CHƯƠNG 28: 18 THÁNG SÁU 1905
-
Những Giấc Mơ Của Einstein
- Alan Lightman
- 873 chữ
- 2020-05-09 02:36:51
Số từ: 861
Dịch giả: Lê Chu Cầu
NXB Hội nhà văn
Nguồn: Sưu tầm
Từ một thánh đường ở trung tâm Rome, một người dòng người đông đến cả vạn người nối tiếp nhau, như một chiếc kim đồng hồ khổng lồ, vươn ra tới ven thành phố và còn xa hơn nữa. Những kẻ hành hương kiên nhẫn này hướng vào trong chứ không hướng ra ngoài. Họ chờ đến lượt được đặt chân vào Ngôi đền Thời gian. Họ chờ tới lúc được cúi đầu trước cái Đồng hồ Vĩ đại. Họ từ xa đến, thậm chí từ những nước khác, để chiêm bái thánh tích này. Giờ đây họ kiên nhẫn xếp hàng, chậm chạp nhích dần trên những con đường tuyệt hảo. Người đọc sách kinh. Kẻ bế con. Người ăn trái và hay uống nước. Trong lúc đợi chờ như thể hình như họ quên cả thời gian đang trôi. Họ không nhìn đồng hồ của mình, vì họ không có. Họ không lắng nghe tiếng chuông đồng hồ hồ trên tháp, vì trên tháp chả có chiếc đồng hồ nào.
Đồng hồ đeo tay và đồng hồ trên tháp đều bị cấm, duy nhất chỉ còn chiếc Đồng hồ Vĩ đại trong Ngôi đền Thời gian.
Bên trong ngôi đền, mười hai người hành hương đứng quanh chiếc Đồng hồ Vĩ đại, mỗi người đứng cạnh một vạch chỉ giờ trên cái khung khổng lồ bằng kim loại và kính. Một quả lắc bằn đồng thau, ánh lên dưới nến, đung đưa trong cái vòng cung tròn ở độ cao mười hai mét. Đám người hành hương hát thánh ca sau mỗi phút của đời họ bị mất đi. Đó là lễ vật của họ.
Sau một giờ đứng bên chiếc Đồng hồ Vĩ đại, những kẻ hành hương nọ đi ra, mười hai người kế tiếp đi vào qua cái cồng cao vòi vọi. Đám rước đã kéo dài hàng thế kỉ rồi.
Hồi xửa hồi xưa, trước khi có chiếc Đồng hồ Vĩ đại, thời gian được đo theo sự thay đổi của các thiên thể: theo sự di chuyển chậm chạp của các ngôi sao trên bầu trời đêm, theo vòng cung của mặt trời và sự thay đổi của ánh sáng, theo sự đầy khuyết của mặt trăng, theo thủy triều của biển cả và bốn mùa. Thời gian cũng đo bằng nhịp tim. độ buồn ngủ và giấc ngủ, của sự đói, kinh nguyệt phụ nữ, độ dài của cô đơn. Rồi thì chiếc đồng hồ cơ khí đầu tiên được chế tạo tại một thị trấn ở Ý. Người ta thích quá. Nhưng rồi người ta kinh hoàng. Vì đây là một phát minh của con người, nó định lượng thời gian trôi qua, nó đặt thước kẻ và compa lên độ dài của lòng ham muốn, nó đo chính xác khoảnh khắc của một đời người. Nó như có phép, không thể chấp nhận được vì phản tự nhiên. Nhưng người ta không thể chối bỏ đồng hồ. Người ta sẽ phải ca tụng nó. Nhà phát minh nọ được yêu cầu lắp ráp chiếc Đồng hồ Vĩ đại. Sau đó y bị giết và mọi cái đồng hồ khác bị hủy. Bấy giờ bắt đầu có những cuộc hành hương.
Trong chừng mực nào đấy cuộc sống tiếp diễn y như trước khi có chiếc Đồng hồ Vĩ đại. Tiếng cười trẻ thơ vẫn giòn vang qua các ngả đường thành phố. Các gia đình vẫn vui vẻ tụ tập uống bia, ăn thịt xông khói. Trai gái vẫn rụt rè nhìn nhau qua khung cửa của một đường vòm. Mấy họa sĩ vẫn tô điểm cho các tòa nhà bằng những bức tranh của họ. Các triết gia vẫn trầm tư mặc tưởng. Tuy vậy mỗi hơi thở, mỗi cái vắt chân, mỗi cái nhìn lãng mạn đều pha chút chán chường nhói cả tim. Vì mọi người biết rằng, trong một giáo đường nọ ở trung tâm Rome có một con lắc nặng bằng đồng thau được gắn tuyệt khéo vơi những chốt và bánh xe răng, và nó lắc để đo cuộc đời họ. Ai cũng biết một lần nào đấy mình phải đối diện với những khoảng đời lười nhác của mình, phải đến bày tỏ lòng tôn kính trước chiếc Đồng hồ Vĩ đại.
Dù đàn ông hay đàn bà, ai cũng phải đến Ngôi đền Thời gian.
Vì thế mà mỗi ngày - mỗi giờ trong mỗi ngày - đều có một dòng cả chục nghìn người từ trung tâm Rome xuyên qua thành phố, ra tận ven đô, một dòng người hành hương chờ cúi đầu trước chiếc Đồng hồ Vĩ đại. Họ bình thản đứng đó, đọc sách, bế con. Họ thản nhiên đứng đó, nhưng trong thâm tâm lại giận sôi lên. Vì họ phải chứng kiến việc đo cái lẽ ra không nên đo. Họ phải chứng kiến sự trôi qua chính xác của những phút và những thập kỷ. Họ bị sự sáng tạo và táo bạo của chính mình phản bội. Họ phải trả giá cho sự sáng tạo và lòng dũng cảm kia bằng chính cuộc đời mình.