Chương 8
-
Nàng Ido
- Géza Gárdonyi
- 6132 chữ
- 2020-05-09 03:38:12
Số từ: 6122
Dịch giả: Hà Anh My
NXB Thanh Niên
Chiều hôm đó, họ may mắn vì đã tìm được nhà, đó chính là ngôi nhà của ông chánh án.
Ngôi nhà đó thích hợp với họ. Đồ gỗ trong nhà đã có sẵn mà lại không phải là loại môđéc, có lẽ chúng đã phục vụ bốn mươi năm thâm niên cho đôi vợ chồng ông chánh án rồi, - phòng khách, phòng ăn và phòng làm việc của ông chánh án đều có cửa sổ nhìn ra vườn Ănglê. Còn một phòng nữa là phòng ngủ của vợ chồng ông có cửa nhìn vào sân.
Trobo đã chọn ngay phòng làm việc của ông chánh án làm phòng vẽ của mình. Phòng đó cạnh phòng khách, bé hơn phòng ăn một chút và chỉ có một cửa sổ nhưng là một cửa sổ lớn đầy ánh sáng. Phòng vẽ có cửa thông ra hành lang, tiện cho những người mẫu có thể ra vào riêng biệt.
Vợ chồng ông chánh án rất mừng đón tiếp vợ chồng Trobo, bởi vì họ thấy vợ chồng chàng chưa có con. Trẻ con hay làm hư hỏng đồ gỗ trong nhà. Thoạt đầu, Trobo đã nói rằng không cần thuê đồ gỗ của nhà, bởi vì vợ chồng chàng chỉ ở Muychen có một năm, vì thế họ sẽ ra chợ thuê loại đồ gỗ rẻ thôi. Hai vợ chồng ông chánh án có vẻ lúng túng. Các cháu của họ mới cưới và đã đi nghỉ ở nhà con trai họ ở Jôhannes Kirchen. - Đồ gỗ trong nhà này có thể gửi đi đâu được, tốt nhất là để nguyên trong nhà. Vì thế, họ nhanh chóng thỏa thuận với nhau về chuyện đồ gỗ với giá rẻ hơn bình thường.
Vợ chồng Trobo phải trả nửa năm tiền thuê nhà là bảy trăm mác. Còn đồ gỗ và dụng cụ nhà bếp phải trả thêm ba trăm mác nữa. Bù vào đó, vợ chồng ông chánh án để lại cho vợ chồng họ một cô gái giúp việc tên là Ketchen (thường gọi là Kati). Vì cô ta không cần phải đi theo đến nơi nghỉ của ông bà, cô ta lại biết trông nom nhà cửa và biết nấu nướng khá tốt.
Thế là vợ chồng Trobo đã có nhà ở, mà trong nhà lại đầy đủ tiện nghi, có chiếc đivăng bọc nhung màu xanh lá cây và các cánh cửa tra dầu cẩn thận. Có cả đàn piano nữa. Chỉ còn cần chuyển bớt vài thứ đồ gỗ cồng kềnh trong phòng làm việc của Trobo sang các phòng khác là xong.
Ngày hôm sau, họ chuyển đến đó ở.
Trobo đi mua đồ dùng làm việc ở cửa hiệu bán đồ vẽ như: bút lông, vải toan, giấy, giá vẽ, khung tranh... Iđo thì đi chợ mua tạp dề trắng ở cửa hàng bán đồ nội trợ. Bởi vì nàng không muốn cho Kati chỉ nấu các món ăn Đức trong bếp nàng. Kati đi chợ để mua thịt, rau và các thứ thức ăn khác.
Bữa trưa, họ đã ngồi bên bàn của gia đình như là họ vẫn ngồi ở đó từ lâu rồi.
— Kati nấu ăn không tồi. - Trobo nói, sau khi ăn món thịt gà rán, - cả món xúp cũng rất tuyệt. Tiểu thư chắc cũng thấy ngon miệng chứ?
Iđo mỉm cười trả lời:
— Thưa ngài, tôi cũng thấy ngon miệng.
Lần đầu tiên khi chỉ có hai người với nhau, nàng mỉm cười.
Khi cô hầu gái bưng vào đĩa bánh có phó mát tươi thì Trobo hỏi:
— Chẳng nhẽ cô cũng biết làm món này ư, Kati?
— Không phải cô ấy làm đâu, chính tôi làm đấy. - Iđo trả lời, lúc này nàng không cười nữa. Nét mặt thản nhiên.
Trobo ăn liền hai miếng bánh, nhưng chàng không nói gì. Bên cạnh chàng, quyển vở vẽ dầy cộp. Giữa lúc đang ăn, chàng cũng rút bút chì ra và vẽ vài nét phác họa gì đó vào quyển vở. Iđo không nhìn, bởi vì nàng muốn tỏ ra mình không quan tâm đến những việc Trobo làm. Nhưng buổi chiều tà, khi Trobo đi đâu đó ra khỏi nhà, nàng đã vứt ngay đi sự giả bộ đó để vào phòng vẽ của Trobo xem chàng làm gì ở đó.
Trên giá vẽ đã có sẵn hai cái bảng vẽ bồi giấy dầy, thô. Cả hai đều trắng. Nhưng ở sát tường có dựa một vài bảng vẽ. Iđo lật ra xem thử. Trên một bảng vẽ, đã phác họa một hình người phụ nữ, còn ở một bảng khác cũng có phác họa một gia đình đang ngồi ăn. Bảng phác họa hình người phụ nữ nom thật đặc biệt: Hai cánh tay dang ra, hai chân cũng vậy, nhưng hai cổ tay và cái đầu thì rũ xuống như bị gẫy xương vì nom nó lủng lẳng. Tất cả chỉ mới vẽ bốn - năm đường bằng chì than. Cũng không thể nhìn rõ trên hình vẽ, cô gái mặc áo hay khỏa thân. Cả hai bản vẽ đều có vẻ nguệch ngoạc như là của trẻ con học vẽ vậy.
Iđo bắt đầu nghĩ đến chuyện đi thăm đáp lễ bạn bè, sau khi đến đó ở được ba ngày. Điều này cũng phù hợp với ý kiến của Trobo, nhưng theo chàng, đối với tất cả mọi người chỉ nên đến thăm hỏi thôi, còn nhận ăn cơm chiều chỉ đến vài người thân mà chàng điểm tên cho Iđo biết. Đối với những người bạn độc thân thì chỉ cần một mình Trobo đi thôi. Còn người nào có gia đình, thì họ sẽ đi cả hai vợ chồng. Riêng anh chàng Kenđer, tuy chung sống với Miluska đã có con nhưng Trobo vẫn tính là độc thân, và Iđo không phải đến.
Iđo nhìn đồng hồ, đã quá ba giờ chiều. Nàng có nên vào phòng làm việc gọi Trobo hay là đợi đến khi chàng đi ra?
Có lẽ tốt hơn cả là nên đợi.
Nhưng rồi nàng nghe thấy có tiếng người nói chuyện trong phòng Trobo - giọng nói của Trobo mỗi lúc một to hơn, nhỏ dần lại, rồi lại to lên.
— Anh bạn cứ nghĩ mình như là con ong trở về tổ và trong túi mình có bạc triệu ấy.
Chàng nói chuyện với ai? Chắc là một người bạn Hung. Người đó có phải là người mà nàng đã gặp ở trong bữa ăn hôm mới đến không?
— Nhưng mà mình có xin của cậu một đồng xu nào đâu. - Một giọng đàn ông cắt ngang lời Trobo vẻ tự ái, - mình chỉ mời cậu đến nhà chúng mình và làm cha mẹ đỡ đầu cho con chúng mình. Nếu cậu chưa có vợ thì mình cũng không nghĩ đến chuyện này đâu. Chúng mình đã là bạn tốt của nhau kia mà. Mình tưởng là cậu sẽ vui vẻ nhận lời chứ.
Iđo tiến đến gần cánh cửa để nghe.
— Nhưng mà cậu lại bắt đầu sự than vãn rằng vợ cậu đau ốm, đã hai tháng nay cậu không bán được tranh nào. - Trobo nói.
— Ba tháng chứ không phải là hai, ba tháng rưỡi, - giọng nói kia chữa lại.
Trong tâm hồn Iđo có một cuộc đấu tranh quyết liệt giữa hai người. Một bên là Iđo với sự tự trọng cao quý như một nữ bá tước. Còn bên kia là của một người phụ nữ rất tò mò. Cuối cùng Iđo bá tước đã phải chịu thua. Nàng ghé mắt nhìn vào lỗ khóa.
Nàng kinh ngạc khi nhìn thấy một người phụ nữ da nâu, tóc đen, mắt đen đang ngồi trước lỗ khóa. Cô ta mặc váy màu đen, vải thô, môi hơi dầy, da nâu gần như xạm đen y như là cô ta bị phủ một lớp bồ hóng của bếp lò. Tóc cô ta đen đặc biệt, những sợi tóc xoăn xoắn vào nhau như là người không gội đầu cả tháng. Đôi mắt nhỏ đờ đẫn. Cổ cô ta đeo thứ dây chuyền rẻ tiền. Nhưng cô gái đó không nói chuyện với Trobo, mà một người khác ngồi về phía cửa sổ, Iđo không thấy mặt. Giọng của Trobo cũng vang lên ở góc đó:
— Rất tốt là cậu đã giới thiệu vợ cậu cho vợ chồng mình biết. Nhưng xin cậu hãy thôi ngay đi cái trò cha mẹ đỡ đầu này và cũng đừng ba hoa gì với Iđo về chuyện cậu ăn ở với Miluska không giá thú như người Digan nữa. Từ giờ, cậu không được phép dẫn vợ cậu đến đây nữa. Không những vợ mình sẽ không thể làm mẹ đỡ đầu cho con cậu, mà cả vợ cậu cũng không được đến đây. Bởi vợ mình là một cô gái lớn lên trong trường dòng. Cô ấy rất đức hạnh và ngoan đạo. Cô ấy không thể tưởng tượng được có những việc như thế này đâu. Mình rất tiếc, Kenđer ạ, nhưng mình cần phải tôn trọng tình cảm của vợ mình.
— Vợ cậu cao quý thật đấy, thế mà ngay từ đầu mình lại tưởng cô ấy là mẫu của cậu.
— Cậu không được phép nói như vậy!
Rồi chàng nói thêm, giọng có vẻ tự ái cao độ:
— Mình bảo đảm sẽ tỏ ra lịch sự tôn trọng vợ cậu, nhưng cậu thử đặt cậu vào địa vị của mình xem mình có thể làm gì khác không nào?!
— Thôi mình cũng không mời vợ chồng cậu nữa đâu, nhưng giá mà...
— Mình muốn cậu hãy nói thẳng với mình xem cậu muốn gì? - Trobo sốt ruột.
— Chắc cậu cũng biết, vợ mình đau dạ dày, không thể nào khỏi được cả. Những lúc cô ta không đau thì cô ta làm việc như một con chó săn vậy, và chỉ có tối mới nghĩ đến ăn uống. Mà cũng vì thế mà mình gắn bó với cô ta đấy. Cậu hãy mở lòng thương xót mình, cho mình một trăm mác thôi, đã lâu rồi mình không được vòi vĩnh cậu, mình cố vẽ tranh đấy chứ, nhưng giá rẻ mạt quá cậu ạ.
— Cậu hãy nghe đây, rồi nói lại cho những cậu bạn chỉ quen ăn tiêu hoang toàng biết là mình cưới vợ không phải là đào mỏ, không cưới vợ vì tiền.
— Không phải vì tiền? Mà cũng phải, với một người phụ nữ đẹp như vợ cậu thì không phải cưới vì tiền rồi.
— Cậu nhìn thấy vợ mình chẳng có đồ trang sức nào trên người! Ngay cả đến cái vòng đeo tay cô ấy cũng chẳng có.
— Thế thì cậu lấy đâu ra tiền mà thuê cả một căn nhà lộng lẫy thế này?
Khói thuốc lá bay lên mù mịt che khuất cả cô gái đang ngồi.
— Mình cũng xin hỏi cậu đây. Mình đã bao giờ hỏi cậu có bao nhiêu tiền trong ví chưa? Chẳng lẽ người ta lại không có quyền dùng tiền để thuê nhà ở, khi mới bắt tay vào làm việc sao?
— Nào, nào, mình tưởng...
— Khi mà mình rời đây đi, mình còn chưa làm được điều gì hay ho cả, Kenđer, mình nợ nần gì cậu đâu nhỉ?...
— Không.
— Thế đấy, trong đầu mình đầy những tưởng tượng suy nghĩ về hội họa, mình cảm thấy vừa bước chân lên đất Muychen này, là cảm hứng nghệ thuật lại trỗi dậy, mình muốn làm việc.
— Thôi thì cậu hãy cho mình xin năm mươi mác cũng được Trobo ạ. Mình xin cậu hãy thương tình cảnh của mình.
— Cậu hãy bình tĩnh lại đã nào...
— Ít ra thì ba mươi mác cũng được, vừa nãy, ở ngay trước cửa nhà cậu, mình đã phải bán mũ và áo khoác của mình đấy.
— Cậu làm mình kinh hồn lên đây.
— Thôi thì cậu cho mình hai mươi mác vậy, vì tình bạn bè. Mình xin làm con chó giữ nhà cho cậu.
— Đây, mười mác cậu cầm lấy, nhưng là lần cuối cùng đấy nhé. Từ giờ cho đến lúc những bức họa của cậu chưa bán được thì cậu đừng có vòi vĩnh nữa nhé. Cậu biết rồi đấy, đá cũng phải chạm trổ, đục đẽo thì mới thành tượng được.
Họ im lặng thỏa thuận với mười mác.
Iđo rời khỏi cánh cửa, đi lại bên đàn piano ngồi xuống ghế. Nàng thấy nhiều bản nhạc để trên giá gỗ có ba tầng. Đàn piano ở cạnh cửa sổ. Nàng ngồi đó xem bản nhạc gì quen? Phần nhiều là loại nhạc Lieder, Walzêr, Pôlka, các bản nhạc thịnh hành trong đời sống hàng ngày.
Vừa lúc đó cửa phòng thông sang phòng Trobo mở ra, Trobo thò đầu sang hỏi:
— Tiểu thư ở đây ư?
Chàng hỏi rồi bước sang phòng khách. Chàng choàng bên ngoài một cái áo làm việc đến đầu gối màu tím than, chàng cầm chiếc khăn lau tay.
— Theo tôi, hôm nay chúng ta bắt đầu đi thăm bạn bè được rồi đấy. Chúng ta chỉ cần đến ba nơi thôi, còn những người khác không cần đến. Tiểu thư chơi đàn đó ư?
— Cũng thỉnh thoảng.
— Vì sao tiểu thư lại không đánh đàn? Hay là tiểu thư sợ làm phiền tôi? Tốt nhất, tiểu thư hãy đánh đàn vào các buổi sáng. Buổi chiều, khi tôi đang vẽ, tiểu thư đừng đánh đàn. Còn bây giờ, trong khi tôi đi thay áo, tiểu thư cứ chơi đi, đừng ngại.
Rồi chàng lại quay vào phòng.
Iđo đặt bản nhạc theo điệu Lieđer, một bản nhạc khá nhất trong các bản nhạc ở đó, rồi chơi thật trôi chảy. Sau đó, nàng đứng dậy đóng đàn piano lại và sửa mũ. Nàng hơi hồi hộp đợi Trobo ra, nếu chàng lại lịch sự khen nàng đánh đàn, dù đó chỉ là lời tán tụng xã giao thì cũng đều tốt cả. Còn những lời thân mật thì tất nhiên nàng không cho phép rồi.
Trobo bước ra. Chàng mặc bộ quần áo bằng nhung nâu mịn màng đúng mốt mùa xuân. Trong tay chàng cầm chiếc ô che mưa.
— Trời có vẻ nhiều mây. - Chàng nói. - nhưng tiểu thư cứ mang theo ô che nắng đi. Nào bây giờ đi được rồi. Đã năm giờ. Giờ này nơi nào cũng đang nấu cơm chiều đấy.
Iđo hơi thất vọng vì Trobo không nói câu nào về việc nàng đánh đàn cả. Có bao nhiêu là cách để mà xã giao, ví dụ như chàng có thể nói đơn giản: Rất hay! Mà thật ra, nàng cũng đã đánh rất khá ba quãng một phần tám cung mà đến một con ngựa không biết nhạc cũng phải dỏng tai lên nghe.
Nàng nhìn vào gương, rồi đứng cho Kati sửa sang áo khoác trên người nàng. Khi đi găng tay nàng mới hỏi:
— Hôm nay chúng ta đến nhà ai?
— Chúng ta sẽ đến nhà vợ chồng Xêlê, bởi vì nhà họ gần hơn cả.
— Chúng ta sẽ ở đó bao lâu?
— Có lẽ nửa giờ, mà cũng có thể là hai giờ...
— Trong buổi đến chơi đầu tiên mà lâu thế ư?
Trên mặt Trobo thoáng một nụ cười mỉa mai:
— Buổi đón khách? Tiểu thư tưởng chúng ta sẽ đến một phòng khách sang trọng ư? Chúng ta chỉ đến căn hộ một buồng nghèo nàn thôi, tiểu thư nghĩ rằng sẽ có người hầu đứng đón ở cửa ư? Không đâu, mà sẽ có chăn màn quần áo phơi ở ngoài sân đợi tiểu thư đến để móc vào ô che nắng của tiểu thư thôi. Và cầu thang xuống thật dốc.
— Nhưng ai là vợ chồng nhà Xêlê nghèo khó đó? Vì sao chúng ta lại đến đó?
— Họ là ai ư? Chị ấy đã từng ngồi cạnh tiểu thư hôm nọ và đã ôm hôn tiểu thư lúc chia tay đó, tiểu thư không nhớ sao?
— Hai bên tôi có hai người phụ nữ, vậy thì ai trong hai chị ấy là bà Xêlê?
— Chị to béo ấy.
— Chị Flôra ư?
— Đúng đấy.
— Nhưng hôm nọ chị ấy đeo đôi hoa tai có đính hạt xoàn kia mà...
— Đồ trang sức của Mỹ đấy. Chị ấy chỉ đeo nó buổi tối hôm đó thôi. Nhưng tiểu thư đừng có đánh giá chị ấy bằng hình thức: to béo, đeo hoa tai. Thực tế, chị ấy là một người phụ nữ Hungari chân thành. Còn Mikey, chồng chị ấy lại là người bạn tốt nhất của tôi. Anh ấy là một thiên tài, một người tốt bụng cực kỳ.
— Mikey ư? Bây giờ tôi mới biết vợ chồng nhà Xêlê là ai.
— Xêlê là tên gọi theo vần chữ cái đầu của Mikey.
Thời tiết êm dịu, mưa rơi nhè nhẹ. Ngoài đường, những người đàn ông đều giương ô đi mưa lên, nhưng các bà vẫn cầm ô che nắng trong tay như một đồ trang sức.
Đến đường Têrêzia thì họ cần phải chuyển sang bên kia vỉa hè, bởi vì người ta đang quét hắc ín lên đoạn đường bên này, Iđo nhăn mặt, chạy vội qua thùng hắc ín. Đúng lúc đó, thì Trobo đứng lại.
— Ê, Janchi! Ông chủ của anh còn sống chứ?
Một anh công nhân, áo quần bẩn thỉu quãng ba mươi tuổi ngừng tay quét hắc ín trên đường, ngả mũ sung sướng chào Trobo.
— Lạy Chúa tôi, ngài đấy ư? Ông chủ của tôi chưa chết, nhưng cũng chẳng được bao lâu nữa.
— Ông bệnh ư?
— Cũng chẳng chắc ông ấy bị bệnh. Nhưng mà bảo ông ấy khỏe thì cũng chẳng phải.
— Ông ấy nằm ư?
— Lúc thì nằm, lúc thì ngồi, nhưng bây giờ nằm nhiều hơn rồi.
— Anh bỏ ông chủ đi từ lúc nào?
— Tôi không bỏ rơi ông ấy. Ngày nào tôi cũng ghé qua ông vào buổi tối. Ông ấy cũng bảo tôi hãy tìm việc mà làm. Lẽ ra tôi cũng nên đi làm từ lâu rồi mới phải!
— Bây giờ ông ấy ở đâu?
— Vẫn ở chỗ cũ. Đằng sau phố này.
Trobo quay lại tìm Iđo. Chàng thấy Iđo đứng sau lưng chàng một quãng, tay cầm khăn mùi xoa áp lên mũi.
— Chúng ta đến thăm một người họa sỹ già đã. - Trobo nói.
Iđo cũng chẳng hỏi người họa sỹ già đó là ai. Khi rẽ vào một phố, Trobo mới nói:
— Chúng ta đến thăm một người họa sỹ già, một người bạn thân của tôi. Ông già hơi lập dị một chút. Xin lỗi tiểu thư, vì tôi đã không hỏi tiểu thư có thích đến đó hay không? Nhưng đang trên đường phố cho nên chúng ta là hai vợ chồng. Mà đã là hai vợ chồng thì vợ phải theo chồng, như thuyền theo lái.
— Xin mời ngài, ngài cứ việc lái cho thuyền đi đâu tùy ý.
Con thuyền
đã lướt qua nhiều phố nhỏ nữa. Họ không nói gì với nhau, chỉ có Iđo nhận xét có một câu:
— Kể cũng đặc biệt thật, trong thành phố này không có những phố nhỏ ngắn mà chỉ có toàn đường phố dài thôi.
Nàng định hỏi:
cái tên Gasenhauer có nghĩa gì?
Nhưng nàng thấy Trobo im lặng, nàng cũng không hỏi nữa.
Trobo dừng lại bên ngoài một cửa xưởng khóa và bấm chuông.
— Chúng ta sẽ đến thăm ông họa sỹ già tên là Bolaz. - Trobo nói khi có một cô bé mở cổng cho họ.
— Ông ấy có nhà. - Cô bé trả lời nhẹ nhàng khi nghe Trobo hỏi, rồi cô bé nhìn lên mũ của Iđo với ánh mắt thật thà như để nhận định khách, rồi nói thêm. - Ông ấy có nhà đấy, đang nằm.
Cái sân nhỏ ở đó có nhiều đứa trẻ con người Đức đang cãi nhau ỏm tỏi. Quần áo của các em nhỏ có nhiều lỗ thủng, nom bẩn thỉu nữa, nhưng ánh mắt đứa nào cũng sáng rực, hãnh diện như là các chiến sỹ sau khi chém được con rồng trở về. Trên sân có bốn cái cây nom khô héo, khẳng khiu vì thiếu ánh sáng mặt trời. Những cây tội nghiệp bị cớm nắng. Vòng ra phía sau, đi lên tầng hai có một hành lang làm bằng sắt và gỗ gập ghềnh dẫn tới một cánh cửa cũ kỹ, bên ngoài cửa có một chiếc ghế gỗ, trên hiên nhà còn có một dây phơi, trên đó có phơi một đôi tất đàn ông màu vàng. Có thể thấy ngay căn phòng của ông họa sỹ già này được dựng lên một cách cẩu thả như là một cái chuồng người ta làm để nuôi gà nhưng lại chưa có gà để nhốt, ông họa sỹ đã bắt gặp được chỗ trống đó và chúi vào ở.
— Nếu chán, tiểu thư có thể ở dưới sân đừng lên nữa.
— Tôi nên lên theo ngài thì tốt hơn. Nếu ngài thăm một ông già ốm đau không dậy được thì tôi có thể giúp đỡ.
— Tiểu thư đừng vào. Tiểu thư hãy ngồi ngoài cửa thôi. Đấy tiểu thư có thể ngắm cái chân nến vĩ đại này đi!
Chàng gõ cửa và nói:
— Cháu đây, bác Bolaz ạ!
— Vào đi!
Ngồi bên ngoài, Iđo thú vị nghe những lời họ nói với nhau:
— Chúa đã mang cháu đến đây cho tôi đấy ư? Cháu trai thân yêu! Cháu đến từ phương trời nào thế. Ôi ngày hôm nay mới tuyệt làm sao. Cháu ngồi xuống đi. Cứ hút thuốc, nếu muốn. Nào hãy nói chuyện đi. Nói tất cả nhé.
— Đầu tiên cháu muốn biết, bác bị ốm thế nào đã chứ? Hay là bác chỉ mới mệt thôi?
— Ôi bẩy mươi hai tuổi rồi còn gì...
— Thế thì không phải là bệnh tật. Bác Đuri ở tuổi đó vẫn đứng vẽ, vẫn dạo chơi ở thành Buđo sau khi cắt ba phần tám cái dạ dầy. Còn như Tizian thì ở tuổi này vẫn trẻ trung. Còn Môđara Viktor thì bây giờ mới bắt đầu chuyển sang phần thứ hai đấy...
Ông họa sỹ già thú vị nghe tất cả mọi chuyện về những người già như ông. Sau đó ông hỏi xem Trobo đã sống ở đâu, làm được những gì kể từ khi chàng đi khỏi Muychen. Trobo kể cho ông nghe chàng đi những đâu, thấy gì và cuối cùng thì suýt nữa gia nhập làng báo chuyên nghiệp.
— Đấy chỉ là một biến cố nhỏ thôi. - Ông già an ủi, - cốt yếu bây giờ cháu lại quay trở về con đường chính. Đấy cháu cũng biết Mođarax Viktor cũng đã từng đi buôn bán đồng, thế mà rồi ông ấy lại quay trở về với nghề đấy thôi. Còn Xinhe Merse thì đã đi cắt lông cừu rồi lại quay trở về nghệ thuật.
— Và họ làm việc mới ác chứ! Bọn trẻ chúng cháu cũng phải chịu thua đấy.
Ông già thở dài:
— Họ thì thế, mà bác thì thế này đây. Lẽ ra bác phải chết rồi đấy Trobo ạ, thế mà bác vẫn tồn tại nhưng chỉ phập phồng như một cái bong bóng nước thôi, tới lúc nào không biết đấy.
— Bác chết thế nào được, bác Bolaz. Một khi chúng ta còn muốn sống thì chúng ta sẽ không chết! Bác luôn luôn yêu đời, hướng về cái đẹp. Bác vẫn còn chơi violon kia mà. Cháu thấy cây đàn của bác vẫn còn đủ cả bốn dây, như vậy bác vẫn chơi đều hàng tối cùng với mặt trăng dâng hiến cuộc đời đấy chứ?!
— Không, đã lâu rồi bác không chơi nữa. Đêm lễ giáng sinh vừa rồi là lần cuối cùng bác chơi đàn đấy, những bài hát cho đêm giáng sinh. Lúc đó bác đã lên đủ cả bốn dây. Lấy đàn xuống đi, và kéo cho bác nghe những bản tình ca hay đi, hãy để cho bác một lần nữa được cảm thấy tổ quốc Hungari của chúng ta.
— Thôi bác đừng có nói gở như là một mụ Digan bói toán nữa. Đôi mắt bác vẫn ánh lên sự sống đấy.
Trobo bắt đầu gại gại cây đàn, kéo những nốt chạy gam đầu tiên.
— Cháu hãy ra đứng gần ở cửa sổ kia. - Giọng người già mỏi mệt.
Iđo ngạc nhiên lắng nghe. Trobo mà kéo violon ư? Thế mà chưa bao giờ nàng nghe chàng nhắc đến.
Chàng chơi trôi chảy mượt mà. Có lúc chàng ngừng lại hỏi ông già xem ông sống bằng tiền gì. Ông có thiếu tiền không?
Ông già trả lời rằng ông cũng có lo lắng cho tuổi già của ông. Ông còn ba mươi bức tranh chưa bán. Tối nào Janchi cũng mang bánh mì, nước và các thứ khác đến cho ông. Nếu như tiền sắp hết, anh ta lại mang đi một cái tranh, bán cho một người Đức nào đó không cần biết tên lấy một trăm mác.
— Còn đủ cho đến khi bác chết!
Trobo lại chơi một bản nhạc mà Iđo nhận được ra, đó là
Bài ca của Sôbri
. Iđo kinh ngạc nghe bàn tay điêu luyện của Trobo đang múa trên cây đàn. Sau đó đến bài
Con sáo vàng bây giờ đã rụng lông
, rồi hai bài nữa mà Iđo không biết. Nàng lại nhận ra một bản nhạc trữ tình phóng khoáng của Lixt Ferenx. Nàng nhớ lại bài hát con sáo vàng mà cô gái Fozeko đã đánh piano cho nàng nghe, khi không có nữ tu nào trong phòng tập đàn. Thứ bẩy tuần đó, cả hai chị em đều xưng tội:
Tôi đã đánh đàn bài hát ngoài đời
.
Bài hát này Iđo đặc biệt ưa thích, ngón tay nàng cũng cựa quậy như là nàng đang ngồi trước piano vậy.
— Hay quá, - ông già thốt lên. - Giá mà ngày nào cháu cũng đến đây đánh đàn cho bác nghe nhỉ. Nghe các bài dân ca, trữ tình bao giờ quá khứ cũng trở lại. Quá khứ ta nên cho đi qua, nhưng những gì đẹp đẽ thân thiết thì nên gợi lại.
— Cháu sẽ đến thăm bác nếu có thì giờ.
— Tất nhiên, cháu trẻ tuổi, cháu là người có khả năng, có tài cháu hãy biến nó thành sự thực đi. Bác yêu cầu cháu nếu còn ở đây hãy đến thăm bác nhé. Nhưng mà cháu có vẽ được gì không trong thời gian trước.
Trobo kể lại có lúc chàng tự dưng say mê điêu khắc, nhưng bây giờ chàng lại trở về với hội họa.
— Cháu nghĩ mình cũng có thể dựng khung nặn tượng được, nhưng trong điêu khắc không thể nào đẽo gọt được ánh sáng trên cánh đồng.
— Luôn luôn đi tìm mình! Đó là tuổi trẻ. Cháu có biết khi bác vào ở tuổi cháu, bác cũng định quay sang âm nhạc không? Rồi một lần bác thấy tấm ảnh chân dung một người phụ nữ mà ông thợ nhiếp ảnh đã chấm lên cằm nàng một cái nốt ruồi. Cháu có biết không, cái nốt ruồi vẽ ấy đã dày vò bác suốt, thế rồi bác lại cầm bút vẽ nhưng chỉ vẽ chân dung những người mà bác yêu thích thôi. Đó cũng là những bức tranh đạt nhất... Ôi câu chuyện xa xôi quá. Trobo... xin cảm ơn cháu. Chúng ta nói chuyện đến gì nhỉ? Đúng, sẽ rất thành công nếu tác phẩm nào mà chúng ta thực lòng yêu thích. Chúng ta sống vì nghệ thuật, chúng ta cảm thấy cuộc sống có giá trị, nhưng bác bây giờ còn có giá trị gì nữa đâu?...
— Thôi, bác đừng có tự làm khổ mình nữa. Ngày mai bác đến nhà cháu ăn trưa được không? Một bữa đơn giản nhưng ngon miệng. Vợ cháu sẽ làm cho bác món bánh tươi với phó mát tươi ngon đến mức bác sẽ ăn nhiều không đi nổi đâu.
— Ô, cháu đã cưới vợ rồi ư? Sao cháu chẳng nói gì cho bác biết?
— Cưới rồi bác ạ.
— Cháu đã xử sự thông minh đấy. Bác hy vọng cháu hài lòng chứ.
— Vâng.
— Cháu hãy sống êm ấm chứ đừng có bắt chước những người trẻ tuổi bây giờ sống lang thang, lăng quăng như những con chó vô chủ... Gia đình... đóng một vai trò trong cuộc sống, rất có giá trị đấy... Gia đình đối với người như dầu hỏa đối với đèn dầu vậy... Ngọn đèn của đời bác không có dầu. Trobo... cháu hãy nhớ lấy...
— Nào thôi, bác sẽ còn nhảy nữa chứ.
— Nguồn vui đã cạn rồi, bác biết, cháu không thấy ư, bác chẳng có giá trị gì cả, tiền ư? Tiền chỉ là phương tiện như là dầu mỡ bôi trơn cho bánh xe khỏi kêu lọc cọc thôi. Nhà cửa ư?... Ôi căn nhà này như cái tổ bị thấm ướt ấy... Sự ca ngợi nghệ thuật ư?... Những người nghệ sỹ thì được đề cao đấy... những nhà thơ - những đức vua của trí tuệ... nhưng ngay cả họ cũng là những chiếc đèn dầu, đèn dầu to, đèn dầu nhỏ. Khi sắp chết thì cũng tắt ngấm trong màn đêm mà thôi.
— Bác đang bị ốm đấy bác Bolaz ạ. Bác là một người thông thái, nhưng đang ốm yếu.
— Đối với con trẻ thì trò chơi có giá trị. Đối với tuổi già thì sự nghiệp là giá trị. Đối với một đời người thì con cái nối dõi có giá trị. Đối với một ông già độc thân như bác thì chẳng có giá trị gì.
— Chính cuộc đời bác có giá trị đấy bác Bolaz ạ.
— Ở cái tuổi già như bác bây giờ, bác cũng đã biết cuộc sống là gì? Đối với cuộc sống bác chẳng có giá trị gì cả.
Giọng ông già uể oải như là người mơ ngủ đang nói vậy:
— Bác cũng chẳng thiết nghĩ ngợi nữa. Ngày ngày đã trôi qua, bác không nghĩ đến nữa. Chỉ có ban đêm thỉnh thoảng bác lại thấy hiện lên trước mắt một cái đầu phụ nữ, không có máu me gì, nhưng chỉ là cái đầu không có thân... Một khuôn mặt đẹp... Đôi mi khép hờ đau đớn... Đôi mi màu đen... Nhưng còn cái cổ khuất trong bóng đêm... Bác hay nhìn thấy nó lắm, ở trên cái cổ ấy có bóng đen, dưới cằm ấy. Bác đã từng biết đánh độ đậm nhạt bằng màu xanh rất mịn và đẹp.
— Đấy bác đã thấy chưa. Bác vẫn còn có giá trị đấy chứ. Bác vẫn nghĩ đến những chủ đề nghệ thuật. Chủ đề là cần thiết! Sáng tạo đó là giá trị của cuộc sống. Nhưng bây giờ cháu phải xin lỗi bác. Một người có gia đình thì luôn phải vội. Một vài ngày nữa cháu sẽ đến thăm bác.
Những tia nắng cuối cùng của buổi chiều đã vụt tắt trên mái nhà, khi Trobo bước ra khỏi cửa.
— Xin tiểu thư thứ lỗi vì tôi đã để tiểu thư phải đợi lâu vậy. Nhưng không thể nào vào thăm một ông lão già nua, gần đất xa trời mà lại chỉ ngồi có dăm mười phút được.
Khi xuống đến cầu thang tầng một, chàng lại thanh minh tiếp:
— Cũng đã lâu rồi tôi không gặp bác ấy. Từ dạo ấy đến giờ bác ấy già đi nhanh quá. Bây giờ bác ấy không thể đi xa được nữa rồi, trừ phi trên cỗ xe tang thôi.
Chàng lắc đầu, khi ra đến đường phố chàng lại nối tiếp dòng suy nghĩ:
— Bác ấy không thích kết bạn với nhiều người và cũng chẳng thích chơi với các họa sỹ. Vậy mà bác ấy lại là người hay nói chuyện, nói nhiều là đằng khác, nhưng chỉ với những người mà bác ấy thích thôi. Tôi quen bác ấy do một lần, ở trong hiệu bán tranh, tôi đứng ngắm một bức tranh: Dưới đó có chữ ký Xentpal gì gì đó. Đó là một bức vẽ chân dung lớn. Trên trán của khuôn mặt đó đầy các vết nhăn. Người họa sỹ vẽ chủ yếu là khuôn mặt và bàn tay, ngón trỏ như đang nâng lên. Còn khuôn mặt đặc biệt sống động, nồng nhiệt. Một ông già với đôi mắt có tuổi... tôi chưa bao giờ nhìn thấy một bức tranh nào như vậy. -
Trời ơi, cái chân dung mới tuyệt làm sao!
- tôi thốt lên. Còn ông già Bolaz tình cờ lại đang đứng đó trong hiệu. Ông giơ tay cho tôi bắt và lẽ ra phải nói
cám ơn
thì ông lại nói:
Xin chúc mừng ngài
. Tôi ngạc nhiên hỏi:
— Bác chúc mừng gì cháu?
— Chúc mừng ngài có đôi mắt tinh đời!
Ông hỏi tôi rằng, tôi là người nước nào. Khi nghe tôi trả lời là người Hung, ông cũng chuyển sang ngay nói tiếng Hung:
— Ồ, thế thì tôi lại phải chúc mừng ngài gấp hai lần.
Iđo cảm thấy Trobo đang có hứng nhắc lại những kỷ niệm với ông già. Chàng nói cả những chuyện mà mọi khi không bao giờ chàng nói.
— Ông già không bao giờ vẽ cái gì khác ngoài chân dung. Ông chỉ vẽ nguyên cái đầu người mà thôi. Ông tự họa chân dung mình, ông vẽ cái đầu của Janchi (cái anh thợ quét hắc ín ngoài đường ấy), chân dung của bà gác cổng. Và những người chịu ngồi cho ông vẽ. Ông lấy một miếng vải khoác trên vai người mẫu và thế là ông vẽ cái đầu người theo đạo, hay là đầu người La Mã, đầu người Hy Lạp. Người ta chỉ ngồi mẫu cho ông hai ngày, nhưng ông chỉ vẽ theo kiểu đường nét, hoặc dùng mầu, còn kiểu đánh bóng độ đậm nhạt thì ông là bàn tay một nghệ sỹ bậc thầy. Ông không đủ kiên nhẫn và chăm chỉ để vẽ cả thân người. Ông là người thiếu nghị lực. Ông già thuộc loại người biết tất cả. Cần phải làm thế nào, nhưng ông lại không đủ nghị lực để thực hiện ý muốn. Ông già sống như vậy đó. Tất nhiên ông sống rất kham khổ chỉ có bánh và nước còn sau khi bán tranh ông lại vào uống bia, và ăn món gì đó nóng và rẻ tiền. Cách đây hai mươi năm ông đón Janchi từ nước Hung qua đây. Anh ta là con mồ côi của một nhà nông dân. Cha mẹ anh ta chết cùng một ngày, hình như bị chết vì lửa ấy.
Chàng mải dõi theo câu chuyện của mình, không nhận ra là họ lại đang quay về nhà. Iđo ngạc nhiên nhưng im lặng.
Một chiếc xe chở chai bia ồn ào chạy qua, cắt ngang lời nói của Trobo. Hoặc là sự im lặng bất thường của Iđo đã khiến Trobo sực tỉnh:
— Xin tiểu thư tha lỗi, vì tôi đã để tiểu thư đứng đợi bên ngoài, nhưng trong phòng của ông già bừa bãi quá, tiểu thư sẽ cảm thấy khó chịu, chỉ có chủ nhật Janchi mới quét dọn cho ông thôi. Lược, bàn chải, dép, bình nấu cà phê, tất cả đều được chất lên bàn cả. Ngoài ra lại còn...
Trobo lắc đầu, im bặt.
Khi về đến phố nhà họ, Trobo mới nói:
— Hôm nay chúng ta chưa đến được nhà Xêlê. Thôi để mai. À, mai không được rồi, tôi có việc bận chiều mai. Để ngày kia vậy nhé.