• 177

Chương 5


Số từ: 5193
Nguồn: NXB Trẻ
Giao thằng Miếng Vá cho hai con khỉ lớn, dặn tụi khỉ quay về thung lũng bên kia đồi, con Rùa kéo tôi quay trở ra ngoài.
Tôi cứ tưởng nó sẽ về nhà ngay. Nhưng nó lại lôi tôi đi sục sạo khu rừng để tìm phá những chiếc bẫy thú.
Con Rùa rất giỏi trong việc khám phá những chỗ cánh thợ săn đặt bẫy. Chỉ nhìn các trái ngô cột lủng lẳng trên cành, những vạt đất lá khô dày đặc một cách bất thường, những loại dây thép to bản buộc khả nghi vào thân cây, những vùng cây cối nham nhở dấu rìu hay dao rựa, nó biết ngay đó là khu vực nguy hiểm của bọn thú.
Có nhiều loại bẫy khác nhau dành cho các loại thú khác nhau, con Rùa bảo tôi thế. Có loại bẫy bằng dây cáp bám vào thân cây. Có loại bẫy bằng lưới cước. Có loại bẫy bằng cầu treo. Bẫy chọt. Bẫy cò ke…
Con Rùa không cho tôi phụ nó. Nó sợ tôi bất cẩn sẽ bị dính bẫy. Tôi đành đứng một bên lôi nắm xôi trong mo cau ra ăn, vừa nhìn nó phá bẫy.
Hôm đó con Rùa chỉ chịu ra về khi không còn sức để lùng sục nữa.
Tôi cầm nắm xôi, con Rùa cầm mấy củ khoai, chúng tôi vừa đi vừa ăn, chân lần theo lỗi cũ để ra khỏi rừng.
Lạ lùng là tôi không thấy mệt. Tôi chỉ sợ chạm trán ông Bảy Thành và các người bạn của ông. Nhưng đi một quãng xa, khi lối mòn đã bắt đầu hiện ra trong tầm mắt như một đường kẻ trắng trên cỏ xanh, chúng tôi vẫn không thấy một bóng người. Những cành trắc bá, xà cừ và du sam vẫn reo vi vu trong gió và phủ xuống lối đi một bóng mát yên bình. Có lẽ hôm đó không phải là ngày bọn họ đi săn hoặc đi thăm bẫy.
Bây giờ thì tôi tin chắc con Rùa chính là thủ phạm đột nhập vào nhà ông Bảy Thành hôm trước để phá hỏng túi thuốc nhồi của ông. Nhưng tôi không hỏi nó. Tôi chỉ thấy lo.
Mãi khi ra gần đến cửa rừng, tôi mới buột miệng:
- Em làm thế này, bọn họ sẽ thù em lắm đó.
- Em sẽ chối.
Con Rùa trả lời tỉnh khô. Nó làm như nếu nó chối, cánh thợ săn sẽ không biết thủ phạm là nó.
Tôi chợt nhớ những gì thằng Thục nói với tôi. Và tôi hiểu tại sao cánh thợ săn trong làng rất ghét con Rùa, tại sao họ phao những tin nhảm nhí để mong thầy Điền cấm con Rùa vào rừng.
Tôi vừa đi vừa nghĩ ngợi mông lung. Xưa nay tôi rất sợ đặt chân vô rừng. Đầu óc tôi từ bé đã như căn nhà kho chứa đầy những câu chuyện rùng rợn về rừng. Nhưng bây giờ khi sắp trở lại ngoài kia, lòng tôi bỗng dâng lên một nỗi niềm giống như là sự luyến tiếc.
Lang thang trong rừng với con Rùa bên cạnh gây cho tôi một cảm xúc êm đềm khó tả. Và thật hạnh phúc trong khi miết chân lên cỏ, tôi thong thả đưa mắt ngắm những tia nắng bay trên cành du sam – khi mỏi cánh những tia nắng lơ lửng đó đáp xuống khoảng rừng thưa nhất để đốt sáng những thân cây cao chung quanh như buổi chiều đang vào giờ thắp nến.
Nhắm mắt để nghe vọng vào tim óc mình những âm thanh không rõ nguồn gốc, không biết đến từ đâu và phát ra từ cái gì trong rừng cũng là một điều bí mật kỳ diệu tôi chưa từng biết tới. Những tiếng âm âm i i bất tận như những sợi chỉ mảnh đan bện thành một tấm lưới êm ái vây bọc lấy tôi và nếu tôi không thỉnh thoảng mở mắt ra vì sợ vấp té chắc chắn tôi sẽ thiếp đi trong tiếng ru du dương đó lúc nào không hay.
Nhưng cuối cùng thì tôi vẫn không tránh được: tôi đi vấp chân vào một gốc cây cụt, trong một lần vừa đi vừa nhắm mắt như vậy, và ngã lăn xuống một triền đất thấp chằng chịt dây leo khi bọn tôi sắp tới bìa rừng.
Con Rùa đi bên cạnh kịp tóm lấy tay tôi nhưng chỉ để mất thăng bằng theo tôi: cả hai cùng lăn đi nhiều vòng, quần áo nhàu nát trong cỏ dại và nếu không có bụi chuối hoang cản lại không biết bọn tôi sẽ còn cần thêm bao nhiêu vòng nữa để hoàn tất cú lăn.
Điều oái oăm nữa là khi cả hai ngừng lại, thân thể nảy lên vì cú chạm sau đó mới thực sự dừng hẳn, tôi bối rối nhận ra tôi đang nằm đè lên người con Rùa.
Sau một thoáng ngỡ ngàng, tôi lúng túng chống tay vào cỏ định ngồi lên nhưng khi nhìn vào đôi mắt long lanh và lúc nào cũng ngời sáng dưới rèm mi đen dày của con Rùa, một cảm giác thiết tha gần gũi đột ngột lấp đầy tôi và hoàn toàn không tự chủ, tôi cúi xuống hôn lên môi nó.
Một cái hôn rất khẽ, môi tôi lướt trên môi nó như gió thở nhẹ trên mặt hồ, đến nỗi khi ngẩng lên rồi tôi bỗng tự hỏi không biết có phải tôi vừa hôn một đứa con gái hay không. Nhưng chỉ như vậy cũng đủ làm đôi mắt con Rùa mở to như không thể to hơn được nữa và trong khi tôi bắt đầu cơn bão nguyền rủa trong đầu mình, nó bỗng buột miệng, giọng trách móc:
- Nhìn gì, hư quá!
Mặt nóng ran, sượng ngắt, tôi định nhỏm dậy nhưng con Rùa đã ôm vai tôi kéo xuống.
- Đi chỗ khác chơi đi em!
Khi con Rùa nói tiếp câu thứ hai bằng giọng dỗ dành, tôi phát giác ra nó không nói với tôi. Nó cũng không nhìn tôi như tôi nghĩ mà đang nhìn một điểm nào đó lơ lửng trên đầu tôi.
Tôi khẽ ngoái cổ he hé mắt nhìn lên và trái tim tôi đột nhiên như bị ai xoắn lấy. Đập vào mắt tôi là một con rắn lục đang ngoe nguẩy trên mớ dây leo vòng xuống sát đầu tôi.
- Anh đừng nhúc nhích! Nó đang chuẩn bị rời đi chỗ khác.
Tôi không có dịp kiểm tra lời con Rùa, vì khi trông thấy con rắn xanh lè đang đong đưa cái đầu hình tam giác như một mũi tên chuẩn bị bắn ra, tôi đã cuống quít quay mặt đi và lần này không cần bàn tay con Rùa nắm giữ tôi đã rất giống một khúc gỗ bị ai đốn ngã đang nằm im lìm trên người nó chờ thợ xẻ tới khiêng đi.
Con Rùa đóng vai người thợ xẻ. Nhưng nó không khiêng tôi, chỉ nói:
- Con rắn bò đi rồi đó anh.
Tôi lồm cồm bò dậy, nhớn nhác nhìn mớ dây leo và thở phào khi biết chắc những cọng màu xanh ngoằn ngoèo trước mắt tôi đúng là dây leo chứ không phải con rắn lục khi nãy.
Ngay từ bé tôi đã biết rắn lục là loài rắn cực độc. Rắn lục màu xanh, tiệp với màu lá nên khi chúng ẩn mình trên cây rất khó bị phát hiện. Bị rắn lục mổ một phát, nếu không chữa trị kịp thời coi như cầm chắc cái chết. Không biết nghe ai nói, tụi nhóc chúng tôi tin rằng bụi cây nào tỏa ra mùi nước mắm thể nào cũng có rắn lục nấp trong đó.
Trước khi rời quê vào Sài Gòn, tôi đã thấy rắn lục một, hai lần. Đã mười năm trôi qua, bây giờ tôi mới lại nhìn thấy loài rắn này, lại ở khoảng cách rất gần và nếu con Rùa không kịp níu tôi nằm xuống, chắc chắn nó đã tấn công tôi.
Nhưng tôi không có cảm giác hoan hỉ của người thoát chết như lẽ ra phải thế. Thực ra tôi cũng hú vía nhưng cảm giác đó đã bị cảm giác xấu hổ của cái hôn vừa rồi lấn át.
Con Rùa không nhắc gì về hành động càn rỡ của tôi trên suốt đường về nhưng không vì vậy mà tâm trí tôi thôi rối bời. Tôi không hiểu tại sao tôi lại làm thế. Cách đây vài ngày, chỉ vô tình chạm môi lên má nó khi trú mưa trong bụi duối dại, tôi đã vô cùng bối rối. Thế mà bây giờ tôi lại hôn lên môi nó, dù chỉ phớt qua nhưng vẫn là một nụ hôn, lần này hoàn toàn là do chủ ý.
Dường như có một sự thôi thúc vô hình ở bên trong tôi. Tôi không biết có phải tôi đã yêu con Rùa hay không. Dù sao tôi vẫn nghĩ con Rùa còn quá nhỏ để tôi đặt tình cảm vào nó. Nhưng tôi cũng không thể chối bỏ được sự thật rằng từ ngày quen biết con Rùa, tôi chỉ thích chơi với nó. Chỉ ở cạnh nó lòng tôi mới thấy vui tươi, ấm áp mặc dù tôi luôn chối bai bải mỗi khi bị thằng Thục cật vấn về chuyện này.
Con người lạ lùng của con Rùa khiến người khác e ngại, xa lánh nhưng đối với tôi lại có một sức hấp dẫn đặc biệt.
Con Rùa có mối quan hệ thân thiện và một tình yêu sâu sắc dành cho các con vật. Tôi từng tận mắt chứng kiến con Rùa nói chuyện với bọn chúng. Dĩ nhiên là các con vật không thể hiểu được tiếng người nhưng tôi tin chúng đọc được ý nghĩ con Rùa thông qua cử chỉ, thái độ, ngữ điệu của người mà chúng tin cậy, đặc biệt là qua tình yêu vô bờ bến tỏa ra từ tâm hồn con Rùa như một thứ từ trường tình cảm mạnh đến mức tôi tin rằng ngay cả cỏ cây hoa lá cũng cảm nhận được. Đó là thứ ngôn ngữ đi trực tiếp từ trái tim đến trái tim.
Trái tim tôi cũng bị trái tim con Rùa thu hút, chắc vậy! Nếu không tôi không thể cắt nghĩa được hành động của mình.
Tôi vừa đi vừa nghĩ ngợi miên man. Trong khi tôi không ngừng đào bới lòng mình và lún sâu trong đó, con Rùa vẫn tung tăng trên cỏ, vừa lúc lắc mái tóc cháy nắng như một đứa con gái vô tâm, miệng không ngừng líu lo như cỏ chiều tà:
- Tiếng suối róc rách
Trên cành du sam gầy gò
Con gà lôi, con gà lôi
Đố mày gáy ò ó o…
Con Rùa hát những câu hát lạ lùng nhưng vì chưa hết ngượng ngập, tôi không tiện mở miệng hỏi.
Khi chúng tôi ra khỏi rừng, những tia nắng đã nằm nghiêng. Con Rùa say sưa tìm cách đạp chân lên chiếc bóng đã bắt đầu dài ra của nó trên đường mòn.
Tôi ngoảnh đầu nhìn về phía sau. Rừng cây như bốc cháy trong hoàng hôn và phía trên những ngọn cây, những đám mây đã chuyển sang màu mận chín.
- Bầy châu chấu khiêu vũ
Bọ chét ơi, bọ chét à
Con kiến trong hang đã ngủ
Đố mày tìm cho ra…
Cho đến lúc chia tay con Rùa ở hàng giậu để trở về nhà cô Út Huệ, tôi vẫn nghe tiếng hát của nó đuổi theo tôi ấm áp như những làn gió đã rũ sạch hơi nước từ biển bốc lên.
Cô Út Huệ rầy tôi:
- Con đi đâu mà bỏ cả cơm trưa?
- Dạ, con đi chơi.
Tôi lí nhí, không dám thú thật là mình đi vào rừng.
- Thằng Thục chạy lên đây kiếm con mấy lần. Nó nói mẹ con đánh điện tín kêu con về gấp.
Mẹ tôi chắc gửi điện tín về nhà bác Vận ở Tam Kỳ, nhờ người nhà của bác cầm ra cho thím Lê. Tôi không biết vì lý do gì mẹ tôi kêu tôi về sớm thế trong khi mùa hè vẫn còn dang dở. Ở làng Đo Đo, mùa nắp keng chỉ mới bắt đầu.
- Mẹ con kêu con về có chuyện gì không, cô?
- Nghe nói mẹ con chuẩn bị dời nhà.
Cho đến nay gia đình tôi vẫn ở nhà thuê. Mười năm qua, mẹ tôi dời nhà đã ba lần nên tôi không hề tỏ ra ngạc nhiên khi phải dời nhà thêm lần nữa. Tôi chỉ thấy buồn vì phải chia tay con Rùa.
Tôi chỉ mới quen biết con Rùa có mấy ngày nhưng tôi có cảm giác tôi và nó chơi thân với nhau đã từ lâu lắm.
Con Rùa đã mở cho tôi một thế giới mà tôi chưa từng biết trước đó, một thế giới hồn nhiên và bao dung đến mức nhiều người không xâm nhập được, vì vậy không hiểu được. Trong thế giới của nắng, của gió, của cây cỏ chim muông đó, con Rùa chỉ có những con Cổ Dài, thằng Miếng Vá, thằng Tập Tễnh… làm bạn. Và giờ đây có thêm tôi.
Tôi chưa làm được gì nhiều cho con Rùa, ngoài việc hoàn tất câu chuyện về làng Đo Đo cổ xưa ông ngoại nó để lại trên những trang tranh Asterix.
Thực ra tôi nghĩ con Rùa cũng chẳng cần tôi phải làm gì để chứng tỏ tôi vô cùng yêu mến nó. Tôi đã kết bạn với nó khi mà không ai kết bạn với nó, tôi lang thang với nó trong rừng, đồng tình với nó những chuyện nó làm bằng cách không hề ngăn cản hay thắc mắc – như mọi thứ phải diễn ra như thế, có lẽ đã đủ khiến nó quý tôi đến mức sẵn sàng phớt lờ nụ hôn bất ngờ của tôi ở trong rừng.
Lúc nghĩ như vậy tôi không biết rằng tôi đã lầm.
Sau khi chạy về nhà thằng Thục để nghe thím Lê bảo hai ngày nữa tôi phải đón xe đò vô lại Sài Gòn theo lời dặn của mẹ tôi, tôi vội vàng quay trở lại nhà cô Út Huệ, mặc dù tôi không thể đi ngay như ý muốn. Trước khi băng qua cầu treo tôi phải chở thằng Thục xuống chợ Kế Xuyên lượm nắp keng để nó khỏi buồn.
Bốn năm trước tôi có về thăm làng một lần. Lần đó, Thục mới mười tuổi, bằng bé Loan bây giờ. Suốt ngày thằng nhóc quấn quýt lấy tôi, đòi tôi chơi với nó. Tôi thương đứa em họ, buộc phải chơi với nó những trò con nít chán phèo, trong lòng ao ước giá mà nó bằng tuổi tôi để hai anh em có thể cặp kè thoải mái.
Nhưng bây giờ khi nó bằng tuổi tôi hồi đó, tôi lại tiếp tục lớn hơn nó bốn tuổi và chỉ thích chơi với con Rùa khiến nó càng thêm ghét con nhỏ này.
Từ chợ Kế Xuyên về, tôi chở thằng Thục lên thẳng chỗ cầu treo. Lúc cầm lấy ghi-đông xe, nó rơm rớm nước mắt:
- Hai ngày nữa anh đi rồi…
Thục lộ vẻ buồn bã, không trách móc gì chuyện tôi mải chơi với con Rùa và bỏ bê nó.
Tôi đập tay lên tay đứa em, cố nén cảm động nên giọng nghe nghèn nghẹn:
- Ngày mai tao sẽ về chơi với mày một ngày.
- Anh nói thật không? – Mặt Thục tươi lên.
- Thật. Tao ở chơi với mày buổi chiều, sau đó tao phải lên nhà cô Út Huệ.
Cả tôi lẫn Thục đều biết cô Út Huệ chỉ là cái cớ. Tôi nhìn bộ mặt xịu xuống của nó, chờ nghe nó nói câu
Anh chỉ thích chơi với con Rùa
. Nhưng nó chỉ hỏi:
- Anh hứa làm chuyện gì đó cho con Rùa vẫn chưa xong hả?
- Ờ, chưa xong. – Tôi lúng túng chà tay lên chóp mũi.
Thục không hỏi tôi đó là chuyện gì. Nó quay đầu xe, nhắc:
- Ngày mai anh nhớ về sớm nhé!
Tôi nhìn theo chiếc lưng gầy gò của Thục, tự nhiên thấy có lỗi với nó. Tôi tự hứa với mình lần sau về làng tôi sẽ ở cạnh nó nhiều hơn.
Hôm đó, lần đầu tiên tôi qua chơi nhà con Rùa vào buổi tối. Tiếng mõ đều đều của thầy Điền từ nhà trước vọng vào tai tôi, lúc bình thường tôi chẳng để ý nhưng tối nay nghe sao buồn nẫu ruột.
Tôi và con Rùa lại ngồi trên phiến đá xanh dưới bóng cây bướm bạc. Tôi ngước mặt lên bầu trời chi chít sao để lẩn tránh ánh mắt dò hỏi của nó.
- Em biết chòm sao gì đó không? – Tôi chỉ tay lên chòm sao Hiệp sĩ, cố lảng đi tâm trạng nặng nề.
- Đó là chòm sao Hiệp Sĩ.
Con Rùa làm tôi ngạc nhiên quá:
- Sao em biết?
- Ngoại em nói. Hồi em còn bé, ngoại em cũng từng đố em như vậy.
Con Rùa vịn khẽ vào vai tôi:
- Em cảm ơn anh đã kể nốt cho em nghe câu chuyện về làng Đo Đo. Em vui lắm đó.
Câu nói của con Rùa kéo tôi về với thực tại. Tôi bùi ngùi buột miệng, nghe tiếng mình lẫn trong tiếng dế gáy rinh rích dưới chân:
- Hai ngày nữa anh phải rời làng rồi.
Con Rùa có vẻ bị bất ngờ trước thông báo của tôi. Nó gần như kêu lên, tôi nghe bàn tay nó run trên vai tôi:
- Sao hôm trước anh bảo anh sẽ ở chơi đến hết mùa nắp keng?
- Hôm trước khác, hôm nay khác.
Tôi nói với con Rùa lý do tôi phải về Sài Gòn sớm hơn dự tính và nhìn thấy rèm mi dài của nó chớp vội dưới ánh sao mờ. Từ khi chơi với con Rùa, chưa bao giờ tôi thấy nó tỏ ra yếu đuối. Trong mắt tôi, nó là một đứa con gái cô độc và cứng cỏi. Ngay cả khi đối diện với bộ mặt đằng đằng sát khí của ông Bảy Thành lẫn cây súng kíp không ngừng vung vẩy trên tay ông, nó vẫn hết sức thản nhiên. Thế mà lúc này mắt nó dường như ngân ngấn nước. Có lẽ nó không nghĩ tôi rời xa nó sớm thế, khi mà giữa hai đứa tôi đã chớm nở một mối giao tình tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng sâu đậm.
Trong một phút xúc động, tôi quên bẵng nỗi bứt rứt về nụ hôn, lặng lẽ quàng tay ôm lấy vai con Rùa, kéo nó vào sát người tôi.
Con Rùa không đẩy tôi ra mà nương theo đà ôm, nó ngoan ngoãn ngả đầu lên vai tôi như tìm một chỗ tựa để nỗi buồn của nó không nghiêng xuống sâu hơn nữa.
Tôi và con Rùa cứ ngồi bất động bên nhau trong tư thế buồn thiu đó, im lặng nghe tiếng dế kêu ru ri trong cỏ, nghe hương thơm của đêm chín tới ngấm vào lồng ngực và nếu có một cử động nhỏ nhặt nào thì đó là do hai đứa thỉnh thoảng ngước lên trời để xem những vì sao lặng lẽ đổi ngôi.
- Em đừng buồn nữa! – Cuối cùng tôi nói, ngồi thẳng lưng lên, biết đã tới giờ phải về nhà đi ngủ nếu không cô Út Huệ sẽ sai bé Loan chạy qua tìm – Rồi anh sẽ về thăm em.
- Bao giờ anh về lại? – Con Rùa hỏi bằng giọng đong đầy hơi nước, rồi không đợi tôi trả lời, nó thẫn thờ nói tiếp – Anh nhớ về sớm nhé. Không có anh, em chẳng biết chơi với ai.
Câu nói này của con Rùa cày lên tim tôi những rãnh sâu. Mắt cay xè. Tôi đưa tay ôm lấy hai gò má con Rùa để xoay mặt nó về phía tôi, xốn xang nói:
- Anh không biết. Nhưng nếu có dịp thì anh sẽ về ngay.
Con Rùa nhìn tôi và tôi nhìn nó. Đôi mắt nó phản chiếu ánh sao đêm lung linh và khi những giọt lệ từ từ lăn ra khỏi khóe mắt nó, tôi tưởng như những ánh sao đang bị nỗi buồn làm cho tan chảy ra.
Như không thể dừng, tôi nhẹ nhàng kéo khuôn mặt con Rùa lại gần và định đặt lên đó một cái hôn.
Nhưng lần này con Rùa giữ chặt hai vai tôi để tôi không thể chạm được vào người nó.
- Đừng, anh! – Nó nói, giọng dịu dàng.
Tôi khựng lại, sượng sùng và bối rối, thấy tảng đá tôi ngồi như đã trôi đi. Nhưng khi gương mặt tôi săp sửa bị sự xấu hổ nướng chín thì con Rùa chợt hỏi:
- Anh có thích em không?
Phải mất đến mấy giây ý nghĩa của câu hỏi mới ngấm được vào đầu tôi. Tôi không nghĩ con Rùa sẽ hỏi tôi một câu như vậy.
- Anh thích em lắm. – Tôi xao xuyến đáp, lòng ngập tràn yêu thương.
- Em cũng rất thích anh. – Con Rùa thủ thỉ, nó đưa tay quẹt nước mắt, mặt ngời lên trong đêm, một nụ cười bẽn lẽn thấp thoáng trôi qua trên môi nó.
Tôi nghe trái tim tôi cựa quậy sau làn áo. Tôi cảm nhận rất rõ có một con suối bằng kem đang chảy qua lòng tôi.
- Nhưng bây giờ em còn nhỏ. Anh đợi thêm một thời gian nữa cho em kịp lớn lên anh nhé!
Con Rùa sụt sịt nói tiếp, lần này nó buông vai tôi và đứng lên.
- Ờ.
Tôi đáp và đứng lên theo, nhận thấy mình vừa trả lời cụt ngủn nhưng tôi lại không nghĩ ra được câu gì xứng đáng với cảm xúc của tôi trong lúc đó. Thực sự nghe nó nói mà tôi thương nó phát khóc. Con Rùa đang đứng trước mặt tôi đây, lúc này trông tựa một cô em bé nhỏ. Cô em đó đã dành cho tôi một tình cảm chân thành, trong sáng và rất đỗi ngây thơ. Nó dặn dò tôi như cô giáo dặn học trò về nhà phải ngoan ngoãn nhưng lời dặn hồn nhiên và đầy gửi gắm đó đối với tôi chẳng khác nào một thức ăn kỳ diệu của tâm hồn. Chắc chắn những lời dặn dò của con Rùa sẽ theo tôi trong những tháng ngày sắp tới, sẽ nuôi nấng và gìn giữ những giấc mơ đẹp đẽ của tôi cho đến khi tôi gặp lại nó.
Con Rùa hiểu tiếng

gọn lỏn của tôi theo cách khác. Khi tôi đi tới chỗ hàng giậu, tự nhiên nó nói với theo:
- Anh đừng buồn nhé! Em sẽ lớn! Em sẽ lớn nhanh thôi mà!
Tôi cảm động ngoảnh lại, không thấy nó đâu. Chắc sau khi vọt miệng, nó mắc cỡ bỏ chạy vào nhà.
Tít đằng kia, chỗ ao rau muống, con Cổ Dài đang ngủ say. Dưới ánh sao đêm, con ngỗng trông như một quả bóng trẻ con bỏ quên ngoài sân vắng.
Ngày hôm sau tôi ở chơi nhà thím Lê từ sáng đến chiều. Tôi đã hứa với thằng Thục tôi sẽ về chơi với nó và tôi đã làm đúng lời hứa mặc dù hình ảnh con Rùa choán toàn bộ tâm trí tôi trong ngày hôm đó.
Tôi lại đi cùng thằng Thục xuống chợ Kế Xuyên lượm nắp keng rồi qua tiệm tạp hóa nhà thằng Hợi mua bong bóng về thi nhau thổi xem đứa nào thổi được quả bóng to hơn. Hai đứa phồng mang thổi và giật bắn người một cách thích thú khi những quả bong bóng thi nhau nổ lốp bốp.
Thằng Thục còn xúi tôi lấy giấy vụn nhét vô quả bong bóng trước khi thổi, sau đó ngoẹo cổ ngắm những mẩu giấy bay lượn bên trong khi chúng tôi lúc lắc quả bóng trên tay.
Khi chỉ còn hai quả cuối cùng, tôi và nó ngậm nước trong miệng vừa thổi vừa nhè nước vô quả bóng rồi dùng quả bóng nước vừa rượt quanh hè vừa ném nhau.
Đến khi bong bóng đã nổ đến quả cuối cùng thì đôi môi hai đứa cũng đã kịp nhoe nhoét đủ thứ màu.
Nó lục túi tìm những đồng xu rồi rủ tôi lấy giấy trắng đè lên, sau đó lấy bút chì tô cho đến khi hoa văn của đồng xu in trọn vẹn lên tờ giấy. Hồi bé ở làng, tôi cũng rất thích thú với trò này nhưng bây giờ tôi bặm môi tô tới tô lui chỉ để cho thằng Thục vui lòng. Tay tôi miết đầu bút chì lên tờ giấy trong khi óc tôi mải nghĩ đến con Rùa, đến đôi mắt ầng ậng nước của nó khi nghe tin tôi sắp rời làng. Cả những câu nói thiết tha của nó nữa, mỗi lần nghĩ tới là lòng tôi mềm đi.
Bữa đó ăn trưa xong, tôi đòi lên nhà cô Út Huệ ngay nhưng thằng Thục xịu mặt:
- Anh bảo hôm nay anh ở chơi với em một ngày kia mà. Bây giờ mới có nửa ngày à.
Thế là tôi đành phải leo lên phản nằm với nó, rủ rỉ kể chuyện cho nó nghe, lặp lại hình ảnh ngày xưa giữa tôi với ba nó. Hồi đó, tôi rất mê những câu chuyện của chú Thảo. Chú không có nhiều chuyện nhưng chú có tài kể chuyện tuyệt hay. Sau này tôi ham đọc sách cũng nhờ những hạt giống chú Thảo cấy vào tâm hồn tôi trong những buổi trưa hai chú cháu nằm bên nhau nhiều năm về trước.
Kỉ niệm ngọt ngào của tuổi thơ sống dậy khiến tôi nguôi nỗi nôn nao đi gặp con Rùa. Thoạt đầu tôi định kể cho thằng Thục nghe những câu chuyện ngày xưa chú Thảo từng kể cho tôi nhưng lần nào cũng thế, tôi vừa mở miệng Thục lại nói
Chuyện này ba em kể cho em nghe rồi.
Cuối cùng tôi phải đem những mẩu chuyện vừa kể cho con Rùa ra làm quà cho nó.
Nhưng Thục không phải là thằng nhóc ham nghe chuyện. Nó chỉ thích được nằm cạnh tôi. Tôi kể chưa dứt câu chuyện về cậu bé thành Padova, nó đã ngủ mất, một cánh tay quàng ngang ngực tôi.
Tôi nghiêng đầu ngắm gương mặt tươi tỉnh của nó. Ngay cả trong khi ngủ gương mặt nó cũng ướp đầy niềm vui.
Gương mặt đó đã neo chặt tôi xuống mặt gỗ mát lạnh dù đã mấy lần tôi gượm ngồi dậy. Trong gần một tiếng đồng hồ, tôi nằm thao thức bên cạnh Thục, lắng tai nghe tiếng chích chòe huýt sáo trên cành me trước ngõ và miên man nghĩ tới cho Rùa.
Cho đến khi chợt nhớ sáng mai tôi phải xuống đường quốc lộ đón xe đò vào Sài Gòn sớm, tôi sè sẹ gỡ tay thằng Thục, rón rén leo xuống đất, vọt ra cửa và co cẳng chạy về phía sông Kiếp Bạc.
Nhưng tôi vừa đi tới đầu cầu treo đã nghe tiếng thằng Thục gọi rối rít từ phía sau:
- Chờ em với! Chờ em với!
Tôi ngoảnh lại, thấy nó đang cưỡi xe đạp phóng gần tới nơi, tóc dựng lên trong gió.
Tôi đành dừng chân bên cạnh dãy bìm bịp ven sông đợi nó.
- Mày thức dậy hồi nào vậy? – Tôi hỏi khi Thục đến gần.
Nó leo xuống khỏi xe, hổn hển:
- Anh đi lẹ ghê!
Thục không trả lời thẳng câu hỏi của tôi nhưng tôi đoán được có lẽ nó thức dậy sau tôi không lâu.
- Mày đi đâu đây? – Tôi nói tiếp, vẻ phật ý – Về đi, tối tao về ngủ với mày!
- Anh cho em đi theo với, lát tối em chở anh về!
Giọng thằng Thục nghe như năn nỉ khiến tôi không thể thẳng tay xua đuổi nó mặc dù lòng tôi đang rối như tơ. Có thằng em họ bám theo lằng nhằng thế này tôi không biết làm sao gặp riêng con Rùa để chia tay.
Như hiểu được sự khó xử của tôi, thằng Thục nói:
- Lát nữa anh cứ qua chia tay với con Rùa đi. Em ở nhà chơi với bé Loan!
Rất may là thằng Thục đi sau lưng tôi nên nó không thấy được vẻ mặt sượng sùng của thằng anh họ nó. Tôi nhè nhẹ thở ra và nói, cố giữ giọng thản nhiên:
- Ờ, tao chạy qua tạm biệt nó một câu cho lịch sự.
Tôi biết thằng Thục chẳng tin gì vẻ vờ vịt của tôi. Nhưng tôi dỏng tai cả buổi chẳng nghe nó châm chọc gì, có thể nó không muốn tôi xấu hổ trong ngày cuối cùng ở làng, cũng có thể nó đang dồn tâm trí vào việc giữ thăng bằng với chiếc xe đạp trên những mảnh ván lát cầu chòng chành dưới chân.
- Anh ngồi lên xe đi, em chở cho! – Thục đề nghị, khi hai anh em vừa qua khỏi cầu.
- Mày chở tao sao nổi. Để tao chở mày!
Thục bướng bỉnh:
- Trước nay toàn anh chở em. Hôm nay tới phiên em chở.
Cuộc tranh giành giữa hai anh em không biết sẽ kéo dài đến bao lâu nếu lúc đó thằng Thục không phát hiện một đám bốn, năm người đang xúm xít lố nhố phía trước, cạnh bụi cúc tần nơi hôm trước con Rùa lom khom hái lá me chua đất.
- Có người cãi lộn kìa anh!
Đám người này có lẽ đang gây gổ với nhau, tôi nghe thấy họ to tiếng mặc dù khoảng cách từ đây đến đó còn khá xa.
- Chạy đến xem chuyện gì thế mày?
Tôi giục thằng em, và lật đật ngồi lên yên sau, không buồn giành tay lái với nó nữa.
Tiếng quát tháo vọng tới mỗi lúc một gần và người đầu tiên tôi nhận ra là ông Bảy Thành.
Người tiếp theo hiện ra trong mắt tôi là con Rùa. Nó bị bốn người đàn ông vây quanh nên khi thằng Thục chạy tới thật gần tôi mới nhìn thấy nó.
Phát giác đó là trái tim tôi thắt lại.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Ngồi Khóc Trên Cây.