Quyển 2 : Đệ tử của ma cà rồng - chương 3
-
Những câu chuyện kỳ lạ của Darren Shan
- Darren Shan
- 1172 chữ
- 2020-05-09 12:54:07
Số từ: 1187
dịch : Đặng Phi Bằng
nguồn : NXB trẻ
Xế trưa tôi thức dậy như thường lệ, tôi cũng đi ngủ trước rạng đông như ông Crepsley. Trong khi ông ta ngủ tới trời sụp tối, tôi vẫn có thể thoải mái đi loanh quanh trong ánh nắng ban ngày. Đó là lợi điểm của một ma-cà-rồng nửa mùa như tôi.
Tôi điểm tâm muộn bằng miếng bánh mì nướng phết mứt cam-ma-cà-rồng cũng cần phải có những món ăn bình thường - rồi ngồi trước màn hình TV của khách sạn. Ông Crepsley không ưa khách sạn, chỉ quen ngủ trong những ngôi nhà đổ nát, những chuồng trại bỏ hoang, hoặc những hầm mộ trong khu nhà thờ. Sau một tuần chui rúc kiểu đó, tôi đã nói thẳng là tôi không chịu nổi nữa. Ông càu nhàu nhưng cuối cùng chiều theo ý tôi.
Quá bận bịu với việc học để trở thành phụ tá ma-cà-rồng, nên hai tháng trôi qua thật mau. Ông Crepsley không phải là 1 ông thầy kiên nhẫn, không thích lập lại lời giảng giải, vì vậy tôi phải chăm chú học hỏi cho kịp.
Nhờ vậy, bây giờ tôi rất mạnh. Nâng những trọng lượng lớn và có thể bóp vụn những cục đá. Tôi còn có thể ném tạ xa hơn tất cả những người lớn bình thường (Một hôm tôi đo tầm xa sức ném, rồi kiểm tra lại trong sách: tôi đã tạo được kỷ lục thế giới mới trên thế giới). Móng tay tôi dày và cứng đến nỗi kéo và kìm bấm không làm hề hấn gì, chỉ có thể cắn bớt bằng răng. Mỗi lần thọc tay vào túi, tôi làm vải túi rách tả tơi!
Từ sau đêm rời nghĩa trang, chúng tôi đã vượt một chặng đường xa. Lúc đầu, để tránh con mắt mọi người, ông Crepsley cõng tôi di chuyển vù vù bằng tốc độ chóng mặt của ma-cà-rồng. Khả năng này được gọi là thuật phi hành. Nhưng phi hành là một công việc rất hao tổn sức lực, vì vậy mấy đêm sau chúng tôi phải sử dụng xe buýt hoặc tàu hỏa.
Tôi không biết ông Crepsley lấy tiền đâu cho chuyến đi này. Tôi không thấy ông có ví đựng tiền, cũng không có ngân phiếu, nhưng mỗi khi chi trả cho thức ăn, khách sạn... là rút ra ngay toàn tiền mặt.
Tối nào tôi cũng ngắm nghía mình trong gương, xem mình đã mọc nanh chưa. Một tối ông Crepsley bắt gặp. Ông ngạc nhiên hỏi:
- Mi làm gì vậy?
- Xem thử đã có cái nanh nào mọc chưa.
Ông trợn mắt nhìn tôi đến mấy giây rồi cười sặc sụa:
- Chúng ta không mọc nanh đâu, ngốc.
- Thế thì... làm sao cắn được người?
- Chúng ta không cắn người. Chỉ sử dụng móng tay để rạch 1 vết nhỏ xíu thôi. Trong trường hợp khẩn cấp, không tránh khỏi, mới phải dùng răng.
- Vậy là... chúng ta không có nanh?
- Không. Răng chúng ta rắn chắc hơn răng người thường. Nếu muốn, mi có thể cắn thấu thịt xương. Nhưng... tởm lắm. Chỉ những ma-cà-rồng ngu ngốc mới dùng răng. Những loại ngu ngốc như thế sẽ không thọ được, chúng sẽ bị truy lùng và giết chết.
Tôi hơi thất vọng. Nanh là thứ tôi khoái nhất khi xem phim kinh dị. Nhìn ma-cà-rồng nhe nanh trên màn ảnh rùng rợn vô cùng. Đã lắm.
Nhưng nghĩ lại, tôi thấy không có nanh cũng đỡ phiền phức. Vì riêng vụ móng tay làm thủng túi cũng đủ khó chịu rồi. Nếu răng dài ra, chắc chắn tôi sẽ cắn vụn hai bên má mất. Hầu hết những chuyện cổ về ma-cà-rồng đều tán nhảm. Làm gì có chuyện chúng tôi có thể thay đổi hình dạng, hay bay phơi phới trên không. Nước thánh và thánh giá đâu có làm hại chúng tôi như trong truyện tả. Tỏi chỉ làm hơi thở chúng tôi bị hôi thôi. Nhìn vào gương, chúng tôi vẫn thấy hình mình phản chiếu, và chúng tôi cũng có bóng như những người bình thường.
Nhưng một số truyền thuyết thì lại đúng: người ta không thể chụp hình hay quay phim được ma-cà-rồng. Phim chụp, phim video sẽ bị tối đen, chẳng nhìn thấy gì. Riêng với trường hợp của tôi, bạn vẫn có thể chụp, nhưng dù ánh sáng rất đầy đủ , bạn cũng không thể có được một tấm ảnh rõ ràng đâu.
Ma-cà-rồng rất thân thiện với chuột và dơi. Chúng tôi không thể biến thành dơi hay chuột (như trong sách và phim quả quyết), nhưng hai loài này rất quý chúng tôi- chúng đánh hơi và phát hiện máu chúng tôi khác với con người. Chúng thoải mái loanh quanh gần chúng tôi tìm kiếm đồ ăn vương vãi, hay leo lên người khi tôi ngủ.
Trái lại, chó và mèo rất ghét ma-cà-rồng.
Ánh sáng mặt trời có thể giết ma-cà-rồng, nhưng không cấp kỳ. Nếu được cuốn vải khắp thân mình, ma-cà-rồng có thể ra ngoài vào ban ngày, nhưng da bị ăn nắng rất nhanh: chỉ mười lăm phút là da bị đỏ rộp. Năm hay sáu tiếng phơi nắng đủ giết một ma-cà-rồng.
Đúng là một cây gậy đâm qua tim sẽ giết chết chúng tôi. Nhưng chúng tôi cũng có thể chết vì gươm dao, súng đạn, trấn nước, điện giật và một số bệnh tật. Chúng tôi mạnh hơn, khó giết hơn những người thường, nhưng chúng tôi không phải là những sinh vật không thể hủy diệt được.
Tôi còn phải học nhiều, rất nhiều. Ông Crepsley bảo cần phải học nhiều năm nữa, tôi mới có thể xông pha một mình. Theo ông, một ma-cà-rồng không hiểu rõ hành động của mình sẽ bị chết trong vòng vài tháng, vì vậy dù muốn hay không, tôi phải gắn liền với ông như keo sơn. Ăn hết bánh mì nướng, tôi ngồi cắn móng tay hàng giờ. Chương trình TV dở ẹc, nhưng tôi không muốn ra ngoài một mình. Chúng tôi đang ở trong một thị trấn nhỏ bé, con người ở đây làm tôi lo ngại. Họ luôn gây cho tôi cảm giác, họ biết tôi là gì và sắp sửa nhào vào tôi với cây gậy vót nhọn đầu.
Đêm xuống, ông Crepsley thức dậy, xoa bụng nói:
- Ta đói quá rồi. Nào, ra ngoài tìm xem có gặp thằng cha hướng đạo nào nữa không. Lần này mi phải cùng ta thưởng thức
thủy ngân đỏ
. Được chứ?
- Có thể.
Tuy trả lời vậy, nhưng tôi biết là không thể. Tôi đã thề không bao giờ làm chuyện đó. Có thể đành sử dụng máu thú vật để sống còn, không đời nào tôi đụng đến máu đồng loại, mặc cho ông Crepsley nói sao cũng được. Dù sao tôi vẫn còn tính người, chỉ nghĩ đến chuyện tấn công một người sống để lấy nguồn sống cho mình, cũng đủ làm tôi khiếp đảm và ghê tởm.