• 603

Truyện ngắn 13: Ngày thứ hai chay tịnh


Số từ: 7491
Dịch giả: Hà Ngọc
Nguồn: tve-4u.org
Ngày đông xám xịt ở Maxcơva đã sẩm tối, khí đốt đã nhen cháy lạnh lẽo trong những ngọn đèn, tủ kính các cửa hàng đã bừng lên ấm áp, - và thế là cuộc sống ban đêm ở Maxcơva đã bùng lên, thoát khỏi những công việc bận bịu của ban ngày.
Những cỗ xe trượt tuyết chở thuê phóng qua phóng lại càng dày đặc và hăng hái hơn. Những toa xe điện đầy ắp, nhấp nhô, ầm ầm lăn bánh với vẻ càng lặc lè hơn, - trong bóng tối chạng vạng đã bắt đầu thấy được những đốm sao xanh lè từ trên dây điện xoèn xoẹt tóe xuống. Và bóng mờ mịt của những người qua lại trên vỉa hè tuyết phủ cũng rảo bước nhộn nhịp hơn... Chiều nào cũng vậy, cứ vào giờ này người xà ích của tôi lại ruổi con tuấn mã thân vươn dài ấy để phóng xe chở tôi từ các Cổng Đỏ(1) đến thánh đường Chúa Kitô Cứu Thế, đối diện nơi nàng ở. Và chiều nào tôi cũng đưa nàng đến ăn ở các khách sạn
Praha
,
Ermitaj
,
Metropol
, ăn xong đi xem hát, nghe nhạc rồi từ đó đi đến
Yar
, vào
Xtrenna
(2)... Tất cả những chuyện đó rồi sẽ kết thúc ra sao, tôi không biết, mà tôi cũng cố không nghĩ ngợi, chẳng muốn nghĩ cho đến ngọn ngành làm gì. Bởi lẽ điều đó cũng vô ích như khi nói với nàng về việc ấy vậy, vì có lần nàng đã dứt khoát gạt bỏ câu chuyện về tương lai của hai chúng tôi. Thái độ nàng thật là bí hiểm, thật khó hiểu đối với tôi, mà tất cả mối quan hệ giữa tôi với nàng quả thật cũng là kỳ dị, cho tới nay chúng tôi vẫn chưa hề thật sự gần gũi với nhau. Và tất cả những điều đó đã khiến tôi ở trong tình thế nhùng nhằng và căng thẳng, luôn khắc khoải chờ mong. Nhưng, đồng thời, tôi vẫn xiết bao sung sướng trong mỗi giờ phút ở bên nàng.
Chẳng hiểu để làm gì, nàng vẫn cứ đi học văn hóa, tuy rất ít đến lớp nhưng cũng vẫn là có đến. Có lần tôi đã hỏi:
Để làm gì vậy?
Nàng nhún vai đáp:
Vậy mọi chuyện đang xảy ra trên đời để làm gì nhỉ? Liệu chúng ta hiểu được chút gì về những xử sự của chúng ta chăng? Hơn nữa, em đang thích môn sử...
. Nàng sống một mình, còn ông bố goá của nàng, một người có học thức thuộc một dòng họ thương gia có tiếng, thì vẫn yên chí sống tại Tveri và đang tận thu một món lợi nào đó, hệt như mọi thương gia tương tự khác vậy. Trong ngôi nhà đối diện với thánh đường Chúa Cứu Thế, để có thể ngắm nhìn quang cảnh Maxcơva, nàng đã thuê một căn hộ ở đầu hồi trên tầng năm, tất cả có hai buồng, nhưng buồng nào cũng rộng rãi và bày biện chỉnh tề. Trong căn phòng thứ nhất, chiếc đi-văng rộng kiểu Thổ Nhĩ Kỳ chiếm một khoảng lớn, rồi đến một chiếc pianô đắt tiền mà nàng thường tập đi tập lại đoạn mở đầu chầm chậm, tuyệt diệu mơ màng của khúc Xônát ánh trăng, và nàng chỉ tập đi tập lại có đoạn mở đầu ấy mà thôi. Trên chiếc pianô cũng như trên chiếc bàn gương đều có những bông hoa đỏm dáng khoe sắc trong những bình pha lê nhiều cạnh, mà theo lệnh của tôi, thứ bảy nào cũng có người đem đến cho nàng những bông hoa tươi mới. Và cứ mỗi chiều thứ bảy nào tôi đến thì bao giờ cũng thấy nàng nằm trên chiếc đi-văng mà phía trên không hiểu tại sao vẫn treo ảnh Tolstoy đi chân đất. Nàng từ tốn chìa tay ra cho tôi hôn rồi lơ đãng nói:
Cám ơn anh đã cho hoa...
. Tôi còn thường đem đến cho nàng cả những hộp sôcôla, những cuốn sách mới - của Hofmannsthal, Schnitzler, Tetmajer, Przybyszewski(3) - và lần nào cũng chỉ nhận được một tiếng
cảm ơn
và một bàn tay ấm áp chia ra như thế, hoặc họa hoằn là một mệnh lệnh cho phép được để nguyên áo khoác mà ngồi bên chiếc đi-văng của nàng.
Chẳng hiểu tại sao, - nàng thường đưa tay vuốt cổ áo khoác bằng lông hải ly của tôi mà tần ngần nói, - nhưng em vẫn có cảm giác là không có gì thơm hơn khí vị mùa đông mỗi khi anh đem nó từ ngoài sân vào trong buồng...
. Dường như nàng chẳng thiết một cái gì cả, kể cả hoa cả sách, cả ăn uống, cả đi xem hát, cả đi ăn hiệu vào ban đêm ở ngoài thành phố, mặc dù những đóa hoa gửi đến cũng có thứ hoa nàng thích có thứ không, những sách tôi đem đến, sách nào nàng cũng đều đọc qua, sôcôla thì một ngày nàng thường ngốn hết cả một hộp, khi dùng bữa trưa hay bữa tối nàng chén cũng không kèm gì tôi, thích chén món cháo cá tuyết sông với bánh rán có nhân ở ngoài, thích chén chim đa đa rán với thật nhiều kem sữa. Đôi khi nàng bảo:
Em chẳng hiểu tại sao con người ta cả đời ngày nào cũng ăn, ăn ngày ăn đêm mà vẫn không chán
- nhưng chính nàng thì lại ăn rất sành theo kiểu Maxcova, dù là ăn bữa trưa hay ăn bữa tối. Nhưng cái sở thích rõ rệt nhất của nàng lại chỉ là quần áo đẹp, nhung, lụa, lông thú quý...
Cả hai chúng tôi đều giàu có, khỏe mạnh, trẻ trung và đẹp đẽ đến nỗi trong các hiệu ăn, trong các buổi hòa nhạc người ta đều phải đưa mắt nhìn theo chúng tôi. Tuy vốn người tính Penzen, nhưng không hiểu tại sao lúc bấy giờ tôi lại đẹp trai với vẻ đẹp nồng cháy của người miền Nam, thậm chí
đẹp một cách bất nhã
, như lời một kịch sĩ nổi tiếng đã từng bảo tôi như vậy. Ông ta béo kinh khủng, tính rất háu ăn và rất láu lỉnh, vẻ ngái ngủ, ông ta bảo tôi:
Anh là người gì, có quỷ mà biết được. Như dân đảo Sicilia hay sao ấy.
Mà cả tính nết của tôi cũng là tính người miền Nam, luôn hoạt bát, luôn sẵn sàng nở nụ cười sung sướng, sẵn sàng bông lơn một cách thiện ý. Còn nàng thì lại có vẻ đẹp kiểu Ấn Độ, Ba Tư nào đó: khuôn mặt nàng ngăm ngăm màu hổ phách, mớ tóc nàng đẹp tuyệt vời mà lại có phần dữ dội vì vừa đen lại vừa rậm, đôi hàng lông mày của nàng lại vừa mềm lại vừa bóng lên như lông hắc điêu, đôi mắt nàng đen như loại than mềm dịu, miệng nàng quyến rũ với đôi môi đỏ thắm mịn màng, chung quanh điểm những lông tơ màu sẫm. Khi đi ra ngoài, nàng thường bận một tấm xiêm nhung màu vỏ lựu và đi đôi giày cũng màu đỏ có những khuy cài bằng vàng (nhưng khi đến lớp học thì nàng lại ăn mặc như cô sinh viên xuềnh xoàng và ăn bữa sáng ba mươi kôpếch trong một quán ăn chay tịnh ở phố Arbat).
Và nếu tôi càng thiên về bẻm mép và vui tính một cách chất phác bao nhiêu thì nàng lại thường trầm lặng bấy nhiêu, lúc nào cũng ngẫm nghĩ điều gì, lúc nào cũng như đào sâu suy nghĩ một vấn đề gì. Mỗi khi nằm trên đi-văng với một quyển sách trong tay là nàng thường hay buông sách xuống mà nhìn về phía trước như dò hỏi, điều đó tôi thấy được khi tôi ghé thăm nàng cả vào ban ngày, bởi vì cứ mỗi tháng lại có khoảng ba bốn ngày nàng hoàn toàn không bước ra khỏi cửa, không đi chơi đâu ra khỏi nhà, cứ nằm đọc sách, bắt cả tôi cũng phải ngồi vào ghế bành cạnh đi-văng mà im lặng đọc sách.
- Anh lắm điều và hiếu động kinh khủng, - nàng thường bảo vậy, - để cho em đọc hết chương này đã nào...
- Nếu tôi mà không lắm điều và hiếu động thì có lẽ chẳng bao giờ làm quen được với cô đâu, - tôi đáp vậy để nhắc nàng nhớ tới hồi chúng tôi mới quen biết nhau. Lần đó là vào tháng chạp, khi đen Câu lạc bộ văn nghệ tôi ngẫu nhiên rơi vào cuộc diễn giảng của Andrei Belưi(4), khi thấy ông này ca ngợi nàng trong khi chạy, nhảy trên sàn diễn tôi đã hết sức phấn khích và đã cười nhiều đến nỗi khi nàng ngẫu nhiên ngồi xuống ghế bành cạnh tôi, mới đầu cũng phải ngỡ ngàng nhìn tôi, rồi cuối cùng nàng cũng phải cười phá lên, còn tôi thì lập tức vui vẻ bắt chuyện với nàng.
- Đúng thế đấy, - nàng nói, - nhưng dù sao anh cũng hãy im lặng tí chút, đọc cái gì đi, làm điếu thuốc đi vậy nào...
- Làm sao tôi có thể im lặng được! Cô không thể hình dung nổi tôi yêu cô đến chừng nào! Mà nào cô có yêu tôi đâu!
- Em hình dung được chứ. Còn về tình yêu của em thì anh biết rất rõ rằng ngoài bố và anh ra, em chẳng còn có ai trên đời này. Dù sao chăng nữa, đối với em, anh là người đầu tiên và cũng là người cuối cùng. Anh thấy thế còn ít sao? Nhưng thôi nói thế là đủ rồi. Có anh là không sao đọc sách được nữa, ta uống trà đi vậy...
Thế là tôi đứng dậy, đun nước sôi bằng chiếc ấm pha trà bằng điện đặt trên mặt bàn nhỏ mé sau đi-văng, rồi vừa bước đến chiếc tủ chè bằng gỗ hồ đào ở sau chiếc bàn nhỏ mà lấy tách và đĩa nhỏ ra, vừa nói điều mình chợt nghĩ:
- Cô đọc hết cuốn Thiên thần rực lửa rồi chứ?
- Em coi hết rồi. Cuốn ấy viết phóng đại ghê quá, đọc đến phát ngượng lên ấy.
- Thế tại sao trong buổi trinh diễn của Saliapin(5) hôm qua, cô lại đột ngột bỏ về thế?
- Ông ta quá đỗi phường chèo. Và ngoài ra, nước Mẹ Nga mà tóc vàng nói chung là em chả thích.
- Cô thì cái gì cũng chả thích!
- Vâng, cũng hơi bị nhiều đấy...

Một tình yêu lạ đời!
- tôi nghĩ bụng. Và trong khi chờ nước sôi, tôi đứng, nhìn ra những khung cửa sổ. Trong phòng, hoa toả hương thơm ngát, và đối với tôi thì nàng quyện trong hương thơm của những đoá hoa này. Phía ngoài một khung cửa sổ, tôi thấy bên dưới xa xa trải dài một bức tranh bát ngát của quang cảnh Maxcơva tuyết trắng và biếc xám ở bên kia sông. Còn ở khung cửa sổ bên này, mé trái, tôi trông rõ một phần điện Kremlin và đối diện với nó, tôi thấy toà thánh đường đồ sộ của Chúa Kitô Cứu Thế sao lại mới mẻ quá thể và sao nó hiện ra gần quá thể, trắng xoá ra, mà trên vòm mái dát vàng của thánh đường tôi thấy ánh lên những đốm xanh xanh, bóng của những con ác là vĩnh viễn bay lượn chung quanh mái vòm...
Một thành phố kỳ quặc! - tôi bụng bảo dạ mà nghĩ tới Okhotnưi Riad, tới Iverxkaia và Vaxili Blajemri(6), - Vaxili Blajemri và Xpax-na-Bor đều là những nhà thờ lớn kiểu Ý, vậy mà những chóp tháp nhọn trên các bức tường thành điện Kremli lại có cái vẻ gì đó của Kirghizia...
.
Đến thăm nàng vào lúc hoàng hôn, đôi khi bắt gặp nàng nằm trên đi-văng, chỉ mặc một chiếc áo ngoài lụa viền lông hắc điêu, - nàng bảo đó là
của thừa kế do bà em quê ở Axtrakhan để lại
, - tôi bèn ngồi xuống bên nàng trong cảnh tranh tối tranh sáng, hôn lên tay nàng, chân nàng và tấm thân mượt mà đến kỳ lạ của nàng... Nàng không hề phản đối gì, nhưng vẫn chỉ lặng thinh. Tôi liền tìm ngay đến đôi môi nóng hổi của nàng, nàng thuận ý và thở hổn hển lên, nhưng vẫn cứ lặng thinh. Đến khi thấy tôi không còn giữ nổi mình nữa thì nàng bèn đẩy tôi ra, ngồi dậy, bảo tôi thắp đèn lên với một giọng bình thường, rồi bước sang buồng ngủ. Tôi thắp đèn, ngồi lên chiếc ghế có trụ xoay cạnh chiếc pianô rồi dần dần hồi tỉnh lại, nguôi được cơn mê cháy bỏng. Mười lăm phút sau nàng từ buồng ngủ bước ra, xiêm áo chỉnh tề, sẵn sàng ra xe để đi, vẻ trông bình thản và đơn giản, hệt như trước đó không có gì xảy ra cả:
- Hôm nay ta đi đâu? Đến
Metropol
chăng?
Và suốt buổi tối hôm đó chúng tôi lại nói với nhau những chuyện ngoài lề khác. Sau khi gần gũi nhau được ít lâu, lúc tôi lại mở miệng nói tới chuyện kết hôn thì nàng bảo:
- Không, em chưa đủ tư cách làm một bà vợ được. Chưa làm được, chưa làm được đâu...
Điều đó chẳng khiến tôi thất vọng.
Rồi sau sẽ hay!
- tôi tự bảo mình, hy vọng rằng với thời gian sẽ thay đổi được quyết định của nàng và từ đó không nhắc đến chuyện kết hôn nữa. Đôi khi tình trạng gần gũi không trọn vẹn ấy dường như đã không sao chịu nổi đối với tôi, nhưng ngay cả lúc ấy tôi cũng có còn cách nào khác nữa đâu ngoài hy vọng vào thời gian? Một hôm, lại ngồi bên nàng trong cảnh chiều hôm tăm tối và yên tĩnh đó, tôi đưa tay ôm lấy đầu mình:
- Không, tình trạng này tôi không chịu nổi nữa rồi! Và tại sao, vì cớ gì lại cứ làm tình làm tội tôi và làm tình làm tội bản thân mình như thế!
Nàng nín lặng.
- Ờ, dù sao đó cũng chẳng phải là yêu đương, chẳng phải là tình yêu gì cả...
Từ trong bóng tối nàng đều giọng đáp lời rằng:
- Cũng có lẽ. Nào ai biết được tình yêu là gì?
- Tôi, tôi biết! - tôi thốt lên. - Tôi sẽ đợi cho đến khi cả cô cũng sẽ biết được tình yêu là gì, hạnh phúc là gì!
- Hạnh phúc, hạnh phúc...
Bạn hỡi, hạnh phúc của chúng ta như nước trong tấm lưới nóng, kéo lưới thì lưới phồng, cất lưới thì lưới lại chẳng có chi
.
- Thế là cái gì?
- Đấy là lời Platon Karataev nói với Pier(7) đó.
Tôi phẩy tay.
- Ôi chao, cái đạo lý hiền triết phương Đông ấy thì kệ xác nó!
Và cả tối tôi lại chỉ nói những câu chuyện ngoài lề, về vở kịch mới ở Nhà hát kịch, về thiên chuyện ngắn của Andreev... Tôi lại chỉ đành bằng lòng với những việc như: mới đầu tôi được ngồi khăng khít bên nàng trên chiếc xe trượt tuyết phi như bay và phóng hết tốc lực, ôm để giữ lấy nàng trong chiếc ảo choàng lông ngắn trơn mượt, rồi sau đó cùng nàng bước vào căn phòng lớn đầy người ở hiệu ăn trong tiếng nhạc hành khúc của vở Aida(8), ăn uống bên nàng, nghe giọng nói chậm rãi của nàng, nhìn đôi môi mà tôi vừa được hôn cách đây một tiếng đồng hồ, - phải, ta đã hôn, tôi tự bảo mình như thế, trong khi với lòng hân hoan biết ơn tôi vừa nhìn vào đôi môi ấy, vào những lông tơ sâm sẫm quanh đôi môi ấy, nhìn vào màu nhung vỏ lựu trên xiêm áo của nàng, vào đôi vai thon thả, cặp vú bầu bĩnh, và vừa thoang thoảng thấy một mùi hương nhẹ nhàng nào đó từ mái tóc của nàng mà vừa nghĩ:
Maxcơva, Axtrakhan, Ba Tư, Ấn Độ!
. Ở các hiệu ăn ngoài thành phố, tới cuối bữa ăn tối, khi chung quanh đều đã náo nhiệt hơn trong khói thuốc lá, nàng cũng hút thuốc lá và chếnh choáng say, đôi khi nàng cũng dẫn tôi vào một thư phòng riêng, yêu cầu gọi đám người Zigan đến. Thế là họ tiến vào với vẻ cố ý gây cảnh ồn ào và phóng khoáng, đi đằng trước đội đồng ca là người Zigan già với chiếc đàn ghi ta có băng xanh quàng qua vai, mình mặc bộ quần áo kiểu kazac có đeo lon, môi ông ta tìm nhạt như mồm kẻ chết trôi, đầu lại trọc lốc như một quả bóng bằng gang, theo sau là một cô gái Zigan lĩnh xướng, trán thấp tịt dưới một vòng dây thừng đen như hắc ín... Nàng nghe họ hát với một vẻ giễu cợt thẫn thờ mà kỳ dị... Khoảng ba, bốn giờ đêm tôi lại chở nàng về nhà, tới cổng thì tôi nhắm chặt mắt lại vì sung sướng mà hôn lên cổ áo lông ướt đẫm của nàng rồi phóng như bay về những Cổng Đỏ trong một niềm tuyệt vọng hân hoan nào đó. Cả ngày mai và ngày kia rồi cũng sẽ như vậy, - tôi nghĩ bụng, - lại cũng vẫn là nỗi đau khổ đó và cũng vẫn là niềm hạnh phúc đó... Có thế thôi, - dù sao cũng là hạnh phúc, hạnh phúc lớn lao lắm rồi!
Cứ như thế qua tháng giêng, tháng hai, rồi cả Lễ Tống Tiễn Mùa Đông(9) cũng đã đến và đã trôi qua. Vào một ngày chủ nhật Tha tội(10) nàng lệnh cho tôi đến gặp nàng vào năm giờ chiều. Khi tôi đến thì nàng đã ăn mặc chỉnh tề, bận chiếc áo choàng bằng lông cừu non, đội mũ lông cừu non, đi ủng ngắn bằng dạ đen.
- Đen tuyền kìa! - tôi vừa nói vừa bước vào, mừng, vui như bao giờ hết.
Đôi mắt nàng trìu mến và dịu dàng.
- Mai đã là ngày Thứ hai chay tịnh(11) đầu tiên rồi còn gì, - nàng đáp, đoạn từ chiếc bao tay bằng lông cừu non nàng rút bàn tay đeo găng da dê non màu đen cho tôi bắt -
Đức Chúa ngự trị cuộc đời con...
. Anh cố thích đi đến nhà tu kín Novodevitri(12) không?
Tôi ngạc nhiên nhưng vội bảo:
- Thích chứ!
- Cứ hết quán rượu nọ đến quán rượu kia làm gì, - nàng nói thêm. - Sáng hôm qua em đã đến thăm nghĩa trang Rogojskoe đấy...
Tôi lại càng ngạc nhiên hơn:
- Thăm nghĩa trang ư? Để làm gì? Đấy là cuộc ly giáo nổi tiếng ngày xưa hả(13)?
- Phải, đó là cuộc phân ly đấy kia. Nước Nga trước thời Pier đại đế đấy! Họ đã chôn ông tổng giám mục của họ ở đấy. Mà anh thử tưởng tượng xem: quan tài là một khúc gỗ sồi, hệt như ngày xưa vậy, gấm dát vàng y như được rèn đúc ra, mặt người quá cố được che bằng the trắng đính mạng đen sợi to, trông vừa đẹp lại vừa dễ sợ. Còn bên cạnh quan tài là các vị phó tế(14) với những bình hương và những đài nến ba ngôi.
- Cô học ở đâu mà biết được đấy? Những là bình hương với lại đài nến ba ngôi!
- Cái đó thì anh chả biết được em đâu.
- Tôi chưa hề biết là cô sùng đạo đến thế.
- Đây chẳng phải là sùng đạo. Em chả biết thế nào... Nhưng giả dụ như có những buổi sáng và buổi tối, khi anh không lôi em đến các hiệu ăn, thì em thường đến cấc nhà thờ lớn trong Kremli mà thậm chí anh chẳng ngờ tới được... Thì ở đấy có những thầy phó tế, và những thầy phó tế nỗi tiếng ấy chứ! Như thầy Perexvet và thầy Oxliabia ấy! Và trên hai tầng gác hát đều có hai ca đoàn, cũng toàn là những thầy Perexvet, người nào người nấy đều cao to, lực lưỡng, mặc áo kaphtan(15) dài đen, họ hát, ban ca đoàn nọ đối xướng với ban ca đoàn kia, họ hát đều một nhịp, không theo nốt nhạc mà theo những
cái móc câu
ấy. Thế còn trong lỗ huyệt thì chất đầy những cành tùng lóng lánh, mà ngoài trời thì rét, có ánh nắng mặt trời, có tuyết chói lòa... Ô mà không, điều đó anh chẳng hiểu được đâu! Ta đi thôi...
Chiều hôm ấy hiền hoà, trời nắng, có giá đọng trên các cành cây; trên các tường gạch đỏ như máu của tu viện, những con ác là chao đi chao lại trong bầu tĩnh mịch hệt như những nữ tu bé nhỏ, lúc nào cũng thấy những tiếng chuông đồng hồ thanh thanh và buồn bã điểm giờ trên gác chuông. Tiếng chân bước cọt kẹt trên mặt tuyết vang lên trong bầu tĩnh mịch, chúng tôi tiến vào cổng, lần theo những lối đi đầy tuyết phủ trong nghĩa trang, - mặt trời vừa lặn xuống, nhưng trời còn rất sáng sủa, các cành cây đọng giá hiển hiện tuyệt vời thành một sắc san hô xám trong ánh mạ vàng của lúc chiều tà, chung quanh chúng tôi leo lét một cách bí ẩn những đốm lửa yên tĩnh và buồn bã của những ngọn đèn thờ không bao giờ tắt rải rác trên những ngôi mộ. Tôi bước theo nàng, trìu mến dõi theo vết chân bé nhỏ của nàng, dõi theo hình những ngôi sao xinh xinh mà đôi ủng nhỏ, đen và mới toanh của nàng đế lại trên tuyết, - vậy mà nàng đã cảm biết được và quay ngoắt lại:
- Quả là anh yêu em lắm đấy! - nàng lắc đầu với một vẻ ngỡ ngàng êm dịu mà nói vậy.
Chúng tôi đứng bên những ngôi mộ của Erten(16), Tsekhov(17). Giữ nguyên đôi tay trong chiếc bao tay buông sõng, nàng nhìn vào tấm bia kỷ niệm trên mộ Tsekhov hồi lâu, đoạn nhún vai:
- Một sự pha trộn đáng ghét giữa phong cách ngọt nhạt của Nga với phong cách của Nhà hát kịch.
Trời đổ tối, giá lạnh, chúng tôi từ từ ra khỏi cổng, mà cạnh đó chú Fiodor của tôi vẫn ngoan ngoãn ngồi trên ghế giong xe.
- Ta đi thêm chút nữa đi, - nàng nói, - rồi ta đến ăn những chiếc bánh tráng cuối cùng ở hiệu Egonov... Nhưng đừng phóng nhanh, chú Fiodor nhỉ?
- Thưa vâng.
- Hình như ở Ordưnka có ngôi nhà Griboedov(18) ở trước đây. Ta thử đi tìm xem...
Thế là chẳng hiểu sao chúng tôi lại đi đến Ordưnka, quanh quẩn hồi lâu theo những ngõ ngách giữa các khu vườn và đến ngõ Griboedov; nhưng nào có ai chỉ được cho chúng tôi biết Griboedov đã từng sống ở ngôi nhà nào, - người qua lại chẳng có một ai, vả lại trong bọn họ ai là người có thể cần biết đến Griboedov làm gì? Trời đã tối từ lâu, đằng sau những cây cối giá đọng đã thấy ửng hồng những ô cửa sổ sáng ánh đèn...
- Đằng kia còn có đan viện Marpho - Mariinxkaia nữa, - nàng nói.
Tôi bật cười:
- Lại vào tu viện nữa à?
- Không, ấy là em nói vậy...
Ở tầng dưới quán rượu Egorov tại Okhotnưi Riad đầy những người giong xe đầu bờm xờm, mặc quần áo béo xù ra. Họ đang cắt từng tệp những chiếc bánh tráng đã được rưới quá nhiều mỡ và kem sữa. Ở đây hơi nước bốc nghi ngút như trong buồng tắm vậy. Các căn phòng bên trên cũng rất ấm, trần thấp, ở đó thì lại có những thương nhân thủ cựu đang nhắm rượu sâm banh ướp lạnh với những chiếc bánh tráng màu đỏ như lửa, có phết trứng cá hạt. Chúng tôi sang căn phòng thứ hai, - ở góc phòng một cây đèn thờ đang cháy trước một tấm gỗ đen có vẽ tượng thánh Đức Mẹ có ba tay(19), - và ngồi vào một chiếc đi-văng bọc da đen đằng sau một chiếc bàn dài... Những lông tơ trên môi trên của nàng đều còn vương sương giá, nước da hổ phách trên cặp mà nàng hồng hào lên, lòng đen trong con mắt nàng hoàn toàn hoà lẫn với con ngươi, - tất cả đều khiến đôi mắt hân hoan của tôi không sao rời khỏi khuôn mặt nàng. Còn nàng thì vừa rút chiếc mùi xoa ra khỏi ống bao tay thơm phức, vừa nói:
- Hay thật! Dưới kia là những anh nhà quê thô lậu, mà trên này thì bánh tráng nhắm với sâm banh và Đức Mẹ ba tay. Ba tay đấy nhé! Thế là Ấn Độ rồi còn gì! Anh là một ngài quý tộc, anh không thể hiểu toàn bộ cái thành phố Maxcova này như em được đâu.
- Tôi hiểu được, hiểu được! - tôi đáp. - Ta hãy đặt một bữa ăn cho thịnh soạn cái đã!
-
Thịnh soạn
là thế nào?
- Nghĩa là cho ra trò. Cô mà không biết hay sao?
Ghiurghi bảo rằng...

- Ghiurghi! Thật là hay!
- Phải, đó chính là vương tước Iuri Dolgoruki(20). Ghiurghi bảo với Xviatoxlav, vương tước Phương Bắc rằng:
Bạn hỡi, hãy đến cùng tôi ở Moxcova, đoạn truyền lệnh dọn một bữa ăn thịnh soạn
.
- Thật là hay. Vậy mà giờ đây cái nước Ruxi(22); ấy chỉ còn lại trong những tu viện phương Bắc nào đó. Và cả trong những bài ca ở nhà thờ nữa. Gần đây em có đến thăm tu viện Zatsatievxki - ở đấy họ hát những bài thánh vịnh thật tuyệt vời, anh không tưởng tượng được đâu! Thế mà ở tu viện Tsudovưi lại còn tuyệt hơn cơ. Năm ngoái cứ đến Tuần Chịu nạn(23) là em lên đấy suốt. Chao ôi, thích thật đấy! Khắp nơi là nội cỏ, không khí quả là hiền dịu, trong lòng sao thấy êm ái, hiu hiu buồn và lúc nào cũng cảm thấy tình quê hương, thấy cái cổ kính của đất nước... Trong nhà thờ chính toà có bao nhiêu cửa đều mở ra hết, những người dân thường ra ra, vào vào cả ngày, suốt ngày người ta đều làm lễ... Ôi, nếu như em được đi biệt đến một tu viện nào đó, đến một nơi cực kỳ thâm sơn cùng cốc nào đó, như Vologda hay Viatka(24) chẳng hạn!
Tôi định bảo nàng rằng nếu vậy thì tôi cũng sẽ đi quách hoặc sẽ cắt cổ một ai đó để được đầy đi đảo Xakhalin, và rồi, mất bình tĩnh do quá xúc động tôi châm thuốc hút, thì một người hầu rượu mặc quần trắng, sơ mi trắng, lưng thắt một đoạn dây bện màu mận chín, đã tiến lại gần tôi, kính cẩn nhắc:
- Bẩm ông, ông tha lỗi, ở chỗ chúng cháu không hút thuốc được đâu ạ...
Rồi lập tức anh ta liến láu nói với vẻ đặc biệt xun xoe:
- Ông gọi món gì để ăn với bánh tráng ạ? Rượu thuốc ngâm thảo dược ạ? Trứng cá, cá hồi ạ? Để nhấm với cá ám nhà hàng chúng cháu có rượu kheres đặc biệt ngon, còn đế ăn cá navaga thì...
- Cho cả rượu kheres để nhắm với cá nagava - nàng chêm lời và tôi vui lòng thấy suốt buổi chiều nay nàng tỏ ra mau mồm mau miệng một cách tốt bụng như thế. Và rồi tôi đã lơ đãng nghe những gì nàng nói sau đó. Còn nàng thì nói với ánh dịu hiền trong đôi mắt:
- Những cái gì thuộc biên niên sử Nga, chuyện cổ tích Nga là em rất thích. Tới nay em vẫn đọc đi đọc lại những cái gì mình đặc biệt thích, kỳ cho tới khi thuộc lòng mới thôi.
Ngày xưa trên đất nước Nga có một thị trấn tên gọi Murom, ở đó trị vì một vương tước rất mộ đạo tên gọi Pavel. Thế nhưng có con xà tinh đến cám dỗ vợ chàng vào con đường dâm đãng. Con xà tinh ấy hoá phép thành một người thật, đẹp tuyệt vời đến gặp nàng...

Tôi bèn đùa, giả cách trợn mắt khiếp sợ:
- Eo ôi, kinh chưa!
Nàng điềm nhiên kể tiếp:
- Đấy là Chúa thử lòng nàng đó thôi.
Đến khi nàng được ơn Chúa cho lâm chung thì cả vương tước và phu nhân đều cầu xin Chúa cho được trình diện cùng một ngày. Và cả hai người hẹn ước được cùng chôn chung trong một chiếc quan tài. Rồi họ ra lệnh đục hai lỗ huyệt trong cùng một phiến đá. Rồi họ lại cùng một lúc chuyển sang bận đồ tu hành...
.
Thế là tâm trạng lơ đãng của tôi một lần nữa lại biến thành ngạc nhiên, thậm chí thành một nỗi lo âu: hôm nay nàng làm sao thế nhỉ?
Thế rồi đêm hôm đó, khi tôi chở nàng về nhà vào một thời điểm hoàn toàn khác thường là mười một giờ đêm, và vừa chia tay với tôi ở cổng xong, nàng bỗng chạy đến giữ tôi lại lúc tôi đã ngồi vào xe trượt tuyết:
- Gượm đã, anh. Mai anh đến em vào buổi tối, sau mười giờ nhé. Mai là buổi
cây nhà lá vườn
của Nhà hát kịch.
- Vậy thì sao? - tôi hỏi. - Cô muốn đến buổi
cây nhà lá vườn
đó hả?
- Vâng.
- Nhưng chính cô đã bảo rằng mình không biết có cái gì còn tồi tệ hơn những buổi
cây nhà lá vườn
ấy kia mà!
- Cả hiện thời em cũng vẫn thấy thế. Nhưng dù sao em vẫn muốn đi.
Tôi lắc đầu thầm trong dạ, - rặt những chuyện đỏng đảnh, những chuyện đỏng đảnh kiểu Maxcơva! - và tươi tỉnh đáp ứng:
- Ôn rai(25)!
Mười giờ tối hôm sau, đi thang máy lên đến cửa buồng nàng, tôi dùng chiếc chìa khoá nhỏ của mình mở cửa ra nhưng vẫn nàn lại ở phòng ngoài tăm tối chưa bước vào phòng trong vội, bởi vì trong đó thấy sáng sủa khác thường, đèn đuốc sáng choang, - cả những chùm đèn treo, cả những cây đèn nhiều ngọn ở hai bên cạnh tấm gương soi, và cả cây đèn cao có chao đèn mỏng manh đứng ở đầu đi-văng, - còn ở chiếc pianô lại thấy vang lên đoạn mở đầu của khúc Xônát ánh trăng, tiếng đàn càng dâng cao, càng vang động bao nhiêu thì ta lại càng thấy nó khắc khoải hơn, mời gọi hơn trong một nỗi buồn mơ màng, sảng khoái. Khi tôi đóng sập cánh cửa buồng ngoài, thì tiếng nhạc ngừng nhường cho tiếng xiêm áo sột soạt. Tôi bước vào, thấy nàng đứng thẳng người với điệu bộ hơi có vẻ kịch tình bên chiếc đàn pianô, với một chiếc xiêm nhung đen khiến nàng trông như thon thả hơn và lung linh hơn với vẻ lộng lẫy của mình; với mái tóc đen nhánh được chải chuốt theo kiều ngày hội; với màu hổ phách ngăm đen của đôi tay trần, đôi vai trần và của phần trên ngực mịn màng, đầy đặn; với đôi hoa tai kim cương lấp lánh xuôi theo đôi má phủ dưới một làn phấn nhẹ nhàng; với cặp mắt màu than mịn như nhung và đôi môi cũng mịn một màu nhung đỏ thắm. Ở hai bên thái dương của nàng, đôi bím tóc đen làng bóng uốn cong nửa vòng xoã xuống cặp mắt khiến nàng mang vẻ một mỹ nhân phương Đông trong tranh khắc dân gian.
- Nếu là một nữ ca sĩ vừa trình diễn trên sàn diễn, - nàng nhìn vào nét mặt hoang mang của tôi mà nói, - thì em sẽ đáp lại những tràng vỗ tay bằng một nụ cười niềm nở, khẽ nghiêng mình chào bên phải, bên trái, chào bên trên và bên dưới, còn bản thân mình thì tuy kín đáo, nhưng vẫn sẽ rất cẩn thận lấy chân gạt đuôi váy ra để khỏi giẫm phải nó...
Trong buổi
cây nhà lá vườn
, nàng hút thuốc là nhiều và luôn nhấp rượu sâm banh, chăm chú ngắm nhìn các diễn viên la hét huyên thuyên và ca lên những điệp khúc đề mô tả một điều đó như kiểu Paris. Nàng chăm chú ngắm Xtanbdavxki(26) người cao lớn với mái tóc trắng và đôi lông mày đen, ngắm nhìn vào Moxkvin, người lẳn chắc với cặp kính không gọng trên bộ mặt giống như cái máng lợn, - cả hai người này đều đang cố làm ra vẻ nghiêm chỉnh và nỗ lực, ngả người ra phía sau để liều mạng tạo ra một điệu nhảy cancan trong tiếng cười ầm ĩ của khán giả. Còn Katsalov(28), thì mặt tái đi vì men rượu, một chỏm tóc kiểu Beloruxia xõa xuống vầng trán đầm đìa mồ hôi, cầm ly rượu tiến lại gần chúng tôi, nâng ly, làm ra vẻ âm thầm thèm muốn, ngắm nhìn nàng mà nói bằng một giọng trầm của diễn viên:
- Hỡi bà chúa tươi trẻ, nữ hoàng Samakhan, chúc sức khỏe của nàng!
Và nàng chầm chậm mỉm cười, chạm ly với ông ta. Ông ta tay cầm lầy tay nàng, gắn môi vào đó với vẻ say rượu và suýt nữa thì ngã bổ nhào. Nhưng ông ta gượng lại được, rồi nghiến răng đưa mắt nhìn tôi:
- Còn cái anh chàng đẹp trai nào thế này? Tôi căm thù đấy.
Rồi chiếc phong cầm quay tay bắt đầu vang lên khàn khàn, rít lên, ồn ã lên, giậm giật nhún nhảy lên một điệu polka, - và rồi Xulerjixki(29), một con người nhỏ bé, luôn tươi cười và lúc nào cũng hối hả về việc gì đó, đã trượt trên sàn, phóng như bay đến chỗ chúng tôi, cúi gập mình, tỏ một vẻ phong nhã theo kiểu tiếp đón khách trong cung đình, nói lắp bắp một cách vội vàng:
- Xin được phép mời nhảy một điệu polka Tranblan(30) ngắn...
Thế là nàng cười nụ, đứng dậy, rồi vừa giậm chân một cách khéo và gọn, long lanh với những chiếc hoa tai, với nước da đen và với đôi vai, đôi tay trần của mình, nàng cùng tiến lên với ông ta len lỏi giữa những chiếc bàn nhỏ, khiến mọi người phải dõi theo nàng bằng những con mắt thán phục và những tràng vỗ tay, trong khi đó ông ta vươn cổ, be lên như một con dê đực:
Nhanh lên, ta hãy nhanh lên
Polka sẽ nhảy cùng em điệu này!
Đến ba giờ đêm nàng đứng dậy, lấy tay che mắt. Lúc cùng nhau lấy áo khoác mặc để ra về, nàng nhìn lên chiếc mũ lông hải ly của tôi, đưa tay vuốt ve cổ áo lông hải ly rồi vừa bước ra phía cửa, vừa nói nửa như đùa, nửa như thật:
- Dĩ nhiên là đẹp trai rồi. Katsalov nói đúng...
Con xà tinh ấy hóa thành một con người thật, đẹp tuyệt vời...
.
Dọc đường nàng im lặng, đầu gục xuống do một cơn bão tuyết sáng loá dưới ánh trăng đang thổi ngược lại. Mặt trăng tròn trịa ngụp trong những đám mây trên điện Kremli, -
một cái đầu lâu loé sáng nào đó
- nàng bảo vậy. Trên tháp Xpaxkaia, đồng hồ điểm ba giờ, - nàng lại bảo:
- Sao cái thanh âm cổ xưa thế, - đó là một thứ gì vừa bằng sắt tây lại vừa bằng gang. Cả lúc ba giờ đêm trong thế kỷ mười lăm nó cũng đã từng điểm như vậy, cũng bằng một thanh âm đó. Cả ở Florence(31) đồng hồ cũng điểm y hệt, và khi đó em lại nhớ tới Maxcơva...
Đến lúc Fiodor ghìm cương lại ở lối ra vào, nàng ra lệnh cho tôi với giọng mất hết sức sống:
- Để cho chú ấy về...
Tôi sửng sốt, - chưa bao giờ nàng cho phép lên buồng nàng vào ban đêm cả, - và luống cuống bảo:
- Fiodor, tôi sẽ đi bộ về...
Rồi chúng tôi lặng lẽ đi thang máy lên tầng, tiến bước vào cái cảnh ấm áp ban đêm và cái bầu tĩnh mịch của căn hộ với tiếng gõ lách cách của những chiếc búa máy con trong lò sưởi. Tôi cởi cho nàng chiếc áo choàng lông ngắn đã bị tuyết gội trơn nhẫy, nàng lột từ mái tóc ra chiếc khăn san lông tơ ướt át mà ném vào tay tôi, rồi loạt soạt chiếc váy lụa mặc trong, nàng rảo bước vào buồng ngủ. Tôi cởi áo khoác ngoài, bước vào căn buồng thứ nhất mà ngồi lên chiếc đi-văng Thổ Nhĩ Kỳ, trái tim lặng đi khác nào đứng bên một vực thẳm. Tôi nghe thấy tiếng chân nàng đằng sau đôi cánh cửa bỏ ngỏ nơi buồng ngủ sáng ánh đèn, rồi thấy nàng giữ lấy những chiếc trâm cài đầu, lộn tấm xiêm qua đầu mà cởi bỏ xiêm ra... Tôi bèn đứng dậy, lại gần cửa: nàng chỉ đi độc một đôi giày bằng lông thiên nga, đứng trước giá gương, lưng quay lại phía tôi, dùng chiếc lược đồi mồi mà chải những sợi tóc đen xõa dài qua mặt.
- Thế mà anh ấy cứ bảo là mình ít nghĩ đến anh ấy đấy, - nàng ném chiếc lược lên mặt bàn gương, đoạn hất tóc ra sau lưng, quay lại phía tôi: - Không, em có nghĩ đấy chứ...
Sáng sớm tôi thấy nàng động đậy. Mở mắt ra thì thấy nàng đang nhìn chằm chằm vào tôi. Tôi hơi nhổm dậy trong hơi ấm áp của giường và của thân thể nàng, nàng ngả đầu vào tôi, se sẽ và đều giọng nói:
- Chiều nay em sẽ đi Tveri. Đi lâu hay chóng, điều đó chỉ có Chúa biết...
Rồi má nàng áp vào má tôi, - tôi cảm thấy làn mi ướt của nàng chớp chóp.
- Ngay khi đến, em sẽ viết thư kể hết mọi chuyện. Em sẽ nói mọi chuyện về tương lai. Xin lỗi anh, bây giờ để em ở lại một mình, em mệt lắm...
Và nàng nằm xuống gối.
Tôi se sẽ mặc quần áo, rụt rè hôn lên mái tóc nàng rồi nhón bước đi ra thang gác lúc này đã sáng lên một màu tái nhợt. Tôi đi bộ trên mặt tuyết non trơn, - bão tuyết không còn nữa, bốn chung quanh đều yên tĩnh, đã nhìn xa được dọc theo các phố xá, đã nghe có mùi vị của cả tuyết và cả các nhà bếp. Tôi đi đến tận nhà thờ Iverxkaia mà trong đó rất nhiều cây nến đang bừng bừng cháy và toả sáng như những đống củi khô, rồi cùng nhập bọn với các bà già và những người ăn xin, tôi quỳ xuống mặt tuyết đã bị giày đạp, bỏ mũ ra... có ai đó sờ vào vai tôi, nhìn ra thì thấy đó là một bà cụ bé nhỏ, cực kỳ khốn khổ nào đó. Cụ nhìn tôi, mặt nhăn nhúm lại vì những giọt lệ xót thương:
- Chao ôi, chớ đau buồn, chớ đau buồn quá đỗi như vậy! Tội đấy, tội đấy!
Bức thư tôi nhận được khoảng hai tuần sau đó rất ngắn ngủi. Bằng lời lẽ trìu mền nhưng kiên quyết, nàng yêu cầu tôi đừng chờ đợi nữa, đừng cố tìm gặp nàng.
Em không về Maxcơva nữa đâu, hiện thời em tạm đang tập giáo(32), sau đây có thể là em sẽ quyết ý cắt tóc đi tu... Cầu Chúa sẽ cho anh có đủ sức mạnh để không viết thư trả lời - chẳng tội gì mà kéo dài và tăng thêm nỗi đau khổ của đôi ta...
.
Tôi đã thể theo lời yêu cầu của nàng. Và rồi tôi luân lạc trong những quán rượu bẩn thỉu nhất, đâm ra rượu chè be bét, ngày càng dấn thân sâu hơn vào cảnh sa đọa. Rồi sau tôi bắt đầu tỉnh ngộ lại dần dần, trở nên dửng dưng, tuyệt vọng... Gần hai năm trôi qua kề từ cái ngày Thứ hai chay tịnh đó...
Năm mười bốn(33), vào dịp Tết năm mới lại có một chiều nắng hiền hòa như cái buổi chiều không thể nào quên được ấy. Tôi bước ra khỏi nhà, gọi một chiếc xe ngựa rồi đi đến Kremli. Đến đó tôi vào nhà thờ chính toà Arkhanghenxki vắng vẻ, đứng hồi lâu trong cảnh tối nhá nhem mà không cầu nguyện gì, chỉ đưa mắt ngắm nhìn ánh vàng xưa cũ lấp loáng chập chờn trên những bức tượng thánh và những phiến đá đặt trên mồ các vua chúa Maxcova. Tôi đứng hệt như chờ đợi điều gì trong cảnh yên tĩnh đặc biệt của toà thánh đường vắng tanh vắng ngắt ấy, một cảnh yên tĩnh mà ngay cả thở dài ta cũng thấy ngại ngùng. Ra khỏi nhà thờ tôi bảo người xà ích đánh xe đến Ordưnka, cho ngựa đi bước một như hồi ấy, lần theo những ngõ ngách tăm tối giữa những khu vườn mà trong đó có những cửa sổ đã sáng ánh đèn, rồi đi qua ngõ Griboedov - và tôi cứ khóc, cứ khóc hoài...
Đến Ordưnka tôi bảo người xà ích dừng xe ở cạnh cổng đan viện Marpho Mariinxkaia. Ở đó, trong sân đan viện đen ngòm những cỗ xe ngựa, tôi thấy có một ngôi nhà thờ nhỏ cửa mở toang có sáng ánh đèn và từ trong cửa vẳng lại sầu thảm và thiết tha tiếng hát của một ca đoàn thanh nữ. Chẳng hiểu sao tôi lại có ý muốn nhất thiết phải vào xem. Nhưng người canh cổng đã chặn tôi lại ở ngay cổng, nói với giọng nhẹ nhàng và cầu khẩn:
- Bẩm ông, không vào được, không vào được đâu ạ!
- Sao lại không được? Vào nhà thờ mà không được ư?
- Bẩm ông, được ạ, cố nhiên là được chứ ạ, có điều là vì Chúa, xin ông chớ vào, bởi vì ở trong bây giờ đang có bà đại công nương Elzavet(34) Phedorovna với lại công tước Mitơri Palưts...(35)
Tôi liền dúi cho bác ta một rúp, bác rầu rĩ thở dài rồi để tôi đi qua. Nhưng vừa bước vào sân thì từ trong nhà thờ tôi đã thấy những tượng thánh, cờ phướn được rước ra, theo sau là nữ đại công nương toàn thần mặc đồ trắng dài, gương mặt thanh tú, đầu đeo một vành đai nắng có gắn một thánh giá bằng vàng ở trên trán, người dong dỏng cao, bước đi chầm chậm với vẻ thành kính và với cặp mắt nhìn xuôi, tay cầm một cây nến lớn. Theo sau nữ đại công nương lại là một đoàn dài những người cũng bận đồ trắng như vậy, gồm các nữ tu hoặc các dì phước, vừa đi vừa hát với những đốm lửa của những cây nến nhỏ cầm sát mặt Lúc bấy giờ tôi cũng chẳng biết được họ là ai và họ đi đâu nữa. Không hiểu sao, tôi đã nhìn họ rất chăm chú. Kìa mà trong số những người đi ở quãng giữa, có một cô đầu trùm khăn trắng bỗng ngẩng lên, lấy tay che ánh nến rồi đưa cặp mắt tối tăm nhìn vào nơi tăm tối, hình như nhìn đúng vào tôi thì phải... Nàng có thể nhìn được gì ở cái nơi tăm tối này, nàng có thể cảm biết gì về sự có mặt của tôi? Tôi trở gót và lặng lẽ bước ra khỏi cổng.
Ngày 12 tháng 5 năm 1944
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Những Lối Đi Dưới Hàng Cây Tăm Tối.