• 177

Chương 3


Số từ: 5610
Nguồn: NXB Trẻ
Vừa bước qua ngưỡng cửa, Thục đã hạch sách tôi ngay, theo cái kiểu cha mẹ vẫn rầy con cái chơi với bạn xấu:
- Sao anh lại chơi với con Rùa?
Đang bực mình, tôi hừ mũi hỏi lại:
- Sao tao lại không thể chơi với con Rùa?
- Vì tụi em không đứa nào chơi với nó.
Lý do của thằng Thục nghe rất chướng tai. Nhưng tôi không cãi, chỉ nói:
- Tao thấy bé Loan rất mến con Rùa.
- Chỉ mấy đứa con gái ngốc nghếch mới đánh bạn với nó thôi.
- Chị Rùa không thèm chơi với tụi anh thì có!
Tiếng bé Loan thình lình cất lên đằng sau lưng tôi, và tôi phải thú nhận là tôi hết sức khoái trá khi thấy gương mặt thằng Thục đột ngột méo đi.
- Mày… mày…
Thục ấp a ấp úng, trông nó như người vừa nuốt phải lưỡi.
Bé Loan bước lại chỗ Thục, thò tay véo thằng này một cái:
- Nói xấu chị Rùa nè!
Thằng Thục có vẻ rất ngán bé Loan, dù nó lớn hơn con bé đến bốn tuổi. Con bé này véo nó chắc là đau lắm nhưng Thục chỉ biết ôm cánh tay xuýt xoa.
Bữa đó, tôi chở thằng Thục về tới đầu cầu treo. Khi leo xuống khỏi yên và giao xe lại cho nó, tôi cười nói:
- Tao biết mày thù con Rùa chuyện nó giành nắp keng với mày nè.
Thằng Thục cầm lấy ghi-đông, mặt đột nhiên nghiêm trọng:
- Tụi em không chơi với nó vì nó là một đứa… một đứa…
- Một đứa gì?
- Một đứa… – Thục nhíu mày, nó lục lọi vốn từ trông vất vả như đang tìm một đồng xu đánh rơi trong bể cá – Nói chung nó là một đứa… một đứa không bình thường.
- Tao vẫn chưa hiểu một đứa không bình thường là một đứa như thế nào! – Tôi liếm môi, vẫn nhìn chằm chằm vào mặt Thục.
- Là nó không giống như tụi em. Nó không giống bất cứ ai ở trong làng.
Tôi nhún vai:
- Ai bảo mày vậy?
- Ông Hai Sắn bảo. Ổng bảo ông thường bắt gặp nó trò chuyện hàng giờ với các con vật.
Tôi vỗ vai Thục:
- Tao đã tận mắt thấy con Rùa nói chuyện với con ngỗng nhà nó.
- Đó! Anh thấy chưa? – Thục reo lên, giọng đắc thắng như thể điều tra viên vừa tóm được chứng cứ của tội phạm – Em đâu có bịa chuyện.
- Nhưng tao thấy chẳng có gì là không bình thường cả. Hôm nào mày thử nói chuyện với con ngỗng xem, biết đâu nó hiểu được tiếng mày. – Tôi đáp, giọng bỡn cợt. Bằng thái độ đó tôi muốn thằng Thục biết là tôi không đứng về phía nó.
Tôi cố ý bông đùa, nào ngờ Thục gật đầu:
- Em thử rồi.
- Mày thử rồi? – Tôi dựng mắt lên – Mày đã nói chuyện với con ngỗng nhà Rùa rồi hả?
- Dạ.
Thằng Thục làm tôi tò mò quá thể:
- Kết quả sao?
- Kết quả là nó rượt em và mổ vào mông em một phát bầm tím đến mấy ngày.
- Ha ha ha…
Tôi không muốn chế giễu thằng Thục nhưng tiếng cười vẫn cứ phát ra.
- Anh đừng cười nhạo em. – Thục sa sầm mặt – Em nói thật đó. Anh không nên chơi với con Rùa.
- Tao cứ chơi.
- Ông Hai Sắn còn bảo cứ vài ngày con Rùa lại vào rừng để làm chuyện mờ ám gì đó. Ông Bốn Lai cũng bảo thế.
- Chuyện mờ ám là chuyện gì?
Thục đột nhiên thấp giọng như sợ ai nghe lỏm:
- Có thể nó liên lạc với giặc cướp.
- Trong rừng có giặc cướp á?
Thục nhăn nhó, có vẻ không hài lòng về câu hỏi của tôi:
- Anh quên ba con Rùa chết là do rượt theo bọn cướp rồi sao. Sào huyệt của bọn chúng ở trong rừng chứ đâu.
- Ông Hai Sắn và ông Bốn Lai bảo thế à?
- Dạ.
- Mày tin mấy ông đó sao? – Tôi nheo một bên mắt, giọng đã bắt đầu bực bội.
- Tin chứ. – Thục gật đầu, phớt lờ vẻ mặt khó coi của tôi. – Họ đều là thợ săn, chuyện gì trong rừng mà họ chẳng biết. Ông Bốn Lai còn đề nghị thầy Điền cấm con Rùa ra khỏi nhà nữa kìa.
- Tao thì tao chẳng tin.
Tôi đá chân vào bánh xe sau:
- Trời tối rồi. Thôi, mày về đi kẻo mẹ mong.
Đợi thằng Thục chạy xe lên cầu treo, tôi quay mình lần về lối cũ.
Dĩ nhiên tôi không tin câu chuyện của mấy ông thợ săn, mặc dù tôi không hiểu tại sao họ lại bịa chuyện để nói xấu con Rùa.
Trời tối dần trên vai, và tôi vừa đi vừa sung sướng căng ngực hít thở mùi vị của buổi chiều. Như một loại trái cây, khi chín dần thành đêm, buổi chiều cũng tỏa ra hương thơm đặc biệt của nó, trong đó có mùi gió, mùi cỏ, mùi lá cây và phảng phất cả thứ hương mọc kín đáo đâu đây khiến cánh mũi tôi không ngớt phập phồng.
Tôi lại nghĩ đến con Rùa khi đá chân vào bụi mắc cỡ bên đường để thấy những chiếc lá khép lại như rèm mi dài của nó.
Tối đó, tôi không qua nhà con Rùa chơi như dự định. Vừa ăn cơm xong, trời đổ mưa ríu rít. Ngồi trong nhà nhìn ra, thấy mưa dày như vải mùng. Những hạt nước to rơi xuống sân bắn ngược trở lên tung tóe, tưởng như ông trời đang vãi thóc. Có lẽ đây là lượng nước hồi chiều những đám mây giữ lại giữa không trung, dành cho một trận mưa khác vào ngày khác. Nhưng tối ngủ quên, những đám mây lỡ tuột tay đánh rơi mưa xuống. Xưa nay những con mưa trái mùa bao giờ cũng đến từ những đám mây lơ đễnh.
Bé Loan ngồi thu lu bên cạnh tôi trên ngách cửa, nói:
- Chạy ra tắm đi anh!
- Trời tối thui à.
- Trời tối tắm mới thích.
- Nhưng lạnh lắm.
Tôi nói, bắt gặp mình đang xấu hổ. Hồi còn ở làng, tôi rất thích tắm mưa. Tôi không sợ lạnh, dù là ban ngày hay ban đêm. Mưa, với trẻ con nông thôn, bao giờ cũng kéo theo niềm vui, sự hân hoan và phấn khích. Cởi truồng, hoặc để nguyên quần áo nếu lớn lên tí nữa, chạy nhảy dưới mưa là niềm thích thú khó tả.
Tôi hỏi bé Loan, cố lảng đi đề tài tắm mưa:
- Em biết ông Hai Sắn, ông Bốn Lai không em?
- Biết. Em cũng biết cả ông Bảy Thành và chú Ngãi nữa.
- Bọn họ là thợ săn à?
- Dạ. Họ sống bằng nghề đi săn và bẫy thú.
- Nghe nói họ ghét chị Rùa lắm hả?
- Dạ.
- Tại sao vậy?
- Tại chị Rùa ghét họ.
Tôi nhớ ra con Rùa rất yêu các con vật. Tôi nhớ đến đám bạn của nó: con ngỗng, con sóc, con nai, con chim, con khỉ… Trong khi phường săn là kẻ thù của các con vật.
Theo lời bé Loan kể thì vào mùa thả diều năm ngoái, ông Hai Sắn bẫy được một con nai con. Con nai bị bẫy kẹp què giò. Con nai còn bé, lại rất đẹp, ông Hai Sắn không muốn xẻ thịt. Có người xúi ông đem vào phương Nam bán cho các sở thú. Nhưng con nai đang bị què, ông Hai Sắn chưa đem bán vội. Con Rùa bảo ông Hai Sắn nó có thể chữa lành cho con nai con. Nghe nó kể vanh vách tên các cây thuốc và công dụng của từng loại, ông Hai Sắn tin ngay. Con Rùa đem con nai về nhà, nẹp chân và bó thuốc một thời gian, con vật lành thật. Nhưng con Rùa không trả con nai cho ông Hai Sắn mà lén thả ra. Nó bảo với ông Hai Sắn là nửa đêm con nai bứt dây bỏ chạy vô rừng, nó đuổi theo bắt lại nhưng không kịp. Ông Hai Sắn giận lắm, làm ầm ĩ suốt một tuần lễ liền.
Tôi hồi hộp theo dõi câu chuyện về con nai, nhưng đến đoạn cuối thì tôi cười ngất. Cái tên Tập Tễnh đổ chuông trong trí nhớ tôi. Tôi nhớ con Rùa từng bảo nó hay đem theo cuốn Asterix và lưỡi hái vàng vào rừng để đọc cho con Tập Tễnh nghe.
Bây giờ thì tôi hiểu tại sao con Rùa hay vào rừng. Cùng chơi đùa với con nai con, đọc sách cho nó nghe là một chuyện. Điều quan trọng hơn là con Rùa tìm cách che giấu con Tập Tễnh khỏi mắt phường săn trong làng. Nếu con nai không tìm thấy đàn, hẳn nó phải ở xa lắm, trong một hang động bí mật nào đó mà trừ con Rùa ra không một ai tới được hoặc tìm thấy được.
Nhớ đến cuốn truyện tranh, tôi bất giác mỉm cười, nhận ra mình đang cảm động. Tôi không biết ông ngoại con Rùa qua đời đã bao lâu nhưng cái cách con Rùa giữ gìn cẩn thận cuốn truyện và đem ra đọc đi đọc lại chỉ mỗi đoạn mà nó biết khiến tôi thấy nao nao. Thực ra con Rùa không đọc, nó chỉ xem từng bức tranh và nhớ lại những gì ông nó kể. Những lúc như vậy, tôi đoán nó vừa xem sách vừa mường tượng lại gương mặt, giọng nói, dáng đi của ông nó và khi quay lại cuộn phim đó trong đầu hẳn lòng nó bồi hồi lắm.
Tối đó tôi đi ngủ trong tiếng mưa mỗi lúc một thưa dần tuy thỉnh thoảng vẫn nghe vọng vào tai những âm thanh rào rào vọng lại từ phía hòn non bộ, tiếng của vô số những giọt nước trên cành cây sẩy tay té xuống mặt ao bèo khi một cơn gió tinh nghịch thổi qua.
Sáng hôm sau, cô Út Huệ đãi tôi món xôi đậu xanh chấm muối mè ngon đến điếc lưỡi.
Ăn xong, tôi cầm ly nước ngồi trước hiên lười nhác nhìn ra.
Chung quanh tôi, nhà cửa cây cối đều ướp nắng vàng. Sau khi được cơn mưa đêm tắm gội, lau chùi, mọi thứ càng như tỏa sáng.
Trên cành sầu đông trước ngõ đôi chèo bẻo chẳng biết đi đâu, chỉ thấy một con chiền chiện đang nghển chiếc cổ vàng hót chào bình minh.
Ở góc hàng rào, cây nắp ấm vừa nghe chim hót vừa đong đưa những bông hoa trong nắng mai theo cái cách người mẹ hiền đang sưởi ấm những đứa con bé bỏng, mặc dù đứa nào đứa nấy hình thù trông giống một bình rượu hơn là một đứa bé.
Ý nghĩ đó bất giác khiến tôi phì cười.
- Có gì vui vậy anh?
Tiếng con Rùa từ bên kia hàng giậu vọng sang khiến tôi ngoảnh đầu lại.
- À, có gì đâu em!
Nhìn gương mặt tươi cười của nó thấp thoáng sau bóng lá, tôi sực nhớ đến lời hứa của mình hôm qua:
- Em chờ anh chút nhé!
Tôi chạy vô nhà cất vội cái ly rồi phóng sang nhà nó:
- Em đưa cuốn truyện đây anh đọc cho em nghe.
Con Rùa đã thủ sẵn cuốn Asterix và lưới hái vàng trong vạt áo. Không đợi tôi nhắc đến lần thứ hai, nó lôi cuốn sách ra chìa vào mắt tôi:
- Nè anh!
Giống như hai ông tiên đánh cờ trên hòn non bộ, một phút sau tôi và con Rùa đã ngồi trên phiến đá xanh dưới nhánh cây bướm bạc chụm đầu vào trang sách lốm đốm bóng nắng.
- Ngoại em kể em nghe tới chỗ nào rồi? - Tôi hào hứng hỏi.
Trong sự yên lặng đầy đặn và ấm áp của buổi sáng thôn quê, tôi ngạc nhiên nghe giọng nói của mình vang vang đến mức tôi có cảm tưởng tôi vừa kề miệng vào tai tôi để thốt lên câu đó.
Con Rùa một tay cầm cuốn sách, tay kia lật tới trang có đánh dấu:
- Tới chỗ này nè anh.
Truyện Asterix và lưỡi hái vàng tôi đã đọc qua rồi nên nhìn vô các bức tranh tôi nhớ ra ngay đây là đoạn Obelix và Asterix bắt lão chủ quán Arvene dẫn đi tìm Amerix, người chuyên sản xuất lưỡi hái vàng cho các pháp sư.
Tôi chỉ vào bức tranh lão Arvene ria rậm đang đánh xe bò xuôi dốc bị Obelix chặn lại, gật gù:
- Lúc này Obelix và Asterix đang chặn đường lão Arvene.
- Obelix á?
- Ừ, Obelix và Asterix là một đôi bạn. Em cũng biết rồi mà, họ sống ở làng Gaulois…
- Không phải đâu anh! – Con Rùa lắc đầu nguầy nguậy – Đây là làng Đo Đo hồi xưa.
Nó chỉ tay vào nhân vật Obelix đang khuân tảng đá to tướng sau lưng:
- Đây là bác Bụng Bự. Bác làm nghề đục đá trên núi Phụng Sơn…
Tới lượt tôi ngơ ngác:
- Bác Bụng Bự ư? Ai bảo em thế?
- Ngoại em kể thế mà. – Con Rùa chớp đôi rèm mi dài – Ngoại em bảo hồi xưa người Pháp đến nước mình truyền đạo. Họ đi khắp nơi, và khi đến làng Đo Đo họ nghe dân làng kể chuyện bác Bụng Bự và bác Ria Vàng đi bắt bọn cướp, họ thích quá nên về viết ra cuốn truyện này.
Bác Ria Vàng theo như tay chỉ của con Rùa là nhân vật Asterix. Thoạt đầu tôi ngớ ra, nhưng nghe thêm một hồi tôi dần dần hiểu ra ông ngoại của con Rùa không hề biết tiếng Pháp. Ông nhìn vào các bức tranh và tưởng tượng ra một câu chuyện hoàn toàn khác để thỏa mãn yêu cầu của đứa cháu bé bỏng là con Rùa.
- Không phải đâu em. Câu chuyện người ta kể trong sách là như thế này…
Tôi hắng giọng nói, rồi chỉ tay vào trang đầu tiên tôi bảo với con Rùa rằng đây là ngôi làng Gaulois ở bên nước Pháp. Khi câu chuyện bắt đầu thì dân làng đang vui chơi thanh bình: Asterix kể chuyện săn bắn, Obelix đẽo đá, Tourix dạy bọn trẻ làng… Bỗng nhiên mọi người nghe tiếng thét của pháp sư Panoramix vọng tới. Khi dân làng chạy lại thì thấy Panoramix đang đeo lủng lẳng trên cây sồi. Thầy vừa làm gãy chiếc liềm vàng chuyên dùng hái lá để chế tạo thuốc tăng sức mạnh. Đại hội pháp sư sắp tổ chức mà không chế tạo được thần dược, thầy Panoramix xem như nắm chắc phần thất bại. Vì vậy, Asterix và Obelix lên đường đi đến Lutèce để tìm nhà buôn Amerix, người chuyên sản xuất lưỡi liềm vàng…
- Không phải đâu anh. – Con Rùa lên tiếng phản đối, cái cách nó lúc lắc mái tóc cháy nắng như thể tôi vừa nói điều gì ngớ ngẩn – Người đang bị bọn cướp treo lên cây là bác Bông Gòn. Bác Bông Gòn cao tuổi nhất làng, là người duy nhất biết kho báu của nhà vua chôn giấu ở chỗ nào.
- Thế còn cây liềm trong tay… - Tôi cố vặn vẹo, đã bắt đầu ngập ngừng trước gương mặt đang bừng bừng của con Rùa.
- Đó là vũ khí của bác Bông Gòn mà anh. – Con Rùa ngước hai giọt nước long lanh nhìn tôi, có vẻ ngạc nhiên tại sao tôi lại không hiểu một điều đơn giản như vậy – Bác dùng chiếc liềm chống lại bọn cướp nhưng bọn chúng đã đánh gẫy chiếc liềm của bác. Và do bác nhất định không hé môi về kho báu, bác đã bị bọn chúng treo lên cây…
Mặt trời lúc này đã lên cao, nắng dày hơn bắt đầu sưởi ấm hai đứa tôi và những trang sách. Tôi nhìn tia nắng xuyên qua những chiếc lá bướm bạc đang nhảy nhót trên má con Rùa, cảm thấy không nên tranh cãi với nó nữa. Ông nó đã phả tình yêu làng mạc quê xứ vào từng trang truyện của Rene Goscinny đậm đà đến mức con Rùa không thể chấp nhận một ngôi làng nào khác ngoài làng Đo Đo của nó (và cả của tôi) là địa điểm được nhắc tới trong truyện.
- Nếu đó là làng Đo Đo tại sao nhân vật trong truyện toàn mắt xanh mũi lõ? – Tôi vét hết hi vọng, hỏi một câu vớt vát.
- Họa sĩ phải vẽ như thế để trẻ em xứ họ dễ xem mà anh.
Con Rùa giải thích một cách giản dị.
Và đó cũng là câu hỏi cuối cùng tôi hỏi con Rùa trong buổi sáng đầy nắng đó.
Sau đó tôi không còn gì để hỏi nữa, vì tôi biết nếu cố bắt bẻ con Rùa tôi sẽ là người thất bại.
Tôi đành phải làm cái chuyện bất đắc dĩ là chấp nhận chân lý đứng về phía ông ngoại con Rùa, càng khó khăn hơn nữa khi tôi phải kể tiếp cho nó nghe câu chuyện dở dang mà ông nó để lại như một gánh nặng đối với tôi.
Tôi nhìn những bóng nắng run rẩy trên trên sách vừa học cách tưởng tượng, một điều không đơn giản khi câu chuyện về Asterix đã in sâu trong tâm trí tôi như những luống cày trên cánh đồng kí ức.
Tôi vểnh tai nghe con Rùa kể lại câu chuyện về ngôi làng Đo Đo không bình yên, về các nhân vật Bụng Bự, Ria Vàng, Bông Gòn, cố để cho đầu óc làm quen với ý nghĩ rằng Asterix, Obelix, Panoramix chính là hóa thân của những chàng dũng sĩ can trường trong ngôi làng nhỏ luôn phảng phất mùi dạ lý hương khi chiều xuống.
- Ờ, anh hiểu rồi. Đây là đoạn kể về bác Bụng Bự và bác Ria Vàng chặn đường lão đánh xe bò để hỏi về chỗ trú ngụ của bọn cướp… - Cuối cùng, tôi gật đầu nói, bằng giọng của người đang cố chống lại chính mình, có chút gì ngượng nghịu trong cách phát âm.
Con Rùa xích sát vào tôi lúc nào không hay, mê mẩn nghe tôi bịa chuyện.
Cho đến khi tảng đá dưới mông tôi bắt đầu nóng lên vì trời đã vào trưa thì tôi kể cho con Rùa được một đoạn khá dài và quả tình tôi rất lấy làm ngạc nhiên về óc tưởng tượng của mình.
Câu chuyện bịa của tôi càng lúc càng trôi chảy, đến mức có một lúc tôi có cảm tưởng cuốn truyện tranh trên tay tôi đúng là kể về ngôi làng Đo Đo thật và những Asterix, Obelix đúng là Ria Vàng, Bụng Bự thật.
Con Rùa ngồi bên cạnh chốc chốc lại xuýt xoa:
- Hay quá!
- Hồi hộp ghê!
Những tiếng tấm tắc của nó như một thứ gia vị nêm vào câu chuyện giúp cho lời kể của tôi thêm đậm đà và trí tưởng tượng của tôi thêm bay bổng.
Thằng Thục xuất hiện ngay vào lúc tôi và con Rùa chuẩn bị rời đi chỗ khác vì tảng đá hai đứa tôi ngồi đã nóng đến mức có thể thui chín chúng tôi trong mười lăm phút nữa.
Thục vẹt rào giậu thò đầu qua, nhưng nó không nhìn tôi.
- Chết mày rồi, Rùa! – Thục hắng giọng – Ông Bảy Thành đang đi tìm mày kìa!
- Ổng tìm tao làm chi?
- Làm chi thì lát nữa gặp ổng mày sẽ biết!
Ông Bảy Thành xuất hiện trước ngõ nhà con Rùa không lâu sau đó.
- Con Rùa đâu rồi? Mày ra đây tao bảo!
Một giọng gầm ghè, hơi khàn khàn đập vào tai tôi. Gần như ngay sau tiếng quát, một người đàn ông cao gầy bước vào sân, trên tay đang cầm cây súng kíp. Chòm râu dưới cằm ông dày đến mức tưởng như râu giả mới được ông gắn vào trước đó ít phút trong khi đầu ông thì hoàn toàn ngược lại: chỉ có mớ tóc loe hoe bám sau ót, nửa đầu phía trước trơn bóng tạo cảm giác ông đang sở hữu một cái trán lớn gấp đôi người bình thường. Mũi ông hơi khoằm và chính chi tiết này khiến ông giống một cách kỳ lạ với pháp sư Panoramix trong truyện Asterix. Nếu tóc và râu của ông đem nhuộm trắng đi thì ông đúng là pháp sư Bông Gòn theo cách nói của con Rùa.
Trong khi tôi chằm chằm nhìn người thợ săn, sự lo lắng mỗi lúc một dâng lên khiến bụng tôi cứ quặn lại từng chặp, con Rùa nhìn người mới đến, thản nhiên hỏi:
- Con nè. Có chuyện gì vậy chú Bảy?
- Mày đừng có giả vờ, tao đập mày bây giờ! – Mặt ông Bảy Thành đỏ phừng phừng khi nhìn thấy con Rùa đứng lên khỏi phiến đá xanh. Ông giơ báng súng lên khỏi đầu vẻ đe dọa.
Con Rùa ngước nhìn cây súng của người thợ săn, ánh mắt nó lướt qua cái báng gỗ rồi rớt xuống gương mặt đỏ như hơ lửa kia, ngơ ngác:
- Sao tự nhiên chú đòi đánh con?
Chòm râu dưới cằm ông Bảy Thành gần như dựng lên:
- Tối hôm qua mày lẻn vô nhà tao phá phách phải không?
- Tối hôm qua trời mưa con đâu có ra khỏi nhà. – Con Rùa đáp bằng giọng nếu nó có làm chuyện đó thì trời sẽ sập xuống đầu nó ngay lập tức.
Bà nội con Rùa nghe ồn, lẹp kẹp bước ra hiên, chiếc khăn trầu còn nhét hờ nơi mép túi, chắc bà vừa phun bã trầu vô ống nhổ. Nhác thấy ông Bảy Thành, bà chưa kịp lên tiếng, người thợ săn đã nghiến răng:
- Bác xem đứa cháu quý hóa của bác nè. Tối qua nó lẻn vô nhà tôi đổ nước vào túi thuốc nhồi ướt hết trơn.
Bà nội con Rùa ngập ngừng:
- Có phải nó không, chú?
Con Rùa giậm giậm chân trên nền đất:
- Không phải con! Không phải con mà!
Thằng Thục lúc này đã đến bên cạnh tôi. Nó kề miệng vào tai tôi, nói nhỏ:
- Nó chứ ai!
Ông Bảy Thành lắc cây súng trên tay, tay kia xoa lên chiếc mũi khoằn như để nén giận, giọng hăm he:
- Đây không phải là lần đầu tiên nghe Rùa. Hôm nào tao mà bắt quả tang được, mày đừng có trách tao.
Trước khi đùng đùng bỏ đi, ông Bảy Thành tức tối giáng cây súng kíp lên hòn non bộ, trúng ngay con gà bằng đất nung làm con gà văng tuốt vô hàng rào.
Có lẽ đây không phải là lần đầu những người thợ săn trong làng đến hỏi tội con Rùa. Tôi đoán vậy khi thấy con Rùa lẫn bà nó không ai có biểu lộ gì cho thấy họ bị bất ngờ trước hành vi lỗ mãng của ông Bảy Thành.
Con Rùa lúc này đang lấm lét nhìn bà nó, tay vẫn cầm cuốn truyện tranh Asterix.
Trong khi tôi đứng đực tại chỗ, không biết phải làm gì hay nói gì, thằng Thục đã kịp khều nhẹ lên cánh tay tôi:
- Về đi anh!
Trưa đó, thằng Thục rủ tôi về nhà thím Lê nhưng tôi lắc đầu:
- Tao không về đâu.
- Anh về đi lượm nắp keng với em. – Thục vừa nói vừa lay cánh tay tôi.
Tôi nhún vai:
- Mày muốn xuống chợ Kế Xuyên thì tao chở mày đi. Nhưng đi xong, tao về lại nhà cô Út Huệ.
Mặt thằng Thục xịu xuống:
- Anh không thích chơi với em nữa hả?
- Sao mày nói vậy? Lúc nào tao chẳng thích chơi với mày!
- Anh thích chơi với con Rùa thì có.
Tôi khựng lại mất ba mươi giây sau nhận xét của Thục. Tôi bối rối ngoảnh đầu ra sân nắng, đưa mặt nhìn những bông hoa nắp ấm đong đưa cạnh hàng rào, liếm môi đáp:
- Tại mày không biết đó thôi. Tao đang hứa với con Rùa một chuyện, tao phải ở lại đây làm cho xong.
- Anh hứa với nó chuyện gì vậy?
Tôi khụt khịt mũi:
- Khi nào làm xong tao sẽ kể cho mày nghe.
Tôi không nói với Thục tôi đang phải đọc cuốn Asterix để kể cho con Rùa nghe hết câu chuyện tưởng tượng về làng Đo Đo ngày xưa. Tôi sợ thằng Thục đòi nghe ké.
Không chỉ giấu thằng Thục, tôi cũng không nói chuyện đó với cả bé Loan. Tôi không bao giờ tự hỏi tại sao tôi làm vậy. Nhưng bây giờ thì tôi hiểu ra khi ở bên cạnh con Rùa, tôi không muốn bất cứ ai phá hỏng bầu không khí êm ái vây quanh hai đứa tôi.
Bữa đó, thằng Thục ở lại chơi với tôi và bé Loan đến khi trời lưng lửng chiều. Nó không rủ tôi đi lượm nắp keng nữa. Nó lấy hai hột xoài bé Loan phơi khô để dành trong ngăn tủ ra ngồi giữa nhà loay hoay làm cối xay cho con bé.
Trong khi bé Loan lục lọi nhà kho kiếm mấy sợi chỉ to, loại chỉ dùng để may miệng bao tải, tôi xuống nhà bếp đánh cắp của cô Út Huệ một chiếc đũa tre để làm trục cối xay.
Hai anh em đóng đóng gõ gõ một hồi đã làm được cái cối xay hột xoài rất đẹp. Trong chuyện này, tôi phải công nhận thằng Thục rất khéo tay. Cái cối xay của nó không chênh, không lắc, không nhảy chồm chồm. Bé Loan cầm sợi chỉ kéo tới kéo lui, hột xoài nằm ngang phía trên vẫn chạy êm ru.
Bé Loan là đứa ham chơi mau chán. Nó chơi một hồi, liệng cái cối xay cho thằng Thục, rồi chạy ra sau hè nhặt một miếng kính vỡ. Xong, nó đứng ngoài sân nắng, ngọ nguậy miếng kính trên tay, hào hứng chiếu những đốm sáng vào nhà. Những đốm sáng sau khi nhảy nhót lung tung trên vách, trên tủ, trên bàn ghế, bắt đầu rọi vào mặt tôi và mặt thằng Thục.
Lần đầu tôi và thằng Thục nhe răng cười, một lát thấy bé Loan chơi dai nhách, ánh sáng chói chang cứ chiếu thẳng vào mặt hai đứa tôi hàng buổi, Thục nổi cáu:
- Mày có thôi đi không, Loan! Mày còn rọi vô mắt tao lần nữa là tao về à.
Thục về thật. Khi bé Loan không thèm nghe lời, tay vẫn xoay miếng kính để điều khiển đốm sáng rọi trúng mục tiêu là mặt thằng anh họ nó, Thục đùng đùng bò ra khỏi nhà, nhảy lên xe đạp chạy thẳng. Nó chạy nhanh đến mức tôi chỉ kịp kêu
ơ
, nó đã mất dạng sau cây sầu đông trước ngõ.
Tôi rầy bé Loan:
- Em đùa dai thật đó!
Bé Loan cười hì hì:
- Ai bảo anh Thục cứ rủ anh về xóm dưới, không cho anh ở lại đây chơi với chị Rùa.
Bé Loan là con nhóc mười tuổi ngây thơ, nhưng lém lỉnh không ai bì. Câu nói của nó quét lên mặt tôi một thứ màu giông giống màu gạch cua. Tôi định nói với nó tôi ở lại nhà cô Út Huệ còn vì tôi thích chơi với nó nữa nhưng cuối cùng tôi làm thinh vì tôi thấy sự thanh minh đó giả tạo quá.
Tôi ở nhà cô Út Huệ gần hai ngày nhưng chẳng chơi với bé Loan được bao nhiêu, chỉ toàn la cà với con Rùa.
Chiều hôm đó, tôi phát hiện con Rùa chưa từng đọc cuốn sách nào khác ngoài cuốn Asterix và lưỡi liềm vàng ông ngoại nó để lại. Đó là cuốn sách duy nhất mà nó có.
Hồi bé tôi cũng thế. Cho tới lúc rời làng vào năm tám tuổi, tôi chưa từng đọc một cuốn sách nào.
Không chỉ ở làng, ngay cả thị trấn Hà Lam cũng không hề có nhà sách. Hồi chú Thảo còn sống, thỉnh thoảng chú mượn được của ai đó một cuốn truyện. Chú đọc và sung sướng kể cho tôi nghe từng đoạn ngắn vào những buổi trưa hai chú cháu nằm bên nhau trên chiếc phản rộng ghép bằng bốn miếng ván để chờ giấc ngủ kéo đến.
Tôi hỏi con Rùa:
- Thế em kể cho con Tập Tễnh nghe đi nghe lại mãi một chuyện à?
- Dạ.
Tôi gật gù:
- Anh sẽ kể cho em nghe thêm nhiều chuyện mới. Rồi em kể lại với con Tập Tễnh. Có vô số chuyện hay ở trong sách.
- Anh kể em nghe bây giờ đi! – Con Rùa chớp mắt, háo hức giục.
Trong mười năm sống ở Sài Gòn, tôi đọc được rất nhiều truyện hay. Và tôi chọn cuốn Tâm hồn cao thượng của Edmond de Amicis để kể cho cô bạn mới. Tâm hồn cao thượng là cuốn sách tôi rất thích, nhưng điều khiến tôi chọn cuốn này là do nó gồm những mẩu chuyện ngăn ngắn, rất dễ dàng kể lại.
Dưới bóng lá của cây bướm bạc, vẫn trên phiến đá xanh bây giờ đã dịu mát khi mặt trời trượt rất dài xuống khỏi đỉnh và sắp chạm ngọn đồi phía tây, tôi từ tốn kể cho con Rùa nghe về cậu bé thành Padova và cố dằn lòng để không buột miệng thắc mắc rằng có phải nó đã lẻn vào nhà ông Bảy Thành để làm hỏng túi thuốc nhồi của người thợ săn vào tối hôm qua hay không.
Tôi không hỏi, vì tôi biết nếu cần nói thì con Rùa sẽ tự động dốc bầu tâm sự, còn một khi nó đã lờ đi chuyện đó có nghĩa là nó không thích ai chạm vào những dây tơ bí mật trong lòng nó làm vang lên những âm thanh mà nó muốn giấu kín đằng sau vẻ ngoài bình thản kia.
Trong khi con Rùa luôn miệng xuýt xao khi nghe tới chỗ cậu bé lang thang xứ Padova ném trả những đồng tiền vàng vào mặt những người nói xấu đất nước cậu, tôi vẫn không ngớt nghĩ tới cơn giận dữ của ông Bảy Thành, và sở dĩ tôi cứ băn khoăn mãi chuyện đó là vì tôi rất lo cho con Rùa.
Tôi sợ rằng nếu nó cứ quậy phá như thế một ngày nào đó nó sẽ bị bắt quả tang, và lúc đó không biết điều gì sẽ xảy ra với nó.
Tôi lo vẩn vơ thế thôi, lòng chỉ mong mai mốt tôi rời khỏi làng con Rùa ở lại bình yên vô sự bởi vì tôi nhận ra tôi đã vô cùng yêu mến nhỏ. Tôi cũng cảm nhận được sự cô độc của con Rùa và điều đó không khỏi khiến tôi chạnh lòng trong rất nhiều ngày. Đúng như thằng Thục nói, con Rùa hầu như không có bạn. Những đứa cùng tuổi với nó thì học hơn nó quá xa, hai bên không có cùng mối quan tâm về bài vở, cũng không thể chia sẻ những kỉ niệm trường lớp. Ngược lại, những đứa học cùng lớp với nó ở trường làng lại quá nhỏ, con Rùa không thích hợp để chơi những trò trẻ con với đám bạn lóc nhóc của mình. Bé Loan rất quý con Rùa, lúc nào cũng bênh vực
chị Rùa
chằm chặp nhưng trừ hôm nó nói chuyện với con Rùa qua ống lon, tôi không thấy nó chạy qua chơi với con Rùa bao giờ.
Dĩ nhiên con Rùa cũng có bạn bè theo kiểu của nó: con Cổ Dài suốt ngày lùng sục kiếm ăn bên ao rau muống, thằng Đuôi Dài khoái trò trèo lên tuột xuống cây dừa sau vườn, con Đít Đỏ hay đứng rỉa cánh trên ngọn tre trước ngõ khi nắng bắt đầu lên, và những con vật khác trong rừng. Nhưng lũ bạn đó có làm cho con Rùa bớt cảm giác lẻ loi hay không thì tôi không biết, tôi chỉ thấy dậy trên lòng nỗi lo lắng mơ hồ. Tôi sợ rằng vì chở che cho đám bạn của mình, con Rùa đã gây thù chuốc oán với phường săn trong làng và rất có thể một ngày nào đó nó sẽ rơi vào tình cảnh rắc rối.
Khi nơm nớp nghĩ như vậy, tôi không ngờ viễn ảnh đó xảy ra sớm hơn tôi tưởng.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Ngồi Khóc Trên Cây.