• 1,843

Chương 16 - Kết -


Số từ: 3350
Dịch giả: Ngân Xuyên
NXB Hội nhà văn
Nguồn: Sưu tầm
Tôi không nghe được chút gì từ Miu kể từ khi chúng tôi chia tay nhau ở bến cảng trên hòn đảo Hy Lạp. Điều này khiến tôi thấy lạ vì chị đã hứa là sẽ liên lạc với tôi bất luận có tin gì mới về Sumire hay không. Tôi không thể tin là chị đã quên tôi; chị không phải loại người hứa rồi bỏ đó. Chắc phải có chuyện gì khiến chị không liên lạc được với tôi. Tôi tính gọi điện cho chị nhưng mà nào tôi có biết tên thật, tên công ty hay địa chỉ văn phòng chị. Giống như Miu đã lo lắng, Sumire không để lại một manh mối nào.
Điện thoại của Sumire cài máy trả lời tự động, nhưng ít lâu sau đã bị cắt. Tôi nghĩ đến việc gọi điện cho gia đình của cô. Nhưng tôi không biết số, dù chịu khó tra cuốn danh bạ điện thoại Yokohama thì sẽ tìm được số điện thoại phòng răng của bố cô. Nhưng tôi phân vân rồi thôi. Thay vào đó tôi đi vào thư viện tìm xem các báo ra tháng Tám. Có một mẩu báo nhỏ về cô, về một cô gái Nhật Bản hai mươi hai tuổi đi du lịch ở Hy Lạp và bị mất tích. Chính quyền sở tại đã điều tra, tìm kiếm cô. Nhưng không lần ra manh mối nào. Thế thôi. Tôi chẳng biết thêm tin gì mới. Khách du lịch ra nước ngoài vẫn thường có những người bị mất tích. Cô chỉ là một người trong số đó.
Tôi thôi không theo dõi tin tức nữa. Cho dù lý do cô mất tích là gì, cho dù việc điều tra tiến hành ra sao, có một điều chắc chắn: nếu Sumire trở về nhất định cô sẽ liên lạc với tôi. Đấy là điều quan trọng nhất.
Tháng Chín đến và đi, mùa thu trôi qua trước khi tôi kịp nhận ra, và mùa đông ập tới. Ngày 2 tháng Mười một là sinh nhật lần thứ hai mươi ba của Sumire, còn ngày 9 tháng Mười hai là sinh nhật lần thứ hai mươi lăm của tôi. Năm mới đến và sau đó năm học kết thúc. Cà rốt không gây ra vụ nào nữa, được lên lớp năm, vào năm học mới. Sau hôm đó tôi không bao giờ nhắc lại với nó chuyện ăn cắp trong siêu thị. Cứ mỗi lần gặp nó tôi lại thấy việc đó không cần thiết.
Do nó đã có một giáo viên mới nên tôi ít có dịp gặp mẹ thằng bé - bạn gái cũ của tôi. Mọi điều đều đã qua chẳng còn gì nữa. Mặc dù đôi khi tôi lại nhớ cồn cào làn da ấm áp của chị, và tôi đã định nhấc máy gọi. Nhưng đến phút chót tôi lại thôi vì tôi nhớ đến cảm giác về chiếc chìa khóa nhà kho siêu thị. Về buổi chiều hè ấy. Và về bàn tay nhỏ bé của Cà rốt trong tay tôi.
Mỗi khi gặp Cà rốt ở trường tôi vẫn không ngăn nổi ý nghĩ nó là đứa bé lạ lùng. Tôi không đủ sức hiểu được, những ý nghĩ nào ẩn sau bộ mặt gầy guộc, bình thản của nó. Nhưng chắc chắn có những điều đang diễn ra dưới vẻ ngoài điềm nhiên đó. Và khi bị thúc đẩy, nó sẽ dám hành động. Tôi còn có thể cảm nhận được cái gì đó rất sâu trong con người nó. Tôi tin mình đã đúng khi kể cho nó nghe những tình cảm thầm kín của mình khi hai thầy trò ngồi trong quán cà phê. Đó là điều tốt cho cả nó và tôi. Có lẽ cho tôi nhiều hơn. Nói ra điều này có vẻ hơi lạ lùng, nhưng khi đó nó đã hiểu tôi và chấp nhận tôi. Và thậm chí tha thứ cho tôi. Ít nhất là trong chừng mực nào đó.
Những tháng ngày nào - những tháng ngày như vô tận của thời thanh thiếu niên - mà những đứa trẻ như Cà rốt phải trải qua để thành người lớn? Thật không dễ dàng cho chúng. Khoảng thời gian khó khăn sẽ nhiều hơn khoảng thời gian dễ dàng. Từ kinh nghiệm riêng của mình, tôi có thể thấy trước sự đau đớn chúng phải trải qua. Liệu nó có yêu một ai đó không? Và liệu người đó có đáp lại tình yêu của nó? Tôi có lo nghĩ mấy cũng chẳng ích gì. Học hết tiểu học nó sẽ học tiếp lên, sẽ rời khỏi đây, và tôi sẽ không bao giờ gặp nó nữa. Vả lại tôi cũng đang có những vấn đề của riêng mình.
Tôi đi vào cửa hàng nhạc mua một đĩa Elisabeth Schwarzkopf hát các bài của Mozart và nghe đi nghe lại mãi. Tôi thích những bài ca êm đềm đó. Nhắm mắt nghe nhạc tôi như thấy mình trôi về lại cái đêm ấy trên hòn đảo Hy Lạp.
Ngoài một vài ký ức rất sâu sắc, trong đó phải kể đến niềm ham muốn mãnh liệt vào cái ngày tôi giúp Sumire chuyển nhà, thì tất cả những gì mà cô để lại chỉ còn là mấy bức thư dài và một cái đĩa mềm. Tôi đã đọc đi đọc lại các bức thư và hai tài liệu ghi trong đĩa nhiều lần tới mức hầu như thuộc lòng chúng. Lần nào đọc tôi cũng lại thấy như tôi và Sumire đang ở bên nhau, tâm hồn hai đứa hòa quyện vào nhau. Cảm giác đó sưởi ấm trái tim tôi hơn bất kỳ thứ gì khác. Giống như khi bạn đang ngồi trên chuyến tàu đêm băng qua bình nguyên mênh mông chợt bắt gặp một ánh đèn nhỏ bên cửa sổ nhà một người nông dân. Thoáng chốc nó đã lại chìm sâu vào đêm tối và biến mất. Nhưng nếu bạn khép mắt lại thì điểm sáng đó vẫn còn lưu lại cùng bạn, rất hiếm hoi thôi, chỉ trong vài khoảnh khắc.
Tôi thức giấc lúc nửa đêm và ra khỏi giường (đằng nào thì tôi cũng không ngủ lại được), nằm xuống trường kỷ và tìm lại trong trí nhớ hình ảnh hòn đảo nhỏ Hy Lạp trong khi lắng nghe Schwarzkopf. Tôi nhớ lại từng sự kiện một, lặng lẽ lật giở từng trang ký ức của mình. Bãi biển vắng vẻ dễ chịu, quán cà phê ngoài trời tại bến cảng. Chiếc áo đẫm mồ hôi của người hầu bàn.
Khuôn mặt nhìn nghiêng duyên dáng của Miu, mặt biển Địa Trung Hải lấp lánh nhìn từ hàng hiên ra. Bức tượng người anh hùng bất hạnh bị cọc đâm xuyên tại quảng trường thị trấn. Và bản nhạc Hy Lạp tôi nghe thấy vọng từ đỉnh đồi đêm ấy. Tôi như sống lại với ánh trăng ma quái, tiếng vọng kỳ quái của thứ nhạc đó. Với cảm giác tách lìa khỏi mình mà tôi đã trải qua khi được tiếng nhạc đánh thức. Với nỗi đau vô hình thù, phi thực, như con dao nhọn dai dẳng chậm rãi đâm xuyên qua cơ thể tôi.
Tôi cứ nằm đó, nhắm mắt lại một lúc rồi mở ra. Tôi lặng lẽ hít vào rồi thở ra. Một ý nghĩ đang dần hình thành trong đầu tôi, nhưng cuối cùng tôi lại chẳng nghĩ về điều gì cả. Không phải vì có sự khác nhau lớn giữa hai việc đó, nghĩ và không nghĩ. Tôi thấy mình không còn phân biệt nổi cái này và cái kia, cái tồn tại và cái không tồn tại. Tôi nhìn ra cửa sổ. Trời đang dần sáng, mây trôi lững lờ, chim hót líu lo, một ngày mới đang đến, gom lại mọi ý nghĩ, tình cảm của những con người sống trên hành tinh này. Có một lần tại trung tâm Tokyo tôi thoáng thấy Miu. Đó là vào một ngày Chủ nhật ấm áp giữa tháng Ba, khoảng sáu tháng sau khi Sumire biến mất. Những đám mây sà xuống che phủ bầu trời, trông như thể trời sẽ mưa bất cứ lúc nào. Mọi người đi đường đều cầm ô. Tôi đang trên đường đến thăm một người bà con sống ở trung tâm và khi dừng lại chỗ trạm đèn giao thông ở Hiroo, tại khoảng giữa các khu nhà cạnh cửa hàng Meidi-ya, tôi bắt gặp một chiếc Jaguar màu xanh nước biển đang lăn bánh giữa dòng xe cộ đông đúc. Tôi đang ngồi trong taxi và chiếc Jaguar ở làn đường bên trái tôi.
Tôi để ý chiếc xe vì người lái là một phụ nữ có bờm tóc trắng đầy kinh ngạc. Nhìn từ xa, mái tóc trắng của chị ta tương phản rõ rệt với màu xanh sẫm của chiếc xe. Tôi chỉ mới nhìn thấy Miu với tóc đen nên phải một lúc sau tôi mới nhập được Miu này với Miu tôi biết thành một người. Nhưng đấy đích thị là chị ấy. Chị vẫn đẹp như tôi vẫn nhớ, một vẻ đẹp hiếm có và kỳ lạ. Mái tóc trắng đến nghẹt thở khiến người ta phải tránh xa chị và có một làn không khí dường như là thần thoại bao quanh.
Nhưng Miu trước mặt tôi không phải người phụ nữ tôi đã vẫy tay tạm biệt tại bến cảng trên hòn đảo Hy Lạp. Chỉ mới nửa năm trôi qua mà chị trông đã ra một người khác. Tất nhiên tóc chị đã đổi màu. Nhưng không chỉ là thế.
Một cái vỏ rỗng! Đấy là những từ đầu tiên hiện ra trong óc tôi. Chị giống như một ngôi nhà rỗng không sau khi mọi người đã bỏ đi cả. Một điều gì đó quan trọng - chính cái điều đã cuốn Sumire như một cơn lốc, đã làm run rẩy trái tim tôi khi tôi đứng trên phà - đã biến khỏi Miu vĩnh viễn. Cái còn lại phía sau không phải là cuộc sống, mà là sự thiếu vắng cuộc sống. Không còn hơi ấm của sự sống, mà là sự im lặng của ký ức. Mái tóc bạc trắng của chị khiến tôi không khỏi không nghĩ đến màu sắc của những bộ xương người bị thời gian làm cho trắng hếu. Tôi lặng người một lúc.
Chiếc Jaguar Miu lái khi thì vượt lên chiếc taxi tôi đi, khi thì lùi lại phía sau, nhưng Miu không nhận thấy tôi đang quan sát chị ở gần bên. Tôi không thể gọi chị được. Tôi không biết phải nói gì, mà nếu có nói được, thì cửa xe Jaguar cũng đóng kín. Miu ngồi thẳng người, hai tay đặt lên vôlăng, chăm chú nhìn phía trước xe. Có thể chị đang cố tập trung suy nghĩ điều gì đó. Cũng có thể chị đang nghe bản "Art of the Fugue" trên máy nghe nhạc trong xe. Suốt quãng thời gian đó vẻ mặt lạnh lùng, nghiêm khắc của chị không hề thay đổi, chị cũng hiếm khi chớp mắt. Cuối cùng đèn xanh cũng bật, chiếc Jaguar lao về hướng Aoyama, để lại phía sau chiếc taxi chở tôi chờ rẽ phải.
Vậy đó chính là cách sống của chúng ta. Bất kể sự mất mát tàn khốc và sâu sắc đến thế nào, bất kể những thứ bị cướp khỏi chúng ta - những thứ bị giật khỏi tay chúng ta - quan trọng đến thế nào, ngay cả khi chúng ta đã hoàn toàn thay đổi tới mức chỉ còn là một lớp da của chính mình trước đây, chúng ta vẫn tiếp tục sống cuộc sống của mình theo cách này, trong im lặng. Chúng ta kéo lại gần hết mức khoảng thời gian được dành cho chúng ta, rồi rời xa nó khi nó lùi lại phía sau. Cứ lặp đi lặp lại hàng ngày tới mức điêu luyện cái động tác liên tục đó. Để lại đằng sau một cảm giác trống rỗng vô biên.
Vì lý do gì đấy mà tuy đã quay về Nhật Bản nhưng Miu không thể liên lạc với tôi. Thay vào đó chị giữ im lặng, chôn chặt các ký ức của mình, tìm một chốn xa xôi, hẻo lánh ẩn thân. Đấy là tôi hình dung thế. Tôi không cho như vậy là trách cứ chị. Mà tôi cũng không thù ghét chị.
Lúc này chợt hiện ra trước mắt tôi hình ảnh bức tượng đồng của bố Miu tại một làng miền núi nhỏ bé ở Triều Tiên. Tôi hình dung ra một quảng trường nhỏ, một dãy nhà thấp và bức tượng đồng phủ bụi. Nơi đây gió luôn thổi mạnh, vặn cong cây cối thành những hình thù kỳ dị. Chẳng hiểu sao trong tâm trí tôi bức tượng đồng đó và Miu với đôi tay đặt trên vôlăng chiếc Jaguar nhập vào thành một.
Có lẽ ở một nơi xa xôi, tất cả mọi thứ đã lặng lẽ mất đi từ lúc nào rồi. Hay ít ra là có một nơi yên tĩnh, ở đó mọi vật có thể biến mất khi hòa lẫn vào nhau thành một hình thù đơn lẻ, chồng chéo. Và khi chúng ta sống cuộc sống của chúng ta là chúng ta khám phá - bằng cách kéo về phía mình những sợi chỉ mảnh gắn với mỗi người - những gì đã mất đi. Tôi nhắm mắt cố nhớ lại xem trong rất nhiều những cái mất mát đẹp đẽ kia, cái nào là của mình. Kéo chúng lại gần hơn, giữ lấy chúng. Trong khi biết rằng cuộc sống của chúng đã trôi qua.
Tôi mơ. Đôi khi tôi nghĩ đó là điều đúng duy nhất cần làm. Mơ tức là sống trong thế giới của những giấc mơ, Sumire đã nói vậy. Nhưng việc đó không kéo dài được lâu. Sự tỉnh táo luôn luôn đến đưa tôi về.
Tôi thức giấc lúc ba giờ sáng, bật đèn, ngồi dậy và nhìn chiếc điện thoại để cạnh giường. Tôi hình dung cảnh Sumire đứng trong bốt điện thoại, châm thuốc và bấm số máy phòng tôi. Tóc cô rối tung, chiếc áo vét đàn ông to quá cỡ, tất thì lệch đôi. Cô tư lự, hơi bị sặc khói thuốc.
Phải mất một lúc lâu cô mới quay được đúng số máy. Đầu óc cô chất chứa nhiều chuyện muốn nói với tôi. Cô có thể nói chuyện đến tận sáng, ai biết được? Về sự khác nhau giữa biểu tượng và dấu hiệu chẳng hạn. Chiếc điện thoại của tôi có vẻ như sắp rung lên. Nhưng nó không rung. Tôi nằm xuống nhìn chăm chăm vào chiếc điện thoại câm lặng.
Nhưng có một lần nó đã đổ chuông. Nó thực sự đổ chuông ngay trước mặt tôi. Làm cho bầu không khí của thế giới thực sự run rẩy, lung lay. Tôi cầm ngay ống nghe.
"Alô?"
"Này, tớ đã về" - Sumire nói. Rất bất chợt. Rất thực. "Không dễ dàng, nhưng chẳng hiểu sao tớ vẫn về được. Giống như bản tóm tắt trong năm mươi từ truyện Odyssey của Homer."
"Tốt lắm," tôi nói. Nhưng tôi vẫn bán tín bán nghi. Tôi đã nghe thấy giọng nói của cô. Chuyện đang xảy ra là thực.
"Tốt lắm?" Sumire nhắc lại lời tôi, và tôi gần như thấy được vẻ mặt cô đang nhăn nhó. "Cậu nói thế là ý chết tiệt gì vậy? Tớ đã vượt qua cả một địa ngục đáng nguyền rủa, cậu phải biết thế. Những trở ngại tớ phải vượt qua có đến hàng triệu, nếu đem tất cả ra kể thì chẳng bao giờ hết, tớ đã về được đây, vậy mà cậu có thể nói với tớ như thế sao? Tớ nghĩ mình sắp khóc rồi. Nếu việc tớ trở về là không tốt, thì tớ sẽ bị bỏ lại ở đâu đây? Tốt lắm. Tớ không tin vào tai mình nữa. Hãy giữ lấy câu cảm thán chân tình, dí dỏm ấy cho các học sinh của cậu - khi cuối cùng chúng cũng biết làm phép toán số học!"
"Bây giờ cậu đang ở đâu?"
"Tớ ở đâu á? Cậu nghĩ là tớ ở đâu? Ở trong cái bốt điện thoại cũ kỹ, trung thành của chúng ta. Một cái bốt điện thoại hình vuông bẩn thỉu bên trong dán đầy quảng cáo của các hãng cho vay rởm và các dịch vụ quay số trả tiền. Trên trời treo mảnh trăng bán nguyệt mờ mờ, dưới sàn đầy mẩu thuốc lá. Nhìn xung quanh thì chán ngắt, chẳng có gì sưởi ấm lòng. Một cái bốt điện thoại có thể hoán đổi được, hoàn toàn mang tính ký hiệu. Nhưng nó nằm ở đâu? Tớ không biết đích xác. Mọi vật xung quanh đều quá mang tính ký hiệu, và cậu biết tớ rồi còn gì. Đến quá nửa thời gian tớ không biết mình đang ở đâu. Tớ không chỉ hướng được. Các tài xế taxi luôn luôn hét vào mặt tớ: "Này quý cô, cô đang cố đi đến cái nơi quái quỷ nào vậy?" Có lẽ tớ không ở xa cậu quá đâu. Tớ nghĩ là rất gần thôi."
"Tớ sẽ đến đón cậu."
"Tớ thích thế. Tớ sẽ coi mình đang ở đâu rồi gọi lại cho cậu. Dù sao, tớ cũng gọi sắp hết tiền lẻ rồi. Đợi chút nhé."
"Tớ muốn gặp cậu kinh khủng." tôi nói.
"Tớ cũng vậy, rất muốn gặp cậu. Khi không thể gặp cậu được nữa tớ mới hiểu ra điều đó. Nó rõ ràng như là các hành tinh bỗng nhiên xếp hàng diễu hành trước mặt tớ. Tớ thực sự cần cậu. Cậu là một phần của tớ; tớ là một phần của cậu. Cậu còn nhớ ở đâu đó - ở đâu tớ không chắc nữa - tớ đã định cắt họng một cái gì đấy. Mài sắc dao, tim sắt đá. Một cách biểu tượng, giống như làm cổng thành ở Trung Hoa. Cậu hiểu tớ nói gì chứ?"
"Tớ nghĩ là hiểu."
"Vậy thì đến đây đón tớ đi."
Đột nhiên điện thoại cắt. Vẫn cầm ống nghe trong tay, tôi nhìn chằm chằm nó hồi lâu. Dường như bản thân chiếc điện thoại là một thông điệp quan trọng, dường như hình thù và màu sắc của nó có chứa đựng một ý nghĩa ẩn giấu bên trong. Hồi tĩnh lại, tôi để ống nghe về chỗ. Tôi ngồi dậy trên giường chờ chuông reo lần nữa. Tựa lưng vào tường, tôi chú tâm vào cái điểm duy nhất trong không gian nằm trước mặt tôi, và hít thở chậm rãi, nhẹ nhàng. Tôi canh chừng các điểm nối giữa các khoảng thời gian. Điện thoại không reo. Một bầu im lặng tuyệt đối treo lơ lửng trong không trung. Nhưng tôi không vội vàng. Không cần phải hấp tấp. Tôi đã sẵn sang. Tôi có thể đi đến bất kỳ đâu.
Đúng vậy không?
Đúng thế!
Tôi ra khỏi giường. Tôi kéo tấm màn cũ kỹ, phai màu sang một bên và mở cửa sổ. Tôi thò đầu ra ngoài nhìn lên trời. Trên trời đúng là có mảnh trăng bán nguyệt mờ mờ. Tốt! Như vậy là cả hai chúng tôi cùng nhìn mảnh trăng này, cùng ở trong thế giới này. Chúng tôi nối với thực tại bằng cùng một sợi chỉ. Bây giờ tôi chỉ việc lặng lẽ kéo sợi chỉ đó về phía mình.
Tôi xòe các ngón tay ra và chăm chú nhìn vào hai lòng bàn tay, tìm kiếm vết máu. Không có vết nào. Không có mùi máu, không có máu đông. Chắc hẳn máu theo cách lặng lẽ riêng của nó đã thấm vào trong.
The end.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Người Tình Sputnik.