• 603

Truyện ngắn 3: Cuộc đời tươi đẹp


Số từ: 13742
Dịch giả: Hà Ngọc
Nguồn: tve-4u.org
Đời tôi vốn dĩ tươi đẹp, cái gì mong ước tôi cũng đều đạt như sở nguyện. Này nhé, cả bất động sản tôi cũng có, - ngôi nhà thì ông già nhà tôi đã sang tên cho tôi ngay sau ngày cưới rồi, - tôi lại có cả mấy con ngựa, một đôi bò cái, và chúng tôi lại còn có cả cơ ngơi buôn bán nữa kia. Dĩ nhiên, chẳng phải là cửa hiệu to tát gì, mà chỉ là một cái quán bán hàng nhỏ bé nhưng cũng đủ cho cả cái xóm ngoại ô này đến mua. Trong đời tôi luôn gặp may, có điều là về tính nết tôi cũng là con người tần tảo.
Về mọi cung cách làm ăn thì bố tôi đã bảo ban tôi từ thời mồ ma của cụ. Tuy đã goá vợ và nát rượu nhưng cụ cũng là người khôn ngoan, tháo vát và nhẫn tâm chẳng kém gì tôi. Khi đã rắp chí rồi thì cụ mới bảo tôi rằng:
- Này, con gái của bố ơi, bầy giờ bố đã làm chủ được mình, ta hãy kiếm tiền đi thôi. Ta sẽ kiếm tiền, ta ra tỉnh ở, ta tậu nhà tậu cửa, bố sẽ gả con gái bố cho một ông khá giả, bố sẽ đàng hoàng. Còn với các ông bà chủ ở đây thì chẳng tội gì ta ngồi lỳ mãi với họ, họ chẳng đáng cho ta đối xử với họ như vậy.
Các ông bà chủ của chúng tôi tuy có tốt bụng thật đấy, nhưng nghèo xác nghèo xơ, quả đúng là những người ăn mày ăn xin. Thế là chúng tôi bỏ họ mà dọn nhà sang làng khác, còn nhà cửa, gia súc với lại hàng quán có gì đem bán tất. Chúng tôi dọn đến ở ngay sát thảnh phố, trồng bắp cải rẽ cho bà công nương Meserina. Bà ta vốn là thị nữ trong cung vua, người chẳng đẹp đẽ gì, mặt rỗ, ở vậy làm bà cô đầu bạc trắng, chẳng ai lấy, thế cho nên đành sống thầm lặng một mình. Nghĩa là chúng tôi thuê mấy bãi cỏ của bà ta và thật tình là chúng tôi chỉ ở trong một túp lều tranh. Trời lạnh, đã sang thu mà chúng tôi chẳng sá gì. Chúng tôi ngồi chờ đến ngày có những lờ lãi lớn, do đó không cảm thấy có gì là tai hại cả. Mà tai hoạ thì nó đã đến nơi rồi kia, lại là tai hoạ đến đâu nữa ấy chứ? Công việc của chúng tôi đã gần đến lúc ăn nên làm ra, thì đột nhiên xảy ra một chuyện lôi thôi kinh khủng. Buổi sáng chúng tôi vừa uống no trà xong, - hôm ấy chả là ngày lễ mà lại, - tôi còn đang đứng vẩn vơ cạnh túp lều thì bỗng thấy có người của nhà thờ tiến vào nội cỏ. Bố tôi lại đi chặt bắp cải mất rồi. Hôm ấy tuy gió to, nhưng trời đến là sáng sủa, tôi cứ mải nhìn, nên không thấy có hai người đàn ông thình lình đến ngay cạnh mình lúc nào không hay. Một người là ông linh mục cao ơi là cao, mặc áo thụng xám, tay cầm gậy, mặt mày sây sẩm, xám ngắt, mái tóc hệt như bờm một con ngựa đẹp đang dựng lên tua tủa trong gió, - còn người kia là một nông dân bình thường, người làm của ông ta. Họ tiền đến sát tận lều. Tôi khép nép, cúi cầu chào mà rằng:
- Kinh lạy cha. Đội ơn cha có lòng hạ cố.
Nhưng tôi thấy ông ta vẻ mặt dữ dằn, buồn bực, cũng chẳng hề đưa mắt nhìn tôi mà chỉ lấy gậy đập nát những cây cối.
- Thế bố mày đâu? - ông ta hỏi.
- Bố con đi chặt bắp cải rồi ạ. Nếu cần thì con có thể đi gọi về. Mà chính bố con đang về rồi kìa.
- Ờ, vậy thì bảo bố mày nhặt nhạnh hết đồ đạc cùng với cái thứ xamovar ghẻ lở này rồi cuốn xéo khỏi nơi này. Từ nay trở đi tuần phiên của tao sẽ đến đây canh gác.
- Sao lại canh gác ạ? - tôi nói. - Chúng con đã nộp cả tiền chín chục rúp cho công nương rồi mà. Sao cha làm vậy, thưa cha? (Tôi tuy còn nhỏ tuổi nhưng đã khá láu lỉnh). Ôi chao, - tôi nói, - cha lại còn cười nữa ư? Cha phải cho chúng con xem giấy chứ ạ. - tôi nói tiếp.
- Đừng có già mồm, - ông ta thét - Công nương dọn ra tỉnh rồi, tao đã mua những bãi cỏ này của bà ấy, và bây giờ đất này là của riêng của tao.
Bản thân ông ta thì vung gậy quật xuống đất, -liệu hồn kẻo gậy này lại quất vỡ mồm bây giờ.
Thấy sự thế như vậy, bố tôi bèn chạy lại, - bố tôi vốn là người nóng tính ghê gớm, - chạy đến nơi cụ hỏi:
- Làm gì mà ầm ĩ lên thế? Cha ơi, tại sao cha lại thét mắng con gái tôi, cha không biết đạo lý gì sao? Cha không thể vung gậy, mà phải thẳng thắn giảng giải cho chúng tôi rõ cha có quyền hành gì mà bao chiếm bắp cải của chúng tôi? Tuy chúng tôi nghèo thật, nhưng chúng tôi cũng sẽ hầu kiện ra toà. Cha là bậc tu hành, - cụ nói, - cha không thể có lòng oán hờn được, kẻo mà người em trai của cha sẽ không sao tròn được quả phúc.
Té ra bố tôi cũng chẳng nói điều gì sỗ sàng với ông ta cả, còn ông ta tuy là linh mục nhưng dữ dằn chẳng kèm gì một gã nông dân quèn bình thường nhất, cho nên, nghĩa là khi nghe bố tôi nói vậy thì mặt ông ta trắng bệch cả ra, không nói được một lời nào, hoạ chăng chỉ có đôi chân ông ta run lên bần bật trong tà áo thụng. Thề rồi nào ông ta lại rít lên, nào ông ta xông lại chỗ bố tôi, nghĩa là để mà lấy gậy choảng vào đầu bố tôi! Bố tôi bèn né mình tránh được, nắm lấy gậy, giật ra khỏi tay ông ta, đoạn kề xuống đùi bẻ đánh rắc một cái! Ông ta định chồm vào ngực bố tôi, nhưng bố tôi đã bẻ gãy chiếc gậy ra làm đôi, quẳng tít ra xa mà hét:
- Trình cha, cha hãy vì chúa, chớ lại gần! - cụ thét. - Cha hắc ám, gian xảo nhưng tôi còn gian xảo hơn kia đấy.
Thế là người ta nắm lấy tay cụ lôi đi!
Hết kiện lại tụng, người ta bắt bố tôi đi đày vì chính cái chuyện đó, vì đã xúc phạm đến bậc tu hành, vì ngụ cư trái phép. Mình tôi còn lại trên cõi đời này và tôi nghĩ bụng: mình làm thế nào bây giờ? Rõ ràng là sống với lẽ phải là không được rồi, và rõ ràng là phải tính toán thận trọng mới được. Tôi suy nghĩ có tới đến một năm rồi đến ở với bà cô, và tôi thấy: mình chẳng chạy đâu cho thoát, phải mau mau chóng chóng lấy chồng đi thôi. Bố tôi có một người bạn tốt trong thành phố, làm nghề sửa chữa yên cương, - chính ông ấy đã dạm hỏi tôi. Không thể nói ông ấy là một chàng rể xuất sắc được, nhưng dù sao lấy ông ta cũng có lợi. Quả thật là tôi cũng có thích một người, tôi rất thích đấy, nhưng anh ta cũng lại nghèo chẳng kém gì tôi, chính anh ta cũng đi ở cho người khác, còn dù sao cái ông này cũng vẫn chẳng lệ thuộc vào ai cả. Tôi chẳng có một xu của hồi môn nào, mà đám này tôi thấy rõ họ chỉ lấy không thôi, sao lại bỏ mất một cơ hội như vậy được? Tôi nghĩ đi nghĩ lại rồi bằng lòng, mặc dù dĩ nhiên tôi biết là ông ta đã luống tuổi, rượu chè, tính hay nóng nảy, nói quả đáng là một quân ăn cướp... Tôi lấy chồng và như vậy không còn là một cô gái bình thường nữa, mà đã là Naxtaxia Xemionovna Giokhova, một thị dân trong thành phố... Kể ra cũng hởi lòng hởi dạ, điều đó dễ hiểu thôi.
Với ông chồng ấy tôi khổ sở chín năm trời. Được tiếng là thị dân mà nghèo rớt, chẳng hơn gì nông dân. Lại chửi bới, cãi lộn nhau hàng ngày. Ờ, may mà trời cũng còn thương tôi, đem ông ấy đi. Con riêng của ông ấy chết ráo, chỉ còn lại hai thằng bé, một thằng Vania lên chín, một thằng nữa còn đang phải bế ẵm. Cái thằng bé này mạnh khỏe mà vui nhộn ghê, lúc mười tháng đã biết đi, biết nói, mà con của tôi ấy à, đứa nào cũng cứ được mười một tháng là đều bắt đầu biết đi, biết nói tuốt, - và nó tự mình uống trà được, đôi khi dùng cả hai tay khư khư lấy cài đĩa, chẳng sao giằng lấy nổi của nó... Duy chỉ có điều là cái thằng bé ấy cũng chết nốt, lúc còn thưa đầy năm. Một hôm tôi vừa ngoài sông về, thì cô em chồng (chả là cô ấy cùng với tôi thuê chung một căn hộ) bảo:
- Hôm nay thằng Koxtia nhà chị nó khóc lăn khóc lộn suốt ngày. Em đã dỗ nó đủ trò, hết múa lại búng ngón tay, rồi lại cho uống cả nước đường, thế mà nó chỉ nghẹn, rồi lại sặc nữa. Hoặc là nó bị cảm lạnh, hoặc là nó ăn phải cái gì đó, bởi vì trẻ con cái gì nó cũng nhét vào miệng cả ấy mà, làm sao mình để mắt hết được?
Thế là tôi bủn rủn cả người. Tôi bèn chạy xổ đến bên nôi, gạt chiếc rèm che ra xem thì thấy nó đã bắt đầu lả ra rồi, thậm chí không kêu khóc gì được nữa cả. Cô em chồng liền chạy đi mời ông y sĩ quen, ông ấy đến, - hỏi: Các chị cho cháu nó ăn cái gì?
- Chỉ cho ăn cháo bột thôi ạ.
- Thế nó không chơi nghịch cái gì chứ?
- Đúng thế ạ, nó có chơi nghịch đấy ạ, - cô em chồng nói. - Ở đây có những vòng đồng ở đai cổ ngựa rơi ra lăn lóc, nó có chơi nghịch những cái vòng ấy.
- Thôi, - ông y sĩ bảo, - nhất định là nuốt cái vòng ấy vào bụng rồi. Chặt tay các chị đi cho xong! - ông ấy nói. - Các chị gây ra chuyện rồi đấy, thẳng bé của các chị chẳng sống được nữa đâu!
Quả nhiên, sự việc ấy xảy ra đúng như lời ông ấy nói. Chưa đầy hai tiếng đồng hồ thì thằng bé chết mất. Chúng tôi xoay đi xoay lại như chong chóng, mà chẳng làm nên trò trống gì, - rõ rành là chẳng sao chống nổi mệnh trời. Thế là tôi đành đem chôn nốt thằng bé đó, chỉ còn lại mỗi mình thằng Vania. Tuy còn lại một mình nó đấy, nhưng như người ta thường nói: một mình vẫn đủ tinh đủ tội. Người thì bé, nhưng ngày càng ăn nhiều, uống khỏe chẳng kèm người lớn. Tôi định đi làm người ở rửa sàn nhà cho ông quan năm nhà binh Nikulin. Nhà ông này có của nả vốn liếng, thuê cả một căn hộ, mỗi tháng trả tới ba chục rúp tiền nhà. Bản thân họ ở tầng trên, còn tầng dưới là bếp. Người làm bếp cho họ là một cô thật chịu thương chịu khó, nhưng tính nết rất phóng đãng. Thế là cô ta chửa ễnh ra, điều đó cũng dễ hiểu thôi. Cô ta không cúi người xuống để lau sàn được nữa, không kèo nỗi tấm cửa lò bằng gang ra... Cô ấy phải bỏ việc đi đẻ, thế là tôi bèn vội đến chiếm chỗ của cô ấy, khéo léo chạy cho mau lại làm với ông bà chủ. Quả vậy, từ hồi còn nhỏ tôi vốn đã khôn ngoan, khéo léo, thường đã làm việc gì là đều làm thật sạch sẽ, tươm tất, ăn đứt bất kỳ một người hầu bàn chuyên môn nào, mà lại cũng biết cả cách chiều lòng người nữa: kệ cho nhà chủ muốn nói gì thì nói, tôi chỉ rặt
dạ - dạ
, với lại
đúng thế
, với lại
quả là không sai tẹo nào...
. Thường là tôi dậy từ lúc tờ mờ ánh trăng, lau chùi thật sạch các sàn nhà, đốt lò, cọ rửa xamovar - nhà chủ tỉnh giấc là tôi đã làm xong xuôi đâu đầy cả rồi. Mà cả bản thân tôi nữa, điều dễ hiểu là tôi cũng vốn ưa sạch sẽ, khéo chân khéo tay, tuy bản tính có khô khan, nhưng xinh đẹp. Cũng có lúc tôi thấy tiếc cho mình: tại sao có sắc đẹp nhường ấy mà lại rơi vào số phận làm công việc đầu tắt mặt tối như thế?
Tôi bụng bảo dạ rằng: phải biết nắm lấy thời cơ. Mà thời cơ ở đây chính là ở cái ông đại tá này, ông ấy khỏe mạnh kinh khủng, ông ấy không sao có thể dằn lòng khi trông thấy tôi, còn bà đại tá của ông ta lại là người Đức, to béo, ốm o, hơn ông ta có đến mười tuổi. Ông ta là người xấu xí, phục phịch, chân ngắn, trông giống như con lợn lòi, mà bà ta lại còn tệ hơn thế nữa kia. Tôi thấy rỏ là ông ta đã bắt đầu ve vãn tôi, cứ xuống bếp tôi mà ngồi, lại bày cho tôi cách hút thuốc lá nữa. Vợ vừa ra khỏi cổng là y như rằng đã thấy mặt ông ấy rồi. Ông ấy đuổi người lính hầu ra tỉnh, giả bộ là có công việc, rồi đến ngồi đó. Tôi ngán ông ấy muốn chết, thế nhưng, dĩ nhiên là tôi cứ giả vờ nào là cười cợt, nào là ngồi rung đùi, - nghĩa là dùng đủ mọi cách để khêu gợi ông ta... Bởi vì, làm thế nào được, tôi thì nghèo, mà đằng kia thì như người ta thường nói, có mất chút gì cũng chỉ là voi rụng lông đuôi. Một lần, hình như vào ngày sinh nhật của vua, ông ta xuất hiện trong bếp với toàn bộ sắc phục của mình, đeo cả ngù vai, lưng thắt một cái dây lưng trắng hệt như một cái đai ấy, tay đi găng da loại cực mềm, cổ bạnh ra, cúc cổ cài chặt đến nỗi mặt tím cả lại, toàn thân sực nức mùi nước hoa, cặp mắt ánh lên, bộ ria đen dày cộp... Ông ấy bước vào rồi bảo:
- Tao với bà lớn đi nhà thờ bây giờ đây. Mày lau cho tao đôi ủng, kẻo bụi bẩn quá. Chưa đi qua sân mà bụi đã bám đầy.
Ông ta đặt một chân dận trong một chiếc ủng véc ni lên một chiếc ghế dài, thật ra chỉ là một cái giá gỗ nào đó. Tôi cúi xuống, toan lau thì ông ta bíu ngay lấy cổ tôi, thậm chí kéo trật cả khăn vuông ra, rồi ghì chặt tôi vào ngực ông ấy, và đã định lôi tôi vào sau lò. Tôi giằng ra, kéo lại mà không sao vùng ra được khỏi tay ông ta, còn ông ta thì người nóng như lửa, mặt đỏ bừng bừng, nghĩa là ông ta cố đè tôi xuống, tìm mặt tôi để hôn.
- Ông làm gì thế này! - tôi nói. - Bà lớn đến kia, ông hãy vì đức Kirixitô (1) mà đi đi!
- Nếu mày yêu tao, - ông ta nói, - thì tao không tiếc mày cái gì hết..
- Chúng tôi hiểu những lời hứa ấy như thế nào bây giờ!
- Đừng đi đâu sất cả, tao dù chết cũng không hối hận gì.
Ờ, sau đó là vân vân những lời đại loại như vậy, điều đó cũng dễ hiếu thôi. Còn tôi, thật tình ra thì lúc bấy giờ tôi suy nghĩ thế nào? Kể ra tôi rất có thể xiêu lòng về những lời của ông ta đấy, nhưng may sao sự việc của ông ta không thành. Một lần khác ông ta lại ôm chặt lấy tôi không phải lúc, tôi vùng ra được, đầu tóc rũ rượi, điên cả tiết lên, còn bà ta, bà lớn chủ nhà ấy mà, thì bà ấy đã ở ngay trước mắt: bà ấy từ trên nhà xuống, diện bảnh, người to béo, vàng ệch cả ra như kẻ đã chết rồi. Bà ấy rên rỉ, loạt xoạt chiếc xiêm trên cầu thang gác. Tôi đã vùng ra được mà đứng đó, đầu không còn khăn, còn bà ấy thì đã đến ngay kia, đi thẳng đến chỗ chúng tôi. Ồng ta luồn qua bà ta mà lủi mất, còn tôi thì cứ đứng trơ thổ địa, chẳng biết làm thế nào. Bà ta đứng đó một lát, đứng đối diện với tôi, tay nâng tà áo lụa, - như hiện thời tôi nhớ được, thì bà ta diện bảnh để đi thăm người ta, bà mặc một tấm xiêm lụa nâu, đeo đôi bao tay trắng, mang dù nhỏ, đội một chiếc mũ nhỏ như kiều một chiếc lẵng con, - bà ta đứng, rên rỉ lên rồi đi ra. Quả vậy, với ông ta và cả với tôi, bà chẳng hé miệng nói nửa lời. Rồi khi ông đại tá vừa đi Kiev thì bà ta mới lập tức đuổi tôi ra.
Tôi bèn thu nhặt đồ đoàn của mình trở về với cô em chồng (chả là thẳng Vania vẫn ở với cô nó). Ra khỏi nơi đó rồi, tôi lại nghĩ: tôi bỏ hoài mất trí khôn của mình, chẳng kiếm chác được gì, tấm chồng cho đáng tấm chồng cũng không, mà của riêng cũng chẳng có, thế là trời phụ tôi mất rồi! Mình sẽ lại phải ra tay một lần nữa, - tôi nghĩ vậy, - dù có chết chăng nữa thì cũng sẽ cố đạt được chí nguyện của mình, sẽ có vốn liếng riêng của mình! Tôi nghĩ hoài, nghĩ mãi như thế, rồi cho thằng Vania đi học việc ở bác thợ may, còn mình thì đi làm hầu buồng, cuối cùng vào ở hẳn cho ông nhà buôn Xamokhvalov, và ở đấy tất cả tới bảy năm tròn... Chính từ đấy mà tôi mới nổi được cơ đồ.
Người ta trả tiền công cho tôi được hai rúp hai mươi nhăm kôpêch. Có hai người hầu là tôi với lại cô gái Vera. Cứ một ngày thì tôi hầu bàn cô ta rửa bát đĩa, ngày hôm sau thì tôi rửa bát đĩa, cô ta phục vụ bàn ăn. Gia đinh này cũng không nói là to lớn gì được: ông chủ Matvei Ivanovits, bà chủ Liubov Ivanna, hai cô con gái lớn, hai cậu con trai. Bản thân ông chủ là con người nghiêm nghị, ít nói, ngày thường chẳng bao giờ ở nhà, nhưng ngày lễ ngày tết thì cứ ngồi tịt ở buồng mình nên gác, đọc đủ thứ báo chí và hút xì gà. Còn bà chủ thì mộc mạc, tốt bụng, và cũng chỉ là thị dân như tôi mà thôi. Hai cô con gái là Ania và Klasa thì chẳng bao lâu ông bà chủ cũng đã gả chồng và cho cưới trong cùng một năm, - cả hai cô đều lấy quân nhân. Quả tình là chính trong lúc này tôi mới dành dụm được ít nhiều: các quân nhân đã thưởng cho chúng tôi vô khối tiền trà nước. Chỉ cần làm những việc thậm chí là chẳng đâu vào đâu, như lúc thì đưa bao diêm đến, lúc thì mang áo capốt và giày cao su lại, - thế là được ngay hai mươi, ba mươi xu... Mà chúng tôi lại làm ăn sạch sẽ nên quân nhân họ thích lắm. Cái con Vera ấy à, quả tình là nó hay làm ra cái bộ tịch gì ấy, như tuồng một tiểu thư nào đó, - bước đi lon xon, vẻ dịu dàng và tính hay hờn giận đáo để, chỉ hơi một tí là lập tức nhíu ngay đôi mày đầy lông tơ của mình lại, đôi môi mọng như quả anh đào bắt đầu run lên và nước mắt đã trào trên mi, - thật thế, những hàng lông mi quả là đẹp, dài, tôi chưa từng thấy ai có những hàng mi như thế bao giờ! - Ờ, thế nhưng tôi, tôi lại khôn ngoan hơn. Tôi thường hay mặc một chiếc áo chẽn thân vải tron, có viền thêm đăng ten, cộc tay, đầu vấn đuôi sam với một dải nhung đen, đeo tạp dề trắng hồ bột, - như vậy thậm chí trông tôi lại rất dễ coi nữa kia. Còn cái con Vera ấy mà, nó lúc nào cũng bó mình vào chiếc coócxê, - bó chặt cứng đến không sức nào chịu nổi nữa, đến nỗi nó nhức đầu phải buồn nôn lên ngay bây giờ đấy! Thế còn tôi thì cả đời tôi chẳng biết cái coócxê là gì, vậy mà tôi vẫn gọn gàng như thường... Và khi các quân nhân họ về rồi, thì lại đến lượt các cậu con chủ nhà thưởng tiền cho chúng tôi.
Cậu con trai lớn, khi tôi mới bước chân đến, cậu ta khoảng hai mươi, còn cậu em thì đã qua tuổi mười bốn. Cái thằng bé này nó què quặt, chỉ rặt ngồi nhà chẳng đi đâu được sất. Có bao nhiêu chân tay nó đều làm gãy ráo và bấy nhiêu lần tôi đều được thấy rõ cả. Mỗi lần bị gãy thì lập tức có đốc tờ đến ngay, băng bó cho nó bằng đủ mọi thứ bông, gạc, đoạn rót vào đó một thứ gì đó như là thứ nước vôi ấy, rồi thứ nước vôi này khô đi cùng với băng gạc, biến thành một thứ như cái nẹp ấy, thế rồi khi sắp khỏi thì ông đốc tờ đến rạch hết ra, tháo gỡ tuốt, -thế là, trông kìa, cánh tay đã lành lặn rồi. Thẳng bé ấy nó không tự đi được, mà chỉ lết. Nhiều khi phải đi qua cả bậc ngưỡng cửa, cả cầu thang gác nó cũng đều cứ lết như thế. Thậm chí nó phải bò qua cả một cái sân để vào trong vườn. Đầu nó to tướng, hệt như đầu ông bố, hai bên tóc mai của nó xù xì, hung hung như lông chó, mặt nó phèn phẹt, già cấc. Là bởi vì nó ăn ghê gớm và ăn đủ thứ: cả xúc xích, cả những nắm sôcôla, cả bánh mì quấn thừng, cả bánh min-phơi (2), - ăn kỳ thích khẩu thì thôi. Còn chân, tay nó thì mảnh khảnh như chân cẳng con cừu vậy, chân tay nào cũng gãy ráo, đầy sẹo. Nhưng nó vẫn được nuôi nấng đàng hoàng mãi như vậy, người ta vẫn may cho nó những chiếc sa mi dài. Học hành thì đã có bà giáo ở trường dòng đến dạy, bà ta đến tận nhà. Thằng bé học rất cừ, nó thông minh đáo để! Nó lại còn chơi được cả đàn gió nữa kia đấy, và khó có thể có người chơi hay được như thế! Vừa kéo đàn lại vừa hát theo. Giọng nó khỏe, vang lanh lảnh. Nhiều lúc nó cất cao giọng, cao giọng lên mãi:
Tôi là anh thầy tu, tôi vốn người khôi ngô!..
. Nó thường hay hát cái bài ấy.
Cậu lớn thì khỏe mạnh, thế nhưng cũng ngốc nghếch thế nào ấy, chẳng làm được tích sự gì. Ông bà chủ đưa cậu ấy vào học đủ các thứ trường lớp, mà nơi nào người ta cũng đuổi ra, chẳng học hành được gì. Cứ tối đến là cậu ta chuồn đi đâu mất cho tới tận tảng sảng. Nhưng cậu ta vẫn sợ mẹ, thường là không dám đi lối cửa trước. Thế là chiều đến tôi lỉnh ra, chờ cho ông bà chủ ngủ một cái là lẻn vào buồng trên, mở sẵn cửa sổ trong chiếc thư phòng nhỏ của cậu ta, rồi lại trả về ngay buồng mình. Cậu ta tháo ủng ở bên ngoài, chỉ đi độc có bít tất trèo qua cửa sỗ mà vào và mọi việc êm ru. Ngày hôm sau cậu ta dậy, giả tảng như đêm qua chẳng hề đi đâu cả, thế nhưng ở nơi kín đáo thì cậu ta lại dúi cho tôi những gì cần thiết. Còn tôi thì có gì mà lo ngại đâu, tôi hết sức vui sướng mà nhận lấy thôi! Cậu ta có chết ngoẻo thì cũng kệ thây cậu ấy chứ... Thế rồi tôi lại còn có khoản thu nhập từ phía cậu nhỏ Nikanor Matveits nữa kia.
Lúc bấy giờ có thế nói là ngày đêm tôi kiên trì đạt đến mục đích của mình. Cứ mỗi lần nắm chắc được tình hình dứt khoát có thể đảm bảo cho mình, thì vị trí của tôi lại càng được vững vàng trong cuộc sống ở đấy. Thường là tôi chắt chiu từng đồng xu, chả là vì đồng tiền có cánh mà lại, động hé tay ra là bay mất ngay! Tôi bèn làm cho chính cái con bé Vera ấy nó không sao ở nổi nữa, - mà nói quá đáng, nó ở đây cũng chẳng cần thiết gì, tôi đã nói với nhà chủ rằng: chỉ mình tôi làm cũng xong, thà ông bà giao cho tôi làm thêm công việc vớ vẩn gì đó nữa còn hơn, - và thế là tôi ở lại một mình và điều khiển ráo. Tiền lương mới chưa kịp lĩnh nóng tay, số tiền của tôi đã tăng lên đến hai chục, hăm nhăm rúp, tôi bèn xin phép bà chủ đi xe ngựa đến nhà băng đế gửi tiền ghi tên mình. Quần áo, giày dép nhà chủ đã cho cả rồi, tiền tôi còn tiêu vào đâu được nữa? Vậy mà, xin Chúa tha tội, cái thằng què quặt ấy nó lại mê tôi chứ, sung sướng thay cho tôi, mà khổ thay cho nó...
Giờ đây, cũng dễ hiểu thôi, tôi thường bụng bảo dạ rằng: có lẽ vì nó mà Chúa trừng phạt tôi bằng thằng con trai của tôi cũng nên! Sau đây rồi tôi sẽ kể hành tung của nó ra sao, nhưng quả là đôi lúc tôi nghĩ không ra, bởi lẽ cần hiểu rằng tinh hình thật hết sức đáng giận, nhiều khi tôi nhìn vào cái thằng què quặt, thấy cái đầu to kếch xù của nó mà phát chán!
Làm sao mà cái số của mày được sung sướng như vậy! Què quặt đến như thế mà lại được sống trong cảnh giàu có nhường ầy. Còn thằng con tao khôi ngô như thế, ngày lễ ngày hội cũng chẳng được ăn, được uống bằng nửa cái ngày thường, cái ăn chơi ăn bời của mày!
. Tôi bắt đầu để ý thấy tuồng như là nó đã mê tôi, ờ nhé, quả là con mắt nó chẳng rời khuôn mặt tôi lúc nào cả. Lúc bấy giờ nó đã mười sáu tuổi đầu và đã bắt đầu mặc quần ống rộng, bắt đầu thắt đai sơ mi, và bắt đầu có ria đỏ lún phún. Nhưng, xin Chúa tha tội, sao mà nó xấu xí thế, mặt nó đầy tàn hương, mắt nó xanh lè. Khuôn mặt thì to mà trơ ra những xương cùng xẩu. Mới đầu hẳn nó tưởng tượng rằng người ta có thể thích nó, nó bèn ăn mặc diện vào, mua hạt quỳ về cắn, rồi thường hay kéo vang chiếc đàn gió để cho mình phải say tiếng đàn của nó. Quả là nó chơi hay thật. Nhưng sau đó chẳng thấy ăn thua gì, thì nó thôi kéo đàn và thừ người ra đăm chiêu. Có một lần tôi đang đứng ở gác thượng, nhìn xuống thì thấy nó đang bò ở giữa sân với một chiếc đàn gió mới của Đức, và lần này nó cũng lại mày râu nhẵn nhụi, đầu tóc chải mượt, mặc chiếc áo sơ mi xanh lơ cỗ tay chéo mà cao, cài ba cúc. Nó nghển cổ nhìn, nghĩa là nó đang tìm tôi. Nó nhìn, nhìn mãi, cặp mắt thờ thẫn và mờ mịt đi, rồi... rồi nó ca vang lên theo một điệu polka:
Nhanh lên em hỡi nhanh chân lên,
Điệu polka anh sẽ nhảy cùng em,
Dễ dàng, khi bước theo nhịp vũ,
Thổ lộ mối tình chứa trong tim.
Còn tôi, tôi làm ra vẻ không nhìn thấy, lấy cái âu rửa ấm chén hắt nước xuống! Hắt xuống rồi mà bản thân thấy không vui, lại rất sợ hãi nữa: mình sẽ bị mắng mỏ bây giờ đây chứ chả chơi! Thế nhưng lại thấy cậu nhỏ bò đi, rồi cậu ta ra sức leo lên cầu thang, một tay phủi quần áo, tay kia lôi xềnh xệch cái đàn gió, cụp mắt xuống, mặt trắng bệch cả ra. Cậu ta lại nói một cách khiêm nhường nữa chứ, giọng run run:
- Phỉ thui cái tay cô nhé. Cô làm thế là có tội đấy, Naxtia ạ.
Và chỉ thế thôi... quả là cậu ta hiền thật
Lúc bấy giờ ấy à, cậu ta gầy rạc đi từng giờ chứ đừng nói là từng ngày, và ông đốc tờ ông ấy bảo là cậu ta chẳng sống được bao lâu nữa, nhất định sẽ chết vì ho lao thôi. Thường là tôi cũng ngại tiếp xúc với cậu ta. Thế nhưng rõ ràng người nghèo đâu có ngần ngại được, có tiền làm cái gì mà chẳng xong, chính vì thế nên cậu ta bắt đầu mua chuộc tôi. Thường là khi mọi người đã đi ngủ trưa cả rồi thì cậu ta lập tức gọi tôi lại, lúc thì ở ngoài vườn, lúc thì ở trong buồng mình. (Cậu ta ở tách biệt với tất cả mọi người, ở dưới nhà, trong một căn buồng lớn, ấm áp nhưng buồn tẻ, các cửa sổ đều trông ra sân, trần thấp, các bức thảm treo tường đều cũ kỹ, màu nâu).
- Cô ngồi đây với tôi một lát, - cậu ta nói, - rồi tôi sẽ cho cô tiền. Tôi chẳng đòi hỏi gì ở cô cả đâu, chỉ là vì tôi yêu cô nên muốn ngồi với cô một lát mà thôi. Một mình giữa bốn bức tường, buồn chết mất.
Ờ, thế là tôi cầm lấy tiền và tôi ngồi. Và chỉ bằng cách đó tôi đã kiếm được gần năm chục rúp. Cộng thêm với số tiền lương của tôi khoảng bốn trăm rúp gửi nhà băng để lấy lãi nữa. Tôi nghĩ bụng, thế nghĩa là bây giờ đã đến lúc mình phải bò dần ra khỏi cái gông đeo cổ. Nhưng tôi lại tiếc rẻ, muốn nán lại thêm một hai năm, tích luỹ thêm ít nữa, mà điều chủ yếu là có lần cậu ta có buột miệng cho tôi biết rằng cậu ta có một ống tiền riêng, đựng khoảng hai trăm rúp tiền lẻ của mẹ cậu cho (điều này dễ hiếu thôi, cậu ta ốm đau luôn nằm một mình trong giường, thế là bà mẹ thường giúi tiền cho cậu ta chơi). Còn tôi, thỉnh thoảng tôi nghĩ bụng lạy Chúa tha tội cho chứ, giá cậu ấy đưa cho mình số tiền đó thì hay biết bao! Dù sao chăng nữa thì cậu ấy cần gì đến số tiền ấy, cậu ấy chết đến nơi rồi, còn tôi thì có thể ăn được cả đời. Tôi chỉ chờ có dịp là sẽ thực hiện được việc đó cho khôn ngoan hơn. Điều dễ hiểu là tôi bắt đầu dịu dàng với cậu ta hơn, năng đến ngồi với cậu ta hơn. Thường là tôi vào buồng cậu ta, lại còn cố ý ngoái lại nhìn, ra vẻ vụng trộm, rồi khép cửa lại mà thì thào:
- Đấy nhé, thế là em đã tách ra một mình được rồi, ta ngồi với nhau đi.
Nghĩa là tôi làm như tuồng hai bên đã hẹn hò với nhau hệt như vừa bẽn lẽn, lại vừa mừng là mình đã tách ra được để bây giờ có thể ngồi chơi với cậu ta. Rồi sau tôi lại giả tảng buồn chán, đăm chiêu. The là cậu ta săn đón:
- Naxtia, sao em lại ỉu xiu đi như vậy?
- Thế đấy, em đâu thiếu nỗi đau khổ!
Tôi lại còn thở dài, nín lặng và đưa tay lên chống lấy má.
- Nhưng có chuyện gì cơ chứ? - cậu ta nói.
- Người nghèo thì thiếu gì chuyện nghĩ ngợi mà nào có ai lo hộ cho họ? Em cũng chẳng muốn nói ra những câu chuyện ấy kẻo làm cậu lại chán chường.
Ờ, thế mà cậu ta cũng mau chóng đoán biết được đấy. Tôi đã bảo cậu ta thông minh mà lị, chẳng kém gì những người mạnh khỏe đâu. Có một lần tôi đến chỗ cậu ấy, - câu chuyện xảy ra như hiện nay tôi nhớ được, là vào ngày lễ Thánh giá, trời hôm ấy sao mà âm u, ẩm ướt, có sương mù, trong nhà mọi người đều đi ngủ trưa cả, - tôi bước vào buồng cậu ta với đồ khâu trên tay (hôm ấy tôi đang khâu vá gì đó), ngồi vào bên giường, và chỉ đến lúc bấy giờ tôi mới tính chuyên thở dài, mới tính chuyện lại giả vờ buồn rầu để dần dần gợi cho cậu ta suy nghĩ và tự mình nói ra. Như hiện thời tôi nhớ được thì cậu ta nằm, mình bận một chiếc sơ mi màu hồng, mới nguyên chưa giặt, mặc quần rộng ống màu xanh lơ, đi đôi ủng ngắn mới, ống ủng đánh vécni, vắt chân chữ ngũ, đưa mắt liếc nhìn. Tay áo thì rộng thùng thình, quần lại càng rộng hơn, mà chân tay lại như que tăm: đầu thì nặng, to, mà mình thì bé tí tẹo, - thậm chí chỉ nhìn cũng đã thấy ngán rồi. Thoạt trông thì tưởng là một thằng bé con, thế nhưng mặt thì lại già cấc, mà ria lại rậm (mặc dù có vẻ hơi tre trẻ một chút, do cạo râu đấy thôi). Cậu ta hầu như ngày nào cũng cạo râu vì râu đã bắt đầu lún phún, hai tay đã đầy tàn nhang thì chớ, lại còn mọc đầy lông màu hung hung. Tôi đang kể là cậu ta nằm, tóc chải lệch, rồi cậu ta quay mặt vào tường, lấy tay cạo cạo vào tấm thảm treo tường và bỗng gọi:
- Naxti!
Tôi thậm chí giật bắn cả người.
- Gì vậy, cậu Nikanor Matveits?
Mồm nói vậy mà bản thân tôi tim rụng rời.
- Cô có biết ống tiền tôi để đâu không?
- Không ạ, - tôi nói, - cái đó làm sao em biết được, cậu Nikanor Matveits. Em chả đời nào có bụng dạ xấu đối với cậu.
- Cô đứng dậy, kéo ngăn dưới ở tủ đựng quần áo, lôi cái đàn gió cũ ra, ống tiền để trong ấy. Cô đưa lại đây cho tôi.
- Mà cậu lấy ra làm gì?
- Cứ đưa cho tôi. Tôi muốn đếm tiền.
Tôi liền thò tay vào ngăn kéo tủ, mở nắp chiếc đàn gió ra, thấy trong hộp hơi của đàn có một con voi bằng sắt tây và cảm thấy nó khá là nặng. Tôi lấy ra, đưa cho cậu ta. Cậu ta cầm lấy, xóc nó kêu lạch cạch rồi đặt xuống bên mình, - hệt như một đứa trẻ con, trời ạ! - đoạn ngẫm nghĩ điều gì đó. Cậu ta cứ nín lặng, nín lặng hoài, rồi cười nhạt mà bảo:
- Naxti ạ, hôm nay tôi mơ thấy một giấc mơ sung sướng, thậm chí tới sáng bảnh mới tỉnh giấc, và cả sáng nay cho tới bữa ăn trưa tôi đều cảm thấy rất dễ chịu. Cô nhìn đây, thậm chí tôi đã thắng bộ vào chỉ vì cô.
- Nikanor Matveits ạ, cậu bao giờ mà chẳng ăn mặc sạch sẽ.
Nhưng thật ra thì chính tôi cũng chẳng hiểu điều mình đang nói nữa, tôi đã hết sức hồi hộp rồi...
- Ôi chà, - cậu ta nói, - tôi thì chỉ có ăn mặc ở thế giới bên kia thì có. Sang thế giới bên kia tôi có đẹp trai đến đâu nữa thì cô cũng chẳng biết đằng nào mà tưởng tượng cho nổi!
Tôi thậm chí đâm ra thương hại cậu ta.
- Đùa bỡn về chuyện ấy là có tội đấy, cậu Nikanor Matveits ạ, với lại cậu nói thế đê làm gí, em thậm chí cũng chẳng hiểu nổi nữa. Biết đâu, - tôi nói, - trời lại chẳng để cho cậu lành mạnh trở lại. Thà cậu kể cho em nghe giấc mơ của cậu thế nào thì còn hơn.
Cậu ta lại bắt đầu nói gần nói xa, cười nhạo (như: tôi còn sống nỗi gì!), rồi quay ra nói vẩn nói vơ về con bò cái của nhà, - cậu ta bảo: lạy Chúa, cô hãy nói với mẹ tôi bán quách nó đi, tôi không sao chịu nổi nữa, tôi chán nó quá rồi, tôi nằm trong giường luôn nhìn qua sân vào cái vựa nhỏ nhốt nó, thế mà nó cứ nhìn lại tôi hoài qua chấn song sắt, -còn bản thân cậu ta thì cứ xóc cái ống tiền kêu lách cách và không nhìn thẳng vào tôi. Thế còn tôi thì cứ nghe mà chẳng hiểu được mấy nỗi, - cứ hệt như những người điên ấy thôi, toàn nói những chuyện tào lao - cuối cùng, không chịu nổi nữa (bởi lẽ tôi nghĩ bụng: sắp sửa mọi người tỉnh dậy bây giờ, rồi lại đòi mang xamovar lên thì câu chuyện của mình vứt xuống sông xuống biển ráo!), tôi vội vã ngắt lời cậu ta, giở lối láu cá:
- Mà thôi, - tôi nói, - cậu hãy kể chuyện cậu nằm mơ thế nào đi chứ? Có cái gì về cậu không?
Điều dễ hiểu là tôi chỉ định nói điều gì cho cậu ấy vừa lòng thôi, chẳng ngờ lại tìm được câu nói khéo như thế. Bỗng cậu ta cầm ống tiền lên, rút trong túi quần ra một chiếc chìa khóa bé tí xíu, định mở, nhưng mở mãi không được, tay cậu ta run bắn lên đến nỗi không sao cắm được chìa vào lỗ khoá. Cuối cùng rồi cậu ta cũng mở được, dốc ống tiền xuống bụng mình, - như hiện nay tôi nhớ được thì có hai tờ bạc giấy và tám đồng vàng, - vơ nó vào tay rồi bỗng thì thầm bảo tôi:
- Cô hôn tôi một cái được không?
Tôi khiếp đảm, chân tay rụng rời cả ra, nhưng cậu ta thì cứ như điên như dại, thì thào, sán lại gần:
- Naxtetska(4), chỉ một cái thôi! Có Chúa chứng giám tôi sẽ không bao giờ đòi thêm đâu!
Tôi ngoái lại xem có ai không, - nghĩ bụng, thôi thì muốn ra sao thì ra! - đoạn hôn cậu ta. Thế là cậu ta thậm chí nén cả thở lại, bá lấy cổ tôi, bắt lấy môi của tôi, rồi chừng có tới một phút vẫn không chịu thả ra. Sau đó dúi tất cả tiền vào tay tôi, rồi quay mặt vào tường.
- Cô đi đi, - cậu ta bảo.
Tôi chạy vọt ra ngoài, về thẳng buồng mình. Bỏ tiền vào hòm khoá chặt lại xong, tôi vớ lấy miếng chanh, và cứ môi mà chùi. Chùi kỹ đến nỗi môi trắng bợt cả ra. Quả tình là tôi sợ cậu ta đổ bệnh ho lao sang cho tôi...
Thôi, thế là được, - nhờ trời, chuyện ấy coi như thành công, tôi lại bắt đầu thu va thu vén việc khác, một việc chính yếu hơn mà tôi ra công cố sức hơn cả nhằm đạt tới. Tôi lo chuyện vỡ lở ra và sợ là rồi người ta sẽ không cho mình đi, rồi tôi lại trù tính rằng bây giờ cậu ta sẽ bám níu lấy tôi để đòi tình yêu, sẽ tranh cãi với tôi về số tiền đó... Nhưng không, tôi để ý xem thì thấy chẳng sao cả. Cậu ta cũng chẳng hề lần mò, mà thái độ đối xử vẫn như cũ, vẫn chỉnh chện, tuồng như giữa hai người vẫn không có chuyện gì sất, thậm chí tôi nghĩ là cậu ta lại còn khiêm nhường hơn nữa kia, cũng chẳng hề gọi tôi vào buồng: nghĩa là cậu ta giữ lời hứa. Lúc bấy giờ tôi mới dần dà nói chuyện với nhà chủ, bảo rằng đã đến lúc tôi phải chăm sóc thằng con trai tôi đôi chút và xin nghỉ một thời gian. Nhà chủ nào có chịu nghe tôi nói. Còn về cậu ta thì khỏi phải bàn nữa rồi. Có lần tôi nói bóng gió với cậu ta, thế mà cậu ta đã tái hẳn người đi. Cậu ta quay phắt mặt vào tường mà nói với chút cười khẩy:
- Cô không có quyền làm như thế, - cậu ta bảo. - Cô đã quyền rũ tôi, làm cho tôi quen hơi bén tiếng rồi. Cô phải chờ đấy đã, tôi chẳng sống được bao nhiêu nữa đâu. Còn nếu cô đi thì tôi sẽ treo cổ tự tử ngay đấy.
Đâu lại có con người nhún nhường gớm vậy nhỉ? Ôi chao, tôi nghĩ bụng, cậu trơ tráo quá rồi đấy! Tôi đã vì cậu mà phải chịu ép một bề, vậy mà lại còn đi dọa dẫm tôi nữa! Ồ, không đâu, tôi chả dại gì! Thế là tôi lại càng tìm cách kiếm cớ. Vừa may lúc bấy giờ bà chủ đẻ thêm đứa con gái, có thuê một vú già, - tôi bèn sinh sự ngay, bảo là tôi không thể sống nổi với bà ta. Mà quả thật bà già này cũng là con người nanh ác, buông tuồng đến nỗi chính bà chủ cũng phải sợ, lại còn nát rượu nữa chứ, - thường xuyên lúc nào cũng có chai rượu dưới gầm giường, - và không chịu để cho bất kỳ ai ở gần mình bao giờ. Bà ta bắt đầu nói đủ điều về tôi, gây sự bằng đủ mọi cách. Nào là bảo tôi không biết là quần áo, nào là bảo tôi không biết đường phục vụ bàn ăn... Vậy mà cứ động nói bà ta một câu là bà ta bắt đầu run rẩy cả người, chạy đi mách chủ. Bà ta khóc bù lu bù loa lên, mà điều dễ hiểu là không phải vì phật lòng, mà chủ yếu là do bà ta giả vờ. Tôi bèn tiếp tục hỏi nữa, nói nhiều hơn với nhà chủ rằng:
- Dù sao mặc lòng, ông bà chủ hãy cho tôi thôi việc, tôi không thể đội trời chung với mụ già ấy được, tôi tự tử mất.
Còn chính tôi thì đã đi nhắm sẵn một căn nhà ở phố Cụt rồi. Ờ, thế là bà chủ không sao bắt buộc được tôi nữa. Quả vậy, khi tôi đến chào từ biệt thì bà ấy vẫn tỏ lòng mong muốn tôi quay trở lại ở cho bà ta, hoặc chí ít cũng là đến chơi khi lễ tết, giỗ chạp:
- Thế nào cô cũng phải luôn luôn đến, - bà ta bảo, - để dọn dẹp, nấu nướng mọi thứ cho tôi. Chỉ khi nào có mặt cô, - bà ta bảo, - thì tôi mới yên tâm được. Tôi đã quen thuộc cô như người ruột thịt rồi.
Tất nhiên là tôi sẽ hết lòng cảm ơn. Tôi hứa hão đủ thứ, cúi gập lưng xuống mà chào rồi ra đi. Và giờ đây, ơn Chúa phù hộ, tôi bắt tay ngay vào việc. Tôi mua ngay ngôi nhà đó, mở một quán rượu. Buôn bán phát tài kinh khủng, - cứ chiều đến tôi lại tính lờ lãi: thường là ba chục với lại bốn chục, có khi tất cả tới bốn mươi nhăm rúp trong két - thế là tôi tính mở thêm một cửa hàng tạp hoá nữa, nghĩa là để mà tiền lên từng bước một. Cô em chồng thì từ lâu đã lấy một người làm việc canh gác cho cơ quan Hội Hồng Thập Tự, anh ta rặt gọi tôi là mẹ đỡ đầu, đối với tôi rất thân tình, còn tôi đối với anh ta thì những việc vẩn vơ tôi cũng tính thành công thành nợ để mua sắm, để có quyền lợi, và mua đi bán lại. Nhưng đúng lúc đó thì thằng Vania nó học xong. Tôi bèn đến bàn với những con người khôn ngoan để hỏi ý kiến họ xem nên thu xếp cho nó làm công việc gì.
- Còn phải thu xếp gì cho nó nữa, - họ bảo, - ngay ở nhà chị cũng thiếu gì việc làm.
Điều đó cũng đúng. Tôi bèn cho nó đứng cửa hàng, còn tôi thì coi quán rượu. Thế là guồng máy bắt đầu chạy! Và điều dễ hiểu là tôi quên bẵng không còn nghĩ ngợi gì đến tất cả những câu chuyện dớ dẩn ấy nữa, mặc dù rằng sau khi tôi ra đi thì cậu ta, cái cậu què quặt ấy mà, nói thật tình thì cậu ta chỉ chui vào giường nằm. Cậu ta chẳng nói với ai nửa lời, mà cứ nằm đừ như kẻ đã chết rồi, thậm chí quên bẵng cả chiếc đàn gió. Bỗng nhiên, chẳng duyên cớ gì tự nhiên thấy
bà tướng
nghĩa là cái bà vú già ấy mà, bà ấy đến nhà. (Mấy thằng nhỏ gọi bà ấy là
bà tướng
). Bà ấy ra mắt và nói:
- Có người lệnh cho tôi đến cúi chào cô, - bà ta nói, - và bảo cô thế nào cũng đến thăm người đó.
Thế là tôi lập tức nóng bừng người lên vì tức giận với lại xấu hổ nữa! Tôi nghĩ bụng, cái thằng quý hóa gớm chửa! Nó suy nghĩ gì kỳ lạ vậy! Lại tìm được bầu bạn thế ấy đấy! Không chịu nổi nữa, tôi bảo:
- Tôi chẳng cần gì đến cái cúi chào của cậu ấy, cậu ấy phải nhớ đến cái thân hình què quặt của mình chứ, còn bà, mụ yêu tinh, mụ khọm đi làm cái việc dắt gái ấy mà không biết ngượng hay sao. Mụ có nghe rõ không đấy?
Thế là bà ta ứ họng. Bà ta đứng, lưng cúi xuống, gườm gườm nhìn tôi bằng cặp mắt sưng mọng chỉ còn lắc lư cái sỏ lợn. Bà ta u mê đi, do nóng nực hoặc do đã nốc rượu vào.
- Ôi chao, - bà ta nói - sao mà cô vô tâm đến thế! Cậu ta thậm chí đã phát khóc lên vì cô. Suốt buổi chiều qua cậu ta chỉ nằm quay mặt vào tường, khóc lên rưng rức. - bà nói.
- Thế mụ bảo tôi cũng phải tuôn nước mắt ra như suối hay sao? - tôi nói. - Mà cái anh chàng lông đỏ như bú dù ấy khóc lu loa lên như thế mà không biết xấu hổ sao? Đồ nhãi ranh ở đâu ấy! Hay là đã bị dứt khỏi vú mẹ?
Thế là tôi đã tống khứ cái mụ già ấy ra và cứ mặc kệ, chẳng đi đâu hết. Còn cậu ta thì quả nhiên chẳng bao lâu đã treo cổ tự tử thật. Đến lúc ấy tôi mới hối hận là mình đã không đi thăm cậu ta, nhưng lúc này thì tôi có còn bụng dạ nào nghĩ đến cậu ta đâu. Ngay trong nhà tôi cũng đã xảy ra hết chuyện lôi thôi này đến chuyện lôi thôi khác.
Tôi đã cho thuê hai buồng trong nhà, một buồng người thuê là một người cảnh sát canh gác trong thành phố, một con người thật là tốt, nghiêm chỉnh, đứng đắn. Họ của anh ta là Tsaikin, còn buồng kia là do một cô gái giang hồ đến ở. Cô ta tóc vàng, trẻ măng, mặt mũi coi cũng được, người đẹp, tên là Phenia. Thường đến với cô ta là một người thầu khoán tên gọi là Kholin, ông này bao cho cô ta, ờ, chính vì thế nên tôi mới nuôi chút hy vọng và cho cô ta đến ở. Thế mà kìa, họ lại lủng củng với nhau thế nào ấy, rồi ông ta bỏ cô ta. Làm thế nào bây giờ? Cô ta không có gì để trả, mà đuổi cô ta đi cũng không xong, bởi lẽ cô ta còn nợ tôi tám rúp.
- Cô ạ, - tôi bảo, - cô phải đi kiếm tiền của những khách làng chơi đi thôi, nhà tôi có phải là nhà tế bần đâu.
- Em sẽ cố gắng, - cô ta nói.
- Thế nhưng tôi chưa thấy cái cố gắng của cô ở đâu cả. Lẽ ra phải cố gắng thì tối nào tôi cũng rặt thấy cô ở nhà. - tôi bảo. - Với ông Tsaikin thì đừng có hòng trông mong gì.
- Em sẽ cố gắng, nghe bà nói thế em cũng xấu hổ lắm rồi đấy ạ.
- Ô - ô - í dào, - tôi bảo, - cô thử nói xem cô xấu hổ nỗi gì nữa nào!
Cứ
em cố, em cố
mãi, mà quả thế, chẳng cố cái gì hết. Cô ta lại càng cứ đi xoắn lấy ông Tsaikin, mà ông này thì ngay đến nhìn mặt cô ta cũng chẳng thèm. Sau rồi tôi lại thấy cô ta ve vãn thằng con trai tôi. Chốc chốc tôi để ý nhìn, cứ thấy nó kè kè bên cạnh cô ta suốt. Bỗng dưng nó lại còn bày ra cái trò may áo véttông mới nữa.
- Ô, không đâu, - tôi bảo, - hãy khoan! Mẹ vẫn đã may mặc cho con như một vị công tử công tôn rồi, nào là ủng, nào là mũ lưỡi trai này. Bản thân mẹ thì chắt bóp mọi đường, chắt chiu từng đồng xu một, thế nhưng mẹ vẫn cung phụng cho con đầy đủ rồi đấy.
- Con cũng đẹp trai đấy chứ, - nó nói.
- Thế thì mẹ phải bán cả nhà đi cho cái đẹp mã của con hay sao?
Tôi nhận thấy cửa hàng cửa họ buôn bán kèm trước. Những là thiếu hụt với lại thua thiệt. Đến nỗi ngồi uống trà mà cũng chẳng thấy ngon. Tôi bèn theo dõi. Tuy ngồi trông quán rượu nhưng tôi nghe ngóng hết, - ghé sát tai vào tường, náu mình mà nghe ngóng. Hôm nay nghe thấy họ thầm thì, mai lại thấy họ thầm thì... Tôi bèn quở mắng.
- Nào có việc gì đến mẹ kia chứ? - nó nói. -Có thể là con muốn lấy cô ấy làm vợ cũng nên.
- Thế đấy nhé, mẹ đẻ mà mày lại bảo không việc gì! - tôi bảo. - Từ lâu tao đã thấy ý đồ của mày rồi, nhưng mạt kiếp cũng không có thế được đâu.
- Cô ta yêu con say đắm, mẹ chả hiểu được cô ấy đâu, cô ấy là người dịu dàng, e lệ.
- Quý hoá gì cái tình yêu ả con đĩ trăm thẳng ấy! - tôi bảo. - Nó sẽ chỉ đem mày làm trò cười cho thiên hạ thôi, đồ ngu ạ. - Tôi nói. - Nó tim la sáng téng, hạ bộ lở loét hêt cả rồi.
Nhưng thằng con tôi vẫn trơ trơ ra: nó dồn cả hai con mắt vào sống mũi mà nín lặng. Tôi nghĩ bụng: thôi, thế là nhờ ơn Chúa, tôi đã vớ đúng nơi đúng chỗ rồi đấy. Nhưng tuy vậy trong bụng tôi sợ bằng chết, thế nghĩa là rõ ràng thằng bé đã phải lòng mất rồi. Tôi nghĩ, thế nghĩa là mình phải liệu mà mau mau chóng chóng xé tan xác cái con bé ấy mới được. Tôi liền bàn với người cha đỡ đầu là bác Tsaikin. Tôi nói: bác chỉ bảo giùm, tôi nên làm gì với chúng nó đây? Bác ấy bảo: còn làm gì nữa, cứ tóm lấy cổ con bé ấy mà quăng nó ra đường là hết chuyện chứ gì. Thế là chúng tôi nghĩ ra một kế như sau: Tôi giả tảng đi thăm người quen. Tôi rời khỏi nhà, đi loanh quanh ngoài phố một lúc, rồi tới sáu giờ, nghĩa là giờ bác Tsaikin tan tầm thì tôi nhẹ nhàng quay về. Tôi chạy lại đẩy cửa, thì đúng như vậy: cửa cài bên trong. Tôi gõ cửa, không có ai thưa. Gõ lần thứ hai, thứ ba vẫn không có ai. Bác Tsaikin đã đứng núp sau một góc buồng. Tôi bắt đầu đập vào cửa sổ, đền nỗi các khung kính cũng rung cả lên. Bỗng có tiếng then cửa kêu đánh cạch: té ra là thằng Vanka(5). Mặt nó trắng bệch như tờ giấy. Tôi dùng toàn lực huých mạnh vào vai nó rồi xông thẳng vào buồng. Hoá ra ở đây đúng là một cảnh ăn uống linh đình nào đó: những vỏ chai bia, rượu vang dùng trong khi ăn, cá trích, cá mòi to đã lóc sẵn màu hồng như hổ phách, - tất cả đều lẳy từ cửa hàng. Con Phenka(6) đang ngồi ở ghế, bím tóc đeo nơ màu xanh lơ. Thấy tôi, nó bật dậy, mắt nhớn nhác nhìn, nhưng môi nó tím lại vì sợ. (Nó tưởng là tôi sẽ xông lại đánh nó). Mặc dù là quả tình tôi thở không ra hơi nữa, nhưng tôi vẫn nói như không:
- Anh chị làm gì đây, - tôi nói, - bí mật kết hôn chăng? Vậy ai là chú rể? Sao lại không mời chào gì?
Họ im lặng.
- Sao lại im lặng? - tôi nói. - Sao lại im lặng, cậu con trai của tôi? Cậu làm chủ cửa hàng như thế đấy hả, cậu quý tử? Té ra bây giờ mới biết tiền nong mồ hôi nước mắt của tôi bay đi đâu mất!
Nó lại còn phồng mang trợn mắt:
- Con cũng đã lớn tuổi rồi!
- Vâ - â - ậy đấy, - tôi nói, - thế thì tôi phải làm gì? Có nghĩa là do lòng hảo tâm của cậu và con chó cái này, tôi phải rời bỏ cửa nhà của tôi chăng? Có phải thế không đấy? Nghĩa là tôi đã nuôi ong tay áo chứ gì?
Nó quát tháo với tôi mới dữ chứ!
- Mẹ không được xúc phạm đến cô ta! Chính mẹ cũng đã có lúc còn trẻ, mẹ phải hieu thế nào là tình yêu chứ!
Thế còn bác Tsaikin thì bác ấy đã ở ngay kia. Nghe tiếng la hét như vậy, bác ấy nhảy vọt ra, chẳng nói chẳng rằng, tóm lấy hai vai thằng Vania, đẩy nó vào một phòng xép, khoá béng lại. (Một người khỏe ghê gớm, không kém gì lực điền!). Khoá xong, bác ấy nói với con Phenka.
- Cô tự coi mình là tiểu thư, nhưng tôi có thế liệt cô vào hạng thành tích bất hảo được đấy!
(Nghĩa là cấp giấy chứng minh ghi rõ
thành tích bất hảo
)(7)
- Vậy cô có muốn thế hay không? - bác ấy nói. - Còn ngay hôm nay cô phải trả buồng lại cho chúng tôi và đừng có bén mảng đến đây nữa!
Cô ta ứa nước mắt khóc. Nhưng tôi lại còn khơi thêm:
- Trước hết cô ấy còn phải chuẩn bị tiền trả tôi đã! Nếu không thì dù một cái hòm xiểng nhỏ nào tôi cũng không cho mang đi đâu. Chuẩn bị tiền nong đi, nếu không thì tôi sẽ bêu diếu khắp cái thành phố này!
Thế là tôi tống khứ khéo cô ta đi ngay tối hôm đó. Khi tôi đuổi cô ta ra, cô ta tỏ vẻ hết sức đau thương. Cô ta khóc, nghẹn ngào, thậm chí dứt tóc trên đầu. Cảnh ngộ của cô ấy cũng chẳng sung sướng gì, điều ấy dễ hiểu thôi. Chui rúc vào đâu bây giờ? Tất cả gia tài, tất cả của nả thu lượm được đều đem theo bên mình. Ờ, thế nhưng cô ta cũng phải đi. Thằng Vania cũng yên được một thời gian. Sáng sớm hôm sau ra khỏi buồng giam, nó im thin thít, tỏ vẻ rất sợ sệt và xấu hổ. Và cũng bắt tay vào công việc. Tôi mừng lòng, yên tâm, - thế nhưng cũng chẳng được bao lâu. Tiền trong két lại đi đâu mất, cái con đĩ ấy đã lén lút phái một thằng bé con đến cửa hàng, còn thằng Vania thì cung phụng cho con bé ấy cả thức nướng lẫn thức luộc! Lúc thì cho khuân đường, lúc thì cho khuân trà, thuốc lá rời... Có khăn cho khăn, có xà phòng cho xà phòng, vớ được cái gì cúng cái nấy... Làm sao mà coi sóc xuể được nó? Rồi nó cuỗm đến cả rượu vang, mà ngày lại càng thêm tệ hại. Sau hết là nó hoàn toàn bỏ mặc cửa hàng: hầu như là không ở nhà nữa, chỉ về để ăn, sau đó lại đi mất hút. Chiều nào nó cũng đến chỗ con bé kia, cứ thủ một chai vào trong áo choàng, thế là bước xéo. Tôi cứ chạy đi chạy lại như đèn cù, hết từ quán rượu sang cửa hàng, lại từ cửa hàng sang quán rượu, - mà bây giờ cũng không dám mở miệng với nó nữa: nó trở thành một kẻ khố rách áo ôm mất rồi! Mọi khi nó vốn vẫn đẹp trai, - nó giống tôi như đúc, mặt trắng trẻo, hiền hoà, hệt như một đứa con gái, mắt trong trẻo thông minh, thân hình gọn gàng cân đối, vai rộng, tóc màu hạt dẻ, quăn quăn... Thê mà bây giờ mõm dô ra, tóc cợp lên, xoã cả xuống cổ áo, mắt mờ đục toàn thân xơ xác, lưng bắt đầu khọm xuống, - và lúc nào cũng lầm lầm lì lì, hai con mắt dồn cả vào sống mũi.
- Bây giờ mẹ chớ có quấy rầy con, - nó bảo, - con có thể gây ra những chuyện tày trời đấy.
Mà nó lại say rượu, nhổ bậy, cười bâng quơ, đăm chiêu, chơi đàn gió cái bài Thời gian một đi là không trở lại, rồi đôi mắt nó đẫm lệ. Tôi thấy rõ là linh cảnh mình hỏng mất rồi, phải lấy chồng cho mau thôi. Đúng lúc đó người ta làm mối cho tôi một ông goá vợ, cũng làm cửa hàng, ở vùng ngoại ô. Đó là một người đã có tuổi, nhưng có tiền cho vay, có của nả. Nghĩa là cũng chính là điều mà tôi vẫn hằng theo đuổi bấy lâu nay. Tôi bèn vội vã qua những người đáng tin cậy để tìm hiểu thân thế của ông ta, và thấy là không có gì mắc mớ cả. Phải quyết định, phải mau chóng làm quen, - bà mối chỉ giới thiệu chúng tôi qua loa trong nhà thờ, - nghĩa là phải kiếm cớ đi lại thăm nhau, như cái kiểu chạm mặt ấy mà. Ông ta đã đến tôi trước, tự giới thiệu:
Tôi là Lagutin, Nikolai Ivanưts, chủ cửa hàng
. -
Xin rất hân hạnh
. Nhìn ra thì thấy ông ta khá đáo đề, - vóc người quả tình là không cao lớn gì, tóc bạc hết, nhưng tính khí rất dễ chịu, điềm đạm, chỉnh tề, khôn khéo; và rõ ra là con người căn cơ, nghe nói là cả đời chẳng nợ ai đồng xu nào... Rồi sau chính tôi cũng bày chuyện ra để đến nhà ông ta như tuồng có công việc, thì tôi thấy ông ta có hầm rượu vang và có cửa hàng với đủ mọi đồ nhắm với rượu vang, như: mỡ lá, giăm bông, cá trích, cá mòi. Nhà không to, nhưng đèn sạch bong. Các cửa sỗ đều có rèm che, có hoa, sàn nhà quét tước sạch sẽ, tiếc một nỗi là sống một mình một bóng. Ngoài sân thấy cũng ngăn nắp. Có ba bò cái, ngựa hai con. Một con là ngựa cái, ba tuổi, ông ta bảo là người ta đã trả năm trăm nhưng ông chửa bán. Ồ, cái con ngựa đẹp vậy, tôi cứ đứng ngắm nó hoài! Thế còn ông ta thì chỉ khe khẽ cười, vừa đi vừa chạy lon ton lại vừa luôn mồm kể chuyện, hệt như đọc vanh vách lên một bảng giá nào đó: nào là cái này đáng từng này, cái kia đáng từng kia... Nghĩa là, - tôi nghĩ vậy, - chẳng có gì phải lôi thôi nữa cả, phải cưa đứt đục suốt đi thôi.
Điều dễ hiểu là đến bây giờ tôi kể vắn tắt vậy thôi chứ lúc bấy giờ tôi cảm nghĩ ra sao thì chỉ có lòng tôi biết được. Tôi mừng rỡ đến nỗi đôi chân bủn rủn cả ra, - bởi lẽ dù sao tôi cũng đạt được ý nguyện của mình, tìm được nơi được chốn của mình! - Thế nhưng tôi vần trầm ngâm, sợ hãi, rùng cả mình: ngộ nhỡ tất cả niềm hy vọng của mình bị sụp đổ thì sao? Mà suýt nữa thì điều đó đã xảy ra rồi đấy, chỉ một ly nữa là mọi mối lo toan của tôi đã đổ cả xuống sông xuống biển rồi đấy, và nguyên do vì đâu thì thậm chí hiện thời tôi cũng vẫn chưa sao có thể yên tâm bảo rằng: do chính cái thằng què quặt ấy với lại do cái thằng con quý hoá của tôi! Chúng tôi đã tiến hành công việc một cách kín đáo và cao thượng đến nỗi tưởng như con sâu con kiến cũng không sao biết được. Thế nhưng tôi nghe nói là toàn bộ khu ngoại ô đã biết được ý đồ của tôi với ông Nikolai Ivanưts rồi, và điều dễ hiểu là tin đồn cũng đến tai cả nhà Xamokhvalov, - hẳn là chính cái mụ
bà tướng
ấy lại thóc mách rồi. Tôi bèn bảo: thì cái thằng què quặt ấy cứ việc treo cổ tự tử đi xem nào! Tôi thách cậu đấy, - cậu dọa, tôi không tin, thế thì bây giờ tôi trêu ngươi cậu đấy! Cậu ta liền đóng một chiếc đinh nhỏ lên tường ở ngay phía trên giường, ngoắc vào đấy một sợi dây bé bằng đầu con ruồi, tròng vào cổ rồi bò ra khỏi giường! Một cung cách thô sơ thôi, chẳng cần phải thông minh gì cho lắm cả! Hôm ấy, lúc trời chạng vạng tối, tôi còn đang đứng trong cửa hàng thu dọn cái gì đó, thì thình lình có ai xô đánh rầm một cái vào cánh của trong nhà. Tim tôi như rụng rời cả ra. Tôi chạy vọt ra ngưỡng cửa thì té ra mụ
bà tướng
.
- Mụ hỏi gì?
- Cậu Nikanor Matveits chết rồi!
Mụ ta lốp bốp nói vậy rồi quay ngoắt, ra về. Còn tôi thì trong lúc nóng vội, chẳng kịp suy tính gì,
- lúc bấy giờ quả thật là người tôi nóng ran lên vì sợ, - quàng vội chiếc khăn san lên đầu mà đuổi theo bà ta. Bà ta chạy, chân vấp lập cập - và cả tôi cũng chạy... Đúng là một trò cười cho khắp thành phố! Tôi cứ chạy mà chẳng hiểu gì sất. Tôi chỉ nghĩ đinh ninh một điều là: chết mình rồi! Hay là tôi đùa bỡn trong khi làm như vậy, điều đó có trời mà nhớ được! Tôi nghĩ, trước mặt mọi người trơ tráo đền thế là cùng! Chạy gần tới nơi thì thấy đã có đông người tụ tập ở đó, hệt như có đám cháy nhà vậy. Cửa trước mở toang, ai muốn vào thì chen vào, - mọi người đều hiếu kỳ, điều đó dễ hiểu thôi. Do bộp chộp, tôi cũng chen mà vào. Nhưng may thay, hệt như có ai đập vào đầu tôi vậy, tôi sực nhớ ra, quay ngay lại và tháo lui. Có lẽ chính điều đó đã cứu vớt tôi, nếu không thì tôi đã bị hố to mất rồi. Giả thử có một người nào nhớ ra tôi, - chí ít là cái mụ
bà tướng
có ác ý ấy chẳng hạn, - thì họ sẽ bảo rằng đây, thưa quý ngài, nếu ta muốn biết kẻ đó là ai, kẻ nào là nguyên nhân của mọi sự, thì xin cứ việc hỏi cái cô này, - thế là tôi đi đời nhà ma rồi. Cô đến rồi cô lại đánh bài chuồn. Người ta thường mất ăn mất ngủ vì cô, mà cô lại túm đuôi bỏ rọ... Và cũng chẳng phải là lần đầu.
Rồi thì người ta chôn cất cậu ta, và tôi mới nhẹ mình đi được. Tôi chuẩn bị cưới, mau mau chóng chóng thu dọn hàng họ, bán chác và cũng cố cho khỏi bị thiệt thòi, vì biết đâu bỗng dưng lại có tai hoạ mới. Thế là cứ lo toan chạy vạy đến long tóc gáy, đến bở hơi tai, - mà sao cái năm đó trời làm nóng nực không sao chịu nổi, rồi lại bụi, lại có gió nóng nữa, nhất là ở chỗ chúng tôi, ở phố Cụt, trên rẻo sườn đồi ấy, - nhưng bỗng dưng lại có tin rằng ông Nikolai Ivanưts ông ấy phật lòng. Ông ấy lại phái chính cái bà mối nọ đến, - cái bà mối đã dắt díu chúng tôi ấy mà, một con chó cái hung dữ đấy, có khi chính cái mụ có đôi mắt cú vọ này lại mớm nhời cho ông Nikolai Ivanưts cũng nên, - và qua bà ta ông ấy nhắn rằng ông ấy hoãn ngày cưới lại đến mồng một tháng chín (như tuồng là bận công chuyện gì đấy), còn về thằng con trai tôi, thằng Vania, thì ông ấy giao hẹn, nghĩa rằng là tôi phải suy nghĩ kỹ hơn, phải ổn định cho nó vào chỗ nào đó, bởi vì ông ấy bảo rằng ông ấy không sao có thể thu nhận cho nó về nhà mình được. Ông ấy bảo: tuy nó là con đẻ của cô thật, nhưng nó sẽ phá hại chúng ta sạch trơn và sẽ gây phiền cho tôi nữa. (Đổi với ông ấy, quả là có vấn để thật. Bởi lẽ, cả đời ông ấy chẳng biết cãi cọ là gì, chẳng gây sự lôi thôi với ai, nên điều dễ hiểu là ông ấy rất sợ xúc động, mỗi khi xúc động mạnh là đầu óc ông ấy rối mù lên hết, nói không ra lời nữa). Ông ấy bảo: cô ấy hãy từ nó đi. Thế nhưng tôi biết ổn định cho nó vào đâu, từ nó đi đâu? Cái thằng bé ấy nó đã hoàn toàn cứng đầu cứng cổ rồi, nếu là người ngoài, - tôi nghĩ bụng, - thì người ta sẽ vặn cổ nó ngay, còn như lảng tránh nó thì chẳng sao lảng tránh được. Đối với nó, chính bản thân tôi cũng đã chẳng còn nghĩa lý gì kể ngay từ ngày nó quen biết con Phenka, con chó cái này đã hút mất hồn của nó rồi! Ngày nó ngủ li bì, đêm thì say khướt, - thế là ngày cũng như đêm... làm sao tôi có thể chịu đựng nổi được nỗi đau khổ ấy, - điều đó không tài nào nói ra được! Nó tàn hại đến nỗi tôi mòn mỏi đi như một cây nến, tay run lên cầm thìa cũng chẳng nỗi. Mỗi khi trời tối, tôi lại ngồi lên chiếc ghế dài phía trước nhà đe đợi nó từ ngoài phố về, chỉ sợ nó bị lũ trai làng giã cho một mẻ. Có lần phiền muộn quá đỗi, tôi phải chạy ra nhòm vào thôn xóm xem sao, khi nghe có tiếng ầm ĩ, kêu la, ngỡ là nó bị người ta đánh, tôi đâm cả xuống mương nước kêu loạt soạt...
Ờ, sau khi biết quyết định của ông Nikolai Ivanưts như vậy, tôi bèn gọi nó lại mà bảo rằng: con ạ, dù sao đi chăng nữa thì mẹ cũng đã chịu khổ vì mày lâu lắm rồi, ờ, cơ mà mày đã hoàn toàn yếu nhược và lầm lạc, bêu riếu tao trong khắp hàng tỉnh. Mày đã quen thói nhàn hạ, quen thói ăn sẵn mất rồi, rút cục hoàn toàn biền thành một đứa khố rách áo ôm, rượu chè be bét trời không phú cho mày được cái nết như tao, bao nhiêu lần ngã tao đều đứng dậy được, còn mày thì chẳng kiếm chác được tí gì gọi là có. Đấy mày xem tao cũng đã đạt được danh giá, bất động sản tao cũng có, đồ ăn thức uống cũng chẳng kèm ai, không huỷ hoại tâm hồn mình, mà tất cả là do chỗ xưa nay tao biết chưởng quản mọi việc. Ờ, thế còn mày, trước kia mày hoang phí thế nào thì nay xem ra mày vẫn muốn chứng nào tật ấy. Đã đến lúc mày không thể ăn báo cô tao được nữa đâu...
Nó ngồi ỳ, nín lặng, lấy tay cọ cọ vào tấm vải son trên bàn.
- Tại sao mày lại nín lặng? - tôi hỏi. - Đừng có moi rách vải son của tao ra, đi mà kiếm lấy vải son của mày, mày trả lời tao nghe thử?
Nó vẫn im lìm, đầu cúi xuống, môi run run.
- Mẹ, - nó nói, - mẹ đi lấy chồng đấy ạ?
- Lấy hay không lấy chưa biết được, mà nếu có lấy thì cũng là người tốt, người ta chẳng cho mày bước chân vào nhà đâu. Cậu ạ, tôi chẳng phải đồ lăng nhăng đĩ thõa như cô Phenka nhà cậu đâu.
Nó bỗng chồm lên, toàn thân run lên bần bật mới ghê gớm làm sao:
- Bà chẳng đáng bằng cái móng tay của cô ấy!
Hay hớm chưa? Chồm lên, gào lên lạc hẳn giọng, sập cửa đánh rầm một cái, - nó thế đấy. Còn tôi, tuy vốn không phải là người mau nước mắt mà đã phải tuôn trào nước mắt. Ngày hôm trước khóc, ngày hôm sau khóc, - cứ nghĩ là làm sao nó có thể nói với mình những lời lẽ như vậy, thế là lại không cầm được nước mắt. Tôi khóc và cầm chắc một điều: truyền đời tôi sẽ không tha thứ cho nó về mối giận này, tôi sẽ tống cổ nó ra khỏi nhà... Nhưng nào có thấy mặt nó đâu. Nghe nói là nó ở chỗ con ấy chè chén linh đình, nhảy, múa, nốc hết những số tiền ăn cướp được, rồi lại dọa dẫm tôi nữa, bảo rằng: dù sao tao cũng sẽ làm cho mụ ấy được yên lòng, tao rình xem buổi tối mụ ấy đi đâu tao sẽ lấy đá đập cho chết. Nó phái người đến cửa hàng (để chọc tức tôi, dễ hiểu quá), giả bộ mua bán, lúc thì mua bánh bàng, lúc thì cá trích. Tôi giận đến run cả người lên, nhưng vẫn cầm lòng bán cho họ. Một hôm tôi đang ngồi hàng thì sực thấy chính nó bước vào. Nó say rượu, mặt không ra hồn người nữa. Nó đem theo cá trích vào, - sáng nay một con bé con có đến mua bốn con, bằng tiền của nó, dĩ nhiên rồi, - và quăng ngay cá lên mặt quầy!
- Sao bà lại có thế bán cái của tồi tệ như thế này cho khách hàng? - nó quát. - Cá thối hoăng, có chó nó ăn được!
Nó la hét, lỗ mũi phồng cả lên, - kiếm cớ.
- Mày đừng có làm ồn và đừng quát tháo, cả trích tao có làm ra đâu, mà mua hàng thùng. Không thích thì đừng nhá, còn tiền của mày đầy trả lại mày.
- Thế nếu tôi đã ăn phải mà chết lăn đùng rồi thì sao?
- Mày lại thế đấy, đồ lợn, - tôi nói, - mày không thể phét lác thế, mày chỉ huy tao thế nào được? Nhất là danh vị của mày nào có ra gì. Mày phải ăn nói đàng hoàng, đừng có trâng tráo xông vào nhà người khác.
Vậy mà nó bỗng vớ luôn lấy cái cân trên mặt hòm, giơ móc sẳt lên:
- Tôi mà phang một nhát vào đầu bây giờ, - nó bảo, - thì mụ thẳng cẳng!
Đoạn nó ba chân bốn cẳng chạy ra khỏi cửa hàng. Còn tôi thì ngồi thụp xuống sàn nhà, không sao cất mình đứng dậy được...
Rồi sau nghe nói là nó đã bị lũ trai làng dần cho tơi bời. Người ta chở nó về bằng xe ngựa, sống ngắc ngoải, say bí tỉ, đầu lắc lư, tóc bết máu, cát bụi bám đầy, ủng và đồng hồ đã bị lấy mất, chiếc áo vét tông mới nguyên rách bươm, - họa hoằn mới có chỗ còn nguyên mẩu da bé bằng hạt lạc... Tôi nghĩ mãi, nghĩ mãi, nhưng cũng đành nhận nó, thậm chí trả cả tiền xe ngựa, song ngay ngày hôm ấy cho người đến chào ông Nikolai Ivanưts và dặn chắc chắn người đó nhắn cho ông ấy biết rằng ông ấy không có gì lo ngại nữa, tôi đã quyết ý từ bỏ thằng con rồi, khi nào nó tỉnh giấc thì tôi sẽ đuổi nó đi ngay không chút thương tiếc. Đáp lại, ông ấy cũng gửi lời chào và ra lệnh nhắn với tôi rằng: làm như thế là rất thông minh và đúng đắn, ông ấy cảm ơn và thông cảm... Rồi hai tuần sau, ông ấy ước định cả ngày cưới nữa. Phải rồi...
Phải rồi, tạm thời là như vậy và câu chuyện của tôi cũng đến đây là hết. Quả tình không có gì để mà kể thêm nữa cả. Tôi đã cùng người chồng đó chung sống hoà họp với nhau nhường ấy cho tới khi đầu bạc răng long, - điều đó cũng thật là hiếm có trong thời buổi này. Tôi đã cảm nghĩ gì khi đạt được cái bồng lai tiên cảnh ấy, - điều đó tôi không sao nói được. Ờ, mà quả thật là cả Chúa cũng đã thưởng công cho tôi nữa đấy, - thấm thoắt đã hai mươi mốt năm trời tôi sống với ông lão nhà tôi hệt như được sống trong tường đồng vách sắt, cho nên tôi rất biết: ông ấy chẳng bao giờ để tôi bị xúc phạm, bởi lẽ cứ trông bề ngoài cũng đủ thấy ông ấy là con người điềm đạm rồi! Thế nhưng đôi lúc tôi cũng thấy nhức nhối trong tim, điều đó cũng là dễ hiểu. Nhất là trong thời gian tuần chay lớn. Tôi bụng bảo dạ rằng, cho dù bây giờ tôi có chết chăng nữa thì cũng là tốt, cũng cam lòng, cũng được người ta đọc những bài thánh ca trong khắp các nhà thờ... Cũng lại có lúc tôi buồn nhớ đến cả thằng Vania. Đã hai mươi năm nay chẳng thấy tăm hơi nó đâu. Cũng có thể là nó đã chết từ lâu mà tôi chẳng biết. Cái hồi mà họ chở nó vè, tôi thậm chí cũng đã thương hại thay cho nó. Chúng tôi đã lôi nó vào nhà, quẳng nó lên giường, và nó ngủ như chết suốt một ngày trời. Tôi bèn vào để nghe hơi thở xem nó có còn sống hay không... Trong buồng thấy hôi thối, có một mùi chua chua nào đó, nó nằm đó, rách rưới, sây sát hết, nó ngáy và nghẹt thở... Trông nó mà xấu ho và xót thương, bải vì đó chính là máu mủ của tôi! Tôi nhìn, nhìn mãi, nghe ngóng rồi đi ra. Và một nỗi buồn khôn tả xâm chiếm lòng tôi! Tôi cố ăn cho xong bữa chiều, dọn dẹp bàn ăn, tắt đèn... Tôi không sao ngủ được, và cứ mãi như thế, - nằm mà toàn thân rung lên... Đêm hôm ấy sàng trời, còn trông thấy được. Tôi nghe thấy nó thức dậy. Nó ho luôn mồm, chốc chốc lại đi ra sân, đóng cửa sầm sập.
- Làm gì mày cứ đi đi lại lại mãi thế? - tôi hỏi.
- Đau bụng, - nó nói.
Qua giọng nói, nghe chừng nó lo âu, buồn phiền.
- Mày lấy ngải cứu mà uống đi, - tôi bảo.
Tôi lại nằm, thậm chí thiếp đi được một lát, rồi mơ mơ màng màng tôi cảm thấy như có ai đang lén đi trên tấm thảm trải sàn. Tôi chồm dậy, thì ra nó.
- Mẹ ơi, - nó nói, - mẹ hãy vì Chúa, chớ sợ con...
Rồi nó khóc như mưa như gió! Nó ngồi lên giường, nắm lấy tay tôi mà hôn, nước mắt chan hoà, còn chính nó thì thậm chí nghẹn ngào, - và cứ thế nó khóc nức khóc nở. Tôi không sao chịu nổi - lại còn thế nữa kia! Dĩ nhiên là đáng tiếc rồi, nhưng chẳng còn cách gì, - số phận của tôi ra sao là do nó. Mà tôi thấy là ngay chính bản thân nó, nó cũng biết thế lắm.
- Mẹ có thể tha thứ cho con được, - tôi nói, -nhưng làm sao đây, thì như chính con cũng thấy, bây giờ không làm sao được nữa rồi. Vậy thì con hãy đi đâu đó cho thật xa, để mẹ không còn nghe nói đến con nữa.
- Mẹ ơi, - nó nói, - vì đâu mẹ tàn hại con chẳng kém gì mẹ tàn hại cái cậu tàn phế Nikanor Matveits như thế?
Ờ, tôi thấy nó còn chưa bình thường, tôi cũng chẳng cãi nó làm gì. Nó khóc, khóc mãi, rồi cất mình đứng dậy mà đi. Sáng ra tôi ghé nhìn vào buồng nó nằm, thì thấy nó đã đi tự bao giờ. Nghĩa là nó đi sớm để khỏi tủi hổ, và nó đi biệt tăm biệt tích. Có tin đồn đâu như nó ở một tu viện nào đó tại Zadonxk, rồi sau xin tòng quân đi Txaritxưn(8), và có lẽ đã chết ngoẻo ở đó... Mà thôi, còn bàn luận chuyện đó làm chi, bàn luận chỉ tổ phiền lòng! Nấu đi nấu lại, nước vẫn hoàn nước...
Còn việc nó nhắc đến cậu Nikanor Matveits thì thậm chí tôi cho đó là ngu dại. Họa chăng là tôi có vụ lợi đôi chút về mặt tiền tài, chứ có móc tiền trong túi người ta đâu. Chính cậu ta cũng hiểu tình trạng què quặt của mình, chính cậu ta cũng thường hay tỏ vẻ buồn chán. Có lần cậu ấy bảo tôi:
- Naxtia oi, số phận đã khiến tôi què quặt, mà bản tính tôi thì cũng dở điên dở dại: lúc tôi vui vẻ một tai nạn nào đó, lúc thì lại buồn rượi, nhất là mùa hè, những khi nóng nực, bụi bặm như thế này, - thà là tôi tự tử đi cho rồi! Nếu tôi chết, người ta sẽ chôn tôi ở nghĩa trang Tsernoxlobotxkoie(9), đời đời kiếp kiếp bụi sẽ bay qua bờ rào mà phủ lên mộ tôi!
- Sao cậu cứ quá đỗi buồn phiền về chuyện đó làm gì, cậu Nikanor Matveits? Mình có cảm biết được cái đó nữa đâu.
- Đúng là mình sẽ không cảm biết được nữa, - cậu ta nói, - và tai họa ở chỗ là mình nghĩ đến cái đó từ lúc mình hãy còn sống...
Mà quả vậy, ở chỗ chúng tôi, ở nhà của gia đình Xamokhvalov ấy mà, thường là rất buồn khi mọi người đều đi ngủ trưa cả rồi và khi gió cuốn cái thứ bụi ấy đến! Và cậu ta cũng đã tự tử vào cái lúc nóng nực ghê người, vào cái lúc tăm tối nhất. Thành phố của chúng tôi quả là buồn khủng khiếp. Mới đây tôi có đến Tula và thấy không sao so sánh được!
Capri, tháng 11 năm 1911
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Những Lối Đi Dưới Hàng Cây Tăm Tối.