• 161

Chương 1


Số từ: 2019
Dịch giả: Lê Ngọc Mai, Phạm Việt Cường
NXB Hội Nhà Văn
Nguồn: Sưu Tầm
Một hôm, khi tôi đã luống tuổi, tại đại sảnh của một nơi công cộng, một người đàn ông bước đến gần tôi. Ông ta tự giới thiệu rồi nói với tôi:
Tôi biết bà đã từ lâu rồi. Ai cũng bảo hồi trẻ bà đẹp lắm, tôi đến để nói với bà rằng riêng tôi thì thấy bây giờ bà đẹp hơn lúc trẻ, tôi không thích gương mặt bà hồi trẻ bằng gương mặt bà bây giờ, tàn tạ.

Tôi thường nghĩ đến cái hình ảnh mà chỉ mình tôi còn thấy và tôi không bao giờ nhắc đến ấy. Nó vẫn luôn hiện diện, vẫn lặng lẽ như thế, vẫn khiến phải sững sờ. Trong tất cả các hình ảnh về bản thân, đó là hình ảnh làm tôi hài lòng nhất, ở đó tôi nhận ra mình, ở đó tôi hoan hỉ.
Rất nhanh chóng, trong đời tôi, mọi thứ đã trở nên quá muộn màng. Mười tám tuổi mà mọi thứ đã là quá muộn. Từ mười tám đến hai mươi tuổi, nét mặt tôi thay đổi theo một hướng bất ngờ. Mười tám tuổi tôi đã già đi. Tôi chẳng rõ có phải ai cũng như vậy không, tôi chưa bao giờ hỏi cả. Hình như tôi đã từng nghe nói đến một sự già nua đôi khi ập đến với ta vào những tháng năm trẻ trung nhất, huy hoàng nhất của cuộc đời. Sự lão hóa này thật đột ngột. Tôi thấy nó lấn dần từng đường nét của tôi, nó thay đổi tương quan giữa những đường nét đó, nó làm cho cặp mắt to hơn, ánh mắt buồn bã hơn, khuôn miệng dứt khoát hơn, và nó để lại trên vầng trán những vết hằn sâu. Chẳng những không hoảng sợ vì điều này, tôi lại dõi theo việc gương mặt mình già đi với một sự hào hứng như thái độ mà tôi có thể có khi đọc sách chẳng hạn. Tôi cũng biết rằng tôi không lầm, rằng đến một ngày quá trình già hóa ấy sẽ chậm đi và trở lại với nhịp độ bình thường của nó. Những người từng biết trôi năm mười bảy tuổi, trong chuyến đi về Pháp của tôi, đều sửng sốt khi gặp lại tôi hai năm sau, ở tuổi mười chín. Gương mặt mới ấy, tôi đã giữ lại. Đó là gương mặt của tôi. Đương nhiên nó còn già thêm, nhưng tương đối ít so với mức đáng ra phải có. Tôi có một gương mặt tả tơi bởi những nếp nhăn khắc khổ và hằn sâu, với làn da nhàu nát. Nó không bị tàn tạ hẳn như một vài gương mặt vốn dĩ thanh tú, nó vẫn giữ nguyên những đường nét trước đây nhưng chất liệu của nó đã bị hủy hoại. Tôi có gương mặt đã bị hủy hoại.
Để tôi nói thêm với bạn, lúc này tôi mười lăm tuổi rưỡi.
Đó là một chuyến phà qua sông Mê Kông.
Hình ảnh ấy được duy trì trong suốt chuyến qua sông.
Tôi mười lăm tuổi rưỡi, xứ sở này không có bốn màu, chúng tôi sống trong một mùa duy nhất, nóng nực, đơn điệu, chúng tôi sống trên một miền đất nóng nực trải dài, không có mùa xuân, không có sự hồi sinh.
Tôi ở trong một trường nội trú của nhà nước tại Sài Gòn. Tôi ngủ và ăn tại đó, trong trường nội trú này, nhưng tôi đi học bên ngoài, ở trường trung học Pháp. Mẹ tôi, một bà giáo, muốn cô con gái nhỏ của bà theo học bậc trung học. Con phải học trung học. Điều đó với bà từng là đủ thì không còn đủ nữa với con gái bà. Trung học, rồi thêm tấm bằng thạc sĩ toán hạng khá nữa. Tôi đã nghe mãi điệp khúc này từ những năm đầu đi học.
Tôi chưa bao giờ hình dung mình có thể thoát được tấm bằng thạc sĩ toán, tôi sung sướng được làm cho mẹ hy vọng. Ngày nào tôi cũng thấy mẹ tôi dự tính tương lai của lũ con và của chính bà. Đến một hôm, khi không còn có thể vẽ ra được những tương lai hoành tráng cho lũ con trai của mình nữa, bà bèn thảo ra những thứ khác, những tương lai vá víu, nhưng dù vậy, chúng cũng phải thực hiện được chức năng của mình, lấp đầy được khoảng thời gian phía trước.
Tôi nhớ đến những bài học môn kế toán của anh út tôi. Những bài học của trường Universelle [Trường tư thục, được thành lập ở Pháp năm 1907, hoạt động theo hình thức giảng dạy qua thư tín], tất cả các năm, tất cả các trình độ. Phải học đuổi, mẹ tôi nói. Chỉ học được có ba ngày, chẳng bao giờ được đến bốn. Chẳng bao giờ cả.
Chúng tôi bỏ trường Universelle khi chuyển đi chỗ khác. Chúng tôi học lại ở chỗ mới. Mẹ tôi trụ được mười năm. Chẳng ăn thua gì. Anh út trở tôi trở thành một kế toán viên xoàng xĩnh ở Sài Gòn. Vì không có trường Violet ở thuộc địa, nên chúng tôi thoát được anh cả khi anh về Pháp. Anh ở lại Pháp vài năm để theo học trường Violet. Anh đã không học. Hẳn là mẹ tôi chẳng dễ bị lừa. Nhưng bà không còn cách nào khác, phải tách thằng con trai này ra khỏi hai đứa con còn lại. Trong vài năm, anh tôi không phải là một thành viên của gia đình nữa. Chính trong thời gian anh vắng mặt, mẹ tôi đã mua quyền sử dụng khu đất hoang. Một việc làm phiêu lưu khủng khiếp, nhưng đối với chúng tôi, lũ trẻ ở lại, thì điều đó có lẽ không khủng khiếp bằng sự hiện diện của kẻ sát hại trẻ thơ trong đêm, đêm của kẻ săn lùng.
Tôi thường nghe nói rằng điều đó xảy ra do ánh nắng quá gay gắt trong suốt thời thơ ấu của tôi. Nhưng tôi đã không tin. Tôi cũng nghe nói rằng đó là do những ưu tư mà cảnh bần hàng thường đẩy lũ trẻ vào.
Nhưng không, không phỉa vậy. Những đứa trẻ già nua vì nạn đói trong vùng thì đúng như thế thật, nhưng còn chúng tôi, chúng tôi không bị đói, chúng tôi là những đứa trẻ da trắng, chúng tôi hổ thẹn, chúng tôi phải bán đồ đạc, nhưng chúng tôi không đói, chúng tôi có một gia nhân bản xứ và chúng tôi có cái ăn, quả thực, đôi khi chúng tôi ăn những thứ nhảm nhí, chim cò, cá sấu con, nhưng những thứ nhảm nhí này do một gia nhân nấu và dọn lên, và đôi khi chúng tôi cũng không chịu ăn những thứ ấy nữa, chúng tôi tự cho phép mình làm cái trò xa xỉ là không muốn ăn.
Không, có một điều gì đó đã xảy ra khi tôi mười tám tuổi và đã tạo nên gương mặt này. Điều đó hẳn là đã diễn ra vào ban đêm. Tôi sợ chính mình, tôi sợ Thượng Đế. Ban ngày, tôi bớt sợ và cái chết có vẻ bớt nghiệm trọng hơn. Nhưng nó không rời bỏ tôi. Tôi muốn giết, anh cả tôi, tôi muốn giết anh ta, tôi muốn thắng được anh ta một lần, một lần duy nhất thôi và nhìn thấy anh ta chết. Đó là để tướt đi khỏi tầm mắt mẹ tôi đối tượng yêu thương của bà, cái đứa con trai ấy, để trừng phạt bà vì đã yêu thương đứa con đó quá nhiều, quá tệ, và nhất là để cứu anh út của tôi, tôi cũng cho là như vậy nữa, anh trai bé bỏng của tôi, bé con của tôi, để cứu anh thoát khỏi cuộc sống náo loạn của gã anh cả đang đè lên trên cuộc đời anh, thoát khỏi màn đen bao phủ ánh ngày, thoát khỏi thứ luật lệ được đại diện bởi anh cả, được ban ra bởi anh cả, một con người, nhưng lại là một thứ luật súc sinh, một thứ luật đã gây ra nỗi khiếp sợ ở từng khoảng khắc của mỗi ngày trong cuộc đời người anh út này, nỗi khiếp sợ mà rồi một lần đã xuyên thấu tới tim anh và giết chết anh.
Tôi đã viết nhiều về những người trong gia đình tôi, nhưng khi tôi viết thì họ vẫn còn sống, mẹ tôi và các anh trai tôi, và tôi đã viết loanh quanh về họ, loanh quanh về những chuyện ấy mà không đi đến tận cùng.
Không có câu chuyện về đời tôi. Không có. Không bao giờ có tâm điểm. Không có đường, không có tuyến. Có những vùng rộng lớn khiến ta tin rằng ở đó có người, điều đó không đúng, chẳng có ai hết. Câu chuyện về một phần rất nhỏ trong tuổi trẻ của tôi thì tôi đã từng viết ít nhiều, tức là viết ở mức có thể thấy được đôi điều gì đó, đấy chính là câu chuyện mà tôi đang kể, câu chuyện xảy ra lúc qua sông. Điều mà tôi kể ở đây khác mà cũng giống trước. Lúc trước, tôi kể về những thời kỳ minh bạch, những thời kỳ được rọi sáng tỏ tường. Giờ đây tôi nói về những thời kỳ thầm kín của chính cái tuổi trẻ ấy, về chuyện tôi đã chôn vùi một số sự kiện, một số tình cảm, một số biến cố.
Tôi bắt đầu viết trong một môi trường đã làm cho tôi hết sức dè dặt. Đối với những người ở đó, viết lách hãy còn là một việc thuộc về lĩnh vực đạo đức. Bây giờ, xem ra viết lách phần nhiều chẳng còn nghĩa lý gì hết. Đôi khi tôi biết rằng: nếu như, khi hòa trộn mọi thứ lại với nhau, viết không phải là việc đuổi theo những điều phù phiếm và hão huyền, thì nó cũng chẳng là gì hết. Riêng, mỗi khi không phải là sự hòa trộn mọi thứ làm một bởi cái bản chất không thể phân định của nó, viết chẳng phải là gì khác ngoài quảng cáo. Nhưng phần lớn thời gian tôi không có ý kiến, tôi nhận thấy rằng mọi khu vực đều mở toang, rằng không còn những bức tường che chắn, rằng việc viết lách dường như chẳng còn biết định vị vào đâu để ẩn giấu, để thực hiện, để được đọc, rằng sự trái khoáy chủ yếu của nó dường như không còn được tôn trọng nữa, nhưng tôi không nghĩ thêm nhiều hơn trước khi nhập cuộc.
Giờ đây tôi nhận thấy rằng từ khi còn rất trẻ, mười tám tuổi, mười lăm tuổi, tôi đã có gương mặt báo hiệu trước gương mặt mà vì nghiện rượu tôi sẽ chuốc vào mình sau này ở tuổi trung niên. Rượu đã thực hiện công việc mà Thượng Đế không làm, nó còn có nhiệm vụ hủy hoại tôi nữa, nhiệm vụ hủy hoại.
Gương mặt rượu chè ấy đến với tôi trước khi tôi nghiện rượu. Rượu đến để củng cố thêm gương mặt ấy. Trong tôi có một vị trí dành cho nó, tôi biết điều này cũng như mọi người, chỉ lạ lùng là tôi lại biết quá sớm. Cũng giống như việc tôi có một vị trí dành cho ham muốn xác thịt.
Mười lăm tuổi tôi đã có gương mặt của lạc thú mà tôi thì vẫn chưa biết mùi lạc thú. Gương mặt này bộc lộ rất rõ. Đến cả mẹ tôi hẳn là cũng phải nhận thấy. Các anh trai tôi đã nhận thấy. Tất cả đã bắt đầu như vậy đối với tôi, bằng gương mặt lồ lộ, phờ phạc này, bằng cặp mắt thâm quầng trước tuổi, trước khi trải nghiệm.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Người Tình.