• 2,634

Chương 14


Số từ: 1633
Nguồn: isach
Dịch giả: Nguyễn Bản
NXB Phụ Nữ
Tháng Sáu năm 2001
Tôi gác máy và chằm chằm nhìn vào đấy một lúc lâu. Không phải đợi cho tới khi Aflatoon làm tôi giật mình bằng một tiếng sủa tôi mới nhận ra căn phòng của chúng tôi yên tĩnh biết bao, Soraya đã tắt máy thu hình.
- Anh trông xanh xao quá, Amir, - nàng nói từ ghế sofa, vẫn chiếc sofa mà cha mẹ nàng đã tặng chúng tôi làm quà nhà mới khi lần đầu tiên chúng tôi có căn hộ riêng. Nàng vẫn đang nằm trên sofa với con Aflatoon rúc đầu vào ngực, hai chân nàng vùi vào những chiếc gối cũ. Nàng vừa xem chương trình PBS 1 đặc biệt về hoàn cảnh khốn quẫn của đàn sói ở bang Minnesota, vừa sửa những tiểu luận của lớp học hè cho một trường học nàng đã dạy suốt sáu năm. Nàng ngồi dậy và con Aflatoon cũng nhảy từ sofa xuống. Cái tên ấy do ông tướng đặt cho con chó cộc đuôi, tai cụp giống Tây Ban Nha của chúng tôi, tiếng Farsi là "Plato" bởi vì, ông nói, nếu anh nhìn tương đối nghiêm túc và lâu lâu một chút vào đôi mắt đen trong suốt của con chó, anh sẽ tin nó đang suy nghĩ tinh thông như người.
Bây giờ dưới cằm Soraya đã có một ngấn mỡ, đúng ra chỉ là một chút xíu thôi. Mười năm trôi qua làm đầy lên đôi chút những đường cong ở đôi hông nàng, và điểm vào mớ tóc đen nhánh như than đá của nàng vài vệt màu tro. Nhưng nàng vẫn còn gương mặt của một quận chúa ở Đại Vũ hội, với đôi lông mày như cánh chim bay và chiếc mũi cong tao nhã như nét chữ cổ của người Ẳ rập.
- Anh trông xanh xao quá, - Soraya vừa nhắc lại, vừa đặt tệp giấy lên bàn.
- Anh phải đi Pakistan.
Thế là nàng đứng phắt dậy. - Pakistan?
- Chú Rahim Khan ốm lắm. - Tôi thấy lòng thắt lại khi nói ra những lời ấy.
- Bạn kinh doanh cũ của Kaka? Nàng chưa bao giờ gặp chú Rahim Khan, nhưng tôi đã kể với nàng về ông. Tôi gật đầu.
- Ồ, em rất tiếc. Amir.
- Ông và anh vốn gắn bó với nhau. - tôi nói. - Khi anh còn là một đứa trẻ, ông là người lớn đầu tiên mà anh coi là bạn.
Tôi hình dung ra ông và Baba đang uống trà ở phòng đọc của Baba, rồi hút thuốc bên cửa sổ, một làn gió nhẹ thoảng mùi hoa tầm xuân thổi từ ngoài vườn vào làm uốn lượn hai cột khói thuốc.
- Em nhớ anh đã kể cho em chuyện đó. - Soraya nói rồi dừng lại. - Anh định đi bao lâu?
- Anh không biết. Ông muốn gặp anh.
- Như thế có...
- Có an toàn thôi. Soraya, anh sẽ ổn mà. - Đó là câu nàng muốn hỏi. Mười lăm năm hôn nhân đã biến chúng tôi thành những người đọc được ý nghĩ của nhau.
- Anh định đi dạo bộ một lúc.
- Em đi với anh nhé?
- Không, anh đi một mình thì hơn.
Tôi lái xe đến công viên cổng vàng và dạo bộ ven Hồ Spreckels ở bờ Bắc công viên. Đó là một buổi chiều Chủ nhật đẹp trời, mặt trời lấp lánh nước hồ, trên đó hàng tá nhưng chiếc thuyền nhỏ đang giong buồm, làn gió khô lạnh của San Francisco đưa những cánh buồm đi. Tôi ngồi trên băng ghế dài ở công viên, ngắm một người đàn ông tung quả bóng đá cho đứa con trai, bảo nó đừng lấy cánh tay cắp bóng mà hãy ném bóng qua vai. Tôi liếc nhìn lên và thấy một đôi diều màu đỏ với những chiếc đuôi dài màu xanh lơ. Chúng bồng bềnh trên cao, bên trên những hàng cây ở cuối phía Tây công viên, bay qua những cối xay gió.
Tôi nghĩ về lời chú Rahim Khan đã nói ngay trước khi tôi gác máy. Nói rất tình cờ, hầu như thể chợt nghĩ thêm ra. Tôi nhắm mắt lại và nhìn thấy chú ở bên kia dải phân cách xa lắp, nhạt nhoà, thấy chú đôi môi hơi hé mở, đầu nghiêng về một bên. Và nữa, trong đôi mắt đen sâu thẳm của chú giấu một bí mật không nói ra giữa hai chúng tôi. Trừ lúc này, tôi biết chú đã biết. Mối nghi ngờ của tôi vẫn còn nguyên suốt những năm tháng ấy, chú biết về Assef, chiếc diều, tiền, cái đồng hồ với đôi kim có dạ quang. Chú lúc nào cũng biết.
Cố lên. Luôn có một con đường để tốt lành trở lại đấy. Rahim Khan đã nói vậy qua điện thoại ngay trước khi gác máy. Nói rất tình cờ, hầu như thể chợt nghĩ thêm ra.
Một con đường để tốt lành trở lại.
Khi tôi về tới nhà, Soraya đang nói chuyện qua điện thoại với mẹ nàng:
- Sẽ không lâu đâu, Madar jan. Một tuần, có thể hai... vâng, mẹ và Padar có thể đến ở với con...
Hai năm trước, ông tướng bị gãy xương hông phải. Ông lại bị thêm một trong những cơn đau nửa đầu, và trong khi đang ra khỏi phòng, mắt mờ đi và ngơ ngác, ông vấp phải cái mép thảm bị gấp lên. Tiếng kêu của ông khiến Khala Jamila phải chạy vội từ bếp lên.
Nghe như một cái cán chổi bị gãy đánh rắc một cái, bà vẫn cứ thích nói như thế, dẫu bác sĩ đã bảo tiếng bà nghe thấy đâu có thể như vậy. Chuyện cái hông bị vỡ của ông tướng - và tất cả những gì phức tạp xảy ra sau đó, chứng viêm phổi, nhiễm độc máu, đợt điều trị kéo dài tại viện điều dưỡng - kết thúc bằng những đoạn độc thoại dài dòng lôi thôi về sức khoẻ của chính bà. Rồi lại bắt đầu những độc thoại mới về sức khoẻ của ông tướng. Gặp bất kỳ ai muốn nghe bà cũng kể bác sĩ đã bảo cho ông bà biết ông bị suy thận.
- Nhưng rồi họ chẳng bao giờ thấy những quả thận Afghan, phải không nào? - Bà thường nói một cách kiêu hãnh.
Những gì tôi nhớ nhất về thời kỳ ông tướng phải nằm lại ở bệnh viện là Khala đã ngồi đợi cho đến khi ông ngủ như thế nào, rồi hát cho ông nghe những bài hát mà tôi vẫn nhớ đã nghe ở Kabul, từ chiếc đài bán dẫn xẹt xẹt cổ lỗ của Baba.
Sức khoẻ của ông tướng suy sụp, cộng với thời gian cũng đã xoa dịu đi nhiều điều giữa ông và Soraya. Họ đi dạo cùng nhau, đi ăn trưa vào những ngày thứ Bảy, và đôi khi ông còn dự một giờ lên lớp nào đó của nàng. Ông thường ngồi ở cuối lớp, chỉnh tề trong bộ đồ cũ màu xám là bóng của ông, chiếc gậy chống để ngang đùi, mỉm cười. Đôi khi ông còn ghi chép nữa.
Đêm đó, tôi và Soraya ngủ chung giường, lưng nàng ép vào ngực tôi, mặt tôi vùi vào tóc nàng. Tôi vẫn nhớ, chúng tôi từng quen nằm trán chạm trán, chia sẻ với nhau nhưng nụ hôn muộn màng, và thầm thì cho đến khi mắt chúng tôi díp lại, thầm thì về đôi gót nhỏ cong lên, những nụ cười ban đầu, những lời nói đầu tiên, những bước đi đầu tiên. Đôi khi chúng tôi vẫn còn thầm thì với nhau, nhưng là về trường học, về cuốn sách mới của tôi, một tiếng cười khúc khích về cách ăn mặc lố lăng của ai đó tại một bữa tiệc. Chuyện làm tình của chúng tôi vẫn tốt, lắm khi còn hơn cả tốt nữa. Nhưng có những đêm tất cả những gì tôi cảm nhận được là chuyện đó để khuây khoả, để buông trôi và quên đi, ít nhất cũng trong chốc lát, sự phù phiếm của chính những gì chúng tôi vừa làm. Nàng không bao giờ nói thế, nhưng tôi biết đôi khi Soraya cũng cảm thấy thế. Vào những đêm ấy, chúng tôi thường nằm lăn ra mỗi người một bên giường, để mặc Đấng Cứu thế riêng của mỗi chúng tôi cuốn chúng tôi đi.Chúa Cứu thế của Soraya là giấc ngủ. Của tôi như thường lệ, vẫn là một cuốn sách.
Tôi nằm trong bóng tối cái đêm chú Rahim Khan gọi, mắt tôi lần theo những vạch song song sáng như bạc mà ánh trăng tràn qua cửa chớp in lên tường. Cho tới lúc nào đấy, có lẽ đúng trước bình minh, tôi mới ngủ thiếp đi. Và mơ thấy Hassan chạy trong tuyết, vạt áo chapan màu xanh lục quét lê phía sau, tuyết xào xạo dưới đôi ủng cao su đen của cậu ấy. Cậu đang hét lên về phía sau: Vì cậu, cả ngàn lần rồi!
Một tuần sau, tôi ngồi ở chiếc ghế cạnh cửa sổ, trên chuyến bay của hãng Hàng không Quốc tế Pakistan, dõi theo hai nhân viên mặc đồng phục hàng không đang tháo chèn bánh máy bay. Chiếc máy bay cất cánh khỏi ga hàng không và chẳng mấy chốc, chúng tôi đã cất cánh, xuyên qua những đám mây. Tôi ngả đầu tựa vào cửa sổ. Mong chờ giấc ngủ, nhưng vô vọng.
--------------------------------
1 PBS: Viết tắt Public Casting Service: Dịch vụ truyền thông đại chúng.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Người Đua Diều.