• 212

Lời Bạt - Kết -


Số từ: 3061
Nguồn: Isach
Dịch giả: Lê Minh Sơn
NXB Hội Nhà Văn
Cuốn tiểu thuyết của những cuộc đối thoại văn hóa
BẢN NĂNG ĐÃ MẠNH, NHƯNG LÝ TRÍ CÒN MẠNH HƠN
Con người hiện đại ở nước Trung Hoa sau cách mạng văn hóa đã được miêu tả trong nhiều bộ phim, cuốn sách, trong đó, nhịp sống của họ được đẩy lên tới mức hối hả. Người ta mở công ty sôi sục làm ăn; rồi buôn lậu, hối lộ, tham nhũng; rồi mưu mô với nhau, ghen ghét nhau, hành hạ nhau, và cũng hối hả uống rượu, hát karaoke, đi du lịch, vui chơi, hưởng thụ. Câu chuyện của các nhân vật chính trong tiểu thuyết mà trên đây bạn đọc đã đọc được khai thác theo một hướng khác. Đời họ được dồn lại trong những xung đột tình cảm, từ đó tác giả đẩy nó lên bình diện văn hóa. Chất bản năng của các nhân vật được miêu tả trong tiểu thuyết không phải là không mãnh liệt (so với một Vệ Tuệ không hẳn chịu kém!). Chỉ có một điều khác: bản năng trong họ quyện chặt với lý trí, được sự hướng dẫn của lý trí cao đẹp. Đường Phi có thể ngủ với nhiều người đàn ông từ già đến trẻ nhưng không tự nguyện chấp nhận Phương Kăng. Khiêu cũng đã nhiều phen lăn lóc với những người đàn ông khác nhau và đó đều là những người mà Khiêu yêu tận đáy lòng, nhưng cuối cùng Khiêu chẳng lấy ai trong số họ, mà lý do thì bao giờ cũng xác đáng. Sở dĩ như vậy là vì ngày tháng của Khiêu kéo dài như một quá trình liên tục đi tìm mình. Khiêu phóng chiếu con người lý tưởng trong mối quan hệ với Phương Kăng. Khiêu tưởng sẽ thay đổi đời mình trong quan hệ với Mark. Khiêu tin chắc sẽ tìm thấy bản thân do đó tìm thấy cái tôi đích thực trong việc quay lại với người bạn từ lúc lớn lên là Trần Tại. Rồi Khiêu thấy mình lầm cả. Nhưng chính trong cái lầm ấy chúng ta thấy Khiêu mạnh mẽ và bản lĩnh đến thế nào. Quả thật ở Khiêu chất lý trí quá đậm, nó làm khổ Khiêu, nhưng cô biết mình không thể nào khác. Để hiểu Khiêu, không thể bỏ qua một chi tiết. Có đến mấy lần tác giả để Khiêu tự nhận là Khiêu hay thay đổi ý kiến, làm gì cũng phân vân nghĩ rằng lẽ ra phải làm khác. Cái sự hay nghĩ tới nghĩ lui làm nên ở Khiêu một cốt cách tri thức. Con người là gì, là có một đời sống tinh thần phiền phức, mà phiền phức nhất là luôn luôn muốn đi tìm cái cao đẹp lý tưởng. Khiêu nghĩ vậy, tác giả cũng muốn chúng ta nghĩ vậy. Trong lời giới thiệu cuốn Thành phố không mưa của cùng một tác giả, chúng tôi đã lưu ý rằng Thiết Ngưng chủ tâm miêu tả con người Trung Quốc hiện đại mạnh lên đến như thế nào trên phương diện lý trí. Những người đàn bà tắm cho thấy điều dự đoán của chúng tôi không phải là vô lý.
TRONG MỐI LIÊN HỆ VỚI TOÀN NHÂN LOẠI
Không ít tác giả tiểu thuyết Trung Hoa gần đây đặt nhân vật vào mối quan hệ với người nước ngoài, từ đấy khai thác trình độ làm người mà các nhân vật bộc lộ. Điều đã xảy ra với các tác giả Quạ đen, Điên cuồng như Vệ Tuệ... đối với Thiết Ngưng càng trở nên thiết yếu và được sử dụng trên một bình diện lớn. Phương Kăng, Trần Tại đều có qua học và làm việc ở nước ngoài; Phàm em gái Khiêu còn sang ở hẳn bên Mỹ... Cho đến giai đoạn cuối, chúng ta thấy gì? Một quan chức cỡ lớn của địa phương, ông Thanh, nguyên phó trị trưởng, cầm trên tay cuốn sách viết về người Do Thái. Sau khi về hưu, có những vấn đề cơ bản của đời sống khiến ông đặc biệt bận tâm và ông đã phải tìm đến kinh nghiệm sống của người Do Thái để dựa vào mà suy ngẫm thêm. Sở dĩ ông muốn gặp Khiêu cũng là để trao đổi may ra tìm được câu trả lời cho cái câu hỏi còn bị bỏ lửng.
Nếu việc làm nói trên của ông Thanh chỉ bắt đầu từ những ngày về hưu thì với Khiêu, nó là việc cô theo đuổi trong cả đời. Trên kia chúng tôi đã nói có thể xem đoạn viết về mối tình của Khiêu với Mark như một cách để tác giả triển khai việc tìm hiểu Khiêu và trước tiên là giúp cho Khiêu hiểu về chính mình. Từ những đối thoại giữa Khiêu và Mark, người ta nghĩ đến cuộc đối thoại giữa hai nền văn hóa Trung Quốc và Mỹ nói riêng, phương Tây nói chung. Tinh thần đối thoại này thấm đượm trong cả cuốn tiểu thuyết. Cái điều ai đó từng khái quát "cuộc đối thoại với phương Tây làm nên nội dung chính trong lịch sử bộ phần còn lại của nhân loại" đã được chứng nghiệm. Khiêu có một cách nghĩ gần với phương Tây, nhiều mô tip lặp lại trong suy nghĩ và ngôn từ của cô (chẳng hạn hình ảnh cái nhẫn tan vỡ ở các chương cuối) là lấy từ văn học phương Tây. Bản thân kiểu nhân vật đi tìm mình cũng chỉ đến văn học phương Tây thế kỷ XX mới trở nên thịnh hành. Phương Tây đã trở thành một phương tiện để những người như cô đối chiếu và tự nhận thức. Rộng ra mà xét cả dân tộc Trung Hoa của Khiêu cũng vậy. Nhân đây, xin phép có một liên hệ. Hai chục năm nay, có một câu hỏi trở đi trở lại trong đầu óc tôi: "Các vấn đề của xã hội Việt Nam và xã hội Trung Quốc thoạt nhìn rõ rằng giống nhau thì trong thực tế lại được giải quyết khác nhau một cách kỳ lạ, tại sao như vậy?". Với tư cách một người viết văn, tôi thường tìm đọc các tiểu thuyết Trung Quốc mới được dịch ra để tìm cho mình những giải đáp. Đến với những bộ phim như Người Bắc Kinh ở New York, Đi sang châu Âu, những tiểu thuyết như Những người đàn bà tắm, tôi mới vỡ ra. Không làm gì có chuyện ăn may trên cuộc đời này. Cái điều mà sách vở và phim ảnh miêu tả thực ra cũng là những điều xảy ra trong thực tế: người Trung Quốc luôn sống cùng nhịp ở ngang tầm với thế giới, dù bao giờ cũng là khác so với thế giới. Và trước tiên, với các dân tộc khác, họ có sự tiếp xúc tự nhiên, có thăm dò, có tìm hiểu nhưng trước tiên là tin cậy. Rồi từ những vấn đề cụ thể của Trung Hoa, người ta luôn luôn có thể rút ra những vấn đề chung của nhân loại, nếu không thì tại sao tiểu thuyết hiện đại Trung Quốc lại có sức chinh phục đến thế với bạn đọc nhiều nước?
CON NGƯỜI SỐNG TỈNH TÁO HƠN SAU KHI PHẠM TỘI
Những người đàn bà tắm có thể được xem như cuốn sách tổng kết một chặng đường làm việc của tác giả. Ấn tượng đó nảy sinh một phần là vì cái xu thế triết lý khá rõ của truyện, nó cũng là cái không khí suy tưởng như một ám ảnh được kéo dài trong toàn bộ sách.
Nếu có một sự kiện nằm sâu trong cuộc đời của nhân vật chính, nó có mặt ngay trong lời dẫn ban đầu và còn theo mãi đến trang cuối của cuốn sách, thì đó là việc của Tiểu Khiêu có tham gia vào một vụ phạm tội dẫn đến cái chết của người em gái lúc hai tuổi. Trong một truyện ngắn mang tên Chơi vơi trời chiều, Thiết Ngưng cũng đã từng sử dụng mô-típ vì lòng ghen tỵ mà một đứa trẻ phạm tội giết người như vậy. Điều này khiến chúng ta nhớ lại cái mô-típ từng ám ảnh nhiều văn học thuộc loại cổ điển từ Tolstoi, Dostoilevski và sau này cả Kafka lẫn Hemingway: cái thiện là gì, cái ác là gì, tại sao chúng cùng có quyền tồn tại (trong Tội ác và trừng phạt, Raslolnikov nghĩ mình có quyền giết mụ già chủ hiệu cầm đồ vì đó là mọt cách xác lập lại công bằng hạn chế cái ác). Tuy nhiên có mấy điều đáng chú ý ở sự kiện được Thiết Ngưng miêu tả trong Những người đàn bà tắm: một, đây không phải là hành động ngẫu nhiên sản phẩm của một đầu óc non nớt ngây thơ. Nhân vật trẻ tuổi làm việc đó thực ra là đứa trẻ khôn ngoan, trên nhiều mặt đó là nhân cách đã trưởng thanh; hai, điều quan trọng hơn, sở dĩ Khiêu làm việc đó là do bị bức xúc quá, bị đẩy vào một hoàn cảnh không thể chấp nhận được, việc giết người xảy ra như nhổ đi một cái gai trong mắt, trước sau Khiêu làm sẽ phải làm; ba là sau khi phạm tội, cũng chẳng ai biết đâu là hung thủ, tội lỗi không bị lên án tố giác, chỉ có điều chính vì nhân vật là người có suy nghĩ, không tự buông tha cho mình, nên suốt đời Khiêu, cái chết của bé Thuyên theo mãi, ám ảnh mãi. Giá kể trong tay những nhà văn tầm thường người ta sẽ thấy câu chuyện được xử lý theo cái kiểu kẻ tốt bụng nhỡ phạm tội sẽ trở nên nhân từ đôn hậu ra sức làm việc thiện để chuộc tội. Nhưng ở Thiết Ngưng thì khác. Cái khắc khoải trong Khiêu là không hiểu sao mình lại hành động như vậy, và nếu điều đó là không thể tránh khỏi thì mình phải sống như vậy, và nếu điều đó là không thể tránh khỏi thì mình phải sống như thế nào cho hợp với tính cách của mình. Cảm giác cái gì cũng e dè "định làm lại bỏ" trong Khiêu mà ở trên chúng ta đã nói bắt nguồn một phần từ đây. Khiêu không dễ dàng tiêu hóa tội lỗi, nhưng đã suy nghĩ về nó là suy nghĩ đến cùng. Tuy tác giả không nói rõ, nhưng từ cách miêu tả, người đọc không khỏi nảy ra ý nghĩ: chẳng phải do cảm thấy lỗi lầm mà Khiêu biết sống tốt hơn đó sao? Cô hiểu đời hơn mà cũng cảnh giác với mình hơn. Trong lòng độc giả, thấp thoáng hiện ra những câu hỏi. Vậy có nên phủ nhận sạch trơn, đại khái cho rằng cái ác hoàn toàn vô lý và sau khi ác rồi, con người không thể quay lại lương thiện được nữa? Hay, bởi cuộc đời đã quá nhiều "cái thiện vô vị vô duyên", "cái thiện yếu đuối" rồi, nên trong chừng mực nào đó, có thể bảo đảm cái ác vẫn là một yếu tố có phần đắc dụng, giống như những loại độc dược nếu dùng quá liều sẽ nguy hiểm đến bản thân, nhưng nếu dùng đúng lại đạt tới công hiệu mà không loại thuốc nào khác có được?
CŨNG NHƯ SAU CÁCH MẠNG VĂN HÓA, XÃ HỘI BIẾT NHÌN NHẬN LẠI CHÍNH MÌNH
Sau một thời gian viết thiên về tố cáo thì những cuốn sách viết về Cách mạng văn hóa gần đây có vẻ bình thản hơn, tác giả của chúng chỉ muốn kể người ta đã sống như thế nào trong những năm tháng biến động và câu chuyện trong Những người đàn bà tắm cũng theo cái mạch ấy. Nhớ lại thì thấy: Doãn Tiểu Khiêu, gia đình của cô, bè bạn của cô không bị những gì gọi là lăng nhục quá đáng. Trước những xô đẩy ngoài ý muốn, sự thích ứng đã giúp con người trụ lại vững vàng. Ăn uống học hành, kiếm lấy một ít công việc làm béo bở, vụng trộm tìm kiếm hạnh phúc riêng. Tất cả những việc con người bình thường vẫn làm thì họ cũng làm, nhưng dầu sao vẫn có thể nói một cái gì như là tai họa xảy ra trong cuộc sống của họ. Chẳng hạn đoạn tả các nhân vật lo chuyện ăn. Tội nghiệp quá, nhất là ở vào một thời đại như thời đại hiện nay. Mỗi ngày một ít, rồi điều ghê gớm hơn đã xảy ra, họ không còn là họ nữa.
Vậy là dù chỉ viết về những chi tiết có vẻ đời thường thì đọc loại tiểu thuyết như Những người đàn bà tắm, người ta vẫn thấy không khí gọi là cách mạng ở Trung Quốc hai chục năm, chúng cắt nghĩa tính cách con người Trung Hoa hiện đại.
Tuy nhiên liên hệ với cái tư tưởng cái ác đôi khi có lý nói trên, từ tác phẩm mang tính chất triết lý này của Thiết Ngưng, tôi lờ mờ cảm thấy một điều: xét chung cả sự tiến hóa của lịch sử và với sự lắng lại của thời gian, người ta bắt đầu nghĩ lại về cách mạng văn hóa. Trong khi không thể làm lại quá khứ, họ biết rút ra từ quá khứ những bài học. Họ không chỉ nhìn cái sự kiện kinh khủng hôm qua như một lực lượng phá hoại mà hình như bắt đầu xem nó như một yếu tố có giúp gì đó cho con người trong việc nhìn nhận chính mình cũng như nhìn nhận đời sống. Lâu nay, nước nào cũng vậy, người ta chỉ nghĩ lấy thành bại luận anh hùng. Giờ đây mối quan hệ giữa con người và thành bại lại được nhân loại hiện đại phát hiện thêm nhiều khía cạnh lý thú khác. Có những thành tựu mà sau khi hoàn thành con người đâm nhỏ đi: người ta sinh ra quá tự tin đến mức tự mãn, kiêu ngạo, cho là nhất trời nhì mình, từ đó cho phép làm bậy xả láng để bõ những ngày khó nhọc. Lại có những tội lỗi khiến người ta giật mình, luôn luôn cảnh giác với mình và nhờ thế có thể vươn tới một tầm vóc cao hơn, nâng trình độ làm người của mình đến mức tốt đẹp hơn. Sau mười năm động loạn (1966 - 1976) người Trung Hoa ra khỏi cuộc cách mạng văn hóa trong cái tâm thế thuộc loại thứ hai vừa nói. Theo sự đọc được ít ỏi của tôi thì gần đây, bắt đầu có một số sách báo phương Tây viết theo hướng không phủ nhận sạch trơn mà nói tới những tác dụng khách quan của cách mạng văn hóa. Thiết Ngưng cũng vậy, từ khái quát nghệ thuật độc lập của mình, nhà văn đã góp phần làm mới mối quan hệ giữa cá nhân và lịch sử.
CUỘC ĐỐI THOẠI GIỮA CỔ ĐIỂN VÀ HIỆN ĐẠI
Có lần trong khi nói chuyện, em Khiêu là Phàm bảo rằng lời lẽ của Khiêu quái dị và nửa thật nửa dối. Khi triết lý chung về cuộc đời Khiêu thường bị ám ảnh bởi cái nghịch lý "trên đời này không gì hoàn chỉnh bằng trái tim tan vỡ". Vậy mà, nhìn chung trong tác phẩm, tác giả để cho Khiêu có một đời sống ý thức lấn át bản năng và ở chương sách cuối cùng lại có ý nghĩ "muốn tất cả bắt đầu lại". Tổng hợp chung, có thể bảo một nhân vật như vậy là giống như phần lớn con người bình thường chúng nửa cũ nửa mới, hoặc đúng hơn, phải nói các yếu tố hiện đại và cổ điển cùng có trong Khiêu, làm nên một cuộc đối thoại vô tận.
Ấn tượng đó còn chi phối chúng tôi khi nhìn chung lại toàn bộ cuốn sách ngay từ nghệ thuật dẫn truyện. Lối viết bám sát dòng ý thức, cách bắt đầu câu đối thoại mà cứ để trơn, không dùng dấu gạch đầu dòng, và lời dẫn của tác giả thì được đặt lẫn giữa lời nhân vật khiến cho Những người đàn bà tắm khá hiện đại. Song nhờ sự vận dụng nhuần nhị, những tìm tòi trên trở nên tự nhiên và toàn bộ vẫn toát lên một cốt cách cổ điển.
Không phải ngẫu nhiên, Thiết Ngưng thú nhận rằng mình lấy cảm hứng tác phẩm từ bức tranh của Cézanne và đặt cho nó cái tên Những người đàn bà tắm. Trong nền nghệ thuật đầy biến động của thế kỷ XX, P.Cézanne (1939 - 1906) là một tác giả lớn. Ông là người mở đầu của trào lưu hiện đại, nhưng cái hiện đại ở ông thuộc loại chắc chắn có sức bền, không bị lãng quên nhanh. Trong khi trở nên hiện đại, ông không bị thời gian vượt qua mà tạo ngay cho mình một cốt cách cổ điển, nghĩa là trường tồn cùng thời gian. Tương tự như vậy, một mặt Thiết Ngưng đi tới một tư tưởng hiện đại, và thường xuyên đối thoại với bạn đọc và các đồng nghiệp đương thời, mặt khác ngòi bút dường như luôn luôn hồi cố, với nghĩa lùi lại với lịch sử văn học, tìm cách trả lời những câu hỏi mà các tác giả cổ điển Đông Tây đã nêu ra, tức cũng là tìm cách đối thoại với họ. Trong hoàn cảnh của một người viết phê bình văn học loanh quanh ở Hà Nội và không đọc được bao nhiêu, sao tôi vẫn muốn tin rồi tác phẩm này của Thiết Ngưng sẽ không bị phôi pha rất nhanh như nhiều cuốn sách "nổi loạn" đương thời, mà, không biết chừng, vângkhông biết chừng, sẽ gia nhập vào kho tàng cổ điển của nền văn học Trung Hoa vốn giàu truyền thống lịch sử.
VƯƠNG TRÍ NHÀN
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Những Người Đàn Bà Tắm.