân nhân rồi, xin ân nhân đại xá cho, từ đây cách nhà không còn xa, tiểu sinh xin cáo biệt, hẹn ngày tái ngộ
, nói xong, anh ta nuốt mỹ nhân cùng bình rượu và hộp cơm vào miệng, rồi đi vào rừng và mất hút. hoatanhoano.wordpress.com
Lúc đó, nghe câu chuyện này, Triệu Lão Biệt cảm thấy thật ngoài sức tưởng tượng, bèn hỏi đồng đạo phải chăng trên đời thực sự tồn tại loại dị thuật này?
Vị đồng đạo kia nói, dị thuật này được gọi là phép ảo thuật dịch chuyển càn khôn, cho dù có tồn tại thật thì nó cũng không phải pháp thuật của đông thổ Đại Đường chúng ta, mà chắc chắn được du nhập từ Ấn Độ, chỉ người Ấn Độ mới nghĩ ra được loại pháp thuật quái dị như vậy.
Hôm nay, tận mắt nhìn thấy bức bích họa dưới núi Himalaya, Triệu Lão Biệt mới biết truyền kỳ này không phải là giả, quả nhiên thuật ảo hóa di chuyển bắt nguồn từ đây, thế là lão quay sang Thợ săn, rồi bảo:
Không ngờ trong đội ngũ của mình có nhân vật kiệt xuất ngọa hổ tàng long, thông hiểu dị thuật cao siêu tầm cỡ này, hay là truyền lại cho mỗ, có công phu này trong tay lo gì ngày sau không thể tiêu dao bốn bể?

Đội trưởng đứng bên cạnh nghe thấy, liền bảo Triệu Lão Biệt đó chỉ là chuyện hoang đường, sao lại coi là thật? Nội dung bức bích họa miêu tả trong chùa chỉ là sự ẩn dụ của cổ nhân, ám thị muốn thâm nhập lòng đất thì phải trượt từ trên trời xuống, chính vì vậy, chúng ta còn cần đến một đồng sự nữa, tôi đặt tên cho đồng sự này là
nhà thám hiểm Corot Maar
.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Mê Tông Chi Quốc IV: U Minh Cửu tuyền.