• 177

Chương 13


Số từ: 4335
Nguồn: NXB Trẻ
Bé Loan và thằng Thục về làng khi tôi đã bị nỗi đau nướng sắp thành than.
Hôm biết tin con Rùa qua đời, tôi đã không ngủ lại nhà cô Út Huệ như dự tính.
Tôi sợ kỉ niệm dắt tôi đi. Tôi sợ tôi sẽ lang thang qua nhà con Rùa, sẽ lại ngồi trên phiến đá xanh dưới bóng cây bướm bạc nghe những lời yêu thương thao thức vọng về. Tôi sợ khi nhìn thấy con Cổ Dài bên ao rau muống, tôi sẽ nhớ lại hình ảnh con Rùa chở che tôi trong ngày đầu tiên tôi đặt chân qua nhà nó. Tôi sợ cả đàn cá lượn lờ dưới đám bèo tai chuột trong hòn non bộ. Chắc chắn chúng sẽ gợi tôi nhớ lại lời con Rùa trêu tôi khi tôi đứng ì bên con gà bằng đất nung chờ xem nó có gáy hay không.
Tôi cũng không dám đi qua cây cầu treo chòng chành vắt ngang sông Kiếp Bạc. Dòng sông cay nghiệt đó đã cuốn theo nó bao nhiêu người, đã đem người tôi yêu thương đi mất.
Ngay cả cây sầu đông bên này sông nơi tôi từng ngồi, tôi cũng tránh xa. Chính dưới gốc cây này, tôi đã lần đầu tiên chứng kiến con Rùa trở thành thiếu nữ trong tà áo trắng thướt tha khi nó đạp xe đã đến giữa cầu mà linh tính còn giục nó quay trở lại tìm tôi.
Trong ba ngày tiếp theo, tôi ngồi trong nhà thím Lê nhìn mưa lướt thướt kéo ngang cửa sổ. Tôi chạy trốn khỏi vùng yêu thương.
Nhưng tôi tưởng thế thôi. Cây me trước ngõ nhà thím, con Rùa đã từng vắt vẻo và nước mắt nó từng hóa thành sương đêm rơi xuyên qua cành lá để đến đậu trên tóc tôi. Rồi tấm liếp che trước cửa, đôi mắt con Rùa từng lấp ló nhìn trộm tôi hai ngày liền qua khe hở bé xíu. Cửa sổ kế chiếc bàn học là nơi lần đầu tiên tôi trò chuyện với con Rùa và phát hiện ra bên dưới mái tóc xấu xí là một gương mặt vô cùng khả ái với đôi mắt long lanh như hai giọt nước - đôi mắt sáng đến mức mỗi khi chúng chuyển động tôi cứ ngỡ hai vì sao đang sắp sửa đổi ngôi.
Những kỉ niệm vây bọc tôi đến tức thở dù trong ba ngày liền tôi không đặt chân lên xóm trên. Con Rùa đã không còn trên đời nữa nhưng hình ảnh của nó luôn đầy ắp trong tôi. Nhìn đâu tôi cũng thấy nó, điều đó làm tôi tin rằng tình yêu đã tự động dán tất cả những gì liên quan đến con Rùa vào đầu tôi như người ta dán ảnh vào album. Những bức ảnh đó sẽ theo tôi đến lúc tôi cũng chết đi như con Rùa - luôn luôn tươi mới, không bao giờ ố vàng hay mốc meo. Thời gian chỉ đánh bóng chúng lên, làm cho chúng lấp lánh hơn trong tâm tưởng.
Thím Lê có lẽ rất xót xa khi thấy tôi héo đi từng giờ nhưng thím không nói gì với tôi trong những ngày đó. Tôi nghĩ thím vừa muốn an ủi tôi lại vừa muốn tỏ ra không biết gì về chuyện tình cảm của tôi và thím loay hoay giữa hai cảm xúc đó bằng cách ít ra khỏi nhà hơn, chăm sóc tôi nhiều hơn và thường kín đáo quan sát tôi qua khóe mắt.
Các biểu hiện của thằng Thục rất giống mẹ nó. Chiều thứ bảy vừa về tới, thấy tôi ngồi cạnh bàn học, nó chạy ào tới reo lên mừng rỡ "Ồ, anh Đông về hồi nào vậy?" nhưng ngay sau đó nó lập tức khựng lại khi nhận thấy tôi vừa nặn ra một nụ cười gượng gạo để đáp lời nó.
Kể từ lúc đó, thằng Thục cố ép mình làm những chuyện trái với bản tính hiếu động của nó. Nó đi lại rón rén, nói năng khe khẽ và mặc dù không muốn khuấy động tôi, nó vẫn tìm mọi cách để lượn lờ quanh tôi như vờ lục lọi trong ngăn bàn để tìm một cái gì đó, liên tục dời một chiếc ghế từ chỗ này qua chỗ khác chẳng với lý do gì hay thậm chí ngồi yên lặng hằng giờ ngay sau lưng tôi với cuốn sách trên tay.
Cuối buổi chiều, trong khi tôi và thằng Thục đang ngồi buồn thiu trước sân thì bé Loan đột ngột xuất hiện ngay trước cổng. Trở về từ thị trấn, con bé chắc đã biết tất cả những gì đã xảy ra với tôi qua lời kể của cô Út Huệ. Nó biết tối nay tôi không lên xóm trên nên xuống đây tìm tôi.
- Anh Đông!
Nó gọi, và bước lại chỗ tôi ngồi. Nó không ôm tôi như mọi lần mà nắm lấy tay tôi:
- Anh đi lại đằng này với em đi!
Tôi đứng lên theo đà kéo của nó, ngơ ngác:
- Đi đâu vậy em?
- Đi ra bờ sông em chỉ anh xem cái này!
Tôi sợ ra bờ sông. Từ hôm trở về từ nhà cô Út Huệ, tôi không bao giờ bén mảng ra sông, thậm chí không đủ can đảm đi về phía đó.
Nhưng lúc này tôi để mặc bé Loan lôi tôi đi. Tôi chẳng biết ngoài bờ sông có gì đáng xem, nhưng có bé Loan bên cạnh và thằng Thục lẽo đẽo phía sau dù sao tôi cũng không đến nỗi quá buồn như khi một mình đối diện với dòng sông.
Từ xa tôi đã thấy nhiều bóng người thấp thoáng trên cầu, không rõ họ là ai và đang làm gì.
Chỉ khi đi đến chỗ cây sầu đông, tôi mới nhận ra đó là những người thợ săn trong làng. Ông "Asterix" Hai Sắn, ông "Panoramix" Bảy Thành, ông "Obelix" Bốn Lai và chú Ngãi đứng túm tụm giữa cầu.
Họ đứng đó, đã không còn cây súng nào trên tay, thay vào đó là những bó hoa vạn thọ, hoa sen, hoa bìm bìm và các loại hoa dại như cúc tần, mào gà, chút chít…
Trong bóng chiều chập choạng, họ lặng lẽ rút từng nhánh hoa thả xuống dòng sông, chậm rãi, nghiêm trang và buồn bã.
- Hồi trước mấy người này ghét chị Rùa kinh khủng! - Bé Loan thì thầm bên tai tôi - Nhưng từ ngày chị Rùa bị nước cuốn trôi, chiều nào họ cũng đến đây, cũng rải hoa xuống dòng sông này.
Tôi hiểu tại sao như vậy. Thằng Thục cũng biết nguyên nhân làm thay đổi thái độ của những người thợ săn đối với con Rùa. Nhưng cũng như tôi, Thục không nói gì, chỉ lặng thinh dõi mắt theo những cánh hoa đang bập bềnh trên sóng và trôi mãi về phía xa, nơi có lẽ giờ này con Rùa đang chìm vào giấc ngủ quạnh hiu.
Tự nhiên tôi hỏi:
- Sáng mai tụi em đi vô rừng chơi với anh không?
- Vô rừng á? - Bé Loan reo lên, nhưng rồi nó chợt xịu mặt xuống - Mẹ em không cho đi đâu!
Tôi đặt tay lên vai nó, trầm ngâm:
- Anh sẽ xin mẹ dùm em.
Thằng Thục rụt rè hắng giọng:
- Trước đây anh từng vô rừng với bạn Rùa…
- Ờ. Vì vậy mà anh muốn đi thăm lại những nơi tụi anh đã đi. Ngày mốt anh về lại Sài Gòn rồi.
Lần này vào lại Sài Gòn, không biết chừng nào tôi mới quay về lần nữa. Xa làng dĩ nhiên tôi rất bịn rịn, nhưng làng gợi cho tôi quá nhiều kí ức đau buồn. Tôi đành làm con đà điểu, rúc đầu vào phương Nam để hi vọng một ngày nào vết xước trong lòng tôi sẽ kéo da non.
Dường như hiểu được tâm trạng của tôi, thằng Thục và bé Loan không kêu ca như thường lệ "Sao anh đi sớm thế?".
Mỗi đứa đứng một bên, im lặng thò tay ra nắm tay tôi.
Đằng trước mặt, những người thợ săn tiếp tục rải hoa xuống dòng sông, vẫn im lìm như trong một khúc phim câm.
Mặt trời đã khuất hẳn sau núi. Bên trên những ngọn đồi, dãy ráng chiều bị hồi quang nhuộm thành màu đỏ bầm khiến bầy chim về tổ ngỡ chân trời đang bốc cháy.
Chúng nháo nhác bay về phía cánh rừng xa, vừa bay vừa kêu thảng thốt.
Tôi hi vọng ngày mai trời sẽ khô ráo như chiều nay. Sau đợt lũ quét đầu mùa, mưa rơi cầm chừng để chờ trút nước vào những ngày đông chí.
Cuối buổi chiều, khi những người thợ săn ra về, tôi và thằng Thục đưa bé Loan quay lại xóm trên.
Sau vài mẩu chuyện vu vơ, rời rạc và gượng gạo, ba anh em lặng thinh rảo bước bên nhau.
Khi tôi đi ngang qua vùng dạ lý hương, mùi hương quen thuộc mách tôi rằng trái đêm sắp chín. Bất giác tôi nghe cay cay nơi sống mũi khi nhớ lại đêm nào tôi đưa con Rùa từ nhà thím Lê trở về sau khi nó trèo xuống khỏi cây me trước ngõ.
Tối đó, tôi không ngủ lại nhà cô Út Huệ, cũng không bước chân qua nhà con Rùa.
Nhưng sáng hôm sau, trước khi dẫn thằng Thục và bé Loan vào rừng, tôi nôn nao băng hàng rào giậu, xin phép bà nội con Rùa đặt cuốn Tâm hồn cao thượng và dăm cuốn truyện tranh lên đầu tủ, ngay trước bức ảnh thờ của nó.
Đây là những cuốn sách tôi đem về cốt để tặng con Rùa nhưng nó đã không kịp đọc.
Tôi đốt một nén nhang, cố đừng khóc trước mặt thằng Thục và bé Loan. Nhưng khi tôi bước ra cửa, đã thấy nước mắt nhòe trên mặt hai đứa em tôi.
Trời hửng nắng lúc ba đứa tôi đặt chân lên con đường mòn dẫn vào rừng. Hôm qua trời chỉ mưa nhẹ lúc đầu ngày nên sáng nay cảnh vật khô ráo, cỏ hai bên đường tốt tươi và trong không khí phảng phất gió lạnh tràn về từ phương Bắc.
Thằng Thục đeo trên vai một cái túi bằng vải gai bó theo ba nắm xôi đậu phộng và một hũ muối mè. Nó cũng nhét theo mấy nhánh tỏi, nhúm vôi bột và vài quả chanh để phòng vắt bám.
Không biết nghe ai bày, trước khi ra khỏi nhà, nó và bé Loan đều quàng khăn kín cổ, nón kéo sụp xuống trán, ống tay áo và ống quần cột túm lại bằng dây thun.
Tôi nhìn bộ dạng hai đứa em, không khỏi phì cười:
- Đã gần một ngày nay trời không mưa, vắt không bò ra đâu!
Bé Loan lỏn lẻn:
- Mẹ em dặn thế mà.
Tôi kéo cái nón vải của nó cao lên khỏi trán:
- Nếu mẹ em có dặn thế thì cũng phải để cho con mắt thấy đường chứ! Hơn nữa, đã tới cửa rừng đâu.
Ba anh em men theo con đường đất đi mãi về phía tây, nơi những đỉnh núi xanh mờ quấn mây ngang đầu một cách điệu đàng như các cô gái chít khăn voan trắng.
Lúc đi ngang bụi duối dại lấm tấm hoa vàng, tôi đã định chỉ cho thằng Thục và bé Loan xem "căn nhà" của con Rùa và khoe với tụi nó tôi và con Rùa từng chui vào nấp mưa trong đó nhưng sau một thoáng ngần ngừ tôi quyết định đi luôn. Nếu con Rùa còn sống, có thể tôi sẽ hào hứng khoe điều đó với hai đứa em tôi nhưng vì bây giờ con Rùa không còn nữa, tôi muốn cất giữ những kỉ niệm kia trong ngăn kéo riêng tư của kí ức. Tôi sẽ không mở ngăn kéo đó cho bất cứ ai nhìn thấy để những gì tôi có được với con Rùa sẽ mãi mãi thuộc về riêng tôi.
Ngay cả chuyến đi rừng này, thoạt đầu tôi cũng không định rủ thằng Thục và bé Loan. Tôi muốn một mình lần về kỉ niệm. Nhưng tôi lại không thể để thung lũng bên kia đồi trở thành một thế giới bị bỏ quên. Tôi nghĩ con Rùa có lẽ không bao giờ muốn thế.
Rừng hiện ra trong tầm mắt tôi khi mồ hôi bắt đầu lấp lánh trên ngấn cổ của bé Loan, lúc này đã bỏ khăn quàng ra vì trời đã bắt đầu nóng bức.
- Em chưa vô rừng bao giờ! - Bé Loan hồi hộp nói khi đặt chân qua cửa rừng.
- Em cũng thế. - Thằng Thục nhanh nhẩu tiếp lời, trông nó có vẻ hứng thú khi không ngừng trông ngang liếc ngửa.
- Rừng đẹp lắm đó.
Tôi nói và thận trọng dò theo con đường mòn trên cỏ. Phường săn đã bỏ nghề nhưng những người đi lấy củi vẫn giúp cho đường đi trong rừng không bị cỏ che kín.
So với dạo mùa hè, cỏ dưới chân tôi um tùm hơn và các dây tầm gửi bắt đầu trổ đầy quả trắng trên những thân cây du sam già.
Tôi vừa đi vừa đảo mắt tìm bụi chuối hoang nơi tôi từng hôn con Rùa khi cả hai té chồng lên nhau nhưng khung cảnh trong rừng thay đổi khá nhiều so với cách đây ba năm nên tôi không thể xác định được nó nằm ở đâu, thậm chí không biết có ai đã đốn bụi chuối đó chưa.
Mặt trời lên cao khi chúng tôi đi tới giữa rừng nhưng càng vào sâu không khí càng mát lạnh. Đó là lý do dù không thấy con vật nào, thằng Thục và bé Loan lại vội vã quấn khăn vào cổ.
Tiếng lá reo vi vu, tiếng chim hót với nhiều giọng khác nhau tạo cảm giác thiên nhiên đang tấu lên khúc nhạc chào mừng nhưng tôi không có tâm trạng nào để thưởng thức. Trong khi thằng Thục và bé Loan trầm trồ không ngớt trước âm thanh kỳ diệu của rừng, trước các thân cây uốn éo kỳ dị hoặc trước một chú gà lôi đội mũ đỏ bất thần hiện ra ở một khúc quanh thì tôi cắm mắt xuống đất, lo lắng thấy con đường mòn đã mất hút trong cỏ.
Lần trước khi đi tới chỗ này, con Rùa vẫn thản nhiên bước tiếp. Tôi không có được thái độ ung dung như nó, vì tôi không có con đường mòn nào trong đầu.
Cũng chẳng có con thú nhỏ nào tình nguyện làm kẻ dẫn đường cho tôi. Tôi không phải là bạn của tụi nó. Những con thú nhỏ trong rừng chỉ xem con Rùa là bạn. Tôi nhớ khi con Rùa đặt chân đến đây, bọn khỉ, sóc, nhím, chồn từ các chỗ nấp bí mật nhanh chóng rủ nhau chạy ra, hớn hở bám theo nó. Hôm nay trừ con gà lôi đậu lẻ loi trên cành du sam, ba đứa tôi không nhìn thấy con vật nào khác.
Từ khi phường săn bỏ nghề, các con vật sống trong khu rừng này chỉ có thể nhiều lên chứ không ít đi. Nhưng lúc này có lẽ tụi nó đang giấu mình trong các bụi rậm và thận trọng quan sát ba đứa tôi qua kẽ lá. Tôi đoán thế.
Thấy tôi loay hoay mãi một chỗ, bé Loan hỏi:
- Tới nơi rồi hả anh?
- Mình nghỉ chân một lát đi em.
Tôi đáp và ngồi lên gốc cây trắc bá xù xì.
Để hai đứa em không đọc thấy sự bối rối trên mặt tôi, tôi khoa tay một vòng, giọng cố tỏ ta hào hứng:
- Hồi trước những người thợ săn đặt bẫy quanh đây.
- Họ bảo chị Rùa thường xuyên phá hỏng bẫy của họ, đúng không anh?
- Ờ. Chị Rùa muốn bảo vệ các con vật trong rừng.
Vẻ mặt đằng đằng sát khí của ông Bảy Thành hôm ông xách súng đi tìm con Rùa chợt hiện về trong đầu tôi. Nhớ lại lúc ông nổi điên vung báng súng đánh văng con gà bằng đất nung trên hòn non bộ, tim tôi vẫn còn nảy tưng tưng. Tôi cũng nhớ buổi trưa nắng nóng con Rùa bị những người thợ săn bao vây cạnh bụi cúc tần. Một thời gian dài trước đó, có lẽ nó cũng từng bị phường săn truy bức nhiều lần. Nhưng con Rùa trước sau vẫn không bị khuất phục. Nó sẵn sàng cãi nhau với súng, sẵn sàng đương đầu với những thách thức để âm thầm bảo vệ những con thú nhỏ tội nghiệp. Một cô bé có tấm lòng nhân hậu như thế, can trường như thế mà rốt cuộc bỏ mình trong sóng nước chỉ vì xả thân cứu người quả là một bất công. Chẳng lẽ người tốt ở đời luôn gặp phải kết cục nghiệt ngã, như con Rùa bây giờ và ba nó trước đây? Đôi lúc tôi bần thần nghĩ, có cảm tưởng số phận luôn dành cho con Rùa những chiếc bánh khét, dù được đúc ra từ chiếc khuôn nào và làm bằng thứ nguyên liệu gì.
Ý nghĩ đó gieo vào lòng tôi cảm giác cay đắng và chán chường, làm mắt tôi rưng rưng, đến mức khi bé Loan hỏi "Giờ mình đi đâu nữa hở anh?", tôi phải quay mặt đi chỗ khác để trả lời nó:
- Anh sẽ đưa tụi em tới chỗ chị Rùa hay tới. Một chỗ không ai biết.
- Chỗ đó ở đâu hở anh?
- Nó ở đằng sau một thác nước.
Tôi ngập ngừng đáp, cố đoán xem thác nước ở về phía nào nhưng tôi không tài nào nhớ ra. May làm sao, thằng Thục đã vô tình giải đáp dùm tôi. Ngón tay nó lướt một vòng quanh đám cây xà cừ, giọng như reo:
- A, hèn gì em nghe có tiếng nước chảy đâu đây.
Tai tôi không thính như tai thằng Thục. Tôi nghiêng nửa đầu về phía sau nín thở nghe ngóng, mất một lúc lâu vành tai tôi mới lọc ra được tiếng róc rách mơ hồ đang trộn lẫn trong vô vàn âm thanh ríu rít của dàn nhạc rừng và phải mất thêm một quãng thời gian như thế nữa tôi mới xác định được tiếng nước kia vọng tới từ phía nào.
Tôi chỉ tay vào bức rèm nước khi cả ba đã tới được chân thác:
- Đằng sau thác nước này có một cửa hang. Lát nữa ba anh em mình sẽ đi xuyên qua cái hang đó để đến bên kia ngọn đồi.
Bé Loan vỗ tay bôm bốp, mặt nở ra:
- Ôi, thích quá!
Nó ngước nhìn tôi bằng ánh mắt tò mò:
- Bên kia ngọn đồi có gì hở anh?
- Có một thung lũng xinh đẹp với rất nhiều hoa trái. Chị Rùa đã giấu con Tập Tễnh ở đó. Đó là nơi vô số con thú nhỏ được sống bình yên. Ông Bốn Lai và những người khác không hề biết thung lũng này.
Thằng Thục không giấu vẻ phấn khích trước cuộc phiêu lưu kỳ thú. Nó nôn nóng:
- Sao mình không chui vô ngay bây giờ hả anh?
- Bây giờ, chúng ta phải bện một sợi dây thật dài đã.
Tôi giải thích cho hai đứa em tôi hiểu là cái hang đó rất sâu, lại nhiều ngóc ngách và chúng tôi có thể lạc đường bất cứ lúc nào. Chúng tôi phải đề phòng bất trắc bằng cách kiếm một sợi dây, rồi cột một đầu dây ở cửa hang để nếu bị lạc chúng tôi sẽ lần theo sợi dây dọ dẫm quay ra. Thậm chí khi qua được bên kia đồi, chúng tôi cũng cần sợi dây này để biết đường trở lại.
Thằng Thục và bé Loan dường như trút bỏ hết mọi mệt nhọc khi nghe về chuyến đi xuyên qua lòng ngọn đồi lát nữa đây. Tụi nó hào hứng nhặt đá nhọn để bóc vỏ cây. Trong không khí sực nức mùi nhựa cây non, những ngón tay của chúng tôi xanh lè như nhúng trong thuốc nhuộm. Trong vòng mười lăm phút, cả ba cặm cụi bện vỏ cây đã tước mảnh thành những sợi dây dài rồi nối chúng lại với nhau.
Thời tiết có vẻ ủng hộ chuyến đi khi các tia nắng không ngừng nhảy nhót trên vai chúng tôi và bên trên những tàng cây, những cụm mây trắng nõn như bông đang báo một ngày ấm áp kéo dài.
- Em đói bụng chưa?
Tôi hỏi bé Loan khi cùng thằng Thục cuộn sợi dây thành từng khoanh tròn.
- Dạ chưa. - Bé Loan lắc đầu, háo hức hỏi - Bây giờ vô hang được chưa anh?
- Ờ, bây giờ mình đi.
Tôi nói, khoác cuộn dây qua vai và dẫn đầu cả bọn tiến về phía thác nước.
- Tụi em nhớ nhìn anh. Anh đặt chân chỗ nào tụi em đặt chân chỗ nấy nghe chưa!
Tôi ngước nhìn dải cầu vồng hiện ra trong đám bụi mỏng giữa lưng chừng trời, khẽ giọng dặn hai đứa em trước khi trèo qua những mô đất dọc triền đồi, thận trọng đặt chân lên những bụi cây thấp trong khi tay níu chặt những cành lá đu đưa trên đầu.
Thích thú và sợ hãi, thằng Thục và bé Loan hăm hở bám theo tôi, từ từ men về phía thác nước.
- Đừng sợ, thác này thấp, nước không mạnh lắm đâu!
Tôi nói như hét để át tiếng thác đổ và húc người vào bức màn nước trắng xóa để lọt vào bên trong.
Rất nhanh, thằng Thục và bé Loan cũng chui vào theo, người ướt sũng nhưng mặt mày đứa nào đứa nấy tươi roi rói.
Bé Loan vừa vuốt tóc vừa nhảy loi choi trên nền hang:
- Em muốn chui qua chui lại bức màn này lần nữa quá!
- Lát về rồi chui. Bây giờ phải đi tiếp.
Tôi nói, loay hoay cột một đầu dây vào bụi chà là mọc ngoài rìa hang.
Với sợi dây không ngừng nới ra trên tay, tôi dè dặt dẫn hai đứa em đi sâu vào bên trong, bụng thầm khấn con Rùa nếu có linh thiêng thì dẫn đường cho anh em tôi.
Đang lầm rầm, tôi sực nhớ con Rùa lúc còn sống cũng đâu có thuộc con đường này. Lần trước, nó phải nhờ bọn khỉ dắt đi. Nhưng tôi vẫn hi vọng khi đã hóa thành linh hồn, nó sẽ có khả năng đi xuyên qua ngọn đồi một cách dễ dàng. Và nếu biết hôm nay tôi quay lại thung lũng mộng mơ này để sống lại lần cuối những giây phút đẹp đẽ ngắn ngủi giữa tôi và nó trước khi tôi dứt ruột rời làng, có lẽ nó sẽ phù hộ tôi.
- Lâu quá vậy anh? - Thằng Thục sốt ruột lay cánh tay tôi trong bóng tối.
- Sắp tới rồi. - Tôi đáp, không tin lời mình chút nào - Tụi em khom người xuống kẻo va phải các mỏm đá trên trần hang đó.
Thực sự thì tôi không biết tôi có đi đúng hướng hay không. Chúng tôi đi như người bị bịt mắt, không thấy gì cũng không nghe gì trong lòng đất âm u. Chỉ có sợi dây trên tay giúp tôi vững tâm không sợ bị chôn xác trong lòng ngọn đồi.
À, có. Có một âm thanh. Một tiếng vù lướt qua chúng tôi, thoáng đã mất hút phía sau.
- Có tiếng gì kìa anh! - Bé Loan nói như rên, bàn tay nó run lên trong tay tôi.
Một tiếng khọt khẹt vang lên ngay sau câu nói sợ sệt của con nhóc.
Cứ như có ai vừa bật một ngọn đèn trong đầu tôi.
- Miếng Vá!
Tôi quay lại phía sau hét lớn, dù không chắc nó có phải là thằng Miếng Vá hay không.
Một tiếng vù nữa, lần này là phóng ngược từ phía sau ra phía trước.
- Miếng Vá, đi chậm thôi! Chờ tụi tao theo với!
Tôi lại ré lên, nước mắt tự nhiên ứa ra. Con Rùa! Đúng là con Rùa đã nghe được lời thì thầm của tôi. Nó đã sai con khỉ dẫn đường cho ba anh em tôi. Tôi cắn chặt môi, cố nén một tiếng sụt sịt để thằng Thục và bé Loan không biết là tôi đang khóc.
- A, em biết thằng Miếng Vá này! - Bé Loan reo lên - Thỉnh thoảng nó hay chạy ra làng kiếm chị Rùa, bị chị Rùa đuổi hoài.
- Đuổi á? - Tiếng thằng Thục ngạc nhiên.
- Ờ. Chị Rùa sợ phường săn nhìn thấy nó.
Thằng Miếng Vá chạy khá xa, nhưng tôi vẫn nghe tiếng chí chách đằng trước mặt. Tuy không kiềm được tính hiếu động, thằng Miếng Vá có lẽ cũng biết không nên bỏ chúng tôi quá xa.
- Con khỉ này biết đường qua bên kia đồi hả anh? - Thục tò mò.
- Ờ. Nó chạy qua chạy lại hoài.
Thằng Miếng Vá dẫn đường rất nhiệt tình. Tiếng kêu của nó chỉ tắt khi quầng sáng lờ mờ hắt tới từ phía trước cho biết chúng tôi sắp đến cửa hang.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Ngồi Khóc Trên Cây.