• 212

Chương 8: Nhức Nhối


Số từ: 13918
Nguồn: Isach
Dịch giả: Lê Minh Sơn
NXB Hội Nhà Văn
Mùa đông năm ấy, Đường Phi yếu lắm rồi. Một hôm Phi đến tìm Khiêu, vừa đến là vào ngay phòng khách, nằm dài lên sofa. Phi lấy thuốc ra và nói, Khiêu, đưa cho tớ mượn cái gạt tàn, tớ hút điếu thuốc.
Giọng Phi khản đặc, sắc mặt tái nhợt, người rất yếu, Khiêu nhận ra triệu chứng chẳng lành. Lần đầu tiên Phi hút thuốc thoải mái ở nhà Khiêu, bởi Phi biết Khiêu không cho ai hút thuốc trong nhà. Phi nói giọng hơi ngang, đằng ấy nghe thấy không, đưa cho tớ mượn cái gạt tàn.
Khiêu nói, Phi biết đấy, tớ không có gạt tàn, với lại đằng ấy thế rồi còn hút thuốc làm gì.
Phi cười nhạt nói, tớ thì không khỏe, nhưng tớ có đằng ấy khỏe mạnh. Tớ biết đằng ấy bây giờ mọi chuyện đều tốt, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Đằng ấy cứ nhìn mình mà xem, ánh mắt, ánh mắt ướt nước, mi mắt cũng ướt, có người yêu, được chiều chuộng, người con gái được yêu chiều mới tươi tắn như đằng ấy. Đằng ấy cứ xem miệng mình thì biết, mọng hơn trước rất nhiều, được anh Tại hôn, mọng lên, căng lên... Tay nữa, cho tớ sờ lòng bàn tay đằng ấy nào, lòng bàn tay nóng ấm, có người yêu lòng bàn tay bao giờ cũng ấm. Đến đây, đến đây cho tớ sờ lòng bàn tay. Sao không đến? Sợ ư? Sợ tớ không sạch, sợ bị lây bệnh ư? Trước kia sao đằng ấy không sợ? Hồi ấy, đằng ấy muốn vào làm ở nhà xuất bản, bảo tớ đi bán mình cho cái lão Phó thị trưởng khốn nạn thì sao đằng ấy không sợ? Bây giờ thì đằng ấy thành đạt rồi! Còn tớ, chỉ mê đắm trong lạc thú. Khiêu, đúng thế không? Hồi xưa tớ có được chút ít nhan sắc, bây giờ thì bệnh tật. Tớ không trách đằng ấy, đúng là tớ bị nhiều bệnh. Tớ nói với đằng ấy biết tớ thích bệnh gì nhất, tớ thích nhất, thích nhất bệnh đường tình dục. Đằng ấy xem các báo lớn báo nhỏ, trên quảng cáo giới thiệu la liệt các thứ bệnh thì tớ đủ cả. Ban đầu cũng sợ, sau rồi không sợ nữa, thuốc và phòng mạch chữa các bệnh ấy cũng nhiều vô kể, các phòng mạch ở Trung Quốc đều chữa bệnh tình dục. Tớ không sợ bệnh tình dục nên cũng chẳng phải dấu giếm làm gì, cứ đàng hoàng đi chữa. Có hai lần tớ đang truyền dịch thì có người gọi máy nhắn tin, tớ trả lời điện thoại, nói trước mặt bác sĩ và bệnh nhân bị bệnh tình dục cũng đang truyền dịch: việc các người nhờ tôi không làm được vì hai hôm nay tôi phải chữa bệnh tình dục. Tớ biết bác sĩ và bệnh nhân dỏng tai nghe đấy, cho dù ở chỗ bất chấp xấu hổ như thế, họ cũng kinh ngạc cho tớ, đưa mắt nhìn nhau. Ở những nơi như thế tớ vẫn tỏ ra khác người, tớ khác người vì tớ đâu sợ khi nói về bệnh tình dục. Tớ còn mong rằng, bệnh đe dọa con người như vậy, thì cứ để tớ sống như bệnh, để tớ sống như bệnh... không, sống như bệnh có lẽ không thực, mà nên nói rằng tớ là bệnh, tớ là bệnh hoạn...
Phi không đủ sức để nói chuyện dài, trán đã lấm tấm mồ hôi, ngồi thu lại, hai đầu gối gầy giơ xương chống bụng. Phi vẫn nói tiếp. Khiêu ngồi trên sofa nhìn Phi, thời niên thiếu bỗng hiện về. Khiêu nhớ lại ba người, Khiêu, Đường Phi va Do Do cùng thưởng thức những món ăn tự làm, bàn về ghen trong một truyện ngắn Liên Xô, thưởng thức màn biểu diễn Đêm Cairo của Phi, khi Do Do nói muốn được sống như trong phim ảnh, Đường Phi kiêu hãnh tuyên bố mình đã sống như phim ảnh rồi.
Mình đã sống như phim ảnh rồi.
Bây giờ thì Phi ốm yếu, phim ảnh còn là gì nữa đâu. Phi ốm, Phi là bệnh tật. Khiêu thấy chua xót khi Phi nói thế, nghi ngại nhìn Phi đang ngồi kia, không hiểu tại sao Phi lại nói thế, tại sao không thể nói khác được. Khiêu không muốn nghe những chuyện ấy, những chuyện làm tâm lý và sinh lý đều không thoải mái. Khiêu muốn lái Phi sang chuyện khác, nói, tớ lấy nước cho Phi, đằng ấy nhắm mắt lại chờ tớ một tí.
Đường Phi bực mình, đằng ấy muốn lảng tránh chứ gì, cứ tưởng tớ sẽ uống nước, sẽ dùng ly của đằng ấy phỏng? Tớ muốn hút thuốc, lấy cho tớ cái gạt tàn, sao vẫn không lấy, hay là bắt tớ phải nhịn đến chết?
Khiêu lấy từ trong bếp ra một cái đĩa làm gạt tàn thuốc, đặt trước mặt Phi và nói, nào, tớ châm thuốc cho đằng ấy. Khiêu lấy bật lửa của Đường Phi, lúng túng đánh lửa. Ngọn lửa chiếu sáng khuôn mặt Phi, khuôn mặt đầy dấu vết bệnh tật. Phi lấy thuốc, châm vào ngọn lửa nhỏ, rít mạnh rồi ngồi dựa ra phía sau, một chân duỗi thẳng, một chân chống lên sofa, tư thế ngang tàng và phóng đãng. Phi nuốt khói thuốc, nói, tớ là bệnh tật! Tớ bị bệnh đường tình dục không buồn chữa chạy nữa, phải lây truyền cho bọn chúng rồi nói sau. Tớ có nhiệm vụ truyền bệnh, truyền cho những thằng đàn ông sĩ diện, để chúng truyền lại cho vợ. Những lúc rỗi rãi tớ thích nằm trong phòng tối kéo kín màn cửa để tưởng tượng đến vẻ thảm hại của bọn chúng khi bị lây bệnh. Tớ biết bệnh này không làm bọn chúng nản đâu, bọn chúng có con đường chữa trị kín đáo, thuốc nhập nội, giá rất đắt... Bọn chúng không thiếu tiền, sẽ có người cung phụng, biết đâu bọn chúng chữa trị rất thoải mái ở nhà, đằng ấy tin không nào? Tớ chỉ muốn tưởng tượng cảnh đau đớn khó chịu của bọn chúng, khó chịu, lúng túng nhưng lại tỏ ra đạo mạo, mẹ kiếp chúng lắm, tớ cũng đã từng đáng thương thế rồi. Chỉ có những lúc như thế tớ mới thấy mình không thấp hèn hơn bọn chúng, còn thản nhiên hơn bọn chúng nhiều. Đằng ấy thấy tớ thản nhiên hơn bọn chúng không nào? Đừng ngây dại nhìn tớ như thế, ôi, nói đi nào.
Khiêu thở dài, nói, Phi, đừng dày vò tớ nữa, đằng ấy thế nào? Nhất định xảy ra chuyện gì rồi, chuyện hệ trọng lắm ư? Gần đây, đằng ấy sống với ai... với người đàn ông nào, cho tớ biết được không?
Tớ ấy à, nhan sắc tàn phai, tàn phai, đằng ấy hiểu không? Gần đây tớ không sống với ai nữa, sống một mình ở Thâm Quyến, căn hộ của lão chủ trước khi đi mua cho. Nhưng đúng là tớ có chuyện rất hệ trọng, ngày càng ngờ một người. Đã có lần tớ nói với đằng ấy về ông Du Đại Thanh, ông Phó tỉnh trưởng chúng ta bây giờ, hai mươi năm trước là Giám đốc nhà máy cơ khí, tớ đã nói chuyện với đằng ấy biết, để được thuyên chuyển công tác tớ phải đưa thân xác và cái đồng hồ Bảo Thạch Hoa để nhử ông ấy, tớ đã ngồi lên lòng ông ấy và bị ông ấy tóm cổ đứng dậy rồi đuổi ra khỏi phòng làm việc, nhưng ông lại vi phạm quy chế điều tớ từ xưởng đúc lên làm nhân viên đánh máy chữ. Cả đời tớ chưa gặp một người đàn ông nào như ông ấy, ông làm tớ rất sợ nhưng rất muốn gần, mà tớ thì một lời cảm ơn cũng không dám nói với ông. Tớ cảm thấy ông không thích thổ lộ tình cảm riêng, ông không lạnh lùng, nhưng rất cứng rắn, không thể biết trong lòng ông ấy đang nghĩ gì. Khi tớ đi khỏi nhà máy cơ khí tớ dần dần quên ông, sau rồi cái nhà anh Thôi nhắc đến ông ấy. Năm ngoái, Thôi và Nhị Linh đến tìm tớ, Thôi đã có con gái lớn lắm rồi, nó thi đại học thiếu mất hai điểm, hai vợ chồng đến nhờ tớ tìm người quen. Tớ không nghĩ ra có ai quen ở lĩnh vực đó. Thôi bảo tớ đến nhờ lãnh đạo cấp cao. Tớ nói không quen ai là lãnh đạo cấp cao cả, Thôi nhắc đến ông Thanh, Phó tỉnh trưởng, ông Thanh trước kia ở nhà máy. Anh ta nói xong hai vợ chồng đưa mắt nhìn nhau, cái nhìn không lấy gì làm đàng hoàng, rõ ràng anh ta vẫn nghĩ như trước đây, cho rằng tớ với ông Thanh có chuyện gì đó, như anh ta nghi ngờ mỗi lần đánh tớ, nghi ngờ mỗi lần nằm lên người tớ. Với ánh mắt ấy và động tác ấy tớ không thèm chấp, điều thú vị là ông Thanh bây giờ là Phó tỉnh trưởng. Đằng ấy biết đấy, chưa bao giờ tớ quan tâm đến quốc gia đại sự, không bao giờ xem truyền hình, không bao giờ đọc báo, mãi đến lúc ấy mới biết ông Thanh là Phó tỉnh trưởng, thật buồn cười. Tớ bị xúc động một cách bất ngờ, rất vui mừng nhận giúp Thôi. Tớ gọi điện cho thư ký của ông Thanh theo số máy của Thôi đưa, giới thiệu tớ là công nhân cũ của ông hồi còn ở nhà máy cơ khí, một nữ công nhân bình thường, một nữ công nhân được ông Thanh giúp đỡ, vì việc của con cái phải phiền đến ông ít phút. Hai hôm sau tớ gặp ông ở văn phòng tỉnh. Chưa bao giờ tớ lại soạn sửa, chuẩn bị như thế, chưa bao giờ tớ phải chọn lựa áo quần, chưa bao giờ lại không bằng lòng với vẻ mặt mình như lần ấy đến gặp ông. Tớ biết mình đã già, mất hết tự tin. Mắt tớ thâm quầng, ngón tay trỏ và ngón tay giữa ám khói thuốc vàng khè. Trước khi trang điểm tớ phải đắp mặt để tươi lên, nhưng không có tác dụng gì, da dẻ xấu lắm rồi. Nhìn vào gương thấy hai má chảy xệ. Tớ phải kích thích hai bên má cho da thịt hồng hào lên một chút, thật là điên khùng! Với trang phục diêm dúa, tớ đến văn phòng ông Phó tỉnh trưởng, bỗng cảm thấy hai chân mềm nhũn. Tớ phát hiện ra căn phòng quá rộng, căn phòng rộng làm cho con người nhỏ bé hẳn đi, thấy mình nhỏ bé rất nhiều. Tớ đến trước bàn làm việc của ông, ông ngồi yên ở phía sau, chỉ cho tớ cái ghế đặt trước bàn làm việc. Ông nói: cháu Phi, lâu lắm bác không có dịp nói chuyện với cháu, đồng chí thư ký nói cháu muốn nhờ việc gì cho cháu bé, cháu bé lớn chưa? Tớ nói, thế này bác ạ, không phải con của cháu, mà là con chồng cũ của cháu. Tớ nói rất ngắn gọn chuyện của con nhà Thôi, bởi thấy ông vẫn như ngày nào, không thích dông dài lôi thôi. Tớ đưa tất cả hồ sơ của con nhà Thôi cho ông, cảm thấy ông rất chú ý đến tay tớ. Lúc này tớ bỗng nảy ra ý nghĩ kỳ lạ, thói quen bao năm lại mạnh dạn hiện về, tớ đưa một tay, cánh tay có những ngón ám khói thuốc đến trước mặt ông, sát gần mũi ông. Tớ nói: bác cứ xem tay cháu đi, bác có thể sờ, có thể sờ vào tay cháu. Tớ vừa nói vừa chuẩn bị để ông đuổi ra khỏi phòng làm việc như hồi xưa, tớ sẽ chẳng hối hận gì. Không ngờ, ông nhìn rất kỹ tay tớ, ông còn cầm bàn tay tớ nữa. Bỗng tớ thoáng xúc động, bởi phát hiện ra ông nắm tay tớ không như trai gái nắm tay nhau, ông để tay tớ vào lòng bàn tay ông, như cầm một bàn tay ấm áp, lại như cầm một vật dễ vỡ. Ánh mắt ông không có vẻ gì là thèm khát, cũng không sàm sỡ, ngược lại ánh mắt xa xăm nhìn tay tớ nhưng lại không nhìn. Tớ không thể giải thích nổi cảm nhận lúc bấy giờ, trong lúc ông nhìn tay tớ thì tớ cũng chú ý quan sát tay ông, thật là điều kỳ lạ: tay tớ với tay ông ấy giống nhau quá! Chắc chắn lúc ấy mặt tớ biến sắc, từ trong tâm linh có điều gì đó thôi thúc tớ rất muốn ngả vào lòng ông mà khóc, không như trai gái khóc với nhau, mà như đứa trẻ khóc với người lớn, đằng ấy biết không! Tưởng như ông đọc được ý nghĩ của tớ, ông buông tay tớ ra, nói, bác không thể nghĩ rằng con gái lại hút thuốc nhiều thế này.
Tất cả trở lại bình tĩnh, ông lại giữ khoảng cách cần thiết, tớ không còn đủ dũng khí để đưa tay ghé sát mũi ông nữa. Ông nhanh chóng kết thúc buổi tiếp khách, nói, việc của cháu bé bác sẽ cố gắng, lát nữa bác còn có cuộc họp, cháu cứ về đi. Được ông giúp, con gái nhà Thôi vào học ở Học viện Công nghiệp. Từ đấy về sau tớ không còn gặp ông Thanh nữa, mỗi lần gọi điện đến thư ký đều bảo ông đi vắng. Tớ nghĩ ông Phó tỉnh trưởng biết hết mọi chuyện của tớ, biết hết những chuyện không hay, tớ còn gì nữa để làm mất thì giờ của ông, có thể ông là... có thể ông là bố tớ chăng? Khiêu, đằng ấy cũng sẽ không bao giờ hiểu nổi, một cảm giác không sao ngăn cản nổi khi ông cầm tay tớ, sao mà mạnh mẽ đến thế.
Đó là chuyện hệ trọng đằng ấy định nói với tớ à? Khiêu hỏi.
Không! Phi ho sặc sụa, vẻ rất giận, nói: tớ rất giận, tớ ghét đằng ấy, vẻ khỏe mạnh của đằng ấy làm tớ không thể chịu nổi.
Khiêu quỳ bên sofa Phi đang nằm, nắm lấy tay Phi, nói, đằng ấy cũng sẽ khỏe lên, nhưng đừng hút thuốc, uống rượu vô độ như thế nữa. Đường Phi rụt khỏi tay Khiêu, nói: đừng sờ vào tớ, tớ sẽ lây bệnh cho đằng ấy đấy, tớ không bị bệnh tình dục, bây giờ không phải là bệnh tình dục, bệnh tình dục chẳng là gì! Gan tớ có vấn đề, gan, gan, ung thư gan, vào giai đoạn cuối rồi! Ôi, hãy cho tôi sống như bệnh tật, cho tôi sống như bệnh tật. Tôi là bệnh tật. Tôi là bệnh tật...
Trước mắt Khiêu trở nên mơ hồ, trên sofa là bé Thuyên phóng to đang khoa chân múa tay. Khiêu quỳ, không dám cổ vũ, không dám ngăn cản.
44
Khiêu biết tại sao tớ nói những chuyện này ra không? Tớ sắp chết, nhưng tớ sống vẫn chưa đủ. Đường Phi nằm trên sofa lầm rầm nói với Khiêu.
Khiêu lấy tấm chăn len đắp cho Đường Phi, nói, tớ gọi điện cho anh Tại đưa xe đến để chúng ta đi bệnh viện nhé! Đường Phi xua tay, cười đau khổ, nói, tớ vừa ở bệnh viện ra, đã có kết quả chẩn đoán, tớ không muốn về nữa. Hừm, bác sĩ giấu không muốn cho tớ biết, cứ đòi gọi người nhà đến, người nhà... Khiêu, đó là nỗi đau nhất của tớ, tớ đâu có người nhà, người nhà của tớ ở đâu? Lúc này tớ rất cần có người nhà, Khiêu nghĩ đúng không? Cho dù chỉ để thay tớ nghe thông báo về ung thư gan giai đoạn cuối.
Khiêu cắn chặt vành môi, tưởng như sắp bật khóc, nói, Phi, tớ tệ với đằng ấy quá, bao nhiêu lâu không gọi điện cho đằng ấy. Chúng ta đi bệnh viện thôi, đi ngay bây giờ. Đường Phi nói: đừng khóc, tớ hiểu và cũng ghen với đằng ấy, con gái đang yêu ai mà không ích kỷ, trừ anh Tại ra, tất cả đều thoái vị rồi phải không? Tớ sợ làm phiền đằng ấy, không gọi điện cho đằng ấy cũng vì thế. Thật ra, đã có lúc tớ nghĩ đến tự sát, nhảy lầu, đầu độc bằng gas, lấy lưỡi dao cắt mạch máu cổ tay... Tất cả đều không được, đau đớn quá, không thể hành động nổi. Chỉ có uống thuốc ngủ, không còn biết gì, yên tĩnh sang thế giới bên kia. Tớ đã đến hai hiệu thuốc, mua hai lọ thuốc ngủ, hai trăm viên đủ rồi. Về nhà tắm rửa thơm tho, trang điểm, thay vỏ gối, thay khăn trải giường, nhà cửa cũng quét tước sạch sẽ. Hồi đi làm tớ thường nghĩ đến cảnh tượng chết, nghĩ đến những người đàn ông đã sống với tớ, ai sẽ đau khổ khi hay tin tớ chết? Ai sẽ hối hận lúc đó không lấy tớ? Ai đã ân hận vì tàn nhẫn với tớ, đối xử với tớ như súc vật. Tóm lại cái chết của tớ sẽ chấn động tâm linh bọn chúng, cái chết của tớ làm cho một số trong bọn chúng phải ăn năn và đau xót. Tớ nằm trên giường đổ hai trăm viên thuốc ngủ ra một tờ giấy trắng, nói phải uống phải uống, thế rồi điên cuồng nghĩ đến các vẻ mặt của bọn đàn ông ấy, trước mắt như phim ảnh. Sau rồi tớ tỉnh ra rằng, một người cuồng nhiệt tưởng tượng ra các loại phản ứng của người khác sau khi mình chết sẽ là không thật, tớ càng nghĩ đến sự sám hối và đau đớn của người khác lại không muốn chết nữa, cuối cùng tớ đổ tất cả thuốc ngủ vào nhà vệ sinh. Tớ chết sẽ không lay động bất cứ tâm hồn một ai, tớ không chết, cần phải sống cho đến phút cuối cùng. Trong lòng chỉ có một nguyện vọng, muốn nhờ đằng ấy điều tra hộ... hoặc giúp tớ tìm hiều về ông Thanh, tớ biết thời trẻ ông ở Bắc Kinh. Đằng ấy thấy ông ấy có thể là bố tớ không? Ôi, chỉ có hai bàn tay hết sức giống nhau, còn lại không có bất cứ một bằng chứng nào. Mẹ tớ, cậu tớ không để lại bất cứ một điều gì.
Khiêu gật đầu trái với lòng mình, nói, tớ sẽ tìm cách giúp, đằng ấy cứ yên tâm. Nhưng trong lòng Khiêu lại nghĩ thật vô lý, đó chỉ là nỗi nhớ người cha quá mãnh liệt. Nhưng vào lúc này Khiêu không muốn phá vỡ suy nghĩ của Đường Phi.
Không ngờ Đường Phi lại cười, tự nhạo mình, nói, Khiêu, câu nói của đằng ấy tớ cũng đủ biết. Đằng ấy cho rằng tớ sẽ nhờ đằng ấy đi điều tra hộ sao? Tớ có là cái gì mà muốn leo lên đến ông Phó tỉnh trưởng, đừng nói đến chuyện ông là bố tớ; nếu thật, liệu ông có nhận một người con như tớ không? Thôi, đưa tớ về nhà, gọi điện thoại cho anh Tại đem xe đến đưa tớ về.
Hôm sau, theo yêu cầu của Phi, Khiêu và Do Do đến nhà Phi làm cơm, Phi muốn Khiêu và Do Do đích thân vào bếp, thực đơn cũng do Phi chọn: miến nướng, thịt lợn rán, bì lợn đông, trứng hấp thịt và tráng miệng bằng món bánh tiểu tuyết cầu. Đó là những món nhiều năm trước cả ba người cùng ăn trong bữa ăn đầu tiên, bữa tiệc thịnh soạn chỉ mất năm hào ba xu của Do Do. Đến giờ Do Do vẫn còn nhớ cách làm các món ấy, Do Do và Khiêu bận nấu nướng ở bếp, Đường Phi lại thèm món đầu thỏ. Khiêu nhớ lại, nhiều năm về trước, Khiêu và Đường Phi đi xem phim, Đường Phi mời Khiêu ăn món ăn ngon: đầu thỏ ba xu, thịt mà rẻ hơn một cây kem, vừa giòn vừa thơm. Khiêu bảo Trần Tại đánh xe đi mua, đáng tiếc ngày nay Phúc An không còn món ăn đó nữa. Kể cả "Nhà hàng Do Do" cũng không biết làm món ăn ấy.
Cả ba cùng ngồi ăn, theo thông lệ cùng uống chút rượu, uống rượu vang. Đường Phi đau đến toát mồ hôi cũng gắng dậy, cố lê ra ngồi, vẻ mặt bất hạnh. Đường Phi đưa đẩy ánh mắt, cố nhìn cuộc sống với dáng vẻ nhanh nhẹn, đẹp và trẻ trung. Không thể tin rằng người đẹp Đường Phi đã về, lấy giấy đỏ tô son cho Khiêu và Do Do để vẻ mặt hai bạn thêm tươi, Phi cũng sẽ khoác cái áo mưa để trình diễn Đêm Cairo. Đường Phi nâng chén rượu uống cạn, Đường Phi mơ màng, Đường Phi sống say và chết mộng, Đường Phi người đẹp không nao lòng.
Cả ba không ai thấy ngon nhưng đều gật gù khen, tỏ ra đã tìm lại được ngày xưa, với các món bì lợn đông, thịt rán đã tìm lại được niềm vui trong trắng không còn tái hiện. Chỉ có nước mắt là không nghe lời, không chịu hòa hợp với điều khoa trương của các cô gái, nước mắt rơi xuống chén rượu, rượu mặn, cả ba cùng cười.
Tất cả cùng cười.
Nửa tháng sau Đường Phi chết trong bệnh viện, chỉ có Khiêu và Do Do túc trực bên giường. Không một ai đến thăm Phi, mặc dù Phi cứ ngong ngóng nhìn ra cửa. Những người đàn ông kia đâu rồi? Những người đàn ông đã được tận hưởng Phi, coi Phi như đồ chơi và cũng bị Phi coi như đồ chơi đâu cả rồi? Sau đó Phi không nhìn ra cửa nữa, đôi mắt không còn sức để nhìn, Phi hôn mê từng lúc.
Một buổi chiều nắng đẹp Phi tỉnh lại, trông thấy Khiêu đang canh bên giường. Phi nâng cánh tay, nói, đến đây, đến đây! Khiêu nói, Phi, tớ đang ở bên Phi đây! Đường Phi vẫn nói, đến đây, đến đây với tớ! Phi chỉ lên miệng mình và nói, có thể Khiêu không tin, tớ qua tay rất nhiều thằng đàn ông, nhưng không một ai được đụng đến làn môi tớ, không một ai được đụng đến miệng tớ, tớ không cho chúng đụng đến. Có một lần, một gã buôn ô-tô quê mùa ở huyện mời tớ ăn cơm, trong bữa ăn lão ta bất ngờ tóm lấy cổ tớ đòi hôn. Tớ quay mặt đi và nói, ông làm cái trò gì thế. Hắn ta nói, em bảo gì? Tớ nói, ông không cần phải vất vả thế, tôi với ông có thể làm ngay bây giờ. Tay buôn ô-tô quê mùa mặt mày hớn hở nói, không ngờ được nghe cô em nói mà khoái quá! Tôi đã gặp hai loại con gái, những cô gái hạ cấp chỉ cần chốc lát là đụng được phần dưới của cô ta; cấp cao hơn thì chỉ được đụng đến phần trên trước. Tôi xếp em vào loại cao cấp, em xem, em xem... Khiêu, đến đây, đằng ấy đến đây, nghe tớ nói: miệng tớ sạch sẽ, đó là phần duy nhất còn lại. Cho tớ hôn đằng ấy đi, cho tớ hôn nào!
Đường Phi cố gắng chống người lên ôm lấy Khiêu, hôn lên má bên trái Khiêu bằng cặp môi tái nhợt và giá lạnh
Má bên trái Khiêu nóng dần lên, Khiêu cảm thấy bên má trái được in lên một vành môi, một vành môi. Mấy hôm sau khi đi đưa tang Đường Phi, Khiêu vẫn cảm thấy dấu ấn vành môi, vẫn còn dấu ấn vành môi. Một người đàn ông xa lạ tóc đã bạc đứng ở cửa nhà tang lễ nhìn vào khuôn mặt Khiêu làm Khiêu mất tự nhiên. Khiêu nghĩ có thể ông đã trông thấy vành môi trên má Khiêu, đó là cái có hình hài, có dáng dấp, có cuộc sống, không mất đi cùng với Đường Phi, vẫn lưu lại, là vật thể sống Đường Phi gieo trồng trên má Khiêu, vật thể sống ấy cứ lớn dần bên má Khiêu. Người đàn ông tóc trắng nhìn má Khiêu, nói, chị vừa đưa tiễn cô Phi? Khiêu hỏi, thưa, bác là ai ạ? Người đàn ông nói, tôi là, tôi là đồng sự của cô Phi hồi ở nhà máy cơ khí. Khiêu chú ý đến trang phục của ông, áo bông vải xanh, cổ lông, vẻ rất xưa, nhưng rất sạch sẽ. Khiêu hỏi, bác là bác Thích ạ? Người kia trả lời, tôi là Thích, nhưng sao chị biết tên tôi? Khiêu nói, trước đây... Đường Phi đã có lần nói chuyện. Ông Thích nói, chị là người nhà của cô Phi? Khiêu nói, không, tôi chỉ là bạn. Ông Thích hỏi, nhiều năm rồi không gặp lại cô ấy, người nhà cô ấy đâu cả? Khiêu nhìn xa xăm, nói, Phi không còn ai là thân thích nữa! Ông Thích, ồ...
Ông quay ra đẩy cái xe đạp, cái xe đã cũ, xe đạp Phượng Hoàng bằng thép măng-gan đã gỉ, vật tượng trưng cho một gia đình người Trung Quốc giàu có thời đó. Khiêu nhìn con "Phượng Hoàng" già cổ lổ và thoải mái, lòng trào lên tình cảm khó nói. Khiêu như gặp lại một người quen ly tán nhiều năm, như thấy lại câu chuyện của Đường Phi thời xưa ấy. Câu chuyện về cái xe đạp Phượng Hoàng mà Phi đã kể bỗng trở nên chân thực và đích thực làm sao, Khiêu nhớ lại sân trường, Thích dắt xe đạp vào, khóa trước phòng học, nhân lúc vắng người Đường Phi tháo lấy "giun" xe... Nhìn biểu tượng Phượng Hoàng trên con "Phượng Hoàng" già, Khiêu có cảm tình với con Phượng Hoàng biểu tượng dáng mềm mại, đẹp, đuôi vươn cao với các màu đỏ, vàng, xanh.
Ông Thích cưỡi xe đạp rời khỏi nhà tang lễ, bóng dáng ông hiền lành ngồi trên xe khuất dần. Khiêu cho rằng người công nhân già này, người công nhân tóc bạc, có thể là người đàn ông duy nhất chân thành yêu Đường Phi. Khiêu tin rằng, ông đã trông thấy dấu ấn vành môi Phi trên má mình, có thể ông còn mơ tưởng miệng Phi cũng đang nói chuyện trên má bên trái Khiêu. Có thể đó chỉ là cảm giác không đúng, do Khiêu quá nhạy cảm chăng.
45
Sofa vẫn đặt ở chỗ cũ, mặt vải xanh xám, mềm mại và sạch sẽ.
Khiêu kéo tay anh đến bên chiếc sofa dài kia, vừa lắng tai nghe ngóng. Lúc này tay anh trong tay Khiêu không phải là điều quan trọng, quan trọng là lắng nghe, lúc này quan trọng hơn là tai nghe của Khiêu. Căn phòng không bật đèn, tối, một lúc sau hai người mới quen với bóng tối, thật ra bóng tối cũng không dày đặc, ánh đèn nhà bên hắt qua ô cửa sổ không kéo ri-đô. Bốn bề yên tĩnh, Khiêu không nghe thấy gì, Khiêu không nghe thấy tiếng Đường Phi, cũng không nghe thấy tiếng bé Thuyên, sofa cũng không có tiếng gì, không có tiếng gọi nhức nhối. Tất cả khiến Khiêu có cảm giác trống trải lo âu và cũng là sự thanh thản không dám thừa nhận. Khi Khiêu nhớ Đường Phi cũng là lúc Khiêu yên tâm Phi đã đi xa, từ đó tưởng chừng bé Thuyên cũng mất hẳn trên chiếc sofa này. Chiếc sofa dài không một tiếng động, không một tiếng kêu.
Bỗng nước mắt đầm đìa khuôn mặt Khiêu, như khoan khoái sau khi giải lao, như sau một trăm năm không ngủ được đưa đến nơi u tối có thể an giấc. Nước mắt là nước mắt ấy, không nhanh không chậm xóa đi tất cả mọi cách trở trong tâm hồn, không nhanh không chậm trào lên mắt. Trần Tại phát hiện Khiêu đang khóc, anh hôn Khiêu trong ánh sáng mờ ảo lọt vào từ khuôn cửa sổ.
Anh nghĩ, có thể Khiêu quá đau thương. Hầu hết những người vừa từ nhà tang lễ về đầu óc đều bồng bềnh nỗi đau thương. Anh hôn để an ủi Khiêu, muốn bật đèn phòng khách. Nhưng Khiêu không cho, không cho anh bật đèn, cũng không cho anh hôn. Lúc này Khiêu đang buồn, bởi khi anh hôn lên má bên trái Khiêu cảm thấy má bên trái sẽ có vật thừa, vật thừa đó là làn môi Đường Phi. Điều này làm thay đổi tính chất cái hôn của anh, như không phải anh hôn, tựa như anh đang hôn lên môi Đường Phi. Bởi thế, Khiêu trở thành người giữa Trần Tại và Đường Phi, tuy Khiêu là người thân thiết của một trai một gái này, nhưng trong ánh mắt hai người không có Khiêu mà hai người chỉ bận giao lưu. Khiêu với hai người tựa như cái giường và đôi nam nữ ngủ với nhau, họ không rời khỏi giường nhưng lại không để mắt đến giường. Cảm giác này khiến Khiêu bức bối, lẩn tránh Trần Tại đòi hôn làm anh bối rối. Anh ôm ngang người Khiêu, đưa đến nằm ở giường, anh thấy Khiêu cần được nghỉ ngơi.
Khiêu nằm ở giường nhưng vẫn giữ chặt tay Tại. Trần Tại như được tín hiệu bắt đầu cởi quần áo Khiêu. Anh tưởng như đã cởi hết quần áo của Khiêu, tay chân thuận theo ý anh, tưởng như Khiêu bằng lòng làm như thế. Khiêu chỉ còn trên người một mảnh quần lót nhỏ hẹp, trắng sạch, phía trước ren hoa, chung quanh viền đăng-ten. Mảnh quần lót nhỏ bé kích thích anh, kích thích hơn cả khi Khiêu khỏa thân. Tay anh sờ vào đũng quần lót, ở đó một vùng nhỏ ướt nước làm anh rùng mình. Anh vạch quần lót của Khiêu, Khiêu giãy giụa không cho, Khiêu hướng dẫn anh cho vào từ một bên quần lót, anh vừa không thoải mái vừa cảm nhận một cảm giác mới lạ. Anh không hiểu tại sao Khiêu lại thích làm như thế, tưởng như cố tình không để anh thuận tiện, để chính mình không thuận tiện. Quả thông thoáng cũng có nghĩa là không thông thoáng, cũng như được tự do quá mức có nghĩa là không tự do. Nhưng anh nhanh chóng chán với cảm giác mới đó bởi đau đớn khó chịu. Anh kéo vội cái của nợ nhỏ bé kia ra và cho vào một cách thoải mái. Khiêu dần dần thoát khỏi nỗi bực dọc của má bên trái, còn anh thì cố làm Khiêu có cảm hứng, Khiêu phối hợp với các tiết tấu của anh, mong cho khoái cảm cùng đến với thân thể Khiêu và thân thể anh. Khiêu muốn anh làm tình với chính mình chứ không phải ai khác, Khiêu muốn tất cả những gì khác lạ đều thật sự qua đi.
Mỗi lúc Khiêu càng thấy nhạt nhẽo và tâm thần không còn nghe theo thể xác, Khiêu rất khó hiểu, má bên trái lại nóng lên đau đớn làm phân tán sự chú ý của Khiêu. Khiêu biết khi làm tình không được phân tán tinh thần, trên da thịt nổi nốt ngứa bằng hạt gạo có lúc cũng ảnh hưởng đến hưng phấn. Bây giờ má bên trái Khiêu đau đớn, nhưng Khiêu không trông thấy gì, động tác vẫn tiếp tục. Khiêu quên không buông tay Tại, Khiêu quên mình đang mong muốn lợi dụng động tác của Tại để loại bỏ nỗi xao xuyến của mình. Lúc này tư duy Khiêu trở nên mâu thuẫn, không hiểu tại sao mình cứ phải làm tình với Trần Tại vào lúc này. Nghĩ thế Khiêu không còn tiếp tục được nữa, Khiêu sỗ sàng nói, thôi anh! Rồi Khiêu đẩy anh xuống và lấy áo tắm vào nhà vệ sinh.
Khiêu tắm sơ qua, đứng trước gương ngắm nghía khuôn mặt mình. Khiêu thấy rõ dấu vết vành môi trên má trái, vành môi đỏ rõ nét, để tất cả những người quen biết Phi đều nhận ra vành môi Phi. Khiêu lấy khăn mặt, rồi dùng xà phòng thơm sát trùng đem từ nước ngoài về để rửa mặt, nhưng Khiêu vẫn không rửa sạch dấu vết cặp môi trên mặt. Khiêu nhìn khuôn mặt mình trong gương, không làm sao thoát khỏi nỗi vướng bận ấy, Khiêu phải nói chuyện, Trần Tại suy nghĩ gì mặc lòng.
Khiêu mặc áo tắm đi ra, như vừa từ ngoài vào, Khiêu đi từ cửa, lần lượt chính xác bật hết đèn, đèn tường, đền trên trần, đèn trước gương, đèn cây, đèn bàn lớn, đèn bàn nhỏ... căn nhà Khiêu rực sáng ánh đèn. Khiêu để Trần Tại ngồi trên sofa, mình ngồi đối diện, nói, em nói với anh chuyện này.
Trần Tại nhìn Khiêu đang bối rối ngồi trước mặt, nói, có cần thiết nói ngay trong buổi tối nay không? Khiêu nói, cần thiết. Trần Tại nói, có lẽ em nên đi ngủ, anh biết em mệt rồi. Khiêu nói, em không ngủ, em cũng không mệt, anh đừng lảng sang chuyện khác. Trần Tại nói, nhưng tinh thần em đang không ổn định. Khiêu cười nhẹ nhàng, nói, tinh thần em rất ổn định, chưa bao giờ em ổn định như lúc này. Anh còn nhớ cái chết của bé Thuyên không, trong sân chung cư chúng ta, ở cống nước bẩn trên con đường nhỏ trước nhà. Hôm ấy bé Thuyên đang chơi đào đất ở gốc cây, mấy bác đóng Tuyển tập Mao Trạch Đông gọi bé, bé chạy đến chỗ các bác ấy ngồi, bé đi, thế rồi ngã xuống cống, bé Thuyên mới hai tuổi. Em đã nói rồi, mà ai cũng biết chuyện. Không, chưa ai biết và cả anh cũng chưa biết. Khi bé Thuyên chạy đến chỗ các bác ngồi đóng sách thì em đứng sau bé, cách chừng mười mét, mười lăm mét gì đó. Em trông thấy cống nước bẩn, trông thấy cống hôm đó không đậy nắp, em và Phàm đều thấy. Chúng em còn thấy các bác ấy vẫy tay, các bác vẫy tay làm những bước chân chập chững của bé Thuyên càng vội hơn. Em không ngăn bé lại, không chạy theo giữ nó, em biết mình có đủ thời gian để giữ nó lại, nhưng em không chạy theo. Em và Phàm đứng yên, trông thấy bé Thuyên rơi xuống cống, hai tay dang như bay lên. Anh Tại, đó là em, là hình ảnh chân thực của em. Em không chạy theo cứu bé Thuyên còn kéo tay Phàm, không bao giờ em quên được em đã kéo tay thế nào và sức mạnh của bàn tay em lúc đó. Em đã từng giải thích vì sợ quá, người quá sợ có thể không có hành động gì, nhưng chỉ lòng em biết em không hoảng sợ, lúc ấy em tỉnh táo như bây giờ. Em không thích bé Thuyên, Phàm cũng không thích bé Thuyên, em không biết lý do nào để Phàm không thích, còn điều em không thích thì suốt đời em sẽkhông nói với ai. Em là hung thủ, là kẻ tội phạm công khai chạy trốn trừng phạt. Em không định nói sự thật tội ác này với ai, nhưng sau khi yêu anh em lại rất muốn nói với anh, không phải để bày tỏ sự thẳng thắn, nhưng thời gian càng lâu thì hình ảnh bé Thuyên ngã xuống cống càng rõ nét. Trái tim em không lớn, không đủ sức mạnh để yên ổn dấu mãi chuyện cũ, chuyện cũ cứ sôi sục trong em, em mong có ai đó giúp em, chia sẻ với em một nửa, người đó là anh. Em tin anh hơn ngàn lần tin ở chính em, nhưng em lại sợ mất anh. Anh Tại, bây giờ thì em đã nói ra rồi, em đang được thanh thản vô cùng, cho dù anh đối xử với em thế nào đi nữa, anh hiểu chứ!
Trần Tại nói, Khiêu, anh cũng muốn nói với em một việc, tất cả những điều đó Phàm đã nói với anh từ lâu. Anh nghe Phàm nói, không giận cô ấy, cũng không giận em, chỉ có cảm giác thương hại cho cô ấy, thậm chí anh cũng rất xấu hổ không dám nói với em về sự thương hại ấy. Phàm không phải là hung thủ, cô ấy đáng thương hơn em.
Khiêu nói, sao anh lại nói thế?
Trần Tại nói, bởi cô ấy muốn vạch tội người khác để chứng thực mình, cho nên nhất định em cũng không giận gì cô ấy.
Khiêu nói, đúng thế, em không giận Phàm.
Anh hỏi, thế thì vì đâu em lại căm giận bé Thuyên?
Khiêu thấy rất khó hé răng, khó hơn cả việc nhận mình là hung thủ. Nhưng Khiêu đã quyết định nói ra bằng hết: bởi bé Thuyên là con riêng của mẹ em và cậu Đường Phi.
Trần Tại nói, thế thì Đường Phi cũng là nguyên nhân của sự việc?
Khiêu không hiểu ý Trần Tại, nói: không, Đường Phi chỉ nói với em về điều nghi ngờ của Phi.
Trần Tại nói, anh còn nhớ lâu lắm rồi, cũng vào năm đó, buổi tối trước hôm bé Thuyên gặp nạn, mẹ anh lên cơn đau tim, anh đưa mẹ vào bệnh viện rồi trở về lấy chậu rửa mặt và bình đựng nước nóng. Khi anh đi xe đạp vào cổng thì thấy có người đi xe đạp phía trước, trông như Đường Phi. Lúc bấy giờ đã muộn lắm, gần mười hai giờ, anh nghĩ khuya khoắt thế này Đường Phi còn đến làm gì, chỉ có thể đến tìm em. Anh lại nghĩ, đến tìm em vào lúc này làm gì, hay là nhà em có chuyện gì chăng. Chính vì để ý đến em nên anh không kiềm chế nổi tò mò, anh lặng lẽ theo sau Phi, quả nhiên Phi đến dãy nhà em ở. Không muốn để Phi trông thấy, anh liền đẩy xe vào phía sau hàng cây sồi xanh. Phi không khóa xe để lên gác, đứng do dự một lúc rồi đẩy xe ra phía con đường nhỏ và đứng lại. Dáng vẻ của Đường Phi càng làm anh thêm tò mò, anh dựng xe bên gốc cây, nhẹ nhàng đến gần Phi. Anh thấy rất rõ, Phi đứng tần ngần trước miệng cống nước bẩn. Đứng tần ngần một lúc, nhìn chung quanh, rồi lấy từ xe đạp ra một cây móc sắt giống như que cời lò hồi nhỏ chúng ta vẫn dùng mở cửa lò, Phi móc vào nắp cống. Đường Phi ra sức kéo, cuối cùng mở được nắp cống rồi đặt sang một bên, miệng cống đen ngòm cũng hiện ra. Anh nghĩ, hay là Phi định nhảy xuống đây tự tử? Lại nghĩ, cái cống ấy rất nông, người lớn không thể chết được. Hay là Phi tìm gì dưới đó, Phi đánh rơi gì xuống? Không để anh nghĩ tiếp, Phi lên xe đạp, như phải về lấy thêm dụng cụ gì nữa hoặc gọi thêm người. Khi Phi đã đi xa, anh đến bên miệng cống, cống có mùi hôi, nắp cống để sang một bên, cái móc sắt cũng không thấy đâu. Anh không hiểu việc gì, mà thời gian cũng không cho anh nghĩ tiếp, bởi mẹ anh đang nằm viện. Anh canh cho mẹ một đêm, trưa hôm sau về thì nghe tin bé Thuyên rơi xuống cống. Ngay lúc đó anh nghĩ đến Đường Phi, Phi đã mở nắp cống để tìm gì nhỉ, mở nắp cống là mục đích của Phi. Lúc ấy anh cũng không biết tên Đường Phi, chỉ biết đó là bạn thân của em... Em thấy đấy, hồi đó vì thích em mà anh biết tất cả bạn bè của em. Rất nhiều, rất nhiều năm về sau, khi anh đã trưởng thành, em giới thiệu Đường Phi với anh, anh vẫn tin tối hôm ấy Phi là người mở nắp cống. Với anh điều ấy mãi mãi bí ẩn, anh không rõ tại sao bạn thân của em lại mở nắp cống để em của em rơi xuống và cho đến lúc này anh mới biết. Trong anh cũng có điều khó nói với em: anh là người duy nhất trông thấy người mở nắp cống, nhưng anh không đậy nó lại...
Khiêu như đã hiểu hết ngọn ngành. Khiêu tin ở ký ức Trần Tại. Tuy Đường Phi đã chết, không biết lấy gì để chứng thực. Có thể vì không còn gì để chứng thực thì tất cả mới hiện lên rõ ràng. Vào giờ phút cuối cùng Đường Phi rất muốn nói cho Khiêu biết, nhưng bệnh ung thư đã cướp đi dũng khí của Phi, Phi chỉ còn để lại trên má Khiêu vành môi muốn nói rõ tất cả.
Rất vui mừng em đã nói tất cả với anh.
Anh cũng vui mừng đã nói tất cả với em.
Bởi điều anh muốn nói không phải là việc chỉ riêng một em.
Việc của ba người.
Nhưng anh là người vô tội.
Không đúng, có nỗi ân hận trong lòng thì không thể vô tội.
Dũng khí của em đến muộn quá.
Nhưng em dũng cảm hơn anh, giữa anh và em tưởng chừng như có sự so sánh không thể biết về nhau. Nếu em không nói ra thì anh cũng không đủ dũng cảm để nói chuyện tối hôm ấy.
Khiêu đến bên Trần Tại rồi quỳ xuống, úp mặt lên đầu gối anh và nói, anh Tại, em yêu anh!
Anh ôm Khiêu đặt lên đầu gối mình và nói, Khiêu, anh yêu em!
Em yêu anh không gì có thể ngăn cản em yêu anh.
Anh yêu em không gì có thể ngăn cản anh yêu em.
Hai người ôm nhau và ngủ thiếp đi.
Sáng sớm, khi Khiêu vào nhà vệ sinh tắm, nhìn khuôn mặt mình trong gương bất ngờ không còn thấy dấu ấn vành môi trên má, má Khiêu bóng bẩy và sạch sẽ.
Đêm qua đắm chìm trong giấc mơ, nhưng lại rất thật như không phải mơ.
46
Để làm quen với ông Phó tỉnh trưởng Du Đại Thanh đối với Khiêu không khó. Nhưng Khiêu không muốn làm quen một cách thông thường, như phần lớn những người đến nhờ cậy ông việc gì đó, phải tìm người quen, quá nửa bị thư ký ngăn lại. Thậm chí đến thư ký chính cũng khó gặp bởi những người thường trực sẽ không cho. Khiêu không có gì cầu xin ông Phó tỉnh trưởng nên không đi theo con đường ấy. Khiêu muốn gặp ông Thanh để nói chuyện, nói chuyện Đường Phi, đó là những lời trăng trối của Phi, mà Khiêu cũng đồng ý giúp Phi, tuy Khiêu thấy có phần vô lý.
Cho nên Khiêu không muốn gặp theo cách thông thường.
Khiêu tìm một dịp tự nhiên, và dịp đó đã đến. Nhà xuất bản được thông báo, ông Du Đại Thanh, Phó tỉnh trưởng sẽ dẫn một đoàn đại biểu hữu nghị của thành phố Seoul thăm nhà xuất bản Nhi Đồng. Cùng với việc sắp xếp công tác đón tiếp Khiêu còn soạn sửa văn phòng của mình, đem một tấm ảnh chụp với Đường Phi mấy năm trước đến, ảnh do Trần Tại chụp: Đường Phi mặc áo len thụng đen, mái tóc buông xõa, vẻ mặt lả lơi nhưng đẹp, Khiêu đứng với Đường Phi, trông rất nghiêm chỉnh. Khiêu lồng tấm ảnh vào khung kính, cố tình để vào nơi dễ trông thấy. Khiêu nghĩ cách để ông Thanh đưa khách vào văn phòng của mình.
Khách đến, chỉ sau ít phút giới thiệu và nhà xuất bản tặng sách, Khiêu đề nghị mọi người tham quan nơi làm việc của biên tập viên. Gần với phòng họp là phòng khách nhỏ của Giám đốc, tiếp theo là phòng làm việc của Phó giám đốc.
Ông Thanh được đưa vào phòng làm việc của Phó giám đốc và tấm ảnh lồng khung kính để trên bàn đập vào mắt ông. Khiêu nhận ra ông Thanh chú ý đến tấm ảnh và ngay giây phút đó Khiêu bắt chuyện với ông. Khiêu nói, bác Thanh có nhận ra người trong ảnh là ai không? Ông Thanh ngập ngừng giây lát, giây lát, một giây lát mà người bình thường rất khó nhận biết, ông nói, phải, phải, tôi nhận ra rồi, hình như cô này là công nhân hồi tôi còn ở nhà máy tên là... Ông cố nhớ lại tên người trong ảnh. Khiêu đỡ lời, Đường Phi. Ông Thanh nói, đúng, Đường Phi. Ông không nhìn ảnh nữa mà quay ra khen thiết bị văn phòng khá hiện đại rồi đi ra. Khiêu theo ông ra hành lang và không bỏ lỡ thời cơ, nói, bác Thanh, Đường Phi là bạn của cháu, cháu có việc về Phi muốn nói với bác. Ông Thanh tỏ ra cảnh giác: nói với tôi? Khiêu nói, vâng, vì bác là lãnh đạo của Phi. Ông Thanh lại ngập ngừng, rất ngắn, ông nói, được thôi!
Ông hẹn gặp Khiêu.
Ông Thanh ngồi phía sau bàn làm việc rất lớn, từ xa nhìn Khiêu. Khiêu ngồi trên ghế đệm dành cho khách, nhìn ông từ xa. Năm ấy ông gần sáu mươi, tóc đã bạc, lưng vẫn thẳng. Khiêu thích những người đàn ông và đàn bà không nhuộm tóc, cảm thấy những người không nhuộm tóc trẻ hơn những người đội tóc giả đen nhánh. Vừa rồi, trên đường đến văn phòng ủy ban tỉnh, bỗng Khiêu lại muốn bỏ chạy như hôm ở sân bay Austin gặp Mark, như trước rất nhiều sự việc đã quyết định và đang bắt đầu thực thi. Chợt Khiêu nghi ngờ về ý nghĩa của lần gặp này, lẽ nào Khiêu lại bắt ép ông Thanh nhận là bố Đường Phi? Nếu thế thì thật buồn cười, làm sao Khiêu có thể coi những lời nói của Đường Phi trong cơn mê sảng là thật được? Cho đến lúc đứng vào thang máy dẫn lên văn phòng ông Thanh, Khiêu vẫn còn muốn bỏ chạy. Khiêu chú ý đến cúc áo thứ hai của một nhân viên văn phòng cùng vào thang máy, nghĩ bụng nếu anh nhân viên này ra trước thì Khiêu cũng sẽ ra theo mà không gặp ông Thanh nữa; nếu người này ra sau thì Khiêu đành phải gặp ông Thanh vậy. Kết quả người này ấn nút tầng bảy, còn Khiêu tầng ba.
Ông Thanh và Khiêu có một thoáng tĩnh lặng, lúc này Khiêu mới nhận thấy cái túi giấy để ở chân và nhớ ra cuốn sách sẽ biếu ông. Khiêu lấy cuốn Anh ngữ cho trẻ em in trên giấy thơm đóng bìa cứng, nói, đây là cuốn sách Anh ngữ mà Nhà xuất bản hợp tác với Canada, có thể cháu trai hoặc cháu gái của bác rất thích... Bác có cháu trai hay cháu gái ạ?
Không khí trở nên dịu hẳn xuống, "cháu trai," "cháu gái," những từ ấy có khả năng làm dịu bầu không khí căng thẳng. Ông Thanh nói: tôi có một cháu gái, tôi sẽ đem tập sách này về cho nó.
Khiêu nói, cháu với Đường Phi hồi nhỏ không có sách đẹp, hồi ấy nhà cháu chỉ có mấy cuốn tạp chí Phụ nữ Liên Xô, cháu với Phi cứ giở ra xem mãi, xem trang phục, xem các món ăn, đọc truyện...
Ông Thanh chú ý vào câu chuyện, nói, lúc bấy giờ các cháu mấy tuổi? Khiêu nói: cháu mười ba, Phi mười sáu, hồi ấy chúng cháu thích xem những chuyện chống gián điệp của Liên Xô như truyện Két sắt màu đỏ, Chuỗi hạt hổ phách...
Ông Thanh ngắt lời Khiêu, những truyện ấy có từ thời bác còn trẻ.
Khiêu nói, vâng, cháu nói chi tiết thì chắc bác sẽ nhớ. Có truyện thế này: một người đàn ông và một phụ nữ cùng sống trong một khu chung cư nhưng họ không hề làm quen với nhau, hàng xóm nhiều năm mà như người qua đường. Câu chuyện kết thúc thật hay, trinh sát khám phá ra một vụ án, người đàn ông ấy lại là gián điệp, người giúp việc của ông ta chính là người phụ nữ hàng xóm. Hai người làm việc với nhau bằng cách nào, thì ra trong tủ áo quần của người phụ nữ kê sát vách tường có một lối đi bí mật thông với nhà người đàn ông. Cứ tối tối chị ta vào tủ rồi sang nhà người đàn ông kia. Bác có nhớ chi tiết ấy không ạ, hồi ấy cháu với Phi sợ quá, câu chuyện kích thích nỗi sợ của chúng cháu. Từ hôm đọc truyện ấy, cháu cứ tưởng tượng tủ quần áo nhà mình cũng có cánh cửa bí mật. Buổi tối xem những truyện ngày cháu không dám để sách ở đầu giường, cứ phải để một nơi thật xa, sợ rằng gián điệp trong sách ra giết cháu. Một hôm Đường Phi mượn của cháu truyện Két sắt màu đỏ, hôm sau bảo với cháu Phi vứt sách đi rồi. Phi bảo khi về đến nhà thì trời đã tối, vừa đi vừa lẩm bẩm, cứ nghĩ gián điệp trong cặp sách đi theo, lá cây dưới chân cũng xào xạc, Phi sợ quá, liền lấy sách ra vứt đi, rồi co chân chạy thẳng một mạch về nhà. Phi còn hỏi cháu mượn quyển khác. Bác thấy hồi ấy bọn cháu thế đấy, vừa sợ vừa thích xem, xem rồi sợ, càng sợ càng thích xem. Sau rồi cũng ít đọc, cháu nghĩ sau khi Phi làm công nhân thì không đọc nữa.
Ông Thanh nói, tình bạn của hai cháu tồn tại cho đến bây giờ à?
Khiêu nói, có thể nói như thế. Hồi nhỏ cháu rất sùng bái Phi, Phi đẹp, đẹp từ bé, bác có nghĩ thế không?
Ông Thanh không trả lời. Khiêu cũng thoải mái dần, quyết tâm đem chuyện cô giáo Đường Tân Tân ra nói. Khiêu nói, Phi đẹp bởi mẹ bạn ấy, cô giáo Đường Tân Tân cũng rất đẹp.
Ông Thanh đưa mắt chú ý nhìn Khiêu, ông đang ngồi tựa lưng vào ghế đệm bỗng nhích về phía trước, nói, mẹ của Phi là cô giáo Tân, cháu cũng biết à?
Khiêu nói, hồi học lớp một cháu còn ở Bắc Kinh, học ở trường tiểu học Ngô Đăng Nhi, cô giáo Tân dạy toán lớp trên. Cháu trông thấy cô bị người ta đấu, trước ngực đeo một tấm biển, trên tấm biển viết "Tôi là... tôi là..."
Ông Thanh hỏi, tôi là gì?
Khiêu nói, trên tấm biển viết... "Tôi là một con đĩ." Họ bắt cô giáo cúi đầu, cô không cúi. Bọn họ bắt cô ăn phân, cô không ăn.
Cháu nói sao? Ăn phân? Ông Thanh hỏi.
Vâng, cô Tân phải ăn, nếu cô không ăn thì bọn họ lôi con gái là Đường Phi lên bêu trước công chúng. Lớn lên cháu mới biết, Đường Phi là con riêng của cô giáo Tân, Đường Phi là đứa trẻ không có bố.
Mười ngón tay ông Thanh đan vào nhau, từ xa Khiêu nhìn những ngón tay của ông, cố gắng không để tình cảm chi phối, Khiêu nghĩ bàn tay kia giống bàn tay Đường Phi quá. Có thể rất trùng hợp, nhưng vào giây phút này một ý nghĩ mãnh liệt Khiêu muốn thăm dò ông Thanh, Khiêu muốn biết tất cả sự thật. Khiêu nhìn đôi bàn tay tưởng như đang rất khó chịu, nói, sau đó cô giáo Tân chết.
Ông Thanh nói, phải, cô ấy chết hết sức thê thảm.
Bác biết cô Tân ạ? Khiêu hỏi.
Không, bác không biết cô giáo Tân, hồi ấy bác đã đi khỏi Bắc Kinh rồi.
Ý bác nói, nếu bác không đi khỏi Bắc Kinh thì có thể biết cô giáo Tân?
Không, có thể bác diễn đạt không chính xác, một người Bắc Kinh không nhất thiết phải biết hết người Bắc Kinh.
Cháu đồng ý với bác, ví như bác là người Bắc Kinh và cháu cũng là người Bắc Kinh, cùng ở Phúc An từ lâu rồi nhưng mãi đến nay mới nhận ra nhau.
Ông Thanh cười không thành tiếng.
Khiêu nói, Đường Phi không nghĩ thế, cho dù trong biển người, người cần gặp rồi cũng sẽ gặp được, ví như người thân, ví như cha mình, có thời kỳ Phi đinh ninh cha mình ở Bắc Kinh...
Ông Thanh nhìn đồng hồ cắt ngang câu chuyện của Khiêu, nói, xin lỗi, bác làm mất nhiều thì giờ của cháu quá, bác còn có cuộc họp. Đường Phi bạn của cháu trước đây là công nhân ở nhà máy của bác, cách đây ít lâu, có lẽ năm ngoái, cô ấy còn nhờ bác về chuyện học hành của con một người thân, bác đã giải quyết giúp, cô ấy còn việc gì bảo cháu nhờ bác giúp nữa không? Hoặc bản thân cháu có việc gì không?
Khiêu đứng lên, nói: không ạ, cháu và Đường Phi không có việc gì phải phiền đến bác, nhất là Đường Phi, từ nay Phi sẽ không còn tìm bác nữa đâu.
Tại sao? Ông Thanh hỏi và đứng lên chuẩn bị tiễn khách ra về.
Đường Phi đã chết!
Ông Thanh lại ngồi xuống và ra hiệu cho Phi cùng ngồi lại. Sau khoảnh khắc im lặng nặng nề, ông nói, bác không biết, thật đáng tiếc... ấy là bác nói thật đáng tiếc cho cô Phi. Cô Phi mất vì bệnh gì... bệnh gì thế cháu?
Thưa bác, Phi mất vì bệnh ung thư - Khiêu nói - Cháu ở bên giường lúc Đường Phi lâm chung, cháu là người nhà của Phi, người nhà... bác hiểu chứ? Phi là người con gái đẹp với trăm ngàn thương tích, nhưng Phi nói với cháu, duy nhất đôi môi Phi sạch sẽ, không một người đàn ông nào đụng được môi Phi. Rất nhiều lần Phi nói với cháu về người cha trong lòng Phi. Phi bảo không oán giận gì người cha. Cháu cứ nghĩ, Phi giữ đôi môi trong sạch đẹp đẽ là để dâng hiến cho người cha, nhất định Phi rất khao khát được hôn người cha bằng cặp môi trong trắng của trẻ thơ, cảm ơn người đã cho Phi sinh mệnh... Không ai có được nghị lực như thế, trừ phi biến điều ràng buộc thành niềm tin. Trong lòng Đường Phi có một niềm tin, bác muốn biết niềm tin đó không, đó là được người cha tìm kiếm và yêu thương. Bác khóc đó sao, bác có thể bảo cháu vì sao bác khóc không, khóc vì cái chết của một nữ công nhân ư? Phải chăng bác khóc vì cái chết của một nữ công nhân?
Ông Thanh gật đầu không rõ ràng, nói: bác nghĩ, cháu nên về đi! Bác biết cháu là bạn của Đường Phi, cháu tên là Doãn Tiểu Khiêu, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Nhi Đồng, Nhà xuất bản có việc gì cần cháu cứ tìm bác. Tóm lại, Đường Phi đã từng là công nhân của nhà máy bác. Thế nhé...
Giọng nói của ông Thanh trở lại bình tĩnh, ông ngồi ngay ngắn trên ghế. Khuôn mặt ông không còn nước mắt, có thể vừa rồi Khiêu đã hoa mắt. Khiêu vẫn không nhìn thấu ông. Con người ông, nếu không phải là người có sức kiềm chế mạnh mẽ, không phải là kỹ thuật biểu diễn cao siêu thì... là gì? Trừ phi ông không phải là cha của Đương Phi.
Từ trong trụ sở ủy ban tỉnh đi ra, Khiêu nghĩ mình không điều hành nổi cuộc nói chuyện với một nhân vật như thế. Hơn nữa, kết thúc câu chuyện ông vạch rõ khoảng cách giữa ông và Khiêu, Khiêu nhớ mãi câu nói của ông làm người khác có chút bực dọc: "Tóm lại, Đường Phi đã từng là công nhân của nhà máy bác."
Như thế, chỉ như thế thôi.
Lòng Khiêu quặn đau từng cơn.
Máy nhắn tin trong túi xách vang lên, bà Vũ gọi Khiêu.
47
Bà Vũ đã về hưu, nay hoàn toàn là người nhàn hạ. Cùng với tuổi tác, chứng hôn mê cũng mất theo, bà không còn chóng mặt hôn mê nữa, bởi bà không cần ẩn dật trong chứng hôn mê để trốn tránh cách mạng ở nông trường Vĩ Hà. Có thể trong cuộc sống của bà chỉ còn mấy thứ nho nhỏ cần lẩn tránh, đó là lẩn tránh chồng. Sự lẩn tránh này có ý nghĩa bắt buộc, không phải bà không thể không lẩn tránh, bởi ông Tầm ngày càng tỏ ra ghét bà ra mặt.
Ông Tầm không thể ngồi ăn cùng mâm với bà, ông không thể chịu được tiếng nhai chóp chép của bà. Lại còn tiếng súc miệng đến kinh thiên động địa của bà mỗi buổi sáng trong nhà vệ sinh và tiếng ho sù sụ không ngớt làm ông đến khó chịu. Ông nhớ, hồi trẻ bà đâu có thế, ông lại nghĩ có thể hồi trẻ bà đã thế rồi, nhưng ông không để ý đấy thôi. Thời trẻ vẫn là thời trẻ, trước khi vào đại học ông công tác trong đoàn văn công quân đội, ông thường nén chịu những lời châm biếm của đồng đội, ví dụ anh bạn này nói là nước bia: uống nước bia..., hoặc anh bạn kia gọi thịt là xịt: hôm nay nhà ăn có xịt... mọi người phá lên cười, nhưng Doãn Xích Tầm thì cho đó là trò đùa rẻ tiền. Hoặc như đồng đội viết thư mở đầu thường là "một ngày không gặp nhau tưởng như xa cách đã ba thu..." nhiều người cho đó là rất tình cảm, nhưng anh lại cho những lời khoa trương như thế thật khó chịu. Có anh bạn thích trò tầm chương trích cú chép vào sổ tay những câu chữ nghe rất kêu và đặt tên cho cuốn sổ của mình là "Lời vàng ý ngọc." Ai cũng khen hay, thật là kỳ diệu, nhưng Doãn Xích Tầm lại cho những "lời vàng ý ngọc" ấy nghèo nàn, nhạt nhẽo. Ông không nói nhưng vẫn cho rằng trình độ thẩm mỹ của mình cao hơn hẳn mọi người. Chỉ có điều ông không phát hiện ra tiếng vợ trong nhà vệ sinh. Ông tin rằng trước kia vợ mình không có thói quen ấy, mà chỉ từ khi đã đứng tuổi mới sinh ra thế, có gì đó tự hành hạ, như người bị bệnh thần kinh. Nhưng từ ngày về hưu phần lớn thời gian ở nhà với chồng, những tật xấu bỗng như nhân lên nhiều lần và như trút đổ lên ông.
Hai vợ chồng cãi nhau, ông trách vợ khi đánh răng thì tiếng bàn chải chà xát trên răng nghe đến rợn cả tóc gáy; trách vợ tối nào cũng xem truyền hình đến hai giờ sáng, ăn thì hết một lúc cả con gà rán; trách vợ pha trà cho khách bằng nước chưa sôi; trách vợ múc cháo khi còn đang nóng bỏng. Còn tính ngủ lười biếng của bà Vũ, còn dưa chuột rửa không sạch... Bà Vũ nghe những lời trách móc của chồng có lúc im lặng, nhưng có lúc cũng cãi lại. Khi cãi lại, ông bảo bà không còn biết đến lẽ phải; khi bà im lặng ông lại bảo im lặng khinh ông.
Kỳ thực bà Vũ chưa bao giờ khinh thường ông, bà im lặng bởi bà biết bà có lỗi lớn với chồng, không bao giờ gột sạch lỗi lầm với chồng. Lỗi lầm khiến bà không còn đủ tư cách để sám hối với chồng. Bà muốn đi chơi, chỉ có ít trông thấy chồng mới không bị ông trách móc. Đầu tiên là bà mẹ của Do Do gợi ý. Hôm ấy bà mẹ Do Do đội tóc giả đi chợ mua thức ăn thì gặp bà Vũ đang mua rau. Bà mẹ Do Do hỏi, bác thấy tôi đội bộ tóc giả này được không? Bà Vũ nói được lắm, trông như thật. Bà mẹ Do Do lại nói, những người không quen biết cứ nghĩ là tóc thật. Nhưng cũng có vài lần phát ngượng, một lần đội biểu diễn thời trang dành cho các bà lớn tuổi trình diễn trên sàn nhà văn hóa, bỗng trời nổi gió, thổi bay cả tóc giả làm mọi người cười ồ cả lên, thật ngượng. Sau đó cứ mỗi lần gió to bà lại phải nhớ cất tóc giả đi.
Ít lâu sau, bà Vũ được mẹ của Do Do giới thiệu vào đội trình diễn thời trang dành cho người già. Bà Vũ không thích tóc giả của bà mẹ Do Do bởi mái tóc thật của bà còn khá đẹp. Được cái nọ mất cái kia, bà Vũ khi mặc những bộ thời trang ra trình diễn lại nghĩ đến hình ảnh mình, xưa nay bà vẫn băn khoăn vì sống mũi mình không cao, không thẳng. Bà thấy cần phải đi chỉnh hình, trước hết phải phẫu thuật nâng cao sống mũi lên. Thời trẻ của bà phải sống trong bầu không khí "không thích điểm trang, chỉ thích vũ trang," bây giờ thì bà có quyền được làm đẹp rồi. Về nhà bà bàn với Khiêu, Khiêu lập tức thẳng thừng phản đối. Khiêu phản đối khiến bà Vũ không vui, vẻ bực tức của Khiêu càng làm bà muốn đi nâng mũi ngay. Mặt tôi thì tôi chịu trách nhiệm, tôi có đủ quyết tâm làm... Thế là bà Vũ đến mỹ viện để nâng mũi.
Bà rất hài lòng đối với việc bác sĩ phẫu thuật nâng mũi cho mình, trong gương bà thấy sống mũi mình cao hẳn lên, bởi sống mũi cao lên khoảng cách hai con mắt cũng gần lai, tuy không tương xứng lắm, nhưng nhìn chung vẫn là phấn khởi được đổi mới. Bà không ngờ từ đấy ông Tầm không nằm chung với bà nữa. Khiêu thì không những từ chối đi phố cùng mẹ mà còn rất ít về nhà. Khiêu vin cớ bận việc của nhà xuất bản, cả tháng trời ở nhà riêng không ló mặt ra ngoài, thỉnh thoảng lắm mới về qua nhà bố mẹ, Khiêu vừa cố lánh xa mẹ vừa từ chối để mẹ gặp, Khiêu có cảm giác chính xác rằng mẹ rất chú ý đến mình, cho dù mẹ đứng đằng sau Khiêu, cho dù mẹ đứng ở một góc xa Khiêu, cho dù khi Khiêu đang nhắm mắt ngủ... Khiêu biết rõ mẹ đang nhìn mình. Điều này làm Khiêu bực lắm, luôn nổi cáu, nói, mẹ, sao mẹ cứ nhìn con như thế, mẹ nhìn con làm gì, mẹ đừng nhìn con có được không!
Con ít về nhà, mẹ nhìn con xem sao, mẹ nhớ con, con biết không. Bà Vũ nói.
Mẹ chỉ nhớ nhất bộ mặt mẹ thôi.
Sao con lại nói mẹ thế, sao con lại nói thế?
Không nói thế thì nói thế nào? Con phải tôn trọng mẹ à? Mẹ phải tôn trọng mẹ trước đã.
Sao mẹ không tôn trọng mẹ? Mẹ đi nâng mũi là việc của mẹ, không gây thua thiệt cho ai, mẹ cũng không bắt ai phải đi nâng mũi với mẹ, điều ấy có liên quan gì đến tôn trọng hay không tôn trọng?
Nhưng lúc nào, ở đâu mẹ cũng bắt người trong nhà phải nhìn mẹ, bắt người trong nhà phải tiếp nhận khuôn mặt kỳ quái của một người xa lạ, khuôn mặt mẹ trước đây rất chân thật, rất tự nhiên, là khuôn mặt người thân của con, nhưng... con xin lỗi mẹ, con không thể chịu được vẻ mặt mẹ bây giờ, hoặc ít ra cũng phải cho con một quá trình làm quen!
Khiêu nói xong rồi bỏ đi, cơm cũng không ăn.
Bây giờ thì Khiêu phải về, mẹ gọi qua máy nhắn tin. Bà Vũ cũng rất ít gọi con gái, biết rằng gọi cũng không được. Nhưng hôm nay bà gọi, Khiêu nghĩ có lẽ ở nhà có việc gì, phải về.
Vừa vào nhà thì Khiêu thấy mẹ đeo kính đen ngồi ở sofa phòng khách. Người nhà mình đeo kính đen ngồi ở phòng khách nhà mình cho ngay cảm giác đóng kịch rất kệch cỡm, có gì đó chẳng lành, lại như có chút hài hước. Khiêu khó nói ra những cảm nhận phức tạp chỉ phán đoán rất bản năng rằng, cái kính đen trên sống mũi mẹ không có liên quan gì đến bệnh tật mà vẫn chỉ liên quan đến vẻ đẹp. Khiêu ngồi xuống, ngồi trước mặt mẹ, nhìn lướt nhanh khuôn mặt và cái kính đen trên mặt mẹ. Bởi sống mũi đã được nâng cao nên cái kính cũng vững hơn. Khiêu nghĩ, mẹ đừng nên chữa kính làm gì.
Khiêu hỏi thẳng mẹ, nhà có việc gì phải không?
Có việc hệ trọng, việc con với nhà anh Tại. Bà Vũ nói.
Con với anh Tại làm sao? Khiêu nói.
Mẹ nghe bà Do nói, anh ta đang đòi ly hôn, vì con.
Vì con?
Đúng thế, vì con.
Anh ấy chuẩn bị ly hôn chứ đâu có "đòi", anh ấy không "đòi" mà con biết chị Thìn cũng không "đòi," anh chị ấy bàn với nhau. Mẹ đừng nói "đòi" có được không, cách nói của mấy bà vô công rỗi nghề, ngồi lê mách lẻo.
Đòi hay không đòi không phải là điều quan trọng, quan trọng ấy là vì con, phải không nào?
Khiêu im lăng suy nghĩ giây lát rồi nói, đúng thế?
Khiêu, mẹ nghĩ cho đến lúc này, chuyện không có gì tốt đẹp đâu. Trong khu tập thể người ta đang kháo nhau, mà mẹ với bố con là đồng sự của bố mẹ nhà anh Tại, lại ở cùng một khu, ra vào gặp nhau, bố mẹ chẳng còn mặt mũi nào, hơn nữa...
Khiêu tỏ ra sốt ruột khó chịu, nói, hơn nữa cái gì?
Thế con giục mẹ nói hay bảo mẹ thôi đây? Hơn nữa ly hôn là chuyện phức tạp lắm, anh Tại lấy vợ mười năm nay rồi, chắc gì anh ấy bỏ vợ được?
Khiêu hỏi lại mẹ, làm sao mẹ có thể nói anh ấy chắc gì đã bỏ được vợ, việc của con tại sao mẹ không nói được một câu tốt lành?
Vì mẹ phải chịu trách nhiệm về con, mẹ và bố đều mong muốn cuộc sống của con tốt đẹp. Nhưng lấy nhà anh Tại ấy chẳng có gì hay ho đâu, tuổi tác hai người cũng lớn cả rồi, không thể bồng bột nhất thời được. Tại sao con không giữ được tình bạn như trước kia, như trước kia ấy, quan hệ của hai người trước kia vẫn tốt đấy thôi.
Quan hệ trước kia của chúng con rất tốt, nếu không có quan hệ tốt trước đây thì làm sao có được như hôm nay, cho nên không phải là bồng bột nhất thời, còn việc mẹ chịu trách nhiệm về con, con cảm ơn lòng tốt của mẹ, nhưng điều làm con khó chịu là, tại sao mẹ lại đeo kính đen để nói chuyện nghiêm túc như diễn kịch vậy. Mẹ có thể bỏ kính xuống để nói chuyện với con được không?
Mẹ đeo kính ấy là để tôn trọng con, mẹ vừa đi nâng mí mắt, phải mấy hôm nữa mới lành hẳn, mẹ sợ con không muốn nhìn, khi mẹ đi nâng mũi con cũng không muốn nhìn mẹ đấy thôi.
Mẹ đeo kính con càng không muốn nhìn.
Thì mẹ bỏ kính ra vậy.
Bàbỏ kính ra, hai mí mắt sưng đỏ khiến Khiêu không thuận mắt. Khiêu nghĩ, mẹ đang từng bước thực hiện chương trình làm đẹp, đúng là có lần bà nói mí mắt dưới sụp xuống, nâng mũi xong phải đi nâng cả mí mắt lên, bà còn định đi chẻ cằm đôi, căng da mặt, hút mỡ bụng, vân vân và vân vân. Bà đang liều mạng gây chiến với khuôn mặt, điên cuồng ném tiền vào mỹ viện, ai nói mặc ai. Đồng thời bà cũng rất dại dột, tại sao không biết nghĩ, với sắc đẹp hiện tại, mũi được nâng cao, mí mắt cũng được kéo lên, đeo kính đen thì làm sao có thể nói chuyện nghiêm túc với con gái được. Nói là mẹ quan tâm đến con gái nhưng đúng hơn cuộc sống cá nhân của Khiêu không thực sự đi vào lòng bà. Có thể xuất phát từ bản năng người mẹ bà không muốn cho con gái đi lại với một người đã có vợ đầy rủi ro, chưa biết lành dữ ra sao, nhưng bà không đủ khả năng thu xếp ổn thỏa, bày tỏ lo lắng và quan tâm, khuôn mặt quái dị của bà chỉ làm cho Khiêu thiếu tin tưởng.
Khiêu nói với vẻ xem thường, mẹ cứ tưởng con nghe theo lời khuyên của mẹ với bộ dạng mẹ như hiện nay chắc?
Bà Vũ nói, bộ dạng của tôi hiện tại làm sao? Dù sao đi nữa thì tôi cũng là mẹ chị.
Khiêu nói, không nhất định, mẹ của con đâu giống như thế này, ra phố có lẽ không nhận ra nữa. Mẹ còn định đi chẻ cằm, căng da mặt, lúc đó con càng không nhận ra. Tại sao mẹ cứ phải thế, mẹ không phải diễn viên, không phải người dẫn chương trình truyền hình, tại sao mẹ cứ phải chỉnh hình để con phải khó chịu, phải kinh hãi!
Bà Vũ nói, thôi, đừng thổi phồng sự việc ra nữa, có thật tôi làm chị kinh hãi không? Tôi làm chị kinh hãi mà chị còn ngồi đây cãi nhau với tôi?
Khiêu nói, con phải cãi nhau với mẹ bởi cảm thấy mẹ gọi con về để nói chuyện anh Tại ly hôn nhưng lòng dạ lại để đâu đâu, tất cả nhiệt tình của mẹ đều dồn cho khuôn mặt, cho cơ thể mẹ cả rồi. Mẹ không để cho con nói những điều trong lòng con, những lời một người con gái cần phải nói với mẹ, cả chuyện tình yêu, chuyện hôn nhân của con. Chưa bao giờ mẹ cho con thời cơ đó. Mẹ gọi con về cũng chỉ vì hứng thú của mẹ mà thôi.
Bà Vũ nói, tôi chẳng hứng thú gì sất, mà thật sự lo lắng cho chuyện của chị với anh Tại, tôi có chỉnh hình thế nào đi nữa thì cũng là mẹ chị!
Khiêu đứng dậy, nói: mẹ là một... là một...
Là một gì, là một gì?
Là một quái vật!
Ông Tầm từ trong phòng đọc sách đi ra, ông mắng Khiêu không được nói những lời thiếu lễ độ như thế. Ông còn nói, Khiêu chưa đi vội, bố có chuyện này nói với con.
48
Khiêu không muốn cùng bố vào phòng đọc sách, cố ý tìm một cái ghế ngồi cách rất xa.
Khiêu lấy làm lạ với thái độ của bố hôm nay, rất không bằng lòng bố đã đứng về phía mẹ để trách Khiêu không lễ độ. Đúng thế Khiêu nói những lời thiếu lễ độ, Khiêu tôn trọng gọi bà Vũ là mẹ, nhưng lại nói "mẹ là một quái vật." Nhưng sự thật là thế, điều này thì ông Tầm biết rõ hơn ai hết. So với lời thiếu lễ độ của Khiêu thì hình dáng bà Vũ làm ông bực hơn rất nhiều. Có thật ông phải chấp nhận sống chung dưới một mái nhà với một phụ nữ nâng sống mũi, kéo cao mí mắt, đeo kính đen, súc miệng khạc nhổ ầm ĩ, lúc nào cũng lượn lờ trước mặt ông không? Có thật ông trở nên đại lượng, chấp nhận tất cả như thế không? Hay là ông và bà đạt được nhận thức chung trong chuyện Trần Tại, tạm thời quên hết những chuyện chướng tai gai mắt của bà Vũ để cùng bà hướng tầm mắt vào Khiêu? Khiêu có dự cảm trong chuyện Trần Tại ý kiến của bố và mẹ giống nhau.
Quả nhiên.
Hơn thế, thái độ của ông Tầm còn cứng rắn, kiên quyết hơn vợ.
Ông nói rõ ràng rành mạch với Khiêu, bố phản đối con đi lại với nhà anh Tại
Chúng con rất nghiêm túc, anh ấy đang chuẩn bị ly hôn. Khiêu nói.
Thế nào gọi là đang chuẩn bị ly hôn? Tuổi con không nhỏ nữa, làm sao có thể dễ tin như thế?
Bố, bố làm như anh Tại lừa dối con. Con với anh ấy biết nhau từ lâu, mà anh ấy cũng biết bố mẹ từ lâu, bố biết anh ấy là người đứng đắn nhưng tại sao vẫn không công bằng với anh ấy như thế.
Bố hiểu anh ấy, nhưng không bị anh ấy mê hoặc như con.
Anh ấy đâu mê hoặc gì con, con không còn là trẻ con nữa.
Điều đáng thương là con không biết mình đang bị mê hoặc. Tất nhiên con bị anh ấy mê hoặc, mà anh ấy cũng có điều kiện để con bị mê hoặc: công thành danh toại, thiết kế nhiều công trình trong tỉnh, ngoài tỉnh, tiền cũng có, nhà cửa cũng có, có thừa thời gian và công sức để chiều con.
Thế nhưng bố xem ra con người ấy không có gì ghê gớm cả, chỉ là gặp thời, thế hệ trước phải hi sinh tất cả trong các cuộc đấu đá chính trị để đổi lấy sự thuận buồm xuôi gió của anh ta ngày nay. Anh ta đến nông trường Vĩ Hà chưa? Chưa! Thời bố bằng tuổi anh ta thì phải kéo xe gạch ở nông trường. Thời ấy, thiết kế của bố ở đâu, tác phẩm của bố ở đâu, bố thì ngày này qua tháng khác chỉ được thay trâu ngựa kéo xe. Trước mắt bố toàn là hầm hố, nhưng những người như bố phải nhảy vào, dùng sức lực cơ bắp để san lấp, và Trần Tại được đi trên đó. Còn những tác phẩm của anh ta, bố thấy không phải thành công tất cả, vị như tòa nhà xuất bản của Phúc An anh ta thiết kế, bố thấy không ra sao.
Khiêu lập tức ngắt lời bố, con thấy được đấy chứ, con thích nhất tòa nhà xuất bản do anh ấy thiết kế, thành phố Phúc An cần có những kiến trúc như thế, từ vật liệu đến tạo hình, giản dị, có cá tính.
Ông Tầm tỏ ra kích động nói, thôi cái cá tính của con đi! Tường ngoài nửa phần tòa nhà dùng gạch chịu lửa màu xám còn có thể, nửa nhà trên tại sao lại tỏ ra lập dị dùng gỗ lửa Brazil, anh ta có nghĩ đến không khí Phúc An khô, không thích hợp với gỗ ốp tường ngoài không? Vì nhà xuất bản nhiều tiền mới thông qua thiết kế ấy, đó là "cá tính" của con!
Thật kỳ lạ, tại sao khi nói đến thiết kế của anh Tại bố lại kích động đến thế?
Bố kích động? Bố chỉ nói lên suy nghĩ của bố, hay là tòa nhà xuất bản do anh ta thiết kế thì bố không được nói ra ý nghĩ của mình?
Được, được chứ, bố cứ nói thẳng ra thiết kế của anh ấy không ra gì, bố tỏ ra hứng thú khi bài bác những tác phẩm của anh ấy.
Bây giờ thì xem ai đang kích động? Nói thật, bố không quen với sự kích động bất chấp tất cả của con đối với anh Tại. Còn lâu anh ta mới thành một kiến trúc sư tầm cỡ, dù bố không đứng về phía chuyên môn, dù bố chỉ đứng ở phía người quan sát một kiến trúc sư thì bố vẫn có quyền phát biểu ý kiến của bố chứ!
Khiêu chưa bao giờ thấy bố kích động đến như vậy. Ông gần như tái mặt đi khi bình phẩm gắt gao về tác phẩm của Trần Tại khiến người ta nhìn ra điều đáng thương ở ông, đáng thương cho cả lớp người như ông. Đó là điều Khiêu không ngờ tới nhưng bây giờ thì đã nhận thấy. Khiêu muốn làm cho bầu không khí dịu xuống, rất muốn xoa dịu sự đáng thương của bố. Khiêu nói, bố, vừa rồi con thiếu bình tĩnh, thiết kế của anh Tại cũng có nhiều chỗ đáng tiếc...
Ông Tầm lớn tiếng cắt ngang lời Khiêu: không chỉ có chỗ đáng tiếc, có nhiều thiết kế của anh ta không thể chấp nhận được, ví dụ Quảng trường Mây bay ở trung tâm thành phố, trông như một quả đạn pháo bị vát đi một nửa, mặt vát trông như bộ mặt lệch, trên quả đạn pháo có bộ mặt lệch, xấu vô cùng, xấu vô cùng tận!
Khiêu cố nhịn, nói, con nói đáng tiếc không phải là Quảng trường Mây bay, Quảng trường Mây bay là tác phẩm được thưởng đấy thôi.
Ông Tầm nói, bố biết con thế nào cũng bênh anh ta mà, vừa rồi con nói con thiếu bình tĩnh đâu có thật lòng. Tác phẩm được thưởng thì sao nào, được thưởng không nhất định là đẹp; ngược lại, đẹp thì không bao giờ được thưởng.
Khiêu cảm thấy không thể nào làm bố dịu xuống được, không thể nào làm bố khỏi bị kích động. Khiêu không còn giữ nổi bình tĩnh, nói, bố nói đúng, có phải bố nói những thiết kế của bố là đẹp nhưng không được thưởng không? Phải chăng bố nói bây giờ bố không thể cạnh tranh nổi với cánh trẻ như anh Tại và như thế không có nghĩa là kém họ? Con hiểu ý bố, con hiểu ý bố rồi!
Chị đang châm biếm bố chị đấy à, có phải chị đang vì một người chưa biết có thể lấy làm chồng được không mà châm biếm bố chị?
Con biết anh ấy sẽ lấy con.
Tôi thì biết anh ta không lấy chị đâu.
Tại sao? Khiêu hỏi.
Bởi tôi là một người đàn ông, tôi cũng thường nghĩ đến ly hôn, chị biết không?
Thế sao bố không ly hôn đi, có thể trong cuộc sống của bố không có đối tượng yêu cụ thể nào.
Có thể thế, cũng có thể không.
Vậy bố không thể vì "có thể thế, cũng có thể không" của bố để ngăn cản hạnh phúc có thể đạt được của người khác.
Bỗng ông Tầm lớn tiếng, đứng lên đi đi lại lại trong phòng, nói: chị định nói gì, ý chị định nói gì?
Khiêu nói, lẽ ra con không định nói ý nghĩ của con, nhưng bố bắt con không nói không được. Con muốn nói là bố ghen tị, bố lo lắng, tâm lý bố không bình thường. Bố không muốn nhìn thẳng vào thành công của lớp trẻ, bố cũng không muốn nhìn thẳng vào những điều phiền muộn trong cuộc sống của bố. Bố, bố không dám thừa nhận ngay cả những tổn thương và dối lừa trong tình cảm. Bố nghĩ rằng từ trước tới nay bố là biểu tượng của người có thế mạnh chăng, bố cho rằng như thế bố sẽ quên đi quá khứ chăng? Kỳ thực bố không quên một điều gì, bố cũng không phải là người có thế mạnh, người ở thế mạnh không hơi một tí là bị kích động, nổi giận như bố. Thậm chí bố không thể biến sự kích động và nổi giận thành động lực đầu tư cho chuyên môn của bố. Bố vẫn thường nói thời đại đã lãng phí những năm tháng tài năng nở rộ của bố, bố cũng không còn cơ hội để đi du học ở Anh như anh Tại hoặc ở các nước khác. Thời gian không chiều bất cứ ai, bố cần dũng cảm thừa nhận thời gian không chiều bố, bố không nên trút giận vô lối lên anh Tại. Bố biết không, con không giận gì bố vừa rồi mạt sát không tiếc lời đối với thiết kế của anh Tại, con chỉ thấy buồn, con buồn cho bố. Con vừa nói với bố con không còn là trẻ con nữa, con đã trưởng thành. Con có thể hiểu được nỗi đau của bố. Từ nhiều năm nay, con là người hiểu bố. Nhiều lần, rất nhiều lần con muốn nói thay cho bố. Nhưng biểu hiện và thái độ của bố đã ngăn cản con, con biết bố đã biết cái "biết" của con. Bố rất sợ cái "biết" của con, bố cũng sợ con nói cái "biết" ấy ra, tưởng chừng bố đã đánh mất sự tôn nghiêm của một bậc gia trưởng, của một người bố. Tại sao từ trước đến nay bố không thử nghĩ sự việc không nhất định như thế, bởi nỗi đau của bố cũng là nỗi đau của con. Nhưng con là con gái, con đã phải có những hành động đáng sợ và ngu xuẩn để xua đi nỗi đau của gia đình mà suốt đời bố không thể nào biết, suốt đời con cũng sẽ không nói để bố biết.
Ông Tầm đứng ngay trước mặt Khiêu, nói: chị nói xong chưa?
Con nói xong rồi.
Xin chị cút đi cho tôi nhờ!
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Những Người Đàn Bà Tắm.