• 603

Truyện ngắn 11: Ruxia


Số từ: 4922
Dịch giả: Hà Ngọc
Nguồn: tve-4u.org
Vào mười một giờ đêm chuyên tàu tốc hành Maxcơva - Xevaxtopol bất ngờ phải dừng lại ở một ga xép sau thành phố Podonxk(1) và đang chờ đợi một điều gì đó ở đoạn đường thứ hai này. Trong tàu có một ông và một bà tiến lại gần một cửa sổ toa hạng nhất, nơi khung cửa sổ đã được hạ xuống. Thấy một nhân viên phục vụ trên tàu thõng tay xách chiếc đèn đỏ đi ngang qua đường ray, bà nọ bèn hỏi:
- Này, bác ơi .Tại sao ta đứng lại thế nhỉ?
Bác nhân viên phục vụ đáp rằng đoàn tàu nhanh chạy ngược chiểu đã đến chậm giờ.
Nhà ga tối và buồn. Hoàng hôn đã đến từ lâu, nhưng ở đằng tây, phía sau nhà ga, sau những cánh đồng có nhiều rừng đang sẫm dần, ráng chiều mùa hạ kéo dài của Maxcơva vẫn còn thoi thóp chiếu sáng. Mùi đồng lầy ẩm ướt phả vào cửa sổ. Trong bầu tĩnh mịch, từ đâu đó vẳng lại tiếng cuốc kêu đều đặn và dường như cũng nhuốm màu ẩm ướt.
Chàng tựa khuỷu tay vào cửa sổ, còn nàng thì tựa khuỷu tay lên vai chàng.
- Hồi xưa có lần anh đã sống ở địa phương này vào dịp hè, - chàng nói. - Hồi ấy anh kèm học cho một đứa nhỏ trong một điền trang kiểu biệt thự, cách đây chừng năm verxta. Một cái nơi thật buồn tẻ. Rừng lơ thơ, chỉ có chim ác là, muỗi với lại chuồn chuồn. Chẳng chỗ nào có cảnh đẹp. Trong điền trang muốn ngắm nhìn chân trời thì phải lên tận tầng nóc của ngôi nhà. Ngôi nhà thì tất nhiên là làm theo kiểu biệt thự Nga rồi, và đã bị bỏ hoang từ lâu bởi vì các vị chủ nhà đã bị nghèo đi. Đằng sau nhà là một cái gì trông giông giống như vườn, còn sau vườn là dở hồ, dở đồng lầy, mọc đầy lau lách với lại các bông súng, và lúc nào cũng có một chiếc xuồng con phẳng đáy đỗ cạnh bờ nước lầy lội.
- Và dĩ nhiên là còn có cả một cô gái đang buồn chân trong biệt thự để anh chèo thuyền cho cô ta đi trên đồng lầy ấy nữa chứ.
- Phải rồi, cái gì cũng có cả đấy. Có điều là cô gái tuyệt nhiên chẳng buồn chán gì đâu. Càng về sau anh càng thường chèo thuyền cho cô ấy đi vào ban đêm, và hóa ra lại thơ mộng nữa là khác. Suốt đêm bầu trời phía Tây đều xanh xanh, trong vắt, và đằng chân trời kia, hệt như bây giờ vậy, lúc nào cũng như có cái gì đang âm ỉ cháy... Chỉ tìm được có mỗi một chiếc bơi chèo mà nó lại giống như một cái xẻng và anh chèo nó theo kiểu người mông muội, bên phải một nhát rồi lại bên trái. Phía bờ đối diện thì tăm tối vì có một khoảng rừng thưa, nhưng sau khoảng rừng ấy suốt đêm vẫn có cái ảnh mờ mờ kỳ dị này. Và đâu đâu cũng đều yên tĩnh không tưởng tượng được, -chỉ thấy có muỗi rên rỉ với lại chuồn chuồn bay lượn. Chưa bao giờ anh nghĩ là chuồn chuồn bay lượn ban đêm cả đâu nhé, ấy thế mà chẳng hiểu sao chúng lại bay cả đêm đấy. Khiếp thật
Cuối cùng đã nghe có tiếng ầm ầm của đoàn tàu ngược, nó rầm rập và vun vút lao tới, nhòe thành một vệt liền những ô cửa sổ sáng đèn mà phóng vụt qua. Toa tàu lập tức chuyển bánh. Người phụ trách toa bước vào buồng, lên đèn và sửa soạn chăn gối.
- Vậy chuyện của anh với cô gái ấy rồi ra sao? Một thiên tiểu thuyết thật sự đấy chứ? Không hiểu sao anh chẳng bao giờ kể cho em nghe về cô ta cả. Cô ta người thế nào?
- Gày, cao. Mặc xiêm dài cụt tay(2) bằng vải hoa màu vàng, chân không có tất, đi giày bện kiểu nông dân, đan bằng một thứ len nhiều màu nào đó.
- Nghĩa là cũng theo kiểu Nga?
- Anh nghĩ là theo kiểu nghèo thì đúng hơn.- Không có gì mặc thì đành mặc xiêm dài cụt tay vậy thôi. Ngoài ra, cô ta còn là hoạ sĩ, đã từng học ở trường trung cấp hội họa Xơoganov(3). Mà bản thân cô ta cũng đáng vẽ thành tranh, thậm chí thành tượng thánh nữa kia. Cô ta tết đuôi sam dài sau lưng, mặt ngăm đen lấm tấm những nốt ruồi đen, mũi dọc dừa thanh thanh, mắt đen, lông mày đen... Mái tóc khô, cứng, hơi quăn. Tất cả những nét đó, nổi bật trên nền một tấm xiêm dài cụt tay màu vàng và đôi ống tay bằng sa màu trắng của chiếc áo lót trong, trông lại càng đẹp. Cả mắt cá chân và bàn chân cô ta đều gày gò trong đôi giày bện, với những khớp xương trồi lên dưới làn da mỏng ngăm đen.
- Kiểu người đó em biết. Ở lớp học của em trước cũng có một cô bạn như thế. Đây là một cô có chứng loạn thần kinh, đó là cái chắc.
- Cũng có thể. Nhất là nét mặt cô ta trông giống bà mẹ, mà bà mẹ vốn là một công tước tiểu thư nào đó có máu phương Đông, đã từng mắc một chứng bệnh nào đó như kiểu bệnh u sầu. Chỉ đến bữa ăn bà ấy mới ló mặt ra. Bà ấy ra, ngồi im lặng, hắng giọng, không đưa mắt nhìn lên, chốc lại đặt dao ăn sang chỗ nọ, đặt dĩa sang chỗ kia. Nếu đột nhiên bà ấy mở lời thì bà ấy nói bất thình lình và nói rất to, đến nỗi phải giật nẩy mình lên ấy.
- Thế còn ông bố?
- Cũng là con người lầm lì và gày guộc, dáng cao. Một quân nhân hưu trí. Giản dị và đáng yêu vẫn là thằng con trai mà anh kèm cho nó học.
Người phụ trách toa bước ra khỏi buồng, thưa là chăn gối đã sẵn sàng và chúc ông bà yên giấc ngủ ngon.
- Thế tên cô ta là gì?
- Ruxia.
- Tên gì mà lại thế?
- Rất đơn giản, đó là Maruxia.
- Rồi thì sao, anh phải lòng cô ta lắm hả?
- Tất nhiên, tưởng chừng như phải lòng kinh khủng ấy.
- Thế còn cô ấy?
Chàng im lặng đôi chút rồi trả lời khô khan:
- Có lẽ cô ta cũng tưởng chừng như vậy. Nhưng ta ngủ thôi. Đi cả ngày hôm nay anh mệt kinh khủng rồi.
- Đẹp đấy! Có điều là sự gợi ý của anh chưa ăn thua gì đâu. Nào, anh hãy kề vắn tắt cho em biết, thiên tiểu thuyết của anh kết cục ra sao?
- Chẳng sao cả. Anh bỏ đi, thế là hết chuyện.
- Vậy tại sao anh lại không lấy cô ta?
- Chắc là anh linh cảm trước rằng anh sẽ gặp em.
- Chả phải, anh nói thật đấy chứ?
- Ồ, thì chính bởi vậy anh đã tự sát bằng súng, còn cô ta thì tự đâm mình bằng dao găm...
Rồi, rửa mặt và đánh răng xong, họ cấm cung trong cảnh khăng khít được hình thành ở một buồng trên toa xe lửa, cởi bỏ quần áo và với niềm khoan khoái dọc đường chui vào nằm trong những tấm ga lót chăn bằng vải phíp láng bóng mới giặt và gối đầu lên những chiếc gối cũng như thế, dù chúng luôn tụt khỏi đầu giường chênh chếch cao.
Bên trên cánh cửa, một mắt đèn xanh pha lẫn màu tím hoa cà lặng lẽ nhìn vào đêm tối. Chẳng mấy chốc nàng đã ngủ thiếp đi, còn chàng vẫn thức, nằm hút thuốc lá và thả hồn về cái mùa hè năm ấy...
Cả trên mình nàng cũng lấm tấm những nốt ruồi sâm sẫm như thế, - đây là một đặc điểm thật đáng yêu. Vì nàng đi đôi giày mềm, không có đế, nên toàn thân nàng phập phồng trong tấm xiêm áo dài cụt tay màu vàng ấy. Tấm xiêm rộng, nhẹ nhàng, nên tấm thân thanh nữ thon mảnh của nàng được thoải mải xiết bao. Một hôm dầm mưa ướt cả chân, nàng từ ngoài vườn chạy vào phòng khách, chàng thấy vậy bèn chạy vội đền cởi giày cho nàng và hôn đôi bàn chân bé nhỏ, ướt át của nàng, - và cảm thấy suốt đời mình chưa bao giờ có được niềm hạnh phúc như thế. Trận mưa mát mẻ, thơm ngát, sầm sập đổ xuống mỗi lúc một nhanh hơn, mau hơn ở phía ngoài những cánh cửa mở trông ra bao lơn. Trong căn nhà tối nhá nhem, sau bữa cơm trưa mọi người đều đã ngủ cả, - và cả chàng và nàng đều hoảng hồn biết chừng nào khi thấy một con gà trống nào đó màu đen với ánh biếc xanh của kim loại và với chiếc mào to đỏ như lửa, cũng bỗng dưng từ ngoài vườn chạy vào, móng cạo sào sạo trên sân, đúng vào cái giây phút nóng bỏng mà cả hai người đều không còn giữ ý giữ tứ gì nữa cả. Thấy hai người từ trên đi-văng nhảy choàng xuống, nó bèn vội cúi mình như thể tỏ ý lịch sự, chạy ngược trở lại ra trời mưa với cái đuôi cụp xuống bóng loáng...
Lúc đầu nàng luôn chăm chú nhìn chàng, mỗi khi chàng bắt chuyện thì nàng đỏ mặt một cách kín đảo và lúng búng đáp lại với vẻ giễu cợt; khi ngồi ăn, nàng thường khiêu khích chàng, lớn tiếng nói với bố:
- Đừng mời anh ấy ăn, vô ích, bố ạ. Anh ấy không thích bánh nhân pho mát đâu. Mà cả đến món súp thịt anh ấy cũng không thích, cả mì sợi cũng không thích, cả sữa chua cũng không thèm ăn, cả pho mát tươi cũng ghét nốt.
Sáng sáng chàng đều bận kèm học cho đứa em trai, còn nàng thì bận việc nội trợ, - cả cái nhà này đều do mình nàng đảm đương. Nhà thường ăn trưa vào một giờ, sau bữa trưa nàng thường rút vềnbuồng mình trên tầng nóc, hoặc giả nếu trời không mưa thì nàng ra vườn đặt giá vẽ dưới một cây bạch dương, vừa đuổi muỗi vừa vẽ theo mẫu thực. Rồi nàng bước ra bao lơn, nơi chàng thường ngồi đọc sách trong một chiếc ghế bành xiêu vẹo đan bằng sậy sau mỗi bữa ăn trưa, đứng ở đấy, chắp hai tay ra sau lưng, đưa mắt nhìn chàng, với một tiếng cười mát vẩn vơ:
- Có thể được biết rằng anh đang nghiên cứu những điều cao siêu gì không đấy?
- Lịch sử cách mạng Pháp.
- Ái chà, trời đất ạ! Thế mà em không hề biết là trong nhà mình có một nhà cách mạng!
- Còn cô, tại sao cô lại bỏ bê công việc hội hoạ thế?
- Em còn sắp sửa bỏ hẳn nữa cơ đấy. Em thấy rõ là mình không có tài.
- Vậy cho tôi xem một bức vẽ nào đó của cô đi.
- Thế anh tưởng là anh có am hiểu chút gì đó về hội họa sao?
- Cô tự ái ghê gớm.
- Quả cũng mắc cái tội ấy đấy...
Cuối cùng nàng đề nghị chàng hôm nào đi bơi thuyền chơi trên hồ, rồi nàng bỗng dứt khoát nói:
- Hình như mùa mưa ở vùng nhiệt đới chúng em ở đây đã hết rồi hay sao ấy. Ta hãy vui chơi đi. Chiếc thuyền gỗ nhà em quả tình đã khá mục nát và đáy đã bị thủng lỗ chỗ, nhưng em với thằng Petia đã lấy cói bịt mọi lỗ thủng lại rồi...
Ngày hôm ấy trời nóng bức, oi nồng, những đám cỏ ven bờ lốm đốm đầy những bông hoa mao lương bé nhỏ màu vàng cũng đã bị hơi nóng ẩm ướt hun đốt ngột ngạt và đều có vô vàn những con bướm màu xanh nhạt bay lượn tung tăng trên ngọn.
Chàng đã quen thuộc cái giọng hay giễu cợt của nàng, do đó vừa bước lại gần chiếc thuyền, chàng vừa bảo:
- Cuối cùng cô đã hạ cố đến tôi đấy!
- Cuối cùng anh đã tập trung được tư tưởng để đáp lời em đấy! - nàng liền thoắng đáp lại rồi nhảy lên mũi thuyền, khiến lũ ếch nhái tứ phía hốt hoảng nhảy bòm bõm xuống nước. Nhưng nàng bỗng hét lên dữ dội, kéo váy lên đến tận đầu gối, giậm chân:
- Rắn! Rắn!
Chàng thoáng nhìn thấy màu da ngăm ngăm bóng loáng ở đôi chân để trần của nàng, vớ lấy chiếc bơi chèo để ở đằng mũi giáng vào con rắn nước đang ngoằn ngoèo dưới đáy thuyền, đoạn dùng bơi chèo khều nó lên quẳng ra xa.
Mặt nàng tái một màu tái kiểu Ấn Độ nào đó, những nốt ruồi trên mặt nàng trông lại càng sậm hơn, mái tóc và cặp mắt đã đen trông lại càng đen hơn. Nàng thở phào nhẹ nhõm:
- Ôi chao, sao mà tởm thế! Thảo nào chữ
kinh khủng
là do chữ
rắn nước
mà ra(4). Ở chổ em đây đâu đâu cũng có rắn nước, cả ở trong vườn, cả dưới hầm nhà... Thế mà thằng Petia ấy anh ạ, anh thử tưởng tượng xem, nó bắt rắn bằng tay không đấy!
Lần đầu tiên nàng bắt chuyện với chàng một cách không giữ kẽ gì, và cũng lần đầu tiên hai người nhìn thẳng vào mắt nhau.
- Nhưng sao anh cừ thế! Anh giáng cho nó một nhát khá quá!
Nàng đã hoàn hồn hẳn, mỉm cười rồi chạy từ đẳng mũi ra đằng lái, vui vẻ ngồi xuống. Khi nàng trong cơn khiếp sợ, chàng thấy nàng đẹp đến kinh ngạc, và giờ đây chàng trìu mến nghĩ bụng: ờ cái cô này rõ vẫn còn là một cô bé nhóc tì! Nhưng làm bộ thản nhiên, chàng thận trọng bước lên thuyền, đoạn chống bơi chèo xuống đáy hồ quánh đặc chàng quay mũi thuyền ra phía trước, đẩy nó qua đám cỏ mọc rối loạn dưới nước ra đám lau sậy lởm chởm xanh rờn và ra đám bông súng nở hoa đang chắn hết lối phía trước bằng một lớp những chiếc lá tròn, dày dặn, rồi đẩy thuyền ra hồ, ngồi xuống tấm ghế băng ở giữa thuyền mà chèo sang trái và sang phải.
- Có đúng là thích không nào? - nàng reo lên.
- Rất thích! - chàng đáp, đoạn cất chiếc mũ lưỡi trai ra khỏi đầu, ngoảnh lại bảo nàng: - Cô làm ơn quẳng nó ở cạnh cô cho tôi, kẻo tôi lại hất nó xuống cái mảng lợn này, mà xin lỗi cô, cái máng lợn này nó vẫn rỉ nước và đầy những đỉa đấy.
Nàng đặt chiếc mũ lên lòng mình.
- Cũng đừng bận tâm cô ạ, quẳng đâu cũng được mà.
Nàng ấp chiếc mũ vào ngực:
- Không, em sẽ giữ gìn nó cẩn thận!
Lại một lần nữa trái tìm chàng rung động một cách trìu mến, nhưng một lần nữa chàng lại quay mặt đi, ra sức khua mái chèo vào làn nước loang loảng giữa những đám lau sậy và bông súng.
Muỗi cứ sán vào mặt, vào tay, mọi cảnh vật chung quanh đều chói lói một ánh bạc ấm áp: bầu không khí đầy hơinnước, ánh nắng lung linh, màu trắng uốn lượn của những đám mây dịu dàng chiếu sáng trên bầu trời và trong những khoảng nước trống giữa những đảo nhỏ do lau sậy và bông súng hợp thành; nước chỗ nào cũng nông choèn đến nỗi trông thấy được cả những đám cỏ mọc dưới đáy, nhưng chừng như không phải vì thế mà không có một khoảng sâu vô hạn thâu tóm được cả cảnh trời mây. Bỗng lại nghe tiếng nàng hét lên và thấy con thuyền chòng chành nghiêng hẳn sang một bên: té ra từ đằng lài nàng thò tay xuống nước túm được thân một cây bông súng nhưng kéo lên quá mạnh khiến cả mình lẫn con thuyền đều lật nghiêng, may mà chàng kịp nhảy đến tóm được nàng ở hai bên nách. Nàng cười phá lên, ngã ngửa người ra đẳng lái, bàn tay ướt vẩy nước tóe cả vào mắt chàng. Lúc ấy chàng bèn ôm lấy nàng một lần nữa, và chẳng hiểu mình làm gì, hôn ngay vào đôi mắt đang cười rộ ấy. Nàng cũng mau lẹ bá lấy cổ chàng và ngượng nghịu hôn vào má chàng...
Từ hôm đó trở đi hai người quen mui cùng nhau bơi thuyền vào ban đêm. Ngày hôm sau, sau bữa trưa nàng gọi chàng ra vườn mà hỏi:
- Anh có yêu em không?
Nhớ lại những cái hôn trên thuyền hôm qua, chàng sôi nổi đáp:
- Yêu ngay từ ngày đầu chúng ta gặp nhau kia!
- Cả em cũng thế, - nàng nói. - Mà không đâu, mới đầu em ghét anh đấy, em ngỡ là anh chẳng chú ý gì đến em cả. Nhưng, ơn Chúa, tất cả những cái đó đều đã qua rồi. Tối nay, lúc mọi người đi ngủ cả, anh lại đến đấy chờ em ra nhé. Nhưng phải rất thận trọng khi ra khỏi nhà đấy, kẻo mẹ theo dõi em từng bước, cụ ghen tức phát điên lên ấy.
Đêm đến nàng ra bờ hồ với một tấm mền trong tay. Mừng quả, chàng bàng hoàng khi gặp nàng và chỉ hỏi được một câu.
- Mang mền đi làm gì?
- Sao ngốc thế! Để khỏi bị lạnh chứ sao nữa.
Nào, lên thuyền mau và chèo sang bờ bên kia đi...
Suốt dọc đường họ im lặng. Khi đã bơi sang tới khu rừng bờ bên kia, nàng bảo:
- Đây rồi. Bây giờ anh lại chỗ em đi.Mền đâu rồi nhỉ? Ối chà, nó ở ngay dưới chỗ em ngồi. Choàng lên cho em, em đang ớn lạnh rồi, và ngồi xuống đi. Thế, được đấy... À không, hượm đã, hôm qua cách mình hôn nhau còn lộn xộn thế nào ấy, bây giờ chính em sẽ hôn anh trước, rất khẽ, rất khẽ thôi. Còn anh thì ôm lấy em đi... ôm hết...
Dưới tấm xiêm cụt tay nàng chỉ bận có một chiếc sơ mi lót. Nàng âu yếm hôn, nhưng chỉ khẽ chạm vào vành môi chàng. Đầu óc mê muội, chàng đẩy ngửa nàng xuống mạn lái. Nàng cuồng dại ôm lấy chàng...
Nàng lử người nằm một lát rồi hơi nghển mình dậy, mỉm cười trong một cơn mệt nhọc sung sướng và trong một cơn đau còn chưa lắng dịu, mà bảo:
- Bây giờ ta đã là vợ chồng rồi. Mẹ bảo nếu em lấy chồng thì cụ sẽ không sao chịu đựng nỗi, nhưng bây giờ đây em chả thiết nghĩ đến chuyện ấy... Anh ạ, em muốn tắm một cái, em rất thích tắm ban đêm...
Nàng cởi xiêm áo lộn qua đầu, toàn bộ thân hình thon dài của nàng hiện ra trăng trắng trong bóng tối lờ mờ. Rồi nàng đưa hai tay cuốn bím tóc lên đầu, để lộ đôi nách sẫm đen và đôi vú thây lẩy, chẳng thẹn thùng gì về thân thể mình trần truồng và về cái mỏm sẫm đen phía dưới bụng. Quấn tóc xong, nàng hôn chàng lanh lẹ, đoạn bật đứng dậy, nhào mình xuống nước, ngửa đầu ra phía sau và dùng hai chân đập lõm bõm.
Rồi chàng vội vã giúp nàng mặc xiêm áo và ủ mình trong chiếc mền. Trong bóng tối lờ mờ, cặp mắt đen và mái tóc đen kết thành bím của nàng trông thật tuyệt diệu. Chàng chẳng dám đụng vào người nàng nữa, chỉ hôn đôi tay nàng và im lặng vì sung sướng vô biên. Trong khu rừng ven bờ đây đó lặng lẽ leo lắt ánh đom đóm, và lúc nào ở đó cũng hình như có ai đang đứng và lắng nghe trong bóng tối. Đôi lúc lại có cái gì đang rón rén, sột soạt. Nàng ngẩng đầu lên:
- Kìa kìa, cái gì thế?
- Em đừng sợ, hẳn là có con ếch đang bò lên bờ hồ. Hoặc là có con nhím đang bò trong rừng...
- Thế nhỡ là dê rừng thì sao?
- Dê rừng nào?
- Em chả biết Nhưng anh thử nghĩ xem: nhỡ có con dê rừng nào đó bò ra khỏi rừng, nó đứng lại và nó nhìn mình... Em sung sướng quá thành thử thích huyên thuyên những chuyện nhảm nhí gớm ghiếc!
Và chàng lại áp môi minh lên tay nàng, đôi khi hôn lên bộ ngực lạnh ngắt của nàng như hôn một vật gì thiêng liêng vậy. Đối với chàng, nàng đã trở thành một sinh linh hoàn toàn mới mẻ đến như vậy! Và đằng sau khoảng đen ngòm của khu rừng thấp bé kia, vẫn hiển hiện, vẫn chưa tắt, một vùng ánh sáng xanh lá cây mờ nhạt phản ánh xuống mặt nước bằng phẳng ở xa xa, những cây cối ven bờ đẫm hơi sương vẫn nồng nặc toả ra một mùi cần tây, đàn muỗi vô hình vô ảnh vẫn vo ve như cầu khẩn một cách bí ẩn, - và những con chuồn chuồn ghê gớm, không ngủ nghê gì, vẫn cứ bay bay, bay phành phạch như thế bên trên con thuyền và cả xa hơn nữa trên mặt nước lấp lánh trong đêm. Và ở đâu đó lúc nào cũng có một cái gì đó luôn sột soạt, bò toài, luồn lách...
Một tuần lễ sau chàng bị đuổi ra khỏi trang trại một cách tàn tệ, nhục nhã, và bàng hoàng khủng khiếp trước cảnh ly biệt hoàn toàn bất ngờ.
Hôm ấy sau bữa ăn trưa họ đang ngồi trong phòng khách và đang chụm đầu cùng nhau xem tranh vẽ trong những số tạp chí Niva cũ.
- Em còn chưa chán anh đấy chứ? - chàng khẽ hỏi và vẫn làm ra vẻ đang chăm chú xem tranh.
- Ngốc. Ngốc kinh khủng! - nàng thì thào.
Bỗng nghe có tiếng bước chân chạy nhè nhẹ, rồi ở ngưỡng cửa thấy hiện ra bà mẹ gàn dở của nàng trong tấm áo choàng bằng lụa đen nhàu nát và với đôi giày bằng da dê thuộc đã mòn vẹt. Cặp mắt đen của bà lóe lên một cách bi thảm. Bà ta chạy vào phòng hệt như bước ra sân khấu, rồi hét lên:
- Tao biết hết mà! Tao đã dè chừng, tao đã theo dõi rồi mà! Thằng đểu kia, mày không thể lấy được nó đâu!
Rồi bà ta nâng cánh tay trong ống tay áo dài lụng thụng lên, bắn đành đoàng một phát chói tai bằng khẩu súng ngắn cổ lỗ sĩ mà thằng Petia vẫn thường chỉ nạp thuốc không để bắn dọa chim sẻ. Trong làn khói, chàng nhảy xổ tới tóm lấy cánh tay dai như đỉa của bà ta. Bà ta giằng ra, lấy súng phang vào trán khiến một bên lông mày chàng bị rách tóe cả máu, đoạn cầm súng ném vào chàng, rồi khi nghe thấy người trong nhà chạy lại chỗ có tiếng la hét và tiếng súng nổ thì bà ta liền tím môi, sùi bọt mép thét lác với vẻ diễn kịch hăng hơn trước:
- Có giỏi thì nó hãy bước qua xác của tao để đến với mày! Nếu nó bỏ nhà theo mày hôm nào thì tao sẽ thắt cổ, nhảy lầu ngay hôm đó! Đồ đểu, cút ngay khỏi nhà tao! Maria Viktorovna, cô hãy chọn lấy một đường, hoặc theo mẹ, hoặc theo nó!
Nàng thều thào:
- Con theo mẹ, theo mẹ, mẹ ơi....
Chàng sực tỉnh, mở mắt ra, - mắt đèn xanh pha lẫn màu tím hoa cà bên trên cánh cửa từ trong tăm tối vẫn chong chong nhìn chàng một cách bí ẩn và lặng lẽ như trong nhà mồ, và toa tàu vẫn uyển chuyển, bồng bềnh một mực phóng như bay về phía trước. Cái ga xép buồn thảm ấy đã lùi lại ra xa, xa lắm rồi. Và cả hai chục năm trường cũng đã trôi qua kể từ khi xảy ra tất cả những chuyện đó, kể cả những cánh rừng thưa, những con ác là, những khoảng đồng lầy, những đám bông súng, những con rắn nước, những con sếu... Phải rồi, còn có những con sếu ấy nữa đấy, làm sao chàng lại có thể quên được chúng! Tất thảy đều kỳ dị trong cái mùa hè lạ lùng ấy, kỳ dị cả đến một đôi sếu nào đó không hiểu từ đâu thỉnh thoảng lại bay đến đậu bên bờ đồng lầy, và kỳ lạ nữa là chúng chỉ cho có mình nàng được lại gần chúng, rồi khi nàng dịu dàng và nhẹ nhàng chạy đến bằng đôi giày bện nhiều màu, đột nhiên ngồi xổm xuống trước mặt chúng, xoã tà xiêm màu vàng của mình phủ lên đám cổ xanh ẩm ướt và ấm áp ở ven bờ, với vẻ say mê của con nít mà ngắm nhìn vào cặp mắt đen có cái vòng màu xám sẫm chạy quanh đồng tử trông dữ dội mà đẹp tuyệt vời của chúng, thì chúng lại nghển những cái cổ mỏng mảnh và dài ngoằng của chúng ra mà ngó xuống nàng với một vẻ hiếu kỳ tuy rất nghiêm nghị mà lại khoan dung. Chàng dõi nhìn nàng và nhìn đôi sếu ấy từ đằng xa, bằng ống nhòm, và thấy rõ được cả những cái đầu nhỏ xíu và bóng loáng, thậm chí cả những lỗ mũi, những khe nhỏ trên đôi mỏ kếch xù và rắn chắc mà chúng thường chỉ mổ một nhát là chết ngay một chú rắn nước. Thân chúng béo mà ngắn với một túm đuôi mọc đầy lông tơ và được che chở sít sao bằng một bộ lông bóng loáng như thép, đôi chân có vẩy của chúng thanh mảnh và dài quá khổ, chân của một con đen tuyền, còn chân con kia lại hơi xanh xanh màu lá cây. Đôi khi cả hai con đều đứng một chân hàng tiếng đồng hồ trong một tư thế bất động rất khó hiểu, đôi khi chẳng đâu vào đâu chúng cũng nhảy lên chồm chồm, xòe ra những đôi cành kếch xù; nếu không thì chúng đi đi lại lại một cách bệ vệ, bước lên chậm chạp, đắn đo, cất cao chân lên, chụm cả ba ngón lại, rồi đặt chân xuống, xòe cả ba ngón tay ra như dã thú xòe móng vuốt, và lúc nào cũng thấy chúng lắc lư cái đầu bé nhỏ... Tuy nhiên, khi nàng chạy lại gần đôi sếu, nào chàng có nghĩ gì và thấy gì nữa đâu, chỉ thấy tấm xiêm nàng toả ra rồi lập tức run rẩy rã rời nghĩ đến tấm thân ngăm ngăm của nàng dưới tấm xiêm ấy, nghĩ đến những nốt ruồi sâm sẫm trên thân hình ấy. Còn trong cái buổi cuối cùng ấy, trong cái phút mà họ cùng ngồi với nhau lần cuối ấy, trên chiếc đi-văng trong phòng khách để xem tập tạp chí Niva xưa cũ ấy, nàng cũng vẫn lại nắm trong đôi tay chiếc mũ lưỡi trai của chàng, ấp nó vào ngực như lúc ngồi trên thuyền hồi nào, và lấp lánh cặp mắt huyền vui tươi, sáng như gương, nhìn vào mắt chàng mà bảo:
- Vậy mà bây giờ em cứ yêu anh đến nỗi đối với em không có gì đáng yêu hơn nữa cả, kể cả cái mùi bên trong chiếc mũ lưỡi trai này: mùi đầu anh và mùi của cái thứ nước hoa gớm ghiếc của anh!
Sau khi đã qua ga Kurxk, trong toa ăn, khi chàng đang uống cà phê pha rượu cô nhắc sau bữa sáng, vợ chàng bảo chàng:
- Sao anh uống rượu nhiều thế? Hình như ly ấy là ly thứ năm rồi thì phải. Anh vẫn còn buồn, còn nhớ nhung cô gái biệt thự có đôi chân xương xẩu của mình hay sao đấy?
- Anh buồn, buồn, - chàng đáp và cười nhạt một cách khó chịu. - Cô gái biệt thự... Amatanobis quantum amabitur nullah(5).
- Tiếng La tinh hả? Thế nghĩa là gì?
- Cái đó em chẳng cần biết
- Sao anh cục cằn thế, - nàng nói và thở dài với vẻ hững hờ, đoạn đưa mắt nhìn ra khung cửa sổ đầy nắng.
Ngày 27 tháng 9 năm 1940
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Những Lối Đi Dưới Hàng Cây Tăm Tối.